Cách Người Phụ Nữ Xuất Chúng Lãnh Đạo
CHƯƠNG 16: THÀNH VIÊN CỦA NHÓM
Shirley Tilghman là nhà di truyền phân tử học và là nữ hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học Princeton. Cũng giống như nhiều nữ lãnh đạo khác, bà có người cha và người mẹ tuyệt vời, người luôn nói rằng bà có thể làm tất cả những gì mình muốn. Và điều bà muốn là trở thành một nhà khoa học. Tưởng chừng mọi thứ chỉ dừng ở đó, nhưng Shirley may mắn nhận ra mình có tài kết nối với người khác và trau dồi khả năng đó. Chính điều đó đưa bà vượt ra ngoài căn phòng thí nghiệm và bước vào con đường lãnh đạo.
Những tấm gương người thầy
Mọi người thường hỏi tôi, “Chị biết mình muốn trở thành nhà khoa học từ khi nào?” Và câu trả lời của tôi luôn là, “Có lúc nào mà tôi không muốn điều đó đâu?” Tôi luôn đam mê những con số và những bài toán đố. Tôi nhớ từ khi còn rất nhỏ, mọi người luôn ủng hộ niềm đam mê toán học trong tôi, và chưa một phút nào tôi cho rằng lĩnh vực này không phù hợp với nữ giới. Tôi luôn cảm thấy mình đủ tự tin, và chính cảm giác đó mang đến rất nhiều điều tích cực. Nó khiến bạn cởi mở hơn, thoải mái tiếp cận cái mới và không sợ bị chê cười. Tôi nghĩ mình là một đứa trẻ khá dũng cảm nhờ cảm giác tin tưởng bên trong, và cũng nhờ cha mẹ tôi luôn làm cho tôi tin vào giá trị con người mình.
Nhưng chính một người thầy dạy lịch sử ở trường cấp 3 đã thật sự thay đổi thế giới quan của tôi. Ông là người thầy đầu tiên nhận ra rằng tuy tôi học rất giỏi và là học sinh gương mẫu, nhưng về bản chất, tôi lại chưa mở rộng trí óc ra thế giới đúng với khả năng của mình. Thay vì khen, “Thật là một học sinh giỏi” và “Bài làm tốt lắm” thì thầy lại nói, “Em cần động não nhiều hơn. Em cần thử thách bản thân mình nhiều hơn. Vẫn còn nhiều thứ khác trên thế giới ngoài phạm vi kiến thức em có trong vùng Winnipeg, Manitoba. Và em cần quan tâm đến điều này.” Đó là thời khắc quan trọng. Thầy đã khai sáng tư tưởng cho tôi tại câu lạc bộ lịch sử sau giờ học. Trong một năm, chúng tôi nghiên cứu tất cả các tôn giáo trong vòng bán kính 160 km quanh nơi ở. Năm tiếp theo, chúng tôi tìm hiểu về các thể chế chính trị. Đó quả là một trải nghiệm mở mang đầu óc tuyệt vời, và người thầy đó chính là tấm gương sáng cho tôi.
Tôi đã rất may mắn gặp được nhiều người thầy như thế trong suốt quá trình phấn đấu vươn lên. Vào năm thứ ba tại Đại học Queens vùng Kingston, Ontario, Giáo sư Brock nói với tôi rằng tôi sẽ không bao giờ trở thành một nhà hóa học giỏi! Tôi là một sinh viên giỏi, nhưng ông hiểu rằng về cơ bản, tôi thành công nhờ nỗ lực học tập phi thường chứ không phải vì tôi thật sự đam mê hóa học. Đôi lúc, việc bạn ý thức mình không giỏi trong một lĩnh vực nào đó cũng quan trọng không kém gì việc bạn tìm ra lĩnh vực mình thật sự xuất sắc. Và Giáo sư Brock thật sự quan tâm đến tôi nên mới có thể nói ra những điều khó nói này.
May thay, tôi đã sẵn sàng cho chuyện đó. Tôi đã bắt đầu nghĩ đến một lĩnh vực khoa học khác, ở đó biết đâu tôi đóng góp được nhiều hơn, và dẫu cho cuộc nói chuyện với thầy không dễ dàng gì, nó đã hướng tôi vào ngành sinh học phân tử – lĩnh vực mà tôi có thể tạo sức ảnh hưởng.
