Cách Người Phụ Nữ Xuất Chúng Lãnh Đạo

CHƯƠNG 19: TỰ MÌNH TẠO NÊN VẬN MAY



Tôi vẫn còn nhớ ngày tôi mua lại doanh nghiệp này vào năm 1999. Tôi đứng bên ngoài cửa hàng chính và khóc. Tôi tự nhủ, “Ôi trời, mình vừa làm cái gì thế này? Giờ mình nợ ngân hàng cả đống. Mình đã làm gì chứ?” Nhưng sự thật là tôi biết rõ mình đang làm gì, và tôi biết tại sao mình lại làm thế – để đưa doanh nghiệp quay lại thời hoàng kim của nó. Giờ đây nó là nhãn hàng ưa chuộng nhất dành cho phụ nữ tại Úc.

Naomi Milgrom, Chủ tịch kiêm CEO, Sussan Group

Bài học cốt lõi trong quá trình dấn thân thực hiện là chịu trách nhiệm và tự mình làm cho mọi thứ diễn ra. Có bao giờ bạn tự hỏi vì sao một số người dường như rất may mắn? Những phụ nữ chúng tôi phỏng vấn đều cảm thấy mình may mắn. Khi tìm hiểu kỹ hơn, chúng tôi phát hiện họ tự đặt bản thân vào vị trí phải thành công. Họ chọn các cơ hội phát triển kỹ năng. Họ chấp nhận rủi ro để tạo thêm nhiều cơ hội.

Khi chủ động trong sự nghiệp, chúng ta sẽ được thần may mắn chiếu cố. Những người biết chịu trách nhiệm cảm thấy họ làm nên vận mệnh của chính mình. Họ thấy mình kiểm soát được mọi thứ, và điều đó mang lại cho họ sự tự tin, lòng quyết tâm để theo đuổi những gì họ khao khát, dù cho xác suất thắng cuộc không cao. Chưa hết, khi mọi thứ không trôi chảy hoặc phải nghe những lời phản hồi tiêu cực, nó sẽ không khiến bạn gục ngã, bởi bạn biết mình có sức mạnh để mai đây tạo ra kết quả tốt đẹp hơn. Bây giờ, hãy tưởng tượng bằng cách nào bạn có thể giúp đỡ người khác có được lòng tự trọng và nguồn năng lượng xuất phát từ cảm giác kiểm soát cuộc đời mình. Đó chính là sự lãnh đạo. Olive Darragh, giám đốc chiến lược của Tudor Capital, một doanh nghiệp quản lý quỹ đầu tư, chính là tấm gương tiêu biểu cho những người biết nắm lấy vận mệnh – và trở nên may mắn.

Đó là cuộc đời của bạn

Khởi đầu của Olive không có gì may mắn cả. Bà sinh ra tại miền đất dữ

Bắc Ireland. Là con gái lớn trong một gia đình có sáu người con, bà lớn trước tuổi vì “bạn chẳng còn lựa chọn nào khác.”

Olive luôn nhớ về những mùa hè bình dị trên nông trại. Nhưng vào thời đó không ai có thể tránh được những mâu thuẫn chính trị giữa người Thiên Chúa Giáo và Tin Lành đã bùng nổ thành cuộc chiến bạo lực vào những năm 1970. “Mâu thuẫn nảy sinh khá căng thẳng vào năm tôi 10 tuổi,” bà nhớ lại. “Mãi đến lúc tôi vào đại học, chiến sự vẫn là một phần lớn trong cuộc sống chúng tôi.” Trước thời điểm bà vào đại học, nhiều người thân và bạn bè của bà đã bị sát hại. “Dù bạn có đi đâu, mọi thứ vẫn ở đó,” bà nói. “Một nỗi buồn kinh khủng. Một sự lãng phí cuộc đời đến mức khó tin.”

Cha mẹ Olive sớm bỏ học để lo việc ở nông trại; thời khó khăn ai cũng phải thế. Nhưng chính điều đó khiến họ quyết tâm tạo mọi điều kiện cho con cái học hành và tìm cách thoát khỏi đói nghèo. “Chúng tôi không có tiền, chúng tôi cũng chẳng có đất đai. Chúng tôi không có gì hết. Nhưng mẹ tôi là người cực kỳ thông minh,” Olive nói. “Khi chúng tôi học toán ở trường, mẹ tôi cũng theo học toán ở lớp bổ túc ban đêm để về nhà biết đường kèm cặp con cái.”

