Cách Người Phụ Nữ Xuất Chúng Lãnh Đạo
CHƯƠNG 13: CÁC MỐI QUAN HỆ SONG PHƯƠNG
Lúc đó tôi đang nói chuyện với một chuyên viên của một trong những khách hàng đầu tư của công ty tôi, và tôi xin ông lời khuyên về cậu con trai nhỏ; nó mê máy tính đến mức tôi hơi lo lắng. Ông quay sang tôi và nói, “Chị đừng ngăn cản thằng bé. Cứ cho nó chơi tùy thích. Hồi đó tôi cũng vậy, cha mẹ tôi quyết định để mặc tôi vùi đầu vào máy tính. Đó là lý do vì sao tôi trở thành một kỹ sư máy tính thành công như ngày hôm nay!” Tôi suy nghĩ rất nhiều về những gì ông nói. Nói cho cùng, đó chính là cách ta xây dựng các mối quan hệ. Bao giờ cũng đến từ hai phía.
Patricia Nakache, Cộng sự Trinity Ventures
Xây dựng các mối quan hệ là một trong những kỹ năng xuất sắc của nữ giới, bạn đồng ý không? Chúng ta sinh ra để làm điều đó; chúng ta quan tâm đến người khác gần như là bản năng. Nhưng các mối quan hệ nơi công sở lại là chuyện khác.
Nam giới cũng làm như vậy, và họ làm rất tốt. Cách họ xây dựng các mối quan hệ bắt đầu bằng bản năng giao tiếp xã hội thiên bẩm. Làm sao mà một người đàn ông có thể bước vào sân bóng rổ và chơi cùng những người họ chưa gặp bao giờ? Tại sao nhiều người đàn ông thích cảm giác được ngồi trong sân vận động với hơn 40.000 cổ động viên khác? “Nếu bạn lập ra danh sách những hoạt động có thể thực hiện trong một tập thể đông đúc, hẳn bạn sẽ viết ra những việc mà nam giới sẵn sàng tham gia và hào hứng hơn phụ nữ: thi đấu thể thao theo nhóm, chính trị, các doanh nghiệp lớn, mạng lưới kinh tế,” nhà tâm lý học Roy Baumeister viết.
Quan trọng hơn, bởi những mạng lưới này dựa trên các mối quan hệ thường ngày nên chúng rõ ràng là đến từ hai phía. Đồng thời, những mối liên kết này có tác dụng rất mạnh mẽ, bởi cả hai phía đều nhận ra lợi ích tiềm ẩn mà nó mang lại. Nói ngắn gọn là có qua có lại. Đôi bên cùng có lợi. Đơn giản thế thôi. Và đó là lý do tại sao các mối quan hệ rộng nhưng sơ giao lại chiếm ưu thế ở môi trường công sở – và tại sao người duy trì nó phần đông lại là nam giới.
Với khuynh hướng tìm kiếm các mối quan hệ sâu sắc, nhiều phụ nữ không cảm thấy thoải mái khi nhìn thấy các ông cứ tụm lại với nhau là có vẻ thân thiết ngay lập tức. Quý ông thì cho rằng chẳng qua cũng chỉ là “Anh gãi lưng cho tôi, thì tôi sẽ gãi lưng cho anh.” Phụ nữ mà nghe kiểu miêu tả thô thiển này thì chắc chắn là mất cảm tình ngay.
Ý tưởng kết thân với một ai đó chỉ vì mục đích để họ mang lại lợi lộc cho mình trong tương lai hẳn khiến bạn thấy không ổn. Nữ giới đưa ra rất nhiều lý do khiến họ ngần ngại không chủ động: liệu có táo bạo quá không, người kia lúc nào cũng bận rộn cả, mình sẽ bị từ chối, thật là thương mại quá mức, vân vân. Điểm thú vị là những phụ nữ thường xuyên duy trì mối quan hệ có lợi cho cả đôi bên với chồng mình, với các con và bạn bè lại ít khi nghĩ đến nó trong môi trường công sở.