Tại sao tôi không phù hợp với ngành hóa học còn sinh học phân tử thì hoàn toàn ngược lại? Khi càng đi sâu vào tìm hiểu về hóa học, tôi thấy nó quá trừu tượng. Đối với nhiều người, hóa học càng bớt cụ thể rõ ràng, họ càng đam mê nghiên cứu; nhưng với tôi thì nó ngày càng khó hiểu. Tôi không còn thích hóa học như tôi từng mê cân bằng những phương trình phản ứng trên giấy. Điều khiến tôi mê mệt sinh học phân tử nằm ở chỗ những câu hỏi bạn đặt ra cho phép bạn hình dung rằng nó có thể mang lại lợi ích cho một ai đó, một ngày nào đó, nếu bạn tìm được câu trả lời.
Kể từ ngày bước chân vào phòng thí nghiệm của người thầy hướng dẫn tôi làm luận án tiến sĩ, thầy xem tôi như một cộng sự. Thầy kỳ vọng tôi nghĩ ra ý tưởng, tranh luận với thầy và đưa ra những giải pháp khác với những gì thầy đề xuất. Cách bạn đối xử với người khác tác động vô cùng to lớn đến cách họ cảm nhận về bản thân mình, và cả hai người thầy này đều đối xử với tôi như một nhà khoa học thực thụ. Kết quả là chính tôi cũng cho rằng mình là một nhà khoa học thực thụ.
Tôi vốn là người trực tính, nhưng ngay cả khi như vậy thì bạn cũng cần có sự động viên khích lệ. Năm đầu tiên học cao học, tôi đến dự hội thảo của người mà sau này trở thành giáo viên trực tiếp hướng dẫn tôi làm luận án tiến sĩ. Tôi giơ tay phát biểu, “Có thể do em không hiểu hết những gì thầy nói, cũng có thể em hiểu sai hoàn toàn, hoặc em nghe không rõ, nhưng…” rồi tôi đưa ra câu hỏi của mình. Tôi còn nhớ thầy Richard Hanson đến bên tôi sau giờ học và nói, “Đừng bao giờ đặt câu hỏi kiểu đó nữa. Không có lý do gì em phải viện cớ biện hộ cho câu hỏi của mình cả.” Hóa ra đó là một câu hỏi hay mà nhiều người khác cũng đang muốn hỏi.
Người đỡ đầu là người mở ra những cánh cửa
Bạn có thể đưa đường dẫn lối cho người khác chỉ đơn giản bằng cách trở thành một tấm gương sáng hoặc một người thầy giỏi. Tuy nhiên, đứng ra đỡ đầu lại là chuyện khác hẳn. Điều này đồng nghĩa với việc bạn giới thiệu học trò mình vào một vị trí nào đó, nhắc đến tên học trò khi mọi người hội ý về danh sách những người có bài phát biểu, đề cử học trò nhận giải thưởng, và nói chung, thúc đẩy sự nghiệp học trò mình. Tôi may mắn được Phil Leader, một con người phi thường, bảo trợ. Trong những ngày khởi nghiệp, tôi nhận được rất nhiều điều tốt đẹp bởi ông đã nói với mọi người về những đóng góp của tôi trong phòng thí nghiệm.
Chính điều này đã xóa đi hình ảnh ta thường nghĩ về những nhà khoa học – những người cô độc suốt ngày vùi đầu trong phòng thí nghiệm tối tăm, mặc áo choàng trắng, túi áo cắm đầy viết, không biết giao tiếp hay kết bè kết bạn. Quan điểm của tôi cũng không có gì xa rời với thực tế. Để thành công trong khoa học, trước hết bạn phải cho ra những thí nghiệm hữu ích. Nhưng việc bạn ra ngoài gặp gỡ, thuyết trình trước công chúng và nói về công việc mình làm cũng cực kỳ quan trọng, chứ không chỉ xuất bản những bản báo cáo nghiên cứu trên giấy khô khan. Ban đầu, đó là việc hết sức khó khăn, vất vả. Bạn phải tham dự các cuộc họp mà bạn chẳng biết ai, và cũng chẳng ai biết bạn. Bạn phải gợi chuyện. Đó là kỹ năng và cũng là tính cách mà bạn phải rèn giũa, bởi khoa học sẽ được lan tỏa khi bạn thảo luận rộng rãi về nó. Và trong những buổi gặp gỡ không thoải mái đó, bạn còn thu nhặt được vô số thông tin mới. Khoa học trong mắt tôi rõ ràng là một hoạt động xã hội.
