Cách Người Phụ Nữ Xuất Chúng Lãnh Đạo

CHƯƠNG 12: CÔNG TY LÀ MỘT ĐẠI GIA ĐÌNH



Làm thế nào để điều phối 50.000 người hoàn thành công việc? Điểm mấu chốt là bạn để cho họ giúp mình bằng cách nào. Chúng ta đi từ chỗ “Để tôi nói cho anh biết câu trả lời” đến chỗ “Anh nghĩ chúng ta nên làm gì?” Chúng ta có khiến họ cảm thấy mình quan trọng, hay chúng ta gây cho họ cảm giác mình chẳng là gì cả? Vì thế, ẩn chứa bên dưới sự thay đổi trên chính là thành tố nền tảng này, và quả thật, nó thúc đẩy mọi thứ diễn ra.

Brenda Barnes, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO, Sara Lee Corporation

Khi chúng tôi hỏi các nữ lãnh đạo về những mối quan hệ, hầu như người nào cũng nói về đội ngũ nhân viên và đồng nghiệp của mình nhiều không kém, thậm chí còn nhiều hơn những gì họ kể về người đỡ đầu của họ. Các nữ lãnh đạo ca ngợi sự mầu nhiệm của sức mạnh đội nhóm và niềm tự hào khi thấy toàn thể doanh nghiệp cùng nhau tiến lên. Sự mãn nguyện họ có được khi thấy mọi người cùng phát triển cũng không khác gì cảm giác viên mãn về mái ấm gia đình. Sự thật là họ thường nói về tổ chức của mình như gia đình thứ hai.

Dù chưa có một khám phá đáng chú ý nào chứng tỏ khả năng kết nối là đặc điểm quan trọng trong nghệ thuật lãnh đạo, nhưng qua những gì các nữ lãnh đạo của chúng ta nhấn mạnh, thì hẳn ta không thể không quan tâm đến nét đặc trưng đó. Như chúng ta đã biết, phụ nữ sinh ra với bản năng tìm kiếm và nuôi dưỡng các mối quan hệ. Dấu vết của yếu tố sinh tồn thời xa xưa “chăm sóc và kết thân” còn tồn tại đến ngày nay, thông qua những kích thích tố mang tính xã hội, vốn chi phối khả năng sống sót của con người – và cả sự thành công nữa.

Một ví dụ điển hình chính là nữ CEO của hãng Xerox, Anne Mulcahy, người gia nhập Xerox vào năm 1976 ngay sau khi tốt nghiệp đại học và không bao giờ rời bỏ doanh nghiệp. Chính bản năng quan tâm, kết thân và kết nối với người khác đã làm nên sự nghiệp lãnh đạo của bà. Nổi tiếng là một doanh nghiệp gương mẫu trong việc thực thi nghĩa vụ đối với xã hội, nhưng vào năm 2001, Xerox vướng vào vụ bê bối sổ sách kế toán và bị Ủy ban Chứng khoán Và Ngoại hối Mỹ (SEC) phanh phui, buộc doanh nghiệp này phải cắt đi con số 6,4 triệu đô trong bản báo cáo doanh thu đã công bố.
Hậu quả là chỉ số chứng khoán của Xerox rớt thảm hại. Chính Anne đã giúp Xerox hồi phục một cách ngoạn mục, và bà làm được mọi thứ nhờ có sự đồng lòng của tất cả mọi người. Chính phong cách của bà ở vị trí CEO là những gì Xerox cần vào thời điểm sống còn đó.

Mô hình doanh nghiệp gia đình

Anne nhớ lại thời thơ ấu của mình: giản dị, bình thường và được thương yêu hết mực. Nhà Mulcahy không giống với các gia đình khác ở một điểm: Cách họ dạy dỗ Anne, đứa con gái duy nhất, cũng y hệt cách họ giáo dục bốn cậu con trai. “Cha mẹ kỳ vọng vào tôi cũng cao không kém gì các anh em trai,” Anne nói, “Vì vậy tôi thấy mình khá may mắn khi được lớn lên trong một môi trường được nhiều người ủng hộ, từ gia đình đến bạn bè.”

Anne chọn Xerox để khởi nghiệp vì cô trân trọng các giá trị đã quá nổi danh của doanh nghiệp này, như tính kết nối và trách nhiệm với xã hội. Sau khi gia nhập, cô nhận ra đây là một môi trường tốt để nuôi dưỡng tài năng. “Trong 20 năm đầu tại Xerox, tôi tận hưởng công việc mình làm. Tôi cảm thấy mình được trân trọng, được góp phần phát triển doanh nghiệp, và không có gì nhiều hơn thế,” cô giải thích. Công ty trở thành mái nhà thứ hai của Anna, và nhiều đồng sự của cô cũng cảm nhận được tình cảm gắn bó đó.

