Bí Mật Núi Sát Nhân

CHƯƠNG 50



“Em đã làm gì cơ!” Alex hét vào trong điện thoại di động của mình. Buổi sáng hôm sau trong phòng khách sạn anh đang ngồi loay hoay đeo khẩu súng của mình thì Kate gọi.
“Đó là lý do tại sao em lại chờ đến tận sáng nay mới gọi cho anh,” cô nói. “Vì em biết là anh sẽ nổi cáu mà.”
“Thế em nghĩ anh sẽ nói cái quái gì chứ? Rằng: ‘Làm tốt lắm, Kate, và anh rất vui khi em vẫn chưa phải là một xác chết’ ư?”
“Em đã bảo anh là em sẽ tìm hiểu về Oliver Stone và mấy người bạn của ông ấy, anh đã đồng ý mà.”
“Nhưng anh không hề biết họ là nhân chứng trong vụ giết hại Patrick Johnson, mà đó chính là điều anh đã bảo em phải tránh xa ngay từ đầu!”
“À, em cũng không biết là họ có liên quan. Cứ nghe em nói đã nào. Em có rất nhiều chuyện để nói với anh.” Cô nói liền một mạch mấy phút liền, tường thuật lại những gì Stone đã kể với cô tối hôm trước.
Khi cô nói xong, Alex lắc đầu không tin nổi những gì anh vừa nghe. “Được rồi, được rồi. Để anh nhắc lại xem có đúng không nhé. Họ đã chứng kiến vụ giết người và không đi báo cảnh sát vì họ sợ rằng cảnh sát sẽ nghĩ rằng họ có liên quan?”
“Em không nghĩ là Oliver có cảm tình với cảnh sát cho lắm. Có thể là dính dáng đến quá khứ của ông ấy.”
“Và ngoài chuyện đó ra, họ còn lần ra một trong hai tên giết người, đột nhập vào nhà hắn và suýt chút nữa thì mất mạng?”
“Vâng.”
“Và trong khi họ đang ‘bẻ khóa’ vào nhà của tên giết người, nhà của Milton Farb lại bị chính những tên đó đột nhập, và chúng đã bị ghi lại hình ảnh khi đang làm chuyện đó?”
“Nhưng bạn gái của Milton cũng đã bị những tên này bắt cóc, nên họ không thể nào tới báo cảnh sát được nữa.”
“Nhưng họ không cho em biết tên của những kẻ giết người à?”
“Em nghĩ họ chỉ biết một trong hai tên của bọn chúng.”
“Nhưng hình ảnh của chúng đã bị lưu lại mà. Em có nhận ra chúng không?”
“Họ chưa cho em xem đoạn băng.”
“Sao họ lại chưa cho em xem?”
“Họ muốn cho anh xem trước đã.”
“Tuyệt thật, nhưng anh đang ở cách xa những bốn giờ chạy xe với công việc ngập đầu ngập cổ, và Tổng thống sẽ tới đây vào ngày mai.”
“Họ khăng khăng không chịu, Alex. Em đã cố rồi. Họ chỉ cho anh xem thôi, họ cũng đâu có biết em. Em nghĩ họ đã cố gắng rất nhiều khi kể ra những gì họ biết. Oliver tin tưởng anh, chứ có phải em đâu.”
Alex vò đầu bứt tai, kẹp điện thoại vào dưới cằm và cuối cùng cũng đeo xong bao súng lên người. “Được rồi, vậy là em có kế hoạch rồi chứ?”
“À, em đang nghĩ là bọn em có thể tới đó gặp anh vào ngày mai.”
“Ngày mai! Ngày mai Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ sẽ ở đây. Và ông ta phải được ưu tiên hơn tất cả mọi thứ, Kate, em biết điều đó mà.”
“Em biết. Nhưng em muốn anh gặp gỡ Hội Camel.”
“Cái gì cơ?”
“Ồ, em xin lỗi. Đó là cách Oliver và những người bạn của ông ấy tự gọi về mình, Hội Camel. Đại loại đó là một tổ chức giám sát những âm mưu và họ vẫn hoạt động từ nhiều năm qua. Anh có biết rằng họ chính là những người đầu tiên phát hiện ra vụ bê bối liên quan đến Bộ trưởng quốc phòng cách đây mấy năm không? Anh vẫn nhớ, đúng không? Ông ta đã nhận tiền lại quả vì đã ưu ái dành những hợp đồng của chính phủ cho một số nhà thầu cụ thể ấy? Hội Camel phát hiện ra điều đó từ một mẩu thông tin họ có được từ một phụ bếp ở Nhà Trắng. Đây đúng là chuyện phi thường, Alex ạ.”
Alex nằm vật ra giường và nhắm nghiền mắt lại. “Một phụ bếp Nhà Trắng đang theo dõi Bộ trưởng Quốc phòng cho cái gọi là Hội Camel ấy à? Đây là một trò đùa, đúng không? Xin làm ơn nói với anh rằng đây là một trò đùa, Kate.”
“Quên điều đó đi. Chuyện đó không quan trọng.”
Alex nhảy dựng lên. “Không quan trọng!”
“Alex, anh làm ơn nghe em nói được không? Họ đã thực hiện một số công việc điều tra không thể tin nổi trong vụ án này. Thực sự là thế đấy.”
