Alain Nói Về Hạnh Phúc

CHƯƠNG 83: BIẾT SỐNG



Có một kiểu lịch sự không đẹp, đó chính là lịch sự mơn trớn. Mà đó cũng đâu phải là lịch sự. Với tôi, tất cả những gì thuộc ý muốn đều nằm ngoài phép lịch sự. Chẳng hạn, một người thực sự lịch thiệp có thể đối xử khắc nghiệt và thậm chí đến mức hung bạo với một kẻ bỉ ổi hay xấu xa; mà không rơi vào sự thô lỗ. Thiện chí có cân nhắc không phải là lịch sự; phỉnh nịnh có toan tính cũng vậy. Lịch sự chỉ gắn với những hành động mà người ta thực hiện khi không để tâm, những hành động biểu lộ điều ta không có chủ tâm tỏ bày.
Một người bột phát, nghĩ gì nói ấy, buông thả theo phản ứng cảm xúc đầu tiên, tỏ ra kinh ngạc, ghê tởm, thích chí không kìm nén, trước cả khi anh ta biết được mình cảm thấy điều gì, là một người bất lịch sự; rồi anh ta sẽ phải luôn miệng phân trần vì đã làm người khác bối rối và lo lắng ngoài chủ định, thậm chí còn ngược với chủ định của mình.
Không muốn mà vẫn làm người khác tổn thương vì lời ăn tiếng nói khinh suất của mình thật là một điều đáng buồn; người lịch sự là người cảm nhận được sự khó chịu trước khi sự khiếm nhã trở nên không thể cứu vãn được, và nhờ đó ý nhị điều chỉnh cách cư xử; nhưng người ta còn lịch sự hơn nữa nếu tiên đoán được điều nên và không nên nói ra lời, và, nếu vẫn còn gợn chút nghi ngờ thì để cho chủ nhà dẫn dắt câu chuyện. Toàn bộ điều này là nhằm tránh gây ra các tác hại ngoài ý muốn; bởi, nếu anh ta thấy cần phải chích cho một nhân vật nguy hiểm đúng lúc đúng chỗ, thì anh ta cứ mặc sức mà làm; hành động của anh ta khi đó thuộc về phạm trù đạo đức đơn thuần chứ không còn liên quan đến phép lịch sự nữa.
Thô lỗ bao giờ cũng vụng về. Thật độc ác khi khiến ai đó cảm thấy họ già nua; nếu không chủ định mà vẫn gây ra cảm giác đó, thông qua cử chỉ hay sắc diện, hay lời nói quá thiếu cân nhắc, thì người ta lại là kẻ thô lỗ. Cố tình giẫm lên chân người khác là hung bạo; còn nếu không cố tình thì là thô lỗ. Những sự thô lỗ là những cú vấp không định trước; một người lịch sự sẽ tránh điều đó và chỉ chạm đúng chỗ anh ta muốn chạm vào, và sẽ không ai chạm êm ái bằng anh ta được. Lịch sự không nhất thiết phải là phỉnh phờ.
Như vậy, lịch sự vừa là thói quen vừa là sự khoáng đạt. Kẻ thô lỗ là kẻ định thế này rồi lại làm thế khác, cứ như anh ta hết va phải bát đĩa lại đụng mấy món đồ mỹ nghệ trang trí; kẻ thô lỗ là kẻ muốn một đằng lại nói một nẻo, hoặc định điều này song lại tuyên bố điều khác qua cái giọng cộc lốc, qua cái giọng cao vút một cách không cần thiết, qua cái vẻ do dự, qua cái ấp a ấp úng. Như vậy, lịch sự cũng có thể học được như đấu kiếm vậy. Kẻ hợm hĩnh là kẻ phát ngôn mà không biết mình đang nói gì, vì sự lố lăng có chủ ý. Người rụt rè là người không muốn tỏ ra hợm hĩnh song lại không biết phải làm sao, vì anh ta nhận ra tầm quan trọng của hành động và lời nói; do đó bạn sẽ thấy anh ta co người và thu mình lại, để tự ngăn mình hành động, nói năng; cái nỗ lực phi thường dồn lên chính anh ta, làm anh ta run rẩy, rịn mồ hôi rồi đỏ lựng lên, và đâm ra vụng về hơn cả thường lệ. Sự thanh lịch, trái lại, là niềm hạnh phúc được ăn nói và cử động mà không làm bất kỳ ai căng thẳng hay tổn thương. Và những phẩm chất như thế vô cùng quan trọng với hạnh phúc. Đó là những phẩm chất mà một nghệ thuật sống tuyệt đối không nên xem thường.
23 tháng ba 1911

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.