Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ

Tiếp



Bên ngoài cửa sổ tàu xuất hiện những người đàn bà, đa phần nhiều tuổi, họ choàng khăn chống nắng và buộc vào người những can nước tưới màu xanh. Bình nguyên thấp lại không bằng phẳng, lớp bụi đất mỏng chỉ đủ nuôi sống vài ba động vật. Khoảng năm con bò đứng bất động, một người chăn gia súc chống gậy trông lũ bò, chúng cũng còm cõi như những hình nhân bù nhìn – hai túi ni lông bọc ngoài hai thanh ngang làm khung xương – trông nom những cánh đồng bắp cải và hồ tiêu xơ xác. Xa xa bên kia những bắp cải xanh, một con lợn hồng hào đâm sầm vào bức rào vỡ nham nhở quanh chuồng, một con bò cái nằm dưới khung thành một sân bóng đá bỏ hoang. Bên ngoài những nếp nhà thôn quê, hồ tiêu đang trổ ra đỏ tía, tua tủa như những cụm hoa trạng nguyên, khô cằn dưới ánh mặt trời. Vùng này công việc đồng áng chủ yếu cày bừa và thu cỏ, những người đàn ông loạng choạng đi sau lũ bò đực kéo cày và bừa gỗ, đôi lúc họ lại lắc lư trên xe đạp chở ngất cỏ khô. Những người chăn thả gia súc không đơn giản làm công việc chăn thả, bọn họ còn là người canh gác để đàn gia súc không bị ăn cướp; một phụ nữ trông bốn con bò, một người đàn ông dùng gậy chăn dắt ba con lợn xám, còn những con gà gầy nhẳng do bọn trẻ con gầy nhẳng phụ trách. Tự do, đàn bà và bia rượu là định nghĩa của Nikola; còn kia một phụ nữ đang dừng lại giữa đồng để uống ngụm nước, cô ta uống xong, nghiêng gập người xuống để buộc đám thân ngô. Những ụ đất rộng vàng xốp trên những vườn nho héo úa; người ta bơm nước, múc nước lên từ nhiều lỗ giếng sâu; hàng loạt đống cỏ khô chất cao và những cánh đồng hồ tiêu đang chín không đều, ban đầu tôi cứ tưởng là vườn hoa. Cảm giác cực kỳ yên tĩnh, như đoàn tàu vút qua một vùng nông thôn xa xôi hoang dã. Cứ thế, trong suốt vài giờ, cảnh không thay đổi, một buổi chiều ở Nam Tư, và rồi mọi người biến mất, cứ như hiện tượng siêu nhiên: đường không có ô tô hay xe đạp, những ngôi nhà với cửa sổ trống trơn nằm bên rìa ruộng đồng hoang vắng, những cây táo trĩu quả không ai buồn hái. Có lẽ, giờ chưa phải lúc – ba rưỡi chiều; có lẽ trời quá nóng. Nhưng những người phơi hồ tiêu và chất những đống cỏ khô kia ở đâu? Đoàn tàu đi qua – đó chính là điều tuyệt vời của một đoàn tàu, ta không có cảm giác đang di chuyển – nhưng thực ra đang di chuyển nhanh hơn bình thường. Sáu thùng nuôi ong gọn gàng, một đầu máy hơi nước bỏ hoang có những bông hoa dại màu trắng đang quấn quanh ống xả khói, một con bò bị buộc ngay chỗ giao nhau của đường dân sinh và đường tàu. Trong cái nóng buổi chiều, khoang của tôi bắt đầu bị bụi phủ, phía đầu tàu, những người Thổ đang nằm ngủ ngon lành trên ghế, miệng há ra, lũ trẻ con còn thức ngồi trên bụng họ. Tại mỗi con sông, mỗi cây cầu mà tàu đi qua, đều có những chốt quân sự xây bằng gạch vuông vắn, giống như những phiên bản mô phỏng tháp Martello của Croatia, chúng đều nham nhở vì trúng bom. Rồi tôi thấy một người đàn ông, không đầu, chúi người trong cánh đồng ngô, bị những thân cây ngô cao hơn anh ta che phủ; tôi tự hỏi không biết mình có bỏ qua nhiều người khác không, vì họ có vẻ lọt thỏm giữa những cánh đồng này.

