Cách Người Phụ Nữ Xuất Chúng Lãnh Đạo
PHẦN BỐN: THỰC HIỆN – CHƯƠNG 17: VƯỢT QUA RÀO CẢN
Năm tôi học cấp ba, cái thời mà cứ 27 cô gái mới có 1 cô chơi thể thao, tôi đã muốn tham gia vào đội quần vợt. Trường chỉ có một đội quần vợt dành cho nam nên tôi phải bày tỏ nguyện vọng với huấn luyện viên. Cứ ngỡ thầy sẽ lên cơn đau tim, nhưng thầy nói, “Nếu em muốn, tôi sẽ để em thử.” Tôi phải thi đấu tay đôi với một anh chàng mà tôi rất thích. Kết quả là tôi thắng, và huấn luyện viên cho tôi gia nhập đội. Giờ đây nghĩ lại, nếu lần ấy không được chấp nhận, liệu tôi có quay lại thử lần nữa không? Chắc chắn tôi sẽ quay lại.
Donna Orender, Chủ tịch Hiệp hội Bóng rổ Nữ Quốc gia Hoa Kỳ Thực hiện là lúc bạn kết hợp tất cả lại với nhau – khi bạn lựa chọn chuyển từ góc độ đứng nhìn mọi chuyện diễn ra thành người khiến cho mọi thứ xảy ra. Theo đúng nghĩa đen là phá vỡ những rào cản đang giới hạn sự nghiệp và cuộc đời bạn. Quyết tâm làm điều này sẽ là một trong những điều tuyệt vời nhất mà bạn từng làm cho chính bản thân mình. Nó đòi hỏi lòng dũng cảm. Bạn phải không ngại tranh đấu vì những gì mình muốn, thậm chí bạn có thể phải chống lại tính ì và nỗi sợ hãi của bản thân. Nó sẽ giải phóng nguồn năng lượng to lớn đến khó tin. Ta hãy cùng nhau hành động. Thực hiện có nghĩa là: lên tiếng để được chú ý, chịu trách nhiệm cho sự phát triển bản thân, lựa chọn những cơ hội đi kèm với rủi ro, và đối diện với những nỗi sợ thâm căn cố đế trong bạn. Và giờ đây nó là một nhiệm vụ khó khăn, thế nên một khi đã bắt tay vào thực hiện, bạn sẽ không thể quay lại.
Trong số các nữ lãnh đạo chúng tôi biết mà, những người mà cuộc đời họ thay đổi khi nắm lấy cơ hội vượt qua rào cản có Nữ hiệp sĩ Stella Rimington, nữ tổng giám đốc đầu tiên của Sở Mật vụ Vương quốc Anh (MI-
5). Khi đến tuổi trưởng thành vào khoảng những năm 1960, Stella gia nhập một lĩnh vực chuyên môn không chào đón phụ nữ. Công việc đầu tiên của bà là lưu trữ văn thư, sắp xếp hồ sơ quản lý các vùng trong hạt để các sử gia dùng đến khi cần.
Khi bà lập gia đình và chồng bà được cắt cử công tác tại Ấn Độ, bà chấp nhận đóng lại cánh cửa hiện tại, chỉ để mở ra một cánh cửa khác. “Tôi bỏ hết mọi thứ để theo chồng trong vai trò phu nhân của nhà ngoại giao,” bà nhớ lại. “Nhưng rất tình cờ, tôi được tuyển vào MI-5 tại một bữa tiệc rượu cocktail. Tôi gia nhập vào thời điểm cao trào của cuộc Chiến Tranh Lạnh, và Ấn Độ nằm ở tiền tuyến, bởi nó là nơi giao nhau của Đông Tây. Khắp nơi đều có gián điệp, và bạn thật sự có cảm giác sống ngay trong lòng một thế giới đầy bí ẩn. Thế là tôi gia nhập, và nhủ thầm, ‘Trời ạ, cũng vui đấy chứ’ – giống y hệt phim James Bond, tôi cho là thế.”
