Cách Người Phụ Nữ Xuất Chúng Lãnh Đạo
CHƯƠNG 8: KHÔNG NGỪNG BƯỚC TỚI
Tôi đang ăn trưa với cha mình tại Jordan thì nghe tin báo trên đài ra-đi-ô là chiến tranh đã nổ ra. Chúng tôi nhảy vội vào xe hơi và lái về nhà ở khu ngoại ô Jerusalem. Xe hết xăng, và đó là cuộc chiến trên diện rộng. Nhà chúng tôi bị đánh bom. Cha tôi thuê một chiếc xe cứu thương và đưa chúng tôi đến Jericho để an toàn hơn. Bom tiếp tục dội đến nơi chúng tôi trú, và chúng tôi phải ngủ đêm trong vườn cam. Sáng hôm sau, cả nhà phải tiếp tục di chuyển, thế là chúng tôi thuê một chiếc xe “con bọ” Volkswagen Beetle, chở 12 người gồm tài xế, cha tôi, mẹ tôi, bà tôi và 8 đứa trẻ đến nơi di trú. Chúng tôi đến Jordan và ở nhờ nhà mấy người bạn. Đó chính là thời khắc làm nên tính cách con người tôi. 14 tuổi, tôi trở thành con người mạnh mẽ. Đừng quan tâm về thời gian, bạn cứ bắt tay vào thực hiện thôi.
Amal Johnson, CEO, Market Tools
Nhiều nữ lãnh đạo tự xem mình là những người lạc quan – nhưng đồng thời vẫn rất thực tế. Chính sự pha trộn tính cách độc đáo này đã giúp họ cân bằng. Họ rất chú ý đến các dữ kiện. Vì thế khi họ phạm sai lầm, đi sai hướng hoặc hứng chịu thất bại, họ đặc biệt tài giỏi trong việc đón nhận phản hồi, góp ý và dựa vào đó để tiếp tục bước tới. Đó là yếu tố giúp họ đứng dậy sau vấp ngã để tiếp tục phát triển.
Phải chăng viễn cảnh tiếp nhận những lời góp ý khiến tim bạn đập nhanh hơn và bạn thấy mình căng thẳng hơn? Các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy thay vì lắng nghe những thông tin có giá trị, nhiều phụ nữ chỉ nghe thấy những lời chỉ trích và chống đối, còn những điều khác họ bỏ ngoài tai. Tách bạch giữa thông điệp từ phía người gửi và cảm xúc là điều không dễ. Chẳng có gì lạ khi những ý kiến phản hồi thường gây ra vòng xoáy tiêu cực trong cảm xúc.
Nhưng không phải mọi phụ nữ đều phản ứng theo kiểu đó: Những nữ lãnh đạo chúng tôi phỏng vấn đã tận dụng những sai lầm trong quá trình làm việc cũng như đón nhận những lời góp ý theo cách khiến chúng tôi không khỏi kinh ngạc – như một nguồn thông tin quý giá giúp họ phát triển tăng tốc. Họ là những người suốt đời học hỏi. Bạn có thể không tin, nhưng đơn giản là họ chấp nhận nỗi đau đi kèm với kinh nghiệm trong từng nỗ lực học hỏi. Học hỏi từ những sai lầm chính là sức mạnh trong họ.
Câu chuyện sau đây của Ellyn McColgan đã minh chứng cho điều đó. Từ trước đến nay, với chức chủ tịch quản lý tài sản doanh nghiệp toàn cầu của tập đoàn Morgan Stanley và trước đó là chức chủ tịch phân phối và điều hành nguồn vốn của Fidelity Investments, Ellyn vun đắp những khả năng tối cần thiết cho sự nghiệp của mình: lắng nghe phản hồi, đánh giá tình huống, bắt tay vào sửa chữa – và cuối cùng là hồi phục.
