Cách Người Phụ Nữ Xuất Chúng Lãnh Đạo

CHƯƠNG 18: HÃY ĐỨNG LÊN VÀ NÓI THẲNG



Bạn không nên quá sợ hãi đến mức không dám là chính mình. Hãy quý trọng những giá trị bản thân. Sống cuộc sống của mình. Một phụ nữ từng bí mật kể tôi nghe rằng chị “tranh thủ chuồn khỏi văn phòng” để đi đến sân chơi của con, và tôi phản ứng, “Đừng bao giờ làm thế nữa! Bản thân tôi chưa bao giờ phải lén lút đi khỏi bất cứ nơi đâu. Tôi đường hoàng đi thẳng xuống sảnh chính, và nếu có ai đó không thích việc tôi làm thì tệ thật. Đừng lo cho tôi. Tôi sẽ làm được những gì mình đã hứa.” Cứ đứng thẳng lên, làm những gì bạn cần phải làm, và mỉm cười khi nghĩ về chuyện đó. Hãy nhìn thẳng vào mắt người khác và nói, “Nếu anh không thích thì cứ sa thải tôi, tôi sẽ đi kiếm việc khác, bởi tôi là người có đủ khả năng và cả sự tận tâm nữa.”

Shelly Lazarus, Chủ tịch Ogilvy & Mather

Nhiều nữ lãnh đạo sinh ra đã dám đứng lên tự bảo vệ mình, nhưng một số đáng kể khác phải tự rèn giũa kỹ năng này. Từng chút một, họ học cách nói ra những gì mình nghĩ, học cách ảnh hưởng đến cuộc thảo luận, và cuối cùng họ học cách lãnh đạo. Nói lên ý kiến của mình không chỉ quan trọng cho sự phát triển của cá nhân bạn, mà còn là một phần trong công việc bạn làm. Chúng tôi cho rằng cần phải chỉ cho bạn một phương pháp để khẳng định sự “hiện diện” của bạn. Không chỉ riêng gì cách bạn nói – mà còn là cách bạn chiếm lĩnh căn phòng – để có được sự tin tưởng và quyết tâm của tất cả những người chung quanh bạn.

Vì sao có rất nhiều phụ nữ miễn cưỡng không chịu lên tiếng? Tại sao họ cứ ngồi lặng im để mặc cho những người đàn ông khác cướp diễn đàn? Chúng tôi hết sức kinh ngạc khi đọc danh sách dài vô tận những lý do mà phụ nữ nêu ra:

“Tôi không có điều gì quan trọng đến mức phải nói ra.”

“Chuyện cần nói thì đều đã được nói hết cả rồi, hoặc sẽ có ai đó chỉ ra thôi.”

“Mấy ông đó thích nói quá, cứ để họ nói.”

“Hành động dù gì cũng mạnh hơn lời nói. ”

“Không đến lượt tôi nói.”

“Tôi đến đây để nghe.”

“Ở đây tôi là người mới.”

“Tôi là người có ít kinh nghiệm nhất.”

“Tôi sẽ thực thi mọi chuyện sau khi buổi họp kết thúc.”

Thật vớ vẩn! Có thể sự ngần ngại không nói ấy đang che đậy cho một nỗi sợ hãi sâu kín hơn, như sợ bị “phát hiện ra”, sợ bị cười nhạo, hoặc sợ bị người khác đánh giá thấp. Những lý do bên ngoài của phụ nữ chúng ta thường nghe có vẻ hợp tình hợp lý hoặc để thoái thác. Hãy đào sâu hơn để khám phá những nỗi sợ hãi thật sự ăn sâu trong bạn – cho đến tận bây giờ. Nếu bạn cứ để cho những nỗi sợ ấy kiểm soát, chúng sẽ khiến bạn tổn thương. Các cuộc phỏng vấn chúng tôi thực hiện cho thấy nỗi sợ hãi thúc đẩy nhiều phụ nữ đặt ra những tiêu chuẩn cao đến mức phi thực tế, đủ để khiến bất kỳ ai cũng phải nản lòng. Nhiều người lại chờ đợi quá lâu đến nỗi không thể tham gia vào cuộc trò chuyện. (Cũng giống như bạn chơi nhảy dây: lựa đúng lúc để chui vào vòng dây không dễ, nhảy tại chỗ để không bị vướng chân lại càng khó hơn.) Số khác nhầm lẫn giữa sự tôn trọng và giữ im lặng.

