Cách Người Phụ Nữ Xuất Chúng Lãnh Đạo

PHẦN HAI: ĐỊNH HƯỚNG – CHƯƠNG 6: TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC ĐỊNH HƯỚNG



Nếu mải lo lắng mọi thứ sẽ không như ý, bạn sẽ chẳng làm được điều gì cả. Bạn phải có khả năng tập trung vào những điều thật sự quan trọng và đừng quá bận tâm đến những thứ còn lại. Không ai tránh được chuyện bị người khác nói ra nói vào; chúng ta dù sao cũng là sinh vật sống bầy đàn. Nhưng trong lĩnh vực chính trị, nếu bạn thấy buồn phiền khi báo đăng bài nào đấy nghe có mùi tiêu cực, hay cử tri viết bài phê bình, hay một bức biếm họa khiến bạn bực dọc – mấy chuyện này vốn xảy ra hàng ngày với tôi – và nếu bạn cứ suốt ngày bận tâm đến chúng, bạn không thể sống nổi đâu.

Julia Gillard, Phó Thủ tướng nước Úc

Chúng tôi từng diễn tả cảm giác mãn nguyện to lớn mà những nhà lãnh đạo cân bằng cảm nhận được khi thực hiện công việc mang nhiều ý nghĩa cá nhân đối với họ. Một công việc được hoàn thành tốt đẹp chính là điều mãn nguyện; công việc ý nghĩa khiến tâm trạng bạn thăng hoa – thứ hạnh phúc sâu lắng và bền bỉ hơn rất nhiều. Những định hướng tích cực, cũng giống như ý nghĩa công việc, chính là rường cột của nhà lãnh đạo, và như bạn sẽ thấy sau đây, chúng hỗ trợ lẫn nhau.

Đức Phật dạy, “Chúng ta là những gì chúng ta suy nghĩ. Chúng ta đều được khởi nên từ tâm niệm của mình. Thế giới do tâm tạo.” Với cùng suy nghĩ đó, các nhà tâm lý học tích cực nhấn mạnh rằng cách ta định hướng những điều mình muốn trải nghiệm sẽ tô màu cho cuộc sống thực tiễn. Vẫn là quan điểm đó, chỉ cách nhau nhiều thế kỷ mà thôi. Bởi những định hướng tích cực mang lại cho ta cả sức mạnh lẫn sự sáng suốt để tiếp tục đi tới bất chấp những trở ngại; tính lạc quan thật sự liên quan mật thiết đến thành công.

Bạn đừng nhầm lẫn, nói thế không có nghĩa là ta nhìn đời qua lăng kính màu hồng, mà là tránh không bóp méo bản chất của thế giới. Những nhà lãnh đạo biết định hướng tích cực sẽ nhìn mọi thứ dưới ánh sáng chân thực nhất. Họ không để cho những cảm xúc tiêu cực bóp méo cái nhìn của họ về thực tế cuộc sống – phóng đại những nguy cơ. Vì thế, việc định hướng cho phép bạn đối mặt với thực tế nan giải theo cách hữu hiệu nhất. Nó mang đến cho bạn cái nhìn sáng tỏ lẫn nguồn năng lượng để đương đầu khó khăn và tìm ra giải pháp. Nó mang đến cho bạn sức mạnh để tiếp tục bước tới khi bạn đã làm tất cả những điều mình có thể; nó giúp bạn ngày một kiên cường hơn.

Định hướng tích cực còn mang đến những điều tốt đẹp nữa. Ví dụ, những phụ nữ biết định hướng tích cực còn có đầu óc linh hoạt – họ tin mình kiểm soát được tương lai, rằng họ có thể tác động đến kết quả, đến việc học hỏi và phát triển.

Nói một cách đơn giản, sự lạc quan liên quan mật thiết đến thành công.

Định hướng là một lựa chọn

Mặc dù thực tế có thể tươi sáng hơn những gì bạn thấy, nhưng chính phản ứng tình cảm vô thức trong bạn – bị các tác nhân như lo lắng, sợ hãi và căng thẳng kích thích – lại khiến sự việc méo mó đi. Khi điều này xảy ra, những gì bạn thấy sẽ trở nên rất khác, ảnh hưởng hành vi và phản ứng của bạn. Nó khiến cuộc sống trở nên thử thách hơn khi bạn đối mặt với thất bại như gây ra lỗi lầm, đi sai hướng và mọi thứ không như ý. Bạn sẽ thấy mình bị cuốn vào vòng xoáy thất bại – nó khiến cảm xúc dâng trào, lấn át và khiến bạn nhụt chí, không còn sức lực để hành động.

