Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ

Tiếp



Chặng cuối của chuyến hành trình, tàu xoay hướng đi ra biển và chạy theo bờ biển thấp dọc vịnh Bengal. Đồng ruộng ngập nước, đàn ông đang cày – những đàn trâu đen kéo họ trên đồng lúa. Những dòng sông cuộn lên màu đỏ ngập mấp mé mép bờ. Phần Đông Nam này của Andhra Pradesh là vùng màu mỡ nhất mà tôi thấy ở Ấn Độ, và nó còn gây ấn tượng theo cách khác nữa: người nơi đây da đen kịt, mặt đất sẫm màu nâu đỏ, và cỏ thì xanh ngắt. Mưa vẫn kéo tới, nặng hạt hơn khi chúng tôi tới gần Madras.

Tôi hỏi người đồng hành về vết sẹo của anh ta. Anh nói đã bị đầu gấu chém ở Assam, chúng tưởng anh là một người Bengal. Anh ta đi ra cửa thì có ba người đàn ông nhảy tới dùng dao găm chém vào ngực. Anh ta ngã ngửa ra và chúng bỏ chạy. “Máu chảy, tôi nằm ngửa, nhưng máu từ ngực cứ phọt ra, bắn tung tóe lên mặt lên người tôi.” Anh ta gọi cậu con trai năm tuổi mang vải ra để cầm máu. Đứa trẻ đã làm theo lời cha nhưng tay cậu quá nhỏ còn cậu sợ hãi tới mức tay ngập trong vết thương. Cha cậu được đưa tới bệnh viện ở Siliguri nhưng cũng phải mất một năm thì vết thương mới lành, và khi ra viện anh ta không còn tiền cũng chẳng có việc. Anh ta miêu tả bản thân như một “công nhân Ấn Độ khá điển hình.”

Chúng tôi trò chuyện về công việc. Anh ta làm gì đó liên quan tới thủy lực. Cuộc đối thoại không dài. Hầu hết người Ấn Độ mà tôi gặp có công việc chẳng thể giải thích hay phân tích gì cả. Họ làm nhân viên chào hàng cho các công ty sản xuất ống đúc, vòng đệm bằng chất dẻo hoặc chất tẩy trắng; họ chào bán những dụng cụ đo đạc hoặc chốt khóa hộp đựng xì gà. Một lần tôi gặp người Silch làm đồ cao su, không phải những thứ đơn giản như lốp xe hoặc dụng cụ tránh thai; anh ta làm vòng đệm và vỏ bọc cao su. Tôi bảo mình không hiểu. Anh ta giải thích: “Vỏ bọc – những cái bằng cao su ấy – để kéo đĩa xích.”

Tôi không thể hiểu được những công việc này nên những cuộc đối thoại trên tàu với người Ấn Độ thành những câu chuyện vặt vãnh theo phong cách lạ lùng. Người kỹ sư, thấy hiểu biết của tôi về thủy lực đơn sơ quá nên kể với tôi câu chuyện về một người tập yoga, người này không hề ăn hay uống bất cứ thứ gì trong suốt quãng đời mình. “Thế anh ta sống bằng gì?” tôi hỏi. Đó dường như là câu hỏi hợp lý. “Chỉ không khí thôi,” anh ta đáp, “vì ông ta không muốn cơ thể bị vấy bẩn bởi thức ăn và nước uống.” Người đó sống khá thọ – trên bảy mươi tuổi. Ông Gopal, nhân viên liên lạc đã đầu hàng với sự hiểu biết của tôi về nghề liên lạc. Ông ta đã cho tôi nghe chuyện một con khỉ và một con hổ thường xuyên đi du lịch với nhau. Không ai có thể hiểu tại sao con hổ lại không ăn ngấu con khỉ, nhưng một người đàn ông đã quan sát kỹ chúng (từ đằng sau một cái cây, hoàn toàn kín đáo) và nhận ra rằng con hổ bị mù; con khỉ dẫn đường cho con hổ hết chỗ này tới chỗ khác. Tôi đã nghe một câu chuyện về người đàn ông Bombay có thể đi trên nước và một người đàn ông khác đã tự học cách bay bằng đôi cánh làm từ lá cây cọ; người bán ống đúc kể với tôi về cây cầu khỉ từ Ceylon tới Dhanushkodi, ngang qua eo biển Palk. Tôi thấy những câu chuyện khó tin này là cơn phiêu diêu bay bổng từ những thứ cụ thể, trí tưởng tượng của người Ấn Độ đòi hỏi cái gì đó nhiều hơn là những chi tiết buồn tẻ trong sổ sách. Bởi vậy ông Bhardwaj, một kế toán, tin vào thuật chiêm tinh; ông Radia, làm pin khô, ứng khẩu (như ông ta nói) ra những bài hát mang tính triết học; và một người đàn ông có suy nghĩ hoàn toàn khác biệt mà tôi gặp ở Bombay xác nhận rằng nhiều người Ấn nghiện bị rắn hổ mang cắn: “Bạn thè lưỡi ra, con rắn hổ mang sẽ cắn vào lưỡi bạn và nọc độc khiến bạn cảm thấy tuyệt với.”