Chúng tôi biết nó khó. Vấn đề còn phức tạp hơn ở chỗ là ‘nói cũng không được’ mà ‘không nói cũng không xong’. Bởi thường người phụ nữ nào dám lên tiếng cũng là người phải hứng chịu nhiều thứ. Họ có thể bị cho là nóng nảy, khó khăn, tự đánh bóng bản thân hoặc tệ hơn. Nghiên cứu cho thấy phụ nữ thường dễ lên tiếng thay cho người khác, nhưng lại cảm thấy khó khăn khi làm điều đó cho chính mình. Vì thế chúng ta thường chờ người khác nhận ra những gì chúng ta muốn. Phải, chúng ta chờ đợi. Tại sao? Bởi điều đó “có ý nghĩa hơn” khi người khác nhận thấy mà không cần chúng ta phải mở lời, các chị nói với chúng tôi như thế.

Và nếu bạn vẫn chưa thấy thuyết phục, để chúng tôi viện thêm vài lý do khiến bạn cần phải lên tiếng. Trong khi bạn ngồi chờ, thì phái nam đã thương lượng cho những điều họ muốn và tự mình thăng quan tiến chức. Phụ nữ ít khi ra ngoài đàm phán như nam giới; khoảng 20% phụ nữ không bao giờ có mặt trong những cuộc thương thảo như thế. Trong một nghiên cứu so sánh mức độ kỳ vọng của đàn ông và phụ nữ ở những vị trí tương tự nhau, nam giới thường mong muốn số tiền tối đa họ kiếm được cao hơn 30% so với những gì phụ nữ mong đợi.

Julie Daum có nhiều năm làm việc với những nữ lãnh đạo hàng đầu của các doanh nghiệp tại Mỹ, với vai trò giám đốc Văn phòng Tư vấn Điều hành Vùng Bắc Mỹ của hãng Spencer Stuart. Thế mạnh của cô là thấu hiểu con người, và công việc cô yêu thích là giao đúng người đúng việc. Không ai giỏi hơn cô trong việc giúp bạn tìm ra tiếng nói của riêng mình.

Trò chuyện với Julie

Bài học 1: Khả năng này có thể không tự nhiên mà đến, nhưng bạn phải lên tiếng để được chú ý.“Tôi thật sự không tìm thấy tiếng nói riêng cho đến khi có người bảo tôi làm điều đó. Người ấy vốn là một lãnh đạo nhiều kinh nghiệm đã tin tưởng tôi, và đại khái ông nói thế này, ‘Giờ đến lượt cô.’ Ông trao quyền cho tôi.”

Thật khó cho Julie khi cô phải tự tìm hiểu xem mình làm điều đó “bằng cách nào”: “Cũng giống như nhiều phụ nữ khác, tôi nhớ mình từng nghĩ rằng chỉ có quyền nói khi đã có câu trả lời chính xác – đó mới là điều quan trọng.” Vì thế, tương tự nhiều phụ nữ trẻ khác, hầu hết thời gian trong công việc, Julie giữ im lặng, tin rằng mình phải tìm ra số liệu đúng hoặc câu trả lời đúng.

Ngày nay, Julie không thể tưởng tượng mình sẽ ra sao nếu không có tiếng nói đó.

Bài học 2: Tìm cách đóng góp có giá trị.Julie khuyến khích chúng ta nghĩ về một cuộc hội thoại hoặc một buổi họp để đưa ra quyết định. Điều này càng khiến việc lên tiếng và góp phần vào quá trình giải quyết vấn đề quan trọng hơn nữa: “Người ta sẽ quên đi những ai không chịu lên tiếng,” Julie nói. “Nếu bạn không biết giành giật chút diễn đàn cho mình, mọi người sẽ nghĩ rằng bạn chẳng có gì để đóng góp.”

Cô mách nước một chiến thuật đã được chứng minh hiệu quả – hãy lên tiếng trong vòng năm phút đầu tiên hoặc là một trong số sáu người đầu tiên phát biểu ý kiến (cách nào cũng được). Bạn càng chờ lâu thì càng khó cất lời. “Ban đầu tôi cảm thấy rất khó khăn vì tính tôi vốn nhút nhát,” Julie nói. “Tôi từng phải buộc bản thân mình giơ tay phát biểu ý kiến. Tôi phải thật sự nỗ lực mới làm được chuyện đó.”

