Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ
CHƯƠNG 10: TÀU TỐC HÀNH RAJDHANI (“THỦ ĐÔ”) TỚI BOMBAY
Ông Radia (tên của ông ta được viết trên tấm treo ở cửa, cùng với tên của tôi) đang ngồi trên giường, ngâm nga một bài hát Ấn Độ bằng âm mũi. Ông ta nhìn tôi và hát to hơn. Tôi lôi ra chiếc máy cạo râu điện, bắt đầu cho nó chạy khắp mặt. Bài hát sầu thảm của ông ta át cả tiếng động cơ ken két. Khi hát, điệu bộ của ông rất say mê và kết hợp ăn ý với vẻ mặt chua xót. Ông ta nhìn chai rượu gin của tôi với thái độ khó chịu, nói với tôi rằng trên tàu của Ấn Độ không cho phép đồ uống có cồn và đáp lại câu trả lời nghiêm túc của tôi (“Nhưng tôi tưởng người Ấn Độ tin vào các linh hồn chứ”), ông ta chỉ lẩm bẩm. Một lát sau ông ta yêu cầu tôi mang điếu xì gà ra ngoài. Ông ta nói rằng đã có lần bị nôn ở ngay trong toa tàu chỉ vì có một người Anh hút thuốc trong đó.
“Tôi không phải người Anh,” tôi đáp.
Ông ta lại lẩm bẩm. Tôi thấy ông ta đang cố gắng đọc bìa của cuốn sách mà tôi đang mở ra. Đó là cuốn The auto-biography of a yogi (Tự truyện của một yogi) của Paramahansa Yogananda, món quà chia tay của ông Gupta sống tại Simla.
“Anh quan tâm tới yoga không?” ông Radia hỏi.
“Không,” tôi nói, chăm chú gí mắt vào cuốn sách. Tôi liếm ngón tay và lật trang sách.
“Tôi quan tâm,” ông Radia, “không phải về khía cạnh vật chất, mà là khía cạnh về tinh thần. Lợi ích nằm ở chỗ đó.”
“Mặt vật chất là quan trọng nhất.”
“Với tôi thì không phải. Tôi cho rằng tất cả đều mang tính tinh thần. Tôi thích luyện tập trí não của mình bằng cách tranh cãi và thảo luận về mọi chủ đề.”
Tôi đóng sách lại rời khỏi khoang tàu.
Vào lúc chiều muộn, vầng mặt trời màu cam đã bị nhấn chìm trong bụi mù từ tít ngoài xa quang cảnh bằng phẳng tuyệt đối. Delhi là một thành phố ba triệu dân, nhưng chỉ mất nửa giờ đi từ nhà ga thì bạn đã có thể đến vùng quê vắng người, một đồng bằng màu xanh bằng phẳng giống như ở Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, nơi ánh nắng và sự trống trải khiến tôi đau mắt. Tôi đi qua các toa phân theo hạng ghế để tới toa ăn: toa hạng nhất được trang bị điều hòa, trải thảm, tay nắm cửa lạnh toát, cửa sổ dính sương, vòi tắm hoa sen gắn trong buồng vệ sinh theo phong cách Ấn Độ, nhưng không có chiếc vòi nào gắn trong cái cabin kinh khủng được thiết kế theo (và điều này là một sự bôi nhọ ghê gớm) “phong cách phương Tây”. Những người mua vé hạng nhất ở trong một căn phòng trống trải cùng với những chiếc ghế bọc nhựa, toa này bố trí chỗ ngồi giống trên máy bay, mọi người đều bị nhét vào cùng một chỗ trong đêm, chăn trùm qua đầu để tránh điều hòa và ánh sáng chói lóa phía trên đầu. Toa gỗ hạng hai có trò chơi bài. Toa nằm hạng ba có những chiếc giường xếp như giá sách được gắn lên tường thành từng tầng giống như trong chiếc tàu xuất hiện ở những bộ phim cũ của Nga. Mọi người ngả mình trên giường, những cái đầu gối xương xẩu nhô ra, một số người khác thì đang xếp hàng láo nháo trước cửa buồng vệ sinh.