Đây là lúc để bạn chuyển hóa ý nghĩa sự việc. Hãy nhớ rằng, có qua có lại là yếu tố cơ bản nhất của Quy Tắc Vàng: “Hãy đối xử với người khác theo cách bạn muốn họ đối xử với mình.” Đó còn là điều Jonathan Haidt gọi là “chất keo kết dính xã hội với nhau,” vốn được hầu hết các tôn giáo tôn thờ, từ Phật Giáo cho đến Bái Hỏa Giáo. Mối quan hệ tương hỗ không chỉ góp phần quan trọng vào sự thành công của chúng ta trong vai trò là một công dân và làm một con người đúng nghĩa, mà nó còn tạo dựng thành công trong sự nghiệp của ta: Những gì bạn trao cho người khác khi bạn giúp đỡ hay khen ngợi họ, bạn cũng sẽ nhận lại. Và như thế không có nghĩa là bạn phải từ bỏ năng khiếu – và khao khát – về các mối quan hệ sâu sắc hơn.
Bằng việc học hỏi cách cho đi và nhận lại, Denise Incandela, chủ tịch Saks Direct (lĩnh vực kinh doanh trên Internet của Saks Fifth Avenue), đã đưa một hoạt động kinh doanh mới mẻ trở nên vững chãi. Denise lên kế hoạch Saks Direct khi cô gia nhập vào năm 1999 và sau đó sớm biến nó thành hiện thực. Cô suýt đánh mất nó khi thời kỳ Internet suy thoái, rồi dần đưa nó trở lại mạnh mẽ như trước. Chính các mối quan hệ song phương của cô đã tạo nên sự khác biệt giữa thành công và thất bại.
Trước và sau những mối quan hệ song phương
Denise đầu quân cho Saks sau khi rời bỏ sự nghiệp kéo dài 5 năm trong lĩnh vực tư vấn. Cô nhận xét rằng đó không phải là sự chuyển đổi dễ dàng. “Khi nhận việc, tôi đã lập nên trang web này mà chưa biết chính xác nó sẽ đi đến đâu. Tôi cũng tham gia xây dựng tổ chức, nhưng lại chưa hề có kinh nghiệm điều hành. Những năm đầu tiên quả thật rất khó khăn. Tôi làm việc vô cùng cực khổ. Và không dễ gì có được các kỹ năng mình cần, và tôi đã phạm rất, rất nhiều sai lầm.”
Trang web Saks.com ra đời ngay trong thời kỳ hoàng kim của Internet. Denise và các đồng sự đã tạo dựng cơ sở hạ tầng và cả một tổ chức để hỗ trợ những hoạt động kinh doanh mang về 100 triệu đô với niềm tin rằng nó sẽ sớm tăng trưởng đạt mức 500 triệu đô. “Trong năm đầu tiên chúng tôi chỉ đạt doanh thu 14 triệu đô,” Denise nói. “Bạn tưởng tượng xem chúng tôi thất vọng đến mức nào. Chúng tôi mất quá nhiều tiền và phải sa thải 40% nhân viên vừa tuyển dụng. Tôi không có quỹ dự phòng, cũng không có kế hoạch cho những trường hợp bất ngờ. Tôi đã không đề xuất, ‘Chúng ta nên đi chậm lại trong lúc tìm cách thực hiện hiệu quả.’ Tôi còn rất ngây thơ. Tôi cứ tưởng mọi thứ sẽ hoạt động trơn tru nhưng hóa ra nó không dễ dàng như thế. Cực kỳ bấn loạn!”
Sau này nhìn lại, Denise nhận thấy rõ rằng vấn đề cốt lõi không chỉ nằm ở kế hoạch kinh doanh quá tham vọng và sự đầu tư trên mức cần thiết; mà điều ngăn trở cô trong vai trò lãnh đạo chính là những gì cô đã không làm – hoạt động kinh doanh non trẻ của cô thiếu đi các mối liên hệ quan trọng với những người dày dạn kinh nghiệm trong ngành, những người có thể giúp đỡ Saks.com và Denise.