Cha mẹ Olive hình dung cảnh một ngày con mình sẽ tốt nghiệp cấp hai, rồi có được việc làm tốt – giao dịch viên tại ngân hàng địa phương chẳng hạn, hoặc một ngày nào đó sẽ lên chức quản lý. Nhưng Olive bắt đầu mơ về một ngày rời khỏi Bắc Ireland và khao khát được vào học trường Đại học Edin- burgh. “Tôi biết chắc mình muốn đến nơi đó. Tôi chưa từng đặt chân đến một thành phố nào cả.” Khi bà được chấp thuận vào trường và đến lúc nhập học, cha mẹ bà ra tiễn bà ở bến phà. Kể từ đó, Olive bắt đầu cuộc sống một thân một mình.

Hai năm học tại trường, bà có cơ hội vào Đại học Penn- sylvania. “Thật sự là tôi chỉ bước lên máy bay và bay thẳng đến đó,” Olive nhớ lại. “Với sự tin tưởng, cha mẹ tôi nói, ‘Thật là cơ hội tuyệt vời. Con hãy đến đó đi.’ Nhưng mấy tháng đầu thật kinh khủng. Tôi ghét nơi ấy.”

Olive từng là một sinh viên xuất sắc tại Edinburgh; giờ mọi thứ đã khác. Bà chỉ đạt 33% trong kỳ kiểm tra môn kế toán đầu tiên. Quyết tâm không chấp nhận thất bại, bà tự nhủ, “Đừng có lo quá, mình chỉ cần nỗ lực hơn. Chẳng qua cách dạy ở đây khác thôi.” Dù rất buồn nhưng Olive biết mình phải học. Và bà đã làm được. Rồi bà quyết định đến Mỹ lập nghiệp. Vì thế, khi Olive hoàn tất chương trình học tại Scotland, bà viết thư cho tất cả các doanh nghiệp kế toán lớn. “Tôi nhận được 8 thư từ chối,” Olive nhớ lại. “Họ nói, ‘Nếu chị làm việc cho văn phòng chúng tôi tại Anh và làm tốt, chị luôn có thể chuyển công tác.’ Một công ty danh tiếng nhất thời đó mời tôi về làm việc tại Edinburgh, và tôi đã định chấp nhận rồi. Nhưng một hôm nọ khi tôi đang dùng bữa tối, chuông điện thoại reo vang. Một trong số những người bạn sống chung nhà với tôi bắt máy và nói, ‘Có người từ Touche-Ross, Philadelphia gọi,’ và tôi đáp, ‘Phải không đó,’ lòng thầm nghĩ chắc mẹ tôi gọi chứ ai. Nhưng cậu bạn vẫn khăng khăng. Vì thế tôi nghe máy, ở đầu dây bên kia người đàn ông nói với tôi, ‘Chúng tôi nhận được thư của cô và quyết định thế này. Cô nhận việc ở đây, chúng tôi trả tiền vé máy bay cho cô. Trong vòng 8 tháng, nếu cô không thích chúng tôi, hoặc chúng tôi thấy cô không phù hợp, chúng tôi sẽ trả tiền vé cho cô bay về nước.’ Ngay lúc đó, tôi biết mình sẽ nhận công việc này. Và bạn biết điều gì nghe như chuyện đùa không? Khi tôi đến công ty đó, người đàn ông gọi điện cho tôi chẳng còn ở đó nữa. Ông ấy đã về hưu.”

Nói ngắn gọn thì quả là may mắn. Bởi văn bằng đại học của bà không được ban kiểm định chất lượng đào tạo của chính phủ Mỹ công nhận nên Olive chỉ có thể làm công việc hành chính trong doanh nghiệp. Bực bội, Olive quyết định tham dự kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề, và trong suốt chín tháng sau đó, bà vừa làm vừa học thêm kế toán Mỹ. “Một ngày nọ, tôi mở hộp thư và thấy một lá thư có ngôi sao màu bạc to tướng ngoài phong bì. Nó hao hao thư quảng cáo nên tôi quăng đi,” Olive nói. “Mấy tuần sau, trưởng bộ phận hành chính gọi tôi vào gặp, tôi nghĩ, ‘Thôi rồi, mình sắp bị sa thải.’ Nhưng ông ấy nói, ‘Cô định khi nào mới báo với công ty đây? Cô có biết là cô đạt số điểm cao thứ nhì bang trong kỳ thi vừa rồi không?” Olive đạt huy chương bạc. Từ đó về sau, trách nhiệm của cô thay đổi.

