Cách Người Phụ Nữ Xuất Chúng Lãnh Đạo

CHƯƠNG 21: CHINH PHỤC NHỮNG ĐỈNH CAO



Ngay từ những ngày đầu thực hiện dự án lãnh đạo vào năm 2004, chúng tôi đã lấy Andrea Jung làm tấm gương điển hình. Trong vai trò CEO của Avon Products, chị là một trong những nữ lãnh đạo doanh nghiệp tiếng tăm hàng đầu thế giới. Cùng với niềm khát khao được giúp đỡ phụ nữ khắp nơi, chị đã giúp Avon hoàn toàn lột xác kể từ khi giữ chức CEO vào năm 1999. Khi mọi chuyện sa sút, chị thể hiện khả năng hồi phục đáng nể. Nhà lãnh đạo dũng cảm, chín chắn đã tự biến đổi mình, lấy lại phong độ và lèo lái doanh nghiệp trở lại thời hoàng kim.

Xác định những khoảnh khắc

Từ thuở bé tôi đã có tính kỷ luật cao. Mọi người kỳ vọng nhiều vào tôi, nhưng sự kỳ vọng ấy vẫn được bao bọc trong tình yêu thương. Tôi lớn lên trong những tháng ngày tươi đẹp ấy. Lấy ví dụ như khi tôi học đánh đàn piano, một ngày tôi phải tập 60 phút – 59 phút cũng không được nghỉ. Mẹ tôi đặt một thiết bị hẹn giờ dùng trong nhà bếp, cạnh chiếc máy nhịp để đảm bảo thời gian chính xác.

Tâm lý không bao giờ bỏ cuộc giữa chừng trong tôi được rèn luyện từ những năm tháng đầu đời. Trong công việc đầu tiên của tôi với Bloomingdale’s, nơi tôi bắt đầu tham gia chương trình đào tạo về ngành bán lẻ, tôi phải làm thứ công việc tẻ nhạt: thay móc áo, một công việc quanh quẩn trong kho đúng nghĩa. Chưa đến Lễ Tạ ơn, hầu hết những nhân viên tham gia chương trình này đều kiếm chuyện khác làm. Tôi còn nhớ mình gọi điện về nhà và nói, “Công việc này chẳng đúng ý con chút nào, giống như con chẳng ứng dụng được gì về chuyên môn cả, chắc con xin nghỉ và kiếm việc khác.” Tôi còn nhớ phản ứng của mẹ mình – không khác gì lúc tôi ngồi tập đàn: “Gia đình mình không có chuyện bỏ cuộc giữa chừng. Con thậm chí còn chưa dành cho công việc này một cơ hội. Con có thể học hỏi nhiều thứ từ nó. Có thể nó chán thật, nhưng con phải bắt đầu từ thấp lên cao.” Tôi đã không bỏ việc, và từ đó về sau, công việc ấy là bước khởi đầu cho thành công của tôi. Khi bạn không bỏ cuộc, và sau một thời gian chịu khó với công việc buồn chán, hoặc với cấp trên không ra gì, bạn sẽ học được nhiều điều. Lòng kiên trì là vô cùng cần thiết.

Tôi học cách phấn đấu vì những mục tiêu của riêng mình. Đó là một trong những điều cha mẹ dạy cho tôi. Năm học lớp bốn, tôi còn nhớ mình đi ngang qua một cửa hàng bán đồ mỹ thuật. Tôi thấy một bộ viết chì 120 màu, đựng trong chiếc hộp nhung xanh thẫm, và tôi muốn có nó lắm. Nhưng gia đình tôi đâu có chừng ấy tiền, và lúc đó không phải dịp Giáng Sinh cũng chẳng phải sinh nhật tôi. Mẹ tôi nói, “Nếu con luôn đạt điểm tối đa trong tất cả các môn và học hành chăm chỉ, con sẽ có món quà đó.” Tôi học như điên, và tôi được thưởng bộ viết chì màu đó. Tôi biết đặt ra thử thách cho chính mình và nhắm đến những tiêu chuẩn cao chính là nhờ cha mẹ đã dạy cho tôi.

