Alain Nói Về Hạnh Phúc

CHƯƠNG 67: HÃY TỰ TIẾT MÌNH



Hôm qua tôi đọc được một mẩu rao vặt, loại rao vặt mà ta vẫn hay gặp trên báo: “Bí mật lớn lao, cách chắc chắn để thành công, để tác động lên tinh thần người khác và điều khiển nó sao cho có lợi. Đó là một chất lỏng sống mà ai cũng có sẵn nhưng chỉ mình giáo sư lừng danh X. là biết cách sử dụng. Ông sẽ dạy bạn với mức phí mười quan. Từ nay ta có thể nói rằng chỉ những ai không đủ sức trả mười quan tiền thì mọi sự mới xôi hỏng bỏng không, v.v…” Do tờ báo kia sẽ không in những dòng này miễn phí, nên có cơ sở để tin rằng vị giáo sư thành đạt, người rao bán thứ chất lỏng kỳ diệu nọ, cũng có khách hàng.
Ngẫm về chuyện đó, tôi nảy ra ý nghĩ rằng vị giáo sư này có lẽ khôn khéo hơn ông ta tưởng nhiều. Bỏ qua chất lỏng kia, thật ra ông ta làm gì? Nếu quả thật là ông ta có thể tạo được chút lòng tin cho người ta, thì ông ta đã làm được nhiều lắm rồi; đã là đủ để khách hàng của ông ta vượt qua những khó khăn nho nhỏ mà họ cứ tự dựng lên thành núi non. Sự rụt rè là một vật cản lớn, và thường là vật cản duy nhất.
Nhưng tôi còn thấy nhiều điều hơn thế nữa. Tôi thấy ông ta rèn cho họ sự chú ý, tư duy, trật tự, phương pháp, điều mà có khi chính bản thân ông ta cũng không nhận ra. Trong mọi hình ảnh giả định về chất lỏng kia, luôn phải tưởng tượng ra ai đó hoặc cái gì đó một cách mạnh mẽ. Tôi đồ rằng vị giáo su cho họ tập luyện dần, cho đến khi họ biết cách tập trung sự chú ý của mình. Chỉ với điều đó thôi, ông ta đã xứng đáng thu tiền về. Bởi, điều đầu tiên là mọi người, qua cách ấy, thôi nghĩ về bản thân mình, về quá khứ, các thất bại, nỗi mệt nhọc và cả cái bao tử của mình nữa; và thế là họ trút được cái gánh nặng càng lúc càng chồng chất lên; trong khi biết bao người cả đời chỉ kêu ca với chê bai! Thứ nữa, nhờ vậy họ suy nghĩ rất nghiêm túc về những điều họ muốn, những hoàn cảnh, những con người, và theo một cách tách bạch rạch ròi, chứ không còn trộn tất cả vào với nhau rồi xem đi xem lại, như thỉnh thoảng người ta vẫn làm trong mơ. Thành công có đến với họ sau đó thì tôi cũng chẳng lấy gì làm ngạc nhiên. Tôi không tính đến những ngẫu nhiên có lợi cho vị giáo su. Còn những ngẫu nhiên bất lợi, ai sẽ nhắc đến chúng đây? Người ta thường nghĩ rằng mình có nhiều kẻ thù, thật là lầm lẫn. Người ta không để lại nhiều hậu quả đến thế; nhưng thông thường thì họ vun đắp một cách chăm chút quan hệ với kẻ thù hơn là quan hệ với bạn bè. Bạn tưởng là người này muốn chơi xấu bạn; có khi anh ta đã quên béng đi rồi; nhưng còn bạn, bạn quên không đặng; chỉ có điều, bằng sắc mặt, bạn nhắc anh ta nhớ ra những món nợ phải trả. Con người chẳng mấy khi có kẻ thù nào khác ngoài bản thân anh ta. Anh ta luôn luôn là kẻ thù lớn nhất của chính mình, vì những phán đoán sai lạc, những nỗi sợ hão, sự tuyệt vọng, những lời lẽ sầu thảm mà anh ta cứ tự thốt ra với mình. Nói với một người một cách đơn giản rằng “số phận của anh phụ thuộc vào chính bản thân anh” là một lời khuyên xứng đáng với giá mười quan; chưa kể người ta còn được thu thêm cái chất lồng kia nữa.
Vào thời Socrates[86], ai cũng biết là ở Delphes có một bà đồng được thần Apollon[87] mách bảo và thường rao bán thiên ý về đủ mọi chuyện thượng vàng hạ cám. Tuy nhiên, vị thần trung thực hơn nhân vật bán chất lỏng của chúng ta, nên đã ghi bí mật của mình ngay phía trên cổng đền. Khi một người đến xem mệnh, để biết sự đời sẽ phò trợ hay cản bước mình, thì trước khi bước vào đền, anh ta có thể đọc được lời phán truyền sâu sắc này, lời phán truyền có ích cho tất cả mọi người: “Hãy tự biết mình.”
23 tháng mười 1909
Chú thích:
[86] Triết gia Hy Lạp (kh. 470-399 tr. CN).
[87] Thần ánh sáng, chân lý và nghệ thuật; là một trong mười hai vị thần của Hy Lạp cổ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.