Cách Người Phụ Nữ Xuất Chúng Lãnh Đạo

CHƯƠNG 25: NGUỒN NĂNG LƯỢNG KHÔNG BAO GIỜ CẠN



Tính đến ngày 11 tháng 9 năm 2001, Margaret Jackson đã nắm giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Qantas, hãng hàng không nước Úc, được khoảng một năm. Sự kiện Trung tâm Thương mại Thế giới và Lầu Năm Góc bị tấn công đã thay đổi mọi thứ; Margaret học cách đương đầu với căng thẳng và nỗi bất an kéo dài cho đến năm 2007, khi bà kết thúc nhiệm kỳ.

Chuẩn bị cho vai trò lãnh đạo

Tôi theo học trường công ở một thị trấn nhỏ nằm ở ngoại ô khi mới lên bốn. Tôi vào học sớm hơn tuổi vì ngôi trường tôi học mới có sáu học trò, trong khi họ cần ít nhất là tám để có thể mở lớp. Mãi đến gần 30 tuổi, tôi vẫn cho rằng mình thiệt thòi khi phải theo học trường công, nhưng rồi tôi nhận ra chính ngôi trường ấy đã căn bản hình thành nên con người tôi. Tôi vào cấp ba khi mới 10 tuổi. Những năm tháng ấy, tôi là trường hợp duy nhất. Và trường cũng chẳng cần đặt ra luật lệ gì vì chỉ có 8 cô cậu học trò và 1 giáo viên. Mãi đến lúc đi làm, tôi mới nhận thức ra rằng có những luật lệ, quy định và kỳ vọng buộc bạn phải làm đúng y như thế. Cá tính của tôi không phải vậy, vì khi bạn còn trẻ thì thế giới này không có giới hạn. Thời còn học cấp ba, tôi có một giáo viên môn mỹ thuật rất giỏi, người đã dạy cho tôi làm đồ gỗ, hàn và tất cả những việc mà lẽ ra các cô gái không cần phải làm. Khi vào đại học, tôi nghĩ mình sẽ theo nghề giáo, nhưng một số bạn bè của tôi nộp đơn vào vị trí kế toán. Vậy nên tôi nhủ thầm, “Mình thử làm kế toán trong hè xem có thích hay không. Tôi viết rất nhiều thư xin việc. Và tôi nhận được hồi âm, bạn biết đó, “Cô Jackson thân mến, chúng tôi thành thật lấy làm tiếc là chúng tôi không tuyển phụ nữ.” Vì người ta bảo rằng tôi không thể làm được nên tôi càng khao khát muốn làm. Ở Úc vào đầu những năm 1970, Price Waterhouse là một trong số ít các doanh nghiệp chịu thuê nhân viên nữ. Vậy nên tôi tìm đến đó trước.

Tôi nghĩ nếu nhìn lại cuộc đời đi làm của mình, cứ hai ba năm lại có chuyện mới xảy ra. Có nhiều điều tuyệt vời đã đến với tôi. Tôi có rất nhiều kỷ niệm đẹp nhưng đó không phải là những thứ tôi nhớ. Tôi nghĩ mình là người không hay nhớ về những ngày tươi đẹp. Tôi nhớ về những ngày giông bão. Và nếu tôi nhìn lại con đường sự nghiệp của mình, tất cả những gì kinh khủng hay sai lầm hóa ra lại là những bước ngoặt tuyệt vời.

Tôi thích thay đổi, tôi thích thử thách, tôi thích sự phức tạp. Tôi nghĩ mình giỏi xoay sở trong những tình huống rắc rối liên quan đến con người và trong môi trường phức tạp. Tôi thích nghĩ về ngày mai rồi giúp tổ chức chuẩn bị trước chuyện tương lai mà người khác không nhìn thấy. Đó là điều khiến tôi hào hứng.

Nguồn năng lượng tối cần thiết

Tôi đang là chủ tịch của Qantas thì sự kiện 11 tháng 9 xảy ra. Tôi thức giấc trong đêm và hay tin chiếc máy bay bị dùng làm vũ khí tấn công. Cùng với những tình huống tồi tệ xảy ra trên đất Mỹ, chúng tôi gặp phải các vấn đề an ninh nghiêm trọng trên toàn thế giới.

