Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ

CHƯƠNG 19: TÀU THƯ VẬN LASHIO



Buổi sáng sớm ở một góc của Maymyo, một khoảng đất trống phía trên rừng thông, ba mươi người đang đứng tại những dãy ghế dài bằng gỗ tếch thơm phức của Nhà thờ Dòng Vô nhiễm hát bài “Kyrie” trong bộ Thánh ca Missa di Angelis. Tôi đi dọc con đường qua những tán cây ướt đẫm sương để tới nơi có tiếng thánh ca ngọt ngào như đang cầu khẩn, Lễ Cả Thánh Gregory mà tôi đã biết hai mươi năm trước vào một mùa hè khi tôi còn nhàn rỗi và sùng đạo. Cứ như thể tôi đang nghe thấy giọng mình thời trẻ trong dàn đồng ca ấy, thật dũng cảm với tâm hồn trinh nguyên chưa một lần bị đe dọa, ở tuổi mười hai, đang xin được rủ lòng thương tha thứ cho những tội lỗi vụng về con trẻ nào đó. Sau khi nhớ về cậu bé ngày đó, tôi ở lại xem Lễ Tấn phong, tôi đứng đằng sau một người Miến Điện nghèo mặc quần buộc gấu quỳ xuống cầu xin trên những viên ngói cứng. Khi tôi đi, linh mục run run hát bài “Paster Noster”, tiếng hát cứ lượn theo tôi tới tận con đường, nơi các thầy tu tập sự, là những trẻ em mặc váy vàng, râu tóc cạo sạch và đi chân trần, khẩn trương trên đường đi đến tu việc, tay ôm lấy những cái bát sơn mài màu đen.

Khách đi Lashio đang đổ về nhà ga: một cuộc diễu hành huyên náo của những cỗ xe tonga và xe ngựa chạy tuyến diễn ra dọc theo đại lộ mọc đầy những cây bạch đàn; những phụ nữ cầm túi mua sắm chạy, răng ngậm chặt xì gà và đàn ông thì ăn mặc đúng kiểu vùng biên, với ủng và mũ đen, chạy len lỏi giữa những con bò đực đang nặng nhọc kéo những cái xe chở củi đun đi theo chiều ngược lại (củi đã được chẻ ra và trông còn tươi màu của thớ gỗ bị xé). Tôi bỏ lại máy ảnh và hộ chiếu. Tôi cảm thấy tính hợp pháp của chuyến đi đến Gokteik có thể không chắc chắn và tôi muốn xuất hiện ở đó như một người đi đường càng ít khả nghi càng tốt.

Tony, anh chàng lai u-Á đang đợi tôi. Anh cầm ba kyat của tôi và lấy cho tôi một vé đi Naung-Peng, ga sau Gokteik. Anh nói chỗ đấy chẳng có gì ngoài cây cầu ở Gokteik, nhưng ở Naung-peng có căng tin phục vụ tốt. Chúng tôi băng qua sân ga đầy bùn đi tới toa cuối. Ba người lính mặc đồng phục không giống nhau đứng bên ngoài toa tàu – quân phục chẳng vừa với họ cứ như thể đây là chiến lợi phẩm đoạt được từ những kẻ thù vóc dáng tí hon trong một đêm tối. Họ chuyền cho nhau những miếng cau đã bổ qua nòng những khẩu súng trường đeo lỏng lẻo trên vai. Tony nói với người lính cao lớn nhất bằng tiếng Miến Điện, anh này gật đầu với tôi đầy ẩn ý. Điều làm tôi ngạc nhiên là những cái mũ sứt mẻ, bộ quân phục may sẵn rẻ tiền lại khiến họ có cái vẻ già dặn và can đảm mà ta thường thấy ở những người lính đánh thuê đã kinh qua trận mạc – vẻ luộm thuộm thường bị lẫn với sự dày dạn kinh nghiệm có được qua gian khổ.

Tony nói, “Anh sẽ an toàn ở đây. Đi vào toa này này.”

