Alain Nói Về Hạnh Phúc

CHƯƠNG 44: DIOGÈNE



Con người chỉ hạnh phúc trong ước muốn và sáng tạo. Chỉ cần nhìn những ván bài là thấy ngay. Theo những gì biểu hiện trên khuôn mặt thì rõ ràng là khi đó mỗi người đang thỏa thích chiêm ngưỡng cái quyền được suy tính và được quyết định của chính mình, luôn có những con bài César, và luôn có những nước cờ mạo hiểm như vượt qua dòng Rubicon[63]. Thậm chí trong những trò may rủi, người chơi luôn có quyền quyết định rước lấy rủi ro hay không; lúc thì anh ta mạo hiểm, bất chấp rủi ro, lúc thì anh ta ráng nhịn, dù cho có nhiều hy vọng đến mức nào đi nữa, anh ta tự tiết chế mình, tự cai trị mình. Ham muốn và sợ hãi, những thầy mo ưa quấy rầy trong những phi vụ thuòng ngày, bị loại khỏi vòng chiến đấu, vì tính bất khả dự đoán ở đây. Vậy thì trò chơi là niềm đam mê của những tâm hồn kiêu hãnh. Những ai cam phận giành chiến thắng nhờ ngoan ngoãn tuân lệnh sẽ không thể cảm nhận được niềm hoan lạc như khi chơi bài cào bacara, nhưng chỉ cần thử là họ sẽ được nếm cơn say quyền lực, ít nhất là trong một khoảnh khắc ngắn ngủi.
Người ta thích một công việc khi người ta được phép tự quản, và sẽ không thích khi phải tuân lệnh. Người lái tàu điện không hạnh phúc bằng tài xế xe buýt. Cuộc đi săn tự do và cô độc mang lại những niềm hoan lạc mãnh liệt, vì thợ săn tự lên kế hoạch, tiến hành theo kế hoạch đó hay thay đổi nó, không cần phải báo cáo hay giải thích lý do. So với nó, cái khoái cảm giết chóc con mồi bị đàn chó săn xua đến là nhỏ, nhưng một tay súng thiện nghệ còn được tận hưởng cái quyền chế ngự cảm xúc và sự ngạc nhiên nữa. Như vậy những ai nói rằng con người đi tìm hoan lạc và chạy trốn khó khăn đã lầm. Con người buồn chán với hoan lạc thụ nhận, và thích thú với những hoan lạc phải được chinh phục hơn rất nhiều, nhưng cái anh ta thích trên hết là hành động và chinh phục, anh ta không thích đau đớn hay chịu đựng, do đó anh ta lựa chọn khó khăn trong hành động hơn là hoan lạc mà không có hành động. Diogène, người thích nghịch lý, nói rằng chính khổ đau mới tốt; ý ông muốn nói tới cái khổ đau được lựa chọn và mong muốn; còn cái khổ đau phải chịu đựng thì chẳng ai muốn cả.
Người leo núi xây dựng quyền lực của mình và chứng minh điều đó với chính mình, anh ta cảm nhận nó và nghĩ về nó cùng một lúc, cái niềm vui cao quý này làm sáng cả một khung cảnh ngập tuyết. Nhưng ai được một chiếc tàu điện chở tới đỉnh vinh quang không thể tìm thấy một mặt trời nào như vậy. Đó là lý do tại sao đúng là những viễn cảnh hoan lạc lừa phỉnh chúng ta, nhưng chúng lừa phỉnh chúng ta theo hai cách; cái hoan lạc thụ nhận không bao giờ mang lại cho ta những gì nó đã hứa hẹn, trong khi cái hoan lạc hành động thì ngược lại, luôn trả nhiều hơn những gì nó hứa. Vận động viên điền kinh tập luyện với mục đích là chinh phục phần thưởng; nhưng ngay sau đó, bằng sự tiến bộ và những khó khăn đã vượt qua, anh ta chinh phục được một phần thưởng khác, một phần thưởng nằm trong chính anh ta và do chính anh ta quyết định. Và đó là những gì mà một kẻ lười nhác không thể nào tưởng tượng nổi, bởi y chỉ thấy cái khổ nhọc và phần thưởng đầu tiên, y cân đo đong đếm mà không quyết định, trong khi anh chàng vận động viên thì đã đứng dậy và bắt tay vào việc rồi, bị bài tập luyện của ngày hôm truóc thúc giục, và nhanh chóng tận hưởng ý chí và quyền năng của chính mình. Kiểu như chỉ có lao động mới thật dễ chịu; nhưng kẻ lười không biết điều đó và không thể biết; mà nếu biết, bằng cách nghe đồn hay nhờ trí nhớ, y cũng không thể tin vào điều đó được; đó là lý do vì sao những suy tính hoan lạc luôn lừa phỉnh ta, và con buồn chán sẽ kéo đến. Khi một con vật đang suy tư đã đâm ra buồn chán, thì con tức giận cũng không còn bao xa. Con buồn chán của kẻ nông nô, với tôi, luôn luôn ít cay nghiệt hơn con buồn chán của kẻ chủ nô; bởi, dù cho hành động có đơn điệu đến đâu đi nữa, nó vẫn cần phải được quản lý và sáng tạo một chút; trong khi những kẻ nhận hoan lạc được dọn sẵn thì cố hữu là độc ác hơn. Do đó người giàu cai quản bằng tính khí và nỗi buồn, còn sự yếu đuối của người lao động xuất phát từ việc anh ta cảm thấy hài lòng nhiều hơn là cái anh ta muốn. Và anh ta làm ra vẻ độc ác.
24 tháng mười một 1922
Chú thích:
[63] Sông Rubicon ngăn cách nước Ý (bên này dãy Alpes) và xứ Gaule (phía tây dãy Alpes). Năm 49 tr. CN, César bất tuân hội đồng La Mã, vượt sông Rubicon, gây nên nội chiến giữa quân César với quân của Pompée.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.