Alain Nói Về Hạnh Phúc

CHƯƠNG 3: MARIE SẦU THƯƠNG



Ngẫm về cái chứng điên chu kỳ không hề là việc vô bổ, nhất là hội chứng “Marie sầu thương và Marie hoan hỉ” mà một giáo sư tâm lý học nước ta đã may mắn khám phá ra. Mặc dù câu chuyện này đã gần như rơi vào quên lãng, nó rất xứng đáng để ta ghi lại. Cô gái ấy cứ vui được một tuần thì lại buồn mất một tuần, đều đặn như một cái đồng hồ. Lúc cô vui thì mọi thứ đều ổn hết, cô thích cả trời mưa lẫn trời nắng, một dấu hiệu nhỏ nhất của tình bạn cũng làm cô vui sướng. Nếu nghĩ tới một mối tình thì cô sẽ nói: “Sao mà mình gặp may thế!” Cô chẳng bao giờ thấy buồn chán, những suy nghĩ nhỏ nhặt nhất cũng đượm một sắc màu tươi tắn, như những bông hoa đẹp khỏe khoắn, bông nào bông nấy đều đáng yêu. Cô ở trong cái trạng thái mà tôi muốn cầu chúc cho các bạn, các bạn của tôi ạ. Như cái vò nào cũng có hai quai, nhà thông thái đã nói thế, mọi việc đều có hai mặt, mặt nặng nề như ta muốn, mặt khích lệ và an ủi như ta muốn. Nỗ lực của chúng ta để được hạnh phúc không bao giờ là uổng phí.
Chỉ một tuần sau mọi thứ đã đổi sắc thái. Cô rơi vào một trạng thái uể oải và tuyệt vọng, không có gì khiến cho cô quan tâm nữa, ánh mắt của cô như làm mọi vật úa tàn. Cô không còn tin vào hạnh phúc nữa, cô không còn tin vào sự trìu mến nữa. Như chưa từng có ai yêu quý cô, và thực ra người ta cũng có lý, cô cho mình là ngốc nghếch và đáng chán. Cứ nghĩ mãi như thế làm cho bệnh tình trở nên trầm trọng hơn, cô biết điều đó cho nên cô cứ thế tự giết mình một cách chi tiết, một kiểu phương pháp kinh khủng. Cô nói: “Anh muốn làm cho tôi tin rằng anh quan tâm đến tôi, nhưng tôi không mắc lừa những trò hề của anh đâu.” Một lời khen đồng nghĩa với sự chế nhạo, một hành động tử tế như để hạ nhục cô. Mọi bí mật đều là âm mưu đen tối. Chứng bệnh tưởng ấy không có thuốc chữa, vì hiện thực dù tốt đẹp cách mấy có mỉm cười với con người bất hạnh này thì cũng là uổng công. Để có được hạnh phúc thực ra ta cần nhiều ý chí hơn là ta vẫn tưởng.
Nhưng nhà tâm lý học phát hiện một sự thật ghê gớm, một thử thách đáng sợ ngay cả đối với một tâm hồn can đảm. Trong số nhiều phương pháp quan sát khác nhau, ông ấy chọn việc đếm huyết cầu trong máu. Và quy luật hiện ra rất rõ ràng. Vào cuối giai đoạn vui, lượng huyết cầu giảm đi, vào cuối giai đoạn buồn, chúng lại bắt đầu tăng lên. Thiếu và thừa huyết cầu, đó là nguyên nhân của toàn bộ sự huyễn tưởng đến điên khùng này. Bây giờ thì vị bác sĩ đã có đủ cơ sở để đáp lại những lời chan chứa xúc cảm của Marie: “Cô hãy an tâm đi, đến mai là cô sẽ lại thấy vui thôi.” Nhưng cô ta không muốn tin vào điều đó.
Một người bạn, cho rằng bản chất mình là buồn bã, có bình luận thế này: “Quá rõ rồi còn gì. Ta làm gì được nào? Tôi không thể tạo ra huyết cầu cho mình bằng cách tư duy. Cho nên mọi thứ triết học thực ra là vô bổ. Vũ trụ bao la mang lại cho ta vui hay buồn là tùy vào những quy luật của nó, như mùa đông hay mùa hè, như trời mưa hay trời nắng. Mong muốn được hạnh phúc của tôi chẳng đáng được đếm xỉa hơn mong muốn được đi dạo là bao; tôi đâu có gọi mưa ở thung lũng này, tôi đâu có tạo ra nỗi buồn ở bên trong tôi. Tôi đang chịu đựng nó đấy chứ, và tôi biết là tôi phải chịu đựng nó. Cũng là một cách tự an ủi!”
Câu chuyện không đơn giản như vậy đâu bạn thân mến. Khi phải nhai đi nhai lại những dự cảm nặng nề, những điềm gở và những kỷ niệm đen tối, ta tự mang trong lòng mình một nỗi buồn, và, theo một nghĩa nào đó thì ta đang nhấm nháp nó. Nhưng nếu biết rằng vấn đề ở đây chỉ liên quan tới số lượng huyết cầu, ta sẽ cười những suy luận của mình, ta sẽ đẩy lui nỗi buồn vào trong cơ thể, nơi nó chỉ còn là sự mệt mỏi hay bệnh tật, nơi nó không còn được trang điểm để biến thành một thứ gì khác nữa.
Chịu đựng một cơn đau dạ dày dễ dàng hơn nhiều so với việc chịu đựng sự phản bội. Và chẳng phải là tốt hơn nếu ta chỉ thiếu huyết cầu thay vì thiếu những người bạn đích thực? Một người bị xúc cảm chế ngự luôn từ chối cả lý lẽ lẫn thuốc an thần. Phương pháp mà tôi nói đến mở cửa cho cùng một lúc hai phương thuốc, không đáng để bạn lưu ý hay sao?
18 tháng tám 1913
 

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.