Điều tôi muốn chúc bạn khi một năm mới lại bắt đầu, trong khoảng thời gian vừa đủ để mặt trời leo lên chỗ cao nhất, rồi bò xuống chỗ thấp nhất, điều tôi muốn chúc bạn đó là, không nói cũng như không nghĩ rằng mọi việc mỗi ngày một tồi tệ đi. “Cơn sốt vàng[74] này, rồi thói ham hưởng lạc này, nghĩa vụ thì bị lãng quên, tuổi trẻ thì hỗn láo, những vụ trộm kinh hoàng và những tội ác tày trời, dục vọng trở nên ngày một trơ trẽn, rồi cả bốn mùa cũng dở chứng khiến cho giữa đêm đông mà trời vẫn ấm”. Đó là một điệp khúc xưa như trái đất, nó chỉ nói lên rằng: “Tôi không còn tâm can lẫn niềm vui của tuổi đôi mươi nữa.”
Nếu như đây chỉ là một cách diễn đạt những gì mình cảm thấy, lối phát ngôn này còn có thể chịu đựng được, như ta vẫn phải chịu đựng sự buồn chán của những người ốm. Nhưng lời lẽ tự thân nó tải một quyền năng vô chừng, nó thổi phồng nỗi buồn, phóng to nó lên, phủ lên mọi vật như một chiếc áo choàng, làm cho kết quả trở thành nguyên nhân, như khi ta thấy một đứa trẻ có thể hoảng sợ vì thằng bạn của nó đã được chính nó hóa trang thành con sư tử hoặc con gấu.
Nếu một người vì nỗi buồn tự nhiên của mình mà trang trí nhà cửa như một cái nhà quàn, anh ta sẽ càng vì thế mà ủ ê hơn, bởi vì tất cả mọi thứ xung quanh đều nhắc nhở đến nỗi sầu muộn của anh ta. Suy tư của chúng ta cũng vận hành như thế; nếu tâm trạng làm ta tô đen con người, tô đen xã hội như những di tích đổ nát, thì chính những bức tranh nguệch ngoạc đó sẽ xô ta vào tuyệt vọng. Người thông minh nhất thường là người tự lừa mình giỏi nhất, vì những lời than vãn của anh ta có dáng dấp của lý lẽ.
Tệ hại nhất là sự truyền nhiễm của căn bệnh này, nó giống như chứng thổ tả của đầu óc. Tôi biết một số người mà trước mặt họ đừng hòng nói rằng nhìn chung công chức ngày nay trung thực và được việc hơn. Những người bị cảm xúc chi phối có sự hùng hồn thật tự nhiên, có sự thành thực thật cảm động, làm cho cả đám đông đứng về phe họ. Trước mặt họ, những đầu óc tỉnh táo đành đóng vai khờ khạo, vụng về. Khi đó, nói lời ai oán trở thành một dạng giáo lý và một phần của phép lịch sự.
Hôm qua, một người thợ dệt thảm mào đầu câu chuyện bằng một câu ngây ngô thế này: “Bốn mùa bây giờ loạn cả rồi. Ai mà tin được bây giờ đang là mùa đông chứ? Cứ như là mùa hè, chẳng còn biết đằng nào mà lần nữa.” Anh ta nói thế sau đợt nóng gay gắt năm nay, thế nhưng thật ra anh ta cũng chỉ cảm thấy nó như mọi năm thôi. Những lời sáo mòn còn mạnh hơn cả sự thật. Hãy cảnh giác với chính bạn, bây giờ bạn đang cười anh thợ dệt thảm, bởi vì không phải sự kiện nào cũng hiển hiện rõ nét trong ký ức bạn như mùa hè tuyệt đẹp của năm một chín mười một.
Kết luận của tôi là niềm vui chẳng có uy quyền gì, vì nó còn trẻ quá, trong khi đó nỗi buồn chễm chệ ngự trên ngai và luôn được tôn kính quá mức. Từ đó tôi rút ra kết luận rằng cần phải chống lại nỗi buồn, không phải chỉ vì bản thân niềm vui là tốt, dù rằng đó cũng đã là một lý do, mà bởi vì ta cần phải công bằng, trong khi nỗi buồn lúc nào cũng hùng hồn, lúc nào cũng hống hách, không bao giờ muốn cho ta công bằng.
4 tháng một 1912
Chú thích:
[74] Ám chỉ California Gold Rush ở Hoa Kỳ vào năm 1848-1855. Cơn sốt vàng đã để lại nhiều ảnh hưởng tốt cho thành tựu khoa học, phát triển kinh tế, song cũng để lại nhiều di hại cho người bản địa, mối quan hệ đạo đức con người và môi trường, về sau Vua Hài Charlot đã cho trình chiếu bộ phim The Gold Rush (Cuộc đổ xô đi tìm vàng).
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.