Bài học 3: Đôi khi bạn phải lầm đường thì mới tìm được tiếng nói của riêng mình. Rất nhiều phụ nữ có khởi đầu sai lầm, và Julie chia sẻ cởi mở về trường hợp của chính cô. “Tôi từng vấp ngã trong thời kỳ đầu, bởi tôi đảm nhận một công việc mà tôi không được làm những gì mình muốn. Tôi phải bỏ việc nhưng mất vài năm tôi mới thừa nhận, ‘Hỏng rồi. Mình không hạnh phúc. Mình không thấy thoải mái.’ ” Điều Julie nhận ra chính là quá dễ dàng quen với thứ công việc nhàm chán thường nhật không có chút đam mê. Cuối cùng, cô thôi việc. Cô đã tìm được tiếng nói bên trong mình và mạnh dạn tuyên bố, “Tôi phải chấm dứt mọi thứ tại đây. Tôi phải tìm hiểu xem điều mình thật sự muốn là gì.”

Đó là khi cô nắm được cơ hội mở ra cánh cửa mà cô thật sự muốn bước vào. Cô chấp nhận hy sinh một khoản thu nhập lớn để gia nhập đội ngũ tuyển dụng nhân sự bán thời gian của một doanh nghiệp nhỏ mới thành lập. Và cô thật sự yêu thích công việc này. “Tôi đã đủ lớn để hiểu rằng tiền bạc không phải là tất cả. Điều thật sự quan trọng là tôi muốn làm điều mình thích, một công việc tôi thấy mình có khả năng. Và nếu tôi phải xén bớt thời gian dành cho gia đình để làm việc, thì đó phải là một công việc ý nghĩa.”

Bài học 4: Hãy lên tiếng vì điều bạn đam mê. Trong thời gian nghỉ sinh, Julie phát hiện mình quan tâm đến quyền lãnh đạo của nữ giới sau khi xem phiên điều trần của nữ luật sư Anita Hill vào năm 1992. “Tôi và cô ấy cùng tuổi. Tôi lắng nghe xem sự nghiệp của cô ấy ra sao, rồi xem cách những người đàn ông này đối xử với cô ấy như thế nào,” Julie giải thích. “Và tôi nghĩ, ‘Không thể tin được là phụ nữ lại mất đi nhiều thứ như thế.’ ”

Thế là Jolie vào làm cho Catalyst, một tổ chức phi lợi nhuận về các vấn đề liên quan đến lao động nữ. Với niềm tin rằng thay đổi phải bắt đầu từ trên xuống, Julie muốn đưa nhiều phụ nữ vào ban lãnh đạo. “Chúng tôi bắt đầu đếm số lượng phụ nữ. Ít đến mức kỳ lạ – bạn biết đấy, 50% dân số là nữ giới, nhưng chỉ có 5% số ghế trong ban quản trị do phụ nữ nắm giữ.”

Catalyst công bố nghiên cứu này và bắt đầu giúp các CEO tìm kiếm ứng cử viên. “Bản báo cáo đó tiếp tục tạo sức ảnh hưởng nhằm đưa thêm nhiều phụ nữ hơn vào các cuộc họp ban quản trị,” cô nói. “Con số vẫn chưa đạt mức chúng tôi mong đợi, nhưng đã có cải thiện. Và chúng tôi đã thay đổi được lối tư duy. Ngày nay, ban quản trị có thể chưa có đủ số lượng nữ giới tham gia, nhưng họ có nghĩ đến và trao đổi về điều đó.”

Bài học 5: Tiếng nói thể hiện quyền tự chủ.Julie nhận ra rằng không ai thật sự biết được điều gì quan trọng đối với bạn hơn chính bạn. Nếu bạn không nói ra, người khác sẽ phải đoán mò, hoặc nhiều khả năng là không quan tâm đến nhu cầu của bạn. “Bạn phải chịu trách nhiệm cho những gì quan trọng đối với mình, rồi tìm đến người khác và nói: ‘Tôi muốn thực hiện điều này. Tôi phải làm bằng cách nào?’ ”