Toa ăn, nằm ở cuối bậc trong những nấc thang địa vị xã hội của người Ấn Độ, là một phòng hẹp với những chiếc ghế gãy và những chiếc bàn ọp ẹp. Người ta bán phiếu ăn. Cho đến thời điểm này của hành trình, tôi bỗng thành một người ăn chay. Trong mọi tình huống, tôi thấy thịt ở Ấn Độ lúc nào cũng bẩn, bởi vậy tôi chưa bao giờ nảy ra nỗi thèm muốn nào mà đôi khi gọi là “cơn thèm thịt” cả. Và dù cho tôi chưa bị tác dụng phụ nào của việc ăn chay (bất lực, tính tình trở nên ôn hòa, xì hơi) thì thi thoảng tôi cũng vẫn phải xem xét lại khi vào một tối, tôi thấy một đầu bếp Ấn Độ nhễ nhại mồ hôi mặc bộ quần áo dơ dáy đang dùng cẳng tay vơ rau vào nồi, sau đó đập và ép rau thành một đống mềm nhão.
Trời tối, chúng tôi dừng tại ga đầu mối Mathura. Tôi bước ra ngoài, trong ánh sáng chói lọi của sân ga là quang cảnh giờ đây đã trở nên quen thuộc (nhưng vẫn chưa bớt kinh hoảng chút nào) của những dân quê trên ga. Họ không phải là dân địa phương: đen thui, gầy, hàm răng nhỏ sắc, những chiếc mũi nhỏ, tóc dày bóng; họ mặc xà rông và hạ trại trên sân ga cứ như thể nơi này hoàn toàn và vĩnh viễn thuộc quyền sở hữu của họ. Có một dãy giường charpoy và tại đoạn cuối không có mái che của sân ga là những tấm bạt dính mỡ được dựng lên giống như những chiếc lều. Họ khạc nhổ, ăn uống, đi tiểu và tản bộ với vẻ điềm tĩnh mà đáng ra phải diễn ra trong một ngôi làng xa xôi tại nơi sâu nhất trong rừng Madrasi (tôi nghĩ rằng họ là người Tamil), thay vì ở đây dưới những cái nhìn chằm chằm của các lữ khách trên chuyến tàu tốc hành Bombay. Một người đàn bà tóm lấy đứa trẻ và bảo nó chải chấy trên đầu bà ta, còn một người đàn bà khác, chỉ một giây sau khi tôi nghĩ hình như bà ta đang thu mình lại trong tuyệt vọng thì lập tức bà ú òa với một đứa trẻ lấp ló trong một cái sọt màu cam.
Tôi đã đi qua những cái lều kiểu này rất nhiều lần mà không nhìn gần họ. Tôi thấy một người đàn ông trên tàu và hỏi liệu anh ta có thể phiên dịch giúp tôi một số câu hỏi. Anh ta đồng ý, chúng tôi tìm thấy một người nguyện trả lời phỏng vấn. Đó là một người đàn ông mặc một bộ xà rông màu trắng, có khuôn mặt láu cá, đôi mắt trắng lấp lánh và bộ răng thỏ. Anh ta đứng khoanh tay, vuốt ve bắp tay bằng những ngón tay xương xương.
“Anh ta nói họ tới từ Kerala.”
“Nhưng tại sao họ phải đi xa như vậy? Họ đi tìm việc ư?”
“Không phải đi tìm việc. Đây là một yatra.”
Vậy ra đây lại là một chuyến hành hương nữa.
“Họ đi tới đâu vậy?”
“Tới đây, Mathura,” người phiên dịch phát âm thành Muttra. Người đàn ông có gương mặt láu cá lại nói. Người phiên dịch tiếp tục dịch, “Anh ta đang hỏi liệu ông có biết đây là vùng đất thiêng?”
“Nhà ga này á?”
