Cách Người Phụ Nữ Xuất Chúng Lãnh Đạo

CHƯƠNG 20: HÀNH ĐỘNG



Tôi không nghĩ mình là người thích cảm giác mạnh. Tôi sẽ dùng hình ảnh môn trượt tuyết làm ẩn dụ, bởi tôi thích nhảy khỏi vách đá. Nhưng tôi chỉ nhảy khi cảm thấy tương đối tự tin rằng mình sẽ đáp xuống đất an toàn, và nếu không đi nữa thì nó cũng không nguy hiểm. Có một số người thích nhảy khỏi vách đá và tự đánh giá khả năng mình cao hơn thực tế. Họ tự làm mình đau. Số khác có kỹ năng nhưng lại sợ không dám nhảy. Tôi thích cảm giác hồi hộp khi sắp sửa nhảy!

Shona Brown, Phó Chủ tịch Operations, Google

Khi đưa mô hình Lãnh Đạo Cân Bằng vào huấn luyện cho các phụ nữ trẻ, chúng tôi thu nhận được nhiều ý kiến sâu sắc mới mẻ. Trong khi các lãnh đạo nhìn đâu cũng thấy cơ hội thì các phụ nữ trẻ chủ yếu chỉ thấy rủi ro. Các nữ lãnh đạo không ngần ngại đón nhận những rủi ro đi kèm với cơ hội phát triển. Bạn cũng nên như thế.

Khả năng đón nhận những rủi ro hợp lý là kỹ năng vô cùng cần thiết mà bất kỳ nhà lãnh đạo nào cũng phải có. Bạn chấp nhận rủi ro khi nhận công việc mới. Bạn chấp nhận rủi ro khi bước ra khỏi con đường thăng tiến sự nghiệp để xây dựng gia đình. Khi bạn chuyển sang một văn phòng mới để có trải nghiệm mới, bạn phải chịu rủi ro biết đâu mình không phù hợp. Khi bạn thay đổi chức năng hoặc vai trò, luôn tồn tại một rủi ro là bạn không thể làm tốt công việc mới. Nếu quyết định bỏ việc, bạn đối mặt với nguy cơ không ổn định về tài chính. Tránh né rủi ro không phải là một lựa chọn: Chẳng bao lâu, bạn cũng gặp phải rủi ro.

Trong khi nhiều nữ lãnh đạo cứng cỏi khẳng định với chúng tôi rằng họ không sợ hãi, không phải ai cũng cảm thấy như thế. Cơ hội khơi dậy nỗi sợ hãi bấy lâu ta khóa kín trong lòng. Vậy thì liệu “phần thưởng” có xứng đáng để ta đối mặt với nỗi sợ hãi của chính mình không? Chúng tôi nghĩ là có.

Học cách đối diện với nỗi sợ hãi thật sự là yếu tố quan trọng nhất để đón nhận cơ hội. Khi bạn làm thế, bạn sẽ nhận ra chúng không hề đáng sợ như vẻ bên ngoài. Bạn sẽ thấy nhẹ nhõm khi nhận ra điều đó, đồng thời thấy mình kiểm soát được sự tình.

Laura Cha là một phụ nữ biết rõ điều đó. Bà vươn lên hàng lãnh đạo trong ngành bằng cách chấp nhận rủi ro và trở nên thành thạo trong việc quản lý chúng. Bà tiếp tục thành công tột bậc vì đã giúp kiểm soát thị trường chứng khoán còn non trẻ của Trung Quốc – công việc mà bạn bè của bà đã ra sức can ngăn.

Trở thành chuyên gia quản lý rủi ro

Sinh ra tại Thượng Hải, Laura cùng gia đình chuyển từ Trung Hoa đại lục sang Hồng Kông vào đầu những năm 1950. Theo kế hoạch thì bà sẽ ra nước ngoài học đại học và ổn định cuộc sống ở đó. Laura là người con cả có trách nhiệm, và chính điều đó tập cho bà tính cực kỳ cẩn thận. “Khi còn nhỏ, tôi luôn có một nỗi sợ về sự mơ hồ không chắc chắn,” bà nói. “Tôi muốn dẹp bỏ nỗi sợ đó, và cách duy nhất để làm điều đó là ra ngoài kia và hành động. Đó là động lực thúc đẩy tôi.”