Trước tuổi 30, tôi nhận ra công việc đang làm không mang lại mục đích và sự phát triển như tôi mong đợi. Vì thế khi tôi có cơ hội chuyển sang làm cho Avon, quyết định đó không liên quan đến chức vụ hay quy mô công ty gì cả. Ngay thời điểm ấy, cũng xin nói với bạn rằng không một ai có thể tin được là tôi chuyển chỗ làm – không một ai trong gia đình tôi, bạn bè tôi, những người cùng ngành với tôi tin cả. Tôi đang giữ một vị trí trong ngành bán lẻ hàng hóa cao cấp và sắp đứng ra điều hành một trong những doanh nghiệp đó. Trong giai đoạn đầu những năm 1990, Avon rơi vào tình trạng sa sút sau quá trình thay đổi mô hình phân phối hàng hóa. Rủi ro xem ra không phải nhỏ.

Những lý do đầu tiên khiến tôi chọn Avon hoàn toàn mang tính lý trí: Đó là một doanh nghiệp toàn cầu, một kênh phân phối hoàn toàn khác, một sự thay đổi toàn diện, điều mà tôi chưa bao giờ thực hiện. Nhưng hóa ra những lý do này chỉ chiếm 10% trong quyết định của tôi. Điều tôi không nhận ra khi ấy là 90% lý do tại sao tôi đầu quân cho Avon lại thiên về cảm xúc – mục đích của doanh nghiệp, cách công ty hoạt động có thể thay đổi cuộc sống của phụ nữ trên toàn thế giới ra sao. Hiểu về vai trò xã hội lớn hơn của doanh nghiệp chính là thời khắc quyết định đối với tôi. Bạn sẽ cảm thấy như được tiếp thêm động lực khi bước vào những thị trường đang phát triển và nhìn thấy tác động cũng như cơ hội mà công việc ấy mang lại nếu chúng ta biết cách làm. Cảm giác sẽ vô cùng mãn nguyện, dẫu cho quý vừa rồi chúng ta kinh doanh thành công hay thất bại. Rõ ràng, điều giữ chân tôi lại chính là doanh nghiệp này có khả năng tạo ra sự khác biệt.

Một trong những thế mạnh đã ăn sâu vào máu và giúp tôi rất nhiều là tôi không biết sợ là gì. Bạn biết đấy, tôi luôn có được sự can đảm đó, ngay cả khi còn là một bé gái. Vì thế, chuyện mạnh dạn thay đổi con đường sự nghiệp cũng chẳng làm tôi chết khiếp. Tôi nghĩ nó hào hứng là đằng khác. Tôi không dám chắc mình làm đúng 100% nhưng tôi biết mình sẽ học hỏi được nhiều thứ. Tôi chẳng mất gì, dẫu mai đây mọi chuyện có kết cục không như ý muốn.

Có rất nhiều người – các phụ nữ trẻ bước vào tuổi 30 – vẫn chấp nhận công việc họ không đam mê. Đối với tôi, sớm chấp nhận rủi ro, chuyển sang Avon và tìm một công việc có ý nghĩa đã thay đổi cuộc đời tôi. Nếu bạn không yêu công việc của mình thì đừng cố mà làm nữa. Hãy tìm cái khác để làm.

Đỡ đầu và được đỡ đầu

Trong những năm đầu làm việc tại Avon, tôi nhận ra có nhiều việc cần làm, nhưng lại không phải là việc tôi có thể nhúng tay vào. Đó là lúc bạn nhìn thấy một cơ hội còn lớn hơn vai trò bạn đang nắm giữ. Bạn có thể than vãn về chuyện đó trong lúc ngồi uống nước với đồng nghiệp, hoặc bạn có thể làm một điều gì đó. Quyết định ấy có thể góp phần định hướng sự nghiệp cho những người trẻ. Đó chính là những gì tôi có được. Chúng tôi có một kế hoạch thực thi gần như toàn cầu, nhưng mọi thứ chưa đâu vào đâu cả. Khi ấy tôi nắm vai trò phụ trách tiếp thị trong nước, và tôi nhận ra mình sắp phải đảm đương hai việc một lúc. Tôi cũng sẽ định hướng phát triển doanh nghiệp trên thương trường quốc tế, áp dụng chính sách toàn cầu hóa thương hiệu xuyên suốt doanh nghiệp, nơi mà từ trước đến nay theo chủ nghĩa phân quyền. Kế hoạch này không được nhiều người ủng hộ và tôi biết “các phần tử đối lập” chỉ chực nhảy xổ ra và bóp chết nó từ trong trứng nước.