Mười năm chiến tranh du kích ở các bang hẻo lánh vùng Thượng Miến Điện, cũng như tình trạng cướp bóc dai dẳng do thổ phỉ gây ra, những kẻ chặn cướp tàu xe bằng súng tự chế, đã khiến cho toa tàu cuối được dành cho các nhóm hộ tống vũ trang. Họ ngồi trên toa này, những khẩu súng trường Enfields kiểu cũ vứt bừa bãi trên các dãy ghế gỗ, mảnh che tai bằng len trên mũ họ bay lật phật; họ nằm ườn ra, ăn chuối, bổ cau rồi nhổ bã cau ra sàn đỏ choét; và họ hy vọng sẽ bắn được một kẻ phiến loạn hoặc một tên trộm. Người ta nói với tôi rằng chẳng mấy khi họ gặp may như thế. Phiến quân đã bị làm cho nhụt chí và không ra mặt; còn những kẻ cướp thì thừa hiểu về nhóm hộ tống ở toa cuối, đã biết cách càn quét chớp nhoáng vài toa đầu, dùng dao găm đe dọa hành khách và có thể chạy lại vào trong rừng an toàn trước khi binh sĩ kịp chạy lên.

Tiếng còi tàu khởi hành khiến bầy quạ bay lên và chúng tôi lên đường, bon bon dọc theo tuyến đường tàu duy nhất. Sương buổi sớm đã biến thành mây mù và mây mù biến thành mưa phùn, nhưng kể cả một lượng mưa đáng kể như vậy đã trút vào toa qua cửa sổ cũng không thuyết phục được bất cứ anh lính nào (đang ăn, đang đọc hoặc đang đùa đánh nhau) đóng cửa chớp lại. Cửa sổ cho mưa vào cũng cho ánh sáng vào: người ta phải chọn giữa ướt nhưng sáng với khô nhưng tối trên những chuyến tàu nội địa. Tôi ngồi ở mép ghế, thấy tiếc vì đã không mang theo thứ gì để đọc, băn khoăn liệu tôi có phạm luật khi đi tới cầu cạn Gokteik và cảm thương những đứa trẻ quần áo ướt sũng đang lội qua những vũng nước lạnh với đôi chân trần.

Rồi tàu đi vào một đường tránh và dừng lại. Phìa trên là nhà ga, ngôi nhà gỗ một tầng to bằng một ga ra dành cho hai ô tô. Những cái ống trên cửa sổ nhà ga cắm mấy đóa hoa màu cam và màu đỏ mà người Miến Điện gọi là “hoa Maymyo”. Vài người đàn ông trên toa trước xuống tàu đi giải. Hai em gái nhỏ chạy từ trong cánh rừng bên cạnh đường tàu để bán những nải chuối đựng trong cái chậu men đội trên đầu. Mười phút trôi qua, một người đàn ông xuất hiện ở cửa sổ vẫy vẫy mẫu giấy, kiểu như một tờ trên tập giấy mà Tony đã chép tín hiệu Moóc. Mẩu giấy được chuyển tới tay người lính cao lớn cầm khẩu súng Sten, anh này đọc to với giọng khó chịu. Những người lính khác lắng nghe chăm chú; một người quay ra nhìn chằm chằm vào tôi, động tác mau lẹ khiến tôi phát ngượng. Tôi đứng dậy bước về phía cuối toa tàu, nhưng trước khi tôi bước tới cửa ra, người lính đang xem bức điện – người mà trước đó tôi hỏi có biết nói tiếng Anh không thì anh ta chỉ cười một cách ái ngại – nói rằng “Xin mời ngồi xuống.”

Tôi ngồi xuống. Một người lính càu nhàu. Mưa càng to hơn, tạo thành tiếng sôi rào rào trên nóc toa tàu.

Người lính đặt khẩu Sten xuống và đi về phía tôi. Anh ta đưa cho tôi xem bức điện. Nó được viết bằng bút chì, từng dòng từng dòng bằng tiếng Miến Điện giống như mật mã trong câu chuyện “Cuộc phiêu lưu của những người đàn ông nhảy múa”. Nhưng giữa tất cả “những người đàn ông nhảy múa” trên trang giấy, những người xoay đầu vặn tay khua chân, có mấy từ tiếng Anh được viết hoa “SỔ THÔNG HÀNH”.

“Anh có sổ thông hành không?”

Tôi nói: “Tôi không có sổ thông hành.”

“Anh đang định đi đâu?”

“Gokteik, Naung-Peng,” tôi nói. “Chỉ là đi một chuyến thôi. Ai muốn biết cơ chứ?”

