Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ

Tiếp



Đánh cờ ngày càng chán nhưng một khi rượu còn rót thì chúng tôi còn tiếp tục. Hai ván nữa qua đi rồi thì rượu vodka cũng hết, không có cồn xem ra chả còn gì thú vị. Nhưng chúng tôi còn có cả một buổi chiều trước mặt. Giấc ngủ ngắn đã chia ngày thành nhiều phần, mỗi phần như cả một ngày trong trạng thái lê thê của người bị sốt cao nằm trong phòng bệnh ít người đến thăm. Vào thời điểm đó, cảm giác nằm trên tàu xuyên Siberia khiến tôi buồn chán và nhớ lại cơn ác mộng như thể mình bị phủ đầy tuyết ở túp lều trên núi. Trời thì lạnh, ánh sáng yếu ớt và di chuyển thật khó khăn khi mà mọi người đã chán chen chúc trên các toa tàu chật kín và thích ra ngoài hành lang đứng hơn. Thực ra là chả còn chỗ nào để đi cả.

Tôi rút ra một tờ giấy và dạy Vladimir chơi cờ ca rô. Anh ta phát hiện ra là trò này rất thú vị – từ tiếng Nga có nghĩa tương tự – và sớm tìm ra mánh để đánh bại tôi. Anh ta giới thiệu cho tôi một trò chơi vô cùng phức tạp của người Nga để giết thời gian. Trò này là phải vẽ trên một tờ giấy mười hình biến thiên kích thước khác nhau để tạo thành những hình vuông. Hình càng không theo quy luật điểm càng cao – hoặc có thể nào ai đó thích điểm thấp chăng? Tôi chưa bao giờ hiểu rõ trò chơi này. Vladimir sau rốt cũng thôi dạy tôi chơi và trở lại với việc vẽ vời của mình. Tôi nài anh ta cho xem các bản phác thảo, và thật kỳ lạ, trang này qua trang khác đầy những cột điện thoại, cột điện cao thế, dãy cao áp, tranh vẽ các thanh rầm được mắc dây và các khí cụ trông như bộ xương. Đó là sở thích của anh ấy, vẽ phác thảo các vật kỳ quái dựng đứng. Anh ta chỉ cho tôi làm thế nào để vẽ một cái cột điện thoại. Tôi giả đò tỏ ra thích thú với thứ vô vị ấy và anh ta gọi provodnik mang rượu tới. Hai chai rượu Hungary được mang tới – pronodnik chỉ đi khi được mời một cốc đầy – và Vladimir vẽ một cái cabin màu đen trên nền cảnh vật nâu đen dưới ánh mặt trời vàng đỏ và bầu trời u ám. Anh ta gọi đó là Siberia. Rồi, anh ấy vẽ một bức tranh có vài ngọn tháp, vài tòa nhà, bầu trời xanh, một ngày đầy nắng.

Tôi hỏi: “Leningrad à?”

Không, anh nói, London. Anh ta viết chữ “London” trên bức tranh. Anh ta còn vẽ bức nữa về London – khung cảnh một bến cảng, một con thuyền buồm, vài con thuyền neo đậu, một ngày nắng. Anh vẽ một bức về New York – có các tòa nhà cao tầng trong một ngày nắng. Nhưng đó chỉ là những bức vẽ tưởng tượng: Vladimir chưa bao giờ rời khỏi Liên Xô.

Vì Vladimir cứ nhất quyết trả tiền rượu nên tôi rút hộp xì gà ra. Vladimir hút năm điếu, rít từng hơi ngắn như hút thuốc lá. Rượu rồi xì gà cho đến khi chúng tôi biết mình đang đi dọc hồ Baikal, Vladimir lại dùng tiếng mẹ đẻ. Vladimir đi đi lại lại trong khoang, xua khói thuốc và nói với tôi hồ Baikal sâu thế nào. Cuối cùng, anh thọc tay vào túi, nhả một hơi đầy khói thuốc, Vladimir nói bằng chất giọng Nga đặc sệt, hay ngừng mỗi khi trích dẫn, cả tiếng ho sặc sụa nữa. Anh nhướn mắt:

“I dym otechestva nam sladok I pryaten.”

