Cách Người Phụ Nữ Xuất Chúng Lãnh Đạo
CHƯƠNG 4: BIẾT MÌNH MUỐN GÌ
Tôi biết mình mơ ước gì và tôi tìm cách đạt được chúng. Mọi người có thể khen tôi, “Chúc mừng, chị là một phụ nữ rất mạnh mẽ.” Nhưng tôi làm không phải để nhận những lời khen đó. Tôi làm vì tôi muốn được tự do. Đôi khi tôi nghĩ, “Mình có thể dùng 16 đô đi mua quần áo hoặc một cái máy.” Và khi tôi đến cửa hàng, nhìn thấy đủ loại máy trước mắt, tôi chỉ muốn mua hết thôi! Doanh nghiệp của tôi – đó là cuộc đời tôi.
Maria Esther Landa Chiroque, Nhà sáng lập Tập đoàn Công nghiệp Santa Maria
Chỉ cần bạn phát huy thế mạnh trong những hoạt động yêu thích mà bạn lựa chọn thực hiện, bạn sẽ có được cảm giác hài lòng sâu sắc. Dù công việc ấy là gì đi nữa thì nó cũng khiến bạn hạnh phúc. Bạn có thể đạt đến mức độ hạnh phúc này trong hoặc ngoài công việc. Nếu bạn là vận động viên quần vợt, bạn hiểu cảm giác đó. Hay nếu bạn không chỉ là một thương gia bình thường, mà là một thương gia thành đạt, bạn cũng hiểu cảm giác đó.
Giờ hãy thêm một mục đích nào đó vào những việc bạn làm, và bạn sẽ tìm được ý nghĩa. Các nữ lãnh đạo đã chia sẻ mục đích rõ ràng của họ với chúng tôi, cho phép chúng tôi nhìn xuyên suốt cuộc hành trình của họ. Mục đích định hướng cho những gì bạn làm. Nó là nguồn cảm hứng và là kim chỉ nam để bạn lần theo và tạo sự khác biệt, đồng thời nó giúp bạn cảm nhận được hạnh phúc sâu sắc hơn. Đó mới là điều chính yếu.
Một số phụ nữ hiểu rõ mục đích của mình là gì từ tuổi lên 10. Số khác phải mất nhiều năm làm việc này việc kia mới tìm ra được. Nhưng việc đó không quan trọng. Gerry Lay- bourne, nhà sáng lập kiêm cựu Giám đốc Điều hành của Oxy- gen Networks, đã tìm ra mục đích cuộc đời mình một cách tình cờ. Việc đó bắt đầu khi cô gặp được người đàn ông về sau cô lấy làm chồng. Cuối cùng, cô chuyển sang nghiên cứu trong ngành giáo dục trẻ em và phát hiện ra chuyên môn này chính là sứ mệnh cô hằng khao khát. Sau này cô trở thành nhân tố thúc đẩy sự phát triển của Nickelodeon rồi đến Oxygen.
Mục đích sống của Gerry
Gerry sinh trưởng tại một thành phố nhỏ, cha là thương nhân và mẹ là phát thanh viên đài ra-đi-ô, người đã duy trì tinh thần sáng tạo trong cô. Cô từng cảm thấy mình bị hai người chị gái và em gái với cá tính sôi nổi lấn lướt: “Chị gái tôi là người xinh đẹp và hoàn hảo, còn em gái tôi thì thông minh xuất chúng và đầy lôi cuốn,” cô nhớ lại. Điều đó khiến Gerry không biết định vị bản thân ra sao, cho đến một ngày nọ chính cha cô là người phát hiện ra điểm mạnh tiềm ẩn của con gái mình: “Cha nhìn tôi một lúc rồi nói, ‘Con biết không, con sẽ là cô con gái nối nghiệp kinh doanh của ta.’ Thế là ông dắt tôi đến văn phòng mỗi thứ bảy, dạy cho tôi đủ thứ ký hiệu của thị trường chứng khoán. Chưa tròn 16 tuổi, tôi đã thay cha điều hành văn phòng của ông vào dịp hè. Ông cho tôi tham dự các buổi họp bởi theo ông thì tôi có tài cân nhắc trong kinh doanh hơn ông. Và bởi tôi được nuôi dưỡng trong môi trường kinh doanh nên tôi cảm thấy rất tự tin khi đặt chân vào ngành đó.”