Đối mặt với thử thách
Lớn lên tại thành phố Jersey, Ellyn còn nhớ bà ngoại là người đầu tiên mở mang đầu óc cho cô. “Cha tôi là thợ lắp nồi hơi; ông phải làm việc suốt ngày và không bao giờ có kỳ nghỉ. Mẹ tôi là nội trợ, ở nhà chăm sóc chúng tôi, giặt ủi, nấu nướng, quét dọn,” Ellyn kể. “Cuộc đời của cha mẹ tôi chỉ biết đến công việc và nghĩa vụ. Nhưng bà tôi thì tin rằng tôi là người tuyệt vời nhất thế gian. Bà là người hâm mộ tôi cuồng nhiệt và bà dạy rằng nếu tôi muốn làm bất kỳ điều gì, thì chắc chắn tôi sẽ làm được. Câu chuyện của tôi chính là câu chuyện về giấc mơ nước Mỹ.”
Trong giai đoạn Ellyn lớn lên, gia đình cô không có nhiều tiền. Cô nhớ lại, “Khi trường cấp ba tổ chức cho chúng tôi đi tham quan học tập, đến Nhà hát Thủ Đô hay đại loại thế, bà tôi thường tìm cách kiếm cho ra 20 đô tiền xe để tôi được tham dự. Dần dần, tôi nhìn thấy thế giới rộng lớn quanh mình. Và tôi cũng nhận ra tiền bạc và học vấn là hai thứ tôi cần để bước vào thế giới đó.” Chính sự giác ngộ đó là khởi đầu cho cuộc hành trình tìm kiếm sự độc lập của Ellyn.
Đến tuổi vào đại học, cô xin vào trường Montclair State, một ngôi trường vừa học vừa làm, “sinh viên nào cũng có một công việc.” Tốt nghiệp xong, cô tìm được một chân trong phòng nhân sự của một trung tâm thương mại. Cô có đủ tiền để thuê căn hộ riêng – bước đầu khẳng định sự độc lập của mình.
Năm năm sau khi tốt nghiệp đại học và sau một số công việc trong ngành nhân sự, Ellyn nhận ra mình muốn gia nhập phòng nhân sự của công ty Lifesavers Candy. May mắn thay, vị cấp trên nhìn thấy tiềm năng nơi Ellyn: “Ông ấy bảo tôi, ‘Hãy chú ý đọc Thời báo Phố Wall trong vòng hai tuần. Nếu cô không thấy nó gợi lên chút tò mò nào trong cô, tôi sẽ không bắt cô đọc nữa. Nhưng nếu cô viết ra được danh sách các câu hỏi, thì chúng ta phải bàn về chuyện cho cô đi học trở lại.’”
Trong hai tuần đó, cô có hàng đống câu hỏi. Vì thế, sau khi thực hiện một bước đi nhỏ – một học kỳ ở trường bổ túc kiến thức ban tối – Ellyn làm một bước nhảy vọt. Cô xin nghỉ việc và nộp đơn vào Trường Kinh doanh Harvard, nơi ước mơ lớn nhất của cô ra đời. “Chính tại trường Harvard, tôi đã quyết định mình muốn trở thành chủ tịch của một công ty lớn,” cô vừa cười vừa nói. “Tôi vẫn còn nhớ vị chủ tịch của Lifesavers. Ông ấy là người đàn ông cao lớn đẹp trai, lúc nào cũng ăn vận chỉnh tề. Ông có xe hơi và tài xế riêng, cùng một góc làm việc tuyệt vời. Đối với tôi thế là quá tốt.”
Tại trường Harvard, Ellyn chuyển từ chuyên ngành nhân sự sang tài chính, từ sản phẩm tiêu dùng sang dịch vụ tài chính. Cô nhận ra ngành này phù hợp với tố chất và khả năng của cô, và cô yêu thích nó: “Bỗng nhiên, tôi phát hiện ra đây là công thức biến mọi thứ thành hiện thực. Tôi khám phá ra đó là sở trường của mình. Nhưng đồng thời tôi cũng muốn mình biết cách quản lý con người; tôi muốn quản lý cả một tổ chức.”
Trong quá trình chinh phục con đường đã chọn, Ellyn tham gia chương trình đào tạo tại Shearson American Express, rồi trở thành trợ lý giám đốc trong vài năm. Tận dụng thành quả công việc và mối quan hệ rộng của mình, cô chuyển sang một bộ phận khác đặt tại Boston vốn hướng cô đến với nghề nghiệp tiếp theo. Cuối cùng, cô chuyển sang làm cho Ngân hàng New England để điều hành bộ phận quản lý hoạt động chứng khoán. Đó là một tổ chức lớn – với 500 con người – và Ellyn bắt đầu cảm thấy ước mơ của mình đang trong tầm với.