Hóa ra Stella đảm nhận nhiệm vụ khá tốt. Suốt 27 năm làm việc trong tổ chức, bà là một trong những phụ nữ đầu tiên vươn lên từ vị trí thư ký, rồi chuyên viên phân tích, rồi giám sát viên, cho đến khi đứng vào hàng lãnh đạo. “Một khi bạn hoàn thành một điều gì đó, mọi người cho rằng bạn có khuynh hướng thay đổi,” bà chỉ ra vấn đề. “Thay vì nghĩ rằng, ‘Cô ta là đàn bà, không làm được gì đâu,’ thì họ nghĩ rằng, ‘Chờ chút, cô ấy vừa làm được chuyện đó. Có thể ta để cô ấy làm thêm việc này xem sao.’ ”
Sự nghiệp xuất chúng
Mặc dù là một đứa trẻ lớn lên trong thời loạn lạc ở Anh, Stella sớm tìm được tiếng nói cá nhân. “Tôi quyết tâm làm một điều gì đó. Tôi muốn sống một cuộc đời thú vị. Mọi người từng hỏi tôi, ‘Con muốn làm gì khi lớn lên?’ Tôi đáp, ‘Con muốn trở thành phi công lái máy bay.’ Vào thời điểm đó, phụ nữ không được làm công việc này, nhưng tôi vẫn nghĩ, ‘Công việc nghe hay đấy chứ, và mình muốn thử.’ ”
Muốn bắt tay vào thực hiện, bạn cần tìm được tiếng nói riêng – theo đúng nghĩa đen. Một số phụ nữ làm chuyện đó dễ dàng, nhưng với nhiều người, nói ra chính kiến của mình mới khó làm sao. Nhưng nếu bạn muốn lãnh đạo, bạn phải được lắng nghe. Bạn phải cho người khác thấy sự hiện diện của mình. Bạn phải thể hiện bản thân, để người ta thấy cách bạn suy nghĩ, cách bạn tương tác dưới áp lực. Một đề nghị khó khăn cho bạn đây: hãy bắt đầu ngay từ hôm nay. Càng chờ đợi lâu, bạn càng khó nói ra điều mình muốn – và người ta càng dễ bỏ quên bạn.
Một nữ lãnh đạo lâu năm trong ngành đầu tư từng chia sẻ với chúng tôi bà đã học cách phát biểu như thế nào. “Mỗi thứ hai, chúng tôi có cuộc họp ban điều hành. Lúc đầu tôi chỉ biết ngồi nghe. Tôi học hỏi từ những nam đồng nghiệp bởi tất cả đều có mặt trong buổi họp đó. Một thời gian sau tôi bắt đầu phát biểu. Bạn không muốn nói điều gì ngu xuẩn, nhưng bạn đã hoàn thành công việc, và bạn phải nói về điều đó!” Bí quyết của bà là gì? Luyện tập. Bà bắt đầu bằng cách kể ra những phân tích mình đã thực hiện. Bà quan sát những người mình chọn làm hình mẫu rồi mô phỏng theo. Dần dần mọi người quay sang chờ đợi bà đưa ra ý kiến.
Stella làm từng bước một. Khi quay về Anh vào những năm 1970, Stella tiếp tục làm việc sau thời gian nghỉ sinh con, nhưng chỉ là công việc văn phòng. “Trên lý thuyết thì phụ nữ phù hợp với công việc giấy tờ và vài vụ phân tích thông tin tình báo,” bà kể. “Nhiệm vụ đó rất quan trọng, nhưng không phải là công tác tình báo mũi nhọn. Nó không đòi hỏi bạn phải ra ngoài, tuyển dụng nhân lực và quản lý họ. Tôi thấy như bị nhốt trong một căn phòng kiếng bao bọc tứ phía.”
Vì thế Stella và một số nữ đồng nghiệp khác lên tiếng. “Chúng tôi, nữ giới – lúc đó cũng có vài người – tập hợp nhau lại và nói, ‘Tại sao chúng tôi có một con đường sự nghiệp khác hẳn nam giới, trong khi họ có khác gì chúng tôi đâu?’ Lần đầu tiên, những nhà lãnh đạo phải gãi đầu gãi tai để tìm câu trả lời. Tình thế của họ càng tồi tệ hơn vì khi ấy bản pháp chế chống phân biệt giới tính vừa được thông qua.” Stella nhớ lại, “Cuối cùng, họ quyết định phải thăng chức cho một số phụ nữ. Dĩ nhiên, những phụ nữ đó đều hoàn thành công việc của họ rất tốt. Giờ đây, phụ nữ còn tài giỏi trong những lĩnh vực hiểm nguy nhất.”
Bạn cũng có thể học cách nêu lên chính kiến của mình. Bạn phải biết mình muốn gì. Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết bí quyết thành công thường chỉ là đặt câu hỏi. Những định kiến của bạn có thể giới hạn định nghĩa về những gì bạn có thể làm được. Chỉ vì sợ người khác chê bai mà nhiều người không dám hỏi. Đôi khi ta lại sợ mình chưa sẵn sàng. Có thể một vài người trong chúng ta lại sợ chiến thắng. Nhưng tại sao bạn không nói lên ý kiến của mình, người ngoài đâu biết bạn muốn gì. Thậm chí tệ hơn nữa, họ tưởng bạn không thích hoặc không đủ khả năng. Vì thế hãy biết ước mơ, và đi tìm tiếng nói của bản thân.