Alex cố hết sức để bình tĩnh lại. “Được rồi, tất cả mọi người cùng tới đây, rồi sau đó thì sao?”
“Bọn em sẽ tham dự buổi lễ, và sau đó tất cả chúng ta sẽ cùng ngồi xuống, và họ có thể cho anh xem đoạn băng và anh biết tên của kẻ giết người. Sau đó thì chúng có thể bắt đầu từ thông tin đó.”
“Nghĩa là anh mang tất cả những bằng chứng đó tới Cơ quan Mật vụ?”
“Chính xác. Với một cái tên và những kẻ bị ghi lại trong đoạn phim, chúng ta sẽ có những bằng chứng xác đáng. Và chúng ta còn phải giành lại Chastity. Milton đang đau khổ.”
“Chastity là người nào vậy?”
“Ôi, em xin lỗi, đó là bạn gái của Milton. Bà ấy chính là người bị bắt cóc.”
“FBI chuyên lo những vụ bắt cóc. Và cứ một giây qua đi thì khả năng bà ấy được tìm thấy còn sống lại càng giảm.”
“Chúng không phải là những kẻ bắt cóc bình thường. Chúng có rất nhiều vấn đề cần giấu giếm. Cứ hai tiếng một lần chúng lại gọi điện và để Milton nói chuyện với bà ấy khoảng vài giây, để chứng tỏ là bà ấy còn sống. Em không nghĩ là chúng sẽ làm hại Chastity, ít nhất thì cũng là trong lúc này. Mọi chuyện đang ở thế giằng co.”
“Vậy chính xác thì Patrick Johnson có liên quan như thế nào trong toàn bộ chuyện này?”
“À, điểm này thì họ cũng còn mập mờ lắm. Em dám chắc là họ sẽ giải thích với anh đầy đủ hơn. Căn cứ vào những điều ít ỏi họ đã kể với em, em nghĩ thực ra có khi họ đã đoán ra rồi.”
Alex buột ra một tiếng thở dài. Anh có cả một ngày đầy ắp những công việc chuẩn bị đang chờ phía trước. Lẽ ra anh phải được tập trung hoàn toàn cho công việc của mình trên cương vị một nhân viên Mật vụ. Ấy vậy mà giờ đây điều chủ yếu xâm chiếm tâm trí anh là Hội Camel. Lạy Chúa hãy giúp con.
“Alex, anh còn ở đó không?”
“Anh đây,” anh gắt gỏng.
“Vậy anh nghĩ thế nào? Bọn em đến nhé?”
Alex liếc nhìn xuống khẩu súng của mình, bất giác thoáng có ý nghĩ rằng chẳng phải sẽ dễ dàng hơn nếu chấm dứt tất cả ngay lúc này.
“Alex!”
“Vâng, được rồi. Đến cả đây.”
“Bọn em có thể đưa Adelphia đi cùng được không? Thực sự là bà ấy rất lo lắng cho Oliver.”
Cuối cùng Alex cũng nổ tung. “Ồ, chắc chắn rồi, Kate, đưa cả Adelphia đi chứ. Và đưa cả cái Câu lạc bộ Khỉ và Hươu cao cổ chết giẫm ấy nữa. Và đằng nào em cũng đang làm rồi, thế quái nào em lại không tranh thủ tạt ngang qua Nhà Trắng mà lôi luôn cả Tổng thống đi. Anh cá là ông ta sẽ rất háo hức với tất cả chuyện này cho mà xem. Và biết đâu ông ta còn cho em đi nhờ trên chiếc Air Force One cũng nên. Mà em nhớ phải nói luôn tên anh cho ông ta để ông ta biết chính xác sẽ phải vặn cổ ai khi ông ta tới đây!”
Giọng Kate nghe bình tĩnh đến mức lộn ruột. “Được rồi, em gác máy đây. Bọn em sẽ gặp anh vào ngày mai.”
Điện thoại câm bặt, Alex vừa đổ vật xuống giường thì có người gõ lên cửa phòng anh.
“Ford, đến giờ bắt tay vào việc rồi. Đi thôi nào.” Đó là nhóm trưởng của anh. “Ford, anh xong chưa?” anh ta lại rống lên ầm ĩ.
Alex nhảy bật dậy và mở cửa. Trưởng nhóm của anh đang trừng trừng nhìn anh. “Anh không sao chứ?”
“Chưa bao giờ tốt hơn.” Alex nói.
Bóng tối đang đang bao trùm dần khi Tom Hemingway rảo bước qua những con phố của một thị trấn nhỏ cách thành phố Frankfurt, Đức, khoảng một tiếng đồng hồ chạy xe. Gã đi qua khu mua bán quyến rũ, dọc theo một thánh đường xây dựng theo phong cách kiến trúc Gothic, rẽ sang một con phố nhỏ rồi bước vào một tòa nhà chung cư. Gã đi thang máy lên tầng ba, gõ cửa căn hộ thứ tư cuối hành lang và có tiếng trả lời bảo hắn cứ vào.
Bên trong không có đèn đóm gì, nhưng ngay lập tức Hemingway đã tập trung vào một góc phòng hầu như hoàn toàn tối thui.