Nhưng cuộc đời không đẹp như chuyện cổ tích, cũng đến lúc Ellyn gặp khó khăn. Ba mươi lăm tuổi, cô vừa tậu được căn nhà đầu tiên và làm mọi thứ để chứng tỏ mình làm gì cũng thành công. “Tôi vừa ký hợp đồng sửa lại gian bếp, thì ngân hàng bắt đầu gặp sự cố,” cô kể. “Tôi nghĩ trong bụng, ‘Trời ơi, chắc mình sắp mất việc quá. Mình mới mua nhà. Và biết làm gì với cái bếp đây? Mấy cái kệ cũ đã dỡ đi hết rồi!’”
Cô cùng với nhóm làm việc của mình tại ngân hàng ngồi lại và bàn bạc một số phương án như bán doanh nghiệp chẳng hạn. Ellyn nhớ lại, “Chúng tôi thỏa thuận rằng sẽ giúp nhau tìm những cơ hội việc làm ở chỗ khác. Từng người một, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được việc làm mới.” Ellyn bắt đầu công việc tiếp theo tại Fidelity Investments. Cô dành suốt 17 năm sau đó để xây dựng nên một sự nghiệp phi thường – điều hành hệ thống phân phối lớn, quản lý hàng ngàn nhân viên và khách hàng.
Cũng giống những con người lạc quan khác, Ellyn nhìn đâu cũng thấy cơ hội. “Đó là năm 1992. Tôi được giao nhiệm vụ điều hành bộ phận dịch vụ khách hàng cho một quỹ hưu trí 401(k), một ngành tôi hoàn toàn không có kiến thức gì vào thời điểm ấy nhưng nó lại đang phát triển nhanh khủng khiếp.”
Công việc của cô, được xem như “một giải pháp hiệu quả trong việc điều chỉnh hệ thống quản lý”, là biến một doanh nghiệp có tiềm năng phát triển thành một doanh nghiệp mang về lợi nhuận to lớn, với dịch vụ khách hàng được cải thiện. “Nó đòi hỏi bạn phải tái cơ cấu toàn bộ hệ thống hoạt động, cả về mặt địa lý. Thật rắc rối lắm,” Ellyn nói. “Vì thế tôi lập nên một nhóm dự án. Chúng tôi đề ra bản kế hoạch gồm hai ngàn bước thực hiện. Một biểu đồ thực hiện dự án không tưởng. Chúng tôi cứ làm, và làm, rồi chúng tôi mở một chi nhánh mới tại Covington, Kentucky. Hầu hết mọi người đều có công việc mới, nhiệm vụ mới.”
Bạn có thể đoán điều xảy ra tiếp theo: Một hố voi xuất hiện trên đường họ đi, không cách gì tránh nổi. Và họ sụp xuống hố. Vào ngày đầu tiên tổ chức mới đi vào hoạt động, mọi thứ đình trệ. Tất cả diễn ra hoàn toàn không như mong đợi.
Vài tuần sau, Ellyn phải bay khẩn cấp đến Kentucky cùng một lực lượng quản trị hùng hậu từ trụ sở chính. “Sếp của sếp tôi cũng đi cùng. Tôi nghe lỏm được ông hỏi chuyện một nữ nhân viên phụ trách cân đối sổ sách ngân hàng, “Cô làm việc này có thường xuyên không?’ Cô ấy đáp, ‘Mỗi ngày.’ Rồi ông hỏi tiếp, ‘Và chuyện gì xảy ra nếu sau khi tổng kết đến dòng cuối cùng, phần ghi nợ không khớp với phần ghi có?’ ‘Ồ,’ cô này đáp, ‘Tôi sẽ thêm một bút toán nữa để hai cái khớp nhau.’ Rồi ông lại hỏi, ‘Vậy cô có thắc mắc tại sao chúng không khớp nhau không?’ Cô này đáp, ‘Tôi chỉ thêm bút toán đó vào. Mọi thứ lại đâu vào đấy mà.’ Bắt đầu có vấn đề đây. Ông hỏi, ‘Thế lần cuối cùng hai cột này bằng nhau là vào khi nào?’ Một câu trả lời không còn gì để nói, ‘À, thưa ông, tôi làm việc ở đây đã một tháng rưỡi, và hai con số chưa bao giờ khớp nhau cả.’ ”
Lỗ hổng mà Ellyn vừa mới phát hiện hóa ra lại sâu thăm thẳm. Fidelity tổ chức một cuộc họp, và 500 khách hàng không hài lòng với doanh nghiệp có mặt. Ellyn đứng giữa khán phòng và nói, “Thay mặt tất cả các thành viên trong công ty, tôi thành thật xin lỗi. Chúng tôi chưa làm tốt công việc của mình. Những gì chúng tôi làm chưa xứng đáng với tiêu chuẩn chăm sóc khách hàng mà chúng tôi đưa ra và tôi chân thành xin lỗi vì điều đó. Trong vòng 90 ngày tới, chúng tôi sẽ điều chỉnh mọi thứ. Chúng tôi mong quý vị tiếp tục ở lại với doanh nghiệp cho đến thời điểm đó, và hãy cùng chúng tôi giải quyết vấn đề mà quý vị mắc phải.”