Vì sao điều này lại xảy ra với một người giỏi giang đến thế? Khi gia nhập Saks, Denise nghĩ mình đủ thông minh để xắn tay áo vào làm việc 16 tiếng một ngày và mọi thứ sẽ xong xuôi. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. “Điều tôi không nhận ra là tôi cần xây dựng các mối quan hệ và tôi không thể thành công một mình,” giờ đây cô nói. “Tôi chỉ có thể thành công một khi nhiều người đặt niềm tin vào những gì tôi đang làm.” Khi kinh doanh sa sút, cô nói, “Từng có lúc tôi nghĩ chẳng ai quan tâm đến sự thành bại của Saks.com. Tất cả là lỗi tại tôi. Tôi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho chuyện đó.”
Denise thấy mình cô đơn và suy sụp tinh thần. “Tôi thu mình vào vỏ ốc trong khoảng sáu tháng. Tôi chỉ biết đến sở làm rồi về nhà,” cô nhớ lại. “Nhưng tôi không muốn mình mãi mắc kẹt trong nỗi thất vọng đó, nên tôi tự nhủ, ‘Mày phải tìm thứ khác mà làm, hoặc phải vực dậy Saks.com. Quỹ thời gian quý báu mày có trên thế gian này chẳng nhiều đâu – tại sao mày cứ sống hoài sống phí như thế?’ Đó là tiếng nói thức tỉnh con người tôi. Và tôi lại răn mình, ‘Hoặc mày phải hào hứng lên và làm cho nó đẻ ra tiền – điều lẽ ra ngay từ đầu mày phải làm rồi, hoặc là dẹp hết đi.’ Và rồi tôi nhận ra mình có thể xoay chuyển tình hình và giành lại mọi thứ.”
Với bản kế hoạch được cải thiện và sự ủng hộ quan trọng từ sếp, Denise bắt tay vào cứu vãn mọi chuyện. Cấp trên thúc đẩy cô tiếp tục bước tới bằng những phản hồi nghiêm khắc khi cần. “Tôi từng làm hỏng nhiều mối quan hệ và ông đã đến, chỉ ra cho tôi những điểm sai,” Denise nói. “Ông đến gặp những người bị tôi làm phật ý và nói, ‘Chúng ta cần cho cô ấy một cơ hội thứ hai. Cô ấy vẫn đang học hỏi. Cô ấy sẽ làm được.’ Một điều phải nói là đã giúp ích cho tôi rất nhiều – ngày một nhiều hơn qua thời gian vì điều này cần đến yếu tố trưởng thành – chính là khả năng tiếp nhận thông tin phản hồi.
Denise biết mình may mắn khi được trao cơ hội lần hai. “Thẳng thắn nhìn nhận thì đa số những nhân viên có kinh nghiệm ra mắt trang web mới đều đã bị sa thải.” Thế nên, Denise bắt tay làm lại từ đầu, lần này cô ưu tiên cho các mối quan hệ song phương. “Tôi bắt đầu cân nhắc xem ai là người quan trọng đối với thành công của Saks.com,” cô lý giải. “Cách tôi tiếp cận các mối quan hệ này không xuất phát từ hướng nó mang lại gì cho tôi, mà tôi có thể làm gì cho người đó. Tôi thuyết phục người đó quan tâm đến hoạt động kinh doanh này bằng cách nào? Tôi không chỉ nói về mình hay về những gì Saks.com cần, mà thật sự là những gì tôi có thể làm cho họ. Điểm mấu chốt trong quá trình gầy dựng các mối quan hệ của tôi là nghĩ về công việc kinh doanh không chỉ từ góc độ của bản thân, mà còn dưới con mắt của người khác, và về những gì Saks.com có thể mang lại cho nhiều khía cạnh khác trong tổ chức – như thu hút thêm nhiều khách hàng đến cửa hiệu và quảng bá về thương hiệu chung.”