Julie vẫn nhớ một nam đồng nghiệp dùng tiếng nói riêng của mình mới dễ dàng làm sao. “Anh ấy bảo, ‘Tôi không làm việc vào cuối tuần. Tôi sẽ làm việc 24 giờ một ngày, 5 ngày một tuần, nhưng tuyệt đối không làm vào cuối tuần.’ Sau khi anh ấy nói ra điều đó, không ai yêu cầu anh ấy làm việc vào ngày cuối tuần nữa. Khi ấy tôi nghĩ thầm, ‘Mình chẳng bao giờ dám nói như thế.’ ”

Nhưng đến thời điểm phải đáp ứng nhu cầu lớn dần từ phía gia đình mà không từ bỏ sự nghiệp, Julie đã tìm được tiếng nói riêng. “Tôi sẵn lòng làm bất cứ điều gì, nhưng tôi cần một số thứ để làm được điều đó. Khi tôi đến gặp ban lãnh đạo và nói, ‘Đây là điều tôi muốn,’ câu trả lời của họ là ‘được thôi.’ ”

Julie khuyến khích mọi phụ nữ học cách lên tiếng, ngay cả những thành viên ban quản trị cũng phải cảm ơn Julie vì điều này!

Đi tìm tiếng nói của riêng mình

Bạn có thể học cách nói ra những gì cần nói. Cứ luyện tập, và bạn sẽ làm được. Một trong những bài tập yêu thích của chúng tôi có thể giúp bạn bắt đầu ngay lập tức: Trong lần họp sắp tới, hãy viết ra tên của tất cả những ai có mặt. Tiếp theo, kín đáo đánh giá ý kiến phát biểu của từng người theo thang điểm từ 1 đến 5, trong đó 5 là ý kiến đóng góp sâu sắc nhất, còn 1 là nhảm nhí nhất. Theo dõi tối thiểu trong vòng 30 phút. Sau đó, tính ra mức điểm trung bình của mỗi người. Bạn sẽ ngạc nhiên với những gì mình phát hiện được. Bài học ở đây là điều kiện để lên tiếng phát biểu không khắt khe như bạn tưởng. Vậy hãy tham gia nào!

Bài tập thứ hai có thể giúp bạn luyện tập khả năng phát biểu của mình. Trước tiên, chọn một chủ đề khó: yêu cầu một điều gì đó bạn muốn nhưng rất khó để mở lời. Bạn sẽ nhận ra khi thấy nhịp tim mình tăng nhanh. Viết ra những gì bạn muốn nói bằng cách gạch đầu dòng. Tiếp theo, tìm một người bạn đóng vai người đối thoại với bạn trong cuộc trao đổi.

Sau đó, bạn đổi vai để hiểu cảm giác của người tiếp nhận yêu cầu theo đúng như cách bạn vừa trình bày. Bây giờ, trả về vai cũ và hoàn thiện bài phát biểu của bạn. Đừng ngần ngại. Hãy thoải mái thử nghiệm trong tình huống giả định này, nhờ đó bạn sẽ học được cách chuyển tải thông điệp hiệu quả hơn. Bạn sẽ thấy dễ chịu hơn với những cuộc trò chuyện thách thức. Giờ thì bạn đã sẵn sàng.

Đi tìm sự dung hòa

Cách bạn bày tỏ điều mình muốn nói cũng quan trọng không kém nội dung mà nó chứa đựng. Trong khi đa số phụ nữ có những cung bậc cảm xúc rộng hơn nam giới, không phải lúc nào việc thể hiện cảm xúc tự nhiên cũng phù hợp hoặc hữu ích. Chúng tôi không có ý nói bạn kiềm chế hay dồn nén cảm xúc. Chúng tôi chỉ muốn nói rằng bạn hãy chọn lựa cách nói cẩn thận và sắp xếp các dữ kiện nhằm thể hiện bản thân một cách thuyết phục và hiệu quả.

Những phụ nữ nào muốn làm được điều này hẳn sẽ học được rất nhiều từ công trình nghiên cứu của Marshall Rosenberg. Ông có một cách hữu hiệu để giải quyết những tình huống khó khăn mà không phải đi đến tranh cãi. Hãy tưởng tượng Susie và Bob đang đưa ra những đề xuất cho một chương trình giới thiệu sản phẩm mới quan trọng. Susie ngồi trong văn phòng của Bob, hy vọng Bob sẽ đồng ý cho tiến hành một số công việc khó khăn. Bob thì không rời mắt khỏi chiếc điện thoại BlackBerry, trả lời điện thoại, và chào những cộng sự ghé ngang văn phòng anh. Trong lúc đó, Susie bắt đầu cảm thấy bất an và khó chịu. Giọng nói bên trong cô đầy phẫn nộ: “Susie, cô chẳng là cái thá gì với ông ta cả. Ông ta chẳng quan tâm đến cô. Mắng cho hắn một trận đi!” Vừa kiềm chế cảm xúc, vừa tìm cách thể hiện điều mình muốn, Susie nói, “Bob, hôm nay chúng ta bị nhiều thứ xen ngang quá và tôi cảm thấy bực bội. Tôi cần anh tập trung hoàn toàn vì cuộc nói chuyện này rất quan trọng cho quá trình giới thiệu sản phẩm. Nếu ngay lúc này anh không tập trung được thì ta nên sắp sếp lúc khác thuận tiện hơn cho anh.”