“Thành phố này. Thần Krishna (hiện thân thứ tám của thần Vishnu) được sinh ra tại đây.”
Và không chỉ có vậy, theo như tôi đọc được sau đó, chính tại Mathura này, thần Cowherd đã bị tráo đổi với người con gái mới sinh của Jasoda nhằm giải cứu ngài khỏi sự sát hại của tên khổng lồ Krans, tương tự như câu chuyện về Herod. Thành phố này cũng là nơi ở thời trẻ của Krishna, nơi ngài bông đùa với các cô gái vắt sữa và thổi sáo. Truyền thuyết thật đẹp; nhưng có vẻ nơi đây là một sự trái ngược lớn.
“Những yatra sẽ ở lại đây bao lâu?”
“Một vài ngày.”
“Tại sao họ lại ở nhà ga thay vì ở trong thành phố?”
“Ở đây có nước, ánh sáng và an toàn. Trong thành phố có cướp, một số người bị bọn lừa đảo rình rập.”
“Họ làm gì để có thức ăn?”
“Anh ta bảo họ có mang theo ít đồ ăn và kiếm thêm một chút trong thành phố. Một số khách trên tàu cũng cho họ.” Người phiên dịch nói thêm: “Anh ta hỏi anh tới từ đâu?”
Tôi nói cho anh ta biết mình từ đâu tới. Trong một góc sân ga, tôi thấy bóng một đứa trẻ bụng ỏng, đôi chân khẳng khiu và đang níu lấy cái vòi nước. Cậu bé đứng một mình, cứ bám mãi lấy cái vòi nước, chẳng chờ đợi điều gì; sự kiên nhẫn vô ích này khiến tim tôi nhói lên.
“Anh ta đang hỏi xin tiền.”
“Tôi sẽ đưa anh ta một rupi nếu anh ta cầu nguyện cho tôi tại đền Mathura.”
Câu nói trên của tôi đã được phiên dịch. Người đàn ông tới từ Kerada cười lớn và nói điều gì đó.
“Anh ta sẽ vẫn cầu nguyện cho ông dù thậm chí ông chẳng cho anh ta cái gì.”
Còi tàu hụ vang và tôi lên tàu. Ông Radia đã ngừng hát. Ông ta đang ngồi trong toa đọc tờ Blitz. Blitz là một tờ tuần báo bằng tiếng Anh khá om sòm và tắc trách, chuyện đưa các tin giật gân theo kiểu nông choèn nhưng sống động và dưới đây là một ví dụ xác đáng từ trang tin điện ảnh:
Đạo diễn kiêm nhà sản xuất nổi tiếng của bộ phim JURU, một trong bốn bhai[1], tổ chức sinh nhật cho mình như thể việc này không liên quan tới ai.
[1] Đàn anh (tiếng Ấn Độ).
Trật tự kiểm soát khách khứa đã vượt ra ngoài giới hạn! Chính chủ nhân bữa tiệc bố trí những bữa rượu túy lúy, gái điếm, những cuộc cãi lộn! Ông ta cao ngạo, ương ngạnh nên hống hách và chỉ đạo tất thảy. Lăng nhục một số người và sau đó là đấm một vị khách vào lúc một số khách bước ra khỏi bữa tiệc. Thật hiếu khách làm sao! Ông ta nghĩ mình là ai? Bố già ư?
Ông Radia tiếp tục đọc, cáu kỉnh với sự đánh giá này. Sau đó khay thức ăn tối được đưa tới, tôi nhận ra ông ta không phải là người ăn chay. Hamburger nát vụn dưới con dao và ông ta chọc vào nó một cách ghê tởm. Nhưng ông ta vẫn ăn. “Lần đầu tiên ăn thịt, tôi thấy buồn nôn khủng khiếp,” ông ta nói. “Nhưng điều đó sẽ xảy ra khi tôi làm bất cứ điều gì lần đầu tiên có phải không?”