Anh ta suy nghĩ một lúc rồi gập tờ giấy lại, dùng một mẩu bút chì viết cẩn thận theo một cột xô lệch mấy chữ: Tên, Số, Nước và Sổ thông hành. Anh ta đưa cho tôi mẩu giấy. Tôi điền thông tin vào, trong khi tất cả những người lính còn lại – tất cả sáu người – tụ tập quanh tôi. Một người nhìn qua vai tôi, nói rít qua kẽ răng: “Người Mỹ à.” Những người khác xác nhận điều này, đầu họ chụm vào, hơi thở của họ phả vào tay tôi.

Bức điện được chuyển đến căn nhà bằng gỗ. Tôi đứng dậy. Một người lính nói: “Ngồi xuống.”

Hai giờ đồng hồ trôi qua, toa tàu ướt đầm đìa, nóc toa như sôi lên với cơn mưa trút xuống và những người lính khi nãy thầm thì nói chuyện với nhau, có thể là họ ngại tôi biết tiếng Miến Điện, thì bây giờ tiếp tục việc ăn uống, bóc lạc, bóc chuối, bổ cau của họ. Tôi không nghĩ thời gian ở đâu có thể trôi chậm hơn trên một toa tàu đỗ trong mưa lọt giữa hai bức tường rừng cây ở xứ Thượng Miến Điện này. Thậm chí không có cả sự quấy quả của những người bán hàng rong, hay trò đùa giỡn kinh khủng của bầy chó hoang; chẳng có nhà cửa; rừng cây thì chẳng có bố cục hay ánh sáng; tức là không có cảnh gì để ngắm. Tôi ngồi trong trạng thái lạnh buốt xương nhìn mưa tạo ra những vòng tròn tỏa dần trên cái ao nước cạnh đường ray rồi cố gắng tưởng tượng xem điều gì sai lầm. Tôi không nghi ngờ gì về việc tôi là nguyên nhân khiến tàu bị dừng lại – người ta đã phản đối tôi lên tàu; người ta đã nhìn thấy tôi lên tàu ở Maymyo. Tôi có thể bị đưa trở lại, hoặc tôi có thể bị bắt vì vi phạm các quy định an ninh, bị tống vào tù. Nỗ lực đi xa thế này dường như là lãng phí; và thực sự, liệu có phải tôi đã đi tất cả quãng đường đó để rồi vào tù, giống như những người đã vượt qua khó khăn để đi tới những nơi xa xôi tận cùng của trái đất, băng qua những cánh rừng, trải qua thời tiết xấu nhiều tuần liền, rồi vội vã lên một cái máy bay xấu số hoặc bước vào giữa đường bắn của một viên đạn? Thật là khổ nhục cho một kẻ đi xa như thế để rồi mất mạng.

Tôi không cảm thấy lo lắng về cái chết – họ không ngu ngốc đến mức giết tôi. Nhưng họ có thể gây khó dễ cho tôi. Mà thực ra là họ đã làm. Đã quá mười giờ sáng mà tôi thì đã tới ngưỡng cam chịu rồi. Giá như ánh mặt trời ló rạng thì tôi tình nguyện đi bộ về Maymyo, biến tất cả sự thất bại này thành một cuộc leo núi. Nhưng trời mưa quá to khiến cho tôi không thể làm gì ngoài ngồi và đợi.

Sau rốt người lính cao lớn đeo khẩu súng Sten quay lại. Anh ta đi cùng một anh bạn nhỏ con, trẻ hơn, khoác một cái áo ướt sũng và đội một cái mũ cũng ướt, anh ta lấy khăn mùi soa lau mặt khi bước vào trong toa. Anh ta hỏi: “Ông là Paul?”

“Vâng. Thế anh là ai?”

“Sĩ quan an ninh U Sit Aye,” anh ta đáp và tiếp tục hỏi tôi vào Miến Điện khi nào, vì mục đích gì và bao lâu. Rồi ông ta hỏi, “Ông là khách du lịch à?”

“Vâng.”

Anh ta nghĩ một lát, nghiêng đầu, nhíu đôi mắt dưới hàng mày rậm và nói: “Thế máy ảnh của ông đâu?”

“Tôi để lại rồi,” tôi đáp. “Tôi hết phim.”