Laura lập gia đình sớm – với một sinh viên người Hồng Kông học cùng trường đại học với bà tại Mỹ – và họ ổn định cuộc sống. “Chúng tôi dự định cùng nhau học lên cao học. Nhưng Laura sinh con đầu lòng và ở nhà chăm con trong khi chồng bà tiếp tục học về kinh doanh. Sáu năm sau và thêm hai đứa trẻ, đến lượt Laura nhập học trường luật. “Tôi vấp phải sự phản đối từ gia đình, không phải từ phía chồng tôi, mà từ phía đại gia đình. Việc học về bản chất không có gì khó khăn, nhưng đương đầu với nhiều trách nhiệm khác nhau thật không dễ dàng gì.”

Tuy nhiên, thời điểm ấy chính là bước ngoặt cuộc đời bà. “Đó có lẽ là quyết định quan trọng nhất cuộc đời tôi. Tôi càng khao khát cơ hội ấy hơn sau khi sinh con,” bà nói. “Trước khi vào trường luật, mỗi khi có ý kiến, tôi cứ không biết liệu ý kiến đó của mình có ngu ngốc hay không. Trước khi trở thành luật sư, tôi không có được sự tự tin như thế này. Nếu bạn hỏi tôi, vào trường luật có lẽ là quyết định quan trọng nhất cuộc đời tôi.”

Laura đầu quân cho một công ty luật hàng đầu và cực kỳ yêu thích công việc. Sau đó, vào những năm 1980, gia đình bà trở về Hồng Kông để chồng bà có thể tiếp quản việc kinh doanh của gia đình. Laura làm việc cho một văn phòng luật tại Hồng Kông có trụ sở chính ở New York. Bà giúp những doanh nghiệp lớn ở Mỹ thương thảo làm ăn tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Đến thời điểm đó, mọi thứ chưa có vẻ gì là mạo hiểm cả. Nhiều phụ nữ khác có câu chuyện tương tự – đi xa, vào đại học, lấy bằng ngành luật, công việc thứ nhất, công việc thứ hai rồi lập doanh nghiệp riêng sau nhiều năm làm việc cật lực và có cuộc sống viên mãn của một chuyên gia tiếng tăm. Đúng không?

Sai rồi. Có thể Laura cũng đi theo con đường đó, nhưng vào năm 1989, khi Hồng Kông tìm mọi cách để lấy lại lòng tin của các nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán, một bước ngoặt mới xuất hiện.

Mọi thứ diễn ra hoàn toàn bất ngờ khi bà nhận được cuộc gọi của một chuyên viên săn đầu người. Ủy ban Chứng khoán và Sản phẩm Đầu tư Tương lai Hồng Kông (SFC) vừa được thành lập để cải cách thị trường. Laura tin rằng những cải tổ của SFC sẽ có tác động to lớn đưa Hồng Kông trở lại thành thị trường tài chính đáng tin cậy. “Thời điểm đó là hai năm sau khi thị trường chứng khoán của chúng tôi gần như sụp đổ,” bà giải thích. Kế hoạch tái lập thị trường có thể không thành, nếu thế thì sao? Cùng lúc đó, Laura yêu thích những gì mình đang làm; bà có một sự nghiệp tốt đẹp và vững chắc. Rời bỏ nó hẳn là một quyết định lớn lao.

Bạn sẽ làm gì trong hoàn cảnh ấy?

