Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ
Tiếp
3. Chuyến tàu Rossiya
Sau này, bất kỳ khi nào nghĩ về chuyến tàu tốc hành xuyên Siberia, tôi lại thấy những cái bát bằng thép không gỉ đầy củ cải bị đổ ở trong toa ăn của tàu Rossiya khi nó đi vào một khúc cua trên đường tới Moscow, và tại khúc cua đó, một quang cảnh rõ nét hiện ra trên cửa sổ của đoàn tàu hơi nước màu đen và xanh của chúng tôi – từ Skovorodino thẳng tiến, luồng khói đầy hơi nước của con tàu khuếch tán ánh nắng và dạt vào cánh rừng khiến những cây bạch dương trông như đang âm ỉ cháy và làm những con chim ác là lao lên bầu trời. Tôi thấy những cây thông chóp nhuộm vàng trong hoàng hôn và tuyết nằm nhẹ nhàng xung quanh những bụi cỏ nâu giống như kem được trút trên mặt đất; những luống tuyết trông giống những du thuyền ở Zima; ánh lửa như son từ ống khói của những nhà máy sáng choang tại Irkusk; quang cảnh của Marinsk trong buổi sáng sớm, những con sếu đen, những tòa nhà màu đen cùng cảnh vật trôi qua trên cái bóng dài của các toa tàu khi chúng chạy tới nhà ga sáng ngời – có cái gì đó khủng khiếp trong việc kết hợp giữa cái lạnh, bóng tối và những con người bé nhỏ đang đi trên những chuyến tàu Siberia; chiếc hòm băng lạnh buốt giữa các toa xe; cái trán trắng của Lenin hiện ra ở mọi điểm dừng; và các hành khách bị cầm tù ở toa hạng thường: mũ lông, quần lông, quần áo thể thao màu xanh, trẻ con khóc, mùi cá mòi nồng nặc, mùi cơ thể, mùi cải bắp và mùi thuốc lá để lâu, khiến lúc tàu dừng thậm chí có năm phút ở các ga, người Nga bất chấp nguy cơ viêm phổi nhảy xuống sân ga đầy tuyết vì muốn hít thở khí trời; thức ăn chán ngắt; nền kinh tế ngu ngốc; đàn ông và đàn bà (“không có sự phân biệt giới tính trong việc phân toa – sách hướng dẫn du lịch cho biết), họ đều là những người lạ lẫm với nhau trong cùng một toa tàu, ngồi trên các giường đối diện, những người đàn ông râu ria chiếu tướng những người đàn bà cũng có râu, từ những cái mũ mềm đội đầu bẩn thỉu, đến cái chăn họ choàng lên người như khăn, xuống đến những cái mắt cá chân to khỏe gắn chặt vào đôi dép lê sứt sẹo. Hầu hết những chuyện này, tôi nghĩ đến chúng như một trải nghiệm mà thời gian đã chơi trò bóp méo một giấc mơ: con tàu Rossiya chạy vào múi giờ Moscow, sau bữa trưa với khoai tây vàng lạnh ngắt, một bát xúp như cục mỡ có tên solyanka, một bình rượu poóc tô có vị giống như xi rô ho, tôi hỏi giờ và được trả lời là bốn giờ sáng.
Tàu Rossiya không giống tàu Vostok; nó vẫn còn mới. Các toa giường nằm của Đông Đức là những xi lanh bằng thép, được bọc nhựa xám, sưởi bằng lò than đun những nồi nước nóng và ấm samovar, khiến phần cuối mỗi toa trông giống như một cái máy bắn phá nguyên tử trong phim hoạt hình. Provodnik (người phụ trách toa) thường quên cho thêm than vào lò sưởi, và sau đó toa tàu trở nên lạnh lẽo đến độ mang lại cho tôi những cơn ác mộng, đồng thời khiến tôi không ngủ được. Những hành khách khác trong toa hạng sang thì hoặc nghi ngờ, say khướt hoặc không biết gì: một người phương Đông cùng cô vợ Nga trắng trẻo và đứa con nằm trên một đống ủng và chăn, hai người Canada buồn rầu đang ba hoa với hai thủ thư người Úc về sự xấc láo của provodnik, một phụ nữ Nga luống tuổi mặc chiếc áo ngủ có diềm trên suốt chuyến đi, một người Grudia trông như thể đang có rắc rối trong một góc khác của toa và một vài gã say mặc đồ ngủ đang chơi bài domino ầm ĩ. Đối thoại thì vô vọng, ngủ thì sợ và những cái đồng hồ mất nết làm tiêu tan hứng thú ăn uống của tôi. Đó là ngày đầu tiên tôi viết trong nhật ký của mình, Sự thất vọng khiến tôi đói.
