Cần mong muốn được hạnh phúc và cần góp phần mình vào đó. Nếu người ta cứ ngồi ì ở vị trí khán giả vô tư, để ngỏ lối vào chờ đón hạnh phúc, cửa mở toang, thì nỗi buồn mới là kẻ bước vào nhà. Bản chất của sự bi quan nằm ở chỗ một tâm trạng bực dọc đơn thuần không được điều chỉnh sẽ chuyển thành trạng thái buồn rầu hay tức giận, như ta vẫn thấy ở đứa trẻ ngồi không, và ta chẳng phải chờ lâu. Sức hút của trò chơi, mãnh liệt đến thế với tuổi nhỏ, không giống với sức hút của một thứ trái cây ngon lành đang đánh động cơn đói hay cơn khát, mà tôi nhìn thấy trong đó ý muốn được hạnh phúc thông qua trò chơi, như khi ta thấy người khác đang vui sướng. Và ở đây, ý chí tóm được con mồi bởi chỉ cần chuyển động, đánh quay, chạy nhảy, la hét, tức những thứ mà người ta có thể ham muốn, bởi việc có được chúng sẽ lập tức theo sau. Quyết tâm tương tự cũng có trong các lạc thú ở đời, vốn là lạc thú do quy ước, nhưng chúng cũng đòi hỏi ta tham gia với trang phục và thái độ đúng đắn, những thứ củng cố cho quy ước. Điều khiến thị dân thích nhất ở chốn thôn dã là việc anh ta đi đến đó, bên trong hành động đã có sẵn ham muốn rồi. Tôi cho rằng chúng ta không biết ham muốn gay gắt những gì chúng ta có thể làm được, hy vọng mà không được hỗ trợ thì luôn buồn bã. Chẳng vậy mà đời sống riêng tư luôn luôn ủ ê với ai chờ đợi hạnh phúc như đòi một món nợ.
Mỗi người chúng ta ai cũng từng để ý một kẻ gia trưởng nào đó rồi, và người ta, do cách nhìn quá đơn giản, khăng khăng cho rằng kẻ ích kỷ lấy việc ban hành những luật lệ bó buộc những người xung quanh làm nguồn vui. Thật ra mọi thứ không phải như vậy, kẻ ích kỷ cảm thấy u sầu vì anh ta ngóng chờ hạnh phúc, ngay cả khi anh ta chẳng phải chịu đựng một nỗi khổ nào trong số vô vàn sự khốn khổ có thể thì tâm trạng buồn chán ấy vẫn cứ ập đến, và như vậy, cái mà kẻ ích kỷ áp đặt lên những người thương yêu mình hoặc ít ra là sợ mình, chính là luật lệ của buồn chán và sự khốn khổ. Ngược lại, tính tình xởi lởi có cái gì đó thật là hào phóng, nó cho đi nhiều hơn là nhận về.
Đúng là chúng ta phải nghĩ đến hạnh phúc của người khác, nhưng người ta ít khi nhắc cho chúng ta nhớ rằng cái tốt đẹp nhất mà ta có thể làm cho những người yêu thương mình chính là biểu cảm sự hạnh phúc có ở trong ta.
Đó chính là cái mà ta học được từ phép lịch sự, vốn là một dạng hạnh phúc bề ngoài. Một quy luật muôn đời hay bị bỏ quên là những cái bề ngoài có thể tác động lên những cái bên trong, và cũng chính vì thế mà người lịch thiệp thường được đền bù, mà nhiều khi cũng không biết là mình được đền bù. Lời tán dương hay nhất dành cho những người trẻ tuổi, luôn luôn có hiệu ứng, là đứng trước những người lớn tuổi họ không hề mất vẻ hạnh phúc rạng ngời vốn là cái đẹp, giống như họ đang ban ân sủng, và cái mang tên ân sủng ấy, giữa những lớp nghĩa khác của cái từ giàu ngữ nghĩa này, chính là niềm hạnh phúc không cần nguyên do và xuất phát từ bản thể như tuôn ra từ suối nguồn. Trong ân lành có thêm một chút chú tâm, và cả chủ tâm nữa, những thứ sẽ đến khi sự phong phú của tuổi xuân không còn đủ nữa. Nhưng, dù bạo chúa có là ai, thì cách lấy lòng ông ta vẫn là ăn ngon hoặc không tỏ ra buồn chán. Chính vì vậy mới xảy ra chuyện một bạo chúa rầu rĩ, và có vẻ không khoái niềm vui của kẻ khác, thường bị đánh bại và bị chinh phục bởi những người toát lên niềm vui lấn át hết thảy mọi thứ. Các tác giả cũng nhờ niềm vui viết lách mà được ưa thích, và người ta thật chí lý khi nói về niềm hạnh phúc viết lách, niềm hạnh phúc khi tìm
được lời hay. Mọi vật trang trí đều vui tươi. Người khác bao giờ cũng chỉ hỏi thăm những thứ dễ chịu nhất với ta. Chẳng thế mà phép lịch sự mới có thêm một cái tên thật đẹp, đó là “biết sống”[106].
10 tháng tư 1923
Chú thích:
[106] Dịch sát nghĩa từ cụm từ ghép “savoir-vivre”, trong tiếng Pháp có nghĩa là phép lịch sự, phép xử thế.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.