Với câu nói khó hiểu đó ông ta bắt đầu kể cho tôi nghe về công việc của mình. Ông ta đã làm việc cho hãng Shell hai mươi năm nhưng rồi nhận ra mình ghét người Anh tới mức phải bỏ việc. Sự bất mãn nặng nề của ông và ký ức về sự sỉ nhục mà ông phải chịu đựng, tất cả dường như đang được gợi nhớ lại. Người Anh độc đoán và bảo thủ, ông nói, nhưng vội vàng nói thêm: “Lưu ý ông rằng những người Ấn Độ chúng tôi cũng có thể như vậy. Nhưng người Anh có cơ hội để thay đổi. Nếu như…” vừa nói ông ta vừa chọc chọc vào miếng Hamburger, “nếu như người Anh trở thành người Ấn.”
“Có lẽ nào điều đó xảy ra.”
“Có chứ, họ có thể đã làm được điều đó. Có vấn đề gì dâu. Tôi đã nói tới một cuộc họp nhóm T[2] tại Darjeeling. Ở đó có những cuộc tranh cãi và thảo luận. Rất thú vị. Có vợ của vị đạo diễn vừa mới tới từ Mỹ, ngày thứ hai bà ta có mặt ở cuộc họp, quý bà đó đã mặc một bộ đồ xari.”
[2] Nhóm T: một nhóm người nghiên cứu về cách cư xử của con người với những người khác.
Tôi nghi ngờ rằng ví dụ trên chưa chắc có thể chứng minh được điều gì và hỏi ông ta quý bà đó mặc xari trong vòng bao nhiêu ngày.
“Đó chính là vấn đề,” ông Radia nói.
Hiện tại ông ta làm phó tổng giám đốc cho một công ty liên doanh Nhật-Ấn chuyên sản xuất pin khô tại Gujarat. Ông ta đã cãi lộn vài lần với người Nhật – “Xung đột trực diện – tôi chẳng có sự lựa chọn nào cả!” Tôi hỏi ông ta thấy người Nhật thế nào. Ông trả lời: “Trung thành, đúng! Sạch sẽ và chăm chỉ, đúng! Nhưng thông mình, hoàn toàn sai!” Hóa ra người Nhật đang gây khó chịu cho ông ta mặc dù ông vẫn thích họ hơn người Anh. Công ty được quản lý theo hình thức của Nhật Bản: mặc đồng phục, không người giúp việc hay người bê vác, họp hằng sáng, ăn cùng công nhân tại căng tin và chung nhà vệ sinh (“Thật là sốc”). Nhưng điều chọc giận ông Radia là người Nhật cứ nhất định phải hẹn hò với các nữ công nhân nhà máy.
“Đấy là cách tốt nhất mà tôi biết để làm suy đồi người khác,” ông ta nói, “những khi tôi thắc mắc thì họ nói công nhân sẽ thân thiện hơn nếu như các ông chủ hẹn hò với công nhân gái. Và họ cười tôi. Ông đã bao giờ thấy một người Nhật cười chưa? Tôi sẽ không làm như vậy. ‘Không đời nào!’ tôi đã nói vậy. ‘Anh muốn cãi nhau à? Được thôi, chúng ta sẽ cãi nhau. Hãy cùng mang vấn đề này lên gặp giám đốc!’ Bây giờ tôi xin nói thật với anh, tôi nghĩ những người Nhật này đi hai ba đôi một lúc và làm tình tập thể.”
“Đặc biệt là đi thành các đôi,” tôi nói. Nhưng ông Radia đang quá tức giận để nghe thấy tôi.
“Tôi nói với họ là điều đó thật không thể chấp nhận được! Gái điếm à – được, thứ này có ở khắp nơi trên thế giới! Các cô gái trong thành phố à – cũng được! Sạch sẽ, khỏe mạnh, vui tính – tốt thôi! Đi dã ngoại à – cho tôi đi với! Tôi sẽ mang theo vợ mình, sẽ mang theo con mình, tất cả chúng ta sẽ có khoảng thời gian vui vẻ. Nhưng với công nhân á? Không đời nào!”