Susie không hề to tiếng hay chỉ trích. Cô chỉ đơn giản chia sẻ những gì cô quan sát thấy, bày tỏ cảm xúc mà nó mang lại cho cô và nêu rõ lý do tại sao đây lại là vấn đề cần giải quyết. Hơn nữa, cô còn đưa ra giải pháp thể hiện sự tôn trọng nhu cầu của Bob. Kết quả là Bob cởi mở, lắng nghe cô và đáp lại một cách tử tế. Thay vì chống trả và làm mọi chuyện thêm căng thẳng, anh đáp, “Cô nói đúng lắm. Thật sự tôi đang đợi một tin không mấy tốt lành và bị phân tâm. Tốt hơn là ta nên dời buổi họp này lại vào cuối giờ chiều nay. Nếu cô thích, chúng ta có thể ra ngoài quán cà phê để không bị quấy rầy.”

Ví dụ này cho thấy bạn có thể trao đổi trực tiếp với ai đó mà không để cảm xúc chi phối. Một điều kỳ lạ là khi bạn có thể tách bạch được dữ kiện ra khỏi cảm xúc, đồng thời học cách thật sự lắng nghe và đồng cảm, bạn sẽ nhận ra người đối diện cũng bớt chống cự lại bạn hơn. Và nó khiến việc bạn lên tiếng cũng bớt đáng sợ hơn. Hãy thử những kỹ năng mới này tại nhà, với những khách hàng khó tính nhất của bạn – những đứa con. Một điểm lưu ý sau cùng trong quá trình rèn luyện phát biểu ý kiến: Đôi khi cách phản hồi tốt nhất của bạn với một ai đó là nói không. Nhiều nữ lãnh đạo thú nhận rằng bài học này rất khó, nhưng cần thiết để đứng vững trên một núi những cam kết chịu trách nhiệm. Nói không là một vấn đề nhạy cảm, bởi người phản đối là người có quyền lực. Bạn lo lắng lời từ chối của mình sẽ hủy hoại mối giao hảo đó. Không may là có quá nhiều phụ nữ làm nhiều thứ để tránh phải nói không. Một số còn gật đầu chấp thuận dù trong lòng họ không muốn thế, số khác nói không với thái độ hằn học hoặc lảng tránh không nói gì cả.

Những nhà lãnh đạo thường phải nói không, và chuyên gia thương lượng William Ury hướng dẫn ta một cách làm hiệu quả: Bắt đầu bằng việc thể hiện sự quan tâm thật sự đến người đặt yêu cầu, sau đó nói không một cách rõ ràng và tôn trọng. Tìm cách giải quyết khác phù hợp với cả hai. Nếu làm như vậy, bạn vẫn để lại cảm xúc tốt đẹp trong lòng người đối diện, đồng thời tìm được cách giúp đỡ mà không ảnh hưởng đến công việc, thời gian của bạn.

Khi bạn lên tiếng quá dễ dàng

Đối với một số phụ nữ, vấn đề không phải nằm ở chỗ tìm được tiếng nói riêng – mà là học cách lắng nghe. Bởi họ luôn quá hào hứng nên nói không ngớt. Họ cũng muốn lắng nghe lắm, nhưng rốt cuộc chỉ toàn nói. Và hậu quả của nó thì bạn biết rồi đấy – nói càng nhiều thì nghe càng ít.