Đối với trường hợp của Stella, chính việc đặt câu hỏi đã đưa bà đứng trước ngưỡng cửa mới, nhưng bà vẫn phải chứng minh mình làm được “việc của đàn ông” trong ngành. Bà phải vượt qua bài kiểm tra thực tế – chuẩn mực đặt ra cho các nam đặc vụ – là bước vào một quán rượu, tiếp cận bất kỳ đối tượng lạ mặt nào, và moi thông tin càng nhiều càng tốt. Rồi phải duy trì thái độ bình thản khi có một viên chức cấp cao hơn bước vào và lật tẩy danh tính của bà. “Đó là một bài tập vô cùng bất lợi cho người như tôi vì quán rượu được chọn là một nơi bầy hầy hết sức, gần ga Victoria, toàn đàn ông, và rõ ràng là thành phần bất hảo.” Stella nhớ lại và cười lớn. “Họ đứng dựa vào quầy bar, nốc từng vại bia lớn dưới lớp áo mưa cáu bẩn. Tôi bắt đầu tán chuyện với một gã mà ắt hẳn gã nghĩ nghề của tôi là một thứ gì khác!” Trước khi vị viên chức bước vào quán, Stella còn nhớ, “Tôi thấy lúng túng hết sức. Sự thật là trong những tình huống như thế tôi tự hỏi liệu đây có phải là công việc mình thật sự muốn theo đuổi hay không.”
Đi tìm tiếng nói riêng không chỉ đơn thuần là nói. Học cách bày tỏ chính kiến và chuyển tải thông điệp của mình là một hình thức giải quyết vấn đề, và cũng như các hành động giải quyết vấn đề khác, bạn cần chuẩn bị kỹ càng. Hãy dành thời gian tìm hiểu thông tin và cân nhắc những gì bạn muốn truyền tải. Hãy rõ ràng, cụ thể. Bạn sẽ dễ dàng thành công hơn khi bạn suy nghĩ thấu đáo hết mọi tình huống, hình dung ra những gì có thể xảy ra trong cuộc thảo luận, và lên kế hoạch vượt qua mọi rào cản.
Đó là tương lai của bạn
Không có gì sánh được với cảm giác bạn chủ động và mạnh dạn nói lên chính kiến, nắm bắt cơ hội và đương đầu với rủi ro phía trước. Khi bạn thấy mình kiểm soát được mọi chuyện, sự quyết tâm và nguồn năng lượng của bạn sẽ tăng đột biến. Chưa hết, bạn sẽ ít bực bội khi nhận phản hồi tiêu cực hoặc bị gạt sang một bên.
Quyền tự chủ còn là tiền thân của thành công, vì thế đừng ngồi yên chờ mình là người được chọn. Tìm cách tạo ra những cơ hội mới. Bằng cách nào? Stella có một quy luật đơn giản giúp bà đi đúng theo con đường mình chọn: “Tôi không thích làm việc cho những người tôi nghĩ là kém năng lực hơn tôi,” bà giải thích. “Đó có lẽ là động lực thúc đẩy tôi, dù chưa bao giờ tôi mang tham vọng dẫn đầu, nhưng tôi luôn muốn bắt tay vào công việc tiếp theo cao hơn một bậc, bởi tôi thấy chưa có ai làm việc đó đồng thời tôi nghĩ mình có khả năng làm được.” Đó chính là khẳng định quyền tự chủ.
