Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ

CHƯƠNG 9: TÀU TỪ KALKA ĐI SIMIA



Mặc dù ngoại hình của tôi nhếch nhác, vài người ở Delhi vẫn nghĩ tôi thật hèn khi đứng xếp hàng mua vé tàu đi về phía Bắc tới Simila, mà có lẽ đây cũng là một cách hay để cho thấy rằng một khi tôi đứng xếp hàng nghĩa là có thể bị nhầm với một kẻ không-thể-chạm-được-vào, một kẻ sắp làm đuốc sống (những vụ người đẳng cấp thấp tự thiêu hằng ngày vẫn xuất hiện trên báo chi Ấn Độ). Một nhân viên người Mỹ bị chứng kiết lỵ đã giới thiệu tôi với ông Nath, ông này nói rằng: “Không việc gì phải lo lắng. Chúng tôi sẽ lo mọi thứ.” Tôi đã từng được nghe những câu tương tự. Ông Nath gọi điện cho cấp dưới, ông Sheth, ông này bảo thư ký của mình gọi cho một văn phòng du lịch. Đến bốn giờ, vẫn chưa thấy dấu hiệu gì của vé tàu. Tôi gặp ông Sheth. Ông ta mới tôi uống trà. Tôi từ chối và đi thẳng tới văn phòng du lịch. Tại đây tôi gặp ông Sud. Ông ta đã ủy quyền việc mua vé cho một nhân viên của mình. Người này được gọi đến. Anh ta không có vé; và nhờ một gã hạ lưu Tamil mua vé, những gã như hắn luôn làm nhiệm vụ xếp hàng trước các quầy vé. Một câu chuyện kiểu Ấn Độ: vẫn không có vé. Ông Nath và ông Sud cùng tôi đi đến phòng vé, chúng tôi đứng đó (“Ông có chắc là không muốn dùng một tách trà thơm chứ?”) theo dõi gã xếp hàng mua vé, hắn đứng cách cửa sổ bán vé ba mét, tay cầm tờ đăng ký của tôi. Những người Ấn Độ chen lấn khác bắt đầu chồm lên phía trước hắn.

“Ông thấy đấy,” ông Nath nói, “tận mắt chứng kiến, ông mới hiểu tại sao ở đây lại lạc hậu. Nhưng đừng lo. Sẽ luôn có vé hạng sang.” Ông ta giải thích rằng toa hạng sang cho khách cấp cao và các quan chức chính phủ được đặt trước khi chuyến tàu chạy hai giờ, phòng trường hợp có nhân vật quan trọng nào đó muốn đi vào phút cuối. Rõ ràng là mỗi ngày người ta lại phải lên một danh sách khách đợi cho chuyến tàu trong tổng số mười nghìn chuyến ở Ấn Độ.

“Ông Nath,” tôi nói. “Tôi không phải khách quan trọng gì.”

“Đừng có ngốc thế,” ông ta đáp, rít tẩu thuốc, đưa mắt nhìn từ gã xếp hàng hộ sang tôi. Tôi nghĩ ông ta hiểu ý tôi, vì lời tiếp theo của ông ta là: “Dù sao ta cũng có thể thử bằng tiền.”

“Baksheesh.” Tôi nói. Ông Nath giãn mặt cười nhẹ.

Ông Sud nói: “Tại sao ông không đi máy bay?”

“Máy bay làm tôi bị nôn.”

“Tôi nghĩ chúng ta đợi đủ lâu rồi,” ông Nath nói. “Chúng ta sẽ gặp gã chịu trách nhiệm giải thích tình hình. Để tôi nói cho.”

Chúng tôi đi vòng qua thanh chắn tới chỗ người quản lý vé đang ngồi cau máy trước quyển sổ cái. Anh ta không nhìn lên. Anh ta nói: “Vâng, có chuyện gì thế?” Ông Nath trỏ cái tẩu về phía tôi và với thái độ trịch thượng kiểu người Ấn khi nói tiếng Anh với nhau, ông ta giới thiệu rằng tôi là một nhà văn có tiếng người Mỹ, đang có ấn tượng rất xấu về ngành đường sắt Ấn Độ.

