Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ

CHƯƠNG 24: TÀU KHÁCH SÀI GÒN – BIÊN HÒA



Tôi đến Việt Nam để bắt tàu; ở đất nước này người ta làm những việc rất kỳ lạ. Đường sắt xuyên Việt mà người Pháp gọi là Xuyên Đông Dương, phải mất hơn ba mươi ba năm để xây dựng, nhưng vào năm 1942, tức khoảng sáu năm sau khi hoàn thành, nó đã bị phá vỡ thành nhiều đoạn và chẳng bao giờ được sửa. Một loại mứt tổng hợp, giống một trong những món ăn Pháp, mất nhiều thời gian để làm ra nhưng ăn vèo là hết: vị ngon ngắn ngủi nhưng tốn công và đáng nhớ. Từ Sài Gòn ra Hà Nội, đoàn tàu đi qua một bờ biển đẹp mà một vài vệ binh bất đắc dĩ của chúng ta tán dương; nhưng giờ đây nó đã bị chia thành nhiều phần, giống như con sâu bị cắt ra làm mồi, mảnh ở đây, mảnh ở kia, vẫn giãy giụa những dấu hiệu của sự sống. Tuyến đường bị những người cộng sản Việt Nam đặt mìn – thậm chí còn nhiều hơn từ khi ngừng bắn (dù muốn hay không thì đấy cũng chỉ là một uyển ngữ chua xót); nó cũng bị đám lái xe tải địa phương đặt mìn, những kẻ khủng bố vì tiền, tin rằng những đoạn đường sắt này tiếp tục hoạt động (đến Đà Nẵng, đến Huế, đến Tuy Hòa) thì họ sẽ chẳng còn kế sinh nhai như những người Mỹ đã bảo họ mong đợi. Cũng giống như nhiều nơi khác ở Việt Nam đường sắt bị phá hủy – ở phía Bắc tỉnh Bình Định, đường sắt biến thành đồng lúa – nhưng điều đáng kinh ngạc là một phần của tuyến này vẫn hoạt động. Phó Giám đốc đường sắt Việt Nam[1] Trần Mộng Châu[2] một người đàn ông thấp đeo cắp kính dày cộp, nói với tôi rằng: “Chúng tôi không thể dừng hoạt động đường sắt. Chúng tôi vẫn để nó hoạt động dù mất tiền. Có lẽ chúng tôi sẽ sửa chữa đôi chỗ. Nếu dừng lại, tất cả sẽ biết rằng chúng tôi thua trong cuộc chiến này.”

[1] Trước năm 1975, đường sắt miền Nam Việt Nam do cục Hòa xa, Bộ thông tin và Bưu điện thuộc Chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý.

[2] Nguyên bản ghi: Tran Mong Chau.

Ông cảnh báo tôi đừng đi từ Nha Trang đến Tuy Hòa, nhưng lại nói tôi nên đi từ Sài Gòn đến Biên Hòa – có đến mười bốn chuyến một ngày. Ông cảnh báo trước với tôi là đi tàu ở đây không giống tàu của Mỹ đâu. Lời cảnh báo đặc biệt ấy (mà làm sao ông ấy biết được việc này nhỉ?) giống như một đề nghị.

Ở bên ngoài văn phòng, tôi hỏi Dial, phiên dịch người Mỹ của tôi, một lính thủy đánh bộ chuyển sang làm tháp tùng viên văn hóa (anh ta cười vì cái ý nghĩa phóng đãng của cụm từ đó – còn nói cách khác thì anh ta đã “sang ngang”): “Cậu có nghĩ là sẽ an toàn nếu đi tàu đến Biên Hòa không?”

“Khoảng một tháng trước cộng sản Việt Nam đã tấn công tuyến đường này,” Dial đáp. “Họ hạ sáu hay bảy hành khách trong cuộc phục kích. Họ chặn đoàn tàu bằng một cột muối – và sau đó bắt đầu bắn.”

“Có lẽ ta nên quên nó đi.”

“Không, hiện giờ thì an toàn rồi. Dù sao tôi cũng có súng.”

Bữa sáng ngày hôm sau, Hổ Mang Một – biệt hiệu chủ nhà người Mỹ của tôi ở Sài Gòn – bảo tôi rằng Ty Du lịch Việt Nam muốn gặp tôi trước khi tôi đi tàu tới Biên Hòa. Tôi nói tôi vui lòng được tới thăm họ. Chúng tôi dùng bữa trên tầng thượng ngôi nhà lớn của Hổ Mang Một, tận hưởng không khí mát mẻ và hương thơm của những cây hoa. Thi thoảng những chiếc trực thăng bay thấp lượn qua, dệt khói giữa những nóc nhà. Hổ Mang Một nói sẽ có một chiến dịch lớn để thu hút khách du lịch tới Việt Nam. Tôi cho rằng ý tưởng này có vẻ khá nóng vội – rốt cuộc thì chiến tranh vẫn còn tiếp diễn.