Ông Radia bắt đầu tăng dần sự tức tối với người Nhật. Tôi than đau đầu rồi đi ngủ.
Người phục vụ mang trà cho tôi lúc sáu giờ rưỡi và nói rằng chúng tôi đang ở Gujarat. Những con bò thiến và bò cái đang gặm cỏ ven đường, còn tại một nhà ga có con dê đang đứng đớp đớp trên sân. Gujarat, nơi sinh của Gandhi là một vùng đất nóng nực, bằng phẳng, hiển nhiên rất màu mỡ. Ở đây có vườn ổi, cánh đồng đậu lăng, bông, đu đủ và thuốc lá trải dài tới tận dây cọ nghiêng mình phía cuối chân trời, còn mương thủy lợi thì bị cắt ra trông giống như quân hàm trên tay áo của bức tranh phong cảnh nơi dây. Rất ngẫu nhiên những vòm cây định hình ngôi làng, và ta có thể thấy những người đầy bụi đất đang gột mình trong những dòng suối màu nâu, hai bên bờ suối đầy bùn bị bao phủ bởi các dấu chân giống như dấu chân của những con chim lạc tổ.
“Chúng ta đang ở Baroda,” ông Radia nói, quay ra phía cửa sổ. Ngay gần là cảnh di cư của những người ăn mặc rách rưới đội các bọc đồ trên đầu, theo sau là một chiếc xe bò chất đống các đồ đạc méo mó. Mảng đầu trắng trơ trụi tóc của những đứa trẻ nói lên phần nào tình trạng dân số quá mức đông đúc, suy dinh dưỡng, bệnh tật; tất cả họ đang nhăn nhó trong cái nắng chói chang. “Tôi nghĩ kia là một nhà máy hóa dầu mới. Nó đã đi vào hoạt động,” ông Radia nói.
Chúng tôi đang di chuyển qua một khu nhà ổ chuột được làm hoàn toàn từ mảnh bìa và các mảnh loa đập bẹp. Những người đàn bà ngồi xổm, đập phân bò thành hình như bánh nướng, và tôi có thể thấy người ta đang nằm trong những túp lều gớm ghiếc, tay vắt lên ngang mặt. Một người đàn ông quát tháo đứa trẻ đang bỏ chạy; một tiếng kêu khác cất lên ở trên tàu.
“Mọi thứ đang xuất hiện. Nhà máy của Patel. Nơi đây hoàn toàn được công nghiệp hóa. Ngành công nghiệp Jyoti. Tôi xin thưa là trị giá Mười triệu. Mười triệu!”
Ông Radia đang ngoái nhìn một con mương đầy bùn, bên cạnh những con bò gầy trơ xương là bọn trẻ mũi dãi chảy lòng thòng, những bà già đội khăn trùm đầu rách tả tơi, nhiều người ngồi xổm ỉa mang vẻ mặt khó hiểu, mấy ông già da bọc xương chống vào những chiếc ô đã hỏng.
“Lại một nhà máy mới nữa, cũng nổi tiếng – đồ nội thất Baroda. Tôi quen ông giám đốc. Chúng tôi đã đi lòng vòng uống rượu với nhau.” Ông Radia, người bài Anh, nói một cách vui vẻ. “Nào, nâng cốc chúc sức khỏe!”
Khi tàu tới Broach, cách Baroda hơn tám mươi ki lô mét, chúng tôi đi qua dòng sông Narmada rộng lớn. Tôi ngồi ở cửa. Một người đàn ông vỗ vào vai tôi.
“Xin lỗi.” Một người Ấn Độ da đen, đeo kính, mặc áo sơ mi hoa hoét, ôm hai quả dừa và một vòng hoa. Anh ta tiến về phía cửa, níu vào tay vịn, ném vòng hoa rồi thả hai quả dừa xuống sông.