“Ý nghĩ đầu tiên của tôi là ‘Ôi, công việc này liều lĩnh quá,’ Đó là một tổ chức non trẻ, và tôi chẳng quen ai hết,” Laura nói. “Nhưng tôi cũng nghĩ rằng đó là một cơ hội thú vị để làm một điều gì đó khác biệt.” Vì thế, cô gọi điện cho cố vấn đầu tiên của mình ở công ty luật tại San Francisco. Lời khuyên của ông khiến cô hoảng hốt: “Hãy bước ra ngoài kia, sải cánh bay và nhìn ngắm thế giới.” Chính điều đó đã khiến Laura nhận ra cơ hội trước mắt to lớn hơn nhiều so với phần rủi ro tất yếu của nó: “Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì? Tôi luôn có thể quay lại ngành luật nếu tôi không thích công việc mới.”

Thế là Laura vào làm với ý định ở lại khoảng 2 đến 3 năm. Cuối cùng, bà đã gắn bó với tổ chức này hơn một thập kỷ, rồi về sau trở thành phó chủ tịch ủy ban. Kết quả? Bà giúp cho tổ chức giữ đúng cam kết của nó.

Đến nay, sau mười năm, Laura cảm thấy mọi thứ quá đủ – đặc biệt là những cuộc tranh giành quyền lực chính trị trong quá trình chuyển đổi phương thức quản lý. “Đã đến lúc tôi quyết định việc xuất hiện trước công chúng thật mệt mỏi,” bà nói. “Tôi muốn làm một việc gì đó ít quy củ hơn, tự do hơn, đại loại thế. Vì thế tôi nói với chính quyền là tôi sẽ không gia hạn hợp đồng.”

Rồi một việc vô cùng ngạc nhiên xảy ra: Ngay khi Laura được tuyên bố bãi nhiệm, bà nhận được một cú điện thoại từ một người bạn sống tại Bắc Kinh. “Anh ấy nói thủ tướng muốn mời tôi vào làm cho văn phòng chính phủ. Lúc đó tôi không hiểu lắm. Tôi nghĩ, ‘À, ông ấy muốn tìm người cố vấn chứ gì. Bạn tôi kêu lên, ‘Ôi, không, không, chị không hiểu rồi. Chị phải chuyển đến Bắc Kinh. Chúng tôi muốn chị làm phó chủ tịch Ủy ban Quản lý Luật Đầu tư Chứng khoán Trung Quốc.’ ”

Cơ hội này đến cùng rủi ro và cả nỗi sợ hãi mới. Laura sẽ là phó chủ tịch đầu tiên trong cơ quan trung ương thuộc chính quyền nước Cộng hòa Nhân dân, mà không phải đến từ đại lục, nói thế để ta hiểu rằng bà không được bất kỳ ô dù chính trị nào che chở, và nhiều khả năng phải chịu sự hoài nghi của các quan chức chính phủ khác. Bà vẫn còn nhớ lời cảnh báo mọi người dành cho mình: “Chị can đảm lắm đó. Có nhiều thứ chị vẫn chưa biết hết đâu. Chị sẽ bị đổ lỗi hết chuyện này đến chuyện khác cho coi.”

Liệu bạn có muốn đi trên con đường đó không? Laura thì có. 50 năm kể từ ngày rời bỏ đại lục để đi tìm cơ hội mới nơi trời Tây, Laura trở lại mang theo những dấu ấn thị trường đầu tư kiểu phương Tây vào đất nước Trung Hoa. “Thật sự, điều đáng nói nhất trong cuộc đời đi làm của tôi là lúc Thủ tướng Chu Dung Cơ gọi tôi gia nhập bộ máy nhà nước. Đó hẳn là dấu son trong sự nghiệp của bất kỳ ai. Cũng có rủi ro, nhưng tôi không nhìn theo khía cạnh ấy. Tôi nhìn thấy phần tích cực sẽ lấn át được phần tiêu cực của quyết định liều lĩnh đó.”

Dĩ nhiên là có rủi ro. Laura nhớ lại, “Tôi bị đổ lỗi trong rất nhiều chuyện. Nhưng tôi cũng biết là chính quyền Trung Quốc biết tôi dành trọn tâm huyết vào những việc mình làm, tôi toàn tâm toàn ý, tôi tập trung hết mình và tôi cố gắng làm việc thật tốt.”