“Ta thấy là giác quan thứ sáu của cậu vẫn chưa hề phản bội cậu, Tom,” người đàn ông vừa nói vừa tiến đến với một nụ cười. Là một người Ả-rập, nhưng ông ta không mặc chiếc áo choàng djellbaba truyền thống mà là một bộ vest hai mảnh lịch lãm, mặc dù trên đầu ông ta vẫn quấn khăn. Ông ta ra hiệu cho Hemingway ngồi xuống một chiếc ghế bên cạnh chiếc bàn nhỏ. Người đàn ông cũng ngồi xuống đối diện với gã. Hemingway cảm thấy sự hiện diện của những người khác nhưng không hề đả động gì đến điều đó.
Tay người Ả-rập ngồi ngả ra sau và đặt hai tay của mình lên thành ghế. “Cha cậu là một con người tuyệt vời và là một người bạn lớn của ta trong gần ba mươi năm. Ông ấy hiểu rõ chúng ta; ông ấy chịu khó dành thời gian học ngôn ngữ, tôn giáo và văn hóa của chúng ta. Đáng tiếc là thời buổi này không có ai chịu làm như vậy nữa.”
“Ông ấy thật đặc biệt,” Hemingway đồng tình. “Rất đặc biệt.”
Người đàn ông cầm một ly nước nhỏ trên mặt bàn lên và uống. Ông ta mời Hemingway một ly nhưng gã từ chối. Người Ả-rập chìa ra một mảnh giấy cho Hemingway. “Như đã thỏa thuận,” người Ả-rập nói. Hemingway cất tờ tài liệu vào trong túi mà không xem lại.
“Tôi chắc là ông đã dồn rất nhiều công sức suy nghĩ cho chuyện này,” Hemingway nói.
“Tôi đã suy nghĩ về những chuyện như thế này suốt cả đời mình rồi.”
“Ông sẽ bảo đảm là không ai nhận trách nhiệm chứ?”
Người Ả-rập gật đầu. “Mọi việc coi như xong xuôi. Tôi đoán là cậu hài lòng khi làm việc với người của tôi?”
“Đó là bằng chứng cho lòng trung thành của họ đối với ông khi họ làm tất cả những gì được yêu cầu mà không hề gặng hỏi.”
“Những gì đã xảy ra cũng không chỉ có lợi cho mình cậu. Al-Zawahiri, và những tên khác giống hắn, chúng đã bị đất nước của cậu làm tha hóa. Chúng đã đánh mất sự liên hệ với đạo Hồi.” Ông ta ngừng lại. “Cậu tin tưởng vào tương lai chứ?”
“Có.”
“Tấn công một siêu cường, đó là điều không bao giờ được phép xem nhẹ.”
“Siêu cường thì cũng do con người ta tạo nên thôi.”
Người Ả-rập lắc đầu. “Chúng tôi là những con người rất khác, khác theo những góc độ mà đất nước của cậu nhất định không chịu công nhận.”
“Chúng ta càng khác nhau bao nhiêu thì có lẽ chúng ta lại càng giống nhau bấy nhiêu. Tất cả chúng ta đều muốn hòa bình.”
“Xin thứ lỗi vì nói thế này, nhưng những gì cậu nói chỉ là mớ giáo lý vớ vẩn của đạo Phật thôi.” Người đàn ông nhấp một ngụm nước khác. “Nước Mỹ chi cho quân sự số tiền nhiều hơn tất cả các nước trên thế giới cộng lại. Không quốc gia nào làm như vậy chỉ để bảo vệ, hay vì hòa bình, mà chỉ là để đi xâm lược. Tổng thống của nước cậu có thể bấm một cái nút, và toàn bộ thế giới Ả-rập sẽ biến mất trong một cột mây hình nấm.”
“Chúng tôi chẳng có lý do gì để làm như vậy cả. Những tiến triển lớn đã được thực hiện tại Trung Đông. Các nền dân chủ đang thay thế những chế độ độc tài.”
“Đúng, thay thế những chế độ độc tài mà chính nước Mỹ đã nuôi dưỡng và hậu thuẫn. Vậy mà, trong hầu hết các trường hợp, những nền dân chủ lên nắm chính quyền lại căm thù nước Mỹ còn hơn cả những tên độc tài mà họ đã hất cẳng. Nước Mỹ các cậu tới Iraq mà không hiểu gì về lịch sử hay văn hóa của đất nước đó. Nước Mỹ dường như chỉ biết mơ hồ rằng nước Anh đã chiếm một vùng đất được gọi là Lưỡng Hà rồi tự tạo ra một đất nước mà họ gọi là Iraq. Mỹ cũng biết là dân số của Iraq bao gồm những người Sunni, người Shia và người Kurd cùng hàng chục các nhóm sắc tộc khác vốn có tiếng là không chung sống hòa bình với nhau cho lắm. Chẳng lẽ các cậu thực sự nghĩ rằng chỉ cần nhởn nhơ vào đó và cứu rỗi người dân Iraq rồi mọi chuyện sẽ trở nên yên ổn?” Ông ta giơ tay lên. “Và không ai có thể ‘ném bom’ để bắt người dân phải đi theo mô hình dân chủ. Cái đó phải phát triển từ dưới lên, chứ không phải theo hướng từ trên trời rơi xuống. Những tín đồ Hồi giáo đi tới những điểm bỏ phiếu qua các hố bom từng giết hại gia đình họ. Cậu có nghĩ rằng khả năng ra đời của một mô hình dân chủ kiểu Mỹ có thể làm cho họ quên rằng ai đã giết chồng, vợ và con cái mình?”