Đối với một số phụ nữ, định hướng tích cực diễn ra một cách tự nhiên. Nhưng với đa số chúng ta, việc đó đòi hỏi bạn phải gạt bỏ lối suy nghĩ đã ăn sâu vào tiềm thức – bao gồm cả thói quen đánh giá đầy cảm tính ta áp đặt lên sự việc, người khác và chính bản thân mình. Khả năng định hướng thực tế một cách tích cực rất hiệu nghiệm và học được cách thực hiện nó chính là một phần của quá trình phát triển kỹ năng lãnh đạo của bạn. Và lợi ích mà nó mang lại không chỉ dừng ở công việc.

Định hướng tích cực chính là điều đã giúp Emma Fundira dám bước chân vào thế giới chỉ dành cho nam giới, đồng thời thách thức những lề thói xã hội lẫn trong ngành. Sinh ra tại Zambia và hiện sống tại Zimbabwe, Emma lớn lên trong một xã hội mà phụ nữ chỉ mới giành được những quyền lợi tối thiểu cách đây chưa lâu, chẳng hạn như được phép sở hữu tài sản cá nhân ngoài hôn nhân. Cô còn chọn cho mình sự nghiệp vốn chỉ dành riêng cho nam giới người da trắng. Nhưng Emma luôn tin rằng cô có thể làm được mọi thứ một khi đã quyết tâm thực hiện. Ngày hôm nay, cô sở hữu bất động sản riêng, tự mình điều hành doanh nghiệp tư vấn tài chính và vẫn sống trong một đất nước nhiều bất ổn.

Emma là con gái giữa trong gia đình gồm bốn người con; cha cô là một doanh nhân thành đạt. “Cha tôi rất nghiêm khắc. Ông luôn đặt nặng vấn đề văn hóa, và cả tham vọng cá nhân nữa,” Emma kể. “Ông thật sự muốn chúng tôi trở thành một nhân vật nào đó trong xã hội, nhưng chủ yếu cha chỉ quan tâm đến các anh em trai của tôi, truyền thống châu Phi là thế, những người đàn ông sẽ nối dõi tông đường.”

Ngay từ khi còn rất nhỏ, Emma đã muốn tự khẳng định mình. “Tôi luôn phải đưa ra chính kiến của mình. Tôi luôn phải làm cho người khác nghe mình. Tôi nghĩ mình cũng khá gây chú ý.” Ở tuổi lên 9, cô khăn gói sang Anh học cùng người chị gái. “Khi máy bay đáp, tôi thấy sợ,” cô nhớ lại. “Trời lạnh và ẩm ướt. Và tôi thầm nghĩ, ‘Ôi Chúa ơi, con đang làm gì ở đây chứ?’ Tôi đến trường, và thấy mình chẳng giống ai. Mẹ cho tôi mặc váy trong khi bạn bè đều mặc quần jean.” Chị cô thì chẳng có thời gian đâu mà chăm sóc em, nên Emma, cô nhỏ người nước ngoài và cũng là học sinh da đen duy nhất trong lớp, nhanh chóng học được tính tự lập. Cá tính mạnh mẽ của cô phát huy tác dụng. “Tôi luôn là thành viên ưu tú của lớp, bởi tôi muốn mình được chú ý đến vì những lý do chính đáng,” cô nói.

Emma có thể làm những điều đó vì muốn cha vui lòng, nhưng cô đã học được kỹ năng quan trọng nhất – nhìn thế giới bằng quan điểm tích cực, đặc biệt trong tình cảnh bất lợi – từ khi còn nhỏ. Khi Emma bước vào tuổi thiếu niên, cha cô đòi ly hôn và bỏ mặc mẹ cô tự xoay sở cuộc sống. “Khi ấy mẹ tôi hoàn toàn chẳng có một thứ gì,” Emma nói. “Nhưng bà đã vượt qua. Bà đã nỗ lực để tạo dựng nên một doanh nghiệp vận tải nho nhỏ của riêng mình và mua được bất động sản. Bà chính là nguồn cảm hứng cho tôi.” Emma chứng kiến mẹ mình sớm vực dậy mọi thứ, và có được những gì mà bất kỳ người phụ nữ nào khác cũng thầm ganh tị. Tấm gương ấy đã gieo vào lòng Emma ý thức về tầm quan trọng của niềm tin vào bản thân, để có thể thành công trong một thế giới chỉ dành cho đàn ông. “Tôi muốn gạt phăng những rào cản,” cô nhớ lại. “Tôi thường nghĩ, ‘Mình có thể khởi nghiệp trong ngành nào của nam giới – ngành chỉ có nam giới mới làm – và chứng minh cho họ thấy rằng mình cũng có thể?’ Đầu tiên tôi nghĩ đến ngành xây dựng, nhưng rồi tôi nhận ra nó có vẻ đơn điệu quá.”