Thật ra Gerry chọn theo học ngành nghệ thuật tự do – đúng hơn là kiến trúc. Nhưng cô sớm nhìn thấy tương lai của mình nhiều năm về sau, tương tự như việc lên được bảng vẽ trước khi bắt tay vào thiết kế bất cứ thứ gì.
Được chồng ủng hộ, Gerry hoàn tất tấm bằng chuyên ngành giảng dạy và làm việc cho một trường tư thục nhỏ. Nhưng cô ao ước có được cảm giác hài lòng như chồng khi anh làm công việc giảng dạy về kỹ thuật làm phim ở những ngôi trường trong khu dân cư lao động. Những đứa trẻ ấy, tuy không biết đọc biết viết, nhưng lại tìm được tiếng nói bên trong mình. Một tia sáng nhỏ le lói trong Gerry. Và trước thời điểm cô tham gia thành lập Nickelodeon (khi ấy mới có ba người) năm 1980, Gerry đã trở thành chuyên gia của chương trình truyền thông dành cho trẻ em.
Ngoài ra cô còn tìm được tiếng gọi nghề nghiệp của mình: “Tôi thật không có cảm tình với ti-vi. Đối với tôi, ti-vi chẳng có gì bổ ích cho bọn trẻ cả và chúng tôi có thể làm ra nhiều thứ hay hơn. Ý tưởng của chúng tôi tân tiến hơn – chúng tôi không lên lớp bọn trẻ, chúng tôi giúp chúng giải trí theo cách tôn trọng chúng.” Con đường sự nghiệp của Gerry với Nickelodeon đầy thăng trầm, bởi cô là người tiên phong mở ra chương trình truyền hình cáp dành riêng cho trẻ em: “Có những điều tôi làm đúng, nhưng cũng có nhiều sai lầm to lớn.” Mỗi trở ngại trong quá trình ấy đã biến thành những cơ hội để cô học hỏi và rút kinh nghiệm. “Tôi đã đặt cược một vố lớn, cực lớn, vào chương trình truyền hình mang tên Turkey TV,” cô nói. “Bài học đầu tiên tôi có được là phải biết lựa tên chương trình sao cho người khác không lấy nó ra làm trò cười, bởi ngay từ tiêu đề nó đã chẳng hay ho gì! Chương trình này tổng hợp lại những đoạn phim hài hước – lấy từ những trò chơi truyền hình của Na Uy, của Ý, những mục quảng cáo và phim hài trên khắp thế giới. Chúng tôi đổ khoảng 1,5 triệu đô vào chương trình này, một nửa ngân sách của chúng tôi. Lần trình chiếu đầu tiên ở nhà chúng tôi vào dịp Lễ Tưởng Niệm, mọi người cùng ngồi xem với nhau. Con trai tôi òa khóc và nói, ‘Mẹ, mẹ đừng bao giờ làm chương trình truyền hình nữa nhé.’ Tệ đến mức đó. Chúng tôi mời mọi người đến văn phòng và cùng nhau nghĩ cách cải thiện. Nhờ đó chúng tôi gắn bó hơn. Cứ như thế, chúng tôi học hỏi và tiếp tục những gì mình làm.”
Khát vọng mà Gerry đặt vào Nickelodeon là vô cùng lớn – hoàn toàn không dừng ở thành công cá nhân. “Tôi nghĩ mình có thể thay đổi cả thế giới, thay đổi toàn bộ quan niệm về truyền hình cho trẻ con, nhưng cái chính là tôi hoàn toàn không quan tâm đến sự nghiệp của riêng mình,” cô nói. “Tôi gần như không hề ý thức về điều đó, bởi tôi chỉ chăm chăm vào việc biến ước mơ thành hiện thực.” Không phải tất cả mọi người đều chung chí hướng với cô. Gerry nhớ trong nhóm làm việc có một phụ nữ, “Cô ấy đến gặp tôi và nói, ‘Chị có muốn trở thành phó chủ tịch hội đồng quản trị không?’ Và câu trả lời của tôi khi ấy là, ‘Tôi thật sự không quan tâm đến vị trí đó. Tôi muốn làm được điều gì đó có ý nghĩa cho bọn trẻ.’ Rồi cô ấy đáp, ‘Nếu chị có ít tham vọng đến thế, thì tôi phải đi tìm việc khác thôi.’ Và tôi trả lời, ‘Chị nên làm điều đó.’ Thật ra tôi có rất nhiều tham vọng, nhưng không nhắm vào cá nhân tôi. Đó là tham vọng muốn thay đổi mọi thứ. Điều mà cô ấy không thể nào nghĩ ra.”