Tôi vẫn còn nhớ thời gian đầu tham gia các buổi họp ấy, tôi phải buộc mình ngồi cạnh người lạ và tự giới thiệu mình, giải thích những gì mình làm rồi đặt câu hỏi. Khi bạn bước vào một cộng đồng mới mà ở nơi đó, bạn phải chứng tỏ bản thân, thì bạn cần chút lòng dũng cảm, nhưng vào cuối buổi nói chuyện ấy, bạn thường tự nhủ, “Hóa ra mọi thứ cũng dễ dàng. Sao mình lại nghĩ mọi chuyện khó khăn đến thế nhỉ?”
Khi các cơ hội hé lộ, điều quan trọng là bạn phải biết nắm bắt, và tôi thật sự biết ơn những người đã đỡ đầu mình, bởi chính họ đã mở ra những cách cửa ấy cho tôi. Khoảng thời kỳ đầu của sự nghiệp, tôi được gọi vào làm việc trong phòng nghiên cứu thuộc Viện Sức khỏe Quốc gia. Đây chính là ban xem xét cấp kinh phí nghiên cứu. Thời điểm ấy là đầu những năm 1980, khi các cơ quan nhà nước quản lý khoa học yêu cầu chúng tôi phải tuyển thêm nữ giới vào làm. Nếu tôi là đàn ông, hẳn tôi đã không được gọi. Vì thế tôi đứng trước hai lựa chọn: Có nên từ chối không, bởi lý do duy nhất họ quan tâm là giới tính của tôi? Hay cứ gật đầu đồng ý, bởi nếu tôi vào ban quản lý và làm việc tốt, biết đâu họ sẽ nghĩ về phụ nữ như những chuyên gia xét duyệt tuyệt vời chứ không chỉ để đáp ứng số lượng yêu cầu nữa. Tôi chấp nhận lời đề nghị và cuối cùng nhậm chức trưởng phòng nghiên cứu. Dĩ nhiên là thời gian đầu tôi căng thẳng lắm. Nhưng có rất nhiều người mà tôi ngưỡng mộ luôn kề vai sát cánh cùng tôi.
Một thời gian sau, nhà khoa học lừng danh Bruce Alberts hỏi tôi có muốn tham gia vào ủy ban Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia để tìm hiểu về khả năng sắp xếp bộ gien con người hay không. Đây chính là nơi hội tụ những nhà khoa học đoạt giải Nobel, những công trình nghiên cứu gien vĩ đại nhất thế kỷ 20, và tôi là người phụ nữ duy nhất trong số các thành viên của ủy ban, và chắc chắn cũng là người trẻ tuổi nhất. Đồng thời tôi cũng hiểu rõ lý do vì sao họ gọi mình gia nhập.
Phần lớn những gì chúng tôi thực hiện đều đòi hỏi những đánh giá mang tính khoa học, và nói cho cùng thì đó là lúc quyết định có nên đổ hàng tỷ đô-la vào công trình nghiên cứu sắp xếp bộ gien con người hay không. Tôi yêu ủy ban này; đây là một trong những công việc kích thích khả năng tư duy nhất mà tôi từng làm. Và tôi học được nhiều thứ trong quá trình quan sát Bruce lãnh đạo ủy ban. Ông biết cách dẫn dắt chúng tôi giải quyết mọi mâu thuẫn. Sắp xếp bộ gien là một vấn đề gây nhiều tranh cãi, mà nhóm chúng tôi thì chẳng ai hiền lành gì, và quan điểm của chúng tôi cũng không thống nhất từ lúc đầu. Rất nhiều cuộc tranh luận gay gắt nổ ra, và một trong số các thành viên đã rút lui vì bất đồng. Nhưng cuối cùng thì chúng tôi đã khởi động được Dự án Bộ gien Con người.
Sau đó, tôi nhận ra mình càng ngày càng lún sâu hơn vào các thể chế, quy định của Washington, thường là do Bruce luôn đòi hỏi tôi làm thứ này thứ kia không biết mệt. Tôi nghĩ đó chính là điểm khởi đầu đưa tôi đến công việc hiện tại.
Lãnh đạo thông qua người khác
Tôi may mắn vì trong suốt cuộc đời tôi được làm những gì mình thích, và thứ tôi yêu thích chính là khoa học. Tôi sẽ không thay đổi điều gì về niềm đam mê này, có chăng thì một vài thất bại, nhưng quyết định trở thành một nhà khoa học sẽ chẳng bao giờ thay đổi.
