Cách Người Phụ Nữ Xuất Chúng Lãnh Đạo

CHƯƠNG 24: TRẢI NGHIỆM CẢM GIÁC HƯNG PHẤN



Ngày 4 tháng 5 năm 1975: Tôi vẫn còn nhớ mình đã nhảy điệu gì. Đó thật sự là phút giây huy hoàng, ánh đèn máy ảnh nhá lên khắp nơi. Cả thảy 800 người trong hàng ghế khán giả hòa làm một. Không ai cử động. Có người còn nói, “Chúng ta vừa được thấy ánh sáng trong vài giây.” Trong tiếng Phạn, đó gọi là Rasa – thời khắc cảm nhận mỹ học. Đó là dòng chảy năng lượng. Cuộc sống là một dòng chảy, hơi thở cũng là một dòng chảy, và khi dòng chảy ấy ngừng lại, cuộc sống của bạn chấm dứt.

Sonal Mansingh, Vũ công múa cổ điển Ấn Độ

Bạn biết cảm giác đó. Công việc có vẻ dễ dàng. Thời gian trôi qua không ai hay. Bạn ngất ngưỡng trên đỉnh thế giới và quên hết mọi thứ. Năng lượng trong bạn là vô hạn. Và mọi người nói, “Tôi muốn những gì cô ấy có!” Thật là một cảm giác hứng khởi tự nhiên – bạn đang làm cho cuộc sống trở nên vẹn tròn. Khi bạn đã trải nghiệm nó một lần, bạn sẽ muốn được thêm nhiều lần nữa.

Đó chính là cảm giác hưng phấn. Trong những ngày đầu mở đường tiên phong, nhà tâm lý học của Đại học Chicago, Mihály Csikszentmihályi quan sát thấy con người thuộc mọi tầng lớp xã hội đều có thể trải nghiệm được trạng thái tương tự các vận động viên, nhạc sĩ và những người làm nghệ thuật khác từng trải qua, một khi họ được làm “đúng sở trường”. Ông gọi hiện tượng này là trạng thái hưng phấn – cảm giác mà một nghệ sĩ có được khi cô đặt bút vẽ lên khung vải trắng, hoặc một vận động viên quần vợt thi đấu trên sân. Mọi người dù làm bất cứ nghề gì cũng đều có thể có cảm giác hưng phấn, kể cả công nhân lao động. Sự hưng phấn phát tiết ra nguồn năng lượng mới. Và bởi mọi người thường tìm thấy sự hưng phấn trong công việc nhiều hơn ở nhà, nên nó thúc đẩy ta tìm đến công việc. Tuy nhiên, sự thật đáng buồn là đa số mọi người chỉ cảm nhận được sự hưng phấn trong một quãng thời gian không đáng kể.

Nhưng nếu bạn có thể tạo điều kiện cho nguồn cảm hứng ấy phát triển thì sao – không chỉ cho bản thân bạn, mà còn cho đội ngũ của bạn cũng như nhiều, nhiều cá nhân khác trong tổ chức? Đó là một cách thức chắc chắn nới rộng nguồn dự trữ năng lượng trong bạn và giúp bạn hoàn thành nghiệp lớn.

Linda Wolf, nguyên chủ tịch kiêm CEO của Leo Bur- nett Worldwide, vẫn còn nhớ như in cảm giác khi sự hưng phấn kéo đến và tác động của nó. Khép lại sự nghiệp 27 năm trong ngành quảng cáo, ngày nay bà vẫn vui vẻ làm việc, cố vấn cho nhiều ban quản trị, trong đó có tập đoàn Walmart. Bà chia sẻ kinh nghiệm – và cả niềm vui – của niềm hưng phấn.

Bậc thầy khơi nguồn dòng chảy

Nhớ lại những năm 1950 khi Linda đang trong giai đoạn trưởng thành, đa số các ông bố không mang con gái đến chỗ làm. Cha của Linda thì ngược lại, và trong bữa cơm gia đình, ông luôn nói với con về sự nghiệp kinh doanh theo một cách vô cùng thú vị. Ông đối xử với con trai và con gái như nhau. Dù mẹ Linda muốn con mình trở thành một cô gái nữ tính và tuân theo các giá trị truyền thống, cô chẳng bao giờ chịu nghe theo. Linda còn nhớ: “Tôi nghĩ mẹ mình hẳn cho tôi là đứa cứng đầu. Tôi khá độc lập. Lúc trước tôi không tôn trọng mẹ mình bằng bố, chắc vậy. Kỳ vọng của bà không phù hợp với tôi. Nhưng dần dần, tôi nhận ra mẹ đã cho tôi các giá trị sống tạo nên con người bên trong tôi.”

