Alain Nói Về Hạnh Phúc

CHƯƠNG 48: NHỮNG NGƯỜI NÔNG DÂN HẠNH PHÚC



Dao động là điều tốt nhất và cũng là điều tệ nhất; tốt nhất nếu nó được tự do, tệ nhất nếu phải làm nô lệ. Tôi gọi một lao động là tự do theo nghĩa đen nếu nó được điều chỉnh bởi chính người lao động, theo chính sự hiểu biết và kinh nghiệm của anh ta, như một người thợ mộc đóng một cánh cửa. Nhưng sẽ có sự khác biệt nếu đó là cánh cửa mà anh ta làm cho chính anh ta sử dụng, bởi về sau, đó sẽ là một kinh nghiệm; anh ta sẽ có thể thấy được nước gỗ ra sao qua thử thách, anh ta sẽ thích thú khi thấy một đường nứt mà anh ta đã dự đoán từ trước. Không bao giờ được quên cái chức năng trí tuệ này, cái sẽ tạo ra những đam mê nếu nó không làm ra cánh cửa. Một người sẽ hạnh phúc khi anh ta được tận mắt kiểm lại những dấu vết của công việc mình đã làm và tiếp tục với chúng, không có người thầy nào khác ngoài chính món đồ, và những bài học luôn luôn được tiếp thu. Còn tốt hơn nữa nếu người ta đóng một con tàu mà người ta sẽ đi trên đó; có một sự ghi nhận ở mỗi thanh sắt được đóng, và những chăm chút tỉ mỉ nhất sẽ lộ ra. Thỉnh thoảng người ta thấy những người công nhân từng bước một tự xây nhà cho mình ở ngoại ô, từ những vật liệu mà họ kiếm được theo ý thích của mình; một cung điện cũng không thể mang lại hạnh phúc như vậy; tuy nhiên cái hạnh phúc thật sự của hoàng tử là được ra lệnh cho người ta xây theo ý mình; nhưng hạnh phúc hơn hết là những ai được cảm nhận dấu vết từng nhát búa của mình trên chính then cửa nhà mình. Vậy là, chính cơn cực nhọc lúc đó lại làm nên khoái cảm; và ai cũng yêu thích một công việc khó khăn, trong đó anh ta được thoài mái sáng tạo và nhầm lẫn, hơn là một công việc nhẹ nhàng tuân theo các mệnh lệnh. Công việc tệ hại nhất là công việc bị ông chủ đến gây rắc rối hay làm gián đoạn. Sinh linh bất hạnh nhất trên đời là sinh linh bị sai vặt, khi nó đang mài dao mà bắt nó đi lau nhà; nhưng những sinh linh mạnh mẽ nhất trong số đó sẽ giành được sự tự chủ trong công việc của mình, và từ đó tự tạo ra hạnh phúc cho mình.
Làm nông, do đó, là công việc dễ chịu nhất, một khi người ta được cày cấy trên chính cánh đồng của mình. Mộng tưởng đi từ công việc đến kết quả, từ công việc mới bắt đầu cho đến công việc đang tiếp diễn; lợi tức không hề hiển hiện, cũng như không được cảm nhận như chính mảnh đất đang ngày một được tô điểm bởi dấu ấn con người. Kéo xe thong thả qua con đường mà mình đã rải sỏi là một niềm khoái cảm lớn lao. Và người ta còn có thể bỏ qua bao nhiêu là lợi tức nếu được bảo đảm rằng họ sẽ được lao động trên cùng một sườn đồi. Đó là lý do tại sao nông nô gắn bó với một mảnh đất thì ít bị nô lệ hơn những kẻ khác. Phận tôi tớ có thể chịu đựng được khi kẻ tôi tớ có quyền trong chính công việc của họ và có công việc ổn định. Nếu tuân theo những luật này thì người chủ sẽ dễ dàng được phục vụ tốt và thậm chí còn sống nhờ vào sức lao động của kẻ khác. Chỉ có điều ông chủ sẽ đâm buồn chán, từ đó sinh ra cờ bạc và những cô hát ả đào. Cơn buồn chán và những cơn điên của nó luôn là lý do khiến cho trật tự xã hội bị xáo trộn.
Con người ngày nay không khác mấy so với những người Goth, người Franc, người Alaman[70], và những đám cướp đáng sợ khác. Điểm giống nhau là họ không hề buồn chán. Họ không buồn chán nếu họ cứ làm việc từ sáng đến tối theo đúng ý chí của họ. Do đó, việc nông nặng nhọc sẽ biến những bức xúc của kẻ buồn rầu thành những cử động máy móc. Nhưng phải thừa nhận rằng công nghiệp chế tạo hàng loạt không có cái khả năng ấy. Phải nối kết nông nghiệp và công nghiệp như người ta cho cây nho leo lên cây du. Tất cả các xí nghiệp đều sẽ nằm ở miền quê; mỗi công nhân của nhà máy sẽ sở hữu một tài sản dưới ánh mặt trời và tự mình cày cấy. Cái xứ sở Salente[71] mới này sẽ cân bằng tinh thần chộn rộn bằng tinh thần điềm tĩnh. Chẳng lẽ chúng ta không thấy một thử nghiệm của dạng mô hình này trong khu vườn nhỏ bé của người thợ bẻ ghi hỏa xa, nơi hoa trổ dọc bên đường sắt, cứng cỏi như những túm cỏ mọc chen giữa những viên đá lát đường hay sao?
28 tháng tám 1922
Chú thích:
[70] Những tộc người bên Đức, thường xuyên tấn công xứ Gaule (nước Pháp hiện đại chiếm phần lớn diện tích xứ Gaule ngày xưa) vào thế kỷ thứ III.
[71] Tên xứ sở lý tưởng trong tác phẩm Télémaque của Fénélon (1651-1715), triết gia, nhà văn, nhà giáo dục, lý thuyết gia chính trị người Pháp.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.