“Đồ cúng ấy mà,” anh ta giải thích. “Tôi sống ở Singapore. Thật hạnh phúc khi được trở về nhà.”
Vào buổi chiều muộn, chúng tôi tới vùng trũng của Maharashtra, những đầm lầy lấp lánh, những con lạch nhỏ xanh biếc của vịnh Cambray và ngay tại điểm chân trời là biển Ả rập. Buổi sáng trời mát mẻ, tạo cảm giác dễ chịu khi ở Baroda, nhưng buổi chiều từ Broach tới Bombay, thời tiết thật ngột ngạt: không khí ẩm thấp, tàu lá hình răng lược trên những cây cọ cao nhẹ tựa lông rũ xuống trong cái nóng oi bức. Tại mỗi đường chắn tàu tôi thấy chân cẳng của những người Ấn Độ đang ngủ thò ra khỏi các thùng hàng và lều tự chế. Rồi đến Bombay. Chúng tôi vẫn ở khá xa trung tâm thành phố – ba mươi ki lô mét hoặc hơn – một túp lều võng đơn độc, tiếp đó tới một dãy lều và sau đó là tập hợp liên tiếp với những ngôi nhà thấp, mái lấp lánh những tấm nhựa, mảnh gỗ và giấy, lốp cao su, ván ốp được giữ lại với nhau bằng đá cục, còn mái che chằng buộc bằng cây leo, dường như người ta chất lên những thứ bỏ đi này để giữ cho ngôi nhà sơ sài khỏi bị thổi bay. Lều lán chuyển thành những ngôi nhà gỗ một tầng màu pho mát hỏng, tiếp đó là tới những ngôi nhà ba tầng chăng đây đồ phơi phóng và những khu căn hộ tám tầng với chiếc thang thoát hiểm hoen gỉ, mọi vật lớn dần, lớn dần tới khi chúng tôi tới gần Bombay.
Phía ngoài thành phố, tàu tốc hành Rajdhani dừng lại vài lần rất đột ngột, một lần làm đổ bình nước của tôi xuống sàn và lần tiếp theo làm vỡ một chiếc cốc. Dường như chúng tôi không chủ ý đỗ tại những nhà ga này, mặc dù vẫn có người xuống tàu. Tôi thấy họ ném đồ đạc xuống đường ray và nhảy xuống tàu với tốc độ của những kẻ đào tẩu, nhặt hành lý và phóng đi dọc theo đường ray. Tôi phát hiện ra rằng họ đã kéo cần báo động khẩn cấp (SỬ DỤNG BÁO ĐỘNG KHÔNG THÍCH HỢP SẼ BỊ PHẠT 250 RUPI) bởi họ đi qua nhà mình. Đây là tàu tốc hành, nhưng bằng cách kéo cần báo động, người Ấn Độ có thể biến nó thành tàu chợ.
Trên tàu có một thanh niên béo ú, mới tốt nghiệp trường Kỹ thuật Dehra Dun đang trên đường tới Poona để phỏng vấn xin việc. Cậu giải thích cho tôi tại sao tàu bị dừng lại đột ngột như vậy và cậu miêu tả chuông báo động hoạt động thế nào.
Cậu bảo: “Người nào muốn rời tàu sẽ kéo dây và thiết bị bên trong sẽ giải phóng chân không khiến phanh gí chặt lấy giá chuyển hướng đặc biệt. Nhân viên phục vụ tàu chắc chắn biết giá chuyển hướng báo động nào bị kéo, nhưng có quá nhiều người đã làm việc đó. Nhân viên phục vụ tàu phải kết nối lại thiết bị, tạo ra áp suất để tàu tiếp tục chuyển bánh.
Cậu nói chậm và cẩn thận tới nỗi khi giải thích xong thì chúng tôi đã ở Bombay rồi.