Đó là một thất bại thảm hại của doanh nghiệp mới nổi này. Ellyn nhớ lại: “Thật kinh khủng cho tôi. Thật khủng khiếp. Tôi ngỡ sự nghiệp của mình đến đây là chấm hết. Tôi không nghĩ mình có thể đứng dậy làm lại từ đầu.”
Cuối cùng thì mô hình do đội ngũ của cô đề xuất cũng chứng minh hiệu quả của nó nhưng phải mất bốn tháng cô mới giải quyết hết những vấn đề trong kinh doanh. Ellyn nhận ra rằng mình phải quan tâm đến nhân viên nhiều hơn, và yêu cầu mọi người đưa ra phản hồi chân thật – “huỵch toẹt mọi thứ”, như cách cô nói. Cô bảo họ, “Chúng ta bị lạc, và tôi đã đưa mọi người đến đây. Chúng ta phải tìm lại hướng đi. Chúng ta cần làm gì để sửa chữa sai lầm?” Và họ cùng ngồi lại giải quyết. Ellyn nói, “Con người ta thường đáp lại lời kêu gọi giúp đỡ. Tôi lại tìm thấy sức mạnh nơi những người tôi không hề biết họ mang trong mình sức mạnh ấy. Tôi tìm thấy sức mạnh trong chính bản thân mình, nguồn sức mạnh mà tôi không hề hay biết.”
Ban đầu, Ellyn phải đương đầu với cảm giác tuyệt vọng. Nỗi lo sợ khiến cô không còn thấy rõ toàn cục, và đối với Ellyn, đôi khi nó còn là mối đe dọa nữa. Cô sợ mất đi điều quý giá nhất – sự độc lập. Nỗi sợ buộc cô làm việc chăm chỉ, nhưng đồng thời cũng kéo cô vào vòng xoáy cảm xúc tiêu cực. Cô còn nhớ, “Dĩ nhiên, tôi cũng có những giây phút riêng tư, những lúc tăm tối, khi tôi không đứng trước mọi người, khi ấy tôi thầm nghĩ, ‘Mọi chuyện tồi tệ thật. Đau đớn quá. Chắc mình sai lầm rồi.’ Tôi sợ mình sẽ mất mọi thứ, mất xe, mất nhà, thậm chí không còn một xu để chi tiêu.”
Nhưng nhóm của cô chung lưng đấu cật, và cô tìm đến một đồng nghiệp, người thậm chí “còn lạc quan hơn nữa.” Nói chuyện với anh giúp cô lấy lại tinh thần: “Tôi ngồi trong phòng làm việc của anh ấy và nói, ‘Chúng ta biết làm gì đây? Mọi thứ liệu có ổn không?’ và anh đáp, ‘Mọi thứ sẽ ổn. Đây là lý do tại sao.’”
Ơn trời, thời kỳ đáng sợ đó không kéo dài. “90 ngày không quá lâu như tôi tưởng và cuối cùng những gì chúng tôi làm cũng có tác dụng,” Ellyn nhớ lại. “Tôi bắt đầu thức dậy mỗi sáng với suy nghĩ rồi mình sẽ vượt qua được. Và chúng tôi đã gầy dựng lại một doanh nghiệp tuyệt vời,” cô nói.