Chúng tôi có 3.500 hành khách đang kẹt lại Mỹ. Chúng tôi có 3.500 người Mỹ trên đất Úc muốn trở về nhà. Ngài thủ tướng Úc đang ở Washington, và chúng tôi phải đưa được ông về. Trên hết, các trường học chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ, rồi trận chung kết giải bóng bầu dục, và đối thủ chính của chúng tôi cũng đã sập tiệm. Ngày 12 tháng 9, hãng hàng không lớn thứ hai của Úc ngừng các chuyến bay vì vỡ nợ. Một trăm ngàn người Úc mắc kẹt khắp nơi trên đất Úc. Căng thẳng và phức tạp.

Trong vai trò chủ tịch, tôi phải tham gia vào những tình huống cực kỳ phức tạp đó. Đáng nhớ nhất là quá trình làm việc với một số quản lý. Tôi cũng phải hứng chịu căng thẳng và áp lực y như họ. Bạn làm việc 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần, và có cảm giác như cứ năm phút một lần lại có một tên lửa phóng ra. Và bạn không thể dự đoán chuyện gì sắp xảy ra. Chung quanh bạn là các chính trị gia, ngài thủ tướng và còn rất nhiều bộ trưởng của các bộ ngành khác, ai cũng chăm chú theo dõi mọi chuyện.

Tôi còn nhớ giữa lúc dầu sôi lửa bỏng đó, tôi về nhà một tối nọ và quyết định sẽ tỉa cây mận trong vườn nhà. Khi ấy tôi chưa hề biết tỉa cây là gì. Nhưng khi tôi về đến nhà, đó là việc tôi muốn làm. Tôi lôi thang ra, lấy kéo tỉa cây rồi trèo lên xử cây mận. Đến lúc chồng tôi về tới nhà thì hai phần ba cây đã nằm la liệt trên mặt đất. Anh hỏi, “Em làm cái gì vậy?” Khi ấy tôi mới nhận ra là mình còn thật sự không biết mình đang làm gì. Tôi tỉa cây để giải tỏa những căng thẳng chồng chất bên trong.

Rồi tôi nhủ thầm, “Hay thật, mình vừa hoạt động thể chất để xóa bỏ sự căng thẳng trong đầu.” Tôi đến Sydney, nói chuyện với các quản lý cũng đang trong trạng thái căng thẳng không kém. Tôi bắt đầu chia sẻ câu chuyện xén cây mận của mình. Tôi bảo họ nếu mọi chuyện có đang đảo lộn nơi công sở cũng như ở nhà thì cũng chẳng sao cả. Và tuyệt làm sao, họ bắt đầu chia sẻ những câu chuyện tương tự, như trên đường đánh xe về nhà, họ thấy bên trái đường có một cái cây, và họ nghĩ lẽ ra nó phải nằm bên tay phải. Thế là họ lấy xẻng ra dời cái cây đi. Thật lạ thường là không biết bao nhiêu lần mọi người kể tôi nghe chuyện họ làm cái này cái kia. Khi bạn là chủ tịch và chia sẻ chuyện của mình, bạn khuyến khích người khác chia sẻ chuyện của họ. Mọi thứ cũng bớt căng thẳng đi một chút.

Hoạt động không như ngày thường

Cảm giác của tôi cũng giống như bao người khác trên hành tinh khi chứng kiến cảnh chiếc máy bay đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới. Thật không thể tin nổi chuyện như thế lại xảy ra trong cuộc sống. Sau đó tôi nghĩ, “Mình là chủ tịch của hãng hàng không, CEO và ban điều hành có quá nhiều thứ phải làm. Mình phải làm gì để tháo gỡ tình cảnh, giảm sức ép lên vai họ và dĩ nhiên là phải hữu ích?” Tôi lãnh trách nhiệm làm việc với chính quyền liên bang, từ an ninh đến thủ tướng, xử lý mọi vấn đề rắc rối mà họ mang lại. Cảm giác y như bạn ngồi trên chiếc tàu lượn siêu tốc không bao giờ dừng lại. Bạn nghĩ, “Mình đã sống sót qua được hôm nay.” Rồi chuyện khác xảy đến. Rồi chuyện khác nữa lại xảy đến.

