Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ

CHƯƠNG 25: TÀU KHÁCH HUẾ – ĐÀ NẴNG



Từ trên không trung, mặt nước xám xịt của Biển Đông không phản chiếu ánh sáng trông thật giá lạnh, quanh những đầm phá quanh co có những ngôi mộ hình tròn của Phậi tử và kinh thành Huế nằm nửa chìm nửa nổi giữa những lớp băng trầm tích. Nhưng đó là cát ướt, không phải băng tuyết, còn những ngôi mộ tròn thực ra là hố bom. Huế có một vẻ ngoài kỳ dị. Ở Sài Gòn có rất nhiều dây thép gai trên những chướng ngại vật nhưng thật ra không bị chiến tranh hủy hoại nhiều; ở Biên Hòa có những căn nhà bị bom thổi bay; ở Cần Thơ có chuyện về các cuộc phục kích và một bệnh viện đầy người thương vong. Nhưng ở Huế tôi có thể tận mắt thấy và ngửi được mùi của cuộc chiến: đó là con đường lầy bùn hằn vết xe tải quân sự, những người mang bị chạy qua cơn mưa, những binh sĩ băng bó lê bước giữa cơn gió mùa nhớt nhát trong thành phố đổ nát, hoặc nhìn ngó xung quanh qua nòng súng trường từ trên những thùng xe tải chật kín. Chuyển động của những người này thể hiện sự kiệt quệ đồng đều. Những cuộn dây thép gai đối xứng được đặt trên hầu hết các con phố, những căn nhà được bao bọc bởi các bao tải cát xếp chồng xốc xệch. Ngày hôm sau, ở trên tàu, Hổ Mang Một (cùng với Hổ Mang Hai và Dial đến tham gia chuyến đi) nói, “Nhìn xem, căn nhà nào cũng có vết đạn riêng!” Điều này đúng; rất ít căn nhà không bị dính những vết đạn đầy bạo lực và hầu hết nhà cửa đều dính một loạt lỗ đạn như xẻ tường ra vậy. Cả thành phố nhuộm một màu đen tối của bạo lực, những dấu vết của cuộc tấn công vẫn còn trên những vũng nước dềnh lên. Thành phố vẫn giữ được vài dấu vết của thiết kế thời phong kiến (kiểu Việt Nam, kiểu Pháp) nhưng nét tinh xảo này chẳng khác những lời thất hứa là mấy.

Trời rất lạnh, cái lạnh đột ngột từ bầu trời sà xuống thấp và từ cơn mưa phùn kéo dài trong những căn phòng ẩm ướt. Tôi đi đi lại lại, tự ôm lấy mình để giữ ấm trong suốt bài giảng của mình ở Đại học Huế – một tòa nhà kiểu cách thời thực dân, thực sự trông chẳng có vẻ hàn lâm chút nào mà giống một cửa hàng Morin Brothers kệch cỡm, nơi những nhà quản lý đồn điền ở vùng hẻo lánh sử dụng làm nhà khách và kho dự trữ. Tôi giảng bài trong một căn phòng từng là phòng ngủ, từ ban công đầy gió tôi có thể nhìn thấy khoảng sân bỏ hoang, ao cá đã nứt vỡ và những cánh cửa tróc sơn trên cửa sổ các căn phòng khác.

Sau đó chúng tôi lái xe lên một dốc đứng bên trên Lăng mộ Hoàng gia, bên dòng sông Hương. “ Đây là khu vực cộng sản Việt Nam,” đó là lời ông Mc Taggart, một quan chức của USIS[1]. Ông có mái tóc trắng, tính tình vui vẻ, luôn tự nấu ăn và đôi khi đạp xe ra đến tận đây rồi luyện nói tiếng Việt với đám lính canh trên dốc. Bên kia sông, đất của cộng sản Việt Nam là những quả đồi trơ trọc vì bị phun thuốc rụng lá. Nhưng đôi khi vẫn xảy ra những vụ bắn nhau. Một con tàu của Quân lực Việt Nam Cộng hòa nổ máy bình bịch tiến sát vào bờ của địch quân và bắn lên trên đồi suốt buổi chiều, chẳng vào một mục tiêu cụ thể nào cả, giống như con tàu chiến của Pháp trong truyện “Heart of darkness (Trái tim Đen tối) đã pháo kích vào rừng rậm châu Phi một cách vô định – và như Conrad nói, là như hóa rồ. Một người Việt Nam nói rằng tôi nên đến vào mùa nóng. Khi đó tôi có thể thuê một con thuyền cùng một cô gái, mang theo ít thức ăn rồi tôi có thể ở trên sông cả đêm như thế này, làm tình và ăn uống; trong trời đêm dịu mát.

