Một Thời Để Yêu Và Một Thời Để Chết

CHƯƠNG 5



Tàu dừng lại trước ga chói chang ánh sáng. Nhà ga được ngụy trang để tránh công kích. Mấy căn nhà xung quanh chỉ còn trơ đống đá cháy đen; người ta đã cất tạm những căn nhà gỗ, tường và nóc quét sơn xanh và nâu. Vài tù binh Nga đang gỡ mấy toa hàng hóa dừng trên đường ray. Chỗ này là một đường xe lửa nhỏ tiếp vào một đường lớn.
Thương binh được đưa vào một trong những căn nhà gỗ ấy. Những người còn đi được đến ngồi trên ghế gỗ mộc mạc. Một vài người về phép đi theo họ. Họ tụ tập lại với nhau, tránh mắt soi mói sợ lỡ ra bị giữ lại đưa ra mặt trận.
Trời xám xịt tỏa xuống một thứ ánh sáng mệt mỏi héo hắt, đất phủ tuyết lầy lội dơ dáy. Xa xa tiếng máy bay ầm ì. Tiếng kêu không phải ở phía trên trời, hẳn là phải có một sân bay gần đây. Rồi một đoàn phi cơ bay qua nhà ga, vọt lên cao trông giống một đàn chim sơn ca. Graber thấy mình buồn ngủ mềm người, “Chim sơn ca. Điềm hòa bình”.
Hai người cảnh sát sấn sổ bước vào.
– Cho coi giấy tờ!
Họ có cái vẻ sung sức, tự chủ của những người không biết tới nguy hiểm. Đồng phục của họ tươm tất, súng ống sáng lộn. Ít ra họ nặng hơn những anh nghỉ phép nặng cân nhất đến mười kí-lô.
Mấy người quân nhân lặng lẽ xuất trình giấy phép. Họ xem xét cẩn thận trước khi trả lại. Họ cũng đòi coi sổ quân bạ.
Người già nhất nói:
– Các anh đến lãnh thực phẩm tại trại ba. Mà rửa ráy cho sạch sẽ một chút. Gớm ăn với mặc! Mang y phục ấy về nhà để nhát ai?
Mấy người tiến đến trại ba. Một anh lính râu ria rậm rạp lẩm bẩm:
– Đồ bẩn thỉu! Chỉ nói hoẹt! Nó cho mình là đồ trộm cướp chắc!
– Ở Stalingrad đấy à?
– Nếu tôi ở đấy thì tôi đã chẳng còn ở đây. Đã vào cái hỏa ngục ấy thì đừng có hòng ra thoát.
Một anh hạ sĩ quan tóc đã hoa râm bảo hắn ta:
– Này chú nhỏ, ở ngoài mặt trận chú muốn nói gì thì nói, nhưng ở đây có mồm thì cắp có nắp thì đậy kẻo mà uổng mạng.
Họ đứng nối đuôi nhau tay cầm ga-men. Phải đợi đến hơn một giờ. Ai nấy rét cầm cập, nhưng không ai than thở, họ quen rồi. Sau cùng mỗi người được lãnh một bát canh trong đó có một miếng thịt, một ít rau và vài mảnh khoai tây.
Người nói rằng chưa từng đến Stalingrad cẩn thận nhìn quanh mình rồi mới nói:
– Hẳn là cảnh sát mật vụ họ không ăn như mình đâu.
Một người hạ sĩ quan nhún vai nói:
– Không biết họ nhúng mũi vào đây để làm gì?
Graber ăn canh ngon lành, y nghĩ thầm: “Ít ra canh cũng nóng!”. Thôi về nhà ăn bù lại vậy. Mẹ y nấu nướng rất khéo. Y sẽ bảo mẹ làm cho ăn xúc-xích khoai và hành sốt thật ngon. Mẹ cũng có thể kiếm cách làm cho con món bánh dâu thả kem.