Một câu chuyện buồn xảy ra ở bên ngoài thành phố Nis. Trên con đường gần đường ray, một đám đông đang chen nhau để nhìn một con ngựa, nó vẫn đang bị buộc chặt vào một xe hàng quá tải, chiếc xe mắc kẹt trong vũng bùn, và con ngựa đã chết ngay đó. Tôi có thể hình dung ra nó bị vỡ tim khi cố thoát khỏi cái xe hàng. Và chuyện đó vừa mới xảy ra: bọn trẻ con gọi lũ bạn, một người đàn ông vội bỏ lại xe đạp chạy đến xem, ở xa hơn, một người đang đứng đái vào hàng rào cũng sốt sắng ra xem con ngựa. Cảnh tượng trông giống trong bức tranh của dân Flemish, trong đó hình ảnh người đái bậy là chi tiết sinh động. Người đàn ông đứng bên bờ rào, lắc lắc những giọt nước tiểu cuối cùng trước khi nhét cái đó vào trong quần rồi lao ra chỗ con ngựa; bức tranh hoàn tất.

“Tôi ghét ngắm cảnh,” Molesworth nói. Chúng tôi đang đứng ở cửa sổ hành lang thì tôi bị một viên cảnh sát người Nam Tư cảnh cáo vì chụp ảnh một cái đầu máy hơi nước, trong buổi chiều muộn, bụi cuộn lên theo bước chân của hàng nghìn người lao động đang sắp bước qua đường ray về nhà, họ đứng trong đám bụi hơi nước màu xanh pha trộn với đám mây những con ruồi vàng. Giờ chúng tôi đang ở bên hẻm núi đá bên ngoài Nis, trên đường tới Dimitrovgrad, khi chúng tôi đi qua đây, những vách núi nhô lên, đôi lúc khá cân xứng, trông giống tàn tích của những bức tường gạch kiên cố trong pháo đài của các lâu đài đổ nát. Cảnh này làm Molesworth thấy mệt và tôi nghĩ gã sắp giải thích cho cái sự uể oải của mình. “Tất cả những chuyến đi dài cùng với sách hướng dẫn,” nghỉ một lúc rồi gã nói tiếp: “Đám khách du lịch cá sấu cứ đi vào rồi đi ra các nhà thờ, viện bảo tàng, thánh đường. Không, không, không. Tôi chỉ muốn được tĩnh lặng, tìm một cái ghế êm ái. Anh hiểu ý tôi chứ? Tôi muốn đắm mình vào một đất nước.”

Gã uống rượu. Cả hai chúng tôi cùng uống, nhưng rượu làm gã trầm ngâm còn tôi thấy đói. Suốt cả ngày, tôi mới ăn một cái bánh pho mát ở Belgrade, một gói bánh quy xoắn và một quả táo chua loét. Quang cảnh nước Bungari với những ngôi nhà cũ nát và những con dê gầy còm, khiến tôi chẳng mấy hy vọng có một bữa ăn ngon ở nhà ga Sofia; và ở thành phố có cái tên đáng sợ Dragoman, có rất nhiều người bao gồm cả những người tràn xuống từ toa 99, sẽ cùng lên tàu vì tất cả chưa bị dính bệnh tả. Những người Bulgaria cho biết căn bệnh này đã tràn vào nước Ý.

Tôi tìm thấy anh soát vé người Bulgaria để hỏi xem một bữa ăn kiểu Bungari thì như thế nào. Rồi tôi viết ra vài từ Bungari ghi lại những món ăn ngon mà anh ta nói: pho mát, khoai tây, bánh mì, xúc xích, xa lát đậu, vân vân… Anh ta đảm bảo với tôi sẽ có đồ ăn ở Sofia.

“Con tàu này chậm kinh khủng,” Molesworth nói tàu Phương Đông trực tuyến cót két đi qua bóng tối. Đây đó có những chiếc đèn treo màu vàng, phía xa xa le lói ánh đèn trong một trạm dừng nhỏ, ta có thể thấy người trưởng trạm đứng cách trạm khoảng năm bước chân, đang vẫy cờ ra hiệu cho con tàu chậm chạp này.

Tôi đưa cho Molesworth danh sách những món ăn Bungari và bảo mình định mua những thứ có thể mang đi được ở Sofia; đây có thể là đêm cuối cùng của ta với con tàu Phương Đông trực tuyến – chúng ta xứng đáng có một bữa thịnh soạn.

“Nghe hợp lý đấy,” Molesworth nói. “Giờ anh định tiêu tiền thế nào?”

“Tôi vẫn chưa có ý tưởng gì cả,” tôi nói.