[1] Cơ quan Thông tin Hoa Kỳ, một cơ quan chuyên về giao lưu nhân dân của Mỹ.

Tôi hứa là sẽ làm thế. Chúng tôi đi tới những lăng mộ cạnh đó. Ở Huế, công trình càng cổ xưa thì càng được bảo trì tốt: năm trước những căn nhà mái tôn đã sập thành từng mảnh, căn nhà bốn mươi năm tuổi của ông McTaggart tuy xác xơ nhưng lại tiện nghi, còn những Lăng mộ Hoàng gia cả trăm tuổi thì vẫn trong tình trạng tốt, cho dù chúng được xây từ những vật liệu cũ theo phong tục của Việt Nam (để nhấn mạnh tính khiêm tốn) – gỗ và đá cũ đã sử dụng, đồ gốm sứ bị vỡ và ngói sứt mẻ. Có những khu vườn rối rắm và những cổng chào chạm hình rồng đang phủ phục trên khung tò vò; và ở những căn phòng bên trong, lăng mộ phủ bụi, những bà lão đi tập tễnh qua từng đồ tạo tác đốt những dây nến để chỉ cho chúng tôi xem cái đồng hồ của Pháp (kim của nó đã rơi mất), cái chân đèn bằng pha lê, bàn thờ mạ vàng và những cái tủ khảm xà cừ, những cái quạt đuôi công đang rụng mất lông (“Bà ấy nói rằng những món đó là từ nhà vua Pháp đấy”). Bàn tay của những bà lão này run run khi đưa những ngọn lửa nến lại gần kho báu khô như bấc và tôi sợ rằng họ sẽ đốt cháy cả cái nơi này mất. Khi chúng tôi đi, họ thổi tắt các ngọn nến và ở lại trong lăng mộ tối om. Đây là một thành phố và mọi người thường xuyên phải chạy loạn, nhưng ở trong các lăng mộ, những bà già – quản gia cho nhà vua từ những năm 1920, 1930 – không bao giờ bỏ đi. Họ ăn uống và ngủ nghỉ tại khu vực xung quanh lăng mộ của Hoàng gia.

Đêm đó trời lạnh; chó sủa trên những con đường lầy bùn; và mặc dù trời lạnh nhưng phòng ngủ của tôi đầy những con muỗi khó chịu.

Tại nhà ga Huế sáng hôm sau, một người Việt nhỏ bé mặc đồ vải gaberdine, đội một cái mũ chóp bằng chạy vội về phía trước cầm lấy cánh tay tôi. “Chào mừng ông đến Huế,” anh ta nói, “Toa của ông đã sẵn sàng.” Đó là trưởng ga. Ông ta được thông báo về việc tôi đến và đã nối một toa giám đốc khác vào đoàn tàu khách đi Đà Nẵng. Đường sắt Việt Nam bị chia ra làm nhiều đoạn, mỗi đoạn lại có riêng một toa của vị giám đốc đỗ ở trên đường tránh của đoạn đó. Ngành đường sắt bất cứ nước nào khác cũng có thể có một toa như thế, nhưng Đường sắt Việt Nam có sáu tuyến riêng biệt, tự vận hành độc lập một cách vất vả. Như ở Sài Gòn, tôi lên một toa riêng với vài nỗi e ngại, khi hiểu rằng tay mình sẽ run nếu khi nào viết điều gì không rộng lòng với những người này. Tôi cảm thấy thật lố bịch trong khoang riêng, trong toa riêng của mình, nhìn những người Việt Nam xếp hàng mua những tấm vé để đi trên những toa xe chật chội. Ông trưởng ga kéo tôi đi nhanh qua cửa bán vé (“Ông không cần mua đâu!”), nhưng tôi kịp nhìn thoáng qua giá vé: một trăm bốn mươi ba đồng (hai mươi lăm xu Mỹ) để đi đến Đà Nẵng, có lẽ là chuyến chạy một trăm hai mươi ki lô mét rẻ nhất trên thế giới.

