Cách Người Phụ Nữ Xuất Chúng Lãnh Đạo

CHƯƠNG 7: SỨC MẠNH CỦA TÍNH LẠC QUAN



Phần lớn khó khăn đều có thể giải quyết được miễn bạn tìm đúng người, đúng ý tưởng cho phép bạn thực hiện được điều đó. Đa số những gì không giải quyết được thường vì lý do sức khỏe, hoặc tình cảm. Nhưng nếu bạn thức dậy sớm hoặc ở lại văn phòng làm việc trễ một chút, hẳn bạn sẽ tìm ra giải pháp. Suy nghĩ đó không làm tôi sợ. Có chí thì nên.

Deirdre Connelly, Chủ tịch GlaxoSmithKline Khu vực Bắc Mỹ

Như Winston Churchill từng nói, “Tôi là người lạc quan. Và dường như tôi không cần điều gì hơn thế nữa.” Những phụ nữ chúng tôi từng gặp, cũng giống Churchill, đều có một điểm chung – đó là tính lạc quan cao độ. Ngoài điểm này ra thì họ rất khác nhau. Vì thế sau khi xem xét những nghiên cứu trong ngành tâm lý học tích cực và nhìn những mối liên hệ giữa lạc quan và thành công, chúng tôi thử đi tìm một nữ lãnh đạo nào đó không mang theo niềm lạc quan trong mình.

Chúng tôi không tìm ra người nào như thế.

Nhưng gượm đã, có thể bạn nghĩ: Chẳng phải có những phụ nữ sinh ra không có thiên hướng nhìn đời bằng con mắt lạc quan vẫn tìm thấy thành công đó sao? Dĩ nhiên là vậy. Những phụ nữ này vẫn có quyền lực và tầm ảnh hưởng. Nhưng vì không có khả năng định hướng tích cực, họ ít nhận biết những giải pháp thật sự sáng tạo, ít linh hoạt hơn trong những lúc cần kíp, và ít duy trì được tính bền bỉ trong suốt hành trình. Họ là những phụ nữ tài giỏi, có năng lực, chắc chắn là thế. Chúng tôi chỉ muốn bạn có được nhiều, nhiều hơn thế.

Mặc dù sinh ra đã là người lạc quan, nhưng Shikha Sharma, giám đốc điều hành của hãng bảo hiểm nhân thọ ICICI Prudential tại Ấn Độ lại thành công nhờ vào rất nhiều thất bại nho nhỏ, cũng như học lại những bài học lạc

quan trong những thời khắc tăm tối nhất. Và sau khi đối mặt với một thất bại chẳng khác nào thảm họa, cô đứng dậy và quay lại công việc, vươn lên thành lãnh đạo và như một con người đáng sống.

Người bẩm sinh lạc quan vẫn có thể học tính lạc quan

Shikha tự cho mình là người may mắn: Cha mẹ cô tuy không giàu, nhưng họ luôn thúc đẩy con gái khám phá và phát huy tối đa tiềm năng bản thân. “Cha mẹ hoàn toàn ủng hộ tôi, khơi dậy tham vọng trong tôi, thậm chí cả trong thời kỳ mà các bậc cha mẹ ở Ấn Độ chỉ dành sự chú ý ấy cho con trai mà thôi,” cô kể. Khi còn nhỏ, Shikha không muốn gì khác ngoài việc phải đạt kết quả xuất sắc trong mọi thứ cô lựa chọn và tự đứng trên đôi chân của mình. Là con lớn trong nhà, cô nhận được vô số góp ý của người cha, vốn là một sĩ quan quân đội. “Nếu tôi về nhà và kể cho cha nghe rằng tôi đứng hạng nhì trong lớp, hẳn tôi sẽ bị mắng cho một trận. Vì vậy tôi phải học thật giỏi ở trường.”

Vì thế, việc dẫn đầu trở nên hết sức quan trọng đối với cô. Mọi tham vọng cô đặt hết vào kỳ thi. Một ngày nọ, cô giáo của Shikha đưa cho cô một chồng học bạ trong lớp và yêu cầu cô mang đến phòng hiệu trưởng. Bà còn nhắc Shikha không được nhìn trộm những gì bên dưới tờ giấy che. “Tôi nhớ mình phải đi gần 15 phút mới đến văn phòng hiệu trưởng, và tôi thật sự muốn lật tờ giấy lên để nhìn thứ hạng trong lớp. Khi ấy tôi còn rất nhỏ. Nhưng tôi đã không làm điều đó. Có phải tôi có tính kỷ luật cao nên đã không nhìn trộm không? Tôi được dạy rằng khi đã hứa với ai đó điều gì, thì phải giữ lời.” Và thế là không, Shikha không hề nhìn trộm.