Cách Madras vài dặm, một nhà truyền giáo người Anh thấy tôi giữ chặt lấy cửa sổ, thở hổn hển với cái nóng trên tàu, nhưng ông ta phớt lờ tình trạng của tôi. Ông ta nói mình đang cáu giận ghê gớm song rất mừng khi biết tôi là (như tôi đã kể với ông ấy) một nhà báo; và kể một câu chuyện cho tôi nghe.

“Một số người Mỹ,” ông ta nói, “tự coi mình là những người theo đạo Cơ đốc, trả bốn rupi – đó là số tiền kha khá ở Madras – cho người rửa tội. Tại sao? Tôi sẽ cho ông biết. Để áp đặt những toan tính riêng, do vậy họ có thể lấy nhiều tiền từ giáo dân. Họ làm vậy là gây hại hơn là làm việc tốt. Khi nào quay về Mỹ tôi hy vọng ông sẽ nói về vấn đề này.”

“Rất vui được làm điều đó,” tôi nói. Liệu có ai chịu trách nhiệm cho những hội truyền giáo ăn đút lót chuyên nhận hối lộ từ lễ rửa tội, vui lòng thuyết phục họ rằng họ đang gây hại hơn là làm việc tốt?

Khi chúng tôi tới khu trung tâm Madras, những chiếc xe wallah có mui lao vào tôi giống như những con dơi, lặp đi lặp lại câu hỏi: “Ông đi đâu? Ông đi đâu?”

Họ cười khi tôi bảo mình đi Ceylon.

Đây là những gì tôi tưởng tượng ra: ở đâu đó, khi đi qua những lâu dài xây bằng thạch cao và gạch chạy từng hàng dọc đường Mount giống như những chiếc bánh cưới ngả màu vàng, là Vịnh Bengal, tại đó tôi sẽ gặp một nhà hàng hướng ra biển dìu dịu gió, những cây cọ, những chiếc khăn trải bàn bay lất phất trong gió. Tôi sẽ ngồi trước biển, dùng bữa tối với cá, uống năm cốc bia và ngắm nhìn ánh sáng nhảy múa trên những tàu có nhỏ vùng Tamil. Sau đó tôi sẽ đi ngủ và dậy sớm đón tàu tới Rameswaram, ngôi làng ấy nằm trên đỉnh mũi của Ấn Độ.

“Đưa tôi tới bãi biển,” tôi nói với người lái taxi. Anh ta là người Tamil, để râu rậm không cạo, mặc áo sơ mi phanh ngực. Anh ta có cái nhìn của một đứa trẻ hoang dã trong sách tâm lý: những đứa trẻ hoang dã, nhân vật Mowgli hung tợn và điên dại, có nhiều ở vùng Nam Ấn. Tương truyền chúng được chó sói nuôi.