Dial, người phiên dịch cùng Hổ Mang Một và Hai lên tàu, cùng vào trong khoang với tôi. Chúng tôi ngồi im lặng, nhìn qua cửa sổ. Tòa nhà hình khối quét vôi trắng của nhà ga, một phiên bản của Alamo, thủng lỗ chỗ những vết đạn khiến những mảng vữa rơi xuống, phơi ra kết cấu bằng gạch đổ bên trong. Nhưng nhà ga này, cùng tuổi với căn biệt thự cửa sổ hướng ra biển của McTaggart và cửa hiệu Morin Brothers, được xây vững chãi – khác xa với những miếng vá bằng đất thải và nền xi măng ở ngay bên ngoài Huế, nơi doanh trại đổ nát của Sư đoàn Thủy quân Lục chiến số 1 đóng, và những lớp chướng ngại vật – vỡ vụn nằm chìm trong bùn. Cứ như thể hệ thống máy móc chiến tranh đã được hẹn giờ để tự phá hủy vào cái ngày người Mỹ rút đi, không để lại sau lưng dấu vết của cuộc phiêu lưu tàn bạo đó. Trên sân ga vài chiếc xe bọc thép lộ rõ những vết toạc rách trên lớp vỏ thép do mìn nổ đục thủng. Những chiếc xe giờ là nhà của vài đứa trẻ mặt mũi buồn thiu. Tại hầu hết những nước nhiệt đới, như William Blake mô tả, người lớn đứng ở phần rìa của những bãi cỏ xanh náo động, nhìn ngắm lũ trẻ chơi đùa. Nhưng ở Việt Nam trẻ con tự chơi một mình, dường như người lớn đã bị quét đi đâu mất; bạn tìm kiếm những bậc cha mẹ giữa một đám lớn trẻ con, tìm hình dáng một người lớn đứng ở hậu cảnh. Nhưng (điều này lại càng làm cảnh tượng méo mó), họ mất tích. Người giống như một bà già đang mang một đứa trẻ trên lưng kia, với cái áo dài đầy bùn và mái tóc ướt sũng mưa, hóa ra lại là một đứa trẻ khác.

Dial hỏi: “Các vị đã thấy cái chậu trong WC chưa?”

“Chưa.”

“Các vị vặn vòi và đoán xem cái gì chảy ra?”

“Gỉ,” tôi nói.

“Chẳng có gì cả,” Hổ Mang Hai đáp.

Dial trả lời, “Nước!”

Hổ Mang Một nói “Đúng rồi. Này Paul, ghi việc này lại nhé. Vòi nước vẫn hoạt động. Ở đây có nước chảy. Anh nghĩ thế nào về việc này?”

Có điều đây là chậu nước duy nhất trên tàu.

Người trưởng ga nói rằng tuyến đi Đà Nẵng đã mở được bốn tháng, sau khi ngừng hoạt động năm năm. Cho đến giờ thì gần đây vẫn chưa có gián đoạn gì cả. Tại sao việc mở lại tuyến này lại trùng hợp với việc quân Mỹ rút đi thì không ai lý giải được. Giả thiết của tôi là hiện không có xe tải Mỹ nào chạy tới chạy lui trên con đường duy nhất giữa Huế và Đà Nẵng, Quốc lộ 1, bị gọi một cách đau xót là “Con đường Sầu thảm”; việc các tuyến đường bộ tốn kém đang co rút lại khiến người Việt Nam có xu hướng nhạy bén hơn là mở lại đường sắt. Chiến tranh không thu hẹp lại, nhưng ít bị cơ giới hóa đơn, ít phức tạp hơn. Tiền và quân đội nước ngoài đã làm phức tạp hóa vấn đề, nhưng giờ đây người Việt Nam đã từ bỏ kiểu vận hành chiến tranh như vận hành công nghiệp của người Mỹ và quay lại với những kiến trúc thượng tầng thời thuộc địa, những phương tiện giao thông chậm hơn; người ta trở lại với việc đồng áng, ở trong những ngôi nhà cũ và sử dụng một hệ thống vận tải trên đường ray. Mô hình chiến tranh của người Mỹ đã bị bỏ qua – những căn cứ hỏa lực trống không, những khung xương của doanh trại và những con đường bộ vỡ nát thể hiện điều này, ta có thể nhìn thấy từ trên đoàn tàu khách kêu lách cách đi đến Đà Nẵng chở những rau củ trồng ở Huế.

Những cây cầu ở trên tuyến đường này kể những câu chuyện về chiến tranh; chúng mới được xây dựng gần đây và có gỉ mới ở rầm cầu. Những cây cầu khác đã gãy, xuất hiện trong tư thế bất động, bị những khối thuốc nổ tấn công làm méo mó và rơi xuống khe suối. Trên mấy con sông có những đống sắt vụn từ cầu gãy, những mối nối đen bằng sắt bó thành cụm thô kệch dưới mặt nước. Không phải tất cả những cây cầu đều còn mới. Ở các hẻm núi cả hai ba cây gãy, tôi nghĩ cây cũ nhất là dấu tích về một vụ ném bom của Nhật, còn những cây kia thì minh chứng cho sự hủy hoại của những hành động khủng bố trong thập kỷ 1950 và 1960, mỗi cuộc chiến những tàn tích riêng biệt. Chúng nham nhở một cách ấn tượng, giống như những tác phẩm khắc kim loại cổ quái. Và người Việt Nam phơi phóng quần áo lên chúng.