Khi mọi thứ đâu vào đấy, bản thân Ellyn cũng bình phục. “Tôi đã trải qua một thời kỳ dài tăm tối,” cô nhớ lại. “Chính cha tôi đã giúp tôi hiểu được nguyên nhân của vấn đề. Tôi nhớ mình đã nói với ông, ‘Mọi thứ đổ bể không phải lỗi của con. Con giao cho một nhóm làm dự án này, và con đâu có điều hành phần cân đối sổ sách ngân hàng. Rõ ràng, chẳng ai trách được con trong chuyện này cả!’ Và cha tôi đáp, ‘Ồ không, họ có thể trách con chứ.’ Ông nghiêm nghị nhìn tôi, ‘Chẳng phải con điều hành cả tổ chức đó sao?’ Phải, tôi chịu trách nhiệm đó. ‘Vậy nên con phải ở lại và sửa chữa sai lầm.’ Và tôi làm đúng như vậy. Bạn biết đó, sửa lỗi cũng cho bạn nhiều bài học không kém gì khi phạm lỗi.”
Cuối cùng, Ellyn học được một bài học đáng giá: Khi chỉ để ý đến những chi tiết vụn vặt, cả nhóm của cô đã không nhìn thấy vấn đề thật sự. “Có thể lần tới mình sẽ không lập ra đến hai ngàn bước thực hiện trong bảng kế hoạch chi tiết thành lập doanh nghiệp, nhưng mình thật sự biết cách chấp nhận rủi ro nhiều hơn ra sao,” cô nhớ mình đã thầm nghĩ như thế. Đồng thời cô cũng nhận ra nỗi sợ hãi trong thời khắc đen tối ấy hoàn toàn không có cơ sở: “Một trong những điều bây giờ tôi hay nói với các bạn trẻ, đặc biệt là các phụ nữ là, ‘Cứ làm đi, điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì?’ Bạn biết họ luôn đáp trả thế nào không? ‘Tôi có thể bị đuổi việc.’ Đúng, có thể lắm chứ. Nhưng xác suất không cao. Mà bạn sẽ bị bẽ mặt. Điều đó có khả năng xảy ra nhiều hơn. Và bạn sẽ bị thất thế. Chuyện đó có thể lắm. Nhưng bạn sẽ không bị đuổi việc. Mà thậm chí có bị thì cũng có sao đâu! Kiếm việc khác mà làm thôi.”
Niềm lạc quan trong Ellyn giúp cô tiếp tục bước tới, và cuối cùng gặt hái thành công vang dội. Nhưng cô vẫn làm việc cật lực để chiếm lại lòng tin nơi cấp trên của mình. “Sau một năm, Bob không còn làm mặt lạnh với tôi nữa, và giờ đây cả hai chúng tôi đều bật cười khi nghĩ lại chuyện đó,” cô nói. “Điều quan trọng mà tôi bỏ sót chính là mối quan hệ giữa Bob với rất nhiều người trong số những khách hàng này. Ông đã đích thân mang họ đến với Fidelity. Thế nên ông đã nổi điên vì họ bất bình với cung cách phục vụ tồi tệ của chúng tôi và ông thấy mình phải lãnh trách nhiệm. Ông có quyền nổi giận chứ. Tôi tự nhủ, ‘Một ngày nào đó, ông sẽ nói chuyện lại với mình, và rồi mọi thứ sẽ ổn thôi,’ và điều đó xảy ra thật.”
Ellyn đã học được rất nhiều thứ từ trải nghiệm đau đớn này, kể cả việc cô có thể đứng dậy sau khi mất lòng tin vào chính mình – cảm giác thường đi kèm với thất bại. “Tôi học được rằng mọi thứ chưa phải đường cùng. Tất cả rồi sẽ ổn,” cô nói.
Ngày nay, một trong những kỹ năng của Ellyn chính là khả năng hồi phục nhanh chóng. Cô nói, điều này khởi nguồn từ đội ngũ làm việc: “Tôi lấy năng lượng từ người khác. Tôi thấy mình hạnh phúc nhất khi có mọi người ở bên cạnh, làm việc cùng nhau, và hoàn tất mọi thứ. Tôi rất trung thành. Tôi hiểu những người xung quanh tôi, luôn luôn là thế.”
