Alain Nói Về Hạnh Phúc

CHƯƠNG 87: CHIẾN THẮNG



Nếu đi tìm hạnh phúc, nhất định bạn sẽ không thể tìm thấy nó, và cái đó chẳng có gì là bí hiểm cả. Hạnh phúc không giống thứ đồ trưng trong tủ kính mà bạn có thể lựa, trả tiền rồi mang đi, thứ đồ ấy, nếu bạn xem kỹ, khi mang về đến nhà nó vẫn giữ sắc xanh hay sắc đỏ y như lúc còn được bày ở cửa hàng. Còn hạnh phúc chỉ là hạnh phúc khi bạn nắm được nó, nếu bạn đi tìm nó ở đâu đâu, ở ngoài bản thân bạn, thì bạn sẽ chẳng tìm thấy thứ gì mang dáng dấp của hạnh phúc. Tóm lại là, không thể suy luận hay tiên liệu về hạnh phúc được, chỉ có cách có nó ngay bây giờ. Khi nó dường như còn ở thì tương lai, hãy nghĩ kỹ mà xem, bạn đã có nó rồi đấy. Vì hy vọng là hạnh phúc mà.
Tôi hiểu tại sao các nhà thơ diễn giải mọi việc dở đến như vậy, xếp âm đặt vần thôi đã mệt lắm rồi, vì vậy họ không còn đủ sức để không rơi vào khuôn sáo nữa. Họ bảo rằng khi hạnh phúc còn ở xa, trong thì tương lai, thì nó còn lấp lánh, chứ khi ta đã nắm lấy nó rồi thì chẳng còn gì là hay ho nữa, giống như khi ta muốn với tay tới cầu vồng hay giữ nước nguồn trong lòng bàn tay. Thật là những lời thô thiển. Theo đuổi hạnh phúc là không thể, trừ phi là để nói cho hay, và cái làm rầu lòng những người đi tìm hạnh phúc quanh mình nhất là họ không tài nào thực sự mong muốn nó. Bài bridge không có ý nghĩa gì với tôi, vì tôi không chơi. Đấm bốc và đấu kiếm, cũng vậy. Âm nhạc chỉ làm vui tai những người đã vượt qua một số ngưỡng khó khăn nhất định, đọc sách cũng như thế. Phải có ý chí lắm mới có thể bước vào thế giới của Balzac, nếu không sẽ chán ngay. Động tác của người đọc lười nhác trông thật vui mắt, anh ta giở vài trang, liếc qua vài dòng rồi quẳng sách đi. Niềm hạnh phúc trong việc đọc sách khó tiên liệu đến mức bản thân người đọc thành thục cũng còn phải tự ngạc nhiên. Nhìn bề ngoài thì khoa học cũng không có gì lý thú, phải đặt chân vào trong đó đã. Trước tiên phải tự ép mình rồi sau đó luôn phải đối đầu với những khó khăn trắc trở. Công việc được hoàn tất và chiến thắng tiếp nối chiến thắng, đó có lẽ là công thức làm nên hạnh phúc. Nếu cùng nhau hành động, như trong trò chơi bài, trong âm nhạc, hay trong chiến tranh, thì hạnh phúc sẽ còn mãnh liệt hơn nữa.
Nhưng những niềm hạnh phúc cô độc cũng mang những dấu ấn ấy: hành động, công việc, chiến thắng. Hạnh phúc của người hà tiện và người sưu tầm, xét cho cùng cũng giống hệt nhau. Vậy thì do đâu mà tính hà tiện thì bị coi là tật xấu, nhất là khi người hà tiện sinh lòng quyến luyến với những miếng vàng cũ, trong khi chúng ta lại hâm mộ người bày trí trong tủ kính nào là đồ sứ, đồ ngà, những bức họa hay những pho sách hiếm? Ta giễu cợt người hà tiện vì anh ta không muốn đổi vàng lấy những thú vui khác, trong khi nhiều nhà sưu tầm sách không bao giờ mở sách của mình ra đọc chỉ vì sợ làm bẩn chúng. Thực ra, những niềm hạnh phúc ấy, giống như tất cả các niềm hạnh phúc khác thôi, không thể cảm thụ từ xa được, phải là người sưu tầm thì mới có thể đắm đuối với con tem thư, còn tôi thì chịu, không thể hiểu nổi chuyện này. Cũng như vậy, chỉ có võ sĩ quyền Anh mới thích đấm bốc, chỉ có thợ săn là mê săn bắn, còn nhà chính trị thì say sưa với chính trường. Người ta hạnh phúc trong hành động tự do; người ta hạnh phúc trong những quy tắc do chính mình đặt ra; với những kỷ luật do chính mình chấp thuận, trong trận bóng cũng như trong nghiên cứu khoa học. Nhìn từ xa thì những ràng buộc ấy chẳng thú vị gì, thậm chí còn làm ta bực mình. Hạnh phúc là phần thưởng dành cho những người không đi tìm nó.
18 tháng ba 1911

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.