Nếu bạn rơi vào trường hợp này, hãy thử tìm cách gợi chuyện với đồng nghiệp, cấp trên, các thành viên trong nhóm cũng như tất cả những ai bạn tiếp xúc ngoài doanh nghiệp. Hãy tìm hiểu xem bạn khiến họ cảm thấy ra sao. Nếu bạn sẵn sàng thay đổi, hãy tìm đến những đồng sự tin cẩn. Nếu làm đúng cách, họ sẽ giúp bạn xác định được những tình huống nào bạn bị mất kiểm soát. Cùng nhau bàn bạc để chọn ra một mật hiệu, và họ sẽ dùng mật hiệu đó công khai để cảnh báo bạn. Ở thời điểm dầu sôi lửa bỏng, dấu hiệu ấy có thể là cứu tinh của bạn.

Bạn cũng có thể tự rèn luyện bằng cách điều tiết hành vi của mình trong các cuộc họp. Theo dõi xem thời gian bạn nói là bao lâu so với người khác. Bạn có thể giới hạn thời gian nói của mình bằng cách chỉ đặt câu hỏi – một cách tuyệt vời để mở lòng với người khác mà vẫn tham gia trao đổi. Bạn còn có thể buộc bản thân mình im lặng theo nghĩa đen bằng cách dùng tay che miệng khi bạn lắng nghe. Đây là cử chỉ nhắc nhở bạn lắng nghe. Một cách tương tự là ghi chú, nó giúp bạn tập trung chú ý vào điều người khác nói. Bạn cần thực tập trước, để khi cảm xúc bắt đầu trỗi dậy và bạn cần sự giúp đỡ, bạn sẽ có thể chờ cho đến khi bạn cân nhắc được mình muốn phản ứng ra sao.

Lắng nghe đòi hỏi sự tập trung. Bạn biết sự khác biệt khi bạn thật sự hiện diện. Bạn không chỉ lắng nghe để đáp lời (hay để biết xem người kia có đồng ý với quan điểm đúng đắn của bạn hay không.) Bạn không chỉ lắng nghe để học hỏi, mặc dù có thể bạn cảm thấy rất háo hức và tò mò. Mà khi ấy bạn còn lắng nghe để hiểu cảm xúc của người đối diện; bạn cởi mở đón nhận mọi thứ. Người đối diện sẽ nhận ra điều đó nơi bạn, và cuộc nói chuyện của hai bạn sẽ được chắp thêm cánh: Hai bạn thật sự gắn kết.

Để được chú ý

Tại sao một số người chưa cất lời mà đã “hiện diện” trong mắt người khác? Cách bạn thể hiện bản thân – cách bạn di chuyển, đi đứng, vị trí của bạn trong gian phòng – cho người khác biết về bạn nhiều hơn những gì bạn thật sự nói ra. Nếu bạn không tin, hãy thử bài tập sau. Tập hợp một số đồng sự vào phòng. Bạn bước vào, giới thiệu bản thân bằng một câu chào đơn giản. Sau đó đề nghị mọi người đánh giá cách bạn thể hiện, theo thang điểm từ 1 (giống như một chú chuột nhắt vừa bước vào phòng) đến 10 (chúa sơn lâm xuất hiện). Bây giờ hãy thử lại, nhưng lần này, bạn chọn trước mức độ mình muốn thể hiện (ví dụ, mức 7 – hiên ngang, tự tin, đáng chú ý nhưng không hung hăng, hoặc 5 – đĩnh đạc và bình thản). Đừng nói cho đồng sự biết; sử dụng dáng điệu cơ thể và nói ra một vài từ, để xem họ cho bạn bao nhiêu điểm. Thường bạn sẽ nhận ra mức độ tự đánh giá bản thân cao hơn những gì người khác đánh giá. Sự thật là những gì bạn tưởng ở mức 7 thì chỉ tầm mức 3 đối với người chung quanh. Có thể bạn chưa thể hiện được những gì bạn nghĩ. Nếu thế, thông tin phản hồi của họ sẽ rất hữu ích để bạn điều chỉnh cách đi đứng, giọng nói, nét mặt, và nhiều thứ khác. Dĩ nhiên là ở những trường hợp khác nhau đòi hỏi bạn phải thể hiện khác nhau. Để những gì bạn thể hiện đúng theo điều bạn nghĩ là cả một nghệ thuật.

Vì thế, hãy sử dụng tất cả những gì bạn có để khẳng định sự hiện diện của một nhà lãnh đạo. Có thể bạn thấy mọi thứ quá khó khăn, nhưng đúng là bạn chỉ là cái bóng cho đến khi tất cả mọi người đều thừa nhận sự có mặt của bạn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.