Tôi làm việc nhiều đêm ở nhà chỉ để tìm cách trình bày ý tưởng của mình. Tôi còn phải tìm cách giải trình cho ban quản lý hiểu đây là một cơ hội. May mắn thay, nhờ có Jim Preston [CEO và chủ tịch hội đồng quản trị thời đó] là một người đỡ đầu tuyệt vời, mọi người đã chịu lắng nghe tôi và còn muốn tìm hiểu sâu hơn nữa.

Jim là con người đi trước thời đại. Lần đầu tiên gặp anh, tôi thấy phía sau bàn làm việc anh ngồi có một tấm bảng nhỏ in hình bốn dấu chân: bàn chân khỉ, bàn chân trần của con người, dấu giày bít mũi của nam, dấu giày cao gót. Hình ảnh này hàm chứa ý nghĩa về sự tiến hóa của vai trò lãnh đạo. Tôi còn nhớ mình đã nghĩ, “Anh có nghĩ thế thật không?” Thậm chí ngay cả trong Avon, phần lớn bộ phận điều hành là cánh đàn ông. Không bao lâu, anh nói với tôi, “Chị biết đấy, rồi đây sẽ có một người phụ nữ đứng ra lãnh đạo công ty này – người điều hành doanh nghiệp này nên là một phụ nữ.” Jim giúp tôi tiến bộ; từ trước đến nay anh luôn là một người thầy. Anh đứng ra bảo vệ tôi. Jim tin rằng tôi nhìn thấy vấn đề và làm được những điều mà anh không thể, thế nên anh sẵn sàng đặt cược vào tôi. Nếu không có sự che chở của anh, tôi sẽ chẳng ở vào vị trí này. Vào cái ngày tôi nhậm chức CEO, Jim đã tặng tôi tấm bảng in những dấu chân ấy. Giờ nó đang ở đằng sau bàn làm việc của tôi, vẫn là chỗ cũ đó.

Tôi phải luôn tự nhắc bản thân rằng mình may mắn đến mức nào khi được đỡ đầu. Tôi tự nhủ, “Nếu không có người mạo hiểm chọn mình khi mình ở tuổi 39, chắc mình sẽ chẳng bao giờ có được ngày hôm nay. Này, mình đâu có hoàn hảo. Mình đâu biết hết mọi thứ. Nhưng anh ấy vẫn tin tưởng rằng mình sẽ làm được.” Tôi nghĩ chúng ta nên đặt cược vào những người trẻ. Nếu bạn không khuyến khích thế hệ mai sau, bạn sẽ bị tụt hậu so với thời đại.

Ngày hôm nay, người ta gửi thư cho tôi và đến gặp tôi vì những chuyện không liên quan gì đến công việc họ đang làm. Có người trong ngành pháp lý vừa nảy ra một ý tưởng thấu đáo cho vấn đề thương hiệu. Sự thật là việc cô ấy dành thời gian thảo ý tưởng trên tờ giấy trắng thật tuyệt. Bạn phải làm công việc thường nhật của mình hết ngày này qua ngày khác, và chỉ để mắt đến chuyện khác khi có người gọi, “Này, giúp chúng tôi tìm hiểu chuyện này.” Nắm quyền tự chủ không chỉ đơn giản là nói, “Đây là những gì tất cả các bạn phải làm,” mà thay vào đó là “Đây là những gì tôi có thể giúp bạn” hoặc “Đây là cách chúng ta thực hiện.” Bạn phải có lòng đam mê và đủ dũng cảm để tin tưởng. Đó chính là quyền tự chủ thực thụ, cần thiết cho thành công của doanh nghiệp.