“Đường Bờ Biển?”

“Nghe giống tên một địa điểm đấy.” Tôi giải thích rằng mình muốn ăn cá.

“Hai mươi rupi.”

“Tôi sẽ đưa anh năm rupi.”

“Ok, mười lăm. Lên xe đi.”

Chúng tôi đi khoảng hơn một trăm mét thì tôi nhận ra mình rất đói: trở thành người ăn chay bất đắc dĩ khiến cái dạ dày của tôi lúng túng nếu gặp phải đồ ăn thay thế không tốt. Rau khiến tôi nén cơn thèm ăn, nhưng lòng khao khát – sự rung động trước những món thịt – vẫn còn nguyên vẹn.

“Ông thích các cô gái Anh chứ?” Người tài xế đang quay vô lăng bằng cổ tay của mình với sức mạnh của một con sói, ngoặt xe lại.

“Rất thích,” tôi đáp.

“Tôi sẽ tìm cho ông một cô gái người Anh.”

“Thật á?” Đây không giống một nơi có thể tìm thấy một cô gái người Anh – Madras, một thành phố không có sự phồn thịnh rõ ràng nào cả. Ở Bombay tôi còn có thể tin vào điều đó: những doanh nhân Ấn Độ giàu có chạy ra chạy vào khách sạn Taj Mahal, phô bày sự giàu có và lái xe hết tốc lực vụt qua những kẻ ngủ lang trên vỉa hè – họ chắc chắn là những kẻ săn gái điếm. Và ở Dehli, thành phố của các đại biểu đi dự hội nghị, tôi đã được nghe kể rằng có nhiều gái điếm Anh lượn lờ qua hành lang các khách sạn sang trọng, cặp hông lắc lư hớn hở hứa hẹn những giờ vui vẻ. Nhưng còn Madras?

Người tài xế cứ quay xuống và làm dấu xin thề, vạch hai vạch chỗ tim bằng những chiếc móng tay dài của anh ta. “Gái Anh.”

“Anh nhìn đường đi!”

“Hai mươi lăm rupi.”

Ba đô la và hai mươi lăm xen.

“Xinh không?”

“Gái Anh,” anh ta nói. “Ông muốn không?”

Tôi nghĩ vấn đề kết thúc rồi. Không phải là về cô gái mà tình huống này không hấp dẫn nổi tôi. Một cô gái Anh ở Madras, làm điếm để kiếm một ít tiền. Tôi tự hỏi cô ta sống ở đâu và bằng cách nào, bao lâu, điều gì đã đưa cô gái tới nơi khỉ ho cò gáy này? Tôi nghĩ cô ta có thể là một kẻ sống lang thang, một người tị nạn, giống như Lena trong Victory (Chiến thắng) của Conrad, trốn khỏi ban nhạc lang thang ở Surabaya. Có lần tôi gặp một cô gái điếm Anh ở Singapore. Cô ta nói đang làm ăn phát đạt. Nhưng cũng không hẳn chỉ vì tiền: cô ta thích đàn ông Trung Quốc, Ấn Độ hơn là Anh, đàn ông Anh “chơi” lâu và tệ hơn là lúc nào cũng muốn phát vào mông cô ta.

Thấy tôi im lặng, người lái xe đi chậm lại. Xe cộ đông đúc nhưng anh ta vẫn vòng thêm một vòng nữa. Những chiếc răng sút của anh ta nhuộm nước trầu màu đỏ bóng lên, lấp lánh trong ánh sáng hắt từ chiếc ô tô bên cạnh. Anh ta hỏi: “Biển hay gái?”

“Biển,” tôi nói.

Anh ta lái thêm mấy phút nữa. Chắc chắn cô ta là người Anh-Ấn – “người Anh” chỉ là cách nói giảm.

“Gái.” Tôi nói.

“Gái, gái, trời ạ.” Dường như anh ta đang cố làm tôi phải thú nhận về một sự xấu xa đặc biệt.