 
Còn phải đợi đến chiều tối. Lúc nào cũng có thương binh đổ đến. Mỗi đoàn xe đến là những người nghỉ phép thêm lo ngại. Mỗi lúc họ thêm sợ rằng với sự khó khăn chuyên chở này, họ có thể bị đẩy trở lại mặt trận. Nhưng rồi đến nửa đêm cũng có chuyến xe. Hàng ngàn ngôi sao lấp lánh trong đêm; mọi người đều nguyền rủa ông trời, sao trời lại tạo ra điều kiện lý tưởng cho cuộc oanh tạc? Đã từ lâu thiên nhiên không còn ý nghĩa gì khác đối với họ ngoài ý nghĩa liên hệ tới chiến tranh, ý nghĩa đe dọa hay che chở họ.
Thương binh được đưa lên tàu. Ba người được trả ngay về trại vì họ chết rồi. Cáng để đầy sân ga và chung quanh nhà ga. Cáng nào không có mền đắp là biết ngay nạn nhân đã chết. Tối âm tối thầm vì cấm ngặt không được có chút ánh lửa.
Rồi đến lượt những thương binh còn đi được. Họ bị kiểm soát gắt gao. Graber tự nghĩ: “Nhiều người quá, có lẽ không có chỗ cho người nghỉ phép”. Y ngẩng mặt nhìn trời, tim đập dồn dập. Trên đầu, tiếng máy bay ầm ầm nhưng mắt nhìn không thấy. Y biết rằng đó là máy bay Đức nhưng y vẫn sợ. Y còn sợ hơn ở ngoài mặt trận.
Rồi sau họ gọi đến những người nghỉ phép.
Vài người chạy lại nhưng bị cảnh sát ngăn cản. Phải xuất trình giấy kiểm soát đã cấp cho họ từ trước. Xong việc mới được lên tầu; đã có một vài người bị thương nhẹ ở đấy trước rồi. Tranh giành nhau, văng tục. Cảnh sát bắt họ xuống xếp hàng. Người ta dẫn tới một toa khác đã có vài người bị thương nhẹ nhưng còn chỗ cho người mới đến. Graber kiếm chỗ ngồi giữa toa. Y biết rằng trong trường hợp bị oanh tạc thì ở gần cửa và các góc toa tầu nguy hiểm hơn cả.
Tầu không chạy. Trong toa tối om. Mọi người chờ đợi. Ở ngoài đã yên tiếng ồn ào. Một người lính đi qua, có hai cảnh binh kèm hai bên rồi đến một nhóm tù binh Nga vác những thùng đạn dược, sau đến vài người mật vụ cười nói bô bô. Tầu vẫn không chạy. Thương binh bắt đầu nguyền rủa. Họ đã thành những người chẳng cần gì cả, chẳng sợ gì nữa.
Graber ngồi thu hình trên ghế, cố sức ngủ một chút cho đến lúc tầu chạy. Nhưng dẫu sao y cũng để ý nghe động tĩnh. Trong tối y nhìn mắt chúng bạn phản chiếu lờ mờ ánh tuyết và ánh sao. Trời tối quá không ai nhìn rõ mặt ai. Trong toa tầu chỉ có bóng tối và những con mắt lo ngại. Băng bó vết thương của thương binh điểm những đốm trắng trong chỗ tối đen.
Tầu chuyển bánh rồi lại dừng. Một vài tiếng gọi vang lên. Lát sau, cửa mở, hai cái cáng được khiêng xuống sân ga. Graber nghĩ thầm: lại thêm hai người nữa chết, có thêm hai chỗ cho người sống. Miễn là đến lúc cuối cùng đừng có thêm một đoàn xe thương binh khác khiến cho người nghỉ phép phải nhường chỗ.
Tầu lại chuyển bánh. Ngoài cửa sổ, sân ga lùi dần về phía sau. Cảnh binh, tù binh, lính mật vụ, từng đống thùng và két, rồi bất thần xuất hiện cánh đồng tuyết phủ mênh mông. Mọi người quay ra phía cửa. Không lẽ tầu lại dừng lần nữa. Không, toa tầu bị lôi miết đi nhanh hơn, những tiếng động lần lần thu gọn lại thành từng chuỗi nhịp nhàng. Xe tăng, trọng pháo, lướt qua ngoài cửa, từng đơn vị binh sĩ ngước mắt nhìn xe hỏa đi qua. Bất thần Graber thấy mệt lả: “Về nhà, về nhà. Ta về nhà. Trời ơi sự vui sướng làm mình phát sợ…”
 
Đến lúc mặt trời mọc thì tuyết giáng. Đến một ga, tầu dừng lại để uống chút cà-phê. Tỉnh nhỏ này bị tàn phá gần hết, người ta trông thấy từng đống gạch vụn phía sau ga. Người ta bỏ lại một vài xác người mới chết trên tầu. Graber lãnh chén đồ uống rồi hấp tấp trở lại chỗ ngồi không kịp đi lãnh bánh mì.