Ở trường đại học, Shikha yêu môn toán và các môn khoa học tự nhiên, nhưng cô lại tốt nghiệp ngành kinh tế chứ không phải vật lý học theo lời khuyên của cha mẹ. Năm 1980 Shikha gia nhập ngân hàng phát triển ICICI và không bao giờ rời bỏ nơi này. Vì sao không? “Vì đó thật sự là một ngân hàng không phân biệt về giới tính, nhờ vào những người lãnh đạo,” cô kể. “Và họ biết tôi yêu thử thách – những điều mới mẻ, những điều chưa ai biết đến thật sự luôn khiến tôi hào hứng. Mỗi khi cảm thấy căng thẳng khi đứng trước một thử thách mới, cảm giác ấy luôn xuất hiện. Và tôi luôn có niềm tin rằng nếu tôi bắt tay vào điều gì đó mới mẻ và nỗ lực hết sức mình, tôi sẽ không bao giờ làm hỏng chuyện.”

Shikha rõ ràng nhìn thực tế cuộc sống bằng lối tư duy tích cực. Khi làm việc tại ngân hàng, cô bị công việc phát triển chiến lược thu hút, với niềm tin mạnh mẽ rằng mình có thể tạo nên tương lai theo ý mình. Trong quá trình truyền đạt lại kỹ năng định hướng cho đội ngũ, cô tìm ra một công thức thành công: “Trước đây tôi từng lãnh đạo một nhóm lo về việc lập kế hoạch phát triển ICICI,” cô kể lại. “Tôi còn nhớ chúng tôi ngồi lại bàn bạc xem nên làm những gì. 60% bản kế hoạch hoàn tất trong ngày hôm đó. Một bài học to lớn đối với tôi. Bởi nếu chỉ có một mình, không cách gì tôi tìm được nhiều ý tưởng như thế chỉ trong một ngày. Dĩ nhiên là không. Trải nghiệm ấy thật sự khiến tôi phấn chấn.”

Nhưng ai cũng mắc sai lầm. Khi cô giữ vị trí trưởng bộ phận khai thác thị trường mới, vụ lỗ trong lần giao dịch đầu tiên quả là một cú sốc lớn – và cô cần sự giúp đỡ trong việc định hướng. “Có thể bạn thấy chuyện có gì đâu mà to tát, bởi không lúc này thì lúc khác bạn cũng bị lỗ,” cô nói. “Nhưng thời điểm ấy, chúng tôi là một nhóm những con người trẻ tuổi, sáng dạ và làm ra rất nhiều tiền. Thế rồi chuyện xảy đến. Bỗng một ngày nọ chúng tôi làm mất một khoản lớn.” Shikha đã hoảng loạn trong nhiều ngày. “Thật là một bài học đau xót, nhưng rồi đối tác từ Hồng Kông gọi điện về cho tôi và nói, ‘Giờ đây các bạn đã trở thành một đội ngũ kinh doanh giỏi. Bạn sẽ không thể học hỏi được gì từ thế giới thật ngoài kia trừ khi bạn bị lỗ.’ Khi ông ấy nói ra điều đó, tôi đã nhận được một bài học về quản lý và lãnh đạo. Nếu có người nào đó phạm sai lầm và hậu quả là lãnh chịu tổn thất trong kinh doanh, thì điều quan trọng khi ấy là người lãnh đạo phải thể hiện sự ủng hộ. Nếu nhân viên kinh doanh đánh mất niềm tin vào bản thân thì xem như sự nghiệp của họ chấm dứt. Đó quả là thời khắc đầy thấm thía – đau đớn và cả hổ thẹn nữa, nhưng mọi thứ không vì thế mà chấm dứt.”

Shikha đã nhớ đến bài học đó khi khó khăn thật sự trong cuộc đời cô ập đến. Nó đòi hỏi nơi cô khả năng định hướng tích cực và nỗ lực hết mình để thay đổi cục diện vấn đề.