Tại một nhà ga ở Bombay, V.S. Naipaul đã hoảng sợ chạy chốn, lo sợ rằng ông “có thể bị chìm nghỉm vào đám đông người Ấn Độ đó mà chẳng để lại vết tích gì.” Chuyện này được viết trong cuốn An Area of Darkness (Một vùng bóng tối). Nhưng tôi không thấy trung tâm Bombay có gì đáng sợ quá thể cả; ở quen khiến tôi nghĩ đây là một nơi dành cho người tị nạn và những kẻ tìm vận may, đầy mùi bẩn thỉu và mùi tiền, một vùng lân cận trông giống như cái nửa lôi thôi của Chicago. Đám đông vội vã ban ngày không làm cho tôi sợ bằng việc họ cứ đi vẩn vơ rình mò, nhưng hầu như không có dấu hiệu nào cho thấy họ đi vô mục đích. Hướng đi của những tà áo trắng lướt nhanh đó mang lại cho hàng nghìn người đang bước đi này dáng dấp trang trọng của một cuộc diễu hành của các nhân viên văn phòng, vợ họ và gia súc, như đang chuẩn bị cho cuộc tụ tập theo một thói quen có từ lâu, ở ngay giữa những kiến trúc đẹp đẽ mà đế quốc Anh đã dựng lên (bịt một mắt lại, liếc nhìn ga Victoria ở Bombay, bạn sẽ thấy sự oai nghiêm của Nhà thờ St Paul). Bombay đáp ứng hết các tiêu chí của một thành phố lớn về tuổi tác, độ thâm trầm, về sự điên cuồng gây cảm hứng cho chủ nghĩa sô vanh trong người dân nơi đây, thái độ kiêu kỳ của một đô thị xác xơ bị cạnh tranh duy nhất bởi Calcutta. Tôi thất vọng khi tới Tháp Yên Lặng, nơi người Ấn Độ chuyên đặt những xác chết để cho kền kền ăn. Nghi thức dã man này có thể làm kinh hãi một vị khách tình cờ viếng thăm nơi đây, nhưng hành động này dựa trên tính hợp lý về mặt sinh thái. Các tín đồ Bái hỏa giáo ở cửa không cho tôi vào bên trong để xác thực điều này. Anh lái xe Mushtaq đã đưa tôi tới đây rồi quay về. Tôi nói có lẽ câu chuyện đó không đúng, tôi đâu thấy bất cứ con kền kền nào. Mushtaq bảo chúng ở dưới tháp và đang ăn xác chết. Anh ta nhìn vào đồng hồ: “Tới giờ ăn trưa rồi.” Nhưng ý anh ta muốn nói là giờ ăn trưa của tôi.
Sau bài giảng hôm đó, tôi gặp một vài nhà văn. Một trong số họ là ông V.G. Deshmukh, một tiểu thuyết gia vui tính, luôn nói rằng ông không thể kiếm sống nhờ vào ngòi bút được. Ông đã viết ba mươi cuốn tiểu thuyết. Ở Ấn Độ, viết lách là một công việc đơn độc, không được trả tiền, nhưng dù thế nào chăng nữa thì người đàn ông này vẫn viết về những người nghèo: không ai hứng thú đọc về người nghèo. Ông biết vậy, bởi người nghèo là công việc phải làm của ông.
“Giảm nghèo đói, tái định cư, ngăn ngừa hạn hán, sự thiệt thòi về quyền lợi, mọi thứ mà ông có thể kể tên ra. Đôi khi nó khá đau đầu. Nhưng sách của tôi không bán, bởi vậy tôi không có sự lựa chọn nào. Ông có thể gọi tôi là một nhà tổ chức.”
“Ông ngăn hạn hán bằng cách nào?”
“Chúng tôi có các chương trình.”
Tôi đã thấy các ủy ban, thư trình bày ý kiến, hội nghị và các lĩnh vực rất mơ hồ.
Gần đây ông có ngăn chặn được cái gì không?”
“Chúng tôi đang thực hiện một chương trình dài hơi,” ông nói. “Nhưng tôi thích viết tiểu thuyết hơn.”
“Nếu ông đã viết được ba mươi cuốn thì tôi chắc là đã tới lúc ông ngừng lại rồi!”