Toa ăn chật cứng. Mọi người được ăn xúp rau, sau đó là một quả trứng ốp lết, cốt lết kiểu Wiener – sườn bê rán bơ phủ bánh mì vụn. Có hai người phục vụ, một bà béo ú luôn mồm chỉ huy những người đang ăn, và một cô gái tóc đen xinh xắn kiêm luôn vai trò phụ bếp, trông như thể cô sẽ nhảy ra khỏi đoàn tàu ngay khi có cơ hội rõ ràng tiếp theo. Tôi ăn bữa trưa và ba người Nga ngồi cùng bàn cố xin thuốc lá của tôi. Vì tôi không có, chúng tôi cố gắng bắt chuyện: họ đi đến Omsk; tôi là người Mỹ. Sau đó họ bỏ đi. Tôi tự nguyền rủa mình vì không mua một quyển sách dạy tiếng Nga ở Tokyo.
Một người đàn ông ngồi xuống với tôi. Tay anh ta đang run. Anh ta gọi món. Hai mươi phút sau bà béo đưa cho anh ta một bình rượu vang. Anh ta dốc vào cốc và uống làm hai ngụm. Anh ta bị thương ở ngón cái, anh ta gặm vết thương trong lúc nhìn quanh toa tàu một cách lo lắng. Bà béo vỗ vai anh ta và anh ta đi, chếnh choáng về phía toa thường. Nhưng bà béo để cho tôi yên. Tôi vẫn ngồi trong toa ăn, nhấm nháp rượu nếp, ngắm nhìn cảnh vật thay đổi từ cánh đồng tuyết phẳng sang các ngọn đồi – quang cảnh đầu tiên của Nakhodka. Mặt trời đang lặn nhuộm vàng chúng một cách đẹp đẽ và tôi hy vọng sẽ nhìn thấy người trong khu rừng thưa. Tôi căng mắt suốt một tiếng đồng hồ, nhưng không thấy ai cả.
Không những tôi không thể xác định chúng tôi đang ở đâu mà cái bản đồ của Nhật về Liên Xô cũng chả có giá trị gì, chỉ đến buổi tối tôi mới biết tàu đã đi qua Poshkovo, trên biên giới Trung Quốc. Điều này lại làm tăng thêm sự mất phương hướng của tôi: tôi ít khi biết mình đang ở đâu, tôi không bao giờ biết được thời gian chính xác và tôi bắt đầu ghét ba cái máy làm lạnh mà tôi phải đi qua để tới toa ăn.
Tên của bà béo là Anna Fiodorovna và, mặc dù bà hét vào mặt những người đồng hương của mình, bà vẫn vui vẻ với tôi, thuyết phục tôi gọi bà là Annushka. Tôi đã làm thế và bà thưởng cho tôi một đĩa đặc biệt, khoai tây lạnh với gà – thứ thịt đen dai nhách như vải dệt dày. Annushka ngắm nghía khi tôi ăn. Bà chớp lấy cái cốc trà (nhúng bánh mì vào trà và mút) và sau đó nguyền rủa ông què ngồi vào bàn tôi. Thậm chí bà còn lẳng cái đĩa sắt đầy khoai tây và thịt béo lên trước mặt ông ta.