Sau hai năm nắm vị trí giám đốc cơ quan phản gián, Stella được đề nghị chuyển sang bộ phận chống khủng bố. “Tôi nghĩ cấp trên cũng có chút ngập ngừng khi đề xuất vì ông biết đó không phải là lĩnh vực chuyên môn của tôi,” bà nói. “Nhưng tôi hoàn toàn không chút ngần ngại khi trả lời, ‘Vâng, tôi rất vui khi nhận nhiệm vụ này.’ Nếu có ai đó đề nghị tôi làm những chuyện mới mẻ, thú vị, tôi sẽ không chùn bước. Tôi không có tư tưởng sợ thất bại, mà là, ‘Nếu có người bảo tôi làm một việc nào đó – họ biết tôi, họ biết về công việc đó – nếu họ nghĩ tôi có thể làm được, vậy thì chắc chắn là tôi sẽ làm được.’ Rõ ràng, vào thời khắc đen tối, cô đơn nhất bạn sẽ tự nhủ, ‘Trời ơi, tôi đã làm gì thế này?’ Nhưng chẳng bao giờ có chuyện tôi nói với mình ‘Mình không nghĩ mình có thể làm được.’ ”
Khoảng cuối những năm 1980, MI-5 chạm trán với quân đội Cộng hòa Ireland. Cuộc chiến bùng nổ do Ireland dùng các thủ đoạn khủng bố buộc người Anh ra khỏi miền Bắc Ireland. Chiến dịch bao gồm đánh bom thủ phủ Luân Đôn và tấn công lính Anh đang đóng quân tại Đức. Công việc trở nên hết sức thử thách, Stella nhớ lại. “Khoảng ba ngày sau khi tôi được bổ nhiệm, chuyến bay Pan Am 103 bị rơi do bom phát nổ khi đang bay qua vùng trời Lockerbie thuộc Scotland. Tôi chưa từng có kinh nghiệm đối phó với khủng bố. Một trong những vấn đề nan giải nhất tôi nghĩ đến khi ấy là ‘Giờ mình phải làm gì đây?’ Rồi tôi nhận ra rằng nhiệm vụ của mình là đảm bảo mặt trận được trang bị đầy đủ kỹ năng nguồn lực họ cần và chuẩn bị mọi tình huống đối phó trong cuộc chiến. Nếu có bất kỳ sai lầm nào, tôi sẽ đứng ra nhận khiển trách và giải trình trước các bộ trưởng và thủ tướng chính phủ. Tôi cảm thấy khá hoảng sợ, nhưng cũng cực kỳ hào hứng và mãn nguyện khi mọi chuyện được giải quyết ổn thỏa.”
Rõ ràng, Stella là tấm gương sáng, thậm chí cả khi bạn không có ý định trở thành một mật vụ như bà. Hãy nghĩ đến cột mốc tiếp theo trong sự nghiệp của bạn. Bạn có biết mình phải làm gì để đạt được nó không? Bạn có tin rằng việc đạt được nó nằm trong khả năng kiểm soát của bạn không? Bạn sẽ làm gì để đạt được mục tiêu đó? Nếu bạn trả lời: ‘Tôi không biết,’ ‘Tôi bị ông nọ/bà kia/những người này cản trở,’ ‘Không chắc lắm,’ ‘Tôi không thể làm được gì nhiều để biến nó thành hiện thực,’ thì chúng tôi sẽ chỉ cho bạn một số chiêu để dẹp hết mọi ngại ngần và đương đầu với thử thách.
Rủi ro luôn đi cùng cơ hội
Cuối cùng thì như câu chuyện của Stella đã cho ta thấy, bắt tay vào thực hiện chính là đón nhận rủi ro và cả nỗi lo sợ thường lẩn khuất bên trong. Chọn cách đi theo khát vọng của mình thường không mang lại cảm giác an toàn. Những nữ lãnh đạo chúng tôi phỏng vấn xem đó là yếu tố không thể thiếu. Một số không cảm thấy sợ; họ sinh ra đã có (hoặc tự phát triển) sự tự tin và lòng dũng cảm để dấn thân; số khác thận trọng hơn, họ phân tích rủi ro, ra quyết định và tiến hành thực hiện.
Không hề dễ dàng gì! Stella nhớ lại, “Nếu mọi thứ quá dễ dàng và suôn sẻ, tôi nghĩ cuối cùng bạn sẽ không có đủ sự cứng rắn và nghị lực cần thiết nếu ở vào vị trí lãnh đạo cấp cao.” Khi Stella đảm nhận vai trò lãnh đạo MI-5, bà phải chấp nhận một rủi ro cá nhân chưa từng xảy ra trước đây: Lần đầu tiên, chính phủ công bố danh tính giám đốc sở mật vụ. Ngay lập tức, giới săn tin khắp nước Anh đổ về nơi bà sống, và khi họ tìm đến nơi, cả nhà phải chuyển chỗ ở ngay trong đêm.
“Đó là thời khắc tôi thấy mình mâu thuẫn nhất, bởi tôi vẫn còn đứa con gái nhỏ ở nhà,” Stella bày tỏ. “Nó chưa bao giờ nói với bạn bè về công việc của tôi. Và rồi người ta hỏi nó, ‘Mẹ của cháu đó ư? Hay thật!’ Khi chúng tôi phải sống trong bí mật, thư từ không được gửi đích danh đến nhà. Con gái tôi phải tìm hiểu xem đứa bạn nào có thể tin tưởng được để giao du. Thật là quãng thời gian khó chịu.”
