Cách Người Phụ Nữ Xuất Chúng Lãnh Đạo
CHƯƠNG 15: DƯỚI SỰ BẢO TRỢ CỦA NGƯỜI ĐỠ ĐẦU
Những thành công rực rỡ nhất mà tôi có được hẳn là nhờ vào con người quyền lực nhất và chu đáo nhất thành phố, David Rockefeller. Tôi nghĩ, “Tôi giống như người thợ cơ khí biết tận dụng cũng như phát huy quyền lực và sự tận tụy của ông dành cho thành phố New York để tái cấu trúc những vùng phụ cận.” Phép mầu xuất hiện.
Kathryn Wyde, Chủ tịch kiêm CEO, làm việc cho Thành phố New York Bạn có được ai “chống lưng” trong sự nghiệp không? Một người luôn đảm bảo công sức của bạn được ghi nhận và bạn sẽ gặt hái những thành công xứng đáng? Một người luôn tạo cơ hội cho bạn tỏa sáng? Đó chính là người đỡ đầu. Nếu có, hãy trân trọng mối quan hệ này. Bởi chắc chắn một điều: Hầu hết những nhà lãnh đạo thành công mà chúng tôi biết đều có một người đứng đằng sau hỗ trợ cho những nấc thang thăng tiến của họ.
Bạn chưa có ai đỡ đầu ư? Chúng tôi sẽ chỉ cho bạn cách để tìm được một người đỡ đầu. Và nếu có ai đó đang nâng đỡ bạn, thì xin chúc mừng và mong rằng bạn sẽ trở thành một người bảo trợ cho người khác trong tương lai. Bạn sẽ nhận lại được rất nhiều niềm vui vì đã hào phóng cho đi sự tin tưởng, thời gian và nỗ lực của mình.
Ruth Porat là Phó chủ tịch Morgan Stanley, mẹ của ba đứa con, và là người chiến thắng căn bệnh ung thư vú – không chỉ một mà những hai lần. Ruth đã tìm được những người đỡ đầu cho mình, rồi nương tựa vào họ trong suốt con đường sự nghiệp, từ những ngày đầu khi còn là một trong những phụ nữ hiếm hoi làm việc trong ngành ngân hàng đầu tư cho đến bây giờ, khi đã trở thành nhà điều hành cấp cao. Chính những người đỡ đầu đã giúp cô tỏa sáng trong công việc mà cô yêu thích.
Câu chuyện của Ruth
Ruth đã chỉ cho chúng tôi cách phân biệt sự khác nhau giữa người cố vấn và người đỡ đầu. Có hai điểm khác biệt chủ chốt. Thứ nhất, người cố vấn đưa ra những lời khuyên thông thái, còn người đỡ đầu bắt tay vào việc cùng bạn. Thứ hai, người đỡ đầu tin vào bạn; cố vấn thì chưa chắc. Và khi bạn đọc câu chuyện này, hãy lưu ý hai dấu hiệu đó.
Khi Ruth làm việc trong công ty được hai năm, vị chủ tịch của một doanh nghiệp khách hàng chuyên kinh doanh hàng tiêu dùng đã gọi điện cho giám đốc điều hành công ty cô và yêu cầu một nữ nhân viên thuyết trình trước hội đồng quản trị; bởi tất cả khách hàng của ông này đều là nữ, thế nên quan điểm của một phụ nữ rất được coi trọng. Vị giám đốc điều hành gọi Ruth vào và bảo cô nhận nhiệm vụ. “Tôi chưa bao giờ bước chân vào phòng họp của ban giám đốc, chứ nói gì đến chuyện thuyết trình,” Ruth nói. “Tôi sợ chết điếng. Rồi ông ấy nói, ‘Theo thì sống, chống thì chết. Cô phải làm thôi. Đi đi.’ ”
Và cô đã sống sót. “Mọi thứ thật tuyệt,” Ruth nhớ lại. “Đến giờ tôi vẫn còn nhớ những sai sót mình mắc phải. Nhưng tôi cũng nhớ rằng nhìn chung mọi thứ đều ổn. Ông ấy đã dám giao cho tôi trọng trách đó.” Chính sự kiên định và quyết tâm làm nên con người cô, và cũng vì lý do đó mà cô chọn Phố Wall làm nơi khởi đầu sự nghiệp. Cô được sinh ra ở Anh, nơi cha cô dạy trong trường đại học với ước mơ đưa cả gia đình sang Mỹ. Ông chạy trốn khỏi nạn thảm sát người Do Thái và nhận ra cách duy nhất để đặt chân lên đất Mỹ chính là tìm cách đáp ứng nhu cầu của người khác. Ông tự học ngành vật lý, và khi Ruth lên ba tuổi, ông tìm được một công việc giảng dạy tại đại học Harvard. Cả nhà chuyển đến Massachusetts, rồi California, sau đó trở về Anh một thời gian, và cuối cùng ổn định cuộc sống ở California khi Ruth lên 10. Không có gì lạ khi tính kiên định, ham học hỏi và sẵn sàng đón nhận rủi ro trở thành một phần tính cách của Ruth.