Người đàn ông què ăn rất chậm rãi, kéo dài bữa ăn kinh khủng bằng cách cắt cẩn thận món thịt của mình. Một người phục vụ đi ngang qua và va phải. Người phục vụ làm rớt cái bình đựng nước trống rỗng lên bàn tôi, làm vỡ cái cốc của người què. Người đàn ông què tiếp tục ăn với sự bình tĩnh tột đỉnh, không đáp lời người phục vụ lí nhí nói câu xin lỗi khi nhặt các mảnh cốc vỡ trên bàn. Sau đó người phục vụ nhặt một miếng thủy tinh vỡ lớn màu bạc trong đám khoai tây nghiền của người đàn ông què. Ông ta ngừng ăn và đẩy cái đĩa đi. Người phục vụ mang ra cho ông ta một suất ăn mới.
“Sprenchen Sie Deutsh?”[2] Người đàn ông què hỏi.
[2] Tiếng Đức, “Anh biết tiếng Đức chứ?”
“Vâng, nhưng kém lắm.”
“Tôi biết nói tí chút,” ông ta nói bằng tiếng Đức. “Tôi học ở Berlin. Anh người nước nào vậy?”
Tôi cho ông ta biết. Ông ta hỏi, “Anh nghĩ sao về thức ăn ở đây?”
“Không tồi, nhưng không quá ngon.”
“Tôi nghĩ nó quá chán,” ông ta nói. “Thức ăn ở Mỹ ra sao?”
“Tuyệt,” tôi đáp.
Ông ta nói, “Bọn tư bản! Anh là một kẻ tư bản!”
“Có thể.”
“Chủ nghĩa tư bản xấu xa, chủ nghĩa xã hội tốt.”
“Vớ vẩn,” tôi nói bằng tiếng Anh, sau đó bằng tiếng Đức, “Ông nghĩ vậy sao?”
“Ở Mỹ người ta thích giết người bằng súng ngắn. Pằng! Pằng! Pằng! Đại loại thế.”
“Tôi không có súng.”
“Thế những người Negro thì sao? Những người da đen ấy?”
“Họ thì sao?”
“Các anh giết họ.”
“Ai nói cho ông những chuyện này?”
“Báo chí. Chính tôi đã đọc. Và lúc nào cũng có trên đài phát thanh nữa.”
“Đài phát thanh Liên Xô,” tôi nói.
“Đài phát thanh Liên Xô là đài phát thanh tốt,” ông ta khẳng định.
Cái đài trên toa ăn đang phát một bản nhạc vui nhộn. Nó mở suốt cả ngày và thậm chí cả trong các toa giường ngủ – mỗi toa có một loa – nó tiếp tục thì thào bởi không ai có thể tắt hẳn đi được. Tôi chỉ ngón tay về phía cái loa và nói, “Đài Liên Xô tiếng quá to.”
Ông ta cười hô hố. Sau đó nói, “Tôi là người tàn tật. Nhìn đây, không có bàn chân, chỉ có cẳng chân thôi. Không có bàn chân, không có bàn chân!”
Ông ta cởi ủng nỉ ra và nện cái gậy bịt sắt vào ngón chân. Ông ta nói, “Tôi ở Kiev trong thời gian chiến tranh, đánh nhau với bọn Đức. Chúng bắn tôi – Pằng! Pằng! – vậy đó. Tôi nhảy xuống nước và bơi. Lúc đó là mùa đông – nước lạnh – rất lạnh. Chúng bắn nát chân tôi, nhưng tôi vẫn không ngừng bơi. Sau đó đại úy của tôi nói với tôi, ‘Nhìn kìa, lại thêm bọn Đức kìa…’ và trong tuyết, tuyết rất dày…”
Đêm đó, tôi ngủ trong cái giường kích cỡ chỉ bằng cái ghế băng, mơ về những người Đức bước đi như những con ngỗng với cái chĩa, đội mũ bảo hiểm giống như cái bát trên tàu Rossiya; họ bắt tôi nhảy xuống con sông đầy băng. Tôi tỉnh giấc. Chân tôi trần trụi trong cái giá lạnh từ cửa sổ ùa vào; chăn bị tuột ra và ánh sáng xanh của màn đêm trong toa khiến tôi nghĩ tới phòng mổ. Tôi lấy thuốc aspirin ra uống và ngủ cho tới khi hành lang sáng mờ đủ để tìm thấy nhà vệ sinh. Ngày hôm đó, khoảng buổi trưa, chúng tôi đến Skovorodino. Provodnik, tên cai ngục của tôi, đưa một gã râu xồm xoàm vào khoang giường nằm của tôi. Đó là Vladimir. Anh ta đến Irkusk, mà hai ngày nữa mới tới. Anh ta đọc sách bìa mềm của Nga có những bức tranh ái quốc ở ngoài bìa, còn tôi nhìn ra cửa sổ. Tôi từng nghĩ về một cửa sổ toa tàu khi cho phép mình tự do khám phá thế giới; bây giờ nó giống như thứ đang cầm tù tôi và nhiều lúc là bức tường nhà đá tăm tối.
