Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ
CHƯƠNG 16: TÀU THƯ VẬN HOWRAH
Tôi thấy anh ta ở nhà ga Trung tâm Madras, gần tàu thư vận Howrah và với cái dáng đứng lưỡng lự, dường như anh ta đang lấy can đảm để lên tàu. Trong cái nóng, mái tóc dài của anh ta rủ xuống như mớ giẻ, quần áo của anh ta đã bị giặt đi giặt lại quá nhiều lần trở nên bạc phếch. Cái va li bằng vải bạt, cũng giống như quần áo của anh ta, mép khâu đã sờn. Có lẽ anh ta là người Anh, khoảng ngoài ba mươi tuổi; mà tôi đoán là với những người như thế này, thì việc du ngoạn trở thành một thông lệ mệt mỏi; việc du ngoạn có thể trở thành một thói nghiện ngập và thay đổi thể chất con người ta, giống như ma túy, khiến người ta trở nên gầy còm xác xơ. Một người ăn mày cúi gập ho hắng bên cạnh anh ta. Chàng trai trẻ không để tâm đến bàn tay đang chìa ra, tiếp tục chăm chú nhìn đoàn tàu. Tôi tránh xa anh ta. Chuyến đi đến Calcutta còn rất dài, không cần phải làm quen quá sớm. Tôi để ý thấy khi nhấc chiếc túi để lên tàu, anh ta đưa một đồng xu cho người ăn mày. Anh ta làm vậy dù không nhìn người ăn xin đang ho, với một sự tuân thủ đầy ngượng ngùng, giống như thể anh ta đang phải trả một khoản tiền qua cửa nho nhỏ.
Bác tài xế taxi giúp đỡ tôi nhiệt tình. Bác xách hộ cái túi, tìm bộ chăn gối cho tôi, xác định giường nằm cho tôi và bố trí để tôi có được một cái thìa kèm vào các suất ăn trên tàu. Bác chuẩn bị đi. Tôi đưa bác năm ru pi – thế là quá nhiều. Bác quyết định ở lại, giống như một cửu vạn nhiệt tình nhưng lại không phải khuân vác cái gì.
“Ngài có tiền chứ ạ?”
Tôi nói với bác là tôi có.
“Xin ngài cẩn thận,” bác nói. “Người Ấn Độ không tốt đâu. Họ sẽ móc ví của ngài đấy.”
Bác chỉ cho tôi làm thế nào để khóa khoang lại. Bác nhìn quanh, quắc mắt với những người Ấn Độ đi ngang qua hành lanh.
Bác cứ nhắc đi nhắc lại với tôi rằng phải cẩn thận, và tiếp tục cảnh báo kiểu đó nhiều tới mức đến tôi cũng bắt đầu tin rằng chuyến đi lên tới nút thắt cổ chai ở bang Andhra Parades, qua Orissa tới Bengal chất chứa bao nguy hiểm. Có lẽ những người dân Madras này, những người có đôi chân vòng kiềng đang nhổ nước trầu qua cửa sổ, đang chỉ chực chờ bác tài xế đi mất là nhảy bổ vào tôi. Và khi bác tài xế thực sự đi, tôi cảm thấy mình trơ trọi khác thường và dễ bị tấn công. Thường thì lúc nào tôi cũng cảm thấy hạnh phúc khi ngồi một mình trong góc, nhưng chỉ vào những khoảnh khắc như thế này, khi một người tình cờ gặp tôi, giúp đỡ tôi rồi đi mất, tôi mới cảm thấy thiếu thốn sự quan tâm của họ. Người đàn ông xa lạ nhiệt tâm ở Ấn Độ chỉ làm tôi mất chủ động: sự hiện diện của ông khiến tôi trở thành một quý ngài châu Âu trên đất Ấn, sự hiện diện của ông biến tôi thành một đứa trẻ.