Sau vài năm làm việc trong ngành kế toán, Olive tiếp tục học Cao học Quản trị Kinh doanh tại trường Harvard, rồi vào làm cho McKinsey & Company, bắt đầu bằng một thất bại nặng nề. Bản thân bà không có khiếu làm tư vấn. Và khi Olive nghĩ đến chuyện nghỉ việc, bất ngờ một cánh cửa khác bật mở. Bà đảm nhận một dự án ngắn hạn tại Úc trong vòng 6 tuần. “Đó là một dự án về tài chính liên quan đến những người có thu nhập cao – lĩnh vực tôi nhiều kinh nghiệm. Nhưng mọi thứ không đơn giản thế, dự án này sắp sụp đến nơi,” Olive nhớ lại. “Trong cuộc họp đầu tiên với khách hàng, hai thành viên trong nhóm của tôi đã ngủ gục. Chứng tỏ họ mệt mỏi đến mức nào. Vì thế tôi tự hỏi, ‘Chuyện gì đang xảy ra thế này?’ Rồi chúng tôi xoay chuyển tình thế. Khách hàng hào hứng hẳn lên. Sáu tuần dự kiến biến thành chín tháng làm việc tuyệt vời.

May mắn lại đến. Bạn thấy được công thức rồi chứ?

Phải, một thất bại khác. Tiếp theo, Olive phải lo một dự án mà có vẻ như bà chẳng thể làm được gì. “Thật là một thảm họa,” bà nhăn mặt. “Đối tác sa thải tôi! Tôi đến gặp trưởng bộ phận hành chính và ông nói, ‘Không, ông ta đâu có được làm vậy. Ở đây không làm việc theo kiểu đó.’ ” Vẫn đang tại chức, Olive lấy lại quyền tự chủ: “Tất cả những gì tôi nghĩ đều rõ ràng. Nó được thể hiện trong những gì tôi làm và những điều tôi nói,” bà giải thích. “Hoặc là tôi phải thích nghi, hoặc là tôi phải bỏ việc, nên tôi chọn cách ở lại. Khi tôi đi, tôi muốn mang theo cảm giác tốt đẹp trong lòng. Tôi không muốn nghỉ việc với cảm giác mình không thể làm được.”

Lần này, bài học rút ra càng cay đắng hơn: “Họ nhận xét về tính cách cá nhân tôi,” bà nhớ lại. “Nhưng điều tuyệt vời là học cách xử lý vấn đề khiến cho cuộc sống của tôi tốt đẹp hơn.” Thật sự là mọi chuyện tốt hơn hẳn.Trong vòng 18 tháng, Olive được đề cử làm thành viên ban điều hành, và sau cùng là điều hành cấp cao của doanh nghiệp. Sau gần 14 năm là việc, năm 2004 Olive nghỉ việc, đầu quân sang quản lý chiến lược và nhân lực tại Tudor Investment. Ngày nay, bà trở nên giàu có và quyền lực hơn cả những gì viển vông nhất bà từng ước mơ khi còn là một cô gái trẻ. “Cha tôi từng nói: ‘Đừng mải lo nghĩ về nơi con đang đứng. Điều cần nhất là con xem mình đã vươn xa đến đâu.’ Tôi đã chứng minh tôi có thể làm được,” Olive nói. “Dù chuyện gì xảy ra ở Tudor đi nữa, hay ở bất cứ doanh nghiệp nào tôi làm việc, mọi thứ đối với tôi rồi sẽ ổn.”

Olive tin chắc khả năng làm chủ chính là bí quyết cốt lõi: “Bạn phải thất bại, nếu không bạn sẽ chẳng đi đến đâu trong cuộc sống. Nếu bạn luôn làm những gì mình thấy dễ chịu, thoải mái, rõ ràng là bạn chẳng thể nào phát triển. Đó là thế giới của bạn. Đó là cuộc đời của bạn. Và bạn không thể đổ lỗi cho ai hết. Bạn là người quyết định mình phải làm được điều tốt đẹp nhất cho cuộc sống của chính mình.”