Mọi người lên kế hoạch cho những tình huống khác nhau. Thường thì khi làm việc này, bạn sẽ dự kiến chừng một hay hai tai họa có nguy cơ xảy ra. Nhưng sau sự kiện 11 tháng 9 thì phải có đâu khoảng hai mươi tai họa như thế. Hết đợt này đến đợt khác. Cái hay ở đây là bạn phải liên tục bước tới. Bạn không biết nghỉ ngơi là gì, không có chuyện ngồi thư giãn. Một hoàn cảnh bất thường chưa từng thấy. Cách chúng tôi xử lý tình huống cũng khá thú vị. Thông thường, để ra quyết định trong ngành hàng không, bạn phải cực kỳ thận trọng, và cần rất nhiều thông tin. Và bạn xúc tiến mọi thứ rất chậm. Nếu muốn mua một chiếc máy bay mới, quá trình cân nhắc phải kéo dài hơn 18 tháng với vô số cuộc họp ban điều hàng và hàng ngàn bản báo cáo. Rồi bạn tính toán tài chính, xem mình sẽ khai thác chiếc máy bay mới trên những chặng bay nào, cứ thế. Nhưng tại thời điểm ấy, chỉ trong vòng vài tuần, chúng tôi đưa ra những quyết định thường kéo dài nhiều tháng hay nhiều năm. Chúng tôi thậm chí còn chẳng có thời gian để ngồi họp trực tiếp, tất cả đều bàn qua điện thoại. Và bạn biết không, chúng tôi thu thập được 80% thông tin trong 20% thời lượng, phần còn lại chúng tôi không quan tâm. Chúng tôi cũng phải khoan dung hơn với nhau. Chúng tôi không có nhiều thời gian để ra quyết định. Chúng tôi cần một văn hóa doanh nghiệp kiểu như, “Bạn cứ quyết định đi và nếu sai thì cũng không sao cả. Cứ tiếp tục ra những quyết định khác. Đừng bận tâm mãi về nó.”

Đó là một trải nghiệm thú vị đối với tất cả mọi người. Tôi còn nhớ trong khoảng thời gian đó, một ngày nọ tôi đến sân vận động xem bóng đá. Khi tôi đến nơi, ngài thủ tướng gọi cho tôi nói về một chuyện không hay xảy ra.

Suốt thời gian trận đấu diễn ra tôi ngồi lì trong nhà vệ sinh vì đó là nơi duy nhất có thể nói chuyện điện thoại. Tôi gọi cho CEO, tiếp theo gọi cho ngài bộ trưởng giao thông, rồi gọi lại cho thủ tướng, rồi quay lại nói chuyện với CEO. Tôi thu thập thông tin, ra quyết định, thực thi quyết định, rồi lại đón nhận một mớ chuyện khác. Thật là một giai đoạn đầy hứng thú.

Nhưng mất nhiều thời gian sau chuyện mới đi đến hồi kết. Tôi ngồi ở ghế chủ tịch của Qantas suốt bảy năm rưỡi, và trong khoảng thời gian ấy, nào là vụ 11 tháng 9, 12 tháng 9, đánh bom ở Bali, đánh bom lần một, đánh bom lần hai, cúm gia cầm, SARS, chiến tranh Iraq. Thêm giá cả xăng dầu tăng chóng mặt nữa. Mấy lần đồng tiền lên xuống thất thường. Chuyện thay thế trang thiết bị trong máy bay khiến chiếc Airbus A-380 phải xuất xưởng muộn hơn dự kiến. Chẳng bao giờ hết chuyện. Chúng tôi gọi đó là Hội chứng Khủng hoảng Không ngừng. Sống sót qua thời kỳ đó dạy cho tôi trở thành một nhà điều hành khác hẳn. Bạn không thể cứ xem đi xem lại hay cân nhắc hết mọi thông tin trong tình cảnh đó. Thế rồi bạn nhận ra mình đâu nhất thiết phải suy nghĩ nhiều đến thế! Bạn chỉ cần sớm thu thập phần lớn thông tin, rồi nghe theo trực giác mách bảo. Bạn phải tin mọi người chung quanh. Và nếu có ai đó không thể đương đầu với thử thách, bạn phải đi tìm người khác phù hợp hơn.