Thích nghi với thực tế mới mẻ

Khi tôi gia nhập vào khoảng những năm 90, Avon là doanh nghiệp trị giá 3 triệu đô-la và cũng không tăng thêm là bao vào năm 1999. Bỗng nhiên giá trị doanh nghiệp vọt lên 8 triệu đô-la. Điều hành công ty trị giá 8 triệu đô-la rất khác: con người khác, năng lực khác, quy trình khác, tư duy khác và chiến lược khác. Cách điều hành cũng khác hẳn. Chúng tôi đang cố chạy trước chính mình và rồi mọi thứ bắt kịp chúng tôi. Vào năm 2005, quy mô doanh nghiệp bùng nổ, vượt quá khả năng chúng tôi, nằm ngoài kế hoạch đầu tư và cả quy trình hoạt động. Chúng tôi phải thay đổi tất cả. Đó quả là một thử thách cho công ty và đặc biệt cho chính tôi trong vai trò lãnh đạo.

Tôi còn nhớ rất rõ, vào mùa thu năm 2005, tôi nói chuyện với một chuyên gia đào tạo kỹ năng lãnh đạo. Ông đã thật sự khiến tôi phải suy nghĩ về một điều đơn giản, và nhắc cho tôi nhớ rằng một CEO ở vị trí của tôi thường sẽ bị sa thải – phần lớn những người có thể giải quyết một cách hiệu quả những vấn đề nghiêm trọng mà chúng tôi đang đối mặt lại là người từ bên ngoài, bởi người ngoài thường có cái nhìn khách quan đủ để phân biệt rạch ròi những gì cần tách biệt. Lúc đó là 8 giờ tối ngày thứ sáu. Ông yêu cầu tôi về nhà và giả sử như hội đồng quản trị vừa sa thải tôi, rồi sau đó họ liên hệ một chuyên gia săn đầu người mời tôi quay trở lại làm việc vào sáng thứ hai với vai trò là người vực dậy doanh nghiệp. “Chị có đưa ra được những quyết định cần thiết về nhân lực, chiến lược mà chính chị lập ra không, về kết cấu doanh nghiệp do chính tay chị thiết kế không?” ông hỏi. “Chị có thể làm lại từ đầu từ một tờ giấy trắng không? Nếu chị không làm được như thế, rồi đây vài quý nữa, chị cũng sẽ bị sa thải mà thôi.” Không có mấy người làm được điều đó.

Về bản chất, tôi là người luôn hướng về phía trước chứ không nhìn lại phía sau. Dù là thất bại cá nhân hay trong công việc, tôi cũng chẳng bận tâm nghĩ về những gì đã qua. Tôi hy vọng mình dành vừa đủ thời gian để rút ra bài học từ quá khứ, nhưng tôi chẳng hơi đâu cứ chăm chăm nghĩ tại sao lại ra nông nỗi đó. Làm thế thì thay đổi được gì? Mọi thứ qua rồi. Vậy nên, nhìn về tương lai có ý nghĩa hơn đối với tôi. Tôi có kế hoạch gì? Tôi có giải pháp nào?

Vì thế, sáng thứ hai tôi bước vào công ty và làm đúng những gì ông đề nghị. Mọi thứ sẽ vô cùng tàn bạo, bởi nó dính dáng đến nhiều quyết định cực kỳ khó khăn về con người – những người bạn, những lãnh đạo thâm niên đáng tin cậy. Sự thật là chúng tôi đã cắt giảm gần 30% số lượng quản lý điều hành trong vòng bốn tháng. Tôi đi khắp thế giới, gặp mặt hàng ngàn cộng sự trước khi chúng tôi quyết định cho ai thôi việc. Tôi cảm thấy mình phải nói cho họ hiểu lý do vì sao, và bảo đảm với họ chúng tôi sẽ hành xử công bằng. Chúng tôi phải tái cấu trúc doanh nghiệp trước rồi mới xem xét ai là người có những năng lực mà doanh nghiệp cần.