Điều Linda nhận ra từ khi còn bé là bà cực kỳ phấn khích khi được học những điều mới mẻ về thế giới chung quanh – dù chủ đề ấy có khó hiểu tới mức nào. “Tôi tò mò về mọi thứ. Tôi thích tìm hiểu về con người, nơi chốn, sự vật sự việc, và tôi nạp được rất nhiều năng lượng trong những lúc này,” bà kể. “Những trải nghiệm đó khiến tôi dồi dào năng lượng. Tôi cảm thấy mình năng động những khi học hỏi. Ngay cả bây giờ, khi không còn làm việc toàn thời gian nữa, tôi vẫn thích sự thử thách. Đó là bản chất con người tôi. Nói trắng ra là tính tò mò trong tôi không bao giờ dứt. Nó đánh thức tôi dậy mỗi ngày. Tôi nghĩ, ‘Hôm nay có gì mới nhỉ? Mình sẽ làm chuyện gì mới đây?’”

Nhớ lại năm 1967, chính sự tò mò đã khiến Linda quyết định đến Madrid học đại học, mặc cho bạn bè nghĩ cô là kẻ dở hơi. “Tôi có mấy người họ hàng hay đi đây đi đó, và khi tôi còn trẻ họ chia sẻ trải nghiệm ấy với tôi. Tôi muốn làm điều tương tự cho riêng mình.”

Kinh nghiệm ấy giúp tôi trưởng thành. Linda nhớ lại, “Trong vòng một năm sống ở châu Âu, tôi trở nên tự tin kỳ lạ. Có một lần, tôi đi lạc trên đất Pháp. Tôi không biết ngôn ngữ của họ. Lúc đó là 2 giờ sáng, và điện thoại di động chưa hề tồn tại. Tôi không có tiền. Tôi phải nghĩ ra cách gì đó. Khi bạn trải qua nhiều chuyện, bạn sẽ nhận ra mình có khả năng giải quyết vấn đề hoặc tìm cách thoát ra. Đó là ngọn nguồn của sự tự tin.”

Sau khi tốt nghiệp, Linda gia nhập một công ty nghiên cứu thị trường tại New York và về sau chuyển đến Chicago. Bà yêu, lập gia đình rồi chuyển tới Pittsburgh, tại đây bà nhận công việc nghiên cứu thị trường cho H. J. Heinz.

Bước ngoặt cuộc đời đến khoảng một năm sau đó, khi Heinz muốn đưa bà lên nắm vai trò giám đốc thương hiệu. Một công ty quảng cáo khác trong vùng cũng mời bà vào vị trí tương tự. “Hoặc làm giám đốc thương hiệu, hoặc làm giám đốc quản lý khách hàng – hai mặt của một đồng xu,” Linda giải thích. “Người phụ nữ phỏng vấn tôi ở công ty quảng cáo đã góp phần vào quyết định của tôi. Bà ấy nói về những người trong ngành quản lý khách hàng và cho biết, ‘Nếu thật sự muốn thành công, chị cần dự đoán nhu cầu của khách hàng. Chị cần gợi ý cho họ. Chị cần là người đi đầu trong mọi việc.’ Và tôi nghĩ, ‘À, đúng là tôi muốn như thế. Tôi muốn ở vào vị trí có thể thúc đẩy mọi người cùng tiến bộ.’”

Lại thêm một lần chuyển chỗ ở nữa, và lần này Linda quay trở lại Chicago để tham dự phỏng vấn với các công ty quảng cáo. Leo Burnett mời bà về làm và chồng bà lấy làm ngạc nhiên khi bà đồng ý. “Những người đó thật sự thông minh, nhưng tôi nghĩ họ khá tự cao tự đại và hơi quá xem trọng mình,” bà nhận xét. “Công việc họ mời tôi về lương thấp hơn, ít trách nhiệm hơn. Nhưng họ lại có chương trình đào tạo tuyệt vời, và tôi chưa có nhiều kinh nghiệm trong doanh nghiệp quảng cáo. Vậy nên tôi thích được đào tạo.”

Bà dự định làm vài năm rồi đi, sau khi đã có nhiều kinh nghiệm. Thế nhưng bà chỉ rời Bernett khi đã đến tuổi về hưu. “Vấn đề xoay quanh điều gì truyền cho bạn sức lực và thúc đẩy bạn thực hiện,” Linda nói. “Tôi yêu công việc quảng cáo ngay khi bắt tay vào làm. Tôi thích sự đa dạng về mặt con người và tôi yêu những cơ hội cũng đa dạng không kém. Ý tưởng làm việc suốt hai mươi năm cho một công ty hàng tiêu dùng khiến tôi phát ngấy. Con người tôi không phải thế.”