Tất cả bắt nguồn từ một quản lý vùng trong bộ phận bảo hiểm của Shikha vốn quá tự tin, đã đề xuất một ý tưởng nhằm đạt được chỉ tiêu kinh doanh của anh này. Bởi các văn phòng trực thuộc được phép chạy chương trình kinh doanh của riêng họ mà không cần sự chấp thuận của văn phòng chính, năm 2005 vị quản lý này đã đưa ra một khái niệm kinh doanh gây tranh cãi dựa trên lập luận khó chấp nhận: Ông này tuyên bố bộ phận kinh doanh của mình đang trong một trận “thánh chiến” để mang về cơ hội kinh doanh và mỗi nhân viên sẽ là một “Osama bin Laden”, người có thể “thúc đẩy” cả đội đạt doanh số.

Khi công chúng nhìn thấy tấm poster có hình Osama bin Laden do vị quản lý này làm ra để thúc đẩy tinh thần nhân viên, một làn sóng chỉ trích dấy lên mạnh mẽ. Người dân tràn vào văn phòng, năm nhân viên của ICICI bao gồm cả vị quản lý bị bắt. “Phải, sự kiện đó nhanh chóng xuất hiện trên trang nhất các báo và các chính trị gia bắt đầu nhúng tay vào,” Shikha nhớ lại. “Mọi chuyện vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Nhưng thật nhục nhã khi tôi là người đứng đầu tổ chức. Tệ hơn nữa, chuyện này còn ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu.”

Shikha nhận ra mũi dùi chỉ trích của dư luận trên cả nước đang chĩa vào cô. “Ba, bốn ngày đầu tiên sau khi sự việc xảy ra thật kinh khủng; tôi thật sự căng thẳng lắm. Tôi không ngủ được, tôi cũng không nói chuyện với mọi người trong gia đình một cách bình thường được. Và tôi chỉ có thể nói với mọi người rằng tôi đang cực kỳ bấn loạn, để cho tôi yên một chút.” Định hướng chính là điều Shikha cần khi ấy, và đó cũng là điều cô thực hiện – cho phép bản thân mình tách ra khỏi tình huống và dành thời gian suy nghĩ. Cô bắt đầu tìm hiểu xem mình có khả năng kiểm soát và không thể kiểm soát điều gì, rồi bắt đầu lập kế hoạch. Khi cô nhìn thấy các bước thực hiện một cách rõ ràng hơn và sẵn sàng hành động, cô đỡ lo hơn nhiều.

“Điều duy nhất cha dạy cho tôi chính là tôi chỉ có thể thực hiện được những điều trong khả năng của mình,” cô lý giải. “Không phải lúc nào bạn cũng kiểm soát được kết quả, vì thế đừng mải nghĩ về nó. Làm sao bạn có thể thoát khỏi nỗi đau, nỗi lo lắng khắc khoải và căng thẳng mà sự việc mang lại khi có vẻ như bạn chẳng thể kiểm soát nổi tình huống? Có vẻ như bạn chẳng làm được gì, nhưng nếu bạn chia nhỏ vấn đề ra thành từng yếu tố một và nghĩ, ‘Được rồi, mình vẫn có thể kiểm soát và ảnh hưởng đến phần nhỏ này” thì đó là lúc bạn bắt đầu trở lại chính mình, tạo ra những khác biệt nho nhỏ, để khi kết hợp lại với nhau, bạn tạo ra những khác biệt to lớn.”

Shikha nhận ra một phần trong kế hoạch hồi phục sau thất bại chính là ổn định mọi thứ trong chính mái nhà của mình. Hai đứa con tuổi thiếu niên của cô hốt hoảng khi thấy hình mẹ mình xuất hiện mỗi ngày trên mặt báo.

“Nhưng hóa ra việc ngồi xuống nói chuyện với hai con lại là cách để tôi giải tỏa căng thẳng và thư giãn đầu óc. Mọi thứ quá đau đớn đối với tôi, và tôi cần gia đình mình bên cạnh,” cô nói.

Phần lớn những việc Shikha làm chính là nỗ lực thực hiện những gì có thể để xoay chuyển cục diện vấn đề. Cô trực tiếp đứng ra trao đổi với giới truyền thông, với các chính trị gia, cảnh sát và cả với nội bộ trong công ty.