“Không, không! Tôi phải viết một trăm linh tám cuốn!”
“Sao ông lại định đạt tới con số đó?”
“Đó là con số kỳ diệu theo triết học Hindu. Vishnu có một trăm linh tám cái tên. Tôi phải viết một trăm linh tám cuốn tiểu thuyết! Điều đó không dễ dàng chút nào, đặc biệt là vào lúc này, với tình hình thiếu giấy chết tiệt này.”
Vấn đề thiếu giấy cũng làm ảnh hưởng tới tờ Tuần báo Ấn Độ có minh họa của Kushwant Singh[3]. Tổng số phát hành là ba trăm nghìn bản nhưng ông chuẩn bị cắt giảm con số đó xuống để tiết kiệm giấy. Đây là chuyện của người Ấn Độ: các doanh nghiệp Ấn Độ làm việc giỏi tới mức họ đã sản xuất ra những thảm họa; thành công khiến họ quá dư thừa và việc phá vỡ các trật tự chưa từng có trước đó dẫn tới sự thiếu hụt và cuối cùng là thất bại. “Cái đói là nữ tỳ của các vị thần,” bà Pudd’nhead Wilson đã nói vậy, đây là lời đề từ ở chương viết về Bombay trong cuốn Following the Equator (Theo đường Xích đạo) của Mark Twain, và thực sự là các vị thần đói của Ấn Độ de dọa nhấn chìm bà. Mỗi thành công mà tôi biết được thuyết phục tôi rằng Ấn Độ đang bị chìm đắm trong các phát minh, mất hết hy vọng và phải thất bại trừ phi những gì tôi thấy vào tối hôm đó biến mất. Một sự thật dễ hiểu nhất của Ấn Độ là: quá đông dân.
[3] Nhà văn, nhà báo, sử gia Ấn Độ nổi tiếng sinh năm 1915.
Không thể ngủ được, tôi dậy đi dạo. Tôi rẽ về phía bên trái khách sạn và bước đi hơn chín mươi mét qua những nhà thổ dẫn tới con đập lấn biển, vừa đi vừa đếm số người đang ngủ mà tôi gặp. Họ nằm duỗi dài trên vỉa hè, bên cạnh nhau; một số nằm trên những tấm bìa cứng nhưng hầu hết đều nằm ngủ trực tiếp lên nền xi măng, không giường, một ít quần áo, tay gối đầu. Lũ trẻ ngủ bên cạnh họ, những đứa khác ngủ phía sau lưng. Không có dấu hiệu nào cho thấy họ có tài sản. Tôi đếm tới bảy mươi ba người ngồi rồi rẽ vào góc phố, phía dưới con đường chạy dọc gần đập có thêm hàng trăm người nữa – chỉ là những tấm thân, không gối, bọc, không xe kéo, không có thứ gì để phân biệt người này với người kia, không có dấu hiệu của sự sống. Đôi khi người ta nghĩ những người ngủ trên vỉa hè tại đường phố Bombay này là một hiện tượng gần đây; nhưng Mark Twain đã thấy họ trên đường tới buổi lễ hứa hôn lúc nửa đêm.
Chúng tôi như đang đi qua một thành phố chết. Thật khó có thể thấy chút gì của sự sống ở trong những con phố tịch mịch và trống trải. Thậm chí những con quạ cũng im lặng. Nhưng ở khắp nơi trên mặt đất là những người bản xứ đang nằm ngủ – hàng trăm, hàng trăm người. Họ nằm duỗi dài, quấn chặt đầu và toàn thân trong chăn. Tư thế cứng đờ của họ giống hệt như chết vậy.
Đó là vào năm 1986. Bây giờ con số này còn lớn hơn nữa, và có thêm một sự thay đổi khác. Những người tôi thấy còn không có chăn. Kẻ đói – xin mạn phép Pudd’nhead Wilson – cũng là nữ tỳ của thần Chết.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.