Cảnh binh lên từng toa lục soát những người bị thương nhẹ để cho nằm nhà thương tỉnh này. Tin ấy truyền đi khắp chuyến xe. Người ta tranh nhau trốn vào cầu tiêu. Có người kêu:
– Họ tới nơi kìa!
Sau một hồi xô đẩy nhau, cửa cầu tiêu đóng lại, hai anh may mắn chiếm được chỗ. Một thương binh len vào giữa đám đông ấy bây giờ đứng nhìn cánh tay cột dây treo lên cổ: trên miếng băng bó dơ bẩn đã hiện ra một vết máu tươi mỗi lúc một lan rộng. Một anh khác nghĩ ra mưu kế, anh ta mở cửa lén ra ngoài rồi đóng cửa lại, đứng nép vào thành toa tầu ở bên goài. Ai thò đầu ra ngoài một chút có thể nom thấy mặt anh ta tái nhợt giữa đám tuyết bay mù mịt.
Có người nói:
– Đừng nhìn ra thế, họ sinh nghi thì hắn bị bắt mất!
Người thương binh bị vết thương chảy máu nói:
– Tôi thì tôi muốn về nhà, đã hai lần họ tông tôi vào một nhà thương tồi tệ ở nhà quê. Vừa mới khỏi đã bị đưa ra mặt trận không được phép nghỉ dưỡng sức. Dù sao tôi cũng đáng được về nhà ít bữa chớ!
Anh ta nhìn những người nghỉ phép với con mắt hằn học. Không ai trả lời. Còn phải đợi lâu người kiểm soát mới đến nơi. Hai người xét các toa tàu. Hai người nữa đứng dưới sân ga coi những thương binh phải ở lại. Một trong hai người ấy là một y tá trẻ tuổi. Anh ta đưa mắt nhìn qua chứng chỉ của thương binh rồi ra lệnh:
– Đi xuống
Nói xong anh ta thản nhiên soát đến người khác.
Một thương binh bé nhỏ, tóc đã hoa râm vẫn ngồi yên trên ghế. Viên cảnh binh đi theo người y tá nói xẵng:
– Đi xuống! Ông nội! Không nghe thấy à!
Anh thương binh vẫn không nhúc nhích. Anh ta bị thương ở vai. Viên cảnh binh nhắc lại:
– Đi xuống!
Anh ta không hề nao núng. Anh ta mín môi lại nhìn, thẳng ra trước mặt làm như không nghe tiếng. Viên cảnh binh đứng phưỡn người ra giữa toa tầu, dang hai cẳng, nắm hai tay đặt lên háng.
– Có lẽ phải gửi trát viết vào giấy tín chỉ đến thôi thúc chắc! Đứng dậy!
Anh ta vẫn giả điếc. Viên cảnh binh gầm lên:
– Đi ra, anh không biết rằng người trên ra lệnh cho anh à?
Người y tá vội can thiệp:
– Thôi anh! Để rồi y xuống.
Người y tá có cái mặt hồng hào, mắt không có lông mi.
Y bảo người thương binh:
– Vết thương của anh chảy máu, anh phải xuống để người ta thay băng cho chứ.
Người thương binh khẽ mở miệng:
– Tôi…
Nhưng một người cảnh sát nữa đã tiến tới. Họ ôm lấy anh thương binh nhấc bổng lên như một gói đồ. Anh thương binh kêu to lên nhưng nét mặt vẫn không thay đổi. Họ vác anh ta đi không đến nỗi phũ phàng lắm, họ làm một công việc vô nhân tính, hầu như không can dự gì đến họ và người thương binh. Chẳng bao lâu bóng người thương binh bé nhỏ lẫn vào đám đông thương binh khác đứng ngoài sân ga.
Người y tá hỏi một người khác:
– Thế nào? Anh muốn gì?