Lý do tôi trở thành hiệu trưởng trường đại học chính là nhờ quyết định tham gia vào ủy ban nghiên cứu nhằm tìm kiếm hậu duệ của Harold Shapiro. Khoảng bốn tháng sau khi tôi gia nhập, vị chủ tịch hỏi tôi có sẵn lòng từ bỏ công việc ở ủy ban và trở thành ứng cử viên cho công việc mới không. Đây có lẽ là bất ngờ lớn nhất đời tôi. Thành thật mà nói, tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện gì khác ngoài mong muốn chúng tôi có một vị hiệu trưởng ủng hộ những môn khoa học về đời sống.
Tôi là vị hiệu trưởng đầu tiên trong lịch sử đương đại không sở hữu tấm bằng Đại học Princeton, nhưng tôi cho rằng vị chủ tịch ủy ban nhìn thấy nơi tôi nỗ lực cống hiến sâu sắc. Chúng tôi nói về Princeton cùng những cái hay cái dở của nó. Và có lẽ qua cách tôi bày tỏ suy nghĩ mà vị chủ tịch nhìn thấy ở tôi một con người không những hiểu rõ về trường Princeton – hóa ra là tôi không hiểu rõ lắm – và còn là người không nhìn ngôi trường đó qua lăng kính màu hồng. Tôi nghĩ ông nhận ra tôi có thể nhìn thấy nhiều điều cần phải làm.
Một trong những ủy viên quản trị từng mô tả tôi là người có khả năng hình dung chính mình ở trong vị trí của người khác. Tôi thì cho rằng mình là người biết cảm thông và đó là yếu tố hết sức quan trọng để lãnh đạo Princeton, nơi luôn cho ta cảm giác là nhà. Một điều quan trọng khác là sự tôn trọng và niềm tự hào về những gì chúng tôi đang làm. Tôi thức dậy mỗi sáng với cảm giác như thể điều mình đang thực hiện thật sự quan trọng. Tôi tự hào về tổ chức này và mong nó luôn làm những điều đúng đắn. Tôi còn hết sức tôn trọng những ý tưởng, quá trình mở mang trí óc, cả quyền tự do bày tỏ chính kiến mà các trường đại học mang lại. Và tiếp theo là cảm giác vui thích khi được làm điều mình đam mê. Tôi không thể tưởng tượng sẽ như thế nào khi làm một công việc mà bạn chỉ chờ cho hết giờ làm và thật sự không quan tâm đến những chuyện khác.
Khi cần, tôi có thể trở nên vô cùng quyết đoán và ra quyết định, sẵn sàng sống với hệ quả đi kèm, dẫu cho đôi lúc cũng rất đau thương. Tôi sẵn lòng làm điều đó, với hy vọng nó gắn liền với sự thấu hiểu cảm giác của người sau cùng đón nhận quyết định khó khăn đó.
Vai trò của tôi phải gánh vô vàn trách nhiệm. Tôi cảm nhận sâu sắc điều đó, hầu như mỗi ngày, khi tôi phải ra những quyết định ảnh hưởng đến toàn trường. Đây là một tổ chức tuyệt vời mà tôi yêu thương, và ý nghĩ về một việc không hay xảy đến dưới sự quản lý của tôi thật là kinh khủng. Mặt khác, nếu bạn không dám mạo hiểm, tổ chức của bạn sẽ chẳng bao giờ tiến được bước nào. Thế nên, bạn phải cân đo đong đếm giữa cái lợi và cái hại trong mỗi quyết định và nỗ lực lựa chọn con đường vừa thúc đẩy sứ mệnh của trường, vừa giảm thiểu rủi ro ảnh hưởng đến danh tiếng của trường, của sinh viên hoặc các phòng ban và nhân viên trong trường. Kêu gọi người khác cùng tham gia vào quá trình cân nhắc có thể cực kỳ hữu ích, và đôi lúc lại rất cần thiết.
Hai năm trước, chúng tôi đối diện với một lựa chọn mạo hiểm là bỏ bớt kỳ tuyển sinh sớm. Đầu những năm 1990, cũng giống như hầu hết các trường đào tạo cao học khác, chúng tôi đưa ra hệ thống hai kỳ tuyển sinh trong năm – mùa thu và mùa xuân. Quy trình tuyển sinh sớm nhắm đến các đối tượng đã xác định rõ mình sẽ học trường nào từ rất sớm. Thế nhưng hệ thống ấy biến tướng thành một thứ khác hẳn, các sinh viên đăng ký phần đông là những người có sẵn nhiều lợi thế. Các nhà tư vấn hướng nghiệp giỏi đã phát hiện ra rằng cơ hội được chấp nhận vào học theo hình thức tuyển sinh sớm cao hơn cơ hội được xét hồ sơ nhập học theo chế độ thông thường, và kết quả là chúng tôi có hai nhóm đối tượng sinh viên nhập học khác nhau, và chúng tôi vô tình làm gia tăng lợi thế cho những sinh viên vốn đã có hoàn cảnh thuận lợi.
