Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ

CHƯƠNG 30: CHUYẾN TÀU TỐC HÀNH XUYÊN SIBERIA



1. Tàu M.V Khabarovsk

Tại ranh giới phía Đông, tàu tốc hành Xuyên Siberia là một con tàu biển Nga đầy mùi mốc, cứ mỗi tháng lại hai đến ba lần rời khỏi vùng Yokohama đầy sương khói, đi qua các eo biển Tsugaru đầy gió và biển Nhật Bản – nơi có nhiều hải lưu gặp nhau và không còn bão tuyết – để tới Nakhodka thuộc vùng Primorsk băng giá, như một hòn đá ném đi từ Vladivostok. Đó là con đường phía Tây duy nhất tới Nakhodka, tuyến đường mà bệnh viêm phổi theo bão gió bay tới mạn tàu. Cũng giống như tàu hỏa, con tàu biển Khabarovsk mang phong cách của người Xô Viết: bí ẩn với sự khác nhau tinh vi giữa các hạng, nó đưa một người Mác xít được đào tạo đi theo để đề cao những điểm khác nhau đó. Tôi được ở trong một cabin bốn giường ngủ ở mé mặt nước, một trong những cách phân chia thứ cấp của hạng thường (cách mô tả này đúng hơn so với quảng cáo du lịch là hạng sang). Bruce và Jeff, hai người Úc ở giường trên đang lo lắng cho chuyến đi tới Siberia. Anders ở phía giường đối diện, một thanh niên Thụy Sĩ có khuôn mặt đầy mụn nhọt, một trong những kiểu mặt Scandinavia điển hình thường tự mãn về sinh lý với một trí tưởng tượng nghèo nàn. Anh chàng lắng nghe hai người Úc nói chuyện và rồi khi anh chàng cất tiếng: “Này, tôi nghe nói thời tiết ở Siberia rất lạnh,” tôi biết chuyến đi sẽ gặp nhiều sóng gió.

Vào chiều muộn của ngày đầu tiên, lúc chúng tôi đang rẽ vào các eo biển thì bờ biển Honshu có tuyết rơi. Mũi tàu Khabarovsk và boong trước đã bị bao bọc trong băng xanh. Ngoài những ngọn hải đăng lâu lâu lại xuất hiện và một vài tàu đánh cá han gỉ đang tự do thả neo giữa dòng biển mạnh thì chẳng có dấu hiệu nào của sự sống. Bờ biển và những dãy núi phía sau con tàu trông hoang vắng. “Kia là Osorayama,” một trong các sinh viên Nhật Bản nói, chỉ về phía một ngọn núi. “Trên đỉnh núi có ma quỷ sinh sống. Vì thế người ta chẳng bao giờ lại gần đó.” Đám người Nhật Bản đứng bên lan can, chụp vài kiểu ảnh về cái nơi quỷ quái này. Họ lần lượt chụp cho nhau, cầm một phiến đá nhỏ, ghi ngày, giờ, địa điểm lên đó: các kiểu chụp ảnh luôn giống hệt nhau nhưng thông tin trên phiến đá lại thay đổi rất mau chóng. Họ hầu hết đều là sinh viên, một số người là khách du lịch. Họ gồm khoảng hai mươi người và đang đi khắp nơi, nhưng chỉ có một người nói tiếng Anh. Một nhà xã hội học đang trên đường tới Sorbonne không nói được tiếng Pháp, cũng như người đàn ông đang trên đường tới Viện Max Planck không nói được tiếng Đức. Họ mang những cuốn sách thành ngữ và lật từng trang liên tục. Nhưng những cuốn sách thành ngữ này không giúp được gì nhiều trong giao tiếp. Chúng được những người Nhật Bản khó tính biên dịch ra và có những câu rất Nhật Bản trong đó, như: “Căn phòng này không hợp với tôi” bằng tiếng Đức, Anh, Ý, Pháp và Nga.