“Anh sẽ chẳng bao giờ biết đến chiến tranh ở đây, Hổ Mang Hai, vợ Hổ Mang Một nói. Chị ta rời mắt khỏi tờ báo của mình nhìn lên. Phía dưới chúng tôi, ở trung tâm khu là một bể bơi, nằm giữa những thảm hoa và mấy hàng cọ. Bức tường phía xa có một cuộn dây thép gai, nhưng điều này chỉ làm nó trở nên giống Singapore. Một hàng râm bụt đỏ chói dọc theo lối xe vào, cả những bụi dương xỉ lớn, một người đàn ông mặc áo vàng đang cào con đường rải sỏi dưới những cây kim tước. Hổ Mang Hai, nổi bật trong chiếc áo choàng lụa, đá chiếc dép lông thú lên xuống và liến láu bài quốc ca Hoa Kỳ “Stripes and Stars”, nói, “Có vài thứ tốt nhất ở – này, đây là bán cầu nào anh nhỉ?”

“Đông,” Hổ Mang Một đáp.

“Đúng rồi. Có vài thứ tốt nhất ở bán cầu Đông hiện đang nằm trong chính khu nhà này.”

Văn Phòng Giám đốc Kế hoạch của Ủy ban Du lịch Việt Nam được tô điểm nhung đỏ từ sàn tới trần nhà và có cả những dải ruy băng ở rìa các bức tường. Chúng tôi dường như đang ngồi trong một hộp sô cô la đắt tiền trống rỗng. Tôi nói mình không có nhiều thời gian, vì tôi phải bắt chuyến tàu đi Biên Hòa. Vị Giám đốc Kế hoạch và Phó ủy viên thoáng nhìn nhau vẻ khó chịu. Ông Giám đốc Võ Doãn Châu[3] nói rằng hình dáng con tàu rất xấu – điều mà tôi nên làm là bắt một chiếc xe con đi Vũng tàu tắm biển. “Việt Nam nổi tiếng vì những bãi biển,” ông nói.

[3] Nguyên bản ghi: Vo Doan Chau.

Nổi tiếng vì những bãi biển! “Còn nổi tiếng vì nhiều điều khác nữa chứ,” tôi đã định nói, nhưng vị Phó ủy viên được đào tạo theo kiểu Mỹ Trần Lương Ngọc[4] đã bắt đầu giải thích về chiến dịch. Họ sẽ dốc toàn lực để thu hút du khách, ông ta nói rằng họ đã nghĩ ra một chiêu quảng cáo không thể thất bại, kế hoạch Hãy theo em! Những tấm áp phích in hình những cô gái Việt Nam xinh đẹp ở những nơi như Đà Nẵng, Huế, đảo Phú Quốc và khẩu hiệu trên đó là HÃY THEO EM! Những tấm áp phích này (PLEIKU – HÃY THEO EM!, ĐÀ LẠT – HÃY THEO EM!) sẽ được gửi đi toàn thế giới, nhưng phần lớn ngân sách của chiến dịch lại được dùng để khuyến khích du khách ở Mỹ và Nhật. Ông Ngọc đưa cho tôi một chồng tờ rơi với tựa đề kiểu Huế xinh đẹp và Tham quan Việt Nam, ông ta hỏi tôi còn câu hỏi nào không.

[4] Nguyên bản ghi: Tran Luong Ngoc.

“Về những bãi biển này,” tôi nói.

“Những bãi biển tuyệt đẹp,” ông Ngọc trả lời, “Cả rừng và cây cỏ cũng vậy.”

“Việt Nam có mọi thứ,” ông Châu nói.

“Nhưng du khách có thể sẽ lo lắng đôi chút, về việc bị bắn, tôi nói.

“Đây là những khu vực phi chiến sự mà!” ông Ngọc nói. “Có gì phải lo lắng đâu? Ông cũng đang tự mình đi du lịch xuyên đất nước này đấy thôi?”

“Lời khuyên của tôi dành cho ông,” ông Ngọc nói, “là đừng lo lắng. Chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều du khách. Chúng tôi nghĩ du khách sẽ là người Mỹ và có thể là một vài người Nhật. Người Nhật rất thích đi du lịch.”

“Họ có thể thích đi Thái Lan hoặc Malaysia hơn, tôi nói. “Bên đó cũng có những bãi biển đẹp.”