Tại chỗ rẽ ngoài Skovorodino, tôi đã nhìn thấy tàu được đẩy đi bởi một động cơ hơi nước khổng lồ. Tôi tiêu khiển bằng cách chụp ảnh khi đoàn tàu uốn mình, nhả ra những cuộn khói bay (mặc cho Vladimir mím môi không đồng tình). Những làn khói chạy dọc thân tàu và tan vào những khu rừng bạch dương và cây tuyết tùng xứ Siberia, nơi có vết chân người và dấu hiệu của những đống lửa đã tắt, nhưng không mảy may xuất hiện bóng dáng con người. Cảnh vật thay đổi quá nhanh khiến tôi không thể chụp ảnh qua cửa sổ tàu và tôi chìm vào giấc ngủ. Tôi đã mơ về một hầm rượu đặc biệt ở trường Trung học Medford, sau đó tỉnh dậy, và khi thấy Siberia tôi gần như đã hét lên. Vladimir đã dừng đọc sách. Anh ta ngồi dựa lưng vào tường, vẽ trên một tập giấy với những chiếc bút chì màu, bức họa về một bốt điện thoại. Tôi đi rón rén ra hành lang. Một trong những người Canada đang nhìn tuyết. Anh ta nói: “Ơn Chúa, chúng tôi sẽ xuống ga trưa nay. Anh định đi đâu?”
“Moscow, sau đó đi tàu đến London.”
“Thời tiết xấu quá.”
“Người ta bảo thế.”
Anh ta nói: “Tôi thậm chí không biết hôm nay là ngày nào. Chuẩn bị đến Giáng sinh rồi. Này, lúc nãy anh có nhìn thấy căn nhà cháy ở đằng kia không?”
“Không.”
Ngày hôm trước, anh ta đã nói: “Anh có nhìn thấy chiếc xe tuần lộc băng qua dòng sông và đâm vào băng không? Ôi, những chiếc bánh sau của nó bắn ra.” Tôi tự hỏi liệu có phải anh ta tưởng tượng ra không nhỉ. Anh ta thường nhìn thấy những thảm họa. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ và thấy khuôn mặt của mình đang lo lắng.
Tôi quay trở lại khoang và tiếp tục đọc cuốn New Grub Street nhưng hỗn hợp giữa thứ ánh sáng mù mịt, cái lạnh lẽo, tuyết đổ và cả sự sa sút của Ediwn Reardon đáng thương khiến tôi cảm thấy mệt mỏi và lại thiếp đi. Trong lúc ngủ, tôi mơ thấy mình ở một túp lều trên núi với vợ và các con. Trên ô cửa sổ có tuyết và một tấm gương đen. Tôi thấy u sầu: vài người tôi quen đang ở rất xa và tôi sẽ phải thông báo với họ một tin bi thảm. Bàn chân tôi đóng băng nhưng tôi quyết chí đi để nói với họ tin này. Tôi xỏ chân vào đôi ủng và nói: “Anne, em thế nào? Em không đi à?”
Anne đáp: “Ngoài trời lạnh quá, hơn nữa em đang đọc sách, em nghĩ mình sẽ ở lại đây.”
Tôi đành nói chuyện với Annuska, con quỷ của toa ăn trên xe lửa Rossiya: “Bà thấy chưa? Thấy chưa? Cô ấy luôn nói rằng muốn đi với tôi nhưng khi cần phải đi thì cô ấy luôn từ chối.”