Mười tám tuổi cô bị cha gọi về nhà để theo học đại học tại Zimbabwe. Tại đây, Emma được đào tạo để trở thành giáo viên, điều cô bị buộc phải chấp nhận. Mọi thứ trở nên rõ ràng là các anh em trai không chịu theo chân người cha. Đó cũng là lúc Emma quyết định đi theo con đường không truyền thống. Cô bỏ nghề giáo, xin vào chi nhánh của Standard Chartered – ngân hàng hùng mạnh có trụ sở chính tại Luân Đôn.

Ngành ngân hàng cũng như mọi doanh nghiệp có gốc nhà nước khác tại Zimbabwe gần như là lãnh địa riêng của tầng lớp nam giới người da trắng. Một phụ nữ da đen như Emma thật sự là hiện tượng cực hiếm. “Tôi muốn chứng tỏ bản thân, chứng minh cho mấy người đó thấy tôi giỏi không thua gì họ, nếu không muốn nói là giỏi hơn,” cô bày tỏ. “Và tôi muốn chứng tỏ mình giỏi không thua gì những người đàn ông còn lại trong cộng đồng mình, những người đàn ông da màu. Bởi tôi nghĩ, không đủ sức ngồi uống năm lít bia như họ không có nghĩa là tôi yếu đuối hơn họ.”

Với những trở ngại về tuổi tác, giới tính và màu da, Emma càng có nhiều điều cần phải chứng tỏ. “Khi bước vào một cuộc họp, bạn là người phụ nữ da đen và ngồi quanh bạn là các nam chuyên viên người da trắng, họ nhìn bạn và nghĩ, ‘Con này chẳng biết gì đâu. Nó chẳng thể giúp mình được cái gì hết,’ ” cô nhớ lại.

Có một khách hàng tỏ ra cực kỳ thù địch. “Ông ta nói chuyện với tôi theo kiểu khó nghe trong buổi họp. Nhưng tôi vẫn đáp lại một cách lịch sự. Sau buổi họp, ông ta gọi vào điện thoại của tôi và hét toáng lên, ‘Cô không biết cô đang làm cái gì đâu,’ rồi gọi tôi là thứ này, thứ nọ. Ông ta thô lỗ lắm.” Nhưng Emma vẫn giữ thái độ hòa nhã khi phải hứng chịu áp lực đó, và không để vị khách hàng nọ khiến sự tự tin trong cô suy suyển. Cô vẫn tiếp tục công việc đại diện cho khách hàng đó và cô làm mọi thứ thật tốt, đến nỗi chính ông ta về sau gửi đến giám đốc điều hành của cô một lá thư khen ngợi sự điềm tĩnh và khả năng chuyên môn xuất sắc của Emma. Thậm chí cô còn nhận được giải thưởng do chính trụ sở tại Luân Đôn trao tặng.

Làm thế nào để vẽ nên những gì mình thấy?

Thế còn bạn thì sao? Hãy xem xét tình huống sau: Sếp gọi bạn vào họp bất ngờ. Khi bước vào phòng, bạn quan sát thấy có hai chuyên viên đang ở đó. Ngay lập tức, họ ngừng trao đổi và vội vàng gom mớ giấy tờ của mình. Họ tránh nhìn vào mắt bạn khi ra khỏi phòng. Sếp nhìn xuống đống tài liệu trên bàn rồi mới nhìn đến bạn. Bà thậm chí không mời bạn ngồi.

Phản ứng của bạn ngay sau đó là gì – cảm giác chân thật nhất? Khi đưa trường hợp này ra cho một nhóm phụ nữ, chúng tôi chú ý có hai người chia sẻ về phản ứng nhiều khả năng xảy ra nhất của họ khi chuyện đó xảy ra. “Ôi, chắc tôi đã phạm lỗi gì ghê gớm lắm,” người phụ nữ thứ nhất kêu lên. “Chắc tôi sắp mất việc đến nơi. Tôi phát ốm mất!” Chúng tôi quay sang người phụ nữ thứ hai, cô đang mỉm cười. “Có lẽ họ mới bàn xong một chuyện khác,” cô nói. “Ai biết được chứ? Tôi sẽ hỏi sếp xem chuyện gì đang xảy ra.”