Cô bắt đầu trong lĩnh vực bán hàng vì muốn tập trung vào những kết quả đo đạc theo số lượng đi kèm với giá trị tài chính. Thời điểm đó vẫn là những ngày khởi đầu cho nữ giới nơi công sở tại Mỹ, nhưng cô tin vào điều cha mẹ dạy: Một khi đã bắt tay vào thực hiện, cô có thể làm được bất kỳ điều gì nam giới làm. Có lần cô không làm được điều mình muốn, và cô nhận ra có thể có một số yếu tố tiềm ẩn chống lại mình. “Tôi vẫn còn nhớ lần phỏng vấn vào vị trí giám đốc kinh doanh sau vài năm làm việc, và tôi đã không thành công,” cô kể. “Một trong những điều tuyệt vời nhất mà tôi được dạy dỗ từ nhỏ là tôi không bao giờ cho rằng mình thất bại là bởi vì mình là phụ nữ.”

Anne không bỏ cuộc, và cuối cùng cô cũng nhận được vị trí đó – lãnh đạo đội ngũ kinh doanh tại tiểu bang Maine của Hoa Kỳ – không hẳn là một cơ hội tươi sáng. Khó khăn hơn cả là các thành viên trong nhóm đều là những nhân viên nam nhiều tuổi, làm việc đã lâu năm. Mọi thứ đều bất lợi cho cô. Nếu là bạn, liệu bạn dám chấp nhận thử thách đó không?

Anne thì dám! Vị trí đó là bước ngoặt trong sự nghiệp của cô. “Đó là một trong những kinh nghiệm tuyệt vời nhất, khi bạn dành cho người khác một cơ hội, và bạn tìm hiểu họ, rồi khi mọi người thật sự đồng lòng trong công việc, ai cũng vui vẻ với phần việc của mình,” Anne nhớ lại. “Bất chợt, họ bắt đầu thích làm nhiều việc hơn lúc bình thường.” Cô học được rằng, đôi khi bạn có thể đạt được những thứ to lớn đến không tưởng – bằng sức mạnh tập thể. Cô còn thích khơi dậy những điều tốt đẹp nhất nơi người khác và nhận ra mình có tài lãnh đạo.

Anne không ngừng đón nhận những thử thách lớn lao hơn cho đến khi cô lãnh trách nhiệm quản lý chi nhánh tại thành phố New York, khu vực tuyệt vời nhất vùng Bắc Mỹ. Cô hoàn toàn có thể tham gia vào ban điều hành, nhưng với con nhỏ ở nhà, cô còn những ưu tiên khác trong cuộc sống. Trong mắt bạn bè, việc cô từ chối cơ hội thăng tiến vào vị trí triển khai những ý tưởng đảm bảo chất lượng doanh nghiệp và báo cáo trực tiếp cho chủ tịch Xerox tại Mỹ chẳng khác gì bóp chết sự nghiệp của chính mình. Cô chỉ nhẹ nhàng lắc đầu; vì như vậy có nghĩa là cô phải chuyển gia đình mình đến Rochester cho nhiệm vụ mới.

Ngay cả tại thời điểm đó, đây vẫn không phải là quyết định khó khăn đối với Anne. Thay vào đó, cô nhận việc thuộc mảng tiếp thị rồi chuyển sang một công việc bên mảng nhân sự, một lĩnh vực cô chưa từng nghĩ đến nhưng chính nó lại mang đến cho cô bước đột phá lớn. “Lúc đó, doanh nghiệp đang trải qua một cuộc thay đổi triệt để, và vị trí nhân sự lại đầy lôi cuốn bởi nó liên quan đến việc quản lý sự thay đổi và tính hiệu quả của tổ chức,” cô giải thích. “Mảng nhân sự trở thành nhân tố tác động đến tương lai của doanh nghiệp, và tôi cảm thấy thật hào hứng.” Công việc đó đóng vai trò quan trọng trong quá trình học hỏi về lãnh đạo của cô. “Tôi thích giải quyết vấn đề, dù đó là vấn đề của con người hay doanh nghiệp,” cô nói. “Chỉ cần quanh bạn có đủ người thông minh cùng năng lượng tích cực để tháo gỡ khó khăn, mọi thứ sẽ ổn thỏa.”