“Những người bị bắt và cả cha mẹ họ cũng cần sự giúp đỡ của chúng tôi,” cô nói. Thử thách cô phải đối mặt chính là xoa dịu chính quyền và chấm dứt mọi chuyện đồng thời vẫn bảo vệ được hình ảnh doanh nghiệp; và nếu may mắn, cô sẽ giúp vực dậy được các nhân viên của mình. “Đây là rắc rối đầu tiên chúng tôi đụng với những chính trị gia, và tôi đã có một cuộc trò chuyện thẳng thắn với họ,” Shikha giải thích. “Tôi nhận thấy nếu bạn thật sự chân thành và thể hiện sự chân thành đó, người ta sẽ sẵn sàng lắng nghe bạn. Chúng tôi vẫn phải tuân theo luật pháp, đồng thời chúng tôi nói cho mọi thành viên khác trong tổ chức hiểu rằng chúng tôi đang tìm cách hỗ trợ những người liên quan. Hẳn bạn không muốn người ta xầm xì, ‘Nếu lỡ mai này tôi phạm luật và bị bắt, chắc công ty sẽ không đếm xỉa gì đến tôi đâu.’”

Shikha và đội ngũ của cô đã giúp gia đình các nạn nhân vượt qua nỗi đau, và may mắn thay, các nhân viên đó được thả ra sau vài tuần giam giữ. Một số người quay lại làm việc. Sau khi khủng hoảng lắng xuống, Shikha triệu tập 50 quản lý cấp cao và dành nhiều giờ liền để giải thích về những gì đã xảy ra, về những gì cần làm để vực dậy doanh nghiệp và làm thế nào để mọi thứ không xảy ra lần nữa. “Đó là một trải nghiệm khá hữu ích cho tất cả chúng tôi,” cô nói. “Nếu có một điểm chung trong cách chúng tôi xử lý vấn đề, thì đó chính là giao tiếp. Bằng cách trao đổi với mọi người thường xuyên, chúng tôi đã tìm ra giải pháp.”

Một trong số những nguồn lực mà Shikha sử dụng để chuyển hóa ý nghĩa sự việc chính là đức tin trong cô; nó cho phép cô nhìn nhận nghịch cảnh theo đúng bản chất của nó. “Tôi tin vào định mệnh,” cô nói. “Đôi khi tôi nghĩ mình hiểu triết lý của đạo Hindu này, nhưng cũng có lúc tôi không hiểu hết. Bạn phải đi tìm xem mình sinh ra mang sứ mệnh gì, rồi thực hiện sứ mệnh đó và phó mặc kết quả cho số phận.”

Shikha không thể kiểm soát được hậu quả khi nghịch cảnh ập đến, nhưng cô có thể áp dụng chủ nghĩa lạc quan mà cô mặc định là mình có trong vai trò một người thành công và đạt thành tựu lớn trong cuộc sống. “Tự do chính là đi tìm mục đích cuộc đời mình và thực hiện nó. Bạn chỉ làm những gì bạn tin mình sinh ra để thực hiện, đừng nghĩ gì đến kết quả. Kết quả tự nó sẽ tìm đến bạn một ngày nào đó.”

Và giờ đây, bạn thấy tính lạc quan thật đáng để học hỏi đấy chứ!

Chấm dứt vòng xoáy cảm xúc tiêu cực, tôi muốn thoát ra

Niềm tin cốt lõi của các nhà tâm lý học tích cực chính là chúng ta có thể học được tính lạc quan. Khi hiểu nguồn gốc của tính lạc quan, bạn có thể học cách tránh sa sút tâm trạng và lo nghĩ vẩn vơ vốn dễ xảy ra ở những người bi quan. Theo các nhà khoa học, về bản chất, bi quan chính là phản ứng bẩm sinh của ta đối với căng thẳng trong cuộc sống, vốn bắt nguồn từ cơ chế tự vệ của bộ não con người thời tiền sử.

Con người sống sót và tiến hóa nhờ phát triển một phản ứng “chiến đấu, đứng yên hoặc lẩn trốn” nhanh chóng trước mối nguy đe dọa. Những đối tượng nào không phát triển được cách tự vệ này sẽ có nguy cơ cao làm mồi cho thú dữ hoặc trở thành nạn nhân trong các hoàn cảnh nguy hiểm khác. Những cá thể làm theo đúng bản năng sẽ sống sót và truyền lại khả năng này cho thế hệ con cái. Chìa khóa để sống sót chính là ghi nhớ những tiếng động, mùi vị và những hiện tượng gắn liền với các mối nguy rình rập.

