Alain Nói Về Hạnh Phúc

CHƯƠNG 63: DƯỚI CƠN MƯA



Ở đời đã có sẵn quá nhiều khổ sở rồi, thế mà điều này vẫn chẳng ngăn người ta lấy trí tưởng tượng của mình để bồi thêm khổ sở. Ngày nào mà bạn chẳng gặp ít nhất một người than vãn về nghề nghiệp của mình, và bạn cũng thấy lời lẽ của anh ta khá là hùng hồn, bởi vì muốn phàn nàn về cái gì mà chẳng được, trên đời có cái gì là hoàn hảo đâu.
Là nhà giáo, bạn chắc mẩm mình đang phải dạy dỗ một lũ trẻ ngu ngơ vừa chẳng biết mô tê gì vừa chẳng quan tâm đến điều gì sất; là kỹ sư, bạn chết ngập trong biển giấy tờ sổ sách; là luật sư, bạn bào chữa trước những thẩm phán ngủ gật vì quá trình tiêu hóa thay vì lắng nghe bạn. Điều bạn nói chắc là đúng thôi, tôi cho là như thế; những chuyện ấy luôn khá là thực để cho người ta có thể thốt ra thành lời. Đã thế, nếu bạn lại còn mang theo một cái dạ dày óc ách hay một đôi giày ngấm nước nữa, thì quả thật là tôi thông cảm với bạn vô cùng, quả là có chuyện để mà nguyền rủa cả cuộc đời lẫn con người, và cả Chúa Trời nữa cũng nên, nếu bạn chẳng may tin là ông ấy tồn tại.
Thế nhưng, hãy lưu ý một điều, rằng than vãn là bất tận trong khi sầu não thì vô đơn chí. Bởi, cứ than thân trách phận mãi như thế, bạn sẽ gia tăng những nỗi khổ sở của mình, bạn tự tước đoạt của mình mọi hy vọng cười vui, còn dạ dày bạn thì càng đau cuộn lên. Giả như bạn có một anh bạn cứ đắng cay ta thán về mọi thứ trên đời, chắc hẳn bạn sẽ gắng an ủi vỗ về đặng anh ta nhìn thế giới dưới một dáng vẻ khác. Vậy tại sao bạn không là bạn hiền với chính mình? Đúng thế, tôi xin nói, rất nghiêm túc, rằng chúng ta cần phải yêu bản thân một chút và tốt bụng với mình một chút. Bởi mọi thứ thường phụ thuộc vào thái độ đầu tiên của mỗi người. Một tác giả xưa đã nói rằng sự kiện nào cũng như một cái vò có hai quai, chọn quai sắc để xách nó lên, làm nó khía đứt ngón tay, thì thật là thiếu khôn ngoan. Ngôn ngữ thông dụng vẫn gọi các triết gia là những người luôn chọn được văn từ hay nhất và đúng nhất trong mọi hoàn cảnh; họ nhắm vào tâm mà! Vậy vấn đề nằm ở chỗ biện hộ cho mình, chứ không phải buộc tội mình. Mà chúng ta, ai chẳng là luật sư biện hộ cừ khôi và được rèn luyện thuần thục đến mức ắt sẽ tìm ra cả khối lý do để mà vừa lòng, nếu chúng ta chọn đi con đường ấy. Tôi thường quan sát thấy là do vô tâm, và phần nào do cả lịch sự nữa, mà con người hay than phiền về nghề nghiệp của mình. Nếu hướng họ nói về những việc họ làm và những gì họ sáng tạo được, chứ không phải những thứ họ đang gò lưng chịu đựng, thì ta sẽ có ngay những thi sĩ, những thi sĩ hân hoan.
Trời mưa lâm thâm; bạn đang ở ngoài phố, bạn xòe ô; thế là đủ. Bạn còn than “lại cái cơn mưa chết giẫm này” mà làm gì; nói thế cũng đâu có động được đến mưa rơi, mây bay hay gió thổi. Sao bạn không reo lên: “Ôi! Cơn mưa nhỏ mát lành!” Tôi nghe thấy bạn nói gì rồi, reo lên thế cũng đâu có làm gì được với những giọt mưa; đúng quá; nhưng nó lại giúp cho bạn, chính bạn, sảng khoái; cả cơ thể bạn phấn chấn và ấm sực lên, bởi tác động của niềm vui nhỏ nhoi nhất chính là đấy, và thế là bạn đủ sức đón nhận cơn mưa mà không mắc cảm.
Hãy coi con người cũng như cơn mưa vậy. Nào có dễ đâu, bạn sẽ lẩm bẩm. Thế mà có đấy, dễ hơn so với mưa nữa là đằng khác. Bởi nụ cười của bạn chẳng mảy may ảnh hưởng đến cơn mưa, nhưng lại tác động rất lớn đến con người, và chỉ cần cười theo thôi là họ đã bớt phần buồn bã và chán nản rồi. Chưa kể, khi nhìn vào chính mình, bạn còn dễ dàng tìm ra những lý do để bỏ qua cho họ. Sáng nào Marc-Aurèle[83] cũng tự nhủ: “Hôm nay mình sẽ gặp một gã hợm hĩnh, một kẻ dối trá, một ông kẹ bất công, một nhân vật lắm lời buồn tẻ; vì vô tri mà bọn họ thành ra như thế.”
4 tháng mười một 1907
Chú thích:
[83] Hoàng đế La Mã (121-180), đồng thời cũng là một triết gia khắc kỷ kiệt xuất.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.