Anh ta lắc vòng chiếc xe một cách liều lĩnh và tăng tốc về phía đối diện, nói lảm nhảm: “Tốt – những cô gái dễ thương – ông thích – nhà nhỏ – khoảng ba cây – năm cô gái.”

“Các cô gái người Anh?”

“Các cô gái Anh.”

Sự tin chắc thể hiện ra ngoài giọng nói, nhưng anh ta vẫ gật gù, có lẽ đang cố trấn tĩnh tôi.

Chúng tôi lái xe tầm hai mươi phút. Xe đi qua những con phố có các cửa hàng thắp đèn dầu; đi qua những của hàng dệt may sáng trưng, mấy người bán hàng mặc xà rông sọc đang giũ tung những súc vải vàng và những bộ xari trang trí nhấp nhánh. Tôi ngồi sâu vào ghế ngắm Madras lướt qua, những hàm răng và ánh mắt trong ngõ hẻm tối, người đi mua sắm đêm xách những chiếc giỏ đầy và những ô cửa bất tận phân biệt với nhau bởi những biển hiệu dễ nhớ: NHÀ ĂN TRƯA SANGADA, PHÒNG KHÁM VISHNU SHOE và NHÀ HÀNG NGÀN ÁNH SÁNG tối tăm buồn thảm.

Anh ta rẽ vào những con ngõ, chọn những ngõ hẻm chật hẹp không ánh đèn và sau đó chúng tôi đi trên một con đường bẩn thỉu. Tôi nghĩ rằng anh ta sẽ trấn lột tôi, rồi chúng tôi đi vào chỗ tối nhất của một con đường mấp mô – chỗ này là vùng nông thôn – anh ta táp về phía lề đường và tắt đèn, tôi dám chắc anh ta là một kẻ lừa bịp; bước tiếp theo của anh ta là thọc dao vào sườn tôi. Tôi ngu làm sao mới tin vào câu chuyện ngốc nghếch của anh ta về cô gái người Anh hai mươi lăm rupi! Chúng tôi đang ở xa Madras, trên một con đường hoang vắng, bên cạnh một cái đầm lầy loáng mờ vang tiếng ếch kêu và táp nước. Tay tài xế gật mạnh đầu. Tôi nhảy dựng lên. Anh ta lấy tay xì mũi rồi ném cái thành quả đó ra ngoài cửa xe.

Tôi nhấp nhổm bước ra ngoài.

“Ông ngồi xuống đi.”

Tôi ngồi xuống.

Anh ta lấy tay đám thụp vào ngực mình. “Tôi đi đây.”

Anh ta trườn ra khỏi xe và đóng rầm cửa, tôi thấy anh ta biến vào một ngõ nhỏ phía tay trái.

Tôi đợi cho tới khi anh ta đi khỏi, cho tới khi không còn nghe thấy tiếng bước chân anh ta trên cỏ, tôi từ từ mở cửa. Ngoài trời không khí mát dịu, thoảng mùi nước đầm lầy trộn với mùi hoa nhài. Tôi nghe thấy một vài tiếng người trên đường, tiếng những người đàn ông đang nói luôn mồm, cũng giống như tôi, họ đang ở trong bóng tối. Tôi có thể nhìn thấy đường xung quanh tôi nhưng cách vài mét trở đi mọi thứ biến mất. Tôi ước tính mình ở cách đường chính một cây số rưỡi. Tôi có thể tới đó tìm xe buýt.

Có vài vũng nước nhỏ trên đường. Tôi giẫm phải một vũng, cố thoát ra thì lại tõm xuống chỗ sâu nhất. Tôi chạy, lê chân nặng nề chậm chạp vì bùn nước.

“Ông ơi! Sahib!”

Tôi tiếp tục đi nhưng anh ta đã thấy tôi và chạy lại gần. Tôi đã bị bắt. “Ngồi xuống thưa ông!” anh ta nói. Tôi thấy có mình anh ta. “Ông đi đâu vậy?”