“Chúng đã bị thương mại hóa quá rồi, ông Châu nói. Họ có nhiều khách sạn, đường sá và rất đông người, chẳng có gì thú vị lắm – tôi đã thấy rồi. Ở Việt Nam, du khách có thể trở về với thiên nhiên!”

“Chúng tôi còn có khách sạn,” ông Ngọc thêm vào. “Không phải khách sạn năm sao, nhưng đôi khi có điều hòa hoặc quạt điện. Ông có thể nói đó là những tiện nghi tối thiểu. Và chúng tôi có bungalow, được xây cho tổng thống Johnson khi ngài tới thăm. Có thể chuyến đổi nó vào mục đích khác. Hiên tại chúng tôi không có gì nhiều nhưng chúng tôi có nhiều dự định.”

“Nhiều dự định,” Ông Châu nhấn mạnh, “Chúng tôi sẽ thu hút sự tò mò của họ – những người Mỹ. Nhiều người có bạn hè hoặc người thân ở Việt Nam. Họ đã được nghe nhiều về đất nước này.” Giọng ông ta nói tỏ rõ vẻ lo ngại, “Giờ họ có thể tìm hiểu thực sự nó là như thế nào.”

Ông Ngọc nói, “Những nơi như Băng Cốc và Singapore chỉ thuận lợi cho thương mại. Chẳng có gì thú vị. Chúng tôi sẽ thể hiện lòng hiếu khách, sự hồn nhiên, và vì khách sạn không được tốt lắm nên chúng tôi cũng có thể thu hút những người thích phiêu lưu. Có rất nhiều người thích khám phá những điều chưa biết. Sau đó những người này sẽ trở lại đất nước của họ và kể cho bạn bè những gì họ nghe thấy ở nơi chiến tranh đã đi qua…”

“Họ có thể nói, ‘Tôi đã ngủ trong một boong-ke ở Pleiku!’” ông Châu bổ sung.

Quả thực thì cũng có hai điểm đáng chú ý là những bãi biển và cuộc chiến tranh. Nhưng chiến tranh thì vẫn còn, dù cho không có chỗ nào trong cuốn sách dày bốn mươi trang tựa đề Thăm Việt Nam đề cập đến cuộc chiến, ngoài câu văn mập mờ rằng “Tiếng Anh đã tạo nên sự tiến bộ nhanh chóng dưới áp lực của những sự kiện hiện nay” khiến người ta liên tưởng một cách tinh tế đến sự chiếm đóng của người Mỹ hoặc có thể là chiến tranh. Vào thời điểm đó, tháng Mười hai năm 1973, bảy mươi nghìn người đã bị giết từ khi ngừng bắn, nhưng Ủy ban Du lịch Việt Nam vẫn quảng cáo Huế (một thành phố bị tàn phá với những con phố lầy lội, đôi khi bị pháo kích) là một nơi có “những di tích đẹp… nơi những tượng đài lịch sử, những khoảnh sân và cổng mái ghi dấu ấn thời hoàng kim đã qua,” và thúc giục du khách đến Đà Nẵng, đi chín cây số rưỡi về phía Nam thành phố để tận mắt chứng kiến “những nhũ đá và măng đá đẹp tuyệt vời,” không hề đề cập tí nào đến sự thật là cuộc chiến khốc liệt vẫn còn đang tiếp diễn chính nơi này, nơi những tay súng trú ẩn trong các hang động gần Ngũ Hành Sơn.

Trước khi tôi rời văn phòng, ông Châu kéo tôi sang một bên dặn: “Đừng đến Biên Hòa bằng tàu hỏa.”

Tôi hỏi tại sao.

Ông đáp: “Đó là chuyến tàu tệ nhất thế giới.” Ông phát ngượng khi biết tôi muốn đi chuyến đó.

Nhưng tôi vẫn khăng khăng đi và chúc ông ấy những điều tốt lành với chiến dịch thu hút khách du lịch tới những vùng đất chiến tranh, rồi tôi đi thẳng ra ga. Không có biển hiệu nào là Ga Sài Gòn, mặc dầu có vẻ tôi chỉ cách cái ga đó khoảng mười lăm mét, và không một ai quanh đây biết nó ở đâu. Và tôi tìm thấy nó một cách hoàn toàn tình cờ, nó cắt ngang qua phòng vé của Air Vietnam, nhưng thậm chí kể cả khi ở trên sân ga, tôi vẫn không chắc chắn rằng đây là một ga tàu hỏa: không có hành khách và cũng chẳng có con tàu nào đứng ở đường chờ. Đoàn tàu, hóa ra là đang ở đường ray phía trên một quãng, nhưng trong vòng hai mươi phút nữa nó vẫn chưa đi. Những toa tàu là những chiếc hộp xanh méo mó, một vài toa bằng gỗ (với những mảnh vỡ thò ra) và vài toa kim loại (với nhiều vết lồi lõm). Chỗ ngồi là những chiếc ghế hẹp chạy dọc theo thành tàu, chẳng thoải mái tiện lợi gì hết và phần lớn hành khách đều đứng. Họ mỉm cười, ôm những con vịt con gà cực kỳ sợ sệt và cả những đứa con lai Mỹ cháy nắng thảm hại của họ.