Lý do đơn giản nằm ở niềm hứng khởi, kết quả của sự kết hợp giữa óc sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề và tính tranh đua để có được các mối làm ăn mới. “Trong lĩnh vực mới này, nhiều lần tôi cảm thấy thật sự phấn chấn,” bà nói. “Đối với tôi, công việc này thật tuyệt vời. Tôi yêu mọi thứ về nó. Quả đúng là quảng cáo. Toàn bộ quy trình được gói gọn trong một khoảng thời gian ngắn hơn nhiều. Áp lực phải tìm ra giải pháp thông minh lại càng to lớn hơn. Và điều quan trọng nhất chính là đội ngũ nhân viên. Tôi trân trọng họ. Có rất nhiều nhân tài trong đội ngũ, dù họ làm trong mảng sáng tạo, truyền thông, nghiên cứu hay quản lý khách hàng. Và khi có dự án mới, chúng tôi biết tận dụng thế mạnh tốt nhất của mỗi người. Rồi chúng tôi tìm cách giải mã vấn đề. Điều này tạo ra niềm hứng khởi. Thời gian làm việc vô cùng căng thẳng. Chúng tôi có thể làm suốt bảy ngày một tuần, mười tám tiếng một ngày, và những ai biết chuyện đều kêu lên, ‘Mấy người điên mất rồi,’ nhưng mọi thứ cực kỳ phấn khích.”

Vậy thì cảm hứng làm việc chính là lý do giữ chân Linda ở lại. Bà miêu tả lại hiệu ứng của nó cho chúng tôi nghe. “Niềm hứng khởi không chỉ đơn thuần là nỗ lực của tập thể khi so sánh với nỗ lực cá nhân. Nó chính là thử thách. Nó là nguồn năng lượng, và nó cực kỳ hào hứng. Giống như từng tế bào thần kinh trong bạn đang hoạt động vậy, bạn hiểu không? Mức độ tập trung và sự nhạy cảm mà bạn dành cho công việc được tăng cao, bởi bạn đang ở vào thời điểm mọi thứ kết hợp lại với nhau. Cảm giác vô cùng khác lạ. Thành thật mà nói, có nhiều lúc mọi thứ đã kết thúc, nhưng bạn vẫn chưa trở lại bình thường được.”

Ngành quảng cáo đã mang đến tất cả những gì Linda yêu thích và làm bật lên các thế mạnh của bà. Bà thích sự tranh đua; bà thích đặt ra và chinh phục mục tiêu. Nó phát huy khả năng học hỏi và tính tò mò trong bà; nó tận dụng óc sáng tạo và niềm hứng khởi trước thử thách của bà. Chưa hết, bà còn thích được ở cạnh mọi người.

Linda quyết định rằng việc dành toàn thời gian để mang về các mối làm ăn mới chính là công việc lý tưởng đối với bà. “Tôi đã nỗ lực rất nhiều và chúng tôi dành được vài hợp đồng quảng cáo mỹ phẩm,” bà nhớ lại. “Nó khiến tôi cảm thấy hứng thú nên tôi tình nguyện nhận công việc này. Nhiều người khen, ‘Đúng là một quyết định chuyển việc sáng suốt.’ Tập đoàn Burnett lại cho rằng không nhất thiết phải tập trung vào lĩnh vực này bởi khách hàng sẽ tự kéo đến công ty. Tôi thì nhìn ra một thực tế rằng thị trường đang biến đổi, và tôi nói với cấp quản lý của mình rằng tôi muốn thực hiện chiến lược kinh doanh này.”

“Chúng tôi lập ra một kế hoạch kinh doanh hoành tráng và mọi người đều bị ấn tượng mạnh,” Linda nhớ lại. Mặc dù vậy, niềm hưng phấn không phải tự nhiên mà đến. “Khi chúng tôi hoạt động được một năm đầu, chúng tôi chỉ mang về một mối làm ăn duy nhất, còn lại đều thất bại. Tình hình thảm hại đến độ ai cũng thấy rõ. Trong ngành quảng cáo, nếu bạn không thắng thế thì thông tin tràn ngập trên báo chí. Không chỉ người ngoài biết chuyện mà cả nhân viên dưới quyền bạn cũng mất tinh thần. Và mọi trách nhiệm đổ dồn lên vai bạn.”