Nếu bạn đọc đến đây và cười phá lên, thì chúng tôi cũng vậy. Sự khác biệt quá lớn giữa nhóm người lạc quan và bi quan thật sự buồn cười. Người bi quan ngay lập tức chĩa mũi dùi về phía mình – cô trông đợi điều tồi tệ nhất và cho rằng mọi người đang chỉ trích mình. Nó khiến cô căng thẳng và lo lắng. Và trong khi người bi quan đang băn khoăn trong lòng thì người lạc quan lại tưởng tượng về một cuộc trò chuyện khả quan hơn và sẵn sàng đón nhận cơ hội để phát triển bản thân. Trên thực tế, cả hai người đều không biết vị sếp đang nghĩ gì, nhưng người lạc quan luôn tìm cách tránh không để cảm xúc tiêu cực nhấn chìm mình như cách người bi quan mắc vào.

Tại sao hai người phụ nữ ấy lại phản ứng khác nhau đến vậy? Martin Seligman đã dành nhiều năm đi tìm câu trả lời và kết luận rằng, tính lạc quan (hoặc bi quan) của chúng ta phụ thuộc vào cách ta nhìn thực tế cuộc sống qua ba lăng kính: tính lâu dài, sự lan tỏa và tầm kiểm soát cá nhân.

Hãy nghĩ về những thất bại trong sự nghiệp của bạn (ví dụ, một quản lý cấp cao chỉ trích bạn, kết quả đánh giá công việc của bạn không tốt, suy thoái kinh tế nghiêm trọng khiến bạn mất việc). Bạn nhìn nhận trải nghiệm ấy theo cách nào?

Bạn nghĩ đó chỉ là khó khăn tạm thời, hay bạn thấy nó sẽ tồn tại mãi?

Bạn cho rằng kết quả đó xảy ra do một tình huống cụ thể, hay bạn tin rằng nó còn biểu hiện cho vấn đề khác nữa?

Bạn quan niệm những nguyên nhân gây ra nó hoàn toàn do tác động bên ngoài hay trong tầm kiểm soát của bạn – lỗi của bạn?

Đối với người bi quan, lời chỉ trích của sếp giống như tấn công vào cá nhân họ; kết quả đánh giá công việc tồi tệ sẽ ảnh hưởng xấu đến mọi khía cạnh khác trong cuộc sống của họ trong tương lai. Tệ hơn, họ còn tin rằng mọi thứ xảy ra hoàn toàn do lỗi của mình – ngay cả việc kinh tế suy thoái khiến họ mất việc. Bỗng dưng, họ thấy tương lai sao mà ảm đạm. Rất nhiều người bi quan mà Seligman đã quan sát là ví dụ tiêu biểu của hiện tượng “tuyệt vọng được huấn luyện”. Họ tin rằng không cách gì cải thiện được kết quả, họ không buồn cố gắng nữa, và việc đó càng khiến mọi chuyện tồi tệ hơn.

Trong khi người lạc quan lại phản ứng hoàn toàn khác. Người lạc quan sẽ xem lời chỉ trích của sếp là một thử thách đầy hữu ích; họ sẽ không để cho bản đánh giá công việc tiêu cực kia ám ảnh mình suốt đời, và họ nhanh chóng đứng dậy sau một thất bại không thể tránh khỏi. Họ sẵn sàng đón nhận những lời khuyên giúp mình tiến bộ, họ tìm hiểu xem có điểm nào chưa đúng và bắt tay vào thực hiện. Vì thế nếu bị mất việc vì kinh tế khủng hoảng, họ vẫn thất vọng nhưng có thể xốc lại tinh thần và suy nghĩ xem mình nên làm gì tiếp theo.

Người lạc quan và bi quan cũng phản ứng khác nhau khi đối mặt với điều tích cực. Hãy nghĩ về một trường hợp tốt đẹp mà bạn từng trải nghiệm (ví dụ như một quản lý cấp cao khen ngợi bạn, bạn được thăng chức, đơn vị của bạn đạt mục tiêu đề ra). Bạn cảm thấy thế nào? Sau đây là những gì người bi quan sẽ nói: “Tôi chỉ may mắn thôi. Phúc bất trùng lai. Cuối cùng thì mọi thứ cũng chẳng khác trước là mấy. Tôi vẫn vậy mà!” Đương nhiên là khi người bi quan luôn nhận nhiều lỗi về mình khi gặp thất bại thì họ cũng ít dám đón nhận công sức về phần mình khi đạt được thành công. “Chắc là có gì nhầm lẫn rồi,” họ trầm tư, “và khi họ biết ra thì tôi vẫn bị sa thải thôi”.