“Ở đây người ta dùng đồng lev, anh biết đấy. Nhưng vấn đề là tôi không tìm được nơi đổi tiền. Tay quản lý ngân hàng của tôi nói đây là một trong những đồng tiền vớ vẩn nhất – tôi đoán có khi nó chẳng phải tiền, chỉ là giấy lộn.” Theo như cách gã nói, tôi có thể thấy rằng gã chẳng đói. Gã tiếp tục, “Tôi luôn dùng thẻ nhựa. Cực kỳ tiện dụng.”

“Thẻ nhựa?”

“Mấy cái này này.” Gã bỏ chai rượu xuống rồi lấy ra một nắm thẻ tín dụng, xào xáo cả mớ và đọc tên.

“Anh nghĩ thẻ Barclay đã tới được Bungari chưa?”

“Cứ hy vọng là rồi,” gã nói. “Còn nếu chưa, thì tôi vẫn còn ít tiền lira.”

Khi chúng tôi tới được Sofia đã là mười một giờ đêm, Molesworth và tôi nhảy xuống tàu, người soát vé bảo chúng tôi phải nhanh lên: “Chỉ có mười lăm phút, có khi mười phút thôi.”

“Anh nói chúng tôi có nửa giờ mà.”

“Nhưng chúng tôi đi chậm. Đừng nói nữa – nhanh lên!”

Chúng tôi bước nhanh trên thềm ga tìm đồ ăn. Có một quán ăn đông nghẹt người vây quanh quầy bán hàng, chẳng có gì khác nữa ngoại trừ một người đàn ông với một cái xe đẩy bốc khói ở phía cuối ga. Ông ta bị hói. Tay này ông ta cầm một túi giấy nhỏ, tay kia mở thùng xe lấy ra vài chiếc bánh, rạch ra và cho miếng xúc xích to bằng quả chuối vào trong, có thể thấy mấy mẩu thịt lợn lòi ra ở quanh đường viền xúc xích. Ba khách hàng đang đứng trước chúng tôi. Ông bán hàng đang phục vụ họ, rất từ tốn, dùng nĩa cho bánh và xúc xích vào trong túi. Đến lượt mình, tôi giơ hai ngón tay lên, rồi đổi ý, giơ ba ngón. Ông ta gói ba cái riêng.

“Cũng thế,” Molesworth nói và đưa cho ông ta một tờ một nghìn lira.

“Không, không,” ông ta chối, đẩy tờ đô la của tôi ra đồng thời lấy lại túi bánh, cho vào trong xe.

“Ông ta không nhận tiền của chúng ta,” Molesworth bảo.

“Banka, banka,” ông ta nói.

“Ông ta muốn ta đi đổi tiền.”

“Đây là đô la,” tôi nói. “Tiền này mua được mọi thứ.”

“Ông ta không lấy đâu,” Molesworth khuyên. “Banka ở đâu?”

Ông đầu hói chỉ về phía nhà ga. Chúng tôi chạy theo hướng chỉ tay và tìm thấy một quầy đổi tiền, có cả dãy người đang đứng xếp hàng, tay cầm những tờ tiền và đá hành lý nhích lên từng tí một.

“Tôi nghĩ chúng ta phải bỏ cuộc rồi,” Molesworth thốt lên.

“Tôi thèm xúc xích đến chết đi được.”

“Trừ phi anh muốn bị ‘duffill’,” Molesworth nói, “Chúng ta nên quay lại tàu đi.”

Chúng tôi lên tàu, chỉ vài phút sau còi tàu rít lên và bóng tối của Bungari nuốt chửng ga Sofia. Enrico thấy chúng tôi trắng tay, đã lấy ít bánh xốp Ý của bà sơ chị gái anh ta cho chúng tôi; người phụ nữ Armenia mời chúng tôi một miếng pho mát, cô ta ngồi cạnh cùng uống với chúng tôi, cho đến khi cậu con trai mặc bộ pyjama đi qua. Thằng bé thấy mẹ đang cười, nó khóc ré lên. “Được rồi, mẹ đi đây,” cô ta nói và rời đi. Monique đã đi ngủ, cả Enrico cũng thế. Mọi người trên toa 99 đều ngủ cả, nhưng tàu lại đi nhanh hơn. “Chúng ta vẫn chưa đi xa lắm,” Molesworth nói và cắt miếng pho mát. “Còn hai chai vang nữa – mỗi chai một tí – với lại còn chút vang Orvieto để uống nốt. Pho mát, bánh quy. Chúng ta có thể gọi đây là bữa ăn khuya.” Chúng tôi tiếp tục uống, Molesworth nói về Ấn Độ, về chuyện gã đã đi tuyến tàu thủy P&O lần đầu tiên như thế nào, cùng với hàng nghìn lính nghĩa vụ và những công nhân thợ mỏ từ mỏ than Durham ra sao. Molesworth cùng những tay sĩ quan đã uống rất nhiều, nhưng mấy tay hạ sĩ quan gục hết. Sau một tháng, bọn họ hết bia. Đánh lộn xảy ra, mấy gã đàn ông nổi loạn, “và khi chúng tôi tới Bombay, đa số bọn họ đều bị giam. Còn tôi lại có thêm sao và quân hàm trên vai vì đã cư xử tốt.”