Nhưng tôi vui vẻ lên đường. Đó là cảm giác tôi từng có trên tàu tốc hành Phương Đông trực tuyến, trên tàu thư vận Frontier, tàu tốc hành Grand Trunk: kích cỡ, chiều dài tít tắp của con tàu mang lại một sự thoải mái. Tàu càng to, chuyến đi càng dài, thì tôi càng thấy vui sướng – bất chấp niềm vui đó có bị tạm thời gián đoạn bởi cảm giác khó chịu mỗi khoảng thời gian tạm dừng của các tàu địa phương. Trên những chuyến đi dài, tôi hiếm khi nhìn xem mình đi qua những ga nào – tôi không quan tâm lắm đến tiến độ hành trình của tàu. Tôi đã học để trở thành một cư dân trên tàu tốc hành, tôi thích đi từ hai đến ba ngày, đọc sách, ăn uống trong toa ăn, ngủ sau bữa trưa, cập nhật nhật ký vào đầu giờ tối trước khi uống lượt rượu đầu tiên, rồi xem xem chúng tôi đang ở đâu trên bản đồ. Việc đi tàu đã kích thích trí tưởng tượng của tôi và thường mang lại cho tôi sự tĩnh mịch để sắp xếp và viết ra những suy nghĩ của mình: tôi có thể dễ dàng di chuyển trên hai hướng, dọc theo những đường ray đồng mức khi những hình ảnh của châu Á liên tục lóe lên và chuyển động trên ô cửa sổ, và bên trong thế giới trí nhớ và ngôn ngữ của riêng tôi. Tôi không thể tưởng tượng ra một sự kết hợp chuyển động nào tuyệt vời hơn.
Trong lúc đi ra toa ăn, tôi thấy chàng trai trẻ khom người bên cửa sổ, cạnh lối đi ngoài khoang của anh ta, hít thở thứ không khí tối tăm nóng bỏng. “Ông sẽ không tìm được gì nhiều ở đằng đó đâu,” anh ta nói khi tôi chen qua. Tôi gật đầu và chúng tôi trao cho nhau cái nhìn cảm thông, vốn là một điểm chung giữa nhìn người đi một mình trên những chuyến tàu dài. Tôi ăn tối – một thực đơn chay đặc biệt mà tôi đã bắt mình phải quen – và khi quay lại tôi thấy gã trai lại vẫn đứng ở chỗ cũ. Lần này, dường như anh ta đang đợi tôi. Anh ta không cố gắng có bất cứ cử động nào, dù là nhỏ nhất. Anh ta nói “Nó thế nào?”
“Bình thường. Tôi chẳng để ý – tôi ăn chay mà.”
“Không phải chuyện đó. Cái cách họ ăn cơ. Thức ăn đầy cánh tay họ. Làm tôi chẳng muốn ăn nữa. Ông đã thấy họ chuẩn bị thức ăn chưa? Họ đá vào thực phẩm khắp mọi chỗ, giẫm lên và ho vào thực phẩm. Nhưng tất nhiên, có thể ông vẫn còn may mắn.”
Chúng tôi nói chuyện về đồ ăn; anh ta có mang theo đồ ăn riêng. Rồi anh ta nói: “Tôi thấy ông ở Madras, cùng với người phu khuân vác đó. Thật là một nơi tồi tàn. Mà Calcutta còn tệ hơn. Ông đã tới đó bao giờ chưa?”
Tôi đáp rằng chưa.
“Có thể ông thích thứ như thế. Còn tôi nghĩ đó là một nơi kinh tởm.”
Anh ta rít nốt hơi cuối rồi vứt điếu thuốc ra ngoài cửa sổ, tàn lửa bắn tung tóe trong bóng tối. “Bất cứ nơi đâu ông nhìn. Thật kinh khủng.”
Một cô gái Ấn Độ đi về phía chúng tôi. Lẽ ra tôi có thể tranh thủ việc cô ấy bước tới để đi tiếp, nhưng tôi đợi, cả hai chúng tôi dạt sang một bên để cô đi qua. Cô cụp mắt xuống và lướt qua. Cô có đôi bờ vai thanh tú, đôi má khô phấn và mái tóc óng mượt, người cô tỏa ra một mùi hương ngọt nhẹ như một cánh hoa sắp tàn.
“Cô ấy xinh đẹp đấy.”
“Họ làm tôi chết mất,” anh ta nói. “Anh không tin tôi đâu.”
“Nếu anh cho là thế.”
“Tôi có một cô bạn gái người Ấn Độ – xinh hơn cô này. Đó là lý do vì sao tôi phải đi Calcutta.”