Chậm mà chắc, Denise xây dựng các cầu nối. Một trong những thử thách lớn nhất đối với cô là lôi kéo được một quản lý cấp cao vốn không ưa gì lính mới Denise. “Có lẽ bà ấy cho rằng, ‘Một đứa trẻ tuổi xấc láo vừa vào công ty với tấm bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Wharton và đủ mọi ý tưởng thay đổi.’ Bà ấy không tin vào cách làm này, vì vậy bà ra sức phản đối,” Denise nói. Nghe theo lời khuyên của một đồng nghiệp nhiều kinh nghiệm, Denise mời nữ quản lý đó ra ngoài ăn trưa và trao đổi thẳng thắn với bà. “Tôi nói, ‘Mối quan hệ giữa chúng ta có điều gì đó không ổn ngay từ đầu, nên tôi có cảm giác chị không thích tôi và không tôn trọng tôi, và tôi rất lấy làm tiếc vì điều đó. Vậy tôi có thể làm gì để cải thiện mối quan hệ này? Việc chúng ta làm việc tốt với nhau thật sự quan trọng đối với tôi.’ Bà ấy hoàn toàn sửng sốt. Đôi khi trò chuyện thẳng thắn một cách chuyên nghiệp là điều cần làm. Trong vòng một năm, tôi đã xây dựng được những mối quan hệ vững chắc, đến mức trong toàn tổ chức, ở đâu tôi cũng có ‘người nhà’. Tôi và vị quản lý đó trở nên thân thiết hơn nhiều.”
Quá trình nuôi dưỡng những mối quan hệ bền vững – với đồng nghiệp, ban quản lý và đội ngũ của chính cô – đã tạo nên sự khác biệt giữa thất bại và thành công cho Denise. “Tôi có một đội ngũ nhân viên hết sức tuyệt vời mà tôi mất bao nhiêu năm mới xây dựng được,” cô nói. “Làm việc với những con người nhiệt huyết với công việc của mình truyền cho tôi nguồn năng lượng dồi dào.” Chính việc chia sẻ thành công với những người cô quan tâm và học hỏi từ họ đã biến Denise thành một nhà lãnh đạo mạnh mẽ hơn, tự tin hơn. “Một lúc nào đó, tôi bắt đầu nhận ra mình đang tiến bộ hơn trong công việc, và tôi thích đến sở làm,” cô nói. “Tôi còn phải học nhiều thứ lắm, nhưng tôi biết bài học về con người chắc chắn là bài học quan trọng nhất trong sự nghiệp của tôi.”
Ngẫm lại mọi thứ, Denise nói, “Đứa con đầu lòng của tôi là Saks.com và đứa thứ hai chính là con gái của tôi hiện giờ. Tôi không nghĩ con tôi, hay chồng tôi, thấy vui khi nghe tôi nói thế, nhưng đó là sự thật!”
Thiết lập các mối quan hệ
Những người giao thiệp giỏi biết rằng các mối quan hệ sẽ hình thành khi bạn chủ động giúp đỡ người khác, trước khi bạn cần tới sự giúp đỡ của họ. Nhưng nếu bạn không biết mình có thể giúp được gì cho một đồng nghiệp nhiều kinh nghiệm hơn hoặc cấp trên thì sao? Bạn cần dành thời gian tìm hiểu.
Khi người ta nhận được một điều gì đó, họ cảm thấy có trách nhiệm phải đền đáp lại. Điều này đúng với bất kỳ nền văn hóa hay đất nước nào, bởi nhu cầu muốn đền đáp đã ăn sâu vào cung cách cư xử của con người – tổ tiên ta đã sớm học được điều đó khi chia sẻ thức ăn cho người khác lúc dư dả và được người khác trả ơn lúc thiếu thốn. Ngày nay, những món quà tặng kèm đã được chứng minh là những chương trình khuyến mãi hiệu quả mà ai ai cũng áp dụng, từ nhà tiếp thị sản phẩm phát hàng mẫu cho đến huy hiệu của các hội từ thiện. Chúng ta mặc nhiên cảm thấy mình phải cho đi sau khi được nhận.
Bạn có thể tận dụng yếu tố này vì một mục đích tốt đẹp hơn – để khởi đầu mối quan hệ với những người bạn chưa quen biết hoặc chưa biết rõ. Trong trường hợp này, trao đổi thông tin có thể là một cuộc trao đổi sòng phẳng. Một nữ lãnh đạo nổi tiếng từng kể cho chúng tôi nghe về hai ứng cử viên bà nhắm tới để trao trọng trách. Một người gọi điện cho bà và hỏi về công việc một cách trực tiếp. Chủ động như thế cũng tốt. Người còn lại gọi cho bà và bày tỏ rằng cô đã suy nghĩ nhiều về những thử thách trong công việc và viết ra những gì cô nghĩ trên một tờ giấy trắng. Vị lãnh đạo này đọc và thấy chúng có ích. Theo bạn bà sẽ chọn ứng viên nào?