Vậy bằng cách nào Laura nắm bắt được những cơ hội của cả đời người như thế? “Trước khi nhận ra những cơ hội đang chờ đón mình, bạn phải tự tin. Để tự tin, bạn phải thật sự giỏi trong những việc mình làm,” Laura khuyên. “Không gì có thể thay thế cho điều căn bản ấy. Nếu bạn không thật sự ở đó, bạn có thể chẳng bao giờ nhận ra cơ hội. Thậm chí nếu cơ hội có đến chăng nữa, nó có thể không mở cửa đón chào bạn. Cũng đừng xem thường yếu tố may mắn. Tôi ở vào vị trí thích hợp trong sự nghiệp của mình khi cơ hội xuất hiện, và tôi đã có thể tận dụng được nó. Tôi chờ đợi suốt sáu năm để được vào trường luật, nhưng khi tôi tốt nghiệp, đó lại là thời hoàng kim của việc đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Trung Quốc. Tôi đã làm việc cho một công ty luật hàng đầu tại San Francisco. Khi tôi trở về Hồng Kông, một công ty luật New York muốn tuyển dụng tôi. Rồi tôi bắt đầu liên doanh giống như tiệm McDonald’s đầu tiên ở Trung Quốc. Tôi từ từ thăng tiến, từng bước một.”

Đương nhiên Laura cũng không thể tránh khỏi vận đen, trong đó phải kể đến căn bệnh trầm kha mà bà mắc phải, nhưng bà luôn chú trọng vào mặt tốt đẹp. “Đơn giản là tôi cực kỳ hào hứng với các cơ hội. Tôi không xem công việc mình làm là nặng nhọc hay đòi hỏi khắt khe. Tôi xem đó là thử thách và cố gắng làm hết sức mình,” bà nói. “Tôi là dạng người tỏa ra năng lượng tích cực. Mấy năm trước mọi người có hỏi chồng tôi, ‘Vợ ông làm việc nhiều quá. Ông phản ứng với chuyện đó ra sao?’ Và chồng tôi đáp, ‘Sẽ còn tệ hơn nếu bà ấy không làm việc nhiều như thế!’ Công việc đối với tôi đến cùng với cảm giác hài lòng, mãn nguyện và phát triển bản thân. Tôi thích suy nghĩ mình có được mọi điều tốt nhất trong mọi lĩnh vực, ở nhiều thời điểm khác nhau trong đời.”

Tại sao đón nhận rủi ro lại khó đến vậy

Để rõ ràng ngay từ đầu, khi đề cập đến rủi ro, chúng tôi không đề cập đến những quyết định đánh cược doanh nghiệp. Chúng tôi cũng không khuyên các nữ lãnh đạo tung xúc xắc để quyết định xem con đường sự nghiệp sắp tới sẽ là gì. Chúng tôi nói về những rủi ro và nỗi sợ hãi cố hữu khi phải rời bỏ “vùng thoải mái”. Nếu bạn chưa từng nghe về khái niệm này, thì đó là nơi “bạn biết những gì bạn biết” và “bạn không biết những gì bạn không biết.” Nói cách khác, mọi thứ đều quen thuộc và nó mang lại cho bạn cảm giác thoải mái. Chỉ cần một bước ra khỏi nó, bạn sẽ bắt đầu thấy khó chịu ngay.

Trong đa số trường hợp, nữ giới cẩn trọng hơn nam giới. Theo một nghiên cứu cho thấy, cứ ba phụ nữ thì có một người tin rằng rủi ro sẽ không dẫn đến thành công trong sự nghiệp. Theo nghiên cứu về Mô Hình Lãnh Đạo Cân Bằng do chúng tôi thực hiện, chúng tôi phát hiện ra rằng phụ nữ thường miễn cưỡng đón nhận rủi ro hơn nam giới.