Tôi hỏi: “Hả?”

“Puskin,” Vladimir đáp lại: “Eugen Onegin.”

(Nhiều tháng sau đó, tại London, tôi đọc lại phiên âm câu thơ đó cho một diễn giả người Nga, ông này khẳng định đó đúng là Puskin, và câu thơ này có thể được hiểu như sau: Ngay cả khói trên đất mẹ cũng thật ngọt ngào và tuyệt vời với chúng ta).

Ngoài hành lang tối tăm vào sáng sớm ngày hôm sau, những người thủ thư Úc và cặp đôi người Canada đã ngồi trên những chiếc va li của họ. Chỉ hai tiếng nữa là đến Irkusk nhưng họ bảo sợ ngủ quên và đi qua mất. Lúc đó và bây giờ tôi vẫn nghĩ rằng bỏ lỡ Irkusk không thể là một bi kịch trong suy nghĩ của mọi người. Ngoài trời vẫn tối trong khi các ống khói lấp lánh sáng của Irkusk xuất hiện phía mặt đất phẳng, nơi những ngôi nhà gỗ một tầng đóng kín cửa, mái lớp giấy tẩm nhựa đường mọc lên. Không phải là những hàng rào thép hay những ngôi nhà cao tầng mà những người công nhân sống khiến những thành phố này của nước Nga giống các trại tập trung; mà là ánh sáng chói mắt – những chiếc đèn pha, đèn bảo vệ gắn trên cột – làm giảm đi kích thước và khiến họ giống như những tù nhân trên sân tập thể dục. Vladimir bắt tay tôi và nói một câu tạm biệt đầy cảm xúc. Tôi xúc động và thương cảm nghĩ về anh chàng khốn khổ đó, bị kẹt ở Irkusk cả đời, cho tới khi tôi trở lại phòng mình và phát hiện ra anh ta đã ăn trộm hộp xì gà của tôi.

Provodnik đi vào khoang của tôi, thu chăn của Vladimir và ném cái chăn mới lên giường. Đi theo anh ta là một gã cao xanh xao, mặc dù đã giữa buổi sáng, vẫn mặc bộ đồ ngủ, khoác áo choàng tắm và ngồi xuống làm các phép tính phức tạp trên bảng tính kẹp. Hắn không nói cho đến khi chúng tôi tới một ga tàu nhỏ, hắn nói, “Ở đây – muối!”

Mức độ đối thoại của hắn chỉ có thế, thông tin về một mỏ muối. Nhưng hắn đã nói ra điều hắn muốn: chúng tôi thực sự đang ở Siberia. Trước đó, chúng tôi đã đi trên vùng Viễn Đông của Liên Xô, ba nghìn hai trăm mét cả thảy nhưng không có tên trên biên giới với Mông Cổ và Trung Quốc. Từ đây trở đi, rừng Siberia, rừng taiga, rậm rạp, làm nhòa các ngọn đồi xa xa với những vệt mờ cây cối, che đi những khu nhà ở đang nhốt những người Nga bị đày ải. Ở nhiều chỗ, rừng rậm kiểu này biến mất trong khoảng ba mươi cây số; sau đó là lãnh nguyên, một vùng tuyết bằng không dấu chân người, trên đó các cột điện chạy dài ra xa, ngày càng nhỏ hơn giống như các biểu đồ, cột điện cuối cùng trông như một chấm nhỏ. Sự hùng vĩ của Nga tràn ngập trong tôi. Tôi đã đi năm ngày trên những vùng này và vẫn còn hơn một nửa đất nước nữa để đi. Tôi nhìn săm soi qua cửa sổ để tìm một điểm gì đó mới có thể cho thấy chúng tôi đã tới gần Moscow. Nhưng sự khác biệt thấy được ngày càng rất nhỏ; tuyết vô tận, các chặng dừng chân ngắn và mặt trời chiếu chói chang trên rừng taiga, luôn bị các khu thị tứ mà chúng tôi đi qua che khuất: một đám mây sương khói không thể xuyên qua được luôn treo trên các khu thị tứ này, che khuất mặt trời. Những ngồi làng nhỏ thì lại khác, chúng nằm trong nắng, lúc có lúc không, giữa rừng taiga và các tuyến đường ray, sự im lặng của chúng lớn tới mức gần như nhìn thấy được.