Hãy cùng thẳng thắn nhìn nhận: Sự nghiệp – và cuộc sống – được xây dựng dựa trên những quyết định mang tính rủi ro. Một cách khác là làm theo những gì người khác trông đợi. Nếu đó là những điều thật sự phù hợp với bạn, dựa trên những thế mạnh và đam mê của bạn, mang đến ý nghĩa cuộc sống cho bạn thì cũng tốt thôi. Nhưng nếu không thì sao? Đó lại là một rủi ro lớn hơn nhiều. Nhà tâm lý học Đại học Harvard, Daniel Gilbert, tác giả quyển Stumbling on Happiness (Ngã Vào Hạnh Phúc), đã nghiên cứu khả năng đặc biệt của bộ não con người là hình dung ra những gì có thể xảy đến trong các tình huống cụ thể và mường tượng về tương lai. Chúng ta thường có xu hướng thổi phồng cảm xúc tiêu cực gắn liền với những tình huống xấu trong tương lai, và nó khiến ta không còn ham thích những điều mới mẻ nữa. Gilbert nhận ra rằng con người chúng ta, những ai lựa chọn và có ý thức về rủi ro sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn, ngay cả trong những hoàn cảnh không mong muốn. Nếu bạn cảm thấy sự thay đổi mà bạn nhắm đến ẩn chứa rủi ro quá lớn, hãy tự hỏi mình xem điều xấu nhất có thể xảy ra là gì. Sau đó tưởng tượng mình gặp thất bại, rồi suy nghĩ xem mình sẽ giải quyết nó bằng cách nào.
Stella là minh chứng sống cho thấy nếu có định hướng rõ ràng và tin vào khả năng của mình, bạn có thể hạn chế được rủi ro. Một trong những cách hiệu quả nhất để giảm nhẹ rủi ro chính là trau dồi kỹ năng chuyên môn trong lĩnh vực bạn chọn. Khi bắt đầu trong một tổ chức mà kinh nghiệm và khả năng chuyên môn nắm phần quyết định, thì mức độ rủi ro đi kèm với vai trò mới hoặc khi phải gánh vác thêm trách nhiệm sẽ giảm xuống.
Và như Stella đã nhận thức từ sớm, phụ nữ có thêm một lợi thế bẩm sinh giúp họ giảm được rủi ro: đó là khả năng cùng nhau ra quyết định. “Một trong những thứ tôi nhận ra đầu tiên khi trở thành giám đốc đó là: bạn cần có nhiều đồng sự quanh mình, những người không giống bạn, không e dè bạn – họ sẽ cho bạn lời khuyên mà không e sợ hoặc cả nể,” Stella nói. “Tôi cho rằng mình không phải là người có thể một mình đưa ra quyết định đúng đắn. Có quá nhiều người làm kinh doanh theo kiểu ra lệnh và kiểm soát. Các sếp thường nghĩ: ‘Tôi biết câu trả lời là gì, và tôi biết đây là điều chúng ta phải làm.’ ”
Stella tin rằng lý tưởng nhất là mọi người thẳng thắn chia sẻ quan điểm đối lập nhưng vẫn là một đội ngũ đoàn kết. “Bạn hãy chọn những đồng sự cho mình – không phải những người chỉ biết ‘dạ, vâng’ mà là một nhóm người ý thức được tầm quan trọng của việc tiến về phía trước và tìm được tiếng nói chung,” bà khuyên. “Hãy lãnh đạo đội ngũ ấy theo cách mà ai ai cũng thấy mình có cơ hội được phát biểu ý kiến. Rồi sẽ chẳng còn ai cần đến việc phải ngồi xuống họp để thuyết phục nhau đây là quyết định đúng đắn. Kỹ năng này bạn cần phải học.”
Còn nhiều lý do khiến bạn chưa dám dấn thân – phương pháp giáo dục, thói quen, cảm giác không thích đối đầu, nghi ngờ bản thân – và nhiều nhiều nữa. Nhưng chọn cách không bắt tay vào thực hiện chẳng khác nào để tảng đá lớn chắn ngang con đường bạn đi. Cuộc chơi không công bằng đã đủ thử thách lắm rồi; bạn không cần thêm bất kỳ vật cản nào khác.
Và khi thật sự dấn thân, bạn sẽ cảm nhận một ngọn lửa nhen nhóm trong mình. Đừng ngần ngại, hãy thổi bùng ngọn lửa ấy lên.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.