Con đường Gerry chọn đi chưa có ai mở lối, vì vậy cô có được sự tự do (và cả rủi ro) của người tiên phong trong lĩnh vực mới. Cô cảm thấy mình may mắn có được cơ hội này; cô không có đối thủ bởi ai cũng đang mê mải trong ngành truyền thông truyền thống. “Khi nghe bạn nói về công việc liên quan đến truyền hình cáp, người ta sẽ nhìn bạn bằng ánh mắt thương hại, và thầm nghĩ, ‘Tội nghiệp chưa. Đúng là chuyên gia hết thời.’ Vì thế mà nhiều phụ nữ được thỏa sức tung hoành.” Và chính những phụ nữ ấy đã định hình tầm nhìn và cả mục đích cho ngành kinh doanh còn non trẻ. “Tất cả chúng tôi đều khao khát một thứ gì đó. Mong muốn có nhiều người xem, hoặc một thể loại hoàn toàn mới. Và chúng tôi là những nhà thám hiểm đại tài.”
Ngày nay, Gerry lo lắng khi thấy những thế hệ sinh viên nữ mới bước chân vào chuyên ngành kinh doanh mà hoàn toàn không ý thức gì về mục đích hướng tới. “Dù học giỏi đến đâu chăng nữa, họ vẫn cảm thấy lạc lối,” Gerry nói. “Họ cho rằng nếu sáng sớm thức dậy mà không nghĩ đến chuyện kinh doanh thì tức là có điều gì không ổn.” Đối với Gerry, rõ ràng họ chỉ chăm chăm vào tìm hiểu tại sao họ không vui, và họ đang làm gì sai. “Họ gọi cho tôi và nói rằng, ‘Có vẻ như tôi là người yếu đuối khi từ chối công việc mà mình thật sự không thích?’ Tôi trả lời, ‘Không, bạn hoàn toàn chẳng có vẻ gì yếu đuối cả. Bạn chỉ nên theo đuổi công việc mà mình thật sự yêu thích mà thôi.’”
Quan điểm của Gerry hoàn toàn phù hợp với nghiên cứu mà chúng tôi thực hiện. Vai trò của ý nghĩa công việc quan trọng đối với nam giới lẫn nữ giới, nhưng nhiều phụ nữ mong muốn đi tìm ý nghĩa trong công việc hơn. Cô cho biết, “Nói chung, cánh đàn ông quan tâm đến chuyện ai nắm quyền lực hơn. Giống như ‘phải có kẻ chịu thua để tôi thắng’. Phụ nữ lại nghĩ đến điều tốt đẹp cao cả hơn. Tôi không phải là người phụ nữ duy nhất có suy nghĩ đó. Tất cả chúng tôi đều thế, trong thâm tâm, chúng tôi muốn tạo nên sự khác biệt.” Được biết đến như một người trân trọng nam giới và thích làm việc với họ, Gerry nhận ra điểm khác nhau mấu chốt trong mục đích mà hai phái đặt ra cho mình: “Tôi thấy nam giới luôn hào hứng, đầy thách thức và có khả năng tập trung cao độ – đó là nguồn động lực để họ chiến thắng – và điều đó thật sự rất cần thiết cho các tổ chức.”
