Alain Nói Về Hạnh Phúc

CHƯƠNG 8: VỀ TRÍ TƯỞNG TƯỢNG



Trong số các dụng cụ của bác sĩ để khâu vết thương trên mặt bạn sau một tai nạn nhỏ, có một cốc rượu rum với mục đích khích lệ lòng can đảm vốn đang nguội dần trong lòng bạn. Thế nhưng, thường thì người uống cốc rượu rum không phải bệnh nhân mà là người bạn đi cùng phải chứng kiến cảnh ấy, anh này không được chuẩn bị sẵn tâm lý từ trước nên mặt mày tái nhợt và mất hết tinh thần. Điều này cho thấy rằng, trái ngược hẳn với những gì những người rao giảng đạo đức nói, không phải lúc nào chúng ta cũng đủ sức để chịu đựng sự đau đớn của người khác.
Nên xem xét kỹ ví dụ này vì nó thể hiện một dạng lòng thương không phụ thuộc chút nào vào thiên kiến của chúng ta. Nhìn vào giọt máu, cũng như làn da đang phải chịu mũi kim kia chọc vào, gây nên một cảm giác kinh hoàng lan truyền khắp cơ thể, như thể chính ta đang cố cầm máu của mình, như thể da ta đang phải cố mà săn lại. Hiệu ứng của tưởng tượng này chiến thắng cả lý trí, bởi vì ở đây trí tưởng tượng không hề suy nghĩ. Đầu óc khôn ngoan sẽ đưa ra một lập luận dễ thuyết phục rằng đâu có phải da của người đang chứng kiến bị kim chọc vào đâu, nhưng lập luận hiển nhiên này vẫn chẳng có tác dụng gì. Rượu rum có sức thuyết phục hơn nhiều.
Thông qua câu chuyện này mà tôi hiểu rằng những người khác có ảnh hưởng rất mạnh lên chính chúng ta, chỉ bởi sự hiện diện của họ, chỉ bởi những biểu hiện cảm xúc của họ. Tôi nhìn thấy lòng thương, nỗi kinh hoàng, cơn giận dữ, những giọt nước mắt trước khi kịp để tâm tới chúng. Chứng kiến một vết thương khủng khiếp làm thay đổi nét mặt của vị khán giả, và đến lượt khuôn mặt ấy thể hiện sự khủng khiếp và làm cơ hoành của người nhìn vào mặt anh ta cũng thắt lại, trước khi người này kịp hiểu ra người kia đang nhìn thấy cái gì. Dù cho ta có khiếu đến đâu thì việc miêu tả lại cũng tác động ít hơn nhiều so với khuôn mặt đầy xúc cảm kia. Tác động của sắc mặt là tác động trực tiếp và tức thì. Vậy nên ta sẽ miêu tả rất không chuẩn xác lòng thương cảm nếu nói rằng người đang thương cảm kia nghĩ tới bản thân mình và tự đặt mình vào địa vị của người đang đau đớn. Nhận thức này, nếu có, thì chỉ xuất hiện sau khi lòng thương cảm đã nảy sinh ra mà thôi; thông qua việc bắt chước người khác, cơ thể ta sẽ ngay lập tức chiều theo nỗi đau đớn, điều này tạo ra một nỗi hoảng loạn không tên. Con người ta cứ tự vơ vào mình cơn thót tim đó, với anh ta, nó cũng giống như là một loại bệnh.
Ta cũng có thể giải thích được hiện tượng chóng mặt bằng suy luận sau: người đứng trên bờ vực hẳn đã tự nhủ rằng mình có thể ngã xuống đó, nhưng anh ta biết nếu bám vào thành lan can thì anh ta không thể ngã được, mặc dù vậy cơn chóng mặt vẫn cứ làm cho anh ta bủn rủn cả người. Trí tưởng tượng luôn tác động lên cơ thể trước tiên. Tôi từng nghe kể chuyện về một giấc mơ trong đó người nằm mơ thấy mình tham gia vào một cuộc hành hình sắp được diễn ra, nhưng anh ta không biết là mình sẽ bị hành quyết hay là ai khác, thậm chí anh ta còn không tìm ra cách nào khả dĩ để giải thích chuyện này mà chỉ cảm thấy đau ở vùng xương sọ thôi. Trí tưởng tượng thuần túy là như vậy. Tâm hồn, cái mà ta luôn cho là hào hiệp và nhạy cảm, nếu bị tách riêng ra thì dường như chẳng quan tâm nhiều đến thế. Cơ thể sống động đẹp đẽ hơn nhiều, nó đau đớn bởi ý niệm và nó lành bệnh nhờ vào hành động. Không phải không có chút xáo động nào, tư duy đích thực phải biết vượt qua một cái gì đó hơn là một trở ngại thuần túy lô-gic, chính một chút xáo động còn lại làm cho tư duy trở nên đẹp đẽ. Ẩn dụ chính là đóng góp của cơ thể vào cuộc chơi hùng tráng này.
22 tháng hai 1923

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.