Tôi bây giờ là người phương Tây duy nhất trên chuyến tàu. Tôi cảm thấy mình giống như người Mohican cuối cùng vậy. Không có những cuộc chuyện trò thân thiện, không được nghỉ ngơi bởi các cơn ác mộng quấy rầy, bị chọc tức bởi người đàn ông trong bộ đồ ngủ câm lặng và những trang tính toán của hắn, nhân thêm với cơn khó chịu vì những món hầm đẫm mỡ của toa ăn – và với vẻ tội lỗi nghĩ về khoảng thời gian bốn tháng không có mặt ở nhà, nhớ gia đình – tôi hối lộ Vassily để có một chai vodka (ông ta nói họ đã hết, nhưng có hai rúp thì ông ta tìm thấy một vài chai) và dành cả ngày để uống hết nó. Cái hôm mua chai rượu đó tôi gặp một chàng trai trẻ, anh ta nói với tôi bằng thứ tiếng Đức giật cục rằng đang đưa người cha ốm yếu của mình tới bệnh viện ở Svedlovsk.

Tôi nói, “Nặng không?”

Anh ta nói, “Sehr schlim!”[12]

[12] Tệ lắm. (Tiếng Đức).

Sau đó, chàng trai mua một chai champagne và mang về khoang, cũng ở trong toa nằm của tôi. Anh ta mời tôi uống. Chúng tôi ngồi xuống; trên chiếc giường đối diện, một ông già đang ngủ, tấm chăn kéo tới cằm. Mặt ông trông xám ngoét, nhợt nhạt vì bệnh tật và căng thẳng; ông tựa như đang đau đớn nuốt sự ghê tởm của cái chết, và tất nhiên khoang tàu mang mùi đất đen u tối của cái chết, một ngôi mộ lạnh và ẩm ướt đang ở trên con tàu này. Chàng trai ho lục cục, tự rót thêm champagne và uống. Anh ta cố gắng rót thêm cho tôi, nhưng tôi thấy toàn bộ câu chuyện này thật đáng sợ – ông già sắp chết trên cái giường chật hẹp, con trai ông ta ngồi bên cạnh liên tục uống champagne và ngoài cửa sổ là rừng tuyết của vùng Trung Nga.

Tôi đi về khoang riêng để uống vodka và nhìn thấy trong hoạt động đơn độc của mình có điểm gì đó giống cảm giác hoang vắng của người Nga. Trên thực tế, họ chẳng làm gì ngoài uống. Họ uống suốt ngày và họ uống mọi thứ – cognac có vị như thuốc dưỡng tóc, bia chua õng nước, thứ rượu đỏ có màu không thể phân biệt được với xi rô ho, những chai champagne giá chín đô la và vodka nhạt phèo. Mỗi ngày đều có tin mới: đầu tiên là hết vodka, sau đó là bia, rồi là cognac, và sau khi ở Irkusk người ta thấy mấy gã đàn ông cục mịch dồn hết tiền mua champagne, chuyền nhau cái chai như những kẻ vô công rồi nghề ở lối vào. Giữa các lần uống, họ ngủ và tôi bắt đầu nhận ra những kẻ nghiện rượu kinh niên qua quần áo họ mặc – họ đội mũ lông và mặc quần lông bởi sự quay vòng quần áo của họ là rất ít; tay và môi họ luôn có màu xanh. Hầu hết các cuộc cãi vã và tất cả những cuộc ẩu đả mà tôi thấy đều là do say. Thường thì trận ẩu đả đầu tiên xảy ra ở toa hạng thường sau bữa trưa, còn Vassily khởi đầu cuộc cãi vã ở mọi bữa ăn. Nếu người đàn ông mà ông ta gây sự bị say rượu, ông ta sẽ lấy quyển sổ phàn nàn và viết nguệch ngoạc một cách giận dữ vào đó.