Một đoàn tàu khác thậm chí còn cũ hơn đỗ ở phía xa trong sân. Bị thu hút bởi rào hoa sắt uốn trên những mái hiên – một nét Pháp của toa tàu này – nên tôi đã tản bước tới. Tôi leo lên đoàn tàu gần như vô chủ và nghe thấy một tiếng rít than vãn chói tai. Một cô gái nhảy lên cách chỗ tôi hai toa (tôi thấy hình dáng của cô ta trong những cánh cửa vỡ), kéo chiếc quần jeans lên. Sau đó tôi nhìn thấy một cậu con trai đang luống cuống với mớ quần áo của mình. Tôi bắt đầu chạy hướng ngược lại và đâm vào hai con nghiện ma túy đang ngủ, cả hai đều là những cô gái non nớt có những hình xăm và sẹo kim tiêm trên cánh tay. Một cô tỉnh dậy và quát vào mặt tôi. Tôi vội vàng tránh xa: lại có những đôi tình nhân khác trên tàu, những đứa trẻ và những thanh niên trông đầy dọa dẫm đang chui qua những con tàu không có động cơ: nó sẽ không đi đâu cả.

Ông trưởng ga, đội một chiếc mũ có lưỡi trai băng qua đường ray và vẫy tôi. Tôi nhảy khỏi đoàn tàu hoang đi đến bắt tay ông ta. Ông ta cười bẽn lẽn, giải thích rằng tàu đi Biên Hòa không phải tàu này mà là tàu kia rồi chỉ về phía dãy toa tàu hình hộp như đang phình ra. Tôi tiến về phía một trong những toa ấy và gần như giật nẩy người khi trưởng ga gọi to: “Không! Không!”

Ông ta ra hiệu bảo tôi đi theo và, vẫn cứ cười, ông ta đưa tôi đến đuôi của đoàn tàu, nơi có một loại toa hoàn toàn khác. Toa tàu này bằng gỗ, có bếp và ba phòng ngủ cùng một phòng khách lớn, đây rõ ràng là một tàn tích của tàu Xuyên Đông Dương, có vẻ rộng rãi và thoải mái, mặc dầu không sang trọng dù so với tiêu chuẩn của Ấn Độ. Theo lời của ông trưởng ga thì đây là toa của giám đốc vì giám đốc đã đề nghị tôi đi trên toa này. Chúng tôi lên tàu; ông trưởng ga gật đầu với nhân viên tín hiệu và đoàn tàu khởi hành.

Một chuyến đi miễn phí trên toa riêng của ngài giám đốc, để lẫn lộn cảm giác hão huyền về một nơi còn xa phía trước: đây không phải điều mà tôi mong đợi – không phải ở Việt Nam. Nhưng ưu đãi đặc biệt này là một phiên bản của sự phung phí kiểu Mỹ. Đây là một chức năng của chiến tranh: sản sinh ra một hệ thống phục vụ nhằm khơi gợi sự cảm thông từ những người khách, tất cả những ai (với những rủi ro mà họ tin là mình đang phải chịu) muốn được đối xử như VIP. Mỗi người khách là một nhà quảng bá tiềm năng, nực cười ở chỗ thậm chí cả những người ghét chiến tranh nóng tính nhất cũng được người ta phục vụ với niềm tin và tiện nghi không giới hạn, dù cho với chính thứ ấy, anh ta, người được phục vụ, có thể nâng tầm những cảm xúc của mình lên thành sự oán hận. Sự hiếu khách này, được nâng lên bởi bản tính hào phóng của người Việt Nam, vẫn cứ tiếp diễn. Thật là đáng xấu hổ khi tiếp nhận sự hiếu khách đó, vì nó cũng giống như kế hoạch mà một công ty vẽ ra nhằm thúc đẩy chiến dịch quảng bá một sản phẩm không thành công một cách bất nhẫn. Lòng hiếu khách đã bóp méo sự thật. Nhưng tôi đã kìm lại sự khinh thị của mình: người Việt Nam đã kế thừa những thói quen vướng víu, đắt đỏ và lãng phí ấy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.