“Đất nước tôi cần thừa nhận rằng có rất nhiều cách để được tự do. Tôi e rằng chúng tôi vẫn coi rằng cách duy nhất để giải quyết mọi chuyện là theo cách của chúng tôi.”
Người Ả-rập lại nhấp một ngụm nước. “Đó là một suy nghĩ cao quý, Tom, nhưng theo tôi thì đó không phải là suy nghĩ được những nhà lãnh đạo của các cậu chia sẻ. Đức Chúa Toàn năng có thể làm biến mất quân đội của các cậu chỉ với một cái phẩy tay. Nhưng những người Ả-rập người trần mắt thịt như chúng tôi đơn giản là không thể đánh bại quân đội của các cậu với cơ man nào là tiền và vũ khí. Và chúng tôi có thể nhìn thấy các doanh nghiệp Mỹ và đường ống của Mỹ xếp hàng hành quân phía sau những quân đội Mỹ hùng mạnh. Các cậu nói rằng mục tiêu của các cậu là một thế giới tự do. Hừm, châu Phi có số lượng nhà độc tài nhiều hơn cả Trung Đông, và tình trạng diệt chủng ở châu Phi cũng khủng khiếp hơn. Nhưng tôi đâu có thấy chiếc xe tăng nào của Mỹ rầm rầm chạy về phía đó. Nhưng, tất nhiên rồi, ở Trung Đông lại có dầu nhiều hơn nhiều. Chẳng lẽ các cậu nghĩ rằng những kẻ man rợ trên sa mạc như chúng tôi không nhận ra rằng những mục tiêu của nước Mỹ chẳng có gì là vị tha cả, Tom. Ít nhất thì cũng thứ lỗi cho chúng tôi được phép nói như vậy.”
“Tự do thực sự là một điều tốt. Và nước Mỹ là đất nước tự do nhất trên thế giới.”
“Thật vậy sao? Một đất nước từng duy trì chế độ nô lệ suốt hai trăm năm mươi năm rồi sau đó lại nô dịch hóa người đen trong thực tế thêm hơn một trăm năm nữa ấy à? Nhưng cá nhân tôi cũng được nếm trải kiểu tự do của các cậu rồi. Hơn năm mươi năm trước Iran từng có một vị thủ tướng được bầu lên một cách dân chủ; người dám cả gan quốc hữu hóa ngành công nghiệp dầu mỏ. Các công ty dầu của Mỹ tất nhiên chẳng lấy gì làm hài lòng. Vì thế CIA đã giúp lật đổ chính phủ và dựng lên một vị Shah 1 bù nhìn. Tình yêu đầy xun xoe của ông ta với những cung cách phương Tây đã dẫn đến cuộc cách mạng Iran, và tất cả hy vọng về nền dân chủ thực sự đã chấm dứt ở đó. Mỹ đã chơi trò này ở khắp nơi trên thế giới, từ Chile tới Pakistan. Những chính sách của phương Tây là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới cái chết thê thảm của không biết bao nhiêu triệu người trên khắp hành tinh này.” Ông ta ngừng lại và đăm đăm nhìn sát vào mặt Hemingway. “Vậy giả sử nếu chính phủ mới tại Iraq không được lòng Mỹ thì sao nhỉ?”
“Nói gì thì nói tôi vẫn biết là ông tin vào tự do,” Hemingway khẽ nói. “Khi còn nhỏ tôi vẫn thường ngồi nghe ông và cha tôi thảo luận về những vấn đề như vậy.”
“Sự thật đúng là ta đã chiến đấu cả cuộc đời mình cho những quyền tự do nhất định đúng theo lời răn dạy của Chúa. Tất nhiên là ta nhìn thấy những lợi ích rõ ràng khi người dân được có tiếng nói mạnh mẽ trong cuộc sống của họ. Ta không đồng tình với cách những phụ nữ Hồi giáo đang bị đối xử tại một số nước Ả-rập. Và ta đau đớn khi chứng kiến những cung điện nguy nga được dựng lên bên cạnh những túp lều đắp bằng bùn đất. Thế giới Hồi giáo có rất nhiều vấn đề, và chúng tôi cần giải quyết chúng. Nhưng liệu có thực sự là tự do không khi người nào đó bảo với cậu những gì cậu nên tìm kiếm? Và tại sao không bao giờ có chuyện hai bên cùng có lợi, Tom? Nước Mỹ chỉ chiếm chưa đến năm phần trăm dân số thế giới nhưng lại tiêu thụ một phần tư năng lượng. Những nước nghèo không thể giành được nguồn năng lượng mà họ cần, và công dân của họ phải chịu khổ sở và chết chóc chỉ vì người Mỹ chiếm hữu quá nhiều. Vậy hay là những nước đó nên xâm lược nước Mỹ độc tài năng lượng và bắt nó phải sử dụng ít dầu và khí đốt hơn chăng? Chẳng lẽ nước Mỹ thích như vậy?”
“Nếu ông cảm thấy như vậy, cho phép tôi hỏi tại sao ông lại đang giúp đỡ tôi?”
