Alain Nói Về Hạnh Phúc

CHƯƠNG 18: NHỮNG LỜI CẦU NGUYỆN



Ta tuyệt đối không thể nghĩ đến âm “i” trong lúc há miệng. Cứ thử đi, rồi bạn sẽ thấy rằng âm “i” câm lặng, chỉ vừa mới được hình dung ra thôi, đã ngay lập tức trở nên giống âm “a” rồi. Ví dụ này cho thấy trí tưởng tượng không đi xa được nếu như các cơ quan trong cơ thể vận động chống lại nó. Động tác của ta kiểm chứng mối quan hệ này bằng thử nghiệm trực tiếp, vì nó phác ra tất cả những chuyển động tưởng tượng, nếu tôi tức giận, tay tôi sẽ phải nắm lại thành nắm đấm. Điều này thì ai cũng biết rồi, nhưng thường thì ta không biết đúc kết nó lại thành phương pháp để điều chỉnh cảm xúc.
Mỗi tôn giáo đều chứa một kho thông thái thực tiễn phi phàm. Chẳng hạn, để chống lại sự nổi loạn của một con người bất hạnh, con người chối bỏ thực tế, con người tự làm hao mòn và nhân đôi sự bất hạnh của mình bằng những công việc vô ích, hãy bảo anh ta quỳ gối xuống vục mặt vào hai bàn tay. Làm như vậy tốt hơn lý luận với anh ta bởi vì bằng động tác tập thể dục ấy, từ này rất chuẩn ở đây, bạn sẽ ngăn được trạng thái tưởng tượng dữ dội, làm ngừng một lúc hiệu ứng của sự tuyệt vọng và cả sự cuồng nộ.
Khi bị cảm xúc chi phối, con người trở nên ngây thơ đến lạ lùng. Họ sẽ khó tin vào những phương thuốc giản dị đến thế. Một người bị xử tệ trước hết sẽ nghĩ ngợi chán chê để xác nhận việc người ta xúc phạm mình, anh ta sẽ đi tìm những tình tiết tăng nặng để rồi sẽ tìm thấy, anh ta sẽ đi tìm những tiền lệ để rồi sẽ tìm thấy. Anh ta sẽ nói đó là nguyên nhân của cơn giận chính đáng của tôi, và tôi không hề muốn hạ vũ khí, tự buông lỏng mình. Lúc đầu là thế. Sau đó tới phiên những lý lẽ, bởi con người là những triết gia đáng kinh ngạc, và cái làm cho họ kinh ngạc nhất là lý lẽ chẳng thể làm gì được để chống lại cảm xúc. “Ngày ngày các lý lẽ đều mách bảo tôi thế…” Câu này thì ai cũng nói cả; và hẳn tính chất bi kịch sẽ không được trọn vẹn nếu như nhân vật chính đang độc thoại kia không khai thác đến cùng những thứ cần biện hộ. Những người theo chủ nghĩa hoài nghi không sáng tạo ra cái gì mới, họ chỉ làm cho rõ nét ý niệm về định mệnh mà con người không thể cưỡng lại. Ý niệm cổ xưa nhất về Chúa, cũng là ý niệm tinh tế nhất, xuất phát từ việc con người luôn cảm thấy mình bị phán xét và kết án. Trong suốt tuổi thơ dài dằng dặc của nhân loại, họ từng tin rằng các cảm xúc của họ, như những giấc mơ, xuất phát từ thần linh. Và lần nào cảm thấy thanh thản, như thể được giải thoát, họ đều cho là mình được hưởng ân sủng màu nhiệm. Một người đang rất cáu giận quỳ gối xuống để cầu xin ơn trên dịu dàng, và thường thì anh ta sẽ có được nó, nếu như quỳ gối cho đúng cách, nếu như anh ta ở đúng tư thế để loại trừ cơn giận. Lúc ấy anh ta sẽ nói rằng anh ta cảm nhận một quyền năng đầy thiện ý giải thoát mình khỏi khổ đau. Hãy xem môn thần học đã phát triển một cách tự nhiên như thế nào. Nếu anh ta chẳng nhận được gì, người ta sẽ khuyên rằng nguyên do là anh ta đã không cầu xin đúng cách, anh ta đã không biết quỳ gối đúng cách, nói tóm gọn là vì anh ta đã quá yêu quý cơn giận của mình; và nhà thần học sẽ nói là điều này cho thấy thần linh thật công chính và đọc được những gì trong tim chúng ta. Trong trường hợp này vị linh mục cũng ngây thơ không kém tín đồ. Con người đã phải gánh chịu những cảm xúc trong một thời gian dài trước khi ngờ ngợ rằng những biến động của cơ thể chính là nguyên nhân gây ra cảm xúc, và bởi thế, một bài thể dục phù hợp chính là phương thuốc. Và vì họ nhận ra những hệ quả mạnh mẽ của tư thế, của lễ nghi, tạm gọi là của phép lịch sự, thành thử những biến đổi tâm tính đột ngột, mà người ta gọi là cải đạo, trong suốt một thời gian dài được coi như những phép màu. Sự mê tín luôn luôn đồng nghĩa với việc giải thích các hiện tượng đích thực bằng những nguyên nhân siêu nhiên. Cả bây giờ vẫn vậy, vào những lúc nước sôi lửa bỏng, những người có học vấn cao nhất cũng không dễ mà tin ngay những gì họ biết rõ nhất.
24 tháng mười hai 1913

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.