Cả tính siêng năng làm việc nữa. Mẹ của Ruth cũng là một nhà tâm lý học chỉ biết đến công việc. “Khi tôi đi học về, nhà chẳng có ai. Tôi phải tự làm mọi thứ,” Ruth nhớ lại. “Đối với tôi, làm việc là chuyện hiển nhiên.”
Rồi Ruth theo học ngành kinh tế tại trường Stanford và chuyển đến thủ đô Washington làm việc cho Bộ Tư Pháp. Nhưng Ruth không trụ trong ngành này lâu. “Khi còn học ở trường kinh tế, bỗng dưng tôi biết đến một hoạt động gọi là sáp nhập & thâu tóm (Mergers & Acquisitions – M&A); những thương vụ mua bán mang tính chiến lược hấp dẫn tôi.”
Vào thời điểm đó, Phố Wall có ba công ty danh tiếng, và Morgan Stanley nằm ở vị trí dẫn đầu. Ruth yêu thích mọi khía cạnh của doanh nghiệp này: con người, đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp, thế nên cô gia nhập bộ phận M&A vào năm 1987 – ngay trước thời kỳ suy thoái. Cô nhớ mình đã thầm nghĩ, “Mình đã làm gì vậy? Sự nghiệp của mình rồi sẽ đi về đâu?”
Được phát huy sở trường, Ruth làm việc cật lực và tận hưởng niềm vui trong công việc. “Giống như một vòng lặp vậy, tôi ở văn phòng làm việc cả đêm, chạy về nhà tắm một cái, rồi quay lại ngay. Nhưng đó là một trong những quãng thời gian hào hứng nhất, bởi tất cả những thương vụ chúng tôi thực hiện đều được đăng trên trang nhất tờ Wall Street’s Journal.”
Từ những ngày đầu đi làm, bộ phận M&A mang đến cho Ruth nhiều cơ hội tiếp xúc với những tay lão luyện. “Ở tuổi còn khá trẻ, tính chất công việc đã cho tôi cơ hội tận mắt chứng kiến phong cách làm việc của các “bậc lão thành”. Tôi được sát cánh với toàn là những huyền thoại của Phố Wall!” Ruth kể ra bảy người. Cũng dễ hiểu khi cô cho rằng mình may mắn; Quãng thời gian học việc là bước đầu tiên đi tìm người đỡ đầu của cô.
Quả thật, lời khuyên Ruth dành cho chúng ta rõ ràng là hãy ý thức tìm kiếm người đỡ đầu: “Bạn phải có trách nhiệm tìm cho ra người đó. Nếu bạn làm cho một người không dám mạo hiểm vì bạn, hãy bỏ việc bởi bạn không bao giờ thay đổi được họ. Sự nghiệp của bạn sẽ đi vào ngõ cụt. Tôi đã từng làm việc với nam giới – Tôi luôn làm việc dưới các sếp nam. Người có thiện ý cũng nhiều, mà người có định kiến sâu sắc với nữ giới cũng không ít. Trong những trường hợp này, bạn phải luôn tự nhủ, ‘Mình sẽ chẳng bao giờ có cơ hội thăng tiến nếu không đổi sếp.’ Một trong những vấn đề trầm trọng nhất của phụ nữ là làm việc cật lực và mong muốn một ngày nào đó nỗ lực của mình được công nhận. Nhưng nếu làm việc chăm chỉ cho một người sếp không ra gì, nỗ lực của bạn sẽ thành công cốc. Làm việc cho những sếp như thế, bạn chỉ nhận lại một thứ duy nhất – sếp thành công rạng rỡ, còn sự nghiệp của bạn mãi bế tắc.”
Phát triển mối quan hệ với người đỡ đầu tiềm năng chính là bước tiếp theo. Điều này cho bạn biết người đỡ đầu sẽ tận dụng điểm mạnh nào của bạn. Bạn có thể thấy ở Ruth lòng kiên trì, siêng năng, biết suy xét và chính trực.