Người đàn ông nhún vai. “Đơn giản thôi. Với mỗi người Mỹ bị giết thì có đến hàng trăm người Ả-rập thiệt mạng. Những kẻ đánh bom liều chết người Ả-rập giờ đang thảm sát hàng nghìn anh em đạo hữu của mình. Chúng tôi đang tự làm yếu mình với mỗi vụ nổ mới và rốt cuộc là chỉ có nước Mỹ là có lợi.” Ông ta ngừng lại và nhấp thêm một ngụm nước. “Báo chí phương Tây cứ xoáy sâu vào việc những kẻ đánh bom liều chết tự tước bỏ mạng sống của mình nên họ sẽ không thể lên được thiên đường. Nhưng Chúa dạy rằng cứu mạng sống là một điều vĩ đại. Cứu một mạng sống tức là cứu rất nhiều. Chẳng lẽ chúng tôi cứ phải bị giết để được lên thiên đường hay sao? Tại sao người Hồi giáo lại không thể tận hưởng một cuộc sống hòa bình ngay trên trái đất, kính yêu Chúa và phục vụ Người để được lên thiên đường theo cách đó? Trong thế giới phương Tây, những đứa trẻ được lớn lên trong thanh bình. Chẳng lẽ những đứa trẻ của chúng tôi không xứng đáng có cái quyền đó sao?”
“Tất nhiên là chúng có,” Hemingway nói.
“Đất nước của cậu đang đòi hỏi những điều không thể, cậu biết quá rõ mà. Trước cuộc khủng hoảng năng lượng trong những năm 1970 nước Mỹ không hề quan tâm gì đến Trung Đông, ngoài vấn đề xung đột giữa Israel và người Ả-rập. Sau đó thì vụ 11-9 xảy ra rồi các cậu tấn công Taliban. Tôi chẳng hề phản đối gì điều đó cả. Ở địa vị các cậu tôi cũng sẽ làm như vậy thôi. Nhưng mục tiêu mà các cậu theo lúc này, biến toàn bộ Trung Đông thành một thể chế dân chủ chỉ trong một đêm, thì quả là điên rồ. Các cậu yêu cầu chúng tôi phải làm trong vài năm những gì các cậu phải mất vài thế kỷ để đạt được.” Ông ta ngừng lại. “Và đây không đơn giản chỉ là vấn đề thế giới Hồi giáo đối đầu với phương Tây. Từ hàng nghìn năm nay những dân tộc Ả-rập đã hình thành những tập quán và nền văn hóa gắn bó hữu cơ với điều kiện khí hậu sa mạc khan hiếm tài nguyên thiên nhiên, thường là với luật bộ lạc làm nền tảng, và đàn ông là những thủ lĩnh. Suốt một thời gian dài nước Mỹ không hề lấy gì làm khó chịu về thực tế đó. Nhưng giờ thì có, tất nhiên và cũng chính vì thế, theo như các cậu, chúng tôi phải thay đổi. Ngay lập tức. Từ lúc đó đến giờ một trăm nghìn người Iraq đã chết và đất nước đó đang hỗn loạn. Tôi không thể nào hoan nghênh thực tế đó được, Tom. Thật sự là không thể.”
“Tôi chỉ có thể cố gắng hết sức. Nếu điều đó không có tác dụng, thì cũng đâu có mất gì?”
“Rất nhiều mạng sống quý giá, đó là những điều sẽ bị mất đi, Tom,” người đàn ông Ả-rập đanh giọng nói.
“Nhưng cũng đâu có khác gì với thực tế đang xảy ra lúc này,” Hemingway trả lời.
“Cậu có câu trả lời cho tất cả mọi điều. Cũng giống hệt như cha cậu. Có phải ông ấy bị giết ở Bắc Kinh không nhỉ?”
Hemingway gật đầu.
“Nhưng dù sao thì chắc chắn cũng không phải là do người Trung Quốc gây ra. Họ ghê gớm nhưng hoàn toàn không ngốc nghếch.”
Hemingway nhún vai. “Tôi cũng có những nghi ngờ của mình. Vụ án đó không bao giờ được giải quyết một cách chính thức.”
“Có rất nhiều thú vị về người Trung Quốc, Tom ạ. Rồi một ngày nào đó họ sẽ thay thế Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Họ có một đội quân quy mô gấp mười lần quân đội của các cậu, và quân đội đó đang ngày càng trở nên mạnh hơn và hiện đại hơn về mặt công nghệ. Họ có khả năng tấn công nước Mỹ bằng vũ khí hạt nhân. Họ giết và nô dịch hóa hàng triệu người dân của chính mình (!), ấy vậy mà các cậu vẫn gọi họ là bạn, trong khi nước Mỹ lại nghiền nát thế giới Hồi giáo dưới chiêu bài giải phóng chúng tôi. Cậu có biết người Ả-rập chúng tôi nói gì không? Chúng tôi nói, hãy đi mà ‘giải phóng’ bạn của các người, người Trung Quốc ấy. Nhưng nước Mỹ đâu có làm như vậy. Tại sao? Bởi vì người Trung Quốc sẽ không đáp trả bằng súng trường và những vụ đánh bom xe như người Hồi giáo đang buộc phải làm. Do đó, các cậu không dám động đến họ. Và các cậu gọi họ là bạn.”
“Thật ra cha tôi cũng không cho rằng lúc nào họ cũng thân thiện như vậy.”
“Một người đàn ông khôn ngoan. Giờ thì ông ấy đã sang một thế giới khác tốt đẹp hơn.”