Nếu bạn vẫn thấy ý tưởng cho đi nhận lại còn quá xa lạ thì hãy bắt đầu từng chút một. Thử gửi một bài viết cho một đồng nghiệp mà bạn nghĩ họ sẽ thích. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy đa số mọi người đều vui vẻ khi nhận được tin từ bạn. Và hãy chú ý – thường người ta sẽ phản hồi lại, nhờ đó mà mối quan hệ song phương dễ dàng thiết lập hơn. Họ nói về những gì họ cần, và có thể đó là những gì bạn có thể giúp họ. Những lúc khác, bạn cần tìm hiểu và động não một chút. Hãy bắt đầu bằng việc khám phá về người bạn nhắm đến. Bây giờ, hãy nghĩ về một món quà có giá trị dành cho họ.
Sau đây là danh sách gợi ý:
1. Bí quyết của riêng bạn. Có thể bạn sở hữu những số liệu phân tích cũng như kiến thức hữu ích đối với người bạn muốn xây dựng mối quan hệ. Nếu bạn quan tâm đến việc giúp đỡ một người nhiều kinh nghiệm hơn bạn, hãy nghĩ về những thông tin mà bà ấy có thể cần và cách tốt nhất để mang thông tin đến cho bà. Ví dụ, bạn có thể tải file vào máy mp3, rồi mang cho người đó mượn. Hoặc bạn đọc một quyển sách có nội dung liên quan, rồi gửi tóm lược ý.
2. Mạng lưới các mối quan hệ của bạn. Thường bạn sẽ biết một số tên tuổi có thể giúp đỡ những người bạn muốn kết thân. Thậm chí cho dù họ từng trải hơn bạn, nhưng thể nào bạn cũng biết một ai đó nắm trong tay những gì mà họ cần. Hãy mở danh bạ ra để xem có người nào mà đối tượng của bạn quan tâm hay muốn gặp không.
3. Thông tin hành lang. Đôi khi, điều quan trọng nhất đối với người đó lại là biết mọi người trong công ty nghĩ gì. Một quản lý cấp cao không có điều kiện nghe được nguồn thông tin hành lang như bạn; bà ấy hiếm khi biết được sự thật về những gì đang diễn ra. Hãy góp nhặt những gì bạn nghe được, tổng hợp lại và phản hồi trung thực.
4. Thời gian của bạn. Nó đáng giá hơn bạn tưởng nhiều. Cho dù bạn dùng thời gian của mình để giảm tải công việc cho một đồng nghiệp hoặc giúp người khác làm được nhiều thứ hơn, thì họ cũng sẽ rất trân trọng món quà thời gian của bạn. Hãy bắt đầu bằng việc tình nguyện hỗ trợ một dự án mà đối tượng bạn quan tâm đang đảm nhận.
5. Đôi tai của bạn. Có thể bạn là người biết lắng nghe và đưa ra thông tin phản hồi hữu ích. Một nữ lãnh đạo từng nói với chúng tôi rằng bà quý trọng tính trung thực thẳng thắn – một tố chất hiếm hoi trong doanh nghiệp của bà. Khi chuẩn bị cho một buổi họp quan trọng, bà muốn mọi người nói ra chính xác những gì họ đang nghĩ, miễn là họ đóng góp mang tính xây dựng.
6. Giúp đỡ gia đình họ. Ưu tiên bậc nhất của đa số mọi người chính là gia đình. Hãy nghĩ về những gì bạn có thể làm cho con hoặc vợ/chồng của người mà bạn muốn tiếp cận. Có thể chồng của bà ấy đang quan tâm đến một lĩnh vực mà bạn có nhiều đầu mối liên hệ. Mối quan hệ sẽ được thiết lập dễ dàng nếu bạn trở thành cầu nối.
7. Những câu hỏi của bạn. Biết đặt ra những câu hỏi hay có thể giúp bạn trở thành người cố vấn đắt giá cho ai đó. Làm được điều này không dễ. Bạn phải nghiên cứu để tìm ra loại câu hỏi nào có thể giúp họ suy nghĩ sâu hơn. Dạng câu hỏi “Sẽ ra sao nếu…?” thường có ích vào thời điểm này.