Anne, vợ tôi, nói: “Anh đang làm mất thời giờ đấy, nếu anh đi thì nhớ đóng cửa và đừng có nói về chuyện đó nữa.”
Tôi mở cửa lều. Ở ngoài là khoảng không mênh mang. Gió lạnh ùa vào trong phòng thổi bay vạt khăn trải bàn và khua lanh canh vào cái chụp đèn. Tuyết bay vào đầy sàn nhà.
Tôi nói: “Anh sẽ đi vậy, nếu không ai đi.”
“Bố ơi, con đi cùng được không?” Tôi nhìn vào khuôn mặt trắng trẻo của cậu con trai. Nó như đang van vỉ, vai nó run lên.
“Không, bố sẽ đi một mình.” tôi nói với nó.
“Đóng cửa vào đi!”
Tôi tỉnh dậy, bàn chân lạnh ngắt. Cửa sổ tối om và toa tàu rung lên (chỉ có tàu xuyên Siberia là nẩy lên, bởi đường ray chắc chắn hơn những mối nối dao động). Giấc mơ vừa rồi khiến tôi cảm thấy lo sợ, một chuyến đi sai lầm và nỗi cô đơn càng khiến tôi cảm thấy đơn độc khi viết ra và chiêm nghiệm nó.
Vladimir dừng vẽ. Anh ta nhìn lên và nói: “Chai.”
Tôi hiểu anh ta nói gì. Trong tiếng Swahili, thì chai chính là trà. Anh ta gọi provodnik. Ngoài bánh và trà, tôi đã học được bài học tiếng Nga đầu tiên, tôi ghi chép lại các từ phát âm đúng vào sổ: một công việc chán ngắt nhưng nó giúp tôi giết thời gian hơn là lơ mơ ngủ và gặp ác mộng.
Toa ăn tối hôm đó trống trơn và lạnh lẽo. Băng đóng trên cửa sổ và có thể nhìn hơi thở của những nhân viên phục vụ trên đó như những đám mây khói, Vassily Prokofyevich, người quản lý, đang tính toán và gõ máy tính. Tôi đã ở trong khoang ăn này đủ lâu để biết rằng chiều nay, Vassily, người đàn ông mà khuôn mặt có vết sẹo ngắn – đã uống rượu. Ông ta nhảy lên và phả vào tôi hơi thở toàn mùi rượu vodka, sau đó lôi ra một chai bia và chỉ cho tôi xem làm thế nào mà bia đóng băng trong chai. Ông ta cọ xát một chai vào tay mình, làm tan băng cho tôi rồi quát Nina, cô gái tóc đen. Nina mang cho tôi một đĩa cá hồi hun khói cùng vài lát bánh mì. Vassily chỉ vào cá hồi và nói: “Kita.”[3]
[3] Cá voi. Đoạn này trong nguyên bản, tác giả ghi âm tiếng Nga.
Tôi nói: “Eto karasho kita.”[4]
[4] Cá voi này ngon.
Vassily tỏ ra hài lòng và ông ta bảo Nina mang thêm cho tôi.
Tôi vỗ tay vào cửa kính đóng băng và nói: “Eto oknor.”[5]
[5] Đây là cửa sổ.
“Da, da.”[6] Vassily rót cho mình thêm vodka. Gã uống ừng ực và rót cho tôi một chút vào cốc vại. Tôi uống và thấy Annuska vẫn ở chỗ bà ta thường ngồi, nhúng bánh mì vào trà đen và mút miếng bánh.
[6] Đúng, đúng.
Tôi chỉ vào cốc trà của bà ta và nói; “Eto zhudki chai.”[7]
[7] Trà này rất tệ.
“Da, da.” Vassily cười và rót thêm rượu vào cốc của tôi.
Tôi chỉ cho ông ta cuốn sách của Gissing và nói: “Eto ganyiga.”[8]
[8] Đây là cuốn sách.
“Da, da?” Vassily nói. Nina tiến lại gần với đĩa cá hồi.
“Eto Nina.”[9] Vassily nói, chộp lấy cô gái xinh đẹp, “và đây,” tôi dịch hành động của ông ta, ‘đây là ngực của Nina.”