“Tôi là một người vô thần. Nên tôi cũng không chắc ông ấy đã đi đâu nữa.”
Người Ả-rập đăm đăm nhìn gã với ánh mắt buồn bã. “Đó chính là một sự xúc phạm chính bản thân mình khi không tin vào Chúa, Tom ạ.”
“Tôi chỉ tin vào bản thân.”
“Nhưng khi cơ thể phàm tục của cậu không còn tồn tại nữa, cậu sẽ còn lại gì nào?” Người đàn ông Ả-rập ngừng lại và nói tiếp, “Không gì hết.”
“Tôi hoàn toàn có quyền tự do đưa ra lựa chọn đó,” Hemingway nói một cách dứt khoát.
Người đàn ông Ả-rập đứng lên khỏi ghế của mình. “Tạm biệt, Tom, và chúc may mắn. Chúng ta sẽ không gặp lại nhau nữa đâu.”
Vài phút sau, Hemingway lững thững bước dọc trên vỉa hè quay trở lại chỗ chiếc xe đi thuê của gã. Gã vừa đi vừa nhìn vào tờ giấy người bạn vừa đưa cho mình, và thầm dịch từ tiếng Ả-rập trong đầu. Người đàn ông Ả-rập đã tính toán mọi chuyện rất kỹ càng.
Hemingway sẽ lên một chuyến bay rời khỏi Frankfurt đêm hôm đó và có mặt ở New York tám tiếng đồng hồ sau. Gã ngước nhìn lên bầu trời đêm trong trẻo và tự hỏi không biết liệu số Chúa trên trời có nhiều bằng số sao kia không. Theo như một số tôn giáo thì điều đó là hoàn toàn có thể. Câu trả lời thực sự chẳng quan trọng gì đối với gã. Chưa một vị Chúa nào từng đáp lại những lời cầu nguyện của gã. Đối với Hemingway thì ngần đó đã là một bằng chứng quá thuyết phục rằng chẳng hề có thứ gì đáng gọi là Chúa cả.
Cách đó vài nghìn dặm bên kia bờ Đại Tây Dương, Thuyền trưởng Jack cũng đang ngước nhìn lên đúng bầu trời đó và nghĩ ngợi về những sự kiện của ngày hôm sau. Tất cả mọi việc đã xong xuôi và chỉ còn chờ sự có mặt của James Brennan cùng đoàn tùy tùng của ông ta. Như một biện pháp đề phòng, tất cả những máy tính xách tay do các thành viên trong chiến dịch của hắn sử dụng đều đã bị phá hủy. Sẽ không còn những buổi thảo luận trong chat room phim ảnh nữa. Thực sự thì hắn sẽ nhớ chúng.
Một lúc sau, trong buổi tối hôm đó, Thuyền trưởng Jack lái xe vào bãi đỗ của Sân bay Quốc tế Pittsburgh. Hắn bỏ xe của mình lại và hướng về phía nhà ga. Hành trình bay chính thức của hắn tương đối rõ ràng: từ Pittsburgh tới sân bay O’Hare ở Chicago; từ O’Hare tới Honolulu; và từ Honolulu tới Samoa thuộc Mỹ, nơi một chiếc cỡ nhỏ khác sẽ đưa hắn về hòn đảo quý giá của mình.
Công việc của hắn tại Brennan này đã hoàn thành. Hắn sẽ không ở lại khi chiến dịch thực sự diễn ra. Như thế sẽ hơi căng thẳng ngay cả với chính hắn. Và mặc dù công việc của hắn ở đây đã xong xuôi, xét ở những khía cạnh khác thì nó cũng chỉ mới bắt đầu. Giờ là lúc khởi động kế hoạch dự phòng của hắn. Mối quan hệ hợp tác của hắn với Tom Hemingway đã chính thức kết thúc, mặc dù gã kia không hề biết điều đó. Kể ra thì thời gian vừa rồi cũng rất thú vị, Tom. Giờ là lúc hắn làm việc cho những người Bắc Triều Tiên.
Thuyền trưởng Jack làm thủ tục check-in cho chuyến bay của mình nhưng vẫn giữ lại túi xách, một chiếc túi xách nhỏ để hắn có thể mang theo người. Hắn tới quầy bar uống một chút. Sau đó, hắn vào nhà vệ sinh. Sau đó hắn lang thang khắp sân bay và hướng về phía hàng rào an ninh. Tuy nhiên thay vì đi qua các điểm kiểm soát an ninh hắn lại rời khỏi sân bay, tới một bãi đỗ xe khác và lên chiếc xe đang chờ sẵn. Hắn lái xe về phía Nam.
Djamila ngồi ở bàn bếp trong căn hộ của cô và ghi lại ngày giờ cái chết của cô trong cuốn sổ nhật ký. Cô tự hỏi không biết mình sẽ chính xác đến mức nào. Nếu cô chết vào ngày mai, cuốn nhật ký của cô sẽ được tìm thấy. Có thể nó sẽ được đăng tải trên báo chí, cùng với tên đầy đủ của cô, thông tin mà cô viết bên cạnh thời điểm chết của mình. Sau rồi, vì lý do nào đó cô xóa nó đi. Liệu cô có khả năng sống sót sau ngày mai không nhỉ?