“Cô ấy ở đó à?”
“Cô ấy ở Bangalore. Ông đã bao giờ tới đó chưa? Cũng không quá tệ đâu, nhưng tôi vui sướng vì được xa nó – ý tôi là xa cô ta. Mà tôi có giữ chân ông quá lâu không nhỉ?”
“Vẫn còn sớm mà.” Thì ra là anh ta đang chạy trốn khỏi cô gái đó. Tôi băn khoăn không biết tại sao, nhưng tôi muốn có một câu trả lời đơn giản. Anh ta mời tôi vào khoang để kể tiếp cho tôi nghe. Trong khoang chủ yếu là đàn ông, cô đơn, thức khuya và than vãn về việc không có đàn bà. Anh đưa tôi một ly rượu gin Ấn Độ. Ly rượi làm bỏng môi tôi nhưng vị thì không ra làm sao.
Anh ta kể: “Cô ấy là con gái của một người mà tôi phải tới thăm. Tôi không biết ông thế nào, chứ lần đầu tiên tôi đến Ấn Độ, ít nhiều tôi cũng phớt lờ gái Ấn. Vâng, tôi thấy họ xinh đẹp đấy, nhưng điều trớ trêu về vẻ đẹp phụ nữ là nếu ta hoàn toàn chắc chắn rằng ta không lên giường với nàng thì ta sẽ bắt đầu cân đo vẻ đẹp của nàng. Ý tôi là, vẻ đẹp của nàng sẽ trở nên vô tác dụng. Nàng sẽ kém ưa nhìn hơn và trở nên nhàm chán cho tới khi ta thấy nàng vô hình. Nếu nàng có thân hình đẹp, ta sẽ thấy nàng như một thứ xấu xa, chứ không chỉ là kém ưa nhìn, nàng đợi ta có hành động là sẽ đưa ta vào nhà giam ngay. Ta có thể dần dần thực sự căm ghét những cô gái Ấn với ngoại hình đẹp và thứ đức hạnh chẳng để làm gì của họ. Đó là lý do tại sao tôi thích các nước Hồi giáo hơn. Họ che đậy phụ nữ của mình và chẳng bao giờ tranh cãi về điều đó. Chẳng ai ngu ngốc đến mức dây dưa với một phụ nữ đeo những cái mạng đó. Không thể tưởng tượng được điều đó nữa là. Ý tôi là, họ thậm chí trông còn chẳng giống phụ nữ – họ trông giống đồ đạc trong nhà được che bạt lên để tránh bụi phủi. Người ta cho mạng che là quyến rũ. Mạng che chẳng quyến rũ tí nào – quyến rũ gì cái thứ cao mét tư và có phủ bạt lên trên cơ chứ?
“Tôi cảm thấy như vậy về con gái Ấn đấy. Chẳng tiếp cận được họ, lẽ ra họ cũng nên trùm bạt lên đầu. Họ càng xinh đẹp thì tôi càng cố gắng tránh xa. Tôi không quan tâm vì tôi biết họ cũng chẳng quan tâm. Anh hiểu ý tôi chứ? Tôi không để ý đến họ nữa. Tôi chỉ để ý đến cô con gái của người đàn ông tôi phải tới thăm. Cô ấy nhẹ nhàng bước tới và lui, tiếp thức ăn, tiếp trà, mang album ảnh gia đình ra, làm những việc đặc trưng của dân Ấn. Gia đình này có họ Bapna và khi ông già rời khỏi phòng thì cô gái mới mở miệng lần đầu tiên, hỏi rằng tôi ở đâu. Tôi kể cho cô ấy.
“Lúc ấy là vào khoảng ba giờ rưỡi chiều. Ông già quay lại. Ông ấy có vẻ hơi bồn chồn, nhưng rồi cũng nói được ý chính. Ông nói rằng nếu tôi định quay lại khách sạn thì tôi có vui lòng cho Primila và bạn của cô ấy đi nhờ không? Họ đang định đi xem phim, nhưng xe buýt lại mất thời gian và có thể họ không đến kịp.