Ngược lại, người lạc quan chào đón tin tốt lành bằng kiểu suy nghĩ: “Mình giỏi quá! Mình đã làm việc cật lực để đưa công ty đến thành công và mình được đền đáp xứng đáng. Giờ thì không gì có thể cản trở được chúng ta!” Khi điều tốt đẹp xảy ra, người lạc quan cho phép mình tận hưởng nó. Thành công buộc họ tiến về phía trước và tìm kiếm những cơ hội học hỏi to lớn hơn, để gặt hái được những thành công rực rỡ hơn. Đối với người lạc quan, tin tốt lành sẽ mang đến một ngày đẹp trời và hơn thế nữa.

Dĩ nhiên đây chỉ là bức biếm họa về mức độ cực đoan của lạc quan và bi quan. Đa số chúng ta nằm ở khoảng trung bình của hai thái độ trên và sẽ có ích nếu bạn xác định được xuất phát điểm của mình.

Khi hiểu việc định hướng thực tế mang dấu ấn cá nhân như thế nào, bạn sẽ dễ dàng lựa chọn xem có nên tiếp tục là chính bản thân mình hay nên tiếp thu lối suy nghĩ mới. Các nhà nghiên cứu cho biết khoảng 50% thái độ sống của chúng ta là do gen di truyền quyết định. Người bi quan không thể – hoặc không mong muốn – thay đổi toàn bộ thiên hướng của mình. Nhưng bạn vẫn có thể “học” tính lạc quan bằng cách làm theo một số chiêu nho nhỏ. Và người lạc quan sẽ nhận ra rằng mình có thể ứng dụng thái độ sống tích cực thường xuyên hơn để giúp người khác nhìn thấy cơ hội.

Định hướng khởi nguồn bằng việc phá bỏ những thói quen vô thức gây hủy hoại bản thân – vòng xoáy tiêu cực đó thường để lại hậu quả về lâu về dài. Trong chương tiếp theo, chúng tôi sẽ chỉ cho bạn cách nhìn nhận hoàn cảnh một cách thực tế hơn, biết cách chuyển hóa ý nghĩa sự việc và biến thất bại thành cơ hội phát triển bản thân. Chúng tôi sẽ dẫn dắt bạn trong suốt quá trình chống lại cái nhìn méo mó về thực tế mà nỗi sợ hãi, bất an mang lại rồi bắt tay vào hành động. Nghe kỳ bí quá chăng? Thưa không.

Sẽ thế nào nếu bạn tránh không để cho cảm xúc nhấn chìm?
Rõ ràng Emma Fundira là tuýp người lạc quan. Nếu cô để mình xuôi theo vòng xoáy cảm xúc tiêu cực thì điều này hoàn toàn có thể thông cảm . Nhiều người không có khả năng đối phó một cách nhanh chóng khi nhận một tràng chửi rủa thô lỗ từ phía khách hàng như cô. Đáng buồn là một số phụ nữ còn thấy tổn thương trong những tình huống như thế. Họ bắt đầu dằn vặt chính mình, ám ảnh về những gì đã xảy ra và tự hỏi mình đã làm gì sai. Điều này sẽ dẫn đến tâm lý suy sụp, thậm chí suy sụp một cách nặng nề.

Tránh bị cuốn theo cảm xúc tiêu cực là việc làm tốt, không cần bàn cãi.

Nhưng bạn tưởng tượng xem, mọi thứ còn tốt đẹp hơn đến mức nào nếu bạn học tính lạc quan: trải nghiệm những cảm xúc tích cực một cách mạnh mẽ hơn và mang chúng vào công việc cùng với nhóm của mình. Barbara Fredrickson đã phát triển lý thuyết có tên gọi “chia sẻ và xây dựng” khẳng định rằng những ai trải nghiệm các cảm xúc như vui sướng, hài lòng và hạnh phúc sẽ có xu hướng sẵn sàng học hỏi, phát triển và khám phá. Trong các thí nghiệm của bà, những người có cảm xúc tích cực sau khi xem phim hài, phim có kết thúc có hậu sẽ trở nên sáng tạo hơn trong quá trình giải quyết khó khăn, đồng thời làm việc hiệu quả hơn so với những người xem phim buồn hay phim có kết cục bi thảm.

Kinh nghiệm của Emma rõ ràng chứng minh quan điểm đó. Bằng cái nhìn tích cực – khơi nguồn từ niềm vui cô tìm được trong công việc – Emma không bao giờ ngần ngại theo đuổi những cơ hội mới để học hỏi và phát triển, cô đồng thời ý thức và chấp nhận những rủi ro đi kèm.