Trong suốt quá trình, Anne luôn duy trì mối quan hệ với một nhóm người trong tổ chức góp phần vào thành công của cô. “Tôi nghĩ không phải ai cũng có được nhiều sự giúp đỡ như tôi,” cô nói. “Giữ liên lạc và kết nối với những con người cùng chiến tuyến là điều rất có giá trị, nhằm thu thập những kiến thức giúp bạn định hướng điều hành doanh nghiệp. Tôi chỉ là người được hưởng lợi từ một tập thể lớn mạnh, những người sẵn lòng ủng hộ và giúp đỡ tôi. Đó mới là yếu tố thành công thật sự nơi đây.”

Chính những mối quan hệ sâu rộng đã giúp ích cho Anne rất nhiều khi cô trở thành CEO và đối diện với thử thách xoay chuyển doanh nghiệp. Ngay từ đầu, cô tiếp cận vấn đề bằng nỗ lực của toàn công ty. “Tôi nghĩ nếu bạn nói cho mọi người biết rằng họ là những thành tố quan trọng trong tổ chức, họ sẽ cảm nhận được điều đó,” cô giải thích. “Những người làm việc trong Xerox biết tôi nhận ra cách duy nhất để hoàn tất công việc là phải có được cả trái tim lẫn khối óc của họ. Điều đó khiến họ trở nên tràn đầy sinh lực và động lực.”

Nhiều CEO không gặt hái được kết quả bởi họ không có được sợi dây liên kết đó, theo lời Anne nói. “Tôi từng chứng kiến nhiều CEO cực kỳ thông minh, sắc sảo nhưng không được ai ủng hộ. Nếu bạn chỉ có thể chọn một, hãy tập trung vào sự ủng hộ của tập thể. Có rất nhiều người giỏi giang đủ khả năng ra quyết định và điều hành doanh nghiệp, nhưng sự ủng hộ mới là chìa khóa thành công của một doanh nghiệp lớn, nơi sự đồng lòng làm nên tất cả. Đó là cách bạn hoàn thành công việc. Tôi nghĩ các nhân viên biết tôi tin tưởng họ, rằng tôi quan tâm đến họ, rằng tôi ý thức được sức mạnh bắt nguồn từ sự đồng tâm hiệp lực của tất cả thành viên khi đứng trước vấn đề cần giải quyết. Và nếu điều đó được thể hiện rõ ràng, tôi nghĩ họ sẽ hy sinh vì bạn, và họ đã làm thế thật.”

Các mối quan hệ rộng mà bạn có được trong tổ chức còn mang đến những trách nhiệm mới cho chính người lãnh đạo tổ chức đó. “Họ trông đợi ở bạn, họ biết bạn là ai,” Anne nói. “Nhu cầu đảm bảo không làm cho họ hoặc thế giới bên ngoài thất vọng tạo ra áp lực to lớn nhất cho một CEO hay một lãnh đạo trong bất kỳ lĩnh vực nào. Điều duy nhất bạn không bao giờ muốn là khiến người khác thất vọng. Vì vậy, bạn phải chắc chắn rằng mình đáp ứng được kỳ vọng và xứng đáng với một vị trí cao cấp như thế này.” Mức độ kết nối cao này còn đồng nghĩa với việc thiết lập và giữ gìn lòng tin – điều bạn chỉ có thể làm nếu bạn thật sự là chính mình.

Khi một cộng đồng được phát triển nơi công sở, nó khiến công việc trở thành một việc đáng làm, đồng thời nó cũng giúp Anne vượt qua những thời điểm khó khăn. “Điểm mấu chốt nằm ở các mối quan hệ và kinh nghiệm. Đó chính là tài khoản tình cảm mà bạn gầy dựng,” cô nói. “Tôi không biết mọi người làm sao có thể hoàn thành những công việc này mà không hề có chút cảm xúc. Bạn lúc nào cũng cần có sự góp mặt của cảm xúc và đam mê để mang lại điều tốt nhất cho doanh nghiệp. Về phương diện đó thì không nơi nào bằng được nơi này. Có thể khi nói về doanh nghiệp, phụ nữ dễ dùng những từ như yêu thương, cảm xúc và đam mê hơn nam giới.”

Đối với Anne, tình yêu thương và khả năng kết nối bắt nguồn từ gia đình. Và cô vẫn tiếp tục phát huy nó mỗi ngày trong cách cô lãnh đạo. Không có gì thay đổi.