Tích cực hồi phục sức lực

Mỗi một thời kỳ căng thẳng khác tôi từng trải qua trước đây đã dạy cho tôi những nguyên tắc có thể áp dụng vào giai đoạn này. Bạn phải ăn uống đàng hoàng. Bạn phải ngủ đủ giấc. Bạn phải dành thời gian thư giãn. Bạn phải tập thể dục.

Các hoạt động thể chất đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Bạn quá căng thẳng và có quá nhiều năng lượng nhưng rồi sau đó bạn sẽ trở nên thái quá. Ai cũng cảm thấy khó mà dịu lại được. Bạn quá quen với trạng thái kích động nên muốn điềm tĩnh lại cũng khó. Nhưng có lúc, tôi nhận ra mình đang chạy vội vã thay vì đi thủng thẳng, vì như thế tôi chỉ mất chừng mười lăm phút thay vì nửa tiếng. Tôi biết mình mất kiên nhẫn với gia đình dù tôi đã rất nỗ lực chịu đựng. Không phải lúc nào bạn cũng nhận ra sức ảnh hưởng của mình lên người khác.

Từ lúc học đại học tôi đã tập yoga, và nó thật sự giúp ích cho tôi trong khoảng thời gian ấy. Những lúc tôi thấy mình quá mức căng thẳng, tôi tập thở yoga để thư giãn. Nhờ ngồi thiền mà tôi có được những phút giây ngập tràn hạnh phúc khi tìm thấy sự bình an trong tâm hồn. Tôi thật sự thích bản thân mình. Tôi hài lòng với con người mình. Tôi khá thoải mái khi làm những điều nhỏ nhặt. Và tôi thường nghĩ, “Sao mình lại làm mấy chuyện này?” Tôi rất quyết tâm, từng bước từng bước một. Cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác mở ra.

Một điều khác nữa là đi bộ. Tôi là người rất tin vào hoạt động này. Sự nhịp nhàng mang đến một điều gì đó. Gần giống như việc đưa võng ru trẻ ngủ. Khi bạn ra ngoài đi bộ một vòng, hàng ngàn thứ đang quay cuồng trong đầu bạn. Bạn không biết câu trả lời là gì. Nhưng khi về nhà sau cuộc tản bộ, mọi thứ lại đâu vào đấy.

Tôi cũng thích giải lao. Tôi thích những lúc ngồi trầm ngâm. Mấy năm qua tôi chụp rất nhiều hình. Năm ngoái, tôi bắt đầu vẽ tranh và bị cuốn vào nó. Khi vẽ, tôi nhìn tác phẩm của mình và ngẫm nghĩ, “Làm sao mình làm được nhỉ?” Như thể tôi chẳng biết ý tưởng từ đâu ra nữa. Rồi tôi ngắm nghía bức tranh và nói, “Chao ôi, mình vẽ ra nó.” Quá trình sáng tạo thật là thú vị! Nhưng rồi tôi nhớ lại, cả sự nghiệp của mình tôi vẫn luôn sáng tạo đó thôi.

Nhìn lại mọi thứ

Một kinh nghiệm tôi có trong năm cuối cùng ở vị trí chủ tịch nhấn mạnh quan điểm này. Tôi đang nằm trong bệnh viện, và Qantas sắp sửa bị một doanh nghiệp khác mua lại. Tôi trả lời phỏng vấn trong bệnh viện, mà lẽ ra tôi không nên làm thế. Bài phỏng vấn ấy hơi khác thường cho sự kiện lần này.