Trải qua nhiều thiên niên kỷ, bản năng căn bản đó vẫn tồn tại trong ta dưới dạng phản ứng thường gặp đối với stress. Trí óc ta còn tiến hóa để tạo ra những liên kết thần kinh nhằm đẩy nhanh phản ứng này. Vì thế khi bạn cảm thấy căng thẳng, nó ngay lập tức kích thích bạn nhớ lại những tình huống trước đây mà bạn thật sự cảm thấy căng thẳng và bị đe dọa. Nữ giới càng có nguy cơ cao bị rơi vào vòng xoáy cảm xúc tiêu cực hơn – não bộ của họ tự động gợi lại những thất bại và tổn thương trong quá khứ, và họ bỏ qua dấu hiệu hành động.

Susan Nolen-Hoeksema – chủ nhiệm chương trình nghiên cứu về trầm cảm và nhận thức thuộc Đại học Yale, tác giả của quyển Women Who Think Too Much (Phụ Nữ Suy Nghĩ Quá Nhiều) – cho biết phụ nữ thật sự được lập trình để suy tư về những chuyện đã qua. Trong nghiên cứu của mình, bà sử dụng thiết bị scan hoạt động não bộ của những người được yêu cầu nghĩ về những điều tiêu cực của bản thân. Đối với phụ nữ, khu vực não bộ liên quan đến chức năng suy tư sáng lên.

Nhai đi nhai lại những chuyện trong quá khứ không chỉ mang đến cảm giác khó chịu – cách nói này gợi cho ta hình ảnh loài trâu bò nhai lại thức ăn đã nuốt vào – mà nó còn nguy hiểm. Ở mức tối thiểu, khi bạn bỏ ra hàng giờ, hàng ngày ngẫm nghĩ về những điều không như ý, thì cũng trong thời gian ấy, bạn đã chần chừ hoặc thậm chí gạt bỏ những việc làm ý nghĩa. Rõ ràng là việc tránh để cho suy nghĩ tiêu cực cuốn bạn xuống đáy cảm xúc và đừng suy tư quá nhiều đều tốt cho bạn.

Vòng xoáy cảm xúc đó xảy ra như thế nào? Hãy tưởng tượng Joanna vừa có một cuộc họp không mấy dễ chịu. Đang thuyết trình cùng với nhóm, cô nhận ra có điều gì đó không ổn. Cô quên mất một phần quan trọng của bản phân tích báo cáo và cô cảm thấy sự tự tin sụt giảm thảm hại. Cô bắt đầu rối lên. Thế rồi một chuyên viên cấp cao khó tính đặt câu hỏi. Cô cảm thấy mình trong tình trạng nguy hiểm – như “con nai trước ánh đèn thợ săn” – cô chớp mắt liên tục nhưng không thể nói được câu nào. Chỉ ít lâu sau, các chuyên viên trong phòng bắt đầu cãi vã và lôi hết chuyện này đến chuyện khác ra nói. Rồi họ to tiếng với nhau. Không nói một lời, vị CEO lẳng lặng gom mớ giấy tờ và bỏ ra ngoài.

Cuộc họp chấm dứt ở đó. Vòng xoáy tiêu cực trong Joanna đã xuất hiện từ trước khi cô rời phòng họp. Cô hồi tưởng lại cảm giác đau đớn vừa trải qua. Và tiếng nói âm ỉ trong đầu cô chỉ muốn cô nhìn mọi việc bằng cái nhìn tăm tối nhất: “Mày làm hỏng chuyện hết rồi! Rõ ràng là ông CEO nổi giận vì mày. Mà sao không giận cho được? Mày ngu không hiểu nổi, bỏ sót số liệu đó mới hay chứ! Mày chưa bao giờ suy tính nhanh nhạy cả – đáng đời!” Joanna vội vã bỏ ra ngoài, lòng đầy hổ thẹn, và cô chẳng buồn ngừng lại trò chuyện với đồng nghiệp.

Vừa trở về phòng, Joanna cảm thấy kiệt sức. Cô “biết” kết quả làm việc của mình đã hủy hoại mọi thứ. Cô tin rằng những gì xảy ra là bất khả kháng – nó phải xảy ra vì trong thâm tâm, cô “biết” những gì mình thốt ra đều sai. Cô vẫn còn nhớ những lần khác cô cũng làm “hư bột hư đường” như thế và bắt đầu thấy mình bất tài vô dụng. Giờ đây cô tin chắc mình sắp bị sa thải.

