Alain Nói Về Hạnh Phúc

CHƯƠNG 43: CON NGƯỜI HÀNH ĐỘNG



Theo tôi, tay cảnh sát trưởng là người hạnh phúc nhất. Tại sao vậy? Vì anh ta luôn hành động, và luôn được đặt trong những tình huống mới, hoàn toàn không tiên liệu được; đôi khi phải chống lại lửa, đôi khi phải chống lại nước, đôi khi chống lại vụ sạt lở, đôi khi chống lại sự hủy hoại, chống bùn, chống bụi, bệnh tật, nghèo nàn, và cuối cùng là thường xuyên phải chống lại những cơn giận, và thỉnh thoảng là sự nhiệt tình. Vậy là, vào bất cứ phút giây nào trong đời, cái con người hạnh phúc này luôn phải đối mặt với một vấn đề rõ ràng, đòi hỏi phải có một hành động rõ ràng. Như vậy, không có những luật lệ chung nào, không giấy tờ lộn xộn, không đả kích hay an ủi dưới dạng báo cáo hành chính, anh ta để tất cả những thứ đó lại cho các nhân viên văn phòng. Anh ta là tri giác và hành động. Thế là, khi hai chiếc van tri giác và hành động này được mỏ, dòng sông cuộc đời cuốn trái tim anh ta đi, nhẹ tựa lông hồng.
Đó là bí mật của trò cờ bạc. Chơi bài bridge là để cho cuộc đời trôi đi từ tri giác tới hành động. Chơi bóng đá còn tuyệt hơn nữa. Ngay khi nhận được một tín hiệu mới, không tiên liệu trước, phải tức tốc phác thảo ra hành động, và ngay lập tức thực hiện nó, những việc đó tha hồ lấp đầy cuộc đời của một con người. Vậy bạn còn mong muốn gì nữa? Bạn còn sợ gì nữa? Thời gian gặm nhấm niềm nuối tiếc. Người ta thường tự hỏi đời sống nội tâm của một tên trộm hay một tên cướp sẽ như thế nào. Tôi nghĩ là chẳng có đời sống nội tâm nào đâu mà hỏi. Hoặc đang rình rập, hoặc đang ngủ, luôn luôn. Toàn bộ năng lực tiên liệu của gã đang thám thính, trước đôi chân và đôi tay. Do đó nó không hề có chút ý niệm nào về sự trừng phạt, cũng như không có bất cứ ý niệm nào khác. Cái bộ máy mù lòa và câm điếc này rất đáng sợ. Nhưng ở bất cứ con người nào, hành động đều dập tắt ý thức; cái bạo lực bất chấp tất cả này cũng có trong nhát rìu của người đốn củi; nó ít được cảm nhận hơn trong đôi chân của những chính khách, nhưng người ta có thể nhận thấy nó trong các hiệu ứng. Người ta hẳn sẽ ít ngạc nhiên hơn khi thấy một người cứng nhắc và vô cảm như chiếc rìu đốn củi nếu người ta để ý thấy con người này cũng không hề rộng lượng với chính mình. Quyền lực không biết thương hại, không thương hại với cả bản thân mình.
Tại sao lại có chiến tranh? Vì đàn ông luôn chìm đắm trong hành động. Suy nghĩ của họ giống như những bóng đèn trong tàu điện giảm cường độ sáng lúc tàu khởi động, ý tôi muốn nói đến sự suy nghĩ cẩn thận. Từ đó có một quyền lực đáng ngại trong hành động, hành động tự biện theo kiểu của nó, vì nó làm tắt đi bóng đèn nội tâm. Nhờ nó mà một tập hợp những cảm xúc rẻ tiền đều bị tắt, tất cả những cảm xúc do suy tư nuôi dưỡng, như tính u sầu, chán đời, hay mánh khóe, đạo đức giả, hiềm thù, tình yêu lãng mạn, hay sự đồi bại tinh vi. Nhưng đồng thời, công lý cũng bị tắt trong dòng hành động. Viên cảnh sát chiến đấu chống lại bạo động với cách mà anh ta dùng để chống lại nước hay lửa. Kẻ gây bạo động cũng làm tắt ngọn đèn của hắn. Đêm tàn bạo. Đó là lý do tại sao có những tay tra tấn đóng đinh trên đầu các ngón tay, và những quan tòa nhận lời thú tội. Đó là lý do tại sao có những tên tù khổ sai phải chèo thuyền, bị trói vào chỗ ngồi của y, hấp hối ở đó, chết ở đó, theo những mái chèo; và những người khác đánh đòn bằng roi vọt. Những ai quất roi chỉ nghĩ đến chiếc roi của họ. Bất kỳ trạng thái dã man nào cũng sẽ tồn tại dài lâu nếu nó được hình thành. Viên cảnh sát trưởng là người hạnh phúc nhất; tôi không nói anh ta là người hữu dụng nhất. Sự nhàn rỗi là mẹ của tất cả những gì xấu xa, nhưng cũng là mẹ của đức hạnh nữa.
21 tháng hai 1910

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.