– Băng bó rồi tôi có thể ra đi được không xếp!
Để rồi xem, trong khi chờ đợi phải xuống đây đã.
Người thương binh đứng dậy, mặt buồn bã. Y đã gọi người y tá bằng xếp nhưng cũng chẳng được may mắn hơn. Người cảnh binh đập mạnh cửa cầu tiêu và nói với giọng khinh bỉ:
– Lần nào cũng giở trò này. Sao mà người nào cũng nghĩ ra kế trốn vào cầu tiêu thế? Mở cửa!
Cửa mở, một anh lính thò ra.
– A! Bây giờ chơi trò ú tim hả?
– Tôi bị tào tháo đuổi. Có phải cầu tiêu để đi tiêu không?
– Sao mà anh chọn đúng lúc này để đi tiêu thế! Anh tưởng như thế là đắc sách rồi hả.
Người lính xoay mũ lại để lộ một cái huy chương hạng nhất. Viên cảnh binh không có huy chương. Người lính có điệu bộ láo xược lặng lẽ trả lời viên cảnh binh:
– Phải, thiết tưởng sẽ đắc sách lắm!
Người cảnh binh đỏ mặt. Người y tá vội nói:
– Thôi đi xuống!
Anh ta cũng chẳng buồn nhìn người thương binh.
– Anh chưa xem vết thương của tôi thế nào!
– Nhìn băng bó cũng biết rồi. Thôi anh cảm phiền đi xuống giùm.
Người thương binh ráng mỉm cười:
– Vâng được, thì xuống!
Người cảnh binh nóng ruột hỏi:
– Đã xong chưa?
– Xong rồi.
Người cảnh binh liếc mắt một lần cuối cùng nhìn mấy người nghỉ phép cầm giấy tờ trên tay rồi theo viên y tá đi xuống.
Cửa cầu tiêu mở ra không một tiếng động. Một viên trung sĩ nấp trong ấy suốt thời gian khám xét len lén bước ra ngoài. Mặt y vã mồ hôi. Y ngã xuống ghế. Một lát sau y mới nói được:
– Họ đi rồi chứ?
– Chắc là đi rồi.
Y ngồi yên lặng, nom rõ ra người y đã kiệt lực. Một lát sau y mới lẩm bẩm:
– Tôi cầu nguyện cho hắn.
– Ai? Anh muốn nói thằng cảnh binh khốn nạn đây à?
– Không phải. Tôi cầu nguyện cho thằng bạn cùng nấp trong cầu tiêu. Y bảo tôi ở lại để y ra, y đã có cách đối phó. Bây giờ y đâu rồi?
– Ngoài kia, họ lôi đi rồi. Y làm cho thằng cha cảnh binh tức hộc máu đến nỗi quên không nhìn vào trong cầu tiêu.
– Tôi sẽ cầu nguyện cho y. Tôi cần phải về nhà. Vì vào nằm nhà thương ở thôn quê này thì không được nghỉ phép. Tôi phải trở về Đức. Vợ tôi bị ung thư. Năm nay mới có 30 tuổi. Nó nằm liệt gường đã bốn tháng nay rồi.
Y đưa hai con mắt thú bị người ta săn đuổi nhìn mọi người. Chẳng ai buồn trả lời y.
 
Một giờ sau tàu mới chạy. Người trốn ra ngoài đường rây không thấy trở vào. Graber nghĩ thầm “Có lẽ hắn bị bắt rồi”. Đến trưa một hạ sĩ quan thò mặt vào:
– Có ai muốn cắt tóc không?
– Hả?
– Tôi là thợ cắt tóc. Có xà-bông tốt, xà-bông Pháp đây.
– Tầu chạy thế này mà cắt tóc được à?
– Được chứ. Tôi vừa cắt ở bên toa sĩ quan.
– Bao nhiêu tiền?
– Nửa bảng thôi, giá rẻ mà, công phu lắm, trước hết còn phải lấy kéo cắt râu.
– Được rồi.
Một anh lính nghỉ phép rút bóp ra:
– Nhưng nếu anh làm đứt da mặt thì tôi đòi tiền lại.