“Đợi chút.” Tôi gọi.

“Chúng tôi được chỉ thị cố gắng hết sức để đảm bảo…”

“Khách du lịch?” người quản lý vé hỏi.

Tôi nói đúng vậy.

Anh ta vuốt ngón tay: “Hộ chiếu.”

Tôi đưa cho anh ta. Anh ta viết một tờ đăng ký mới và bảo chúng tôi ra. Đơn đăng ký mới được đưa lại cho gã xếp hàng, hắn đang vươn mình đến cửa sổ.

“Đây là một trường hợp cần được ưu tiên.” Ông Nath cáu kỉnh. “Ông là một khách du lịch. Ông đi cả chặng đường đến đây, vì thế ông được ưu tiên. Chúng tôi muốn để lại ấn tượng tốt đẹp trong ông. Nếu tôi muốn đi du lịch cùng gia đình – vợ, con nhỏ, thậm chí cả với mẹ tôi nữa – bọn họ nói: “Ôi không, có khách du lịch ở đây. Trường hợp ưu tiên!” Ông ta cười mà trông không vui vẻ gì. “Tình hình là như vậy. Nhưng ông có vé – đó là vấn đề quan trọng đúng không?”

Một người Ấn Độ nhiều tuổi ở trong toa đang ngồi vắt chân trên giường đọc tờ Filmfare. Thấy tôi bước vào, ông ta bỏ kính ra mỉm cười rồi lại đọc tiếp. Tôi đi đến chỗ cái tủ gỗ lớn và dùng tay lắc lắc, cố mở nó ra. Tôi muốn treo áo khoác. Tôi vòng ngón tay vào phía trong phần nhô ra kéo mạnh. Người Ấn Độ đó lại bỏ kính ra lần nữa, lần này ông ta gập quyển tạp chí lại.

“Làm ơn đi,” ông ta nói, “anh sẽ làm vỡ cái máy điều hòa mất.”

“Đây là cái máy điều hòa à?” Đó là một cái hộp cao bằng độ cao của toa, chiều rộng một trăm hai mươi xăng ti mét, có đánh véc ni, không có tiếng động gì phát ra và khá ẩm.

Ông ta gật đầu. “Mới được hiện đại hóa. Cái toa này cũng năm mươi tuổi rồi.”

“Từ năm 1920?”

“Khoảng đó,” ông ta nói. “Thời đó, hệ thống làm lạnh rất thú vị. Mỗi toa đều có máy riêng. Đây là một máy. Nó hoạt động tốt lắm.”

“Tôi không nhận ra đó là máy điều hòa của những năm 1920,” tôi thú nhận.

“Người ta dùng đá lạnh,” ông ta giải thích rằng từng khối đá được cho vào cái tủ có khóa ở dưới sàn – người ta làm từ bên ngoài để không ảnh hưởng gì đến giấc ngủ của hành khách. Những chiếc quạt ở trong tủ mà tôi đã từng cố mở thổi hơi lạnh vào trong toa. Cứ khoảng ba tiếng người ta lại cho thêm đá. (Tôi hình dung ra hình ảnh một người, anh ta đang ngáy trên giường của mình trong khi đó dưới thềm, có những người Ấn Độ mắt sáng rực đang đẩy những tảng đá vào trong tủ.)Nhưng hệ thống này đã được thay đổi: một thiết bị làm lạnh được lắp phía dưới máy thổi. khi ông ta nói xong, có một luồng gió rít ù ù thổi ra từ khe tủ.

“Khi nào thì người ta ngưng dùng đá?”

“Khoảng bốn năm trước,” ông ta nói. Ông già ngáp. “Xin phép anh, tôi ngủ nhé.”