“Đúng rồi, chúng tôi không có phim ở Miến Điện.” Anh ta thở dài. “Không có ngoại hối mà.”

Khi anh ta đang nói thì có một đoàn tàu khác đi tới cạnh đoàn tàu của chúng tôi.

“Chúng ta sẽ lên tàu kia.”

Trong toa cuối có hộ tống vũ trang của đoàn tàu thứ hai này, khi ngồi cạnh với môt toán lính mới, U Sit Aye nói rằng anh ta chịu trách nhiệm về an ninh đường sắt; anh ta có ba đứa con; anh ta ghét mùa mưa. Rồi anh ta không nói thêm gì nữa. Tôi đồ rằng anh ta đang dẫn độ tôi và dù tôi biết tại sao chúng tôi chuyển tàu, thì chúng tôi cũng bắt đầu đi tiếp, theo hướng tới Gokteik.

Một người đàn ông Miến Điện đội mũ, dáng phờ phạc lên ngồi cạnh chúng tôi, bắt đầu xé điếu thuốc lá có đầu lọc ra thành một mẩu giấy vuông nhỏ. Đây là một kiểu hành vi của những người khách trọ nước ngoài ở khách sạn tại Afghanistan, một màn dạo đầu để nhồi gai dầu và thuốc lá vào cái ống rỗng. Nhưng người đàn ông này không có gai dầu. Thuốc của anh ta là một thứ bột trắng, dựng trong một cái lọ nhỏ. Anh ta gõ thứ thuốc này vào trong ống, xen kẽ với những lớp thuốc lá. Anh ta nhồi ống thuốc rất cẩn thận, lèn thật chặt, vuốt và vỗ nhẹ ống thuốc.

“Anh ta làm gì thế nhỉ?”

U Sit Aye đáp, “Tôi không biết.”

Người đàn ông nhìn chằm chằm vào điếu thuốc. Nó gần đầy rồi và anh ta lấy một que diêm nhồi thuốc xuống.

“Anh ta đang cho cái gì đó vào trong đấy.”

U Sit Aye nói, “Tôi thấy rồi.”

“Nhưng không phải cần sa.”

“Không phải đâu.”

Bây giờ người đàn ông đã làm xong. Anh ta đổ nốt chỗ thuốc rồi vứt lọ ra ngoài cửa sổ.

Tôi nói, “Tôi nghĩ đấy là thuốc phiện.”

Người đàn ông nhìn lên cười toe toét: “Anh nói đúng đấy.”

Tiếng Anh của anh ta trong như tiếng chuông ngân khiến tôi giật mình. U Sit Aye không nói gì, anh không mặc cảnh phục nên người đàn ông kia không thể nào biết được mình vừa chế một điếu thuốc phiện ngay trước mũi một sĩ quan an ninh.

“Làm một hơi đi,” người đàn ông nói. Anh ta xoắn đầu điếu thuốc và liếm lưỡi lên cả điếu để nó cháy thật chậm. Anh ta mời tôi hút.

“Không, cảm ơn anh.”

Anh ta trông có vẻ ngạc nhiên. “Tại sao không?”

“Thuốc phiện làm tôi đau đầu.”

“Không! Rất tốt đấy! Tôi thích lắm…” anh ta nháy mắt với U Sit Aye “…Tôi thích xài cái này để có những giấc mơ đẹp giữa ban ngày!” Anh ta hút điếu thuốc đến tận đầu lọc, rồi cuộn áo khoác để gối lên sau đầu. Anh ta nằm dài ra ghế ngủ thiếp đi với nụ cười trên khuôn mặt. Anh ta bình tâm đến cực độ, người hạnh phúc nhất ở trên chuyến tàu lạnh giá đang chạy rầm rập này.

U Sit Aye nói, “Bọn tôi không bắt chúng trừ phi chúng có thật nhiều thuốc. Có nhiều phiền hà lắm. Chúng tôi bắt một thằng cha vào tù. Rồi chúng tôi gửi mẫu về Rangoon để kiểm tra – nhưng thứ thuốc phiện anh ta có chỉ là hạng ba; tôi có thể phân biệt được dựa trên màu thuốc – và sau hai hay ba tuần gì đó họ mới gửi báo cáo về. Anh cần rất nhiều thuốc phiện để có thể xét nghiệm – đủ để làm đủ loại thí nghiệm.”