Hãy để bản năng dẫn dắt

Anne Mulcahy thành công rực rỡ nhờ biết lắng nghe bản năng. Bằng cách đi theo tiếng gọi của nhu cầu chăm sóc người khác và kết thân, cô đã thật sự có được một “đại gia đình” Xerox trong mạng lưới quan hệ của mình. Và gần như người phụ nữ nào chúng tôi có dịp tiếp xúc cũng đều đề cập đến tình cảm Anne dành cho họ khi chia sẻ về nhóm làm việc của mình. Bạn có thấy những điều tương tự trong cuộc sống không?

Hãy nghĩ về mức độ quan trọng của những mối quan hệ ngoài xã hội và trong doanh nghiệp đối với phụ nữ. Lịch sử có vô vàn những ví dụ về các nhóm hội phụ nữ đã tồn tại qua nhiều thế hệ và mang lại sự hỗ trợ không gì sánh được cho các thành viên, như nhóm đấu tranh giành quyền bầu cử cho nữ giới đã chiến thắng nhờ biết chung sức hành động, thêm các diễn đàn chính trị của nữ giới vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Hoặc hãy nghĩ về các nhóm tự phát – như hội thêu thùa của những phụ nữ đã lên chức bà, hoặc hội chơi bài Brit mà nhiều bà mẹ hết sức ưa chuộng. Thời nay bạn có thể là thành viên của hội thích đọc sách hoặc gia nhập một nhóm có chung một sở thích nào đó.

Mong muốn thuộc về một nơi nào đó cũng là một đặc điểm có thể giúp ta lãnh đạo và kết nối với thế giới phụ nữ rộng lớn hơn trong lĩnh vực ta chọn. Lấy ví dụ, Khoa Kinh doanh thuộc Trường Cao học Stanford tạo ra các nhóm phụ nữ họp mặt hàng tuần trong suốt hai năm họ học tại trường. Các nhóm này có tên gọi Phụ Nữ Trong Quản Lý thường duy trì được nhiều năm sau khi họ tốt nghiệp. Nhiều phụ nữ kể về trải nghiệm đó như một trong những điều đáng nhớ nhất khi theo học tại trường.

Và nếu bản năng trở thành một thành viên của nhóm giúp ta phát triển nhờ những mối quan hệ, nó còn giúp ta biến môi trường thù địch thành một nơi cởi mở, an toàn hơn. Chúng tôi có thể chứng minh điều này, nhưng chúng tôi không cần phải làm thế; nếu bạn từng làm trong một môi trường toàn nam giới, hẳn bạn sẽ hiểu điều chúng tôi muốn nói. Phụ nữ là bậc thầy trong việc xây dựng nhóm. Các nhà lãnh đạo sử dụng khả năng kết nối để tạo ra một môi trường tốt hơn cho những người chung quanh, kích hoạt nguồn năng lượng tích cực cũng như những ý tưởng mới mẻ. Như những gì Anne đã cho ta thấy, khi các nữ lãnh đạo thể hiện sự quan tâm đến các thành viên trong đội ngũ, họ sẽ nhận thấy nhân viên của mình sẵn sàng làm những điều tuyệt vời nhất trong khả năng của họ. Và khi một đội ngũ thành công, thành công ấy sẽ mở rộng tính kết nối đến những đội ngũ khác, mang lại nhiều thành công hơn nữa cho tổ chức.

Rèn luyện khả năng kết nối còn hữu ích cho chính bản thân các nhà lãnh đạo nữa. Những lãnh đạo biết cách thúc đẩy sự phát triển của những người chung quanh mình có khả năng đọc các biểu hiện cảm xúc của họ. Không có gì lạ khi nhiều phụ nữ có trí thông minh cảm xúc cao (EQ) – hiểu được nhiều điều sâu sắc mà lời nói không thể nào diễn đạt hết. Từng có không ít nghiên cứu cho thấy phụ nữ nắm bắt được những gì đang xảy ra tốt hơn nam giới. Và nhờ những nguồn thông tin bổ sung đó, phụ nữ cũng giỏi đưa ra quyết định hơn. Bạn có thể tự mình kiểm chứng. Sau một cuộc họp, hãy hỏi những người phụ nữ có mặt lúc đó về những gì đã diễn ra. Rồi quay sang hỏi các ông. Trong đa số trường hợp, phụ nữ nhớ được nhiều chi tiết hơn về cuộc họp, và còn đề cập đến những cung bậc cảm xúc mà nam giới có thể bỏ qua. Chưa hết, chính những biểu hiện cảm xúc này có thể cung cấp cho ta lời giải thích về lối suy nghĩ và hành vi của người khác, và chúng sẽ ảnh hưởng đến các quyết định của bạn trong vài trường hợp.