Niềm hứng khởi cần có yếu tố quyết tâm học hỏi những kỹ năng mới phù hợp với thử thách trước mắt. Với tính cách tranh đua bẩm sinh, Linda không chấp nhận bỏ cuộc. “Quảng cáo là ngành kinh doanh khó. Cộng thêm chuyện chồng con ở nhà, mọi thứ quả thật khó khăn. Nhưng không bao giờ tôi nói câu, ‘Tôi bỏ cuộc.’ Tính tôi không phải thế.” Linda ngừng một chút. “À, cũng có những lúc tôi đắm chìm trong nỗi phiền muộn. Nhưng chẳng mấy chốc tôi lại vực dậy được tinh thần. Tôi nghĩ chưa có điều gì và cũng chưa ai có thể khiến tôi gục ngã. Không ai có thể chi phối được tôi. Tôi tự làm chủ bản thân mình. Tôi sẽ giải quyết việc này. Bằng cách nào đây?” Cũng may Linda luôn có hậu phương vững chắc ủng hộ bà. “Chồng tôi luôn khuyên vợ hãy tìm mọi cách quay lại chiến trường. Và thường thì ông ấy đúng!”

Và Linda làm đúng y như vậy. Bà tức điên lên và tìm cách xử lý vấn đề. Bà xem xét thất bại của đội ngũ theo như cách bà phân tích các vấn đề trong hoạt động tiếp thị. Khi nắm được các dữ kiện, bà thay đổi phương pháp chiêu thị: “Tất cả nằm ở kinh nghiệm. Thế rồi chúng tôi trở lại và giành được hết các hợp đồng béo bở trong năm tiếp theo, ngoại trừ một cái.”

Linda vẫn bền bỉ theo đuổi sự nghiệp, bà và các nhân viên dưới quyền xây dựng thêm nhiều kỹ năng mới. “Tôi thích đối mặt với thử thách,” bà thú nhận. “Đó là bài kiểm tra sức chịu đựng của bạn. Một lần, chúng tôi tiếp cận Walt Disney, khách hàng này chưa bao giờ chấp nhận đơn vị đại diện. Chúng tôi đã tạo được ấn tượng tốt với họ, nhưng rồi khách hàng quay lại và nói họ thuê đội ngũ sáng tạo và tiếp thị của công ty tôi, nhưng không cần nhóm truyền thông. Tôi phản đối kịch liệt. Vị CEO công ty tôi sợ bị mất hợp đồng nhưng ông vẫn ủng hộ lập trường của tôi. Chuyện cứ giằng co miết. Hai tuần sau, khách hàng nhượng bộ, nhưng dĩ nhiên chuyện có thể đã khác đi nếu tôi không làm thế.”

Khi bạn hết lòng say mê công việc vốn thách thức tối đa khả năng của mình, nó sẽ giúp bạn càng lúc càng trở nên hăng hái. Mỗi lần bạn chấp nhận rủi ro để phát triển, nguồn cảm hứng sẽ tiếp tục tuôn trào. Nhưng vẫn chưa hết. Khi các nhà lãnh đạo kể về những trải nghiệm đáng nhớ, điều đầu tiên họ nói đến là mục tiêu chung đầy ý nghĩa của một nhóm người xuất chúng với những kỹ năng đa dạng. Tiếp theo, họ kể về niềm vui khôn tả, vừa căng thẳng vừa mãn nguyện do nguồn cảm hứng làm việc mang lại, và hơn thế nữa – cả nhóm cùng cảm nhận được dòng chảy năng lượng tích cực đó. Chúng tôi phát hiện ra mọi người đều xem những trải nghiệm cao độ ấy là những lần họ làm việc hiệu quả nhất. Đó là lúc cả guồng máy hoạt động nhịp nhàng và cháy bỏng.

Bởi bạn đừng lấy làm lạ khi tất cả những ai từng nếm trải cảm giác hứng khởi tột độ trong công việc đều thấy mình may mắn và muốn có thêm những cơ hội như thế.

Đi tìm nguồn cảm hứng của riêng bạn

Cảm hứng không chỉ là cảm giác hào hứng về mặt trí óc, cảm xúc hay tinh thần, nó còn là thứ thuốc bồi bổ sức khỏe. Các nhà khoa học đã theo dõi hoạt động đầu óc của con người thay đổi như thế nào trong lúc cao hứng. Những đợt sóng não mà bạn hình thành sẽ kết nối ý thức và tiềm thức lại với nhau, cho phép những suy nghĩ vô thức có cơ hội thể hiện đồng thời để cho ý thức hướng vào công việc của bạn được nghỉ ngơi. Đó là lý do vì sao bạn có cảm giác khác hẳn. Đó cũng là lúc bạn thấy mình sáng tạo nhất, tràn trề cảm hứng và tập trung vào mục tiêu cao nhất.