Chứng cứ rõ nhất là những người lính bên các bờ sông – tại những cây cầu này. Đây là những điểm chiến lược: một vụ đánh bom cầu có thể khiến tuyến đường bị ngưng hoạt động đến cả năm. Vì vậy ở mỗi đầu cầu, ngay phía trên những vỉa đá, có những chồng bao tải cát, nhà nhỏ và boong ke, nơi lính gác, hầu hết đều còn trẻ, cầm những khẩu cạc bin vẫy đoàn tàu. Trong nơi trú quân của họ những khẩu hiệu bay trên những băng rôn đỏ và vàng. Dial dịch những khẩu hiệu này cho tôi nghe. Một khẩu hiệu đặc trưng là HÂN HOAN CHÀO ĐÓN HÒA BÌNH NHƯNG KHÔNG NGỦ QUÊN TRONG CHIẾN TRANH. Những người lính mặc áo lót đứng loanh quanh; cũng có thể nhìn thấy họ đang đung đưa võng; có người bơi lội trên sông hoặc giặt quần áo. Vài người nhìn đoàn tàu, với khẩu súng trường trên vai, mặc những bộ quân phục quá khổ – một phép ẩn dụ về sự gán ghép không tương xứng luôn nhắc nhở tôi rằng những người đàn ông – những cậu bé – này đã được người Mỹ to lớn cấp cho quần áo và vũ khí. Khi người Mỹ đi rồi thì cuộc chiến này với họ thật quá to lớn, như một thứ quần áo quá khổ, thực vậy, chẳng khác nào những cái áo mà họ mặc với ống tay áo dài tận ngón và những mũ sắt trùm kín cả mắt.

“Cộng sản ở đằng kia,” Hổ Mang Một nói. Anh ta chỉ tay vào một loạt dải đất nhô lên tạo thành những ngọn đồi ở đằng xa. “Anh có thể nói rằng tám mươi phần trăm đất nước này do cộng sản Việt Nam kiểm soát, nhưng điều đó chẳng có ý nghĩa gì vì họ chỉ có mười phần trăm dân số.”

Dial bảo: “Tôi đã từng lên trên đó.” Tôi vẫn cứ quên rằng Dial vốn là một lính thủy đánh bộ. “Chúng tôi tiến hành một cuộc đi tuần kéo dài ba tuần. Chúa ơi, bọn tôi lạnh lắm! Nhưng đôi khi chúng tôi ăn may, vào được một ngôi làng. Những người dân có thể đã nhìn thấy chúng tôi tới và chạy đi, còn chúng tôi dùng những túp lều của họ – ngủ trên giường họ. Tôi nhớ có vài lần – điều này làm tôi chết mất – chúng tôi đã phải đốt cháy hét đồ đạc của họ để giữ ấm. Chúng tôi không thể tìm được tí củi đốt nào.”

Những ngọn núi đã bắt đầu hiện lên, hình thù như những giảng đường có bậc thang với góc nhìn toàn cảnh ra Biển Đông; kỳ quái, trống không và xanh ngắt, các đỉnh núi có sương mù bao phủ và làn khói từ những đám đốt rẫy của người dân bay lên tận đỉnh. Chúng tôi đang đi trên một dải đất hẹp ven biển, trên tuyến đường ven biển chắp vá nằm giữa núi và biển, hiện vẫn nằm trong sự kiểm soát của chính quyền Sài Gòn. Thời tiết đã thay đổi, hoặc có thể chúng tôi đã được giải thoát khỏi cơn mưa phùn dai dẳng ở Huế. Bây giờ nắng ấm: những người Việt trèo lên nóc toa thả chân qua mái hiên toa tàu, Chúng tôi gần bãi biển đến mức nghe thấy tiếng sóng vỗ ầm ầm và ở phía trước, trên một con lạch quanh co rộng gấp đôi đoàn tàu, tàu thuyền đánh bắt cá đang cưỡi những lớp sóng sủi bọt để ra khơi, trên đó những người đàn ông đội mũ rộng quăng lưới bắt tôm.