Một cơ hội quan trọng đến với cô khi trưởng phòng quản lý tài chính dự án của ngân hàng Standard Chartered gọi cho Emma và hỏi liệu cô có muốn tham gia vào bộ phận của ông hay không. Dù khi ấy chưa biết gì về quản lý tài chính dự án, cô vẫn tham gia. Đáp lại, cô được ông đảm bảo tương lai thăng tiến, cho cô tham dự vào các cuộc họp và sớm để cô tự mình điều hành mọi thứ. Đôi khi ông còn khiến khách hàng ngỡ ngàng. “Có lần ông ấy nói, ‘Anh biết gì không? Emma hiểu về vấn đề này còn tốt hơn cả tôi nữa.’ Ông ấy luôn cho tôi cơ hội,” Emma nhớ lại.

Khi người sếp tài năng này chuyển sang làm việc cho Barclay’s, Emma đi theo ông và sự nghiệp của cô thật sự thăng hoa. Cô được thăng chức lên giám đốc với lộ trình dần tiến đến vị trí giám đốc điều hành. Sau đó, một người bạn gợi ý cho cô về việc mở một doanh nghiệp tư vấn cho các công ty đang phát triển tại Zimbabwe về chiến lược tăng vốn. Cô phân vân lắm. Khi ấy Emma đã lập gia đình và có hai con nhỏ, vì thế để từ bỏ sự ổn định và thanh thế hiện có tại Barclay’s thật sự là mạo hiểm đối với cô. Nhưng vài tháng sau, Emma quyết định thay đổi. “Có điều gì đó trong tôi khiến tôi muốn mình thử nghiệm, bước ra ngoài kia và thực hiện điều đó cho bản thân mình,” cô giải thích. “Một điều gì đó trong bạn sẽ bảo rằng đây là lúc phải thay đổi. Nếu không phải lúc này, thì đợi đến bao giờ?”

Và thời điểm cô chọn thật đúng lúc. “Tám tháng sau, nền kinh tế đi xuống,” cô nói. “Nhưng chưa một lần tôi mang suy nghĩ ‘Ôi, giá mà mình đừng rời Barclay’s’ hay ‘mình nhớ khoản lương được nhận mỗi tháng.’ Mà thay vào đó, tôi lo chuyện mình có thể chăm lo cho những gia đình khác ra sao; chúng tôi phải đảm bảo nhân viên của mình nhận đầy đủ lương mỗi tháng.” Tính lạc quan của Emma chưa bao giờ mất đi. “Đó chắc chắn là một thử thách, nhưng tôi luôn biết bằng cách nào đó, tôi sẽ giải quyết ổn thỏa,” cô nói. “Luôn có điều gì đó trong tôi nói rằng tôi sẽ làm được. Tôi sẽ tìm ra giải pháp – Tôi chỉ cần thời gian suy nghĩ mà thôi.”

Nói như vậy không có nghĩa là Emma không chịu áp lực. Nhưng những bài tập thể dục giữ gìn sức khỏe đã giúp cô lấy lại tinh thần và vượt qua căng thẳng. “Tôi nghĩ, ‘Mình phải đi tập thể dục.’ Sau đó, đầu óc tôi có thể suy nghĩ minh mẫn hơn,” cô cho biết. “Tôi không rơi vào trạng thái hoảng loạn.”

Khi nhìn lại, nguồn động lực của Emma ban đầu là để làm vui lòng cha. “Ông đã quá thất vọng vì các anh em trai của tôi. Tôi muốn chứng minh cho ông thấy tôi có thể làm được điều đó,” Emma kể với chúng tôi. Nhưng khi nhìn lại những gì mình đã tạo dựng và cả những thành công đã đạt được, cô nhận ra rằng chính sự định hướng đã đưa cô đi xa hơn những gì cô tưởng – thay đổi cả quan điểm mang nặng truyền thống của cha cô: “Ông quá bất ngờ vì thành công của tôi. Thậm chí ông còn khuyến khích tôi hãy tiến xa hơn nữa. Khi cha qua đời, ông ra đi với niềm vui mà tôi mang lại.”