Người sĩ quan đặt một chén nước đầy lên chiếc bàn và lấy trong bao ra một cái lược và một cái kéo. Y mang theo một cái bao giấy để đựng tóc. Sau cùng y lấy xà-bông bôi lên mặt. Bột xà-bông trắng toát tưởng như y lấy tuyết để cạo mặt. Y rất khéo tay. Có ba người cắt tóc. Mấy thương binh không muốn cắt. Người thứ ba là Graber. Y nhìn mấy người cắt tóc xong mà ngạc nhiên. Cái mặt ửng đỏ và sạm sỡ lên, phía dưới lộ ra cái cằm trắng và nhẵn. Y có cảm tưởng ấm lòng khi lưỡi dao cạo đưa lên da mặt. Đây là sự tiếp xúc đầu tiên với đời sống dân sự. Nhất là người thợ cạo mặt cho y lại là người ở cấp bậc trên.
Đến quá trưa xe hỏa lại dừng lần nữa. Xe thực phẩm chờ sẵn ở ga. Mọi người bảo nhau mang ga-men ra, chỉ có một người ở lại trong toa. Miệng y mấp máy nói không ra tiếng. Bàn tay mặt còn cử động được để lên bàn tay kia quấn khăn kín mít. Họ được ăn những miếng cải sốt nóng.
 
Lúc qua biên giới thì trời tối. Mọi người phải xuống hết. Lính nghỉ phép được đưa vào trại tẩy uế. Họ cởi hết quần áo cho người giữ việc tẩy uế và để trần truồng như thế ngồi đợi. Căn phòng ấm áp, nước nóng, xà-bông có mùi lưu huỳnh. Từ nhiều tháng nay, đây là lần thứ nhất Graber ở trong một căn phòng sưởi ấm thật sự. Phía trong cùng có hai cái lò sưởi, nhưng chỉ có những phía người quay vào lửa để được ấm mà thôi. Ở đây người ta khoan khoái mà thấy mình ở trong bầu không khí ấm áp, thấy người được giãn xương giãn cốt.
Họ bắt chấy để vào móng tay bóp kêu tanh tách. Graber không có chấy, rận ở người không ăn lên da đầu, người lính biết rõ luật thiên nhiên ấy. Chấy và rận biết tôn trọng lãnh thổ của nhau, chúng không có chiến tranh bao giờ.
Khí ấm áp làm cho y buồn ngủ. Y nhìn thân thể chúng bạn: da thì trắng, chân thì nứt nẻ, sẹo thì đỏ hon hỏn. Đồng phục của họ đem treo vào phòng tẩy uế. Bây giờ họ chỉ còn là những người trần truồng, ngồi bình thản bắt chấy rận, chỉ có thế cũng đủ làm cho câu chuyện đổi chiều hướng. Không còn là chuyện chiến tranh nữa, họ nói đến ăn uống và đàn bà.
– Nhà tôi đã sinh đứa con. – Tiếng nói của một anh lính ngồi cạnh Graber, anh ta đang lấy gương soi để bắt chấy trên lông mày.
– Tôi vắng nhà đã hai năm và đứa bé được bốn tháng. Vợ tôi nó nói con được mười bốn tháng và tôi là cha đứa bé. Nhưng mẹ tôi bảo rằng nó là con một thằng lính Nga. Vả chăng vợ tôi nó mới nói đến đứa bé độ mười tháng nay. Trước kia nó có nói gì đến con với cái. Các anh nghĩ thế nào?
Một anh hói trán trả lời tự nhiên:
– Chuyện đó xảy ra nhiều. Thiếu gì con những tù binh ngoại quốc ở trong nước.
– Ừ! Thế thì như anh, anh xử trí thế nào?
– Tôi thì tôi đuổi người mẹ ra khỏi cửa. Giống heo giống chó chớ không phải người.
– Heo chó gì? Tại sao lại heo chó?
Anh hói trán lắc đầu:
– Thời buổi chiến tranh cái gì cũng khác. Mình phải hiểu như thế mới được. Trai hay gái?
– Trai, nó nói giống tôi lắm.
– Nếu con trai thì anh cứ nuôi, ở quê nhà con trai được việc lắm.
– Nhưng nó lai Nga.
– Rồi sao nữa? Người Nga cũng là giống Aryens. Tổ quốc đang cần lính.