Bạn là người kiểm soát

Bạn có thể bắt tay vào việc như Olive không? Chúng tôi tin chắc là bạn có thể. Quyền tự chủ là điều các nhà tâm lý học gọi là tập trung vào nội tại trong cuộc sống của bạn. Điều đó có nghĩa là bạn tin số phận nằm trong tay mình. Khái niệm đối lập với nó là tập trung ra bên ngoài, hàm ý là mọi thứ xảy ra trong cuộc sống đều nằm ngoài nỗ lực hay hành vi của bạn, và rằng các sự kiện tạo nên cuộc sống của bạn, chứ không phải chính bạn.

Nói chung, những ai tập trung vào nội tại sẽ tự tin hơn và tràn đầy động lực hơn, ít e ngại rủi ro hơn. Ngược lại, những ai tập trung ra bên ngoài dựa vào những tác động bên ngoài (lời khen ngợi chẳng hạn) để nâng cao lòng tự trọng. Đáng buồn là nghiên cứu cho thấy phụ nữ thường đặt trọng tâm chú ý của mình vào thế giới bên ngoài.

Bạn hãy là giám khảo và tự hỏi mình những câu sau:

Khi không có được công việc mong muốn hoặc không được thăng chức, bạn có tin rằng người thắng cuộc đã nhận được sự hỗ trợ đặc biệt nào không?

Bạn có bao giờ thương lượng mức lương của mình chưa?

Bạn có cảm thấy trong hầu hết các trường hợp, nếu bạn nêu ra một vấn đề nào đó, bạn có thể tìm được giải pháp cho nó?

Nếu bạn trả lời không cho hai trong số ba câu hỏi trên, điều đó cho thấy bạn tập trung ra bên ngoài.

Sau đây là những gì bạn có thể làm để chuyển từ bên ngoài sang nội tại. Bắt đầu bằng việc hỏi ý kiến của những người làm chung, vốn là những người có thể giúp bạn đánh giá những khía cạnh nào của quá trình làm việc nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Các cố vấn – đặc biệt là người đỡ đầu cho bạn – sẽ hỗ trợ được nhiều nhất. Họ biết những gì thật sự nằm trong khả năng của bạn, và có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy những việc đó không hề ít. Rồi hãy hỏi những người khác (như cánh đánh ông chẳng hạn) xem họ nhận thức về năng lực tác động đến kết quả của họ trong tình huống tương tự như thế nào. Phải chăng họ làm theo những quy luật nào khác mà bạn không biết? Ví dụ như trong các nghiên cứu về nghệ thuật thương thảo, sự khác biệt về giới tính gần như biến mất khi nữ giới biết rằng những người khác đang thương lượng và đạt kết quả tốt hơn. Khi bạn biết những quy luật ấy, bạn cảm thấy mình nắm quyền kiểm soát.

Giờ đây bạn không phải đang đợi người khác quyết định con đường mình đi. Hãy suy nghĩ thật nghiêm túc về nơi bạn muốn đến. Hãy lấy Olive làm nguồn cảm hứng.

Ví dụ, hãy tham gia vào một dự án khiến bạn thích thú. Hãy tự hỏi xem việc này có giúp tăng khả năng của mình không, có phù hợp với sở thích của mình không. (Hãy nhớ nếu bạn cứ làm mãi một việc, dần dần nó sẽ mất đi giá trị ban đầu). Sau đó hãy dùng những thông tin có được để mưu cầu những gì mình muốn và từ chối những điều thật sự không giúp ích gì cho bản thân. Trong cuộc sống thường nhật, nếu bạn để ý sao cho mỗi quyết định thực hiện đều phù hợp với mục tiêu dài hạn đề ra, bạn sẽ bắt đầu khẳng định được quyền tự chủ cuộc đời mình. Câu chuyện đời của Olive không phải như truyện thần tiên cổ tích. Nhiều lần bà thất bại hoàn toàn; những sai lầm đó khiến bà chùn bước. Bà trải qua ba công việc khác nhau trước khi tìm được điểm dừng chân. Đó là thực tế cuộc sống.