[9] Đây là Nina.
Buổi sáng bây giờ trời xầm xì hơn, một mánh lới khác của thời gian khi đi tàu có vẻ khiến tôi mau chóng sa vào hoang tưởng. Sau tám tiếng ngủ, tôi tỉnh dậy trong bóng tối. Dưới ánh sáng yếu ớt của trăng tháng Mười hai, như một chiếc liềm bạc, khung cảnh trở nên trống vắng, không cây cối, không tuyết. Và không có cả gió nữa. Thật là kỳ lạ, khi bình minh sắp lên (theo đồng hồ của tôi lúc đó là chín rưỡi), được thấy những ngôi làng nằm hai bên bờ các con sông Shilka và Ingoda, tập hợp nhỏ nhoi những chiếc lều gỗ cùng những làn khói màu nâu sẫm vươn thẳng qua ống khói khiến tôi nghĩ đến một chiếc xe gỗ đang cháy và bị mắc kẹt trên thảo nguyên hoang sơ. Sau vài giờ trôi qua khung cảnh hiu quạnh này, chúng tôi đến Chita, một thành phố xấu như ma với những ống khói phun cuồn cuộn cùng vô vàn đụn khói cạnh đường ray. Bên ngoài Chita có một hồ nước đóng băng, trên đó những người câu cá thu lu nhìn như những con quạ đen béo xù lông đậu trên cây thông rụng lá bên ven hồ.
Tôi nói: “Vorona.”[10]
[10] Con quạ.
“Nyet.”[11] Vladimir trả lời và giải thích đó là người câu cá.
[11] Không phải.
“Vorona,” tôi vẫn khăng khăng hình ảnh con quạ cho đến khi anh ta thấy cái mà tôi đang nói đến. Nhưng điều đó cũng chả mất công gì nhiều, bởi vì tôi phát hiện ra sự cuồng tín đầy cảm tính ở những người Nga mình đã gặp, đấy là một cuộc phiêu diêu từ tâm hồn lãng mạn của họ. Vladimir có thói quen trích lại – trích dẫn chứ không phải là nói – những câu dài và thầm thì, Puskin hoặc Mayakovsky. Chính lối hành xử bốc đồng này đã duy trì Liên Xô, nhưng tôi nghĩ nếu mình đang ở Boston cổ kính và Maine thì khi một người đàn ông bắt đầu trích dẫn: “Đây là khu rừng nguyên sinh”, tôi hẳn sẽ đổi chỗ ngồi.
Vladimir mua một chai rượu Hungary rồi chúng tôi đánh cờ. Anh ta chơi rất hăng, tay lơ quơ trên bàn cờ và đi cờ nhanh như người thu tiền. Giữa lúc chơi, anh ta thường bẻ các đốt ngón tay. Tôi đi cờ không phải để thắng – tôi biết điều đó nằm ngoài khả năng của mình – mà tôi chơi để hạ nhịp anh ta lại. Anh ta lao vào quân cờ và con tàu lao vào trong gió. Ngoài trời tuyết lại rơi và chúng tôi có thể nhìn thấy hai khung cảnh khác nhau trong cùng một ngày. Những ngọn đồi Mông Cổ thấp lè tè bên rìa sa mạc Gobi được bao phủ bởi những cây tuyết tùng, loại cây có hình dáng giống dương xỉ nhiệt đới. Khi chúng tôi tiến đến cao nguyên trung tâm Siberia là bốn giờ, tuyết bắt đầu thổi qua cửa sổ, những bông tuyết bé xíu đậu trên những vệt khói dài. Ở xa, một cơn bão tuyết đang hình thành một làn sương mù mịt, sắc trắng bao trùm Gobi quyện vào những thân cây bạch dương và làm những cây tuyết tùng càng trở nên mỏng manh. Siberia là rừng và tuyết – ngay những công trình đường sắt cũng được xây dựng phù hợp với rừng: khắp Chitinskaya, các nhà ga là những cấu trúc bằng gỗ làm từ những tấm gỗ trần trụi đặt nghiêng phủ đầy tuyết trắng.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.