Trong khoảnh khắc, cô lo sợ về cuộc cãi vã đã xảy ra giữa cô và chồng; cô nghĩ anh ấy không còn yêu cô nữa. Tiếp đến, cô nhớ lại cô con gái nhõng nhẽo đòi hỏi vô lý ngày hôm kia, rồi thêm mục “người mẹ tệ hại” vào danh sách thất bại. Joanna bắt đầu ngồi nhai đi nhai lại những thứ ấy trong đầu, nước mắt cô bắt đầu rơi.

Khi bạn cứ ngồi đay nghiến chính mình, tiếng nói trong đầu sẽ phát ra không ngừng, càng lúc càng rõ hơn, dù bạn có muốn mọi thứ kết thúc khác đi chăng nữa. Một cảm giác khủng khiếp. Nhưng có vẻ bạn không thể thay đổi được chủ đề. Đó chính là vòng xoáy cảm xúc tiêu cực/thứ đồ uống hỗn tạp và nó chỉ mang lại rắc rối. Khi Joanna dằn vặt bản thân, những chuyện cũ đã xảy ra mỗi lúc một hiện rõ, và những suy nghĩ tiêu cực ngày càng mạnh mẽ. Nếu không thoát ra sớm, cô sẽ mất hết tinh thần lẫn sức lực để cứu vãn tình thế.

Chuyển hóa ý nghĩa sự việc: Một hành động có ý thức

Mọi chuyện không cần phải diễn ra như thế. Bạn có thể ngăn không cho vòng xoáy đó cuốn bạn xuống đáy của nó. Với những nỗ lực có ý thức, bạn có thể phát triển khả năng chấm dứt vòng xoáy và thoát ra. Hãy bắt đầu bằng hai kỹ thuật: tranh luận (đáp trả lại giọng nói trong đầu bạn) và tìm cách lý giải thay thế.

Tranh luận đòi hỏi bạn phải xem xét lại tình huống và tách bạch giữa những cảm xúc mà bạn có được từ trải nghiệm vừa qua với những điều diễn ra trên thực tế. Bắt đầu bằng việc bắt bẻ những cảm xúc phi lý theo cách một luật sư giỏi đập tan những chứng cớ sai lạc tại tòa. Thách thức lại những niềm tin và giả định do suy nghĩ tiêu cực mang đến và cân nhắc lại dữ kiện. Sau đó cố gắng hiểu hậu quả của những niềm tin đó. Cuối cùng, chuyển hóa ý nghĩa: Tiếp nhận thực tế theo đúng bản chất của nó và xem bạn có thể làm gì. Bạn đi tiếp bằng cách nào và giải quyết những vấn đề thật sự ra sao? Chuyển hóa ý nghĩa và bắt tay vào thực hiện sẽ tiếp thêm sinh lực cho bạn.

Hãy xem Martin Seligman đưa ra lời khuyên cho trường hợp của Joanna như thế nào. Mọi chuyện bắt đầu khi cô biết mình quên mất một phần số liệu. Sự thật là cô phát hiện ra thiếu sót đó chỉ khi đứng lên thuyết trình. Nhưng điều đó không làm thay đổi những ý chính cô muốn trình bày. Thực tế là nếu bổ sung những dữ liệu đó vào thì luận cứ của cô chắc chắn hơn. Vậy còn chuyện anh chuyên viên đặt câu hỏi hóc búa thì sao? Nếu đừng chú ý đến giọng điệu của anh này, thì đó là một câu hỏi hợp lý. Giá mà Joanna dẹp bỏ cảm xúc sang một bên, hẳn cô đã có thể trả lời thỏa đáng. Vị chuyên viên hung hăng đó không làm gì sai cả. Anh ấy chỉ đang làm đúng nhiệm vụ của mình mà thôi: chất vấn những giả định mấu chốt đằng sau các quyết định có thể ảnh hưởng đến định hướng phát triển của công ty. Giọng điệu của anh bày tỏ sự lo lắng. Khi suy ngẫm lại câu hỏi của vị chuyên viên này từ một góc nhìn thoáng hơn, Joanna cũng đồng ý rằng cần có những phân tích sâu hơn. Nhờ tranh luận mà giọng nói đầy chán nản trong cô trở nên yếu hẳn.