Đối với Gerry, phụ nữ có khả năng đặt ra và theo đuổi những mục tiêu mang tính thử thách cá nhân to lớn. “Điều tuyệt vời ở phụ nữ là chúng tôi thường hay quên rằng một việc nào đó khó khăn như thế nào. Đó là lý do vì sao chúng tôi sinh con rồi lại muốn có thêm con nữa,” cô nhận xét. “Đó cũng là nguyên nhân bạn có thể quay lại, và thiết lập một hệ thống mới. Có những lúc tôi tưởng mình không thở nổi. Có những lúc tôi cảm thấy kiệt sức. Có những thời điểm tôi không thể hình dung nổi làm cách nào mà mình có thể bước tiếp. Nhưng tôi chỉ nhớ lại những phần tốt đẹp. Và bạn biết điều thú vị trong quá trình phát triển của tôi là gì không? Có vẻ như mọi thứ đều đâu vào đấy cả. Điều gì cũng có lý do của nó.”
Mục đích và vai trò lãnh đạo
Như những gì đã thấy qua câu chuyện đời của Gerry, điều khiến bạn hạnh phúc, điều tạo nên những thế mạnh của bạn và hướng bạn đến mục đích sống cũng chính là điều giúp bạn trở thành một nhà lãnh đạo có khả năng truyền lửa cho người khác. Khi tâm trí bạn có được mục đích cao cả hơn, và cả nhóm đều có cùng mục đích to lớn ấy, việc lãnh đạo sẽ dễ dàng hơn nhiều. Bạn sẽ không vướng vào những chuyện vụn vặt, chẳng hạn như đối thủ nào đang vượt qua bạn, hay phòng ban nào làm việc hiệu quả hơn phòng của bạn, và hàng triệu chuyện gây phân tâm khác nữa. “Đừng lo lắng về bản thân nữa, hãy bắt đầu nghĩ về việc bạn có thể tạo ra môi trường làm việc như ý bạn ra sao,” Gerry khuyên. Đó là một thay đổi lớn đối với cô. “Tôi chuyển từ kiểu suy nghĩ ‘Mọi người ở đây rồi sẽ bị sa thải cả, mình cũng thế,’ sang ‘Mình là người đứng đầu ở đây, và mình phải có trách nhiệm biến nơi này thành chỗ làm việc tốt đẹp hơn.’ Khi có được mục đích trong đời, bạn sẽ tạo nên khác biệt cho những người chung quanh bạn.”
Khi đã có mục đích, việc đặt ra mục tiêu sẽ dễ dàng hơn. Bạn sẽ đủ can đảm đối mặt với những thử thách mới. Nhiều nữ lãnh đạo – giống như Gerry – nhận thấy việc đặt ra những mục tiêu khó đạt được đã thúc đẩy họ lên tầm cao mới. Thật vậy, nếu bạn giữ cái nhìn hạn hẹp – không dám thoát khỏi sự ổn định mình đang có – thường bạn chỉ đạt được những mục tiêu nhỏ và những thành công không đáng kể. Dám thực hiện những gì tưởng chừng như không thể sẽ tạo ra những chuyển biến thần kỳ. Một ví dụ kinh điển là khả năng chinh phục quãng đường 1,6 km trong vòng 4 phút từng được các nhà vật lý học xem là ngưỡng giới hạn mà con người không thể nào vượt qua. Nhưng chỉ hai năm rưỡi sau khi Roger Bannister – người đầu tiên phá kỷ lục vào năm 1954 – có đến 8 vận động viên khác đạt kết quả tương tự. Không phải con người tiến hóa hơn, nhưng chính niềm tin vào những gì khả dĩ đã tạo ra bước tiến thần kỳ đó.
Vì vậy, hãy dám ước mơ những mục tiêu to lớn nhiều ý nghĩa. Trong quá trình nỗ lực để đạt được nó, nếu bạn cảm thấy bằng cách nào đó mình đang từng bước thực hiện mục tiêu của đời mình, bạn sẽ khám phá và cảm nhận được cảm giác mãn nguyện lớn lao. “Tôi thường tưởng tượng nếu mai này chết đi, liệu tôi có thấy những điều mình đã làm là tốt đẹp hay không?” Suzanne Nora Johnson, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị của Goldman Sachs nói. “Mình đã làm được gì để thế giới này tốt đẹp hơn chưa?” Sau khi tốt nghiệp đại học, Suzanne đặt ra mục tiêu “tìm một công việc nơi mình có thể tạo ra những khác biệt lớn lao hoặc thay đổi điều gì đó cho thế giới,” cô nhớ lại. Mơ ước của cô là làm việc cho Ngân hàng Thế giới, nhưng hồ sơ của cô bị từ chối. Vậy là cô vào làm cho Goldman Sachs, ở đó cô chịu trách nhiệm tái cơ cấu nợ của vùng Nam Mỹ. Vậy liệu cô có thực hiện được ước mơ của mình không hay cô thay đổi nó? Cho đến ngày về hưu, Suzanne nói với chúng tôi rằng cô cảm thấy hài lòng sâu sắc vì đã góp phần cải thiện thế giới này bằng nhiều cách, giúp các quốc gia đang phát triển tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người. Đồng thời, cô cũng trở thành nữ lãnh đạo đầu tiên của một trong những công ty hùng mạnh có mặt tại Phố Wall.