Vì thế, định hướng tích cực là một công cụ hữu hiệu để thay đổi. Nhưng 100% lần nào gặp chuyện bạn cũng có định hướng tích cực là điều không phải muốn là được. Cảm xúc bi quan luôn phải xuất hiện khi bạn đối mặt với những quyết định mạo hiểm – như một quyết định đầu tư lớn chẳng hạn. Đó là lăng kính tiêu cực mà qua đó bạn thấy những điều bất lợi, bạn lo nghĩ về những tình huống xấu nhất. Một vị CEO đã từng nói với chúng tôi rằng cô luôn tìm đến Giám đốc Tài chính của mình khi cần một chút bi quan; bởi cô biết mình cần một người có thể giảm bớt tính lạc quan thái quá của mình. Vì thế nếu bạn nắm giữ vị trí cần đến tính bi quan, hãy bồi đắp nó trở thành một điểm mạnh. Dù trong vị trí nào thì bạn cũng sẽ trở thành một nhà lãnh đạo hiệu quả hơn với khả năng định hướng tích cực trong hành trang kỹ năng lãnh đạo của bạn.

Lối tư duy tươi đẹp

Hành trình tiến đến vị trí lãnh đạo của Emma chính là ví dụ điển hình cho những gì sẽ đến nếu bạn sở hữu một tư duy linh hoạt. Cô luôn chào đón những cơ hội và ý tưởng mới; cô thực hiện với niềm tin rằng mình có thể. Dù ở độ tuổi nào chăng nữa, những người có lối tư duy linh hoạt vẫn không ngừng học hỏi những kỹ năng mới. Ngược lại, những người có đầu óc bảo thủ thường tin rằng những khả năng, ưu thế của mình chỉ có giới hạn và thường sợ những suy nghĩ mới mẻ luôn chực chờ lật đổ niềm tin cố hữu trong họ. Ban có thể thấy hai dạng tư duy này liên quan đến tính lạc quan và bi quan ra sao, và lối tư duy linh hoạt duy trì khả năng lãnh đạo đầy nhiệt huyết như thế nào.

Ai cũng có lúc gặp điều tốt lẫn điều xấu. Nhưng điểm làm nên khác biệt chính là cách bạn xử lý những nguyên liệu thô mình có được trong cuộc sống. Rất nhiều lần, những nữ lãnh đạo đã kể cho chúng tôi nghe về những cơ hội và họ không ngần ngại nắm lấy chúng ra sao. Khi tìm hiểu sâu hơn, chúng tôi phát hiện ra một điều không thay đổi: Những phụ nữ này tiếp cận hoàn cảnh mới mẻ để phát triển khả năng. Khi được đề nghị một công việc mới trong một lĩnh vực hoàn toàn mới, họ nhảy vào ngay, tin rằng mình có thể học hỏi và phát triển.

Và một điều thú vị không kém, đó là những phụ nữ thành công này không sợ mạo hiểm – thật vậy, mà thay vào đó, đối với họ điều đó thật hào hứng. Khi họ quyết định bước vào một con đường mới, họ tự hỏi, “Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì? Bị sa thải!” Và khi điều đó thật sự xảy ra, họ sẽ đứng dậy, cảm thấy mình may mắn vì vẫn còn cơ hội kế tiếp. Như người ta thường nói, “Khi cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác sẽ mở ra.” Những ví dụ trên đã minh chứng cho quan điểm đó.

Bây giờ, hãy xem cách suy nghĩ của bạn: Tư duy của bạn cố định hay linh hoạt? Bạn có thấy dễ chịu với những công việc diễn ra đều đặn hàng ngày và cảm thấy khó chịu khi hoàn cảnh buộc bạn phải thay đổi không? Bạn có đặt giới hạn cho năng lực của mình hay không? Hay bạn luôn sẵn lòng cho những hướng đi mới?

Để kiểm tra lối tư duy của mình, hãy điền vào chỗ trống trong những câu cho sẵn dưới đây:

Tôi có thể là một kiến trúc sư tuyệt vời nếu…

Nếu câu trả lời của bạn tương tự như “nếu tôi có thể tưởng tượng ra không gian” hay “nếu tôi học Toán giỏi,” thì bạn là người có lối tư duy cố định, quá chú ý đến những mặt hạn chế của chính mình (những điểm yếu có thật và cả do bạn tưởng tượng ra) – những lý do khiến bạn không thể làm được điều gì đó. Đây là lối phản ứng tiêu biểu của những người không muốn thúc đẩy mình tiến bộ, và kết quả là tiềm năng phát triển bản thân của họ ngày một thui chột. Họ luôn có xu hướng phê bình bản thân, và chắc hẳn đối với người khác nữa.