Để tôi nói bạn nghe điều này: tôi chưa bao giờ sợ mất việc cả. Tôi chỉ sợ mình làm công ty thất vọng thôi. Chắc đó là điểm làm nên sự khác biệt to lớn: tôi luôn hành động rõ ràng, trong sáng. Đồng thời, tôi là người lạc quan. Tôi chưa bao giờ lo lắng rằng đợt lột xác doanh nghiệp này có tác dụng hay không. Nhưng đó là công việc khó khăn nhất mà tôi từng thực hiện. Tôi mắc bệnh viêm phổi vì suy nhược cả về thể chất lẫn tinh thần. Nhưng dần dần, nhiều email gửi đến tôi bày tỏ những điều như, “Những điều chị nói ra thật sự khó lòng tiếp nhận, nhưng quả thật chị đã hết sức dũng cảm khi tìm đến và nói chuyện trực tiếp với chúng tôi. Chị đang làm điều cần thiết cho doanh nghiệp. Tôi hy vọng mình là một trong những người góp phần vào thành công của quá trình tái cấu trúc này, nhưng nếu không được, tôi sẽ ủng hộ kế hoạch của chị vì tôi nghĩ đó là cách làm đúng đắn.” Thời điểm đó chính là bước ngoặt xoay chuyển tình thế đối với tôi.

Bước lên vị trí lãnh đạo

Tôi cảm thấy ra sao khi trở thành một lãnh đạo? Tôi còn nhớ đài CBS có một cuộc phỏng vấn cha tôi khi tôi trở thành CEO. Khi nhóm làm phim đến nhà của cha mẹ tôi và phát thanh viên đặt câu hỏi, “Ông có đoán được việc này không? Có phải chị ấy lúc nào cũng vậy không?” Câu trả lời của cha tôi – ngay trên sóng truyền hình quốc gia – là, “Tuyệt đối không. Với tính cách của nó, tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện nó sẽ trở thành một nhà lãnh đạo thành công.” Chúng tôi lớn lên trong nền văn hóa Á Đông, nơi mà ranh giới giữa việc bày tỏ lập trường và công kích được thể hiện rất rõ ràng. Một nền văn hóa không có chuyện “tranh cãi mang tính xây dựng” hay thậm chí “một cuộc đối thoại gay go” trên bàn ăn. Cha tôi không thể nào tưởng tượng nổi đứa con gái lễ phép người châu Á của ông, đứa con mà ông nuôi dạy và cho ăn học, lại mang tính cách của một CEO điển hình, người chuyên đi đóng cửa các nhà máy và sa thải kẻ khác.

Những ngày đầu đi làm, tôi đã trải qua một thời kỳ khó khăn thật sự. Tôi cảm thấy việc phát biểu hăng hái trong các cuộc họp đi ngược lại truyền thống văn hóa của bản thân. Thật khó khăn khi phải bảo vệ chính kiến của mình. Phần lớn thời gian trong độ tuổi 30 và 40, tôi phải rèn luyện kỹ năng này, để có một chỗ ngồi quanh bàn họp và nói lên quan điểm. Tôi nghĩ mình đã tìm ra ranh giới mà tôi vẫn được là chính mình. Tôi nghĩ giờ đây tôi biết bày tỏ chính kiến, nhưng không hung hăng quá lố – chắc là lâu lâu cũng có nhưng không nhiều.

Bước ngoặt của đời tôi là khi nào? Tôi nghĩ đó là lúc doanh nghiệp lâm vào khó khăn, năm 1998. Khi ấy tôi chưa được bầu làm CEO, nhưng tôi ở lại vì tôi biết mọi người cần tôi trong giai đoạn quá độ này. Quyết định ở lại của tôi không vì chức danh, cũng không phải vì công việc, mà vì tôi biết mình có thể giúp doanh nghiệp tồn tại, ổn định, vào quy củ và có động lực phát triển. Thật là một nhiệm vụ to lớn. Tôi biết mình là một lãnh đạo, dẫu tôi có ngồi vào chiếc ghế cao nhất hay làm những công việc khác chăng nữa. Đó là lần đầu tiên, theo một cách có ý nghĩa, tôi hiểu làm lãnh đạo đi cùng với những đặc ân nhưng đồng thời cũng gánh theo cả trọng trách giúp đỡ mọi người vượt qua thời kỳ đen tối. Tôi nhận ra mình nên làm theo trái tim, chứ không phải lý trí. Niềm đam mê dành cho Avon, chứ không phải vì sự nghiệp cá nhân tôi, đã chiến thắng tất cả.