Nhờ vào thái độ lạc quan mà Ellyn vượt qua mọi chuyện: “Thời khắc đen tối nhất chỉ ập đến khi tôi không có bất kỳ lựa chọn nào. Nếu tôi có thể nghĩ ra nhiều giải pháp, tôi sẽ chọn một. Và khi tôi chọn được một giải pháp, tôi sẽ tìm ra nhiều cách khác nữa.” Cô cũng tin chắc rằng: “Tôi thật sự nghiêm túc và kiên trì. Tôi sẽ làm đến khi nào mọi việc xong thì thôi, dù mọi thứ có tệ hại đến đâu, hay phải kéo dài bao lâu chăng nữa.”
Ellyn tìm thấy nguồn sức mạnh cần thiết trong các giá trị sống. “Tôi tin rằng con người ta về bản chất ai cũng tốt đẹp và muốn làm điều hay,” cô lý giải. “Một ngày nào đó tôi phải chịu trách nhiệm cho những gì mình làm và cách tôi đối xử với người khác. Tôi muốn mình cảm thấy thanh thản về điều đó.”
Cuối cùng, tinh thần tranh đua của Ellyn đã giúp cô chấp nhận mọi thử thách. Về sau, cô là người dẫn đầu lĩnh vực bán lẻ và phân phối của Fidelity cùng một vài khu vực hoạt động khác.
Nhưng cũng đến lúc cô rẽ sang con đường mới: “Năm 2007, sau 17 năm có một sự nghiệp rạng rỡ, tôi quyết định đây là lúc mình nên theo đuổi một sự nghiệp khác, và tôi xin từ chức.”
Ba mươi năm trong suốt cuộc hành trình, Ellyn tiếp tục học hỏi và phát triển bản thân. Cô nhìn lại những thăng trầm trong kinh doanh và đưa ra một nhận xét xác đáng. “Bạn không thể sống một cuộc đời lúc nào cũng e sợ. Bạn phải sống với niềm hy vọng. Phản ứng tự nhiên của con người khi gặp thất bại là e dè và thu mình lại,” Ellyn nói. “Nhưng điều bạn nên làm khi ấy là tiến xa hơn. Đó là cơ hội để bạn phát triển, chứ không phải để bạn ngày một hao mòn đi. Khi có chuyện không hay xảy ra, hẳn sẽ rất đau lòng – tất thảy những gì giúp bạn trưởng thành đều đau đớn cả.”
Và lúc nào Ellyn cũng nhìn về tương lai chứ không mắc kẹt với quá khứ. Đó chính là nguồn sức mạnh tiềm tàng giúp cô hồi phục. “Tôi không biết chắc mình cần điều gì khi ấy,” giờ Ellyn nói. “Cuộc hành trình của tôi đã rất phi thường. Nhưng vẫn chưa xong! Tôi vẫn đang lớn lên từng ngày.”
Thông tin phản hồi giúp bạn trưởng thành
Người lạc quan trực tiếp đương đầu với nghịch cảnh, tìm kiếm những lời góp ý chân thành và đối mặt với thông tin nhận được. Đó chính là những gì Ellyn học hỏi từ trải nghiệm. Cô đối diện với cấp trên của mình, với khách hàng, và cả đội ngũ nhân viên của cô nữa. Như tôi đã nói, đa số phụ nữ thấy chuyện đó không dễ dàng gì – cũng dễ hiểu thôi. Ý kiến đóng góp thường khiến bạn bao biện cho những việc mình làm, và việc lắng nghe những phản hồi ấy nhằm xác định bản chất vấn đề là chuyện rất khó.