Tất cả chúng ta đều có thể tạo điều kiện để nguồn cảm hứng trào dâng, và bạn sẽ thấy nó rất đáng để cố gắng. Csikszentmihályi xác định được năm điều kiện:

1. Những mục tiêu rõ ràng và có thể thực hiện

2. Tập trung cao độ vào một chủ đề cụ thể

3. Động lực nội tại

4. Cân bằng giữa thử thách và năng lực của bạn

5. Phản hồi thường xuyên

Bạn sẽ không thể nào tìm được cảm hứng làm việc nếu mục tiêu không rõ ràng. Dĩ nhiên mục tiêu đặt ra phải cao, nhưng nếu nó vượt ngoài khả năng của bạn, thì thứ bạn đạt được chỉ là nỗi thất vọng hoặc tệ hơn. Lấy ví dụ, mục tiêu của Linda là đạt được những gì mình xứng đáng đạt được. Nếu bà đặt mục tiêu là lúc nào cũng phải thắng, hẳn mọi chuyện đã khác. Vậy còn bạn thì sao? Mục tiêu nào khiến bạn hào hứng và tim đập rộn ràng – những mục tiêu khó đạt được?

Sự tập trung cho phép bạn khơi dậy những đợt sóng não sâu hơn. Linda dễ dàng tìm được niềm hứng khởi khi bà kêu gọi toàn đội cùng nhau hành động, gặp gỡ khách hàng mới và đưa ra những đề xuất làm ăn mang tính cạnh tranh. Biết tập trung khi cần tìm nguồn cảm hứng chính là cách để bạn xóa bỏ những thứ khiến bản thân bị chi phối. Hãy chọn một quãng thời gian đảm bảo bạn không bị ai quấy rầy. Chỉ cần khoảng 15 phút để khởi động cảm hứng.

Bạn hãy thử xem, sẽ khó tập trung nếu bạn không biết động lực của mình là gì, bởi nó gắn liền với những cảm xúc tích cực. Linda vô cùng yêu thích cảm giác phấn khích của những lần săn tìm khách hàng, vốn khơi dậy tinh thần tranh đua trong bà. Hãy để niềm đam mê tự do bay bổng, và biết đâu bạn sẽ đắm chìm vào những việc đó.

Khi chưa có kỹ năng, bạn sẽ chẳng thấy hào hứng gì hết. Thay vào đó, bạn sẽ nếm trải cảm giác thất bại ê chề và thất vọng nặng nề khi không đạt được mục tiêu. Năm đầu tiên đảm nhận công việc mới của Linda vô cùng khó khăn, cho đến khi nhân viên của bà biết cách giành chiến thắng.

Cuối cùng, bạn cần ý kiến đóng góp – đó là những thước đo bên ngoài để biết bạn có làm việc hiệu quả không và công việc mang lại tác dụng gì. Ở Burnett, Linda ngay lập tức biết được liệu ý tưởng của nhóm có hợp ý khách hàng hay không – nghĩa là họ sẽ giành được hay bị mất hợp đồng.

Bạn tìm nguồn cảm hứng của mình ở đâu? Hãy bắt đầu bằng việc nghĩ xem điều gì trong công việc bạn thấy hài lòng nhất – tiếp xúc với khách hàng, lãnh đạo nhóm, giải quyết vấn đề khó khăn, thúc đẩy đơn vị tuyến đầu? Nếu bạn thấy công việc đang làm không phù hợp với mình, vậy công việc phù hợp là gì? Hãy nhớ lại trải nghiệm hào hứng nhất mà bạn từng có, rồi phân tích xem vì sao nó lại như thế. Có cách nào tạo điều kiện cho trải nghiệm tương tự xảy ra không? Bạn có thể làm gì để mọi người trong nhóm đều có được điều đó?

Shelly Lazarus, chủ tịch hội đồng quản trị của Ogilvy & Mather, nói với chúng tôi rằng bà cũng tập trung cao độ vào công việc. Trên thực tế, bà kể mình thích làm việc đến nỗi nếu không trả lương bà vẫn làm. Nguồn cảm hứng mang đến cho bạn cảm giác mãn nguyện đến thế. Khi đã tràn trề cảm hứng, công việc mới vui làm sao.

Hãy tưởng tượng điều đó – bạn làm vì niềm vui trong công việc.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.