“Tovarich!”[13] người khách sẽ hét lên, yêu cầu cầm quyển sổ phàn nàn lại. Tôi chỉ nghe thấy từ đó được dùng trong lời chế nhạo.

[13] Đồng chí. (Tiếng Nga).

Xảy ra một trận đánh nhau kinh hồn ở Zima. Hai gã trai trẻ – một mặc bộ quân phục – hằm hè với người soát vé trên sân ga. Người soát vé trông có vẻ dữ tợn mặc đồ đen. Anh ta không ngay lập tức phản ứng lại, nhưng khi hai gã trai lên tàu, anh ta chạy đến chỗ bậc thang, kéo chúng lại từ phía sau và đánh cả hai đứa. Một đám đông tụ tập lại để xem. Một gã kêu lên, “Tôi là lính! Tôi là lính!”, một người đàn ông trong đám đông lẩm bẩm, “Nó đúng là một thằng lính tốt.” Người soát vé tiếp tục đánh hai gã thanh niên trên hành lang toa hạng thường. Điều hay ho không phải bọn trẻ đã uống rượu còn người soát vé nghiêm chỉnh, mà là cả ba bọn họ đều say.

Một ngày nữa, một đêm nữa, một nghìn rưỡi cây số nữa; tuyết rơi dày và chúng tôi đến Novosibirsk. Những người nước ngoài thường xuống Novosibirsk để nghỉ lại qua đêm, nhưng tôi vẫn ở trên tàu. Tôi sẽ không có mặt ở nhà vào Giáng sinh như đã hứa – hôm nay là hai ba tháng Mười hai và chúng tôi phải hơn hai ngày nữa mới đến Moscow – nhưng nếu có quan hệ tốt, tôi có thể về nhà trước năm mới. Người đàn ông cao ráo xanh xao thay bộ đồ ngủ sang quần áo lông, cất các phép tính đi và rời tàu. Tôi dọn giường của hắn và quyết định rằng cái tôi cần là những công việc thường ngày. Tôi sẽ bắt đầu cạo râu thường xuyên, dùng muối hoa quả vào buổi sáng và hít đất trước bữa điểm tâm; không ngủ trưa; tôi sẽ đọc xong quyển New Grub Street rồi bắt đầu đọc quyển Labyrinths (Mê cung) của Borges, bắt tay viết một truyện ngắn, viết vào buổi chiều và không uống rượu trước bảy giờ, hoặc sớm nhất là sáu giờ, hoặc năm giờ nếu ánh sáng quá tồi để viết. Tôi mừng vì sự riêng tư: đầu tôi cần sự ngăn nắp.

Sáng hôm đó, tôi định đưa những ý nghĩ của mình thành hiện thực, dẹp các lo âu sang một bên và bắt đầu truyện ngắn của tôi ngay lập tức. Một phụ nữ bốn mươi tuổi yêu một cậu trai mười chín tuổi. Cậu trai muốn cưới người đàn bà. Người đàn bà muốn gặp mẹ cậu bé. Họ gặp nhau – họ cùng tuổi – tỏ ra ăn ý với nhau, nói chuyện về cuộc li dị của họ, công việc của họ, bỏ qua cậu bé chưa đủ lông đủ cánh, chưa đủ kinh nghiệm, chỉ làm phiền cả hai bọn họ bằng việc cứ nhất định đòi cười. Như thế này:

Vợ chồng nhà Strang có một cuộc hôn nhân hạnh phúc trong nhiều năm làm cho bạn bè cảm thấy ghen tị, và sau đó đổ vỡ từng mảnh khi một buổi chiều hai người lăng mạ nhau một cách kỳ dị, đe dọa đẩy mọi cuộc hôn nhân khác trong vòng một cây số vào cảnh tan tành. Bạn bè thở phào khi Milly, thay vì bám trụ lại ở New York và thuyết phục họ ủng hộ cô trong tranh chấp cay đắng với Ralph, cô chọn bỏ đi đến…

Cánh cửa bật mở, một người đàn ông đi vào mang theo bịch quần áo và một vài gói giấy. Ông ta mỉm cười. Ông này khoảng năm mươi tuổi, tóc hói quanh một đường bất thường trên đầu, bàn tay to và đỏ. Ông ta có đôi mắt chuột của một người cận thị nặng. Ông ta quẳng bịch quần áo lên giường, đặt ổ bánh mì nâu và một lọ mứt nâu lên truyện ngắn của tôi.

Tôi đặt bút xuống và rời khoang. Khi tôi về, ông ta đã thay sang bộ đồ sọc xanh (một cái huân chương anh dũng nhỏ cài trên ngực), nhìn chăm chăm qua cặp kính lớn trên mũi, ông ta đang phết mứt lên lát bánh mì bằng một con dao gấp. Tôi gạt quyển truyện sang một bên. Ông ta nhai trệu trạo lát bánh mì phết mứt và, giữa những lần cắn, ông ợ thành tiếng. Ông ta ăn hết cái bánh mì, mở gói giấy báo, lấy ra một khúc thịt màu xám. Ông ta cắt một mẩu, bỏ vào mồm, gói khúc thịt lại và gỡ kính ra. Ông ta hít ngửi cái bàn, nhặt tấm khăn lau tẩu màu vàng của tôi lên, đeo kính vào và xem những gì tôi viết. Sau đó ông ta nhìn đồng hồ, thở dài. Ông ta nghịch cái tẩu của tôi, diêm, thuốc lá, bút, đài, lịch, quyển Labyrinths của Borges, nhìn đồng hồ giữa những lúc xem các đồ vật và thở dài, như thể mũi ông ta có thể phát hiện ra điều mà mắt không thể.

Chuyện này tiếp diễn suốt cả ngày, đánh gục những kế hoạch mà tôi đã đặt ra trong thời gian biểu và lấy đi mọi khả năng viết truyện của tôi. Tính tò mò của ông ta khiến tôi phát ghét và tôi tưởng tượng ra những gì ông ta nghĩ, khi ông ta gõ nhẹ cái kim thạch anh trên chiếc đồng hồ giữa những lần đánh hơi đồ đạc của tôi, “Ồ, ba mươi giây trôi qua.” Ông ta có một quyển bản đồ đường sắt Nga nho nhỏ. Tại mỗi ga, ông ta đều đeo kính vào và tìm tên trên bản đồ. Có khoảng mười lăm ga trên mỗi bản đồ, do đó ông ta lần lượt làm bẩn các trang bằng ngón tay cái trước khi chuyến tàu đi đến trang mới, và từ những vết mứt, vết ngón tay cái trên bản đồ của ông ta tôi nhận biết chuyến tàu Rossiya đã đi bao xa. Ông ta không đọc gì trong suốt chuyến đi. Ông ta không nói gì cả; cũng không ngủ. Làm sao ông ta qua được thời giờ? Ồ, ông ta ngáp: ông ta có thể duy trì cái ngáp trong năm giây, thử với cái lưỡi của mình, liếm quanh hàm và cuối cùng kết thúc bằng tiếng gầm gừ lớn. Ông ta thở dài, ông ta rên rỉ, ông ta nghiến răng, ông ta lẩm bẩm và thực hiện chúng thành các hành động riêng biệt, theo đó ông ta tính thời gian, luôn nhìn đồng hồ mỗi khi hoàn thành một cái ngáp hoặc thở dài. Ông ta cũng ho lên và ngạt thở một cách cố ý, nghiên cứu những cơn ợ của mình, ợ ra một cách hết sức ghê tởm khi ông ta tự vắt kiệt mình để vặn ba cái chốt. Thỉnh thoảng ông ta nhìn ra cửa sổ hoặc nhìn tôi chăm chăm, và cười khi mắt chúng tôi gặp nhau. Răng ông ta làm bằng thép không gỉ.

