Romain Rolland[55], trong quyển sách rất hay của mình, nói rằng một gia đình đầm ấm rất hiếm có, xuất phát từ những nguyên do rất tự nhiên. Từng đi qua bao nẻo đường đời, quan sát những người mình đã gặp trên đường, tôi nhận ra những nét đặc trưng làm cho hai giới tính trở thành đối địch với nhau, mà không phải bao giờ họ cũng biết tại sao. Một giới thì cảm tính, một giới thì tích cực; đấy là cái người ta thường nói đến nhưng rất hiếm khi được giải thích.
Cảm tính không đồng nghĩa với cảm thương. Ta phải hiểu từ này như là một mối liên giao chặt chẽ hơn giữa suy nghĩ và cội nguồn của cuộc sống; mối liên giao này có thể thấy ở người ốm bất kể giới tính của họ là gì, nhưng nó thường chặt chẽ hơn ở phụ nữ do ưu thế tự nhiên trong chức năng mang thai và cho con bú, và tất cả các chức năng có liên quan. Từ đó dẫn tới những thay đổi trong tính khí do những nguyên nhân tự nhiên, nhưng thường dẫn tới những hiệu ứng có vẻ ngẫu hứng, thiếu nhất quán, hay cố chấp. Đây không phải là thói đạo đức giả, bởi cần phải có một sự hiểu biết sâu sắc và hiếm thấy trong thực tế mới giải thích được những nguyên nhân thật sự của sự thay đổi tính khí, vì nguyên nhân cũng thay đổi cả động cơ của ta. Nếu một cơn mệt mỏi vừa thoáng qua làm tôi mất hứng thú đi bách bộ, nó cũng cho tôi thêm lý do để mà ở nhà. Người ta thường dùng từ e thẹn để chỉ sự che đậy những nguyên nhân thật sự; đó đúng hơn là sự thiếu hiểu biết, tôi tin vậy, về những nguyên nhân thật sự, giống như một dạng chuyển ngữ tự nhiên, gần như không thể tránh khỏi, của những gì thuộc về cơ thể sang ngôn ngữ của tâm hồn. Người đàn ông đang yêu trở nên đần độn trước những văn bản viết bằng thứ ngôn ngữ này.
Còn giới tính kia thì không thể hiểu được nếu không nhìn vào hành động. Chức năng chính của anh ta là săn bắn, xây dựng, sáng chế và thử nghiệm. Nếu phải đứng ngoài những nẻo đường đó, anh ta sẽ buồn chán, nhưng không bao giờ nhận ra điều đó. Do đó anh ta hoạt động thường xuyên ngay khi có cơ hội nhỏ nhất; ý chí của anh ta, khi muốn che giấu động thái đó, lại làm cho nó trở nên trầm trọng hơn. Cái anh ta cần là một món ăn chính trị hay công nghiệp. Phụ nữ cũng thường nhầm lẫn, coi những hiệu ứng tự nhiên này là đạo đức giả. Người ta có thể thấy những cơn khủng hoảng giới tính này được phân tích sâu sắc trong cuốn Mémoires de deuxieunes mariées (tạm dịch là Hồi ký của hai người vợ trẻ) của Bakac[56], và đặc biệt là trong Anna Karénine của Tolstoi[57].
Tôi cho rằng liều thuốc cho những đau khổ này nằm trong đời sống xã hội, liều thuốc này tác động theo hai cách. Trước hết, thông qua những mối quan hệ họ hàng và bạn bè, hình thành trong cuộc sống gia đình những hình thức xã giao, những hình thức này là hoàn toàn cần thiết để che giấu sự thất thường của tình cảm, cái luôn có quá nhiều cơ hội để thể hiện. Che giấu, hãy nghe cho kỹ; nếu người ta không thể bộc lộ ra ngoài thì những thứ chỉ đơn thuần là thay đổi tính khí thậm chí còn không cảm nhận được; cho dù người ta có yêu thương nhau thì phép lịch sự vẫn quan trọng hơn là tính khí. Thứ hai, cuộc sống cộng đồng cuốn lấy người đàn ông và làm cho anh ta quên đi cái sự nhàn rỗi có được do chiều chuộng, sự nhàn rỗi mà anh ta không bao giờ cảm thấy tự nhiên, dù cho anh ta có đưa vào đó ý muốn tốt đẹp thế nào đi nữa. Đó là lý do tại sao ta luôn luôn phải biết e ngại cho một tổ ấm quá cô lập và chỉ được nuôi dưỡng bằng tình yêu. Đó là những con thuyền quá nhẹ, quá bấp bênh giữa dòng nước, không có vật gì nặng để dằn lại. Và sự thông thái nhờ tư duy cũng không thể làm được gì nhiều ở đây. Chính đời sống cộng đồng sẽ cứu vãn tình cảm.
14 tháng mười hai 1912
Chú thích:
[55] Romain Rolland (1866-1944): Nhà văn Pháp đoạt giải Nobel Văn học năm 1915.
[56] Honoré de Balzac (1799-1850): Tiểu thuyết gia Pháp, nổi tiếng với tác phẩm Tấn trò đời.
[57] Léon Tolstoi (1828-1910): Nhà văn Nga, tác giả của Chiến tranh và hoà bình và Anna Karénine.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.