“Chuyện đại loại là như vậy đấy,” Molesworth kể. Tàu vẫn đang lướt đi khi gã mở chai rượu vang cuối cùng. “Có một quy tắc hay là hãy uống rượu vang ở mỗi đất nước ta đi qua.” Gã liếc ra cửa sổ nhìn bóng đêm. “Tôi nghĩ là ta vẫn đang ở Bulgaria. Tiếc thật!”

Một đàn bảy con chó lông xám, có lẽ là chó hoang, đang chạy đuổi trên đồng cỏ cằn cỗi miền Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ, sủa vang khi đoàn tàu đi qua. Lũ chó, ở Thrace, làm tôi tỉnh giấc, Nagel cho rằng “điều này chẳng hấp dẫn gì.” Rồi khi lũ chó hoang giảm nhịp chạy và bị tụt lại phía sau đoàn tàu vẫn chuyển bánh, chẳng còn gì để nhìn ngắm ngoại trừ không gian đơn điệu và ảm đạm của những ngọn đồi vô vị. Thỉnh thoảng lướt qua những doanh trại quân đội có những chàng lính đang xúc cây củ cải đường nhuốm bụi vào trong những chiếc xe goòng bằng thép, và vì thiếu vắng bóng cây xanh nên sự đơn điệu của cảnh vật càng rõ rệt. Tôi không thể chịu nổi những dãy đồi trọc. Edirne (Adrianople) nằm ở phía Bắc, còn bốn giờ nữa mới đến Istanbul; chúng tôi đi qua những đồng cỏ, chỉ dừng lại ở những nhà ga nhỏ xíu, một chặng đi qua vùng đất cằn cỗi chẳng có gì để nhớ; đặc điểm của những đồng cỏ nơi đây là trống trơn, chẳng có gì để nói ngoài một màu nâu sẫm.

Tôi vẫn ở bên cửa sổ, hy vọng sẽ gặp được một điều ngạc nhiên nào đó. Chúng tôi đi qua một nhà ga nữa. Tôi cố gắng tìm kiếm một chi tiết nào đó; nhưng mọi sự tiếp tục lặp lại như năm mươi nhà ga trước khiến tôi không để tâm nữa. Nhưng rồi khi đi qua một mảnh vườn, bên cạnh có ba con gà tây đang chạy tung tăng đúng như đặc tính của lũ gà.

“Nhìn kìa!” Molesworth nhìn thấy chúng.

Tôi gật đầu.

“Gà tây. Ở Thổ Nhĩ Kỳ,[10]” gã thốt lên. “Tôi tự hỏi, đó có phải là lý do tại sao họ gọi nó như thế -”

[10] Gà tây và nước Thổ Nhĩ Kỳ trong tiếng Anh đều là Turkey.

Nhưng không phải vậy. Tên gọi của lũ gà bắt nguồn từ một loại gà sao châu Phi, chúng được nhập khẩu qua Istanbul và ở đây người ta gọi là gà tây. Chúng tôi nói về chuyện này suốt một hai giờ trong lúc uống rượu buổi sáng. Điều này khiến tôi chột dạ, là người đàn ông đã có vợ con mà tôi lại lao vào một cuộc hành trình vô nghĩa, thỏa mãn thú vui du lịch lười biếng của mình.

Đoàn tàu tốc hành dễ chịu từ Paris đã biến thành tàu địa phương Thổ Nhĩ Kỳ rất khó chịu và bực mình. Khi tới ngoại ô Istanbul, đoàn tàu dừng lại ở mọi sân ga, chỉ để cho những người soát vé có cơ hội nghịch mấy cuốn sổ ghi chép ở ga đầu mối Clapham và Scarsdale, Thổ Nhĩ Kỳ.