Có nhiều lý do thuyết phục cho chuyện đó. Nữ giới ít khi được người có quyền thế trong tổ chức nâng đỡ, và cũng ít nhận được sự hỗ trợ từ phía đồng nghiệp hơn. Vẫn không dễ gì để tìm một người phụ nữ khác hỗ trợ cho mình, đặc biệt là ở vị trí quản lý cấp cao. Vì thế chuyện cũng dễ hiểu khi nhiều phụ nữ rất miễn cưỡng khi phải rời bỏ cảm giác an toàn trong vùng thoải mái.

Chúng ta hãy cùng nhau vượt qua ranh giới này.

Sự thật là thành quả tỉ lệ thuận với rủi ro – không mạo hiểm thì lấy gì thành công. Nếu thành công chưa đủ để thúc đẩy bạn, hãy xem xét đến việc phát triển bản thân. Theo giả thuyết về việc học hỏi của loài người thì con người phát triển nhờ dám dấn thân vào những thử thách mới. Điều đó sẽ không xảy ra nếu bạn không sẵn lòng bước vào “môi trường học hỏi”. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn bước qua ranh giới lãnh thổ ấy? Nó đáng sợ lắm! Đó là nơi những nỗi sợ hãi của bạn cư ngụ – có thể là nỗi sợ thất bại, sợ bị phán xét, sợ mất kiểm soát, sợ bị tổn thương. Đó là nơi bạn sẽ phạm nhiều sai lầm hơn cả. Nhưng nó cũng rất thú vị! Đó là nơi bạn sẽ phát triển, sẽ trải nghiệm niềm vui sướng khi học được những điều mới lạ. Bạn sẽ nhận ra nhiều thứ.

Nếu mải sống trong vùng thoải mái, rồi đây nó sẽ khiến bạn ngán ngẩm. Hãy bước vào môi trường học hỏi và dẹp bỏ ham muốn quay lại vùng thoải mái, và bạn sẽ nâng cao năng lực lãnh đạo của mình.

Đó là lý do tại sao chúng tôi đưa vào quyển sách này nhiều câu chuyện về những bước đi sai lệch, những lỗi lầm, và cả những lần thất bại bẽ bàng của các nữ lãnh đạo, để nhắc bạn rằng những vực sâu như thế (cùng với những đỉnh cao) là chuyện bình thường và là một phần cần thiết của quá trình phát triển.

Bạn nhìn thấy cơ hội bằng cách nào?

Điều khiến chúng tôi sửng sốt trong các cuộc phỏng vấn là mức độ thường xuyên mà những nữ lãnh đạo bất ngờ chớp lấy cơ hội. Họ không chỉ may mắn hơn tất thảy chúng ta, mà một số có được thứ mà các nhà khoa học gọi đó là tâm lý sẵn sàng. Sự sẵn sàng giúp họ nhìn ra cơ hội trong khi những người khác thì không. Chưa hết, những phụ nữ này còn tạo ra may mắn cho mình bằng cách dấn thân vào thực hiện; họ mở ra tương lai và theo đuổi nó. Họ hiểu những gì mình lựa chọn, và thay vì cứ đứng trơ ra, tê liệt trước sự mơ hồ không chắc chắn hoặc cứng người vì sợ hãi, họ quyết định chọn một con đường và đi về hướng đó.

Vì thế chúng tôi cứ liên tục hỏi những nữ lãnh đạo chúng tôi gặp, “Làm sao chị biết đó là cơ hội? Cái gì nói lên điều đó?” Câu trả lời của họ giúp chúng tôi tìm ra một phương pháp mới để xác định và xem xét cơ hội. Hãy bắt đầu từ mặt tích cực. Đa số chúng ta đánh giá rủi ro bằng cách liệt kê ra những tình thế bất ổn. Chúng ta là chuyên gia trong việc đó.