Tôi mang theo cuốn New Grub Street tới quầy bar, nhưng liên tục bị chặn đường: những người Nhật Bản xếp ghế, ngồi thành vòng tròn, cầm những cuốn sách thành ngữ giống như những người điều khiển đội hợp xướng đang cầm sách thánh ca, họ đang tìm hiểu về giá thuê phòng ở London. Một đôi vợ chồng Mỹ muốn biết tôi đang đọc cái gì; và còn có cả Jeff, ông người Úc lớn tuổi hơn đang trên đường tới Đức. Jeff có ba ngày để nuôi râu và ông có thói quen đội mũ bê rê để che đi cái đầu hói của mình. Ông thấy ghét con tàu này nhưng vẫn đang hy vọng:

“Anh đã ở trên cái tàu nào như thế này chưa?” ông ta hỏi.

Tôi đáp chưa.

“Nghe này, tôi có một người bạn đã từng ở trên một con tàu như thế này. Anh ta đi từ Sydney tới Hồng Kông, tôi nghĩ vậy. Anh ta bảo rằng mọi người đều rất vui vẻ khi tất cả vừa lên tàu, nhưng ngay khi ra biển, họ bắt đầu trở nên điên loạn. Anh hiểu ý tôi nói không? Họ hành động theo lối trước đây chưa bao giờ làm.” Ông ta liếc mắt và nói: “Như kiểu họ vừa đánh mất những đồ cẩm thạch quý giá của mình vậy.”

Đêm hôm đó người ta chiếu một bộ phim về Minsk trong phòng khách. Jeff đi xem và kể lại cho tôi nghe. Bộ phim mô tả Minsk là một thành phố đầy nắng, với những cuộc trình diễn thời trang, những trận bóng đá, và gần gụi với hình ảnh chi tiết về một nhà máy thép. Sau đó, các chiêu đãi viên người Nga chơi nhạc, tổ chức nhảy, nhưng có rất ít người tham gia. Hai người Nam Tư nhân viên của con tàu nhảy với hai thủ thư đến từ Adelaide; ông người Mỹ nhảy với vợ, những người Nhật chỉ xem và giữ chặt lấy mấy cuốn thành ngữ.

“Có ai bị mất bộ cẩm thạch không vậy?” tôi hỏi.

“Đây không phải là chuyến đi dài,” Jeff nói. “Đây chỉ giống như một buổi dã ngoại vào Chủ nhật ở trường học. Nếu anh hỏi tôi thì tôi cho rằng đó là vì người Nga đã tổ chức chuyến đi này.”

Người pha chế ở quầy rượu, một cô gái tóc vàng vẻ khỏe khoắn, đi đôi tất hồng ngắn đến mắt cá chân, lắng nghe Jeff than phiền. Cô hỏi: “Anh không hài lòng à?”

“Tôi hài lòng.” Jeff nói. “Chỉ là tôi chưa quen thôi.”

Nikola, một người Nam Tư nhập bọn cùng chúng tôi. Anh ta nói anh thấy rất vui vẻ khi nhảy và anh muốn biết tên của người thủ thư thấp hơn. Anh ta nói: “Tôi đã ly dị, ha ha!”

“Galina Petrovna,” tôi nói với người phục vụ, “cho một cốc bia nữa.”

Cô gái tóc vàng thôi không đan nữa, thì thầm với Nikola bằng tiếng Nga và rót đầy cốc bia của tôi.

Nikola bảo: “Cô ấy muốn anh gọi cô ấy là Galya. Như thế nghe dễ gần hơn.”

“Tôi nghĩ tôi chả được gì khi gọi cô ấy là Galya.”

“Anh nói đúng,” Nikola nháy mắt, “chả được gì cả.”

Chúng tôi nói chuyện về nước Nam Tư. Nikola nói: “Ở Nam Tư, chúng tôi có ba thứ: tự do, đàn bà và rượu!”

“Nhưng chắc chắn không phải cùng lúc có cả ba thứ đúng không?” tôi hỏi. Việc đề cập đến tự do đã khiến cuộc trò chuyện xoay quanh Djilas, một nhà văn Nam Tư bị ngược đãi.

