Descartes bảo rằng thiếu quyết đoán là nỗi khổ lớn nhất. Ông nói điều đó hơn một lần, nhưng lại không một lần nào giải thích. Tôi không thấy có thứ ánh sáng nào soi rọi bản tính con người rõ ràng hơn thế. Ta tìm thấy ở đó lời giải thích cho mọi cảm xúc, cũng như cho toàn bộ sự biến động vô ích của chúng. Những trò may rủi, với thứ sức mạnh không được thấu tỏ, thứ sức mạnh tác động lên lý trí, được người ta ưa thích đến thế là bởi chúng cho người chơi khả năng quyết định. Điều đó giống như sự thách thức trước bản chất của sự vật, bằng cách đặt mọi thứ gần như đồng đẳng với nhau và nuôi dưỡng đến vô hạn các dự định nhỏ nhất của chúng ta. Trong trò may rủi, mọi thứ đều ngang bằng một cách chặt chẽ và cần phải lựa chọn. Cái rủi ro trừu tượng ấy giống như sự sỉ nhục đối với tư duy; cần phải quyết định. Bài bạc trả lời tức thì; và không thể xuất hiện những nỗi ân hận dằn vặt suy nghĩ của ta; ta không thể ân hận bởi vì chẳng có lý do gì để ân hận cả. Ta không nói: “Phải chi mình biết được”, bỏi luật chơi là ta không thể biết được. Tôi không ngạc nhiên khi trò đỏ đen là phương thuốc duy nhất trị bệnh buồn chán, bởi vì nỗi buồn chán chủ yếu nằm ở chỗ người ta phải tính toán trong khi vẫn biết rằng tính toán chỉ là vô ích mà thôi.
Người ta có thể băn khoăn tự hồi một anh chàng suốt ngày cứ tương tư thao thức hay một kẻ đầy tham vọng bị vỡ mộng thì đau khổ chuyện gì. Dạng khổ sở ấy nằm hết trong suy tưởng, mặc dù ta cũng có thể nói rằng nó hoàn toàn do cơ thể mà ra. Tâm trạng xáo động xua tan cơn buồn ngủ chỉ vì những quyết định vô ích vốn chẳng giải quyết được việc gì nhưng, lần nào cũng như lần nào, xuất hiện trong cơ thể và làm cơ thể giật nảy lên như cá giãy trên bờ cỏ. Có bạo lực trong sự thiếu quyết đoán. “Xong. Mình sẽ cắt đứt hết”, nhưng suy nghĩ ngay lập tức lại trưng ra những phương tiện để nhượng bộ. Kết quả xuất hiện ở chỗ này chỗ nọ mà vẫn chẳng đua đến tiến bộ nào. Lợi ích của hành động có thực là làm ta quên bẵng đi những gì không được quyết định và, nói đúng ra là không còn tồn tại nữa, bởi hành động đã thay đổi tất cả các mối quan hệ. Nhưng hành động trong tâm tưởng lại không là gì cả, và mọi thứ vẫn nguyên xi như cũ. Trong hành động nào cũng có trò đỏ đen; bởi, cần phải chốt các dòng suy tư lại trước khi chúng xét vấn đề của chúng cho đến cạn cùng.
Tôi vẫn thường cho rằng sợ hãi, tức thứ xúc cảm trần trụi và nặng nề nhất, không là gì khác ngoài cảm giác về sự do dự trong cơ bắp, nếu có thể nói như thế. Người ta cảm thấy buộc phải hành động mà không sao hành động được. Sự bàng hoàng trưng ra một vẻ hoảng sợ còn rõ ràng hơn thế nữa, bồi ở đó nỗi khổ sở chỉ bắt nguồn từ một mối nghi ngờ không thể vượt qua. Luôn xảy ra chuyện người ta suy nghĩ lưng đến mức đâm ra vật vã vì sợ hãi. Trong những nỗi khổ sở loại này, cũng như trong nỗi buồn chán, cái đáng sợ nhất là ta tự cho rằng mình không tài nào thoát được. Ta tự cho mình là một cỗ máy và tự khinh bỉ mình. Toàn bộ tinh thần của Descartes tập hợp trong phán xét tối thượng này, nơi có cả các nguyên nhân và thuốc chữa. Đó là một phẩm chất quân nhân, và tôi hiểu được tại sao Descartes lại muốn đi lính. Tướng Turenne[92] di chuyển không ngừng và qua đó tự giúp mình thoát khỏi nỗi khổ sở vì không biết phải quyết định ra sao, và chuyển nỗi khổ sở ấy sang phía kẻ thù.
Descartes làm như thế trong thế giới tư tưởng. Táo bạo trong tư tưởng và nhờ ý chí mà vận động không ngừng; luôn luôn quyết đoán. Sự do dự của một nhà hình học sẽ hết sức khôi hài, bởi nó sẽ là vô tận. Có bao nhiêu dấu chấm trên một đường thẳng? Và người ta có biết mình nghĩ gì khi nghĩ về hai đường thẳng song song không? Nhưng tinh thần của nhà hình học cả quyết rằng ta có biết và chỉ khẳng định một điều là sẽ không điều chỉnh gì cũng như sẽ không lật lại vấn đề. Trong một lý thuyết, nếu nhìn cho kỹ, người ta không thấy gì khác ngoài những sai lầm đã được xác định và khẳng định. Toàn bộ sức mạnh của tinh thần trong trò chơi này nằm ở chỗ không bao giờ tin rằng nó đang nhận định, trong khi nó đã quyết định rồi. Đó là bí quyết của việc luôn luôn chắc chắn mà không bao giờ tin chắc về điều gì cả. Anh ta đã quyết[93], một từ thật đẹp, và có tới hai nghĩa hàm.
10 tháng tám 1924
Chú thích:
[92] Tên thường gọi của Henri de la Tour d’Auvergne, tử tước Turenne (1611- 1675), được phong tước Đại thống chế dưới thời vua Louis XIV.
[93] “Résolu” trong nguyên tác vừa có nghĩa là “quyết tâm” vừa có nghĩa là “quyết định”.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.