Một Thời Để Yêu Và Một Thời Để Chết

CHƯƠNG 14



Elisabeth nói:
– Không có ai cả. Mụ Lieser và cả hai đứa con đều đi rồi. Chúng ta hoàn toàn làm chủ nhà này.
– Tạ ơn Trời! Anh đang lo mình nổi nóng đập chết mụ ta nếu mụ ta còn mở miệng nói càn. Hôm qua em còn cãi nhau với mụ hả?
Elisabeth cười:
– Mụ bảo em là điếm.
– Sao vậy? Chúng ta chỉ ở trong này độ một giờ hôm qua.
– Nhưng vì tối hôm kia và tối hôm trước nữa chúng ta ở đây suốt buổi tối.
– Nhưng chúng ta đã bịt kín lỗ khóa và cho chạy kèn hát không ngừng. Tại sao mụ lại nghĩ có thể như thế được?
Elisabeth nhìn chàng một cách giễu cợt mà rằng:
– Em cũng tự hỏi thế.
Graber nhìn nàng, nàng hơi đỏ mặt. Y tự hỏi: “Không biết tối hôm ấy đầu óc mình để đâu”.
– Tối nay mụ đi đâu?
– Mụ đi quyên các làng. Không biết để cứu trợ mùa đông mùa hạ gì đó. Tối mai mới về. Chúng ta được thảnh thơi cả tối nay lẫn ngày mai.
– Cả ngày mai à. Chủ nhật được nghỉ cho đến khi có lệnh mới.
– Chủ nhật à! Anh quên bẵng đi mất. Vậy thì ban ngày có thể đến thăm em được. Cho đến nay chúng mình chỉ gặp nhau lúc tối.
– Thật ư?
– Thật chứ. Lần thứ nhất vào ngày thứ hai. Chúng ta đi chơi mang