“Tôi nói là tôi rất sẵn lòng. Thằng nhỏ giúp việc trong nhà chạy đi gọi được một cái taxi. Khi chúng tôi đang đi vào thành phố, Primila và bạn cô ấy nói chuyện với bác tài, chỉ đường cho bác ấy và đại loại là tranh cãi với bác về đường nào đi tốt nhất. Tôi hỏi: ‘Các em là bạn chung phòng ở trường à?’ Câu hỏi làm các cô cười khúc khích kéo tấm áo xa ri lên che miệng. Các cô đều đã hai mươi hai tuổi và cảm thấy xấu hổ khi bị nhầm là nữ sinh.
“Rồi xe taxi dừng lại. Cô bạn xuống xe còn Primila và tôi tiếp tục đi. Tôi hỏi ‘Phim của em chiếu ở đâu?’ Cô ấy trả lời là gần khách sạn của tôi. Tôi hỏi mấy giờ thì bắt đầu chiếu. Cô ấy trả lời ‘Phim chiếu cả ngày.’
“Tôi cứ nói chuyện mải miết và sau vài phút tôi nhận ra mình đang nói về một bức tranh mua của một nhà buôn ngày hôm trước, một bức tranh khá đẹp, nữ thần Lakshmi và nam thần Vishnu quyện vào nhau trên một bông sen đang nở. Primila cứ im lặng còn tôi cứ ba hoa. Điều này vẫn xảy ra – sự dè dặt của một ai đó lại khiến tôi nói nhiều khủng khiếp, cứ như thể nói bù cho người ta.
“Tới khách sạn tôi bảo ‘Tôi hy vọng em không phải đi bộ quá xa.’ Cô ấy nói rằng rạp chiếu phim ở ngay góc phố đó thôi. Tôi hỏi cô ấy đã bao giờ vào khách sạn chưa và khi cô ấy nói chưa thì tôi thấy tiếc cho cô ấy, như thể cô bị cấm cửa khỏi một nơi chỉ vì cô ấy không có tiền. Tôi hỏi ‘Em có muốn xem qua không?’ Cô ấy nói có. Chúng tôi đi vào trong. Tôi chỉ cho cô ấy xem nhà hàng và các quán bar, quầy bán báo, cửa hàng đồ cổ nơi tôi mua bức tranh. Cô ấy rất hứng thú, đi bên cạnh tôi, ghi nhận mọi thứ cứ như một người thăm bảo tàng.
“Có một điều tôi nghĩ phải nói với ông trước tiên là cách đây sáu tháng tôi ở Madras. Một buổi chiều có chút thời gian rảnh, tôi tới gặp một người xem tướng tay, Swasi Sundram. Đó là một ông già sống dai, căn nhà của ông ở Mylapore không treo bản đồ cũng như các tranh ảnh tôn giáo, thậm chí cũng chẳng có nhiều đệm. Ông ta ngồi trên cái bàn có nắp cuộn, cầm chiếc bút chì và mẩu giấy, trong một cái gọi là thư phòng đầy những cuốn sách mốc meo. Ông ta nhìn kỹ lòng bàn tay tôi, xem từng đường chỉ tay, rồi vẽ ra một biểu đồ trên giấy, viết ghi chú, đánh dấu khuyên và gạch chân chúng trong khi xem. Ông ta không nói câu nào trong khoảng mười phút gì đó, dù đôi lúc ông ta dừng lại khi đang viết rồi bóp trán, giống như một người đang cố gắng nhớ ra một thứ gì đó.
“Cuối cùng ông ta nói, ‘Cậu từng bị ốm nặng, đau ở bụng, đau cơ và bị khó cử động.’ Tôi gần như bật cười – ý tôi là người ta không cần phải là một nhà xem tướng tay để có thể nói với ai đó ở Ấn Độ rằng anh ta bị đau bụng. Ông ta nói với tôi một hai điều nữa, nhưng tôi nói ‘Ông nghe này, tôi biết điều gì đã xảy ra với mình – điều tôi muốn biết là cái gì sẽ xảy ra.’
“Ông ta nói, ‘Tôi thấy một cô gái người Ấn. Gương mặt cổ điển, có thể là một vũ nữ. Cậu ở một mình với cô ta.’
“ ‘Thế thôi sao,’ tôi nói.
“ ‘Không chỉ có vậy,’ ông ta trả lời, ‘Tôi thấy cậu khiêu vũ với cô ta.’