Ngay từ đầu, Ruth đã hiểu rằng người đỡ đầu cũng cần điều gì đó ở cô. “Tôi không quá ngu mà tin rằng ‘Ông ấy làm như vậy là vì ông ấy tốt với mình,’ ” cô nói. “Tôi giúp ông ấy phát triển sự nghiệp; chắc chắn là tôi hỗ trợ ông ấy rất nhiều. Nhưng làm việc suốt ngày đêm, thật sự dành thời gian cho khách hàng cũng vui, nên tôi thấy thỏa thuận này xứng đáng.” Khi một trong những cố vấn của cô rời Morgan Stanley sang làm cho công ty đối thủ vào năm 1992, Ruth đi theo. Cô quản lý nhóm hỗ trợ tài chính cho ông này trong vòng hai năm. “Khi nghĩ đến chuyện rời bỏ Morgan Stanley với vị cố vấn này, tôi không nghĩ mình đã nói rõ với những người ở lại về lý do tại sao tôi bỏ đi, và về việc nếu ở lại thì tôi lo lắng điều gì. Đáng lẽ ra tôi nên nói rõ cho họ biết,” cô nhớ lại. “Thậm chí cha tôi còn nói, ‘Bố không hiểu tại sao con lại đi. Đây là một nơi cực kỳ liêm chính và con luôn xem trọng điều đó mà.’ ”
Ngay khi chuyển sang công ty mới, Ruth đã cảm thấy hối hận. “Giá như tôi nói ra tất cả những khó khăn mình mắc phải, tôi nghĩ mọi chuyện sẽ được giải quyết. Thật lòng tôi không muốn rời bỏ công ty cũ,” cô nói. “Sau nhiều năm đóng góp cho Morgan Stanley, tôi có trách nhiệm phải thẳng thắn với chính mình và với những người trong doanh nghiệp. Và bạn biết không, có thể họ sẽ nói, ‘Chúng tôi không đáp ứng được những trông đợi của chị và chị nên ra đi.’ Cũng có thể họ nhận ra tôi có những kỳ vọng chính đáng. Một bài học lớn ở đây là nếu bạn đang toan tính chuyện nghỉ việc, bạn nên trao đổi trực tiếp với mọi người để không phải dằn vặt bản thân sau này.”
Mặc dù có một mối quan hệ vô cùng tốt đẹp với vị cố vấn mà cô nối gót theo sau, Ruth vẫn không thích cách làm việc và văn hóa tại doanh nghiệp mới. Cô nhớ mình đã tự nhủ, “Ôi trời ơi, mình đã hủy hoại sự nghiệp của mình rồi. Mình muốn trở về nhưng cánh cửa đã khép lại.”
Sau hai năm, Ruth có cơ hội quay về Morgan Stanley, nhưng với điều kiện là cô phải chấp nhận lùi một bước, không còn giữ chức giám đốc nữa. Thật là một điều kiện khó bởi tất cả những đồng sự với cô trước đây đều đã vươn lên vị trí giám đốc. Cô nhớ mình đã bày tỏ với người đứng đầu doanh nghiệp: “Ông muốn hạ nhục tôi sao? Không được đâu. Tôi không muốn bị lôi ra làm gương. Tôi không muốn ngày trở về mọi người sẽ kháo nhau, ‘Thấy chưa, nếu không bỏ đi thì cô ta đã có một sự nghiệp rạng rỡ.’ ” Nhưng cô luôn ghi nhớ câu trả lời của vị CEO: “Đừng lo về điều đó. Một năm đầu sẽ khó khăn. Nhưng sau hai năm, cô sẽ nhìn lại và tôi đảm bảo với cô là cô sẽ vui sướng vì mình đã quyết định như thế.”
Cô tin vào những gì ông nói, như một lời cam kết cá nhân. Cả hai đều biết là có rủi ro, nhưng Ruth chọn cách tin tưởng nơi ông. Và nhờ niềm tin đó, cô đã tìm được nhiều người đỡ đầu khác cho mình. Một vài giám đốc trấn an cô rằng họ sẽ yểm trợ cho cô. “Họ nói với tôi, ‘Chúng tôi biết quay lại không dễ dàng gì.’ Đó là một quyết định sáng suốt.”
Vài năm sau, Ruth bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú. “Thật tuyệt vời khi tôi có thể nhìn lại và nói, ‘Tôi thật sự rất tự hào về những thành quả trong công việc. Tôi vô cùng hạnh phúc vì mình đã lập gia đình và có con. Ai cũng phải đưa ra những lựa chọn riêng trong cuộc sống, nhưng tôi vui vì mình đã lựa chọn nhiều thứ khác ngoài công việc,’ ” Ruth nói. “Tôi đề cập đến điều này vì cứ 3 người thì sẽ có 1 người mắc bệnh ung thư. Ai cũng có lúc phải đối diện với những người rơi vào hoàn cảnh đó. Bạn có thể không còn nhiều thời gian như bạn nghĩ. Vì thế hãy nỗ lực hoàn thiện bản thân theo cách bạn muốn, càng sớm càng tốt.”