8. Tài xoay sở của bạn. Hãy để cho trí tưởng tượng của mình bay bổng. Bằng cách nào bạn có thể làm quen với đối tượng một cách trơn tru? Có một nữ lãnh đạo đã trở nên thân thiết với một đồng sự cấp thấp hơn khi cô này giúp bà chỉnh sửa cho bài thuyết trình đẹp mắt hơn. Sau khi được giúp đỡ, bà cảm thấy hài lòng và quay sang giúp lại người đã giúp mình.
9. Những đề nghị mở từ phía bạn. Thậm chí nếu bạn chưa nghĩ ra điều gì cụ thể ngay lúc này, hãy cho người ấy biết rằng bạn luôn sẵn lòng giúp họ. Đây cũng là một dạng hình thành mối quan hệ song phương, dẫu cho có điều kiện đi kèm. Bạn đang buộc họ phải suy nghĩ giùm bạn – giao cho bạn một nhiệm vụ – làm cho lời đề nghị của bạn giảm bớt tính hấp dẫn. Chỉ sử dụng cách này khi bạn cạn ý tưởng. Nhưng chẳng có gì sai khi đưa ra một đề nghị như thế cả.
Khả năng kết nối còn cần đến yếu tố tính cách và hòa hợp nữa. Những người hướng ngoại thường hào hứng trong việc gặp gỡ người lạ và có vẻ như họ gặp người này người kia ở bất cứ nơi đâu. Nhưng nếu bạn là người hướng nội, chỉ mới nghĩ đến chuyện lạc vào một nơi không ai quen biết cũng đủ khiến bạn ngán ngẩm. Bước ra ngoài kia khiến bạn cảm thấy bất an và mạo hiểm. Nhưng bạn nên tìm cho mình một lý do thuyết phục để đi gặp những người xa lạ này (vì sự nghiệp, hạnh phúc của bạn), và bạn sẽ sớm nhận thấy mình hòa vào đám đông một cách nhẹ nhàng vui vẻ.
Hãy thường xuyên sử dụng phương pháp này
Dù bạn quan niệm các mối quan hệ song phương là một dạng trao đổi qua lại hay một thứ gì đó ý nghĩa hơn thế, chúng tôi vẫn có niềm tin mạnh mẽ rằng nó là một công cụ không thể thiếu của những nhà lãnh đạo – trên con đường vươn lên dẫn đầu và cả khi họ đang ngồi ở chiếc ghế đó. Bạn có thể không cảm thấy thoải mái lắm trong lần thử đầu tiên. Nhưng hãy nhớ rằng, có biết bao quý ông ngoài kia không ngần ngại tiếp cận và đưa ra lời đề nghị giúp đỡ – với một mục tiêu rõ ràng trong tâm trí là họ sẽ nhận lại điều tương tự vào một ngày không xa trong tương lai. Vì thế, hãy mạnh dạn chủ động và cho phép bản thân mình làm việc này thường xuyên.
Đừng nghĩ về mối quan hệ song phương một cách máy móc: giúp đỡ một ai đó, ngồi chờ, được người ta đền đáp, rồi lặp lại. Hãy nhớ rằng bạn đang trau dồi kỹ năng. Khoảng thời gian giữa cho đi và nhận lại có thể lên đến nhiều năm, vì thế thiết lập mối quan hệ song phương nên trở thành thói quen của bạn. Hãy bắt đầu ngay từ bây giờ.
Cuối cùng, đừng cân đo đong đếm. Không phải ai cũng đáp lại đúng như những gì bạn mong đợi. Đôi khi bạn không bao giờ biết được họ sẽ đáp lại tấm thịnh tình của bạn bằng cách nào. Có những người chỉ biết nhận mà không biết cho; nếu bạn gặp phải một người như thế, hãy bỏ qua và đi tiếp. Đối với những người khác, bạn sẽ tận hưởng cảm giác tốt đẹp khi bạn dang tay giúp đỡ họ. Đó cũng là một món quà vô giá.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.