Còn nhiều điều hay hơn nữa. Mặc dù mọi người thường nói ta nên kiềm chế cảm xúc nơi công sở, nhưng nếu biết cách sử dụng bản năng và năng lực của mình trong việc nhìn thấy được cảm xúc thật trong một tình huống và dành thời gian phát huy tiềm năng ở người khác, bạn sẽ trở thành một nhà lãnh đạo cừ khôi.

Sử dụng bản năng đúng mục đích

Có thể bạn đã là một nhà lãnh đạo giỏi kết nối với người khác. Nhưng nếu chưa đạt đến trình độ đó, bạn có thể cần đến bản năng để trở thành một người như thế. Hãy suy nghĩ mà xem. Điều gì khiến bạn gắn bó với người khác? Bạn cảm thấy thế nào khi lãnh đạo một nhóm so với khi làm việc độc lập một mình? Hãy nhớ lại người khác đã hỗ trợ giúp đỡ bạn ra sao. Nhớ đến những lúc bạn cần một lối thoát, vào thời điểm đó, trong đầu bạn nghĩ gì? Thế còn những lần bạn không biết phải làm sao và tìm đến những người dày dạn kinh nghiệm hơn để xin ý kiến? Điều gì giúp được bạn lúc đó – một định hướng rõ ràng, một ý tưởng hay, sự cam đoan, hoặc ngay cả một cú hích nhẹ – rất có thể chính là điều bạn có thể dùng để giúp người khác.

Thậm chí nếu bạn là người có tinh thần cạnh tranh mãnh liệt, bạn vẫn có thể cảm thấy mãn nguyện hơn khi được là thành viên của một nhóm. Đối với nhiều phụ nữ, cảm giác thuộc về một nơi nào đó chính là điểm khởi nguồn của cảm giác viên mãn. Vì thế nếu hiện giờ bạn chưa là thành viên của một nhóm nào, hãy nghĩ xem mình có thể thay đổi điều đó ra sao. Có hội/nhóm nào trong ngành hoặc trong công ty mà bạn có thể tham gia được không?

Bạn có thể thành lập một nhóm – tạo điều kiện cho các phụ nữ tham gia cùng nhau? Không nhất thiết phải thực hiện trong văn phòng. Trở thành thành viên của một nhóm không liên quan gì đến công việc có thể giúp bạn cảm thấy sảng khoái hơn. Bạn có thể tiếp thu nhiều quan điểm mới và gặp gỡ những người biết trân trọng sự đóng góp của bạn trong nhóm, cho dù chuyện gì xảy ra nơi công sở đi chăng nữa.

Một khi bạn gặt hái được những lợi ích từ sức mạnh kết nối cho bản thân mình, thì việc áp dụng vào doanh nghiệp sẽ trở nên dễ dàng hơn. Trước tiên, như cách nhiều nữ lãnh đạo thường làm, là đảm bảo các thành viên trong nhóm là những người bạn tin tưởng. Khi quanh bạn là những người tài, hẳn bạn sẽ muốn phát huy tiềm năng của họ, quan tâm đến họ và công nhận nỗ lực của họ. Bạn càng khen ngợi họ bao nhiêu, bạn càng cảm thấy vui sướng bấy nhiêu.

Nam giới cũng có thể học được điều này, vì thế đừng bỏ quên họ! Khả năng đọc các dấu hiệu cảm xúc của bạn (bắt nguồn từ bản năng làm mẹ khi phải giao tiếp với con thông qua nét mặt của đứa trẻ) sẽ rất có giá trị đối với họ. Nhiều đàn ông không nhận ra các biểu hiện này. Nhưng việc đọc các dấu hiệu cảm xúc là một khả năng có thể học hỏi và đào tạo cho người khác.

Khả năng kết nối – hay nuôi dưỡng thành công và cảm xúc gắn bó của toàn nhóm – là một trong những lợi thế mà người phụ nữ có trong quá trình lãnh đạo. Trau dồi kỹ năng này không chỉ giúp ích cho chúng ta mà còn giúp nhiều người khác và tổ chức nữa. Một tập thể tích cực mà bạn tạo ra sẽ mang đến thành công to lớn hơn bạn tưởng. Vì thế hãy tận dụng lợi thế này và gặt hái lợi ích do nó mang lại.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.