Có được sự bảo trợ chính là yếu tố then chốt hỗ trợ Ruth trong quá trình đương đầu với căn bệnh ung thư. Cô nhớ lại lần đầu tiên nhận được kết quả chẩn đoán, trưởng ngành ngân hàng đầu tư toàn cầu (một người đỡ đầu khác của cô) đã nói với cô rằng ông tin công việc sẽ giúp cô hồi phục. “Ông ấy muốn tôi biết rằng tôi làm việc vì chính bản thân mình – chứ không phải vì Morgan Stanley. Tôi nghĩ đó là một thông điệp tuyệt vời. Ông ấy biết tôi yêu công việc đến nhường nào,” cô nói. “Tôi muốn tiếp tục làm việc đến khi nào còn có thể, và hy vọng trong vài chục năm nữa. Đối với tôi, có được sự quan tâm trong công việc cũng như trong cuộc sống cá nhân là điều vô cùng quan trọng.”
Nên là người đỡ đầu hơn là người cố vấn
Bạn có ai làm cố vấn cho mình không? Cố vấn là những người sẽ cho bạn lời khuyên khôn ngoan bằng chính kinh nghiệm và trí tuệ của họ. Thật tốt nếu bạn có cố vấn bên cạnh, càng nhiều càng tốt.
Nhưng các cố vấn không thay đổi hướng đi sự nghiệp của bạn. Như Ruth giải thích, chính người đỡ đầu mới làm nên điều đó. Họ sẽ nhúng tay vào sự nghiệp của bạn, và thay bạn làm nhiều việc. Như thế có nghĩa là mở ra cánh cửa dẫn đến cơ hội mới. Người đỡ đầu còn bảo vệ bạn khi thời thế đổi thay hay lúc bạn phạm sai lầm. Bạn vẫn phải hoàn thành công việc, nhưng bạn không hề cô đơn.
Người đỡ đầu sẽ ra tay nghĩa hiệp theo nhiều cách khó nhận ra. Ví dụ, người đỡ đầu có thể giúp bạn khi bạn không có mặt trong phòng, bằng cách chiến đấu chống lại những kiểu hành xử phân biệt giới tính vốn không may còn tồn tại. Chúng ta đều biết có một số hành vi hoàn toàn bình thường đối với nam giới, nhưng với nữ giới thì ngược lại. Khi một người đàn ông nổi giận, những người đàn ông khác không cảm thấy bị tấn công. Nhưng khi một người phụ nữ lên tiếng phản ứng, cô có thể bị mang tiếng là khó hợp tác.Tương tự, một chàng trai có thể khoe khoang đánh bóng bản thân mình, nhưng nếu một cô gái làm thế, mọi người cho rằng cô này huênh hoang. Và quá đáng hơn, các nam đồng sự thường coi khinh nữ đồng nghiệp nào không đòi hỏi sự công nhận, với kết luận rằng cô chưa sẵn sàng để ngồi vào chiếc ghế lãnh đạo. Mọi thứ nghe thật thảm hại, đúng không? Vì thế, người đỡ đầu sẽ nói tốt thay bạn và lên tiếng nếu bạn bị đánh giá thấp một cách bất công.
Với ưu thế là người đi trước, người đỡ đầu sẽ là người dẫn đường tài năng giúp bạn tránh được những chiếc bẫy ngớ ngẩn và những ngõ cụt trong bất kỳ tổ chức nào. Không gì quý hơn người đỡ đầu khi bạn gặp các vấn đề liên quan đến đường đi nước bước trong tổ chức, các quy tắc văn hóa doanh nghiệp và những cách thức phù hợp để được chú ý và vươn lên dẫn đầu. Đó là những vấn đề tế nhị mà một người dẫn đường nhiều kinh nghiệm có thể giúp bạn xoay sở.
Cuối cùng, người đỡ đầu còn là nguồn thông tin phản hồi tốt nhất, đồng thời có thể giúp bạn làm chủ cảm xúc khi đối mặt với các vấn đề cải thiện bản thân. Bạn tin rằng người ấy thật sự quan tâm đến bạn, nên bạn luôn mở lòng để lắng nghe những phản hồi chân thật. Và hai người cùng nhau giải quyết vấn đề.
Tìm người đỡ đầu cho riêng mình
Thế thì tất cả những người đỡ đầu này đang ẩn nấp ở đâu, khi nào họ mới xuất hiện để giúp bạn phát triển và vượt lên dẫn đầu?