Đoàn tàu khởi hành, những thanh xà gỗ của toa tàu cũ kỹ này kêu cót két, sàn tàu rung lên, lưới sắt chống trộm ở cửa sổ va vào khung cửa và tiếng ù ù của cái tủ cao kêu suốt cả đêm. Chuyến tàu thư vận Kalka chở đầy người Bengal đang trên đường đến Simla dự lễ hội Kalipuja. Người Bengal có làn da giống với nước da đen của nữ thần kiến tạo mà họ tôn thờ, nữ thần này cũng có cái mũi khoằm như họ, họ không may mắn sống ở bên kia đất nước, cách xa ngôi đền Kali được tôn sùng. Nữ thần Kali được mô tả có đeo một chuỗi xương sọ người quanh cổ, thè cái lưỡi nâu đỏ ra ngoài, chân giậm lên những xác chết. Nhưng những người Bengal cười rất thân thiện suốt cả chuyến đi, với những rổ đầy thức ăn và vòng hoa được bện khéo léo.

Khi tàu đến Kalka lúc bình minh, tôi vẫn đang ngủ, ông già người Ấn Độ đánh thức tôi. Ông ta đã mặc đồ xong, ngồi bên chiếc bàn hình lá rơi, đang dùng trà và đọc tờ Chandigarh Tribune. Ông ta rót trà vào tách, thổi cho nguội rồi làm động tác sùng bái bằng ngón tay, uống trà trong cái đĩa, liếm láp như một con mèo.

“Anh sẽ muốn đọc cái này đấy,” ông ta nói. “Phó tổng thống nước ông đã từ chức.”

Ông ta đưa tôi xem tờ báo, có một thông tin vui, cũng trên trang đầu có tin về một ông Dikshit nào đó. Có vẻ như là một sự kết hợp tốt đẹp, Dikshit và Agnew, dù rằng tôi biết chắc đời sống chính trị của Dikshit không có vết nhơ nào. Về phần Agnew, ông già Ấn Độ cười mỉa mai khi tôi đổi khoản tiền tay này đòi tống tiền sang rupi. Tỷ giá chợ đen biến hắn thành một kẻ cực kỳ rẻ tiền. Ông bạn cùng phòng không thể nhịn được cười.

Kalka là nơi giao thoa của hai vùng đất. Chẳng có đoạn thoai thoải khi chuyển từ đồng bằng sang núi: dãy Himalaya ngự ở phía trên bình nguyên Indo-Gangetic; đoạn leo lên khá đột ngột và ấn tượng. Các con tàu phải thích nghi với sự thay đổi khắc nghiệt về độ cao; có hai tàu – tàu rộng đi tới Kalka và tàu nhỏ, cứng cáp để ngược lên Simla. Sân ga Kalka được sắp xếp rất khéo, nằm ở phía bên đỉnh đồi có ánh sáng. Tôi chọn đi chuyến tàu hành trình một trăm ki lô mét trên đường ray (tàu một khoang). Những toa tàu bằng gỗ màu xanh chở đầy người đi hành hương – những người Bengal, nhanh nhẹn đứng ở chỗ lên tàu và làm theo đúng mẹo của dân Calcutta, thò đầu nhìn khắp một lượt cửa sổ của tàu rồi chọn những chỗ ngồi tốt nhất. Đây là mẹo của những người thành thị, khiến những người nông thôn kiên nhẫn hơn chịu thiệt. Tôi quyết định đi tàu một khối. Trông nó giống một cỗ máy màu trắng, phía đầu giống xe Model-T Ford còn phần thân giống xe buýt cũ. Nó được lắp vào đường ray hẹp, trông không khác nào một chiếc limousine cũ rích. Khi biết con tàu này được sản xuất năm 1925 (người lái tàu khẳng định với tôi như vậy), thì rõ ràng hình dáng như vậy rất tuyệt vời.

Tôi tìm gặp người soát vé. Anh ta mặc đồng phục trắng, đội cái mũ chỏm màu nâu, không vừa lắm. Anh ta lấy làm tiếc khi tôi chọn đi con tàu này. Ngón tay cái của anh ta miết dọc xuống tờ bìa kẹp hồ sơ, cố làm tôi bối rối rồi nói: “Tôi đang đợi một nhóm khác cơ.”