Tìm cách lý giải thay thế là cách tiếp cận thứ hai rất đáng quan tâm. Đơn giản là bạn đi tìm những nguyên nhân khác để hiểu tại sao mọi thứ lại diễn ra như vậy. Trong trường hợp của Joanna, bất tài không thể là cách lý giải tốt nhất cho sự việc. Tại sao câu hỏi của vị chuyên viên lại châm ngòi cho cuộc cãi vã trong phòng họp? Joanna tự hỏi liệu có phải vì những người đó đã bực bội chuyện gì từ trước khi buổi họp bắt đầu không. Và còn lý do nào khác khiến vị CEO bỏ ra ngoài không? Có thể ông nổi cáu vì cách cư xử trong đội ngũ, hoặc có thể đơn giản vì ông sắp trễ giờ cuộc họp tiếp theo – cuộc họp này diễn ra gần cả tiếng đồng hồ rồi.

Cả hai phương pháp này – tranh luận và tìm cách lý giải thay thế – giúp Joanna chấm dứt vòng xoáy tiêu cực của cảm xúc. Cô đã sẵn sàng chuyển hóa ý nghĩa và xốc lại tinh thần: xác định mình cần làm gì để sửa chữa sai lầm. Chuyển hóa ý nghĩa giúp xoay chuyển tình hình từ những gì “xảy đến với bạn” thành các yếu tố căn bản cho một kế hoạch mới.

Joanna biến sự việc này thành tích cực bằng cách nào? Đầu tiên, cô gọi cho một đồng sự trong nhóm nhờ bổ sung dữ liệu còn thiếu. Tiếp theo, cô gọi cho vị chuyên viên, người đã đặt câu hỏi hóc búa. Và do giờ đây cô không còn cảm thấy bị tấn công nữa, cô sẵn sàng đối mặt với thử thách. Nếu cô có thể thuyết phục người này đồng ý với kế hoạch của cô, nhiều khả năng cả nhóm của anh ta sẽ đồng thuận. Sau đó cô sẽ dành thời gian để tìm hiểu xem vị CEO nghĩ gì.

Bổ sung thêm các dữ liệu phân tích đồng nghĩa với việc phải xem xét lại các đề xuất trong bản kế hoạch. Nó đòi hỏi nhiều nỗ lực. Và có thể cũng không dễ dàng gì để tìm hiểu xem điều gì khiến vị chuyên viên chống đối kế hoạch. Có khi cần phải có một phép mầu để mọi thứ đâu vào đấy. Dù vị CEO kia nghĩ gì trong đầu đi nữa, cô vẫn nóng lòng và sẵn sàng lắng nghe ý kiến của ông. Joanna nhận ra rằng cô không bị sa thải, hôn nhân của cô vẫn bền vững, và các con cô thương cô hết lòng. Sự thật là ngày hôm nay cô chưa làm tốt hết mình. Cô không thể thay đổi được điều đó, nhưng cô có kế hoạch sửa chữa sai lầm. Với nguồn năng lượng mới, Joanna bắt tay vào việc.

Đôi khi, chuyển hóa ý nghĩa cũng không thể giúp bạn giải quyết vấn đề. Có những lúc thực tế khiến bạn đau lòng. Nhiều chuyện ập đến một lúc như một thảm họa, và hậu quả mà sai lầm để lại thật sự đáng kể. Bạn không lảng tránh được thực tế. Và cũng chẳng có cách lý giải nào khác. Thậm chí người lạc quan nhất cũng không đưa ra cho bạn một giải pháp cụ thể nào. Bạn mệt mỏi và cần rất nhiều sức lực để xử lý đống hỗn độn. Chuông báo động trong đầu vang lên và bạn sẵn sàng hành động. Bạn chỉ còn biết chúi mũi vào và nỗ lực hết mình, đúng không?

Chưa hết. Bạn còn nhớ Emma Fundira, người kể rằng mỗi khi có chuyện khó khăn cô sẽ đi đến phòng tập thể thao chứ? Bạn còn nhớ Shikha dành thời gian trò chuyện và thư giãn cùng các con? Đó chính là những cách làm khác, và chúng giúp bạn chống chọi với nghịch cảnh. Đúng vậy, chúng khiến bạn nghĩ về những việc khác, giúp bạn chuyển sự chú ý và sức lực của mình ra khỏi những chuyện gây căng thẳng và cảm xúc tiêu cực, vốn sẽ dẫn đến cảm giác buồn phiền, giằng xé bản thân.

