Alain Nói Về Hạnh Phúc

CHƯƠNG 64: SỤC SÔI



Chiến tranh cũng như cảm xúc. Một cơn nóng giận không bao giờ biện giải được bằng những nguyên nhân mà người ta nêu ra để trần tình, ví như những lợi ích đối nghịch nhau, những ganh đua, hằn thù. Luôn có những hoàn cảnh thuận lợi có thể ngăn bi kịch xảy ra. Cãi cọ, ẩu đả, giết chóc thường nảy sinh từ một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Giả sử có hai người cùng giới, và chuyện họ cãi vã nhau dường như là đương nhiên, nhưng họ lại bị chi phối bởi những lợi ích to lớn, và về lâu dài, ở hai thành phố khá biệt lập với nhau; thực tế hết sức đơn giản này thiết lập hòa bình, điều mà lý lẽ hẳn sẽ làm không nổi. Mọi cảm xúc đều do hoàn cảnh sinh ra. Nếu hai người kia ngày nào cũng chạm mặt nhau, như người thuê nhà và người gác cổng, thì những hậu quả đầu tiên đến lượt chúng sẽ biến thành nguyên nhân, mà nôn nóng hay giận dữ lại là những tâm trạng khiến người ta cảm nhận hậu quả một cách gay gắt nhất, thế nên mới có sự mất cân xứng nực cười giữa nguyên nhân đầu tiên và hậu quả sau cùng.
Khi một đứa trẻ gào khóc, tức là đang xảy ra một hiện tượng cơ thể đơn thuần mà bản thân đứa trẻ không hay biết, song bố mẹ hay thầy cô cần phải lưu ý. Gào thét làm đứa bé đau đớn đã đành nhưng còn làm cho nó bức bối hơn nhiều. Lời đe nẹt, tiếng la hét càng khiến xung động thêm dữ dội. Chính cáu giận lại nuôi dưỡng cáu giận. Bởi vậy cần tác động trực tiếp lên thân thể, bằng xoa bóp đơn giản, hoặc thay đổi cảm giác. Trong những trường hợp đó, tình mẫu tử cho thấy tính khoa học hầu như không thể sai lầm của nó bằng việc dẫn dắt, nựng nịu hay đu đưa em bé. Người ta trị co rút cơ bắp nhờ xoa bóp; mà một cơn cáu giận của trẻ con hay của bất kỳ ai khác đều là một tình trạng co rút cơ bắp cần được chăm sóc bằng thể dục và âm nhạc, như người xưa[84] vẫn dạy. Còn với cơn giận, những lý lẽ đúng đắn nhất không những hoàn toàn vô dụng mà còn thường xuyên gây tác hại, bởi chúng gợi cho trí tưởng tượng tất cả những gì có thể kích cho cơn giận lại sôi lên.
Những lưu ý này giúp ta hiểu chiến tranh đáng sợ như thế nào và luôn luôn có thể tránh được ra sao. Đáng sợ bởi tâm trạng sôi sục một khi đã lan rộng thì sẽ tác thành chiến tranh, kể cả vì những lý do vô cùng nhỏ mọn. Luôn luôn có thể tránh được, bất kể nguyên do là gì, nếu lòng sôi sục tuyệt đối không can dự vào. Dân chúng phải luu tâm xem xét các quy luật thậm đơn giản này. Bởi họ vẫn chắc mẩm trong cam chịu: “Cái thân tôi khốn khổ thế này thì làm được gì để giữ hòa bình ở châu Âu cơ chứ? Lúc nào những nguyên nhân xung đột mới cũng có thể trỗi dậy. Có bao nhiêu ngày thì có bấy nhiêu vấn đề nan giải; giải pháp ở chỗ này làm khủng hoảng nổ ra ở chỗ khác; gỡ nút này chỉ tổ thắt nút khác, như một cuộn dây rối ấy. Thôi thì cứ mặc chuyện tất yếu đi.” Điều đó thì đúng, nhưng lẽ tất yếu đâu có dẫn về phía chiến tranh, như cả muôn ngàn ví dụ đã cho thấy quá đủ rồi. Mọi chuyện đều có thể dàn xếp và đều có thể lại rối beng. Tôi đã trông thấy bờ biển vùng Bretagne được xây hào đắp lũy chống lại quân Anh; song các nhà tiên tri gở mồm có phán gì thì chiến sự cũng đã không nổ ra ở đó. Sự sôi sục mới là mối nguy thực thụ; và ở đây thì ai cũng là vua của chính mình và có thể điều gió khiển giông trong lòng mình. Một thứ quyền lực vô biên, mà quần chúng phải học cách vận dụng. Nhưng trước tiên cứ hạnh phúc đi đã, như nhà thông thái từng khuyên nhủ, bởi hạnh phúc không phải là kết quả của hòa bình, mà chính là nền tảng của hòa bình.
3 tháng năm 1913
Chú thích:
[84] Chỉ các triết gia, các nhà đạo đức Hy Lạp và La Mã.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.