“Vâng, tất nhiên, khi ở trong khách sạn với Primila, tôi đã nghĩ về những điều mà Swadi Sundram nói. Tôi hỏi rằng cô ấy có phải một vũ nữ không và cô ấy nói rằng không phải. Và khi chúng tôi ra hiên thì cô ấy nói, ‘Em từng nhảy những điệu vũ truyền thống khi em còn bé, nếu đấy là điều anh muốn hỏi. Nhưng tất cả con gái Ấn đều làm thế mà.’ Tôi đề nghị uống trà. Cô ấy đồng ý. Tôi nói lẽ ra chúng tôi có thể uống một tí rượu cũng được. Cô ấy đáp ‘Tùy anh thôi.’ Tôi gọi rượu gin và tonic. Cô ấy nói là muốn rượu rum. Tôi không thể tin được. Tôi hỏi ‘Rượu rum thật à?’ Cô lại cười khúc khích, giống như trên taxi, nhưng không thay đổi ý định. Khi đồ uống được mang tới, chúng tôi cầm lấy cốc và cô ấy lại trở nên im lặng.
“Tôi cũng không có ý rõ ràng việc nói về bức tranh của mình, nhưng chẳng có điều gì nhiều để trò chuyện và tôi thấy mình có vấn đề trong việc miêu tả đồ vật. Vài lần tôi nói ‘Em nên xem nó.’ Cô ấy đáp ‘Vâng, em muốn xem,’ điều đó làm tôi thấy bực, vì thế có nghĩa là tôi phải lên trên lầu, tìm lôi nó ra và mang xuống. Bức tranh được bọc trong một gói dán kín để chống bụi. Tôi cảm thấy tiếc vì đã đề cập đến bức tranh – tôi chỉ định làm thế để tiếp tục câu chuyện. Lẽ ra tôi đã có thể uống một cách ngon lành một mình – để thư giãn. Tôi cần ở một mình sau khi gặp gỡ người khác, kiểu như là để cho tôi tự trở lại với bản thân mình. Ăn trưa với ông Bapna già đã làm cho tôi mệt lử. Tôi không nói gì thêm nữa.
“Cô ấy lại hỏi ‘Anh có bức tranh ở đây không?’ Tôi nói với cô ấy rằng nó ở trên lầu và tôi cảm thấy như thể bị dồn vào góc tường vì tôi sẽ không thể từ chối cho cô ấy xem. ‘Em có thích xem nó không?’ ‘Rất thích ạ,’ cô ấy nói. Tôi đáp được thôi, nhưng sẽ dễ hơn nhiều nếu như cô ấy lên trên lầu. Cô ấy đồng ý. Tôi nói ‘Để khi nào em uống xong đã.’ Nhưng cô ấy đã uống xong rồi. Tôi tợp nốt rượu rồi chúng tôi đi lên lầu. Vào trong phòng cô ấy nói ‘Em ghét máy điều hòa không khí’ Tôi đá cái máy một phát và nó im bặt.
“Chúng tôi ngắm bức tranh, ngồi trên giường – đó cũng là chỗ duy nhất có thể ngồi – và khi cô ấy phân tích bức tranh có gì hay, các đường nét được thể hiện tốt như thế nào, cô ấy vươn người qua nhấc bức tranh tôi đang đặt trong lòng. Đã bao giờ có một cô gái nhấc một thứ gì ra khỏi lòng anh chưa? Việc đó khiến tôi rùng mình – tôi thấy như từ tay cô ấy có dòng điện cường độ rất nhẹ bất chợt chạy qua háng mình.
“Cô ấy chỉ cho tôi xem chi tiết của bức tranh và khi nhìn bức tranh gần hơn thì tôi đã nắm tay cô ấy, từ cái cách cô ấy cho tôi nắm tay tôi biết mình có thể hôn cô ấy. Người ta không chiếu cảnh hôn nhau trên phim ảnh Ấn Độ. Tôi biết tại sao. Vì ở Ấn Độ, không có kiểu cử chỉ âu yếm nào như việc hôn hít mà lại không dẫn tới việc ân ái sau đó. Việc thể hiện tình cảm một tí xíu ở Ấn Độ đã là thể hiện sự đam mê rồi, nhưng điều làm tôi ngạc nhiên chính là sự việc hoàn toàn là ý tưởng của cô ấy, chứ không phải của tôi. Tôi còn phải đi ngược lại mong muốn của mình khi đưa cô ấy lên phòng!