– Đâu có giản dị như thế. Anh nói vậy được vì anh có phải là người trong cảnh ngộ đâu.
– Vậy anh muốn trai nước Đức thuần chủng có chứng chỉ đàng hoàng làm cho vợ anh có con à?
– Đâu có được!
– Thế thì việc gì phải ca thán!
Anh lính ngồi cạnh Graber nói khẽ:
– Ít ra vợ nó cũng phải đợi mình về chứ!
Anh trán hói nhún vai:
– Có người đợi được, có người không đợi được. Khi người ta vắng nhà hàng mấy năm trời thì cũng đừng nên đòi hỏi quá.
– Anh có vợ không?
– Không, thế cũng may!
Một người mảnh khảnh, mặt chuột, miệng dúm, bỗng xen vào một câu làm ai nấy dồn mắt về phía y:
– Người Nga không phải là giống Aryens.
Anh trán hói vội nói:
– Anh lầm. Họ là người Aryens. Chứng cớ là đã có hồi chúng ta đồng minh với họ.
– Họ là giống người hèn kém, giống Bolchevik chứ không phải giống Aryens.
– Anh lầm. Người Ba Lan, người Tiệp Khắc, người Pháp là giống người hạ đẳng. Nhưng người Nga là giống Aryens, chúng ta đến giải phóng họ khỏi ách cộng sản. Hẳn là không phải Aryens thượng đẳng như chúng ta, họ chỉ là Aryens bậc dưới. Mình đánh họ nhưng không tiêu diệt họ.
Anh mặt chuột bỗng trở nên gây gổ:
– Gọi là giống người hạ đẳng. Đúng chủ thuyết là như vậy.
– Phải rồi, nhưng đã thay đổi từ lâu rồi. Cũng như người Nhật ấy. Từ khi chúng ta đồng minh với họ thì họ là Aryens. Người Aryens da vàng chứ còn gì nữa.
– Như vậy thì phải xử trí thế nào với đứa con ấy?
– Giết chết nó đi. Làm cho nó chết mau và không đau đớn. Không có cách nào khác.
– Thế còn người mẹ?
– Nhà nước phải lo. Phải đem cạo đầu. Nung sắt đỏ làm dấu rồi tống vào trại tập trung hay đem treo cổ cho giản dị.
– Nhà chức trách không làm gì cả.
– Hẳn là người ta chưa biết.
– Người ta biết chứ. Mẹ tôi đã nói cho họ biết rồi.
– Như vậy thì nhà chức trách đã ăn hối lộ mà làm lơ. Phải đưa họ đi trại tập trung hay đem xử giảo.
Anh hói trán nói:
– Chẳng thà người Pháp. Theo nghiên cứu mới nhất thì người Pháp cũng có chút máu Aryens.
– Dân Pháp là giống người thoái hóa.
Graber hình như nhận thấy người nói câu ấy có vẻ mỉm cười. Một người khác sốt ruột đi lại trong phòng, hai cẳng anh ta rõ ra vòng kiềng. Anh ta dừng lại phồng bộ ngực gà trống.
– Chúng ta là giống người thượng đẳng, còn các dân tộc khác là giống người nô lệ. Nhưng không biết người thường thôi thì họ thế nào?
Anh hói trán ra vẻ suy nghĩ rồi nói:
– Người Thụy Sĩ hay người Thụy Điển.
– Giống người dã man ấy.
– Giống da trắng làm gì còn người dã man.
– Anh tưởng thế chứ!
Graber thấy buồn ngủ. Y nghe lơ mơ thấy họ nói đến chuyện đàn bà. Những thuyết nhân chủng của nước Đức không phù hợp với quan niệm của y về tình yêu. Y không muốn cho vấn đề tình yêu dính dáng gì đến sự đào thải giả tạo, dòng giống, huyết thống, thụ thai. Vả chăng đời lính chỉ cho y ôm ấp những cô gái điếm ở những nơi xuất trận. Mấy cô gái này cũng không đến nỗi thực tế hơn mấy bà có chân trong hội Phụ nữ Đức quốc: ít ra họ còn được dung thứ vì họ phải làm một nghề không được tự do lựa chọn.