“Về ông Djilas,” Nikola nói, “để tôi kể anh nghe. Khi tôi còn đi học, họ bắt tôi ngốn mọi sách của Djilas. Tôi phải học tất cả những gì ông ta đã đọc. Về Stalin. Anh ta nói, hừm, Stalin giống như Zayoosh, vị thần Hy Lạp. Không phải ông ta nghĩ giống như Zayoosh, nhưng trông giống Zayoosh – tai to mặt lớn. Tôi gọi Djilas là kẻ phản bội chủ nghĩa cộng sản. Đây là lý do. Ông ta đọc sách – một quyển sách lớn – có tên, hừm, Conversation with Staleen (Đối thoại với Stalin). Nhưng, hừm! Giờ thì ông ta nói Stalin là quái vật. Quái vật cơ đấy! Đầu tiên là Zayoosh, sau đó là quái vật. Tôi hỏi anh vì sao. Vì sao? Bởi Djilas là kẻ phản bội…”

Nikola đã từng là thuyền trưởng một con tàu Nam Tư. Giờ anh là nhân viên của một công ty tàu biển, anh đang trên đường tới Nakhodka để kiểm tra một tàu chở hàng bị hư hỏng. Anh ước mình vẫn là thuyền trưởng và đang nhớ lại thời điểm con tàu của anh gần như chìm trong bão ở eo Tsugaru. “Chúng tôi lúc đó đang vượt qua những dòng biển nguy hiểm.” Anh ta kể, “Đôi khi bạn phải cầu nguyện, nhưng không được để ai nhìn thấy.”

Đến đêm khuya hôm đó, quán bar của con tàu Khabarovsk chỉ còn lại đôi vợ chồng người Mỹ, Nikola, một vị khách người Ba Lan trông buồn rầu có cái tên tôi chưa nghe thấy bao giờ, và tôi. Đôi vợ chồng Mỹ nói rằng họ đã từng gặp ma. Tôi hỏi họ bằng chứng. Thế là họ kể cho tôi nghe những câu chuyện ma. Câu chuyện đầu tiên là về một con búp bê Nhật Bản mà họ từng mang theo. Nó có một chiếc mũi sứt. “Hãy vứt nó đi! Nó còn sống đấy!” Một người Nhật nói với họ như vậy. Nó có linh hồn. Họ đi tới một ngôi đền, rắc muối thành vòng tròn và làm lễ rửa tội. “Nếu không sẽ có điều xấu xảy ra với khuôn mặt chúng ta.” Tôi cho rằng chuyện đấy chỉ hoàn toàn là suy đoán đơn thuần. Họ lại kể tôi nghe một câu chuyện khác. Chuyện xảy ra ở New Orleans. Họ được tặng một cuốn sách kỳ lạ. Những vị khách được mời ăn tối thấy vô cùng thất vọng về ngôi nhà của họ, cuốn sách bỗng toả khói. Họ đốt cuốn sách trong một cái thùng đựng rác và một tuần sau đó ngôi nhà của họ cũng cháy rụi – không ai biết tại sao.

“Tôi có biết một nhà buôn qua các tài liệu cổ,” tôi nói và bắt đầu kể họ nghe câu chuyện rùng rợn nhất mà tôi biết, có tên “The Mezzotint” (Bản khắc) của M.R.James.

“Khiếp!” Người phụ nữ thốt lên khi tôi kết thúc câu chuyện. Chồng bà ta nói: “Này, thế là anh cũng gặp ma rồi à?”

Sáng hôm sau, chúng tôi rời khỏi các eo biển; tôi cứ ngỡ biển Nhật Bản sẽ yên bình hơn, nhưng thực ra lại tồi tệ hơn. Nikola giải thích rằng có hai dòng biển trong biển Nhật Bản, dòng hải lưu nóng Kyushu từ phía Nam chảy xuống và dòng hải lưu lạnh từ biển Okhotsk chảy đến: chúng gặp nhau và gây ra áp lực lớn. Suốt cả ngày con tàu bị cuốn đi trong bão tuyết và những con sóng lớn đập mạnh vào các cửa sổ. Tàu cứ dập dềnh đưa chúng tôi vào trạng thái không trọng lượng, khiến những chiếc chân vịt cũng như lung lay và ít phút sau thì mọi người bắt đầu nôn mửa. Say sóng thật đáng sợ – sợ con tàu sẽ bị đắm xuống vùng biển băng giá, sợ phải đối mặt với tuyết và những con sóng đập vào đám thuyền cứu hộ mỏng manh.

Vị khách người Ba Lan nói trông tôi rất mệt.

“Tôi phát ốm mất!”

“Làm một ngụm đi!”