Nhưng sẽ ra sao nếu bạn không tìm được ước mơ của mình, hoặc đơn giản bởi bạn không phải là người hay mơ ước? Vẫn còn nhiều cách khác, thực tế hơn để khám phá ra những điều ý nghĩa đối với bạn. Nhà Tâm lý học Tal Ben-Shahar gợi ý bạn hãy viết ra ba danh sách. Bắt đầu bằng những hoạt động bạn thích và những gì bạn có thể làm tốt. Tiếp theo hãy nghĩ về những gì quan trọng đối với bạn. Gerry rất hứng thú với các hoạt động nghệ thuật, giáo dục trẻ em và làm việc đội nhóm. Trong vô số thế mạnh của cô, phải kể đến tính ham học hỏi, khả năng lãnh đạo, sự khéo léo và cả lòng kiên trì cùng nhiều điểm mạnh khác. Và chúng rất quan trọng để giúp cô tạo nên sự khác biệt.
Khi đối chiếu với nhau, bạn hãy tìm ra điểm chung giữa ba danh sách đã viết. Điểm nào nổi trội nhất? Trong trường hợp của Gerry là giáo dục thế hệ trẻ theo phương pháp vừa chơi vừa học, và qua thời gian, nó mang lại ý nghĩa sâu sắc hơn cho cô. Còn bạn thì sao?
Tiếp theo, so sánh các đặc điểm đó với những gì bạn đang làm trong hiện tại. Hãy xem bạn có tìm ra cách cải thiện nào trong công việc sao cho phù hợp với mục đích của mình hay không. Hoặc thử nói chuyện với một người nào đó, đồng nghiệp chẳng hạn, về mục đích của riêng họ. Có thể bạn nhận ra động cơ thúc đẩy của bạn và của họ có một số điểm chung, vì vậy nó góp phần gắn kết các bạn lại với nhau. Nhưng dù mục đích bạn đặt ra là gì chăng nữa, hãy nhớ rằng mục tiêu chưa phải là tất cả, mà còn cả quá trình đạt đến mục tiêu. Quá trình ấy sẽ mang lại cho bạn hạnh phúc và ý nghĩa – hơn cả khi bạn thật sự đạt được mục tiêu. Cảm giác hứng khởi khi cán đích sẽ chóng phai trong khi những trải nghiệm trong suốt cuộc hành trình sẽ đọng lại suốt cuộc đời bạn.
Nếu bạn có mục đích, mục đích đó sẽ giúp bạn thấy hạnh phúc hơn trong suốt cuộc hành trình. Ví dụ, khi biết mình muốn đi đâu, thì bạn không cần lúc nào cũng chăm chăm nhìn vào bản đồ mà có thể ngừng lại dọc đường ngắm cảnh, hít thở không khí trong lành của vùng đồi núi. Có được một mục tiêu đầy ý nghĩa có thể khiến bạn thấy hào hứng hoặc thúc đẩy bạn phát triển cả về mặt cá nhân lẫn nghề nghiệp sẽ giúp bạn bớt mệt mỏi với những gì bạn phải làm hàng ngày: Nếu biết mình muốn thực hiện điều gì trong vòng 10 năm tới, bạn sẽ không còn thấy khổ sở vì những quyết định vụn vặt hàng ngày. Bạn sẽ tận hưởng những gì trước mắt. Bạn không cần lúc nào cũng phải “làm đúng”. Bạn có thể giao phó công việc. Bạn có thể trở thành nhà lãnh đạo tài giỏi hơn. Mọi thứ đều tuyệt.