Đến chiều chúng tôi tới ngoại vi Gokteik. Mây mù dày đặc và những thác nước ầm ĩ giội xuống những bụi tre xanh. Tàu chúng tôi bò trên rìa mép những quả đồi, kéo còi ở mỗi chỗ quanh, nhưng bên ngoài chỉ có mây mù trắng xóa, làn gió mạnh thổi lớp mây mù này bay đi thì lại thấy lớp mây mù trắng xóa khác dày đặc hơn tràn tới. Cứ giống như đang đi trên một máy bay chậm với cửa sổ mở và tôi cảm thấy ghen tị với sự ung dung của kẻ hút thuốc phiện lúc nãy.

“Phong cảnh bị mây che phủ hết rồi,” U Sit Aye nói.

Tàu chúng tôi trèo lên hơn một ki lô mét thì bắt đầu đi xuống khe núi nơi có những làn mây hình thuyền bay nhanh từ sườn đồi này sang sườn đồi khác, những dải hơi nước dài ngắn khác nhau hầu như không chuyển động trông giống như những tấm mạng lụa xác xơ. Chiếc cầu cạn, một con quái vật hình học màu bạc giữa những núi đá và rừng cây lởm chởm rời rạc bắt đầu xuất hiện, rồi lại biến mất sau những vỉa đá. Nó xuất hiện trở lại giữa những khoảng trống, càng ngày càng to hơn, ít ánh bạc hơn nhưng hoành tráng hơn. Sự hiện diện của nó thật kỳ quái, một công trình nhân tạo ở vùng hẻo lánh như thế này, đọ sức với sự hùng vĩ của hẻm núi khổng lồ nhưng dường như lại hùng vĩ hơn cảnh vật xung quanh nó, phong cảnh cũng không thể bỏ qua – dòng nước chảy xiết qua chân rầm cầu và đổ xuống những ngọn cây, đàn chim bay qua những đám mây xoắn chặt và đường hầm tối om phía trên cầu cạn. Chúng tôi tiến chầm chậm tới cầu và dừng lại một lát ở ga Gokteik, nơi những người miền núi, những người Shan mình đầy hình xăm trổ và người Hoa lạc lõng đã tới cư trú trong những toa tàu hỏa không còn sử dụng nữa – vốn là các toa chở hàng và chở gia súc. Họ bước ra cửa để nhìn tàu thư vận Lashio đi qua.

Những anh lính gác mặt mũi cau có đeo súng trường trên vai đứng gác ở lối vào cầu cạn; gió thổi qua vọng gác không có tường chắn và cơn mưa phùn vẫn tiếp tục rơi. Tôi hỏi U Sit Aye liệu tôi có thể thò ra ngoài cửa sổ. Anh ta nói không vấn đề gì, “nhưng đừng có ngã nhé,” Bánh xe lửa dội vào những nhịp cầu thép và tiếng nước rơi xuống như gầm rú đuổi những con chim bay ra khỏi tổ của chúng ở dưới gầm cầu vài trăm mét. Tàu dừng khá lâu trong giá lạnh đã khiến tôi suy nhược và chuyến đi tới đây cũng chẳng có gì đáng chú ý, nhưng điều này đã xốc dậy tinh thần của tôi, đó là việc chạy qua cây cầu dài trong mưa, đi từ đồi dốc đứng này sang đồi dốc đứng khác, đi qua sự tăm tối của rừng sâu, choáng ngợp trước dòng sông mà gió mùa đã mang lại cho nó một thứ âm thanh dọa dẫm, và tiếng huýt gió của đầu máy lặp đi lặp lại, hồi âm xuống hẻm núi, vang vọng tới tận Trung Quốc.