Tôi vẫn còn nhiều điều phải học. Đó là một quá trình phát triển bản thân liên tục. Là người ai cũng thích được người khác khen ngợi những gì mình làm giỏi. Nhưng có được người dám nói lên sự thật mới là điều quan trọng. Khi tôi nhìn vào tấm gương của những CEO thất bại, tôi luôn nhận ra điều họ thiếu là khả năng tự nhận thức. Nếu không có ai nhắc nhở bạn vào lúc này hay lúc khác, bạn không thể phát triển và ngày càng hoàn thiện hơn. Và đó là điều tôi tìm kiếm trong mạng lưới mối quan hệ.

Giờ tôi là người biết lắng nghe, nhưng tôi đã phải cố gắng rất nhiều. Tôi có xu hướng bày tỏ quan điểm của mình ngay từ đầu, nhưng tôi nhận ra đôi khi nó khiến người khác mất hứng. Vì vậy tôi phải thay đổi. Trong vai trò lãnh đạo, giây phút bạn mở miệng nói, mọi người thường chỉ gật đầu đồng ý với bạn, và rồi bạn sẽ chẳng thể nghe được những điều họ muốn bày tỏ hoặc những suy tư khác. Bạn sẽ chẳng biết bất cứ điều gì ngoài quan điểm của cá nhân bạn. Vì vậy, hãy cố gắng là người nói sau cùng. Bằng cách này, tôi có thể đánh giá thêm nhiều thông tin. Có những lúc, tôi vẫn ra quyết định giống y như ý định ban đầu khi tôi bước vào cuộc họp. Nhưng cũng có lúc, quyết định sau cùng khác 180 độ. Đơn giản là bạn không thể cho rằng mình phải đi từ A đến B đến C. Chẳng có chiến lược nào hoàn hảo cả. Không bao giờ chỉ có một đáp án duy nhất. Không bao giờ có một câu trả lời hoàn toàn phù hợp với cấu trúc theo đường thẳng ấy. Tôi cho rằng mình là người có trực giác và linh hoạt, nhưng tôi phát triển năng lực bằng cách lắng nghe.

Bạn có thể quản lý rất nhiều người, nhưng để lãnh đạo bạn phải truyền cảm hứng chứ không phải dọa nạt người khác. Bạn phải có niềm đam mê và lòng trắc ẩn. Lối tư duy không ngừng thay đổi và chuyển biến là rất cần thiết cho giới lãnh đạo trong thế kỷ 21. Sự khác biệt làm nên thành công chính là biết kết hợp giữa chỉ số thông minh IQ và trí tuệ cảm xúc EQ – khả năng chọn được những con người tài năng nhất, động viên những con người tài năng nhất, không nhìn lại phía sau, không lo lắng về bản thân mình. Nếu bạn gộp tất cả những điều đó lại với nhau, bạn sẽ đi cùng với những nhà lãnh đạo thực thụ có những mục tiêu đúng đắn. Những nhà lãnh đạo vĩ đại.

Điều cốt lõi nhất

Tôi có hai đứa con, và chúng rất quan trọng đối với tôi. Tôi là một người mẹ đơn thân, và chúng biết mọi thứ càng khó khăn với tôi gấp bội. Và chúng cũng cố gắng gấp đôi để cho tôi biết rằng tôi là một người mẹ tốt đối với chúng. Tôi nhớ có lần tôi là nữ CEO duy nhất được mời đến Nhà Trắng dự một bữa tiệc. Đó cũng là ngày con gái tôi xa nhà để tham dự trại hè lần đầu tiên trong đời. Con bé không muốn đi nữa. Và tôi nhận ra rằng, “Tổng thống George W. có thể chẳng quan tâm chuyện tôi có đến dự hay không. Nhưng Lauren thì lại luôn nhớ về điều đó.”

Nhờ thế mà tôi làm được mọi thứ. Tôi cũng có vài điều hối tiếc, nhưng chỉ nho nhỏ thôi. Tôi khá may mắn, có lẽ vậy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.