Ngay sau khi phỏng vấn xong, tôi nhận ra mình quá hùng hổ. Không phải tôi dùng từ ngữ gì thô lỗ, chỉ là hơi quá. Tôi rất mệt và phải dùng nhiều thuốc. Khi bạn bệnh nặng, chẳng khác nào bạn tự chặt chân mình, và bạn nghĩ, “Mình bệnh, nhưng mình còn việc phải làm. Mình còn nghĩa vụ phải hoàn thành. Mình là chủ tịch. Mình phải lo chuyện này.”

Tôi nghĩ khả năng suy xét của mình đã suy giảm và tên phóng viên đã nhử tôi ngay từ đầu. Bình thường tôi chẳng phản ứng gì đâu, nhưng anh này buộc tội CEO vào một số chuyện không đúng. Tôi phản ứng lại, và cơn giận bốc lên ngùn ngụt. Mọi cảm xúc tức giận, khó chịu vì tình trạng sức khỏe hiện tại và vì cách hành xử của giới truyền thông trước việc công ty bị mua lại cứ thế tuôn ra. Ngay sau khi trả lời phỏng vấn, tôi gọi điện cho CEO và nói, “Tôi nghĩ mình vừa gây to chuyện,” và tôi thú nhận những gì mình đã làm. Rồi tôi nghĩ, “Mình phải làm gì đây? Lời đã thốt ra rồi, mình đâu thể nào gọi lại cho phóng viên đó và nói, ‘Đừng có in bài,’ vì nó không chuyên nghiệp chút nào.”

Ngày hôm sau tôi đọc bài báo và thầm nghĩ, “Trời đất ơi, ước gì mình đừng nói thế.” Ban đầu tôi nghĩ đó chỉ là chuyện ngày một ngày hai. Nhưng mọi thứ không kết thúc sớm. Nó cứ tiếp diễn. Và tôi cứ nghĩ, “Sao chuyện này không chìm xuồng giùm?” Nhưng mặt khác, cũng bởi tôi không khỏe, và chính điều đó giúp tôi đương đầu với tình huống. Tôi nhìn nhận lại mọi thứ. Tôi nghĩ, “Mình vẫn còn sống. Sức khỏe không có gì nguy kịch.” Tôi vẽ ra viễn cảnh của vài tuần tiếp theo, “Mình khỏe hơn nhiều. Mình vẫn làm việc tốt.” Còn bây giờ, sau hơn một năm, tôi nghĩ, “Những gì mình nói trước đây hoàn toàn chân thật.” Đó đúng là sự kiện đáng nhớ. Giờ đây mọi người cho rằng, “Những gì chị nói là hoàn toàn đúng.” Nhưng đúng hay không thì bạn cũng chẳng được lợi lộc gì.

Những gì xảy ra với tôi có liên quan đến đạo đức nghề nghiệp của bản thân tôi. Nếu nhìn lại toàn bộ sự nghiệp, tôi chính là người phụ nữ đầu tiên làm chủ tịch của một trong 50 doanh nghiệp hàng đầu nước Úc. Tôi luôn mang cảm giác mình có một phần trách nhiệm với những người phụ nữ khác; bạn không thể làm đội ngũ thất vọng. Bạn phải nỗ lực hết mình. Ngay cả khi tôi bệnh, chúng tôi cũng không có bất kỳ vị phó chủ tịch nào. Sau này nhìn lại, tôi mới thấy rằng ngày đó lẽ ra mình nên trả lời, “Hôm nay không phải là thời điểm tốt để tôi trả lời phỏng vấn. Tôi sẽ nhờ CEO hoặc một giám đốc khác thực hiện thay.”

Một từ cuối cùng: Lạc quan

Tôi luôn nỗ lực nhìn ra điểm tốt ở mọi người. Tôi luôn cho rằng khi sự việc trở nên tồi tệ, tôi phải đối mặt với nó vì một lý do nào đó. Rồi mặt trời sẽ lại chiếu sáng và cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. Tôi thích nghĩ về ngày mai.

Ngày hôm nay tôi hạnh phúc nhưng ngày mai lại là một ngày hoàn toàn mới mà tôi chưa được tận hưởng. Thế nên ngày mai luôn khiến tôi cảm thấy hào hứng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.