Tôi thử một ngụm rượu Georgia, nhưng sau đó còn cảm thấy tồi tệ hơn, cứ như thể tôi vừa uống nhựa thông vậy. Con tàu rung chuyển dữ dội, nó trở nên náo động vì những tiếng gầm thét của sóng biển trên thân tàu, tiếng cánh cửa va đập, những cái tủ cốc chén đang long dần ra khỏi tường và rít lên với những chấn động dường như khiến chúng sắp nổ tung ra thành từng mảnh. Tôi trở về cabin của mình. Anders đang nằm trên giường, mặt tái mét. Jeff và Bruce đang rên rỉ. Bây giờ thì con tàu dường như không còn ở trên biển, nó đột ngột bay lên không trung trong khoảng năm giây và sau đó rơi xuống kèm theo từng mảng gỗ bung ra. Tôi không cởi bỏ quần áo. Thuyền cứu hộ số 7 là của tôi. Trong khi ngủ, Anders còn cố hét lên với tiếng khản đặc: “Không!”

Trước khi bình minh lên, sóng biển trở nên dữ dội nhất. Tôi cứ thế bị ném tung lên không từ trên giường mình nằm hết lần này đến lần khác, và một lần tôi cụng đầu vào khung giường. Bình minh lên, ánh sáng chiếu xuyên qua lớp băng trên các ô cửa sổ – mặt biển đã yên bình hơn. Tôi ngủ được khoảng một tiếng, trước khi bị đánh thức vì tiếng nói chuyện:

“Này, Bruce.”

“Hả!”

“Ned Kelly nhỏ bé của anh thế nào rồi?”

“Ổn.”

“Anh bị mất giọng rồi à?”

“Không.”

“Đi nào! Sóng dữ thật! Mấy cái giường này như địa ngục vậy.”

Jeff yên lặng trong giây lát. Anders lẩm bẩm gì đó. Tôi cố gắng bật chiếc radio đã mua ở Yokohama lên.

“Không hiểu bữa sáng có gì đây?” Cuối cùng Jeff nói.

Bữa sáng (xúc xích, ô liu, trứng vỡ, bánh mì ỉu) sẵn sàng phục vụ cho tám vị hành khách. Số người còn lại, bao gồm tất cả những người Nhật Bản đều bị say sóng. Tôi ngồi với vị khách người Ba Lan và Nikola. Ông Ba Lan và tôi trò chuyện về Joseph Conrad. Ông ta gọi Conrad bằng tên họ nguyên gốc: Korzeniowski. Nikola ngạc nhiên về mối quan tâm của tôi và nói: “Ông ta cũng viết về Stalin, ông nhà văn Korzeniowski ấy, đúng không?”

Đó là ngày cuối cùng của chúng tôi đi trên con tàu Khabarovsk. Trời nắng, nhưng nhiệt độ vẫn dưới không độ – trời quá lạnh nên không thể ở trên boong quá vài phút. Tôi vẫn ngồi trong quầy bar đọc Gissing. Đến tầm buổi trưa, Nikola dẫn theo sau một người Nga luống tuổi với mái tóc hoa râm. Họ uống vodka và cứ mỗi khi nhấp môi, người Nga đó lại bắt đầu kể những câu chuyện về chiến tranh.

Ông ta (theo như Nikola dịch lại) đã từng là người bạn đồng hành của anh trên một con tàu chở hàng cũ kỹ mang tên Vanzetti – tàu chị em của Sacco – do một tay nghiện rượu khét tiếng làm thuyền trưởng. Thuộc đoàn năm mươi con tàu hộ tống băng qua Đại Tây Dương, Vanzetti chạy quá chậm đến nỗi bị bỏ lại xa phía sau và một hôm, khi cả đoàn tàu hộ tống gần như mất hút thì một tàu ngầm của Đức tiến lại gần. Vị thuyền trưởng đã liên lạc bằng máy radio kêu gọi giúp đỡ nhưng đoàn tàu hộ tống không quay lại, bỏ mặc tàu Vanzetti tự lo liệu. Và không hiểu sao con tàu Vanzetti vẫn né được hai quả ngư lôi của tàu ngầm Đức. Quan sát một lúc, viên thuyền trưởng nghiện rượu lôi khẩu đại bác hoen gỉ của ông ta ra; ông bắn một phát, làm thủng chiếc tàu ngầm và làm đắm nó. Những người Đức cho rằng cái tàu cũ nát kia, được điều khiển bởi những kẻ bất tài, là một thứ vũ khí bí mật nên không làm phiền đoàn tàu hộ tống nữa. Khi con tàu Vanzetti ì ạch cập cảng Reykjavik, nước Anh đã tổ chức một bữa tiệc đặc biệt cho những người Nga đến muộn hai tiếng và đang hét lên những bài hát tục tĩu, còn viên thuyền trưởng say mềm vì rượu đã được thưởng huy chương.