Thế nên, khoảng 5 năm trước, chúng tôi bắt đầu suy nghĩ về việc bỏ hình thức đăng ký học sớm, bởi nó có vẻ bất công. Khi chúng tôi quyết định tiến hành, chỉ có một trường đại học khác thực hiện việc tương tự, đó làHarvard, vào khoảng một tuần trước chúng tôi. Đây là một quyết định mạo hiểm bởi rõ ràng nó ảnh hưởng đến khả năng thu hút sinh viên giỏi của trường. Chúng tôi thực hiện quyết định dựa trên rất nhiều số liệu, và bởi biết quyết định này vô cùng mạo hiểm nên chúng tôi đã đi tìm kiếm sự hỗ trợ từ Hội đồng Ủy viên Quản trị của trường. Chúng tôi đã có 3 giờ đồng hồ cùng nhau bàn bạc hiệu quả.
Khía cạnh quan trọng nhất trong quyết định cụ thể này chính là kết nối một nhóm người phù hợp với nhau và thúc đẩy lối tư duy của họ. Hành động này phải tính đến vị chủ nhiệm ban tuyển sinh, bởi chúng tôi không thể thực hiện một quyết định quan trọng nếu không được bà ủng hộ. Thêm nữa, vị chủ nhiệm quản lý sinh viên và các vị quản lý hành chính đã làm việc nhiều năm tại trường cũng phải đồng thuận. Nói ngắn gọn, chúng tôi cần sự đồng tâm hiệp sức.
Tôi ghét sự quy chụp, nhưng khi quan sát các nam nữ lãnh đạo, có vẻ như phụ nữ thích thuyết phục tất cả mọi người cùng tham gia. Trong trường hợp này, không có quá nhiều tiếng nói phản đối mạnh mẽ là một điều may mắn. Tất cả chúng ta đều cực kỳ quan tâm đến việc duy trì một sân chơi công bằng, và tôi cho rằng điều này không đòi hỏi quá nhiều tính kiên nhẫn như thử nghiệm các ý tưởng, hết lần này đến lần khác, với ngày càng nhiều người hơn, và lắng nghe quan điểm của họ, suy nghĩ xem liệu có cách nào giải quyết mọi vấn đề và rủi ro.
Đỡ đầu cho những nhà lãnh đạo tương lai
Một trong những điều quan trọng nhất các lãnh đạo có thể làm chính là giao trách nhiệm cho phụ nữ ngay từ sớm, cho phép họ có cơ hội phát huy tiềm năng bản thân. Phụ nữ khi nghĩ đến vai trò lãnh đạo thường ít tự tin hơn đàn ông một chút. Vì thế, nếu bạn cho họ cơ hội chứng tỏ khả năng sớm hơn, bạn sẽ gieo mầm lãnh đạo hiệu quả hơn là khi bạn bắt họ đứng cùng vạch xuất phát với nam giới. Quan trọng là bạn phải thuyết phục họ tin rằng họ có khả năng thành công, đồng thời khiến những người khác trong tổ chức cũng tin vào điều đó. Chúng tôi phát hiện ra rằng ngay cả khi phụ nữ đã sẵn sàng thì họ cũng không nhận ra, thế nên họ tự khiến mình chùn bước.
Tôi cảm thấy may mắn vì sớm được trao tay cơ hội và có được sự hỗ trợ tuyệt vời từ nhiều người, nhưng không phải mọi nữ khoa học gia đều tốt số như thế. Tôi biết còn vô vàn nhà khoa học nữ xuất chúng khác phải luôn tranh đấu cho từng thành tựu; họ bị những người cố vấn, vốn không đóng vai trò gì khác hơn là một người cố vấn, kiềm hãm tài năng – những người không muốn công nhận thành công của họ. Thế giới ngoài kia thật khắc nghiệt.
Vì thế, nếu bạn thật tâm muốn nhìn thấy phụ nữ dẫn đầu trong tổ chức của mình, bạn cần làm mọi việc khác đi một chút, nhưng vẫn tôn trọng nam giới và nữ giới. Trước tiên, với vai trò người tiền nhiệm, tôi cho rằng phụ nữ chúng ta đã thành công tại Princeton và vươn đến những vị trí lãnh đạo cao cấp nhất. Chúng tôi đang mang đến cho thế giới nhiều nữ lãnh đạo tài giỏi, và tôi rất đỗi tự hào về điều đó.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.