Bạn có thể chờ và học kỹ năng này khi phải đối diện với nghịch cảnh vào lần tới. Hoặc bạn có thể chuẩn bị tinh thần bằng cách giả lập trải nghiệm đó. Đây là phương pháp thực hiện: Tưởng tượng một tình huống khó khăn của riêng bạn – dự án hiện tại rơi vào bế tắc chẳng hạn – sau đó thử đoán xem những hậu quả kéo theo sẽ là gì, hãy viết chúng ra. Tính xác suất xảy ra cho từng hậu quả. Trong trường hợp của Ellyn, cô có thể dự đoán ba hậu quả do thái độ làm việc không tốt của mình gây nên: bị đuổi việc, bỏ việc vì phẫn nộ, hoặc chấp nhận những lời góp ý và tìm cách giải quyết vấn đề. Khi cô ngẫm nghĩ về điều đó (có thể cần đến sự giúp đỡ của một đồng sự tin cẩn), cô có thể ước lượng xác suất xảy ra của mỗi trường hợp tuần tự là 5%, 15% và 80%. Cách làm này giúp cô nhanh chóng nhìn nhận mọi thứ rõ ràng hơn mà không để cảm xúc chi phối. Cùng phân tích tình huống với đồng nghiệp thường giúp bạn nhìn ra những hậu quả tiềm ẩn khác mà bình thường có thể bạn không nghĩ đến.
Cách làm thứ hai là viết mọi thứ ra giấy. Cách này cũng giúp ích rất nhiều. Đây, mục tiêu của bạn là xem xét tình huống từ những góc nhìn khác nhau. Viết ra những gì thật sự xảy ra trong hoàn cảnh bất lợi đó, bao gồm từng yếu tố nhỏ mà bạn có thể nhớ. Mô tả cách các cá nhân liên quan nhìn nhận tình huống ấy như thế nào. Bây giờ, xác định xem nhận định nào là thực tế và nhận định nào nằm trong suy nghĩ của bạn. Tiếp theo, viết ra hệ quả của những điều bạn tin. Ví dụ, Ellyn đặt mình vào vị trí của sếp; cô phát hiện thêm một vài dữ kiện không giống với những gì cô tưởng. Bởi cô cảm thấy mình bị tấn công, cô chỉ quan tâm đến bản thân mình mà nhất thời không nhận ra những gì người khác cảm thấy trong tình huống đó. Nếu bạn biết tìm đến những người bạn tin tưởng cũng như những ai trực tiếp biết về những chuyện xảy ra thì sẽ càng có ích hơn. Họ sẽ đưa ra những lời phân tích khách quan hơn. Nhờ họ xem qua những gì bạn viết, bổ sung thêm ý hoặc sửa lại cho đúng. Nếu bạn không có ai để chia sẻ, hãy lùi lại một bước và nhìn sự việc từ mọi hướng, xem như đó là cái nhìn của nhiều người xung quanh bạn. Nếu thường xuyên sử dụng phương pháp này, bạn sẽ hạn chế được hành vi dằn vặt bản thân. Xem xét và hành động sẽ trở thành phản xạ có điều kiện của bạn trước hoàn cảnh bất lợi.
Cách làm thứ ba có thể hữu ích trong thời điểm bạn đón nhận những lời phản hồi dưới hình thức trang trọng. Nếu bạn biết trước mình sẽ căng thẳng và vào thế phòng thủ, hãy chuẩn bị tinh thần từ trước. Hãy chắc chắn rằng bạn thật sự bình tĩnh và nghỉ ngơi đầy đủ; sẽ rất khó để luôn cởi mở và linh động nếu bạn bị thiếu ngủ. Chuẩn bị trước một số câu hỏi mà bạn cảm thấy thoải mái như: Hãy nói chi tiết hơn cho tôi nghe. Tôi có thể làm gì khác đi? Tôi có thể làm gì để phát triển kỹ năng đó? Anh/chị đã có được kỹ năng như thế nào? Thậm chí bạn có thể viết ra một số từ khóa (như “phòng thủ” hoặc “đặt câu hỏi”) vào sổ tay để tự nhắc nhở mình trong thời điểm đó.
Thông tin phản hồi, bao gồm cả những lời chỉ trích trực tiếp, sẽ lót đường cho bạn trưởng thành hơn. Bao giờ cũng vậy, các nữ lãnh đạo luôn chia sẻ với chúng tôi: Học hỏi từ những sai lầm và thất bại. Đôi khi bạn có thể sửa lỗi và làm lại từ đầu. Và đôi khi, tất cả những điều bạn có thể làm là học hỏi và tiếp tục bước tới. Cơ hội mới vẫn đang chờ đợi bạn ở phía trước.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.