Alain Nói Về Hạnh Phúc

CHƯƠNG 38: BUỒN CHÁN



Khi một người đàn ông không còn gì để xây dựng hay để phá hủy, anh ta thật là bất hạnh. Phụ nữ, tôi muốn nói đến những người bận khâu vá và chăm sóc trẻ con, chắc chắn không bao giờ hiểu tại sao đàn ông đi cà phê và đánh bài. Sống một mình và suy tư về mình, điều đó chẳng có nghĩa lý gì.
Trong tác phẩm Wilhelm Meister đáng ngưỡng mộ của Goethe, có một “Nghiệp đoàn Khước từ” mà những thành viên của nó không bao giờ được nghĩ tới tương lai hay quá khứ. Quy tắc này, nếu còn trong mức độ mà người ta có thể tuân theo, thì rất tốt. Nhưng, để người ta có thể tuân theo, cần có những bàn tay và những đôi mắt bận rộn. Nhìn và hành động, đó chính là những liều thuốc thật sự. Ngược lại, nếu người ta rỗi hơi, người ta sẽ rơi ngay vào sợ hãi và nuối tiếc. Suy nghĩ là một kiểu trò chơi không phải bao giờ cũng lành mạnh. Thường thì người ta cứ quay vòng vòng mà không tiến tới. Đó là lý do vì sao lean-lacques[58] vĩ đại đã viết: “Con người nào suy tư là một con vật đồi bại.”
Nhu cầu kéo chúng ta ra khỏi sự rảnh rỗi, gần như lúc nào cũng thế. Hầu như tất cả chúng ta đều có một công việc để làm, và điều đó là rất tốt. Thứ chúng ta thiếu, đó là những công việc nho nhỏ cho chúng ta thảnh thơi chút đỉnh sau khi làm xong những việc chính. Tôi thường ghen tị với phụ nữ, vì họ được đan áo và thêu thùa. Mắt họ có một cái gì đó có thực để mà dõi theo; điều đó khiến những hình ảnh trong quá khứ và tương lai chỉ thoáng vụt qua. Còn đàn ông, vào những lúc tụ tập để đốt thời gian, lại không có gì để làm, và vo ve như lũ ruồi trong lọ.
Tôi cho rằng, nếu không phải bị bệnh, thì những giờ mất ngủ sở dĩ đáng ngại đến như vậy là vì lúc đó trí tưởng tượng quá tự do và không có một đối tượng có thực nào cho nó suy xét. Một người đàn ông đi ngủ lúc mười giờ, và từ lúc đó cho tới nửa đêm anh ta cứ trằn trọc như một con cá chép cầu cứu thần Ngủ. Cũng con người đó, vào cùng giờ đó, nếu anh ta đang ngồi trong rạp hát, chắc anh ta sẽ quên mất sự tồn tại của mình.
Những suy nghĩ này giúp ta hiểu được việc những người giàu có lấp đầy cuộc đời họ bằng những chuyện đốt thời giờ khác nhau. Họ tự gánh lấy hàng nghìn nhiệm vụ và hàng nghìn công việc và chạy tất bật như cháy nhà. Họ lui tới thăm hỏi cả chục người mỗi ngày và đi hết buổi hòa nhạc này tới nhà hát khác. Những ai có máu phiêu lưu sẽ ném mình vào những cuộc đi săn, chiến tranh hay những chuyến du hành mạo hiểm. Những người khác ngồi trong xe hơi và nóng lòng chờ đợi cơ hội được mỏi nhừ trên những chuyến bay. Họ cần những hành động mới và những tầm nhìn mới. Họ muốn sống ở trên đời chứ không phải sống trong chính họ. Như những con voi răng mấu ngấu nghiến những cánh rừng, họ ngấu nghiến thế giới bằng thị giác. Những người bình dị nhất chơi để nhận những cú đấm vào mũi và vào bụng; điều đó dẫn họ đến với những thứ có thật, và họ cảm thấy rất hạnh phúc. Những cuộc chiến trước hết có lẽ cũng là một liều thuốc chữa sự buồn chán; vì thế ta cũng có thể giải thích chuyện những người sẵn sàng chấp nhận chiến tranh nhất, nếu không muốn nói là những người muốn nó xảy ra nhất, thường là những người có nhiều thứ để mất nhất. Sợ chết là một suy nghĩ nhàn rỗi, sớm được xóa đi bởi một hành động cấp thiết, dù cho nó có nguy hiểm đến đâu. Trận chiến chắc chắn là một trong những hoàn cảnh mà ở đó người ta ít nghĩ đến cái chết nhất. Từ đó dẫn đến một nghịch lý như sau: càng lấp đầy đời mình bao nhiêu, người ta càng ít sợ đánh mất nó bấy nhiêu.
29 tháng một 1909
Chú thích:
[58] Ý chỉ Jean-Jacques Rousseau (1712-1778), văn sĩ và triết gia gốc Thụy Sĩ viết bằng tiếng Pháp, một trong những gương mặt quan trọng nhất của thời đại Ánh Sáng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.