 
Họ lấy lại áo quần để mặc. Bây giờ họ lại trở thành lính, hạ sĩ, trung sĩ, thượng sĩ… Người có đứa con dòng giống Nga trở thành một hạ sĩ. Anh lùn cũng vậy. Anh mặt chuột là binh nhì. Anh ta bèn hạ giọng khi thấy những người khác là hạ sĩ quan. Graber nhìn chiếc áo mình. Chiếc áo còn nóng hổi, xông lên mùi lưu hoàng. Dưới ve áo cả một làng rận đã chết ngạt. Y lấy móng tay cạo cẩn thận.
Người ta đưa họ vào một căn nhà gỗ nhỏ nghe một sĩ quan chánh trị giảng thuyết. Ông này đứng trên một cái bục, phía trên là hình Quốc trưởng, cắt nghĩa cho mọi người biết rằng khi trở lại quê hương xứ sở họ có trách nhiệm nặng nề. Họ không được nói gì về những điều tai nghe mắt thấy ngoài mặt trận. Vị trí của quân đội, sự điều động binh sĩ, những nơi chiếm đóng phải giữ bí mật hoàn toàn. Tai mắt kẻ thù ở bất cứ chỗ nào. Phải giữ yên lặng hoàn toàn. Người nào nói ra sẽ bị trừng phạt nặng. Kháng biện không phải lúc cũng là tội phản quốc. Quốc trưởng đích thân chỉ huy các trận chiến, ông hiểu rõ công việc ông làm. Vả chăng tình hình rất khả quan: quân Nga đã hấp hối, kiệt quệ vì tổn thất nặng nề: ta đang sửa soạn một cuộc phản công tất thắng; binh lính được tiếp tế đầy đủ, tinh thần quân đội rất cao. Như vậy, bất cứ sự tiết lộ nào về tình hình mặt trận cũng là tội phản quốc, chỉ trích cũng vậy. Mật vụ vẫn hoạt động, ở đâu cũng có mật vụ, không ai tránh khỏi lưới mật vụ.
Viên sĩ quan ngừng lại một chút, rồi tiếp tục nói một cách thản nhiên. Tuy hai vai gánh nặng quốc gia nhưng Quốc trưởng vẫn đích thân săn sóc anh em binh sĩ. Ông đã quyết định tặng anh em mỗi người một món quà để mang về biếu nhà, như thế để chứng minh rằng ở mặt trận binh sĩ được tiếp tế đầy đủ, họ dư giả để mang về cho dân chúng. Dọc đường ai mà mở gói quà ra sẽ bị trừng phạt nặng. Khi đến ga sẽ có cơ quan kiểm soát lại. Hitler muôn mặt!
Mọi người đều đứng nghiêm. Graber chờ đợi ca bài quốc ca; Đệ tam Đế quốc của nước Đức không hà tiện những bản ca ái quốc. Nhưng không hề có quốc ca, trái lại mới có một mệnh lệnh bất ngờ:
– Những người về nghỉ phép ở Rhénanie bước ra khỏi hàng!
Một vài người bước ra.
Viên sĩ quan nói tiếp:
– Đã bãi bỏ những chuyến xe nghỉ phép đi Rhénanie.
Ông ta hỏi người gần đấy:
– Anh về đâu?
– Cologne.
– Tôi đã nói rằng không được phép về nghỉ ở Rhénanie. Anh lựa nơi khác mà nghỉ.
Anh lính thất vọng vội kêu:
– Quê tôi ở Cologne.
– Tôi nhắc cho anh hay, không được về Cologne, anh có hiểu tiếng Đức không? Anh muốn đến tỉnh nào khác?
– Tôi không muốn đi đâu cả. Vợ con tôi ở cả Cologne. Tôi làm thợ ống khóa ở đây. Giấy phép của tôi cho về Cologne.
– Tôi thấy rồi. Nhưng không được về Cologne! Phải nói bao nhiêu lần nữa anh mới hiểu được là bây giờ tạm thời cấm về Cologne.
– Cấm à? Tại sao lại cấm?
– Anh mất trí rồi à? Ở đây ai là người có quyền hỏi vặn? Anh hay xếp của anh?
Một vị đại úy đến gần viên sĩ quan nói nhỏ mấy tiếng. Viên sĩ quan gật đầu.