Hãy làm ngược lại. Trước tiên bạn hãy tưởng tượng về điều tốt đẹp nhất có thể xảy ra. Hãy viết ra và làm cho nó trở nên cụ thể hơn – điều bạn sẽ học được, những kỹ năng bạn rèn giũa, những lựa chọn bạn có trong tay, những người bạn sẽ gặp. Tiếp theo, hãy trò chuyện với 5 người biết về cơ hội ấy, và nhờ họ tưởng tượng kết quả tốt đẹp nhất có thể đạt được. Nếu bạn không biết 5 chuyên gia nào như thế, cũng không sao cả. Hãy nghĩ xem một người bạn ngưỡng mộ sẽ đón nhận cơ hội ấy ra sao. Thomas Edison hoặc Steve Jobs sẽ nói gì về mặt tích cực này? Cách này sẽ cho bạn thêm ý tưởng, và bạn nên viết chúng ra. Chỉ khi nào bạn thật sự nghĩ ra được mọi khía cạnh tốt đẹp mà cơ hội mang lại, bạn mới có thể quyết định xem liệu phần tiếp theo có xứng đáng với nó hay không.

Rủi ro và nỗi sợ hãi là những người bạn đồng hành không thể thiếu của cơ hội; mặt tích cực có đôi chút đáng sợ và điều này cũng là lẽ tự nhiên. Hãy xác định nỗi sợ hãi của bạn và viết nó ra: “Tôi sợ mình sẽ làm hỏng chuyện. Mọi người sẽ nhận ra tôi là kẻ bịp bợm. Họ sẽ lôi tôi ra làm trò cười. Tôi có thể mất việc và không bao giờ tìm được việc khác.” Cứ viết hết ra, và đặt tên cho từng nỗi sợ đó.

Đến lúc này thì chúng đã có một công dụng hữu ích: Bảo vệ bạn. Những nỗi sợ hãi này giúp bạn lên kế hoạch, làm việc chăm chỉ và tránh mặt tiêu cực. Nhưng bạn càng chống lại chúng thì bạn càng khiến chúng mạnh mẽ hơn. Thay vào đó, hãy làm quen với chúng, tìm hiểu xem chúng là nguồn cơn của những hành vi nào, và hậu quả của những hành vi đó. Hãy cảm ơn nỗi sợ hãi vì đã giúp đỡ bạn, đồng thời xác định những thời điểm và cách chúng níu chân bạn, rồi đặt chúng vào đúng vị trí. Giờ bạn đã kiểm soát được mọi thứ. Hãy hít thở sâu. Bạn đã được tự do.

Giờ bạn đã sẵn sàng để thấu hiểu tác động tiêu cực thật sự đằng sau mỗi cơ hội, không còn bị nỗi sợ hãi chi phối nữa. Hãy tưởng tượng bạn có thể giảm thiểu nguy cơ tiêu cực ấy bằng cách nào. Viết điều đó ra cũng có thể giúp ích cho bạn. Hãy đối mặt với hoàn cảnh tồi tệ nhất. Chỉ có bạn mới có thể xác định xem nó có đáng để thực hiện hay không.

Trên con đường bạn chọn

Được rồi, giờ bạn đã sẵn sàng cho những cơ hội, và hào hứng đón nhận những thử thách thật sự trong cuộc sống – bạn đã sẵn sàng đối mặt với rủi ro và những nỗi sợ hãi.

Có một cách để luyện tập đó là bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt. Học cách yêu cầu những gì mình muốn được nhiều phụ nữ xem là một dạng rủi ro. Vì thế hãy thử đưa ra những lời đề nghị ngoài công việc, đạt được hay không không quan trọng. Ví dụ, lần tới khi bạn đi ra cửa hàng, hãy yêu cầu được giảm giá (và không phải vì cái áo len bạn muốn mua bị sút mất một nút). Hãy tập đưa ra yêu cầu ở bất cứ đâu. Được giảm giá không phải là kết quả bạn nhắm đến, mà là hành vi chấp nhận rủi ro. Dù lúc đầu bạn sẽ thấy ngại ngùng khi đưa ra yêu cầu nhưng bạn sẽ sớm quen thôi.