Rồi tàu đi vào đường hầm như những cái hang có mùi phân dơi và cây cối ẩm mốc, vừa đủ ánh sáng để soi thấy những dòng nước rỉ xuống tường hầm, những loài hoa nở đêm lạ lùng mọc giữa một rừng dây leo và lá chen trong đá mấp mô. Khi ra khỏi đường hầm cuối cùng, chúng tôi đã đi xa khỏi cầu cạn Gokteik, và Naung-Peng sau một giờ đồng hồ tàu đi chầm chậm nữa là điểm cuối cùng trong hành trình của tôi. Nơi đây có một tập hợp những lán gỗ và chòi mái lợp cỏ. Cái “căng tin” mà Tony nói với tôi chính là một trong những cái lều cỏ đó: ở phía trong kê một cái bàn dài bày những chiếc liễn đựng món hầm màu xanh màu vàng, những người Miến Điện ăn mặc phong phanh ở một nơi lạnh như thế này, đang tự sưởi ấm bên cạnh những vạc cơm sôi lục bục trên lò than. Cảnh tượng giống như khu bếp dã chiến của một bộ lạc Mông Cổ nào đó đang rút lui sau trận chiến kinh hoàng: đầu bếp là những người đàn bà Hoa răng đen còn thực khách là một bầy người có nguồn gốc di truyền lẫn lộn giữa Trung Quốc và Miến Điện, người ta chỉ có thể đoán ra nguồn gốc dân tộc của họ qua trang phục, quấn xà rông hay mặc quần, đội cái mũ dù của dân cu li hay đội mũ len ẩm ướt chẳng ra hình thù gì giống như một cái găng làm bếp. Đầu bếp lấy muôi múc món hầm ra những cái lá cọ to và đổ xuống một nắm cơm; hành khách ăn thứ thực phẩm này và uống những cốc trà nhạt nóng. Cơn mưa gõ lên mái và rơi lanh tanh lên vũng bùn bên ngoài, những người Miến Điện vội chạy trở lại tàu cùng mấy con gà buộc chặt vào những cái bị bằng lông, giống hệt một kiểu hàng thủ công đặc biệt. Tôi mua một điếu xì gà giá hai xu, tìm được một cái ghế đẩu gần lò than, ngồi xuống hút thuốc đợi chuyến tàu tiếp theo tới.

Chuyến tàu tôi đã đi tới Naung-Peng không đi Lashio cho tới khi chuyến tàu “đi xuống” từ Lashio tới. Rồi nhóm hộ tống từ Maymyo đổi tàu với một nhóm hộ tống khác được vũ trang tốt hơn từ Lashio nhằm quay trở lại nơi họ đã khởi hành từ buổi sáng. Tôi để ý thấy mỗi đoàn tàu đều có một toa bọc thép được kéo ngay sau đầu máy; đó là một cái hòm thép với những khe châu mai, đơn giản tới mức thô lậu, giống như hình vẽ cái xe tăng của một đứa trẻ, nhưng bên trong thì trống rỗng vì những người lính đều xuống toa cuối, cách đó chín toa. Tôi không biết là khi xảy ra bao vây thì họ chiến đấu bảo vệ chuyến tàu thế nào từ phía dưới cách đầu máy khoảng bảy mươi mét và U Sit Aye cũng không giải thích cho tôi việc này. Còn lý do tại sao những người lính không đi trên toa tàu bọc sắt thì rõ rồi: đó là một thứ cực kỳ bất tiện, bên trong tối om vì khe châu mai rất bé.

Chuyến tàu trở lại Maymyo đi rất nhanh vì đường đi hầu hết là xuống núi, việc tiếp thực phẩm ở các ga nhỏ diễn ra liên tục. U Sit Aye nói rằng những người lính đã đánh điện yêu cầu thực phẩm từ trước và điều này là sự thực, ví dụ tại nhà ga nhỏ nhất, một cậu bé sẽ vội chạy tới đoàn tàu ngay khi vừa tới; và đứa trẻ khuôn mặt đẫm nước mưa này sẽ cúi chào và chuyển một gói thực phẩm tại cửa toa chở lính. Tại một ga gần Maymyo hơn, những người lính đánh điện trước để lấy hoa, vì vậy khi chúng tôi tới, từng người lính bước ra ngoài, trên áo vẫn còn dính vết cà ri, trong miệng vẫn còn nhai trầu, tay thì cầm một bó hoa mà giữ còn chặt hơn cả khẩu súng trường.

“Tôi có thể đi bây giờ chưa?” tôi hỏi U Sit Aye. Tôi vẫn không biết là liệu có phải mình sắp bị bắt giam vì đã đi vào vùng đất cấm.

“Anh có thể đi được rồi,” anh ta nói và mỉm cười. “Nhưng anh không bao giờ được đi tàu đến Gokteik lần nữa. Nếu cứ đi sẽ gặp rắc rối đấy.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.