“Tôi hôn cô ấy và quá bất ngờ trước sự hào hứng của cô ấy tới mức bị choáng ngợp trong đê mê. Tôi đã thực sự hạnh phúc, và niềm hân hoan đó ngược với ham muốn tình dục, nhưng cái hân hoan thì ngắn ngủi hơn ham muốn, nên chỉ trong vòng một phút tôi đã ở trên cô ấy. Cô ấy ở lại với tôi trong vòng hai tiếng.
“Việc này gây ra tác động không thể tin nổi với tôi, cứ như một cuộc cải đạo. Mọi phụ nữ tôi thấy sau lần đó đều hấp dẫn và tôi thấy mỗi người đều có thể là một cô nàng dễ dãi. Họ thực sự làm tôi hứng khởi – và tôi không thể rời mắt khỏi họ. Tôi thấy họ là những thiên tài duyên dáng, thông minh về tình dục, họ đã ngụy trang một cách hiệu quả với vẻ bận rộn của người phụ nữ Ấn Độ. Tôi đã rất tin vào những điều tôi biết, không ngần ngại ve vãn bất cứ ai trong số họ. Nhưng trên hết tôi bắt đầu hiểu một số ý mà Swami Sundram đã nói: ‘Cô ấy sẽ nhảy vì cậu.’ Rõ ràng Primila là cô gái mà ông ta nói tới. Tôi gặp cô ấy một vài lần nữa và tôi thực sự yêu cô ấy – thậm chí tôi nghĩ bác Bapna già đã nghi ngờ điều gì đang diễn ra vì ông ấy hỏi tôi rất nhiều câu hỏi về gia đình tôi, tôi đang làm công việc gì và những dự định của tôi là gì? Primila nói rất nhiều về việc rời Ấn Độ và một ngày cô ấy sẽ diện áo cánh cùng quần Tây. Cô ấy trông có vẻ lấc cấc khi mặc u phục, nhưng, như tôi nói, tôi đang bắt đầu yêu cô ấy và tưởng tượng mình sẽ có một đám cưới tuyệt vời kiểu Ấn. Primila nói cô ấy luôn muốn đến Anh quốc – cô ấy đã đọc rất nhiều điều về điều này, kiểu như thế. Tôi có thể hiểu điều gì đang diễn ra.
“Swami Sundram đã tiên đoán việc này. Tôi đồ rằng như vậy, nên ngay khi có cơ hội tiếp theo, tôi đã đến Madras, để ông ta không nhận ra tôi, tôi cạo sạch râu và mặc quần áo khác. Lần này tôi phải đợi bên ngoài nhà cho tới khi ông ta xong việc với một khách hàng khác, và khi tôi bước vào, ông ta lại làm cái việc tương tự với những biểu đồ và ghi chú. Tôi không để lộ ra là tôi đã từng đến đây lần trước. Rồi ông ta nói ‘Đau trên đầu, đau rất nhiều, như là bệnh đau đầu.’ Tôi bảo ông ta cứ tiếp tục. ‘Cậu đang chờ một lá thư quan trọng,’ ông ta nói. Ông ta ấn vào cái đệm lò xo và phán, ‘Cậu sẽ nhận được thư này sớm thôi.’ Tôi hỏi như thế có phải mọi việc xong xuôi. ‘Không,’ ông ta nói, ‘Cậu có một nốt ruồi to trên dương vật.’ ‘Không, tôi làm gì có,’ tôi trả lời. Nhưng ông ta cứ bám vào câu chuyện của mình. Ông ta khẳng định, ‘Cậu chắc chắn có.’ Điều ngạc nhiên là ông ta cứ nhất quyết nói rằng tôi có nốt ruồi trên dương vật trong khi tôi đã phủ nhận điều đó và thậm chí có thể chứng minh cho ông ta thấy là ông ta sai thế nào. Ông ta dường như phát cáu lên bảo tôi không nên cãi lại ông ta. Tôi trả tiền cho ông ta rồi đi.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.