Chỉ có ba người trên con tàu. Tôi cảm giác là anh ta đang vòi tiền boa. Tôi nói: “Anh có thể cho thêm vào bao nhiêu người nữa?”

“Mười hai.” Anh ta nói.

“Người ta đặt bao nhiêu chỗ rồi?”

Anh ta giấu tập hồ sơ rồi quay đi. Anh ta nói: “Tôi rất lấy làm tiếc.”

“Anh là người tốt bụng mà.”

“Tôi đang đợi một nhóm khác.”

“Nếu họ đến, cho tôi biết nhé.” Tôi nói. “Trong lúc đó, tôi sẽ cho túi vào trong.”

“Có thể bị trộm đấy.” Anh ta hớn hở nói.

“Chẳng có gì có thể làm tôi vui hơn thế.”

“Ngài muốn ăn sáng chứ?” Một người đàn ông nhỏ bé cầm cây chổi hỏi.

Tôi nói đồng ý và chỉ năm phút sau bữa sáng đã được dọn trên một quầy vé không dùng đến ở ngay giữa sàn: trà, bánh mỳ nướng, mứt, một viên bơ và trứng ốp la. Ánh nắng buổi sáng rọi thẳng vào trong, sưởi ấm khi tôi đang đứng ăn bữa sáng. Một tình huống không phổ biến lắm ở ga Ấn Độ: không đông người, không có ai nằm ngủ, không có những người cắm lều trại, không có bò. Ngay từ sớm, mùi cỏ và hoa dại đã tràn ngập. Tôi phết bơ lên một lát bánh mì nướng rồi ăn, những không thể ăn hết bữa sáng. Để lại hai lát bánh mì nướng, mứt và nửa phần trứng ốp la, tôi bước lên tàu. Khi quay lại nhìn, tôi thấy có hai đứa bé rách rưới đi đến quầy vé và nhét phần bữa sáng còn lại của tôi vào mồm.

Lúc 7 giờ 15, người lái tàu chèn một cái quay tay dài vào trong máy và giật mạnh. Máy nổ, rung mạnh, xì khói, tiếng kêu è è vang lên. Trong vài phút, chúng tôi đã ở sườn đồi, nhìn xuống đỉnh của ga Kalka, ở bãi đỗ tàu có hai người đàn ông đang dịch chuyển một đầu máy hơi nước cỡ lớn đi vòng quanh. Tàu một khoang này di chuyển ổn định ở tốc độ mười lăm cây số một giờ, đi theo đường ngoằn ngoèo trên ngọn đồi dốc đứng, vòng qua những khúc quanh, qua những khu vườn và hàng đàn bướm trắng. Chúng tôi đi qua vài đường hầm trước khi tôi nhận thấy rằng chúng đều được đánh số; con số 4 được sơn trên cổng vào của hầm kế tiếp. Người đàn ông ngồi bên cạnh tôi nói với tôi rằng anh ta là một cán bộ nhà nước Simla, có tất cả một trăm linh ba đường hầm. Tôi cố không để ý các con số sau đó. Ở bên ngoài tàu, có một đoạn dốc thẳng, sâu hàng chục mét, được dành cho đường ray mở năm 1904 – đoạn dốc này xẻ ngay bên sườn đồi theo hai đường song song như ván của xe trượt băng và chạy xung quanh các ngọn đồi.

Sau khoảng ba mươi phút, mọi người trên tàu bắt đầu buồn ngủ ngoại trừ anh cán bộ và tôi. Ở những sân ga nhỏ dọc đường đi, người đưa thư chợt tỉnh cơn mơ và quẳng túi thư ra ngoài cửa sổ cho một người đang đứng đợi ở thềm ga. Tôi cố chụp ảnh, những không gian tránh né tôi: cảnh này nối tiếp cảnh kia chỉ sau vài giây, sự thay đổi đến chóng mặt của đồi núi và không khí của mây mù và những bóng cây xanh buổi sáng. Răng cưa của chiếc máy xay thịt cọ xát vào giá để đồ dưới trần tạo ra tiếng kêu như chiếc đồng hồ cũ, khiến tôi thấy buồn ngủ. Tôi lấy ra chiếc gối hơi, thổi phồng lên và ngả đầu xuống, ngủ ngon lành trong ánh sáng mặt trời cho đến khi bị tiếng phanh tàu và tiếng va đập ở cửa đánh thức.