Thậm chí trong quá trình đương đầu nghịch cảnh, đầu óc và cơ thể bạn cũng cần được nghỉ ngơi. Bạn có thể tìm đến nhiều cách khác giúp thư giãn đầu óc. Hoạt động thể chất là tuyệt nhất, thậm chí đi bộ một vòng cũng có tác dụng. Bạn có thể giải thoát mình ra khỏi cuộc chiến bằng những hành động giúp bạn chuyển sự chú ý sang chủ đề khác.

Vì thế, khi có chuyện xảy ra, hãy nhớ dành thời gian cho những thứ có thể khiến đầu óc bạn xao nhãng một cách lành mạnh. Bạn sẽ không chỉ cảm thấy khá hơn, mà biết đâu còn có thể tìm ra được một giải pháp sáng tạo cho những gì tưởng chừng không giải quyết nổi. Nghỉ ngơi một chút thường mang lại tác dụng to lớn, giúp bạn quên đi căng thẳng, cho phép tiềm thức thư giãn và suy ngẫm về những trở ngại.

Và đôi lúc, bạn chỉ cần tiếp tục bước. Việc xao nhãng cũng tạo không gian cần thiết cho bạn để bạn có thể đưa ra quyết định khó khăn đó.

Thực hành chuyển hóa ý nghĩa

Không may là bạn không thể mong bản thân mình tự định hướng một cách tích cực. Bạn phải luyện tập. Bắt đầu bằng cách nhận ra khi nào mình đang sa vào vòng xoáy cảm xúc, và tìm cách hành động để thoát ra ngay.

Nolen-Hoeksema đề nghị bạn nên hình dung về hình ảnh biển báo giao thông “STOP” trong đầu. Bạn học cách nhận ra những dấu hiệu cảnh báo. Khi “nhìn” thấy nó trong đầu, bạn chủ động tìm đến những cảm xúc tích cực để thay thế cho những cái tiêu cực. Lấy ví dụ, khi vị chuyên viên kia thử thách Joanna, cô cảm nhận được những thay đổi về thể chất khi bị cuốn vào vòng xoáy cảm xúc (mạch đập nhanh và đỏ mặt). Dấu hiệu cảnh báo đã xuất hiện; cô hít một hơi thật sâu và mỉm cười. Cũng giống như Emma, cô giữ bình tĩnh, đặt một hoặc hai câu hỏi, cởi mở đón nhận ý kiến của người hỏi. Đáp lại, điều này giúp vị chuyên viên hạ nhiệt và bắt đầu thảo luận vấn đề với cô. Cô cảm ơn những ý kiến của anh này; và rồi cô ngừng lại, nhận ra rằng nhóm của mình chưa thể đạt được sự đồng thuận trong cuộc họp này.

Chúng ta có thể học hỏi Emma. Lần tới khi người nào đó nóng tính cư xử với bạn theo kiểu tiêu cực, hãy dừng lại một chút trước khi phản ứng. Dù phản ứng tự nhiên là đáp lại cơn giận bằng một cơn giận khác, nhưng như thế chỉ khiến bạn bị cuốn vào vòng xoáy cảm xúc. Thay vì vậy, hãy tha thứ. Thay vì chờ đợi người ta xin lỗi, chính hành động tha thứ này sẽ giải tỏa cảm giác tức giận cho chính bạn và mang đến những cảm xúc tích cực. Nghe có vẻ trái tự nhiên, nhưng rất đáng để bạn thử. Hãy thử làm và xem những gì xảy ra; có thể bạn sẽ thấy mình bình an hơn, làm việc hiệu quả hơn.

Mọi nữ lãnh đạo chúng tôi tiếp xúc đều là những người lạc quan, và cũng không quan trọng đó là người bẩm sinh lạc quan hay học được tính lạc quan. Chỉ cần một chút nỗ lực luyện tập, bạn sẽ có được kỹ năng đó, và nó không chỉ hữu ích trong công việc. Lợi ích nó mang lại cho bản thân bạn là vô cùng to lớn – thành công, hạnh phúc, thậm chí bạn sẽ kiên cường hơn rất nhiều – vì thế hãy xem lạc quan là kỹ năng tuyệt vời trong cuộc sống và luyện tập để có được nó.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.