Tôi thấy rất khó đọc và không thể viết khi có người khác ở bên cạnh. Nếu người đó đang nhìn tôi qua một lọ mứt và một ổ bánh mì vụn, tôi sẽ bị mất tập trung. Do đó, tôi chả làm gì ngoài việc nhìn ông ta bởi cũng chỉ có mỗi việc ấy để làm. Ông ta cũng kỳ quặc theo một kiểu khác nữa: nếu tôi nhìn ra cửa sổ, ông ta cũng nhìn theo; nếu tôi đi ra chỗ tấm rèm, ông ta đi theo; nếu tôi nói chuyện với chàng trai trẻ có cha đang nằm bẹp quanh đống chai champagne rỗng ở phòng kế bên, cái thây ma cũng theo gót tôi và thò đầu qua vai tôi. Tôi không thể tách khỏi ông ta dù tôi đã cố gắng.

Sợ mình bị bỏ lại, tôi không rời tàu ở các chặng dừng ngắn. Nhưng khi sinh vật quỷ ám này đóng đô trong chỗ ngủ của tôi và theo tôi khắp mọi nơi, tôi nghĩ ra một kế hoạch cắt đuôi ông ta ở Omsk. Đó là một kế hoạch đơn giản: tôi sẽ ra khỏi tàu để dẫn ông ta đi xa một chút và sau đó, khi tàu khởi hành, tôi sẽ nhảy lên bậc thang của toa tàu, dừng lại một chút để ông ta không có chỗ đặt chân lên. Tôi đã làm thử ở Barabinsk. Ông ta đi theo tôi đến cửa nhưng không xa hơn. Ba giờ sau ở Omsk là một cơ hội tốt hơn. Tôi khuyến khích ông ta đi theo tôi, dẫn ông ta đến cửa hàng bán bánh sữa và sau đó bỏ rơi ông ta. Tôi đi lên tàu vào phút cuối cùng, tin tưởng rằng ông ta đã bị bỏ rơi, nhưng đã thấy ông ta quay về chỗ ngủ và đang xem bản đồ. Sau đó, ông ta không bao giờ rời khỏi chỗ ngủ. Có thể ông ta nghi tôi đang cố bỏ rơi ông ta.

Kẻ ngốc này, ông ta có thức ăn riêng, do đó ông ta chả thiết đến toa ăn. Bữa ăn của ông ta cũng đặc biệt. Ông ta bày ra quanh mình thức ăn đã mua: một cục bơ gói trong giấy dính đầy mỡ, một ổ bánh mì, một khúc thịt, một gói giấy toàn dưa chua và một lọ mứt. Ông ta xé một mẩu bánh mì và tiêu thụ nó bằng một lát bơ. Sau đó ông lấy một miếng dưa chua, một cục thịt và lần lượt cắn, dưa, bánh mì, thịt, rồi một thìa mứt; sau đó cắn một miếng dưa chua, cứ thế, nhét đầy miệng trước khi nhai. Tôi không thể ngồi yên xem ông ta ăn. Tôi dành ngày càng nhiều thời gian ở toa ăn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.