Chiều đến, tôi nhìn thấy những con mòng biển, nhưng đã là năm giờ chiều trước khi nhìn thấy bờ biển Xô viết. Thật không ngờ, nơi đó toàn là tuyết. Khung cảnh màu nâu, bằng phẳng, không cây cối, một nơi u ám nhất mà tôi từng thấy; nó giống như một bãi biển mênh mông đầy thứ bẩn thỉu đông cứng vì bị một biển dầu đen đánh vào. Những hành khách người Nga, sau đó đã đi loanh quanh trên tàu trong bộ quần áo cũ kỹ, xỏ dép lê bọc nỉ, khoác vào những bộ vest nhàu nhĩ, đội chiếc mũ lông để chuẩn bị xuống tàu, còn dọc theo mạn tàu bên phải tôi thấy họ đang gài những tấm huy chương (“Công nhân gương mẫu”, “Hợp tác xã Yakutsk”, “Đoàn thanh niên Blagoveshchensk”) lên túi áo ngực. Con tàu cập cảng khá lâu ở Nakhodka. Tôi tìm được một nơi trú ngụ trên thân tàu, chỉnh sóng radio và nghe được bản nhạc Digan – tiếng violon chơi rời rạc như một điệp khúc cưa xẻ. Một thủy thủ mặc áo khoác rách rưới và đội chiếc mũ bẩn thỉu đang núp sau chiếc cần trục neo. Anh ta bảo tôi vặn nhạc to lên, bằng tiếng Anh (anh ta đã tới Seattle!). Anh ta cười rầu rĩ, cho tôi thấy hàm răng giả bằng kim loại. Anh từ Moldavia tới và đang ở rất xa nhà.

2. Tàu Vostok

Thành phố cảng Nakhodka của Siberia vào tháng Mười hai mang lại cho người ta cảm giác như đang ở bên rìa của thế giới, trong một không gian thiếu thốn sự sống. Cây cối trụi lá, mặt đất dày cứng không có cỏ mọc bên trên, đường phố không xe cộ, vỉa hè không người qua lại. Có những ngọn đèn sáng, nhưng chúng giống như đèn cảnh báo cho những ai bị lạc gần Nakhodka rằng đây là một nơi rất nguy hiểm và chỉ có sự trống rỗng bên trong. Thời tiết dưới không độ làm cho ta thấy xung quanh thật vô vị và chẳng có âm thanh nào phá vỡ được sự yên ắng nơi đây. Nakhodka khiến người ta thấy có cơ sở cho ý niệm trái đất này là một mặt phẳng.

Tại nhà ga (tên đầy đủ là Ga Tikhookeanskaya – như trong sách quảng cáo du lịch), một tòa nhà xây bằng vữa theo lối cân xứng của nhà thương điên Kabul, tôi bỏ ra sáu rúp để được chuyển từ vé hạng thường sang hạng sang. Nhân viên ở đó nói điều này là không thể được nhưng tôi vẫn nài nỉ. Có hai giường ngủ trong một khoang hạng sang, bốn giường đối với hạng thường và tôi đã nhận được một bài học bổ ích về việc quá tải trong một khoang ở tàu Khabarovsk. Việc đi lại ở Nga đã khiến tôi có ý thức về các thứ hạng. Và bây giờ tôi có nhu cầu xa xỉ, một nhu cầu không hề có ở Nhật Bản, nơi thủ tướng có toa riêng (thậm chí còn dành mười một toa riêng cho Nhật hoàng). Thế là tôi chọn một giường ngủ sang trọng ở toa số 5 của tàu Vostok.