“Mười phút nữa tàu chạy.” tài xế nói.

Chúng tôi ở dưới một khu kiến trúc bằng gỗ, một ngôi nhà búp bê, những hộp cửa sổ tràn ngập hoa đỏ và những mái hiên phủ đầy rêu. Đó là nhà ga Bangu. Nhà ga có hàng hiên rộng và cầu kỳ, những người phục vụ đang đứng ở đó, kẹp quyển thực đơn dưới nách. Hành khách trên tàu bước xuống. Bữa sáng ở Kalka của tôi đã tiêu hóa hết; tôi ngửi thấy mùi trứng, cà phê và nghe mấy người Bengal đang cãi nhau với mấy anh phục vụ bằng tiếng Anh.

Tôi bước đi dọc theo con đường rải sỏi, thầm ngưỡng mộ những luống hoa được chăm sóc tỉ mỉ và những thảm cỏ dài chạy dọc bên đường ray; phía dưới nhà ga có một con suối chảy róc rách, gần những luống hoa có tấm biển ghi: cấm hái hoa. Một anh bồi bàn đuổi theo tôi đến tận con suốt gọi to: “Chúng tôi có nước hoa quả! Ngài thích nước xoài tươi ép chứ? Một ít cháo đặc? Cà phê – trà?”

Chúng tôi lại tiếp tục lên đường, thời gian trôi thật nhanh vì tôi lại thấy buồn ngủ và tỉnh dậy khi lên tới những ngọn núi cao, trên đây có ít cây cối hơn, những sườn dốc đầy sỏi đá và những túp lều nằm chơ vơ lưng chừng núi. Sương mù đã tan hết, bên sườn đồi sáng rực, nhưng không khí vẫn mát mẻ và một cơn gió thổi nhẹ qua cửa sổ đang mở. Khi đi vào hầm, người lái tàu lại bật đèn vàng cam lên và lại nghe thấy tiếng bánh xe ken két vang vọng. Sau khi đi qua Solon, những thành viên còn lại trên tàu gồm có: một gia đình Bengal đi hành hương (bọn họ đều ngủ say sưa, ngáy to và ngửa mặt lên), anh cán bộ nhà nước, người đưa thư và tôi. Chặng dừng tiếp theo là Solon Brewery, ở đây không khí hăng hăng mùi men bia, sau đó chúng tôi đi qua rừng thông và tuyết tùng. Ở một đoạn đường, một con khỉ đầu chó kích cỡ tương đương đứa bé sáu tuổi đã nhảy khỏi đường ray để chúng tôi đi qua. Tôi vẫn nhớ mãi kích cỡ to lớn của con vật đó.

Anh cán bộ kể với tôi: “Ngày xưa có một ông Saddu (pháp sư) – sống gần Simla. Ông ta có thể nói chuyện được với khỉ. Vườn nhà một người Anh thường xuyên bị lũ khỉ đến quậy phá. Lũ khỉ phá phách lắm. Người Anh này đã nhờ ông pháp sư giúp đỡ. Ông pháp sư nói: ‘Để xem tôi có thể làm được không.’ Rồi ông ta đi vào rừng và triệu tập lũ khỉ. Ông ta nói: ‘Ta nghe nói các ngươi phá rối người Anh đó. Như thế là hư. Các ngươi phải dừng lại ngay, để khu vườn đó được yên. Nếu ta còn nghe thấy các ngươi quậy phá gì nữa, ta sẽ xử lý rất nghiêm khắc đấy.’ Và từ đó trở đi, lũ khỉ không còn đến khu vườn của người Anh đó nữa.”

“Anh có tin câu chuyện đó không?”

“Có chứ. Nhưng pháp sư đó giờ đã mất. Tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra với người Anh đó.”

“Có lẽ ông ta bỏ đi, cũng như những người khác.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.