“Thế anh đi đâu thế?”

“Đi kiểm tra.”

“Gái Anh?”

“Không phải gái Anh.”

“Ý anh là thế nào, không có gái Anh?” Tôi sợ hãi, giờ đây dường như tất cả rõ ràng là một cuộc mai phục.

Anh ta tưởng tôi cáu giận. Anh ta nói, “Gái Anh – bốn mươi, năm mươi. Giống thế này này.” Anh ta tiến lại gần trong bóng tối tôi có thể nhìn thấy anh ta đang phồng má lên; anh ta nắm chặt bàn tay và khom vai. Tôi hiểu được thông điệp: một cô gái người Anh béo phị. “Gái Ấn – nhỏ, dễ thương. Ngồi xuống đi, chúng ta đi.”

Tôi chẳng có sự lựa chọn nào khác. Cứ điên cuồng phi xuống đường sẽ chẳng mang tôi tới đâu cả – anh ta có thể đuổi theo tôi. Chúng tôi trở lại xe taxi. Anh ta khởi động máy một cách bực dọc và chúng tôi nẩy lên nẩy xuống trên con đường đầy cỏ mà trước đó anh ta đi bộ qua. Chiếc taxi lắc lư từ bên này sang bên kia khi gặp ở gà và mức độ cứ tăng dần. Đây quả thực là vùng nông thôn. Trong bóng đêm bao trùm có một ngôi nhà nhỏ sáng đèn. Một cậu bé nấp ở ô cửa, ánh mắt long lanh như chờ đợi lễ hội ánh sáng Diwali: đèn xe chiếu sáng gương mặt cậu bé, cánh tay xương xẩu và làm đôi mắt cậu bé lấp lánh. Phía trước chúng tôi là một ngôi nhà khác, rộng hơn một tẹo, mái bằng và hai cửa sổ hình vuông. Ngôi nhà đứng đơn lẻ, giống như một cửa hàng ở trong một khu đất hoang. Những cái đầu tối sầm di chuyển ở cửa sổ.

“Ông vào đi,” người lái taxi nói và đỗ xe trước cửa. Tôi nghe thấy tiếng cười rúc rích, nhìn thấy những khuôn mặt đen tròn cùng mái tóc óng ả ở bậu cửa sổ. Một người đàn ông đang đội chiếc khăn xếp trắng tựa vào tường, ngay gần phía có ánh sáng.

Chúng tôi vào trong căn phòng bẩn thỉu. Tôi thấy một cái ghế và ngồi xuống. Một bóng điện mờ mờ cháy trên mấy sợi dây tóc nằm chính giữa trần nhà thấp. Tôi ngồi trên một chiếc ghế còn tốt – ghế của những người khác đều đã bị gãy hoặc rách đệm. Mấy cô gái đang ngồi trên một chiếc ghế gỗ dài. Họ nhìn tôi, trong khi những cô khác vây quanh tôi, véo tay tôi rồi cười. Các cô còn rất nhỏ, trông ngượng nghịu và hơi buồn cười, quá trẻ để bôi son, xỏ khuyên mũi, khuyên tai và vòng đeo tay. Những cành hoa nhài cài trên tóc làm cho các cô trong khá nữ tính nhưng màu son môi và đồ nữ trang to kềnh càng khiến các cô già hẳn đi. Một cô gái mập mạp giữ bên đầu cái đài bán dẫn kêu rè rè, nhìn tôi từ đầu tới chân. Các cô gái mang dáng vẻ của những nữ sinh đang mặc quần áo của mẹ. Không ai trong số các cô quá mười lăm tuổi.

“Ông thích đứa nào?” Đó là tiếng của người đàn ông đội khăn xếp. Anh ta chắc nịch và trông thô bạo với mái tóc hoa râm. Khăn xếp thắt trên đầu anh ta là khăn tắm.

“Xin lỗi,” tôi nói.