“Vâng, anh thắc mắc điều gì ạ?” Một phụ nữ đội mũ lông hỏi. Sân ga đang đóng băng và nhằng nhịt những vết chân giống nhau trên mặt băng. Người phụ nữ thở ra cả hơi nước.

“Tôi đang tìm toa số 5.”

“Toa số 5 bây giờ là toa số 4. Anh vui lòng tới toa số 4 và đưa ra biên lai. Xin cám ơn!” Người phụ nữ sải chân bước đi.

Một đám người đang đứng trước cửa toa mà người phụ nữ kia vừa chỉ cho tôi. Tôi hỏi người ta đây có phải toa số 4 không.

“Nó đấy!” Một người Mỹ trông có vẻ bí hiểm cho biết.

“Nhưng họ không cho chúng ta vào,” vợ của ông ta nói, “ông kia bảo chúng ta phải đợi.”

Một nam công nhân ăn mặc trông như một con gấu xám tiến đến. Anh ta dựng một cái thang với vẻ quan tâm đến mấy thứ máy móc vô nghĩa như kiểu một diễn viên trong một vở kịch thử nghiệm với mục đích tránh nhàm chán cho khán giả. Bàn chân tôi đang dần đóng băng, đôi găng tay Nhật Bản bị gió lùa vào dễ dàng, mũi tôi cũng đỏ lên như một miếng băng, thậm chí đầu gối tôi cũng đã lạnh cóng. Anh công nhân dùng móng tay lần mò từng bảng kim loại một.

“Jeepers, em lạnh quá!” Vợ người đàn ông Mỹ cất tiếng. Và cô ta bật khóc.

“Đừng khóc, em yêu!” Người chồng nói rồi ngoảnh ra hỏi tôi: “Anh đã thấy cảnh này bao giờ chưa?”

Người công nhân trên chiếc thang gỡ số 4 ra khỏi thành toa, đẩy số 5 vào khe, cố định bằng nắm đấm, gỡ chiếc thang xuống, ấn cho thẳng lại rồi ra hiệu cho chúng tôi vào bên trong.

Tôi đã tìm được khoang của mình và nghĩ chuyện này thật kỳ lạ. Nhưng rồi tôi cũng thở phào và tận hưởng niềm vui sướng tột bậc mà một hành khách có thể cảm nhận được: không gian sang trọng nhất, gian phòng tiện nghi nhất mà tôi được biết trong suốt ba mươi chuyến tàu từ trước tới nay. Ở đây, trên con tàu Vostok, đỗ ở một sân ga có vẻ như hoang vắng nhất trong vùng Viễn Đông Xô viết, lại có một gian phòng có thể nói là tựa như của nữ hoàng Victoria, tất nhiên đó là thời trước cách mạng. Bản thân toa này trông như một chiếc đi văng hẹp trong một quán rượu sang trọng ở London. Sàn hành lang được trải thảm, gương treo mọi nơi, những vật bày biện bằng đồng sáng bóng hợp với đồ gỗ được đánh véc ni cẩn thận; rồi có cả hình những cây anh túc được khắc trên quả cầu thủy tinh của một đôi đèn đỏ bên cạnh những chiếc gương, làm cho những rèm cửa bằng nhung đỏ và những con số La Mã trên cửa ra vào của gian phòng cũng sáng lên theo. Số La Mã trên cánh cửa khoang của tôi là VII. Tôi có một chiếc ghế rất dễ chịu vì những tấm vải bọc được đan móc khéo léo và ghim chặt vào ghế; một tấm thảm dày trải trên sàn nhà và một tấm khác trong nhà vệ sinh, ở đó có chiếc vòi hoa sen trắng bóng nằm cuộn lại cạnh bồn rửa. Tôi đấm đấm vào cái gối: hóa ra bên trong đầy lông ngỗng ấm áp. Và tôi ở đây có một mình. Tôi đi đi lại lại trong phòng, xoa xoa tay rồi châm một tẩu thuốc, xỏ dép lê, khoác chiếc áo choàng mới của Nhật và tự rót một cốc vodka lớn. Tôi ngả lưng xuống giường, tận hưởng chuyến đi chín mươi sáu nghìn ki lô mét từ Nakhodka đến Moscow, chuyến tàu dài nhất trên thế giới.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.