“Chúa ơi, thật là một đất nước tươi đẹp,” Hổ Mang Hai nói. Chị ta chụp ảnh bên ngoài cửa sổ, nhưng chẳng có bức ảnh nào có thể sao chép được sự đan xen phức tạp của cảnh đẹp đó: ở đằng kia, mặt trời chiếu sáng trên một hố bom trong rừng và cạnh đó khói tỏa khắp lòng thung lũng, cột mưa của một đám mây phù du đang đổ nghiêng xuống sườn núi khác; và màu xanh da trời phải nhạt đi trước màu lá cây sẫm, màu xanh lá mạ trên những cánh đồng bằng phẳng, và qua một dải cát, màu xanh đó trở thành màu xanh thẳm của đại dương. Những khoảng không gian rộng lớn và phong cảnh mênh mông tới mức phải xem xét từng phần nhỏ một, giống như đứa trẻ ngắm một bức bích họa vậy.

Tôi nói, “Tôi chẳng biết nữa.” Trong tất cả những nơi mà tàu hỏa đã đưa tôi đi qua kể từ London, đây là nơi thơ mộng nhất.

Hổ Mang Hai nói: “Không ai biết được. Không ai ở Mỹ có ý niệm dù là nhỏ nhất rằng đất nước này tươi đẹp ra sao. Nhìn kìa – Ôi trời, nhìn kia kìa!”

Chúng tôi đang đi trên viền một vùng vịnh màu xanh lá cây lung linh tươi sáng trong ánh nắng. Trên mảng biển nhấp nhô màu ngọc bích, những vách đá nhô ra, và cảnh tượng một thung lũng rộng lớn tới mức cùng một lúc chứa đựng được cả ánh mặt trời, khói, mưa và mây – những khối màu độc lập. Tôi không thể ngờ lại được gặp một cảnh đẹp như thế này; nó làm tôi ngạc nhiên và thấy mình thật nhỏ bé cũng giống như khi tôi nhìn thấy sự trống trải ở vùng nông thôn Ấn Độ. Đã từng có ai nhắc đến một sự thật đơn giản, rằng những điểm cao ở Việt Nam lại chính là nơi có cảnh vật kỳ vĩ không thể tưởng tượng được? Khó mà trách một anh lính quân dịch Mỹ quá hoảng sợ nên không để ý đến vẻ tuyệt diệu này; nhưng ngay từ đầu chúng ta nên hiểu rằng, nếu vẻ đẹp viên mãn này không lôi cuốn những con mắt chiếm đoạt bên ngoài, thì có lẽ người Pháp đã không biến nơi này thành thuộc địa và người Mỹ cũng đã không tham chiến ở đây lâu đến vậy.

“Đây là thung lũng A Sầu,” Hổ Mang Một nói, trước đó anh ta vẫn làm những hành động hay ho bắt chước Walter Brennan. Những đỉnh núi vươn vào mây mù; phía dưới, trong làn khói và ánh mặt trời là những khe núi sâu đen ngòm được nhấn bởi những thác nước. Hổ Mang Một gật gù: “Nhiều chàng trai giỏi đã chết ở đây.”

Lóa mắt trước phong cảnh, tôi bước dọc đoàn tàu và nhìn thấy một người đàn ông mù đang lần sờ tìm đường ra cửa – tôi có thể nghe thấy phổi của anh ta làm việc như ống bể; những bà lão nhăn nheo răng đen mặc quần áo đen ôm những cái bị dệt bằng gai đựng hành tươi; và những tay lính tráng – một người mặt xám như tro tàn ngồi trên xe đẩy, một người chống nạng, những người khác thì mới được băng bó trên đầu và ở tay, tất cả bọn họ đều mặc quân phục Mỹ trông như một trò hề đúng nghĩa. Một viên chức rà soát các toa tàu, kiểm tra giấy tờ của những nam công dân, tìm kiếm những người trốn quân dịch. Tay viên chức này bị vướng vào mẩu dây mà một ông lão mù buộc vào bụng đứa trẻ đang dẫn ông ta đi. Rất nhiều lính tráng có vũ khí đi trên tàu nhưng chẳng ai trong số họ trông giống như đang đi hộ tống đoàn tàu này. Đoàn tàu được bảo vệ bởi binh lính tập trung ở những ụ súng quanh những cây cầu, đây có thể là lý do giải thích tại sao lại dễ cho nổ tung đường tàu với những quả mìn điều khiển trực tiếp thế. Những quả mìn này được chôn dưới đường ray vào ban đêm; và khi đoàn tàu đi qua, một người ẩn nấp – có thể là phía cộng sản mà cũng có thể là một kẻ đánh bom mà đám chủ xe tải ở Đà Nẵng thuê – kích hoạt số thuốc nổ đó.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.