Khi nói về cuộc sống thật ngoài kia, bạn biết đấy, cũng có những bờ dốc lởm chởm đá không đáng cho ta chinh phục. Làm thế nào để tránh phí phạm thời giờ cho những doanh nghiệp không phù hợp? Hãy tìm đến những doanh nghiệp có những chính sách hỗ trợ phụ nữ. Một dấu hiệu để nhận biết các doanh nghiệp đó là có phụ nữ ở những vị trí lãnh đạo, chế độ thăng tiến và đánh giá kết quả làm việc rõ ràng minh bạch. Một dấu hiệu khác là các quy định về quyền lợi được đề ra cụ thể, công khai cho tất cả mọi người. Ngoài ra, quy trình làm việc cũng cần rõ ràng để khuyến khích các nhân viên tài năng. Trong những doanh nghiệp như thế, cơ hội tìm được môi trường thuận lợi để bạn phát triển cao hơn hẳn. Quyền tự chủ cuối cùng nằm ở con đường trở thành doanh nhân – một lựa chọn hấp dẫn nếu việc làm thuê không thích hợp với bạn.

Vài người trong chúng ta cảm thấy căng thẳng đầu óc để xác định xem bước “đúng đắn nhất” tiếp theo là gì, nhằm mở ra cánh cửa đến thành công và hạnh phúc. Câu chuyện của Olive nhấn mạnh rằng có nhiều bước đúng đắn tiếp theo để lựa chọn, chứ không chỉ có một. Hãy dẹp bỏ suy nghĩ ấy vì nó chỉ níu chân bạn lại. Đôi khi chỉ cần bước tới là bạn đã bước gần hơn đến ước mơ của mình.

Ghi chú cuối cùng: Quyền tự chủ luôn đi cùng với tham vọng, và đó là điều cấm kỵ đối với nhiều phụ nữ. Chúng ta luôn thích được xem là người khiêm tốn. Một số chủ động tránh né không đả động gì đến tham vọng, số khác còn chối bỏ nó hoàn toàn. Nhiều người thì miêu tả nó theo kiểu một mục tiêu cao cả, như “phục vụ cho người khác.”

Nói một cách thẳng thắn thì tham vọng là một điều tốt. Nhận thức được mình muốn gì không những không có gì sai, mà còn là một bước giúp bạn tiến gần đến mục tiêu. Vậy thì tại sao phụ nữ ngưỡng mộ tham vọng ở đàn ông, nhưng lại không muốn bị xem là tham vọng? Các nhà nghiên cứu tin rằng điều này bắt nguồn từ vai trò xã hội của hai giới thuở sơ khai. Theo truyền thống, quyền năng lãnh đạo thuộc về nam giới, và dù nữ giới cũng thành công trong mọi lĩnh vực, các quan niệm xã hội của chúng ta vẫn thể hiện tư tưởng lỗi thời đó. Thậm chí cho đến ngày nay, vị trí lãnh đạo vẫn thiên về nam giới: Nhà lãnh đạo phải là người có đầu óc phân tích, kiên định, sẵn sàng đón nhận rủi ro, cương quyết – chân dung tiêu biểu của một người đàn ông. Trong khi đó, chẳng ai mô tả một nhà lãnh đạo với tính cách mềm mỏng, thấu hiểu, thật thà, dịu dàng và sáng tạo.

Chúng tôi hy vọng khái niệm Lãnh Đạo Cân Bằng sẽ giúp nhiều nữ lãnh đạo thành công hơn. Các nữ lãnh đạo là những con người đầy tham vọng, quyết đoán, tự tin và biết cân nhắc rủi ro. Họ nói lên chính kiến và nắm lấy vận mệnh của mình. Nhưng đồng thời họ cũng biết cảm thông, tích cực, vui vẻ kết nối và quan tâm đến người khác. Một ngày nào đó, những tính cách này sẽ làm nên chân dung của mọi nhà lãnh đạo – cả nam lẫn nữ.

Khi thừa nhận mình có tham vọng, bạn sẽ cho phép bản thân nắm quyền tự chủ để thành công. Hãy quên đi lối tư duy giới hạn – và bạn sẽ ngạc nhiên trước tác động tích cực mà nó mang lại.

Nói cách khác, hãy tin vào chính mình. Chúng tôi tin bạn. Đó là lý do chúng tôi viết ra quyển sách này.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.