Alain Nói Về Hạnh Phúc

CHƯƠNG 82: PHÉP LỊCH SỰ



Lịch sự có thể học được như học khiêu vũ. Người không biết khiêu vũ cứ tưởng cái khó nằm ở chỗ nắm được các quy tắc rồi điều chỉnh chuyển động của mình sao cho phù hợp, song đó chỉ là vẻ ngoài của sự việc, phải làm sao để khiêu vũ một cách lả lướt, không bối rối, và do đó không sợ hãi. Tương tự, nắm được các quy tắc lịch sự chưa là gì nhiều nhặn; và ngay cả khi tuân theo các quy tắc ấy, người ta cũng chỉ mới đến trước ngưỡng lịch sự mà thôi. Các cử động phải chuẩn xác, mềm mại, không cứng ngắc hay run rẩy; bởi cơn run rẩy nhỏ nhất cũng có thể truyền đi. Lịch sự mà gây ra căng thẳng thì còn gì là lịch sự?
Tôi thường chú ý thấy có một loại âm thanh trong giọng nói mà tự nó đã thô lỗ rồi, một giáo viên thanh nhạc có lẽ sẽ bảo đó là do cổ họng đang thắt lại còn vai thì thả chưa đủ mềm. Ngay vận động của đôi vai cũng biến một cử chỉ lịch sự thành thô lỗ. Quá nhiều cảm xúc; ráng tìm kiếm sự đĩnh đạc; ráng tập hợp các sức lực. Các kiếm sư vẫn bảo: “Nhiều lực quá”; và đấu kiếm là một kiểu lịch sự dễ dàng dẫn đến toàn bộ phép lịch sự. Thứ gì toát ra vẻ hung tợn và phấn khích đều thô lỗ; chỉ cần các dấu hiệu là đủ, chỉ cần triệu chứng đe dọa là đủ. Người ta có thể nói rằng thô lỗ luôn là một kiểu đe dọa. vẻ yêu kiều nữ tính khi đó co lại và tìm sự che chở. Một người rúng động vì sức mạnh không kiểm soát nổi của mình, nếu người đó sôi nổi và phấn khích lên thì sẽ nói ra những gì? Bởi thế tuyệt đối không nên lớn giọng. Ai từng thấy Jaurès[97] trong phòng khách đều thấy một người ít băn khoăn về dư luận lẫn tục lệ và thường xuyên thắt cà vạt xộc xệch; nhưng giọng nói lại là cả một sự lịch thiệp, với vẻ êm ái du dương mà trong đó, đôi tai người nghe không phát hiện ra chút dụng công nào; một điều kỳ diệu, vì ai cũng nhớ chất hùng biện đanh thép và tiếng gầm như sư tử của ông. Sức mạnh không đối lập với lịch sự; mà chỉ tô điểm thêm cho nó; đó là sức mạnh chồng thêm sức mạnh.
Một người thô lỗ có ở một mình cũng vẫn thô lỗ; cũng vẫn dụng công quá nhiều trong mọi hành động. Người ta cảm nhận được cảm xúc bị kìm hãm và nỗi sợ bản thân, vốn là tính nhút nhát. Tôi nhớ đã từng nghe một người nhút nhát tranh luận công khai về ngữ pháp; giọng anh ta là giọng nói của lòng hằn thù dữ dội nhất. Và, bởi vì cảm xúc chiếm ngự nhanh hơn bệnh tật, tôi chẳng bao giờ lấy làm kinh ngạc khi thấy vẻ cuồng bạo trong những ý kiến hiền lành nhất; thường thì đó chỉ là một kiểu khiếp nhược được kích bởi chính âm thanh trong giọng nói, và bởi những nỗ lực vô vọng chống lại chính mình. Và có thể lòng cuồng nhiệt trước hết là sự thô lỗ; bởi điều người ta biểu lộ, cho dù không muốn đi nữa, cuối cùng người ta cũng sẽ cảm thấy. Như thế, lòng cuồng nhiệt có lẽ là kết quả của tính nhút nhát; là nỗi sợ không bảo vệ được điều mình tin tưởng; và cuối cùng là cơn cuồng bạo, do chịu khôn thấu nỗi sợ, chống lại chính mình và mọi người, truyền sức mạnh đáng sợ nhất cho những ý kiến thiếu chắc chắn nhất. Hãy quan sát những người nhút nhát, quan sát cách họ khẳng định quan điểm mà xem, bạn sẽ nhận ra rằng nóng nảy là một kiểu tư duy lạ lùng. Nói vòng vo như thế để ta hiểu rằng một tách trà cầm trên tay khai hóa một con người ra sao. Kiếm sư đánh giá một kiếm thủ qua cách người này khuấy thìa trong tách mà không thực hiện lấy một động tác thừa.
6 tháng một 1922
Chú thích:
[97] Jean Jaurès (1859-1914): Nhà lãnh đạo Đảng Xã hội Pháp, cũng là đồng sáng lập nhật báo L’Humanité.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.