Cô đứng bên cửa sổ để ngỏ và nhìn ra ngoài, để mặc cho làn gió dịu dàng vuốt ve người mình, và hít thở bầu không khí thoang thoảng mùi thơm nồng nồng của cỏ mới cắt, một cảm giác khá mới mẻ đối với cô. Ở đây thật yên tĩnh và thanh bình. Không có tiếng bom rơi đạn nổ. Cô có thể nhìn thấy người ta đi lại bên nhau, nói chuyện. Một người đàn ông lớn tuổi đang ngồi trên bậc thềm phía trước tòa nhà hút một điếu thuốc và uống một lon bia. Cô có thể nghe thấy những tràng cười giòn tan của lũ trẻ từ sân chơi nhỏ gần đó vọng lại. Djamila còn rất trẻ với cả cuộc đời đang chờ cô phía trước. Tuy nhiên, cuối cùng cô đóng cửa sổ lại và lui người vào bên trong bóng tối của căn hộ của mình.
“Xin đừng để con làm Người phải thất vọng,” cô thì thào khẩn nài Chúa. “Xin đừng để con làm Người phải thất vọng.”
Cách căn hộ của Djamila chưa đầy hai mươi phút lái xe, Adnan al-Rimi cũng vừa mới hoàn thành xong lời cầu nguyện cuối cùng trong ngày của mình. Cũng như Djamila, gã đã ngập ngừng hồi lâu với những lời cầu nguyện tới Chúa của mình.
Gã cuốn tấm thảm cầu nguyện của mình lại và cất đi. Adnan chỉ thực hiện những lời cầu nguyện của mình hai lần một ngày, vào lúc bình minh và buổi tối. Gã cũng là người miễn cưỡng thực hiện những quy định của tháng Ramadan, cái bụng của gã đã rỗng tuếch quá nhiều năm để tiếp tục phải nhịn đói. Suốt bao năm qua, thỉnh thoảng gã cũng hút một vài điếu thuốc và uống chút rượu bia. Gã chưa bao giờ thực hiện chuyến hành hương đến Mecca vì không thể đủ tiền. Tuy nhiên gã vẫn tự coi mình là một tín đồ Hồi giáo trung thành bởi vì gã làm việc chăm chỉ, giúp đỡ người khác trong cơn nguy khốn, không bao giờ lừa đảo, không bao giờ gian dối. Nhưng gã đã giết người. Gã đã giết người nhân danh Chúa, để bảo vệ đạo Hồi, để bảo vệ cuộc sống của gã. Nhiều lúc gã có cảm giác toàn bộ sự tồn tại của mình được cấu thành từ ba yếu tố: làm việc, cầu nguyện và chiến đấu. Gã đã làm việc vất vả để bảo đảm cho các con của mình không phải chiến đấu, sẽ không phải tự cho nổ tung mình và người khác để chứng tỏ một điều gì đó. Nhưng tất cả các con của gã đều đã chết. Bạo lực đã chạm đến chúng bất chấp những cố gắng của người cha muốn giữ cho các con mình được an toàn.
Giờ thì Adnan chỉ còn một nhiệm vụ khác đang chờ gã ở phía trước.
Mắt nhắm nghiền, Adnan lại bắt đầu thả bước trong tưởng tượng dọc theo hành lang bệnh viện ngay trong căn hộ của mình. Gã đi dọc hành lang, rẽ phải, bước tiếp mười bốn bước và rẽ phải, mở cửa và làm như thể đang bước xuống tám bậc thang, đến một chiếu nghỉ, quay người và đi xuống tám bậc nữa, xuống hành lang và đến cửa thoát ra ngoài. Sau đó gã làm lại một lần nữa. Và một lần nữa.
Sau đó, Adnan cởi áo sơ mi và chăm chú nhìn thân hình của mình trong tấm gương phòng tắm. Vóc dáng của gã tuy vẫn còn rất ấn tượng, nhưng đã bắt đầu xuất hiện vẻ rệu rã dưới những lớp cơ bắp khiến gã trông giống một ông già hơn là một người đang ở độ tuổi tráng kiện của cuộc đời. Vô số những vết thương bên ngoài mà gã phải chịu đựng suốt bao năm qua đã lành miệng. Mặc dù vậy, trong lòng gã, những vết thương vẫn còn nhức nhối.
Gã ngồi xuống giường và lấy từ trong ví ra mười bức ảnh rồi bày chúng ra trước mặt. Những hình ảnh nhàu nát và mờ nhạt đó giúp gã nhớ lại gia đình gã. Gã ngập ngừng trước từng bức ảnh, nhớ lại những khoảnh khắc thanh bình đầy yêu thương. Và kinh hoàng. Như khi cha gã bị những người Saudi chặt đầu, vì cái tội bị coi là bất kính. Thông thường phải mất hai nhát gươm để cắt lìa đầu một người bị hành hình. Nhưng cổ của cha Adnan rất vạm vỡ, và phải mất đến ba nhát gươm chém thẳng mới cắt lìa được nó, một cảnh tượng khủng khiếp mà cậu bé Adnan khi đó mới tám tuổi bị bắt phải chứng kiến. Ít ai có thể hình dung lại ký ức đó mà có thể cầm lòng, không rơi nước mắt; tuy nhiên, mắt của Adnan vẫn khô không khốc, những ngón tay gã run lẩy bẩy khi gã hôn những bức ảnh chụp những đứa con đã chết của mình đang mờ dần.