Một gã đàn ông gầy gò bước qua khung cửa. Khuôn mặt gã xương xẩu và láu cá, tay gã đút trong chiếc lungi. Gã chỉ vào một cô. “Chọn nó đi – được lắm.”

“Một trăm rupi cả đêm,” người đàn ông khăn xếp nói. “Năm mươi rupi một lần.”

“Anh ta nói giá hai mươi nhăm rupi.”

Người tài xế vặn vẹo tay mình.

“Năm mươi.” Người đàn ông tóc hoa râm nói chắc nịch.

“Thôi bỏ đi,” tôi thú thật. “Tôi chỉ đến để tìm đồ uống thôi.”

“Không có đồ uống,” người đàn ông gầy gò nói.

“Anh ta nói có một cô gái Anh.”

“Gái Anh nào?” gã gầy nói, tay xoắn một vòng dây trên chiếc lungi. “Những em Kerala này – trẻ, nhỏ nhắn, từ duyên hải Malabar đến.”

Người đàn ông đeo khăn xếp tóm lấy tay của một cô gái đẩy mạnh về phía tôi. Cô cười ré lên vui vẻ và nhảy ra.

“Ông xem phòng đi,” người đàn ông chít khăn nói.

Căn phòng trông ổn khi nhìn qua cánh cửa. Anh ta bật đèn lên. Có một cái giường: cùng cỡ với cái bên ngoài nhưng bẩn hơn và lộn xộn hơn, bốc mùi khủng khiếp. Chình giữa phòng là một chiếc giường gỗ trải chiếu tre, trên tường là sáu cái kệ, mỗi cái đặt một chiếc va li nhỏ có khóa thiếc. Góc phòng là một chiếc bàn méo mó, trên đó đặt vài lọ thuốc to nhỏ và một chậu nước. Co những vết cháy sém trên trần nhà lót gỗ ép, báo trải dưới sàn và dán trên tường, phía trên giường là những bức vẽ bằng than chì hình người không chân tay, chỉ có vú vê và bộ phận sinh dục.

“Nhìn đi!”

Người đàn ông nhe răng cười man dại, lao về phía bức tường phía xa và bật công tắc điện.

“Quạt!”

Cái quạt bắt đầu kêu kẽo kẹt phía trên chiếc giường dơ dáy, khuấy không khí bằng mấy chiếc cánh nứt và thậm chí làm cho căn phòng bốc mùi hơn.

Hai cô gái đi vào phòng ngồi lên giường. Họ cười và bắt đầu cời xari ra. Tôi chạy vội từ phòng tiếp khách ra cửa trước tìm người lái taxi. “Nào, đi thôi.”

“Ông không thích gái Ấn Độ? Gái Ấn dễ thương chứ?” Gã gầy gò bắt đầu quát thào. Gã quát anh lái xe bằng tiếng Tamil trong khi anh này cũng vội vàng như khi tôi bỏ chạy khỏi nơi đó vậy: anh ta vừa giới thiệu cho họ một khách hàng hụt. Lỗi của anh ta chứ không phải tôi. Những cô gái vẫn cười rúc rích gọi với ra, và ngài Gầy Gò vẫn quát tháo khi chúng tôi chạy ra khỏi ngôi nhà qua bãi cỏ cao trên con đường gồ ghề phía sau.

Tôi ăn bữa tối muộn được bày trên lá chuối trong một nhà hàng bẩn thỉu gần khách sạn tôi ở. Cửa sổ phòng khách sạn mở; tôi ngửi thấy mùi hoa ngọt ngào. Hương thơm hát reo khi tôi đọc cuốn Exiles: “Tôi chắc rằng không có phép tắc nào mà con người áp đặt là thiêng liêng trước khi có sự thôi thúc của niêm đam mê… Không có phép tắc nào trước khi có sự thôi thúc.” Mùi hương quen thuộc, đó là mùi hoa nhài. Tôi nghĩ về những cô gái, họ ngồi cười trong những căn nhà tồi tàn đó, cài những bông hoa trắng với những cánh hoa thật nhỏ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.