Giờ bạn đã sẵn sàng đón nhận những rủi ro trong công việc. Nếu bạn chưa thật sự cảm thấy thế, hãy bắt đầu kiểm tra lại những kiến thức mà bạn có. Bạn biết rõ về thế mạnh và năng lực bản thân hơn bất kỳ ai khác. Điều gì bạn biết về bản thân mình có thể giúp giảm nhẹ những mối nguy tiềm ẩn? Kiến thức và sở trường nào bạn có thể dùng để biến một cơ hội hoàn toàn mới mẻ thành một mục tiêu có thể vươn tới? Hãy trò chuyện với người khác nữa. Càng tiếp xúc với nhiều người, bạn càng trở thành con người tốt đẹp hơn, thu nhặt được những suy nghĩ sâu sắc mà tự thân bạn sẽ không nhìn thấy.

Nếu việc đón nhận rủi ro trong công việc vẫn khiến bạn thấy bất an, hãy thử trong một lĩnh vực mà bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Một trải nghiệm trong phòng ban của bạn có thể giúp bạn xây dựng sự tự tin để đón nhận những cơ hội to lớn hơn. Như Laura đã nói với chúng tôi, hiếm có thứ gì đánh bại được kỹ năng chuyên môn. Khi bạn đã xây đắp được một nền tảng kiến thức vững chắc trong một ngành hoặc một lĩnh vực nào đó, sự tự tin trong bạn sẽ tỏa sáng. Một người đỡ đầu trong doanh nghiệp chúng tôi đã nói rằng, theo quan sát của ông, những phụ nữ “làm chủ” một lĩnh vực chuyên môn sẵn sàng mạo hiểm hơn và giành được nhiều thành công hơn với những rủi ro mà họ đón nhận. Đó chính xác là những gì Laura đã làm.

Chúng tôi công nhận việc trở thành chuyên gia từ con số không hẳn dễ khiến con người ta nản chí. Nhưng bạn vẫn có thể đến đích một khi tìm được niềm đam mê trong việc mình làm, sẵn lòng đầu tư thời gian cho việc học hỏi, cùng với chút sáng tạo. Hãy chọn một lĩnh vực giá trị mà bạn hứng thú. Sau đó đặt ra cho mình nhiệm vụ tìm hiểu về nó càng nhiều càng tốt. Kiến thức tạo khả năng, khả năng tạo danh tiếng, và danh tiếng tạo cơ hội.

Rủi ro của việc không chấp nhận rủi ro

Từ trong thâm tâm, bạn biết rõ rằng việc đứng yên tại chỗ không hề an toàn hơn việc tiến lên phía trước. Theo khái niệm hạnh phúc trong tâm lý học thì “những kẻ leo cao” thường giỏi hơn những người chỉ biết bằng lòng với cảm giác an toàn được đứng dưới mặt đất – bất chấp rủi ro “trèo cao té đau”.

Hãy làm thử bài tập này. Tưởng tượng bạn đang ngồi trên chiếc ghế bập bênh trước cửa nhà sau nhiều năm. Bạn có tiếc nuối những gì mình đã không làm không? Chúng tôi thành thật mong rằng bạn sẽ không mang theo bất kỳ nỗi tiếc nuối xót xa nào, dù ai cũng có hàng ngàn điều nho nhỏ khiến ta phải hối tiếc. Gandhi từng nói, “Chúng ta đứng giữa một vòng tròn có chu vi được xác định bởi chính nỗi sợ hãi trong ta.” Giờ là lúc bạn xóa đi ranh giới ấy.

Và nếu làm gì cũng không mang lại tác dụng, bạn hãy tự hỏi mình điều mà các nữ lãnh đạo của chúng ta từng hỏi chính bản thân họ: Điều tệ nhất có thể xảy ra là gì? Lắng nghe nhịp tim của bạn. Sau đó quyết định, rồi bắt tay vào thực hiện.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.