Alain Nói Về Hạnh Phúc

CHƯƠNG 34: SỰ XÓT XA



Ai cũng biết màn kịch nổi tiếng ấy, nơi tất cả mọi người, sau khi cứ nói đi nói lại với Basile “mặt mũi anh xanh xao phát sợ”, cuối cùng đã làm anh chàng tin rằng anh ta bị bệnh thật[49]. Cái màn kịch này cứ diễn tới diễn lui trong đầu tôi mỗi khi tôi ngồi giữa một gia đình hòa hợp, nơi mọi người cùng chăm chút sức khỏe cho nhau. Bất hạnh thay cho kẻ hơi chút xanh xao hay nóng sốt, cả gia đình sẽ bắt đầu tra hỏi đầy lo âu, kiểu “ngủ yên giấc không?”, “hôm qua ăn gì?”, “làm việc nhiều quá!”, và ôi thôi là những lời động viên khác. Rồi tiếp đến là những câu chuyện về các căn bệnh “không được phát hiện sớm”.
Tôi thấy thương những người vốn đã nhạy cảm và có chút yếu đuối lại được yêu thương, chăm chút, ấp ủ, săn sóc như vậy. Những phiền toái lặt vặt hằng ngày, đau bụng, ho, hắt hoi, ngáp, hay đau đầu, bỗng dưng trở thành những triệu chứng đáng sợ với anh ta, và rồi anh ta sẽ theo dõi chúng, với sự trợ giúp từ gia đình, và dưới đôi mắt vô cảm của vị bác sĩ, kẻ sẽ không bao giờ, bạn đang nghĩ đúng rồi đấy, không bao giờ khăng khăng đảm bảo với mọi người là chẳng có việc gì đáng lo, vì ông ta đâu có muốn mình biến thành một con lừa trong mắt thiên hạ.
Ngay khi người ta lo lắng, người ta sẽ mất ngủ. Rồi người bị bệnh tưởng của chúng ta sẽ mất cả đêm để lắng nghe từng hơi thở và mất cả ngày để kể lại chuyện ban đêm. Rồi bệnh tình sẽ sớm được xác định và ai cũng sẽ biết là anh ta bệnh, những cuộc nói chuyện đang lụi tàn nhờ đó lại được hồi sinh. Sức khỏe của kẻ bất hạnh được đo bằng một chỉ số, hệt như chỉ số chứng khoán, lúc lên lúc xuống, và người ta nhận ra nó hoặc sẽ dự đoán nó. Thế là lại thêm một bệnh nhân suy nhược thần kinh nữa.
Phương thuốc nào đây? Chạy trốn gia đình. Đi sống giữa những người lãnh đạm, những người sẽ hỏi thăm bạn với vẻ phớt tỉnh: “Bạn khỏe không?” nhưng sẽ lánh xa bạn nếu bạn trả lời một cách nghiêm túc. Sống giữa những người không muốn nghe những than phiền của bạn và không nhìn bạn với ánh mắt trìu mến xót xa làm bạn quặn lòng.
Trong môi trường như thế, nếu bạn không rơi tòm vào sự thất vọng thì chắc chắn là bạn sẽ bình phục. Bài học đạo đức cần rút ra là thế này: đừng bao giờ nói với người khác sao mà họ có vẻ ốm yếu đến thế.
30 tháng năm 1907
Chú thích:
[49] Một cảnh trong vở kịch Le Barbier de Séville (Người thợ cạo thành Xê-vin) của kịch tác gia Pháp Beaumarchais (1732-1799).

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.