Ít có ai may mắn bước vào công ty mới với một người đỡ đầu chờ sẵn. Nếu bạn chưa tìm được ai đỡ đầu cho mình, đây là lúc bạn cần nỗ lực để có một người như thế. Nếu bạn chỉ mới bắt đầu sự nghiệp, hãy trò chuyện với các đồng nghiệp để hiểu cách họ tìm những người tốt để hợp tác ra sao.
Thông thường, những người đỡ đầu tìm thấy những mối quan tâm chung hoặc niềm đam mê trong công việc ở những người họ chưa mấy gắn bó. Đa số họ mong muốn chỉ dạy cho những ai thật sự say mê công việc họ làm. Những mối quan hệ nảy sinh tự nhiên thường phát triển thành mối quan hệ đỡ đầu khi bạn có cơ hội thể hiện khả năng của mình.
Vì thế hãy dành thời gian suy nghĩ về thế mạnh bản thân và những gì mình đam mê. Đừng quên quy luật “6 chặng phân cách” và tìm đến những lãnh đạo cấp cao đang hoạt động trong các lĩnh vực hoặc ngành nghề mà bạn quan tâm. Hãy tìm cách tiếp cận họ và cho họ biết đam mê của bạn (khơi nguồn cho mối quan hệ song phương).
Một ý hay khác là sàng lọc những người đỡ đầu tiềm năng trong số các “ứng cử viên”: những người từng là người đỡ đầu trước đây. Trong khi nhiều lãnh đạo không nghiêng theo xu hướng này, nhưng với những ai có được cảm giác mãn nguyện từ việc đỡ đầu sẽ duy trì vị trí này lâu dài. Vì vậy bạn hãy khám phá xem ai từng đứng ra đỡ đầu người khác trong doanh nghiệp. Tận dụng các mối quan hệ với đồng sự mà bạn biết, hoặc chỉ cần đi hỏi những phụ nữ đi trước xem ai từng giúp đỡ họ trong suốt quá trình làm việc.
Dĩ nhiên, một số người sẽ trả lời họ có chung người đỡ đầu, và cũng có thể có rất nhiều người khác đang xếp hàng trước bạn; nhiều người trong số đó có cùng niềm đam mê với người đỡ đầu mà bạn đang nhắm đến. Đừng lo lắng. Việc tiếp theo bạn cần làm là đi tìm một người nào đó có khả năng trở thành người đỡ đầu tốt nhưng chưa được nhiều người chú ý đến. Bạn có thể thuyết phục người ấy trở thành người đỡ đầu cho bạn.
Trong quá trình liệt kê danh sách những người đỡ đầu tiềm năng, đừng dừng lại ở 1 người nhằm gia tăng xác suất thành công. Khi đã hiểu hơn về thế mạnh, kiến thức của những người này, hãy lùi lại một bước để đánh giá mọi việc. Bạn có yêu thích công việc cụ thể nào đó giống như người này không? Người này có đang ở vị trí tốt nhất để ảnh hưởng đến sự nghiệp của bạn một cách ý nghĩa không? Bạn có thấy thoải mái trao đổi với người này về các vấn đề cá nhân lẫn công việc không? Không phải đối tượng nào cũng hòa hợp được với bạn. Chẳng sao cả. Cứ tiếp tục tìm kiếm cho đến khi bạn tìm được người thật sự thích hợp; nó rất đáng để bạn đầu tư thời gian.
Dù ta vẫn gặp nhiều nữ lãnh đạo thành công mà không cần người đỡ đầu, nhưng cũng chắc chắn một điều, có được một người như vậy sẽ là lợi thế to lớn cho đội ngũ của bạn. Một người đỡ đầu gần như chắc chắn sẽ giúp bạn thăng tiến, tạo cho bạn cảm giác gắn bó với doanh nghiệp nhiều hơn, và giúp bạn tìm được ý nghĩa trong những gì mình làm.
Điều này không chỉ tốt cho bạn. Người đứng ra bảo trợ sẽ có cảm giác hài lòng vì đã cho đi và làm được một việc tốt. Người đỡ đầu có thể xem bạn và những người khác là người kế tục họ trong doanh nghiệp. Hoặc chỉ đơn giản họ thích mối quan hệ cá nhân này. Một số người đứng ra bảo trợ từ rất sớm, bởi thường theo sau họ là những người hết sức tài năng.
Và đó là lý do chúng tôi hy vọng bạn cũng sẽ trở thành một phần của quá trình này, đứng ra đỡ đầu cho những thế hệ nữ lãnh đạo tiếp theo.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.