Nhưng ngược lại, nếu bạn điền vào chỗ trống là “nếu tôi muốn” hoặc “nếu tôi dành hết tâm trí cho điều đó,” thì bạn có thể là tuýp người mà nhà tâm lý học Carol Dweck gọi là có tư tưởng cấp tiến. Người có lối tư duy này tin rằng không có chuyện gì tuân theo số mệnh; những gì họ làm sẽ quyết định thành công của họ. Những người này tự tay tạo nên tương lai của chính mình bằng cách theo đuổi cơ hội nhằm học hỏi và phát triển, thích nghi với những thay đổi to lớn xảy ra trong quá trình ấy và lập kế hoạch hành động từ những kinh nghiệm họ có được.

Hãy quan sát xung quanh. Mối liên hệ đến thành công rất rõ ràng – những người hạnh phúc nhất, thành đạt nhất chính là những người sở hữu một tư duy cấp tiến. Chẳng lẽ bạn không muốn mình có lối suy nghĩ sẽ mang đến cho bạn sự kiên cường giúp bạn xử lý tình huống tốt hơn sao? Như Dweck đã viết, những ai có tư duy cấp tiến có thể “đối diện với thất bại, thậm chí khi đó là thất bại của chính họ, nhưng đồng thời vẫn duy trì niềm tin rằng rồi đây họ vẫn sẽ thành công.”

Đó là những gì chúng tôi muốn bạn có được. Nếu ngay từ đầu bạn mang lối suy nghĩ cố định, bạn có thể thay đổi dần dần qua những nỗ lực có chủ đích. Hãy dành ra vài phút để nhớ lại những lựa chọn nghề nghiệp mà bạn từng thực hiện và muốn thực hiện. Điền vào câu dưới đây:

Điều tôi muốn làm là …

Bạn có sẵn sàng làm những gì mình yêu thích không? Nếu không, điều gì cản trở bạn? Những người có tư duy cố định thường nêu ra hàng loạt lý do khiến họ không dám thử: Không thực tế, quá mạo hiểm, tôi không có kỹ năng, mọi người sẽ cười tôi – và còn nhiều nhiều nữa. Người lạc quan lại không tốn thời gian và công sức cho những chuyện như vậy một khi họ nhận ra mình có thể tiến tới.

Vì thế, ngay lúc này, ngay tại đây, hãy thôi những suy nghĩ bi quan như thế và học hỏi những người lạc quan: Chọn cách nhìn nhận thực tế mà không để cho góc nhìn sai lệch tước mất đi sự tự tin và tự trọng trong bạn. Chọn cách cảm nhận mình là người kiểm soát, có thể học hỏi và giải quyết mọi chuyện với sự giúp đỡ của người khác. Chọn cách đứng lên nhanh chóng sau sai lầm hay thậm chí là một thất bại to lớn. Nếu nhìn vào những lựa chọn của mình và không thích những gì mình thấy, bạn có thể chọn cách thay đổi tư duy.

Rèn luyện kỹ năng thích ứng

Biết định hướng rồi chuyển hóa ý nghĩa sự việc là những kỹ năng không thể thiếu của một nhà lãnh đạo. Với nhịp độ thay đổi không ngừng thời nay, với những phức tạp trong tổ chức quản lý, và cả sự gia tăng chuyên môn hóa, bạn càng cần phải có kỹ năng thích ứng để bắt nhịp với môi trường xung quanh. Khi phải đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau, phụ nữ là bậc thầy về khả năng thích ứng trong gia đình. Khi mang kỹ năng này vào công việc, bạn sẽ linh động thay đổi kế hoạch làm việc của mình khi hoàn cảnh thay đổi. Khi con đường bạn chọn không hiệu quả, hãy nhìn bao quát toàn cảnh; biết đâu bạn sẽ tìm được cách tốt hơn để giải quyết vấn đề.

Emma ngay từ đầu đã có khả năng thích ứng khi cô bước vào ngôi trường mới, lạnh cóng trong bộ váy không đủ ấm. Cô tận dụng khả năng thích nghi của mình khi bước vào môi trường ngân hàng đầu tư thuộc về nam giới người da trắng. Bỏ việc ở một ngân hàng danh tiếng để trở thành một doanh nhân, một lần nữa, buộc cô phải thích nghi với hoàn cảnh mới.

Tất cả chúng ta đều có thể học cách định hướng lại một cách thực tế hơn, hiệu quả hơn và tươi sáng hơn. Chúng tôi biết điều đó không dễ dàng gì, nhưng giờ bạn đã đặt những bước chân đầu tiên vào chuyến du hành của mình bằng cách tìm hiểu bản thân mình rõ hơn. Và bạn biết đấy, vạn sự khởi đầu nan. Bạn đã bắt đầu rồi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.