– Những người về Hambourg và Alsace nghỉ phép, bước ra khỏi hàng.
Không ai nhúc nhích.
– Những người về Rhénanie đứng lại đây.
Những người khác bước sang bên trái. Tiến, tiến! Lãnh tặng phẩm!.
 
Tất cả đều tụ lại ở sân ga. Những người về nghỉ phép ở Rhénanie cũng trở lại đây sau vài phút.
Anh lùn vội hỏi:
– Có chuyện gì thế?
– Mày nghe rõ cả rồi đấy.
– Mày không được về Cologne, bây giờ mày muốn đi đâu?
– Đi Rothenbourg. Tao có người chị ở đó. Nhưng tao không biết đến Rothebourg để làm gì. Vợ tao ở Cologne. Không biết Cologne làm sao mà cấm không cho ai đến.
Một người trông thấy hai anh mật vụ SS nện gót giày cồm cộp vội kêu lên:
– Coi chừng.
– Tao đếch cần tụi nó! Tao đến Rothenbourg làm khỉ khô gì? Nhà tao ở Cologne cơ mà.
– Có lẽ gia đình mày đã dọn đến Bothebuorg.
– Hẳn là không. Không có chỗ. Vả chăng chị tao và vợ tao hai người không chịu đựng được nhau. Không biết ở Cologne có chuyện gì thế?
Anh thợ khóa nhìn chúng bạn với đôi mắt thất vọng. Mắt anh ta rưng rưng lệ, hai môi dày run run.
– Tại sao ai nấy đều được về thăm nhà mà tôi không được về. Mấy năm trời xa cách. Không biết vợ con ra sao. Thằng con lớn năm nay mười một tuổi rồi!
– Này anh! Anh không làm gì được đâu. Tốt hơn hết là gửi điện tín bảo chị ấy đến gặp anh ở Rothenbourg, không thì khó lòng lắm.
– Thế thì ai chịu tiền tầu? Mà đến đấy thì ăn ở vào đâu?
Anh mặt chuột nói:
– Nếu anh không được phép đến Cologne thì vợ anh cũng không được phép ra khỏi Cologne. Hẳn là phải có lệnh cấm.
Anh thợ khóa mở miệng ra nhưng không nói gì. Sau một phút lặng yên y chỉ nói:
– Có lẽ.
Y quay lại nhìn lần lượt mọi người.
– Không lẽ chỗ nào cũng bị tàn phá cả.
Anh lùn nói:
– Anh nên nghĩ rằng không bị xua trở lại mặt trận cũng là may rồi. Không có gì là lạ hết.
Graber ngồi yên nghe không nói gì cả. Người y run rẩy. Cái lạnh run không phải từ ngoài thấm vào. Sự đe dọa vô hình lẩn quất từ lâu bây giờ lại đè nặng xuống người y. Y cảm thấy nó lại gần, lùi xa rồi trở lại một cách nham hiểm. Nó nhìn y với cả ngàn khuôn mặt mà không có khuôn mặt nào là đích thực. Y đưa mắt nhìn đường rầy chạy biến vào chân trời. Phía chân trời kia là căn nhà ấm cúng, là gia đình sum họp, là yên ổn, là tất cả cái gì còn là vững chắc. Nhưng nhìn về phía tây thì hình như sự đe dọa lại đến với hàng đường rầy thẳng tắp biến vào chân trời. Có lẽ sự đe dọa ẩn náu ở chân trời kia, kinh khủng còn hơn ở tiền tuyến.
Anh thợ khóa than thở:
– Nghỉ phép! Bây giờ còn làm gì được với cái giấy nghỉ phép này!
Mấy người khác nhìn y không nói gì. Có thể nói rằng y mới mắc một bịnh bí hiểm. Hẳn là y không đắc tội, nhưng y đã bị ma trêu quỷ ám, mọi người theo bản năng tìm cách xa lánh. Mọi người mừng rằng không bị tai ách oan trái, nhưng họ cũng cảm thấy bị đe dọa. Tai họa rất hay lây.
Con tàu đi từ từ dưới sân che rồi dừng lại. Thình lình mọi người bị chìm trong chỗ tối mờ, không khác nào người ta vừa kéo màn đen che kín sân ga.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.