Hãy nhớ rằng bạn đang tìm kiếm một mục tiêu khó đạt, đủ quan trọng để theo đuổi trong một thời gian dài. Tránh việc bị cám dỗ chỉ tập trung vào mục đích thăng tiến đến một vị trí nào đó. Bởi nó khiến bạn phân tâm và trở nên thất sách. Chúng tôi biết rất nhiều người tự chuốc lấy thất bại kiểu này. Khỏi nói cũng biết, chắc chắn họ cũng không hề tận hưởng quá trình đạt đến mục tiêu.
Nghiên cứu cho thấy những mục tiêu không vì cái tôi cá nhân, mà vì người khác, vì lợi ích chung của cộng đồng sẽ tác động mạnh đến cảm giác hài lòng của bạn. Tuy nhiên, để thật sự có ý nghĩa, mục tiêu ấy vẫn phải mang dáng dấp cá nhân: Nó phải tạo động lực hướng bạn đến những thử thách to lớn và sự phát triển mạnh mẽ hơn.
Vậy tại sao quá nhiều người ngần ngại không dám đi tìm ý nghĩa thật sự trong công việc mình làm? Thường vì họ sợ phải thay đổi hoặc mất đi cảm giác ổn định hiện tại. Chắc bạn hiểu tại sao lại như vậy. Bạn tự thuyết phục rằng bạn không kham nổi rủi ro ấy. Một khi bắt đầu đặt ra hàng loạt câu hỏi, bạn sẽ nhận ra những gì có ý nghĩa với mình không hề giống với những gì lâu nay bạn tin sẽ giúp bạn thành công. Sâu thẳm bên trong, bạn nhận ra những niềm tin ấy dựa trên niềm mong đợi và những giá trị người khác dành cho bạn. Và bạn còn biết mục đích thay thế mà bạn mong mỏi ấy sẽ đưa bạn vào con đường chông gai, gập ghềnh và hiển nhiên mạo hiểm hơn rất nhiều. Bạn có thể thật sự quay lưng lại với những gì mình đang có không?
Sao mà bạn có thể đứng yên tại chỗ được? Chẳng phải rủi ro bị mắc kẹt trong một sự nghiệp mà bạn cảm thấy vô nghĩa và chẳng hề mang lại chút cảm giác hạnh phúc lớn hơn nhiều so với rủi ro khi bạn mưu cầu hạnh phúc bằng cách làm những việc không mấy ấn tượng với người khác?
Nếu bạn trả lời “đúng vậy”, thì hãy cứ tuần tự thực hiện từng bước một.
Hãy tìm cách thử nghiệm trước khi quyết định đường đi nước bước của mình, giống như cách Georgia đã làm. Điều này có lợi vì hai lý do. Trước tiên, bạn có thể tin chắc mục đích đặt ra thật sự là những gì bạn muốn và mục đích đó phù hợp với chính bạn. Hãy thử trước. Thứ hai, đi từng bước nhỏ sẽ giúp bạn kiểm soát rủi ro, phòng trường hợp xấu.
Đừng lo lắng vì những bước khởi đầu không mấy to tát trong quá trình đi tìm mục đích cuộc đời. Mục tiêu của bạn có thể là bàn đạp cho cả cuộc hành trình, chẳng hạn như việc rèn luyện các kỹ năng mới. Bạn sẽ nhận ra quá trình chinh phục ấy chính là nền tảng để bạn phát triển, và chính sự trưởng thành này sẽ mở ra những cánh cửa mới mà giờ đây chắc hẳn bạn chưa biết đến, đó là những chân trời chạm đến niềm đam mê còn to lớn hơn cả bản thân bạn.
Cùng với thời gian, mục đích sống sẽ trở nên rõ ràng hơn nếu bạn không ngừng tìm kiếm. Hãy nhớ lại Gerry Laybourne, người khởi nghiệp là một kiến trúc sư, sau đó chuyển sang nghề giảng dạy, và cuối cùng tìm được sứ mệnh trong ngành truyền hình dành cho trẻ em (và điều hành cả một công ty truyền thông dành cho phụ nữ nữa). Về mặt nào đó, điều ấy thật kỳ diệu.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.