Vài phút sau Adnan choàng áo khoác lên người và rời khỏi căn hộ của mình. Cuốc xe đạp vào trung tâm thị trấn Brennan không mất nhiều thời gian. Gã xích chiếc xe đạp của mình vào một hàng rào và bắt đầu đi bộ. Gã đến thẳng phía trước Bệnh viện Mercy, và nhìn thoáng qua chỗ làm việc của mình, ít nhất cũng là đến ngày mai. Sau đó ánh mắt của gã vụt liếc sang tòa nhà chung cư bên kia phố, nơi gã biết có hai tên người Afghanistan đang kiểm tra đi kiểm tra lại vũ khí của chúng, bởi vì chúng là những tên cẩn thận và ngăn nắp đến mức bị ám ảnh, tất cả những xạ thủ bắn tỉa giỏi khác đều bắt buộc phải thế.
Adnan đi tiếp, rẽ xuống một con phố rồi lại sang một con phố khác, cuối cùng gã cũng bước vào một con hẻm. Gã gõ lên cánh cửa hai lần. Gã không nghe thấy gì. Sau đó gã gọi to bằng tiếng Farsi. Tiếng bước chân rõ dần, rồi gã nghe thấy giọng của Ahmed trả lời bằng tiếng Farsi.
“Anh muốn gì vậy hả, Adnan?”
“Nói chuyện.”
“Tôi đang bận.”
“Mọi thứ lẽ ra phải xong rồi chứ, Ahmed. Có vấn đề gì à?”
Cánh cửa bật mở và Ahmed hằm hằm nhìn gã. “Tôi chẳng có vấn đề quái gì hết,” Ahmed nói, nhưng hắn vẫn lùi lại để cho Adnan bước vào trong ga-ra.
“Tôi nghĩ sẽ khôn ngoan hơn nếu kiểm tra mọi công đoạn lại một lần nữa,” Adnan nói và ngồi xuống một chiếc ghế đặt cạnh băng ghế làm việc. Ánh mắt của gã hướng vào chiếc xe. Chiếc xe này sẽ có một vai trò vô cùng quan trọng trong ngày hôm sau. Gã hất đầu vào chiếc xe. “Trông ổn lắm, Ahmed. Cậu làm rất tốt đấy.”
“Ngày mai mới biết liệu chúng ta có làm tốt hay không,” Ahmed trả lời.
Hắn và Adnan dành cả hai mươi phút sau đó kiểm tra lại những công việc được phân công của mình.
“Tôi không hề lo lắng về chúng ta,” Ahmed hậm hực nói. “Chính người phụ nữ kia mới làm tôi thấy khó chịu. Cô ta là ai? Cô ta được huấn luyện như thế nào?”
“Đó không phải việc của cậu,” Adnan trả lời. “Nếu cô ta được lựa chọn cho công việc này, điều đó có nghĩa là cô ta sẽ làm tốt nhiệm vụ của mình.”
“Phụ nữ chỉ tốt cho việc sinh con, nấu nướng dọn dẹp.”
“Cậu đang sống trong quá khứ rồi, bạn của tôi ạ,” Adnan nói.
“Quá khứ của đạo Hồi mới thật là vinh quang làm sao. Chúng ta đã có những điều tốt đẹp nhất.”
“Cả thế giới đã vượt qua chúng ta, Ahmed. Đối với những người Hồi giáo, để thực sự trở lại vĩ đại như trước kia chúng ta cũng phải vượt lên cùng với thời cuộc. Hãy chứng tỏ cho thế giới thấy chúng ta có thể làm gì. Và chúng ta có thể làm rất nhiều điều.”
Ahmed nhổ toẹt xuống sàn nhà. “Đó là điều tôi nghĩ về thế giới này đấy. Họ hãy cứ để cho chúng ta được yên.”
“Sau ngày mai chúng ta sẽ thấy là ai đúng.”
Ahmed chầm chậm lắc đầu. “Anh tin tưởng quá nhiều vào những chuyện như vậy. Anh tin tưởng quá nhiều vào tên người Mỹ chỉ huy chúng ta.”
“Ông ta có thể là người Mỹ, nhưng ông ta can đảm và biết mình đang làm gì.” Gã nghiêm khắc nhìn tên thanh niên người Iran.
“Tôi sẽ làm công việc của mình,” cuối cùng Ahmed nói.
“Đúng, cậu sẽ làm,” Adnan trả lời và đứng dậy để ra về. “Bởi vì tôi sẽ ở đó để bảo đảm là cậu phải làm.”
“Anh nghĩ là tôi cần một tên người Iraq trông nom mình chắc,” Ahmed hằn học nói.
“Ngày mai chúng ta không phải là người Iraq, người Iran hay người Afghanistan gì hết,” Adnan trả lời. “Tất cả chúng ta đều là người Hồi giáo, đi theo tiếng gọi của Chúa.”
“Đừng có nghi ngờ niềm tin của tôi, Adnan,” Ahmed nói với giọng đe dọa.
“Tôi không nghi ngờ điều gì hết. Chỉ có Chúa mới có quyền nghi ngờ tâm hồn những con chiên của mình.” Adnan bước ra tới cửa nhưng rồi lại quay người nhìn lại. “Tôi sẽ gặp cậu vào ngày mai vậy, Ahmed.”
“Tôi sẽ gặp anh trên thiên đường,” Ahmed trả lời.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.