Alain Nói Về Hạnh Phúc

CHƯƠNG 92: VỀ NGHĨA VỤ HƯỞNG THỤ HẠNH PHÚC



Muốn khổ sở hay bực mình thì chẳng khó gì, chỉ cần ngồi xuống như một ông hoàng chờ người ta mua vui cho mình, ánh mắt rình rập và cân đo hạnh phúc như một loại thực phẩm, ném lên mọi vật một sắc màu buồn chán, không phải là không uy nghi, bởi có một kiểu quyền lực nào đó trong việc coi thường mọi sự hiến tặng, nhưng ở đó tôi cũng nhìn thấy một tâm trạng bồn chồn và cáu kỉnh với những người công nhân khéo léo vốn chẳng cần gì nhiều nhặn cũng tạo ra được hạnh phúc, y như những đứa trẻ xây lâu đài trên cát. Tôi thì tôi xin chuồn. Kinh nghiệm đã đủ cho tôi thấy rằng người ta không thể giải sầu cho những kẻ buồn chán với chính mình được.
Trái lại, nhìn thấy hạnh phúc mới đẹp làm sao; đó là cảnh tượng đẹp mắt nhất. Còn gì đẹp cho bằng một đứa trẻ? Cũng bởi nó nhập tâm với các trò chơi, nó không chờ người ta chơi thay cho nó. Đúng là một đứa trẻ đang dỗi thì trưng ra với chúng ta một vẻ mặt hoàn toàn khác, vẻ mặt của kẻ không thèm vui vẻ, và may sao trẻ con lại mau quên, không giống những đứa trẻ đã lớn cứ mãi không thôi dằn dỗi. Lý do của họ có sức mạnh, tôi biết, để có hạnh phúc phải khó nhọc lắm, lúc nào chẳng thế, đó là một cuộc vật lộn chống chọi với bao sự kiện, với bao con người. Cũng có khi ta thất bại, chắc chắn là có những sự kiện không thể vượt qua và những nỗi bất hạnh còn lớn hơn nỗi bất hạnh của một người đang học triết học khắc kỷ, nhưng nghĩa vụ hiển nhiên nhất là không được nói rằng mình đã thua trận khi còn chưa chiến đấu hết mình. Và nhất là, tôi cho rằng nếu đã không muốn, thì hiển nhiên người ta sẽ không thể hạnh phúc được. Như vậy cần phải muốn được hạnh phúc và cần phải xây dựng hạnh phúc.
Có một điều người ta ít khi nhắc đến: hưởng thụ hạnh phúc còn là nghĩa vụ của ta đối với những người khác nữa. Người ta thường nói rằng chỉ những người hạnh phúc mới được yêu mến, nhưng người ta lại quên mất rằng đấy là một phần thưởng công bằng và xứng đáng, bởi vì bất hạnh, buồn chán, tuyệt vọng luôn lởn vởn trong bầu không khí mà chúng ta ai nấy đều hít thở, vì vậy mà chúng ta mắc nợ một vòng nguyệt quế với những người biết xua tan các chướng khí và bằng cách nào đó thanh lọc đời sống chung bằng tấm gương cương nghị của họ. Thế nên trong tình yêu chẳng có gì sâu sắc bằng lời thề nguyện hạnh phúc. Còn gì khó vượt qua hơn nỗi chán nản, buồn bã hay bất hạnh của những người mà ta yêu quý đây? Tất cả đàn ông và đàn bà đều nên tâm niệm rằng hạnh phúc, ý tôi nói thứ hạnh phúc người ta chinh phục cho chính mình, là món quà hiến tặng đẹp đẽ nhất và hào phóng nhất.
Tôi thậm chí còn muốn đề xuất tặng thưởng một vòng hoa công dân danh dự cho những người quyết tâm có được hạnh phúc. Bởi vì, theo như tôi nghĩ, những xác chết, và những đổ nát, và những chi tiêu điên rồ, và những cuộc xung phong dè dặt, tất cả đều là tác phẩm của những người chưa bao giờ biết hưởng thụ hạnh phúc và không thể chịu đựng nổi việc những người khác đang nỗ lực hưởng thụ hạnh phúc. Hồi bé, tôi thuộc loại nặng cân, khó đánh bại, khó lay chuyển, phản ứng cảm xúc chậm chạp. Thế nên thường xảy ra chuyện một đứa nhẹ ký nào đó, gầy xác xơ vì rầu rĩ và chán nản, khoái giật tóc tôi, cấu véo và còn chế nhạo nữa, cho đến khi lĩnh một cú đấm trời giáng mới thôi. Bây giờ, khi nhận ra một kẻ dị dạng nào đó đang tuyên chiến và chuẩn bị chiến tranh, tôi không bao giờ buồn ngó ngàng đến các lý do của hắn, vì tôi đã quá hiểu những thiên tài đầy dã tâm ấy, những kẻ không chịu đựng nổi việc nhìn thấy người khác được bình yên. Thế nên nước Pháp yên bình, hay nước Đức yên bình cũng vậy, trong mắt tôi là những đứa trẻ to xác bị một đám trẻ ranh xấu bụng hành hạ mà cả giận mất khôn.
16 tháng Ba 1923

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.