Ở phía bên tay phải của đoàn tàu là bờ biển Marmara, nơi có những con tàu chở hàng hai bên sườn hoen gỉ cùng những thuyền câu cá có đường viền hình lưỡi dao, vây xung quanh là những chiếc thuyền dài có bơi chèo kiểu Thổ đang bập bềnh trên mặt nước lấp lánh. Phía bên tay trái chúng tôi là vùng ngoại ô đang lướt qua, cứ khoảng năm mươi mét lại có thay đổi: những căn lều rải rác và làng chài nhường chỗ cho các khu chung cư cao tầng, với những căn nhà lán tạm ở phía dưới; rồi khu ổ chuột trồi lên từ một mô đá, những căn nhà gỗ thấp là là mặt đất, gác mái gỗ của những ngôi nhà nhấp nhô nằm chênh vênh trên vách núi – một kiểu xây nhà (kiểu nhà sắp đổ, không sơn, có ba gian) khá được ưa chuộng ở Somerville, Massachusetts, cũng như ở Istanbul. Phải mất một lúc mới nhận ra rằng kiểu nhà xây khác biệt ở đây không phải do tầng lớp xã hội, mà là do thời gian hàng thế kỷ, mỗi kiểu nhà biểu trưng cho một thời kỳ khác nhau – Istanbul là một thành phố đã trải qua hai mươi bảy thế kỷ và đang lão hóa; càng đi gần tới Seraglio nhà cửa trông càng vững chãi hơn (từ ván ốp đến gỗ, từ gỗ đến gạch, từ gạch đến đá).

Istanbul bắt đầu lộ ra khi đoàn tàu đi qua tường thành ở Cổng Vàng, Khải Hoàn Môn của Hoàng đế Theodosius – được xây dựng từ năm 380 nhưng trông tàn tạ không hơn gì những sợi dây phơi quần áo của người Thổ Nhĩ Kỳ. Tại đây, không rõ vì lý do gì, đoàn tàu lại đi nhanh về phía cực Đông của Istanbul, qua Thánh đường Xanh và Topkapi Sarayi, rồi vòng qua cảng Còi Vàng. Nhà ga Sirkeci chẳng thể sánh được với nhà ga đàn chị của nó, Haydarpasa, ở ngay bên kia sông Bosporus, nó lại gần khu đông dân cư Eminonu và gần một trong những thánh đường đẹp nhất thành phố, Yeni Valide Camii. Đó là còn chưa kể đến cầu Galata (nơi tập trung những người bán hàng, quầy bán cá, cửa hàng, nhà hàng, cả những kẻ móc túi ngụy trang như những người bán rong và cũng chào hàng) khiến cho ai mới đến Istanbul bằng tàu tốc hành Phương Đông trực tuyến vừa bị sốc vừa thấy thích thú khi được lao thẳng vào khu chợ phương Đông.

“Trông gớm ghiếc quá,” Molesworth nói. Nhưng gã đang mỉm cười. “Tôi nghĩ, tôi sắp thích nơi này rồi.” Gã đi tới làng chài đắt đỏ Tarabya. Gã cho tôi số điện thoại và dặn hãy gọi khi nào tôi thấy chán. Chúng tôi vẫn đang ở thềm ga Sirkeci. Molesworth quay về phía con tàu: “Tôi không thấy buồn khi chia tay đoàn tàu này, anh thấy đúng không?” Nhưng gã nói thế với một giọng khó chịu mà trìu mến, kiểu như một người tự bảo mình là ngốc nhưng lại ám chỉ ngược lại.

Thoáng nhìn qua chính mình trong chiếc gương mạ vàng cao ba mét tại khách sạn Pera Palas ở Istanbul ta sẽ cảm nhận được hào quang trong phút chốc, cảm giác sung sướng khi thấy gương mặt mình trong chân dung một hoàng tử. Cách bài trí không gian đượm vẻ xa xỉ nhưng đã xuống cấp, một khoảng rộng trải thảm êm ái, lót ván đen, tường và trần nhà chạm khắc kiểu Rococo[11] thế kỷ 18, trên đó những vị thần tình yêu đang mỉm cười nhẫn nại. Ở trên cao quá đầu là những chiếc đèn chùm cầu kỳ, giống như những cái chuông gió pha lê, qua những cột bằng đá cẩm thạch ở phòng khiêu vũ và những cây cọ ở khu quầy rượu màu gụ, trên đó treo rất nhiều bản sao các bức tranh tầm thường kiểu Pháp. Nhìn từ bên ngoài, khách sạn này chẳng đồ sộ gì hơn ngân hàng Charlestown ở Boston, hiện có hai người điều hành khách sạn, đều da màu, nhỏ thó và trông cứ như là họ hàng khác khác nhau vài thế hệ, mỗi người đều có nụ cười tự mãn ở dưới lớp ria mép khi dùng tiếng Pháp trả lời những câu hỏi tiếng Anh. Một điều hay là, theo ước nguyện của người chủ quá cố – một nhà từ thiện người Thổ Nhĩ Kỳ – khách sạn này là một quỹ từ thiện: lợi nhuận từ mức chi phí hạng sang hay mọi khoản thu thêm, đều góp phần cải thiện tình trạng nghèo đói của người Thổ Nhĩ Kỳ.

[11] Phong cách nghệ thuật và thiết kế nội thất của Pháp được sử dụng phổ biến thời của hoàng hậu Marie Antoinette.

Ngày đầu tiên ở thành phố này, tôi đã đi bộ liên miên, giống như một người được giải thoát khỏi trận tù túng dài ngày. Án phạt duy nhất khi đi tàu đối với người ham hoạt động như tôi là bị tước đoạt quyền đi lại. Nhiều ngày trôi qua, tôi đi chậm lại, và với cuốn sách về Thổ Nhĩ Kỳ của Nagel trong tay, tôi bắt đầu đi ngắm cảnh, một hoạt động thư thái thật sự vì cũng giống như việc nghiên cứu, phải chăm chú quan sát, lắng nghe mọi chuyện xa xưa, tự ca ngợi bản thân với ý thức rằng ta đang khám phá quá khứ, trong khi lại đang tự nghĩ ra quá khứ, sử dụng một cuốn sách hướng dẫn với những chú thích ngắn gọn. Tuy nhiên, nên quan sát Istanbul như thế nào? Trong cuốn sách Turkey, a traveller’s guide and history (Thổ Nhĩ Kỳ, lịch sử và hướng dẫn cho khách du lịch), Gwyn Williams khuyên rằng:

“Dành một ngày cho các bức tường thành và pháo đài, vài ngày thăm thú hệ thống ống nước và bể chứa trong và ngoài thành phố, một tuần đi thăm các cung điện, một tuần nữa thăm viện bảo tàng, một ngày cho các cột và tháp, vài tuần cho các nhà thờ và thánh đường… Dành vài ngày cho các khu mộ, nghĩa trang và cách trang điểm cho người chết có khi hay hơn ta vẫn tưởng.”

Sau khi mệt nhoài vì xem xác chết, chẳng bận tâm đến cách trang điểm, có khi lại hay. Trong trường hợp nào tôi cũng phải bắt tàu; nên tôi lượn qua vài góc đường và tự thuyết phục rằng đây là thành phố mà mình sẽ rất vui được trở lại. Ở khu đạo Hồi Topkapi, tôi đã được thấy những nhóm thái giám da màu. Bên ngoài mỗi xà lim là các loại dụng cụ tra tấn khác nhau, vặn ngón cái, roi và nhiều thứ khác. Theo người hướng dẫn, những hình thức trừng phạt không phải lúc nào cũng phức tạp. Tôi bảo cô ta cho ví dụ.

“Họ treo người lên rồi đánh vào bàn chân,” cô ta nói.

Một người Pháp quay sang tôi và hỏi: “Cô ấy nói tiếng Anh đấy à?”

Quả đúng vậy, cô ta còn nói cả tiếng Đức, nhưng với cả hai thứ tiếng, cô ta đều nói với âm điệu của tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Chẳng ai bận tâm đến điều này, hầu hết mọi người chỉ hỏi đi hỏi lại: “không biết thử mấy cái này thì thế nào?” Điểm nhấn trong căn phòng đá quý gây sự tò mò mỉa mai, vì hầu hết đá quý gắn trên dao găm và gươm đều là giả, đồ thật đã bị ăn trộm từ nhiều năm trước. Không nghi ngờ gì về việc giá vé máy bay trung bình đi Istanbul có thể mua được cả kho báu ở Topkapi, mặc dù người Thổ Nhĩ Kỳ, có thể vì lý do yêu nước, khẳng định rằng những viên ngọc to bằng quả trứng là đồ thật, cũng như họ khăng khăng cho rằng vết chân của đấng Toàn năng Mohammed trong bảo tàng thần thánh ở bên kia sân là vết chân thực sự của Người. Nếu quả như vậy, có lẽ ông ta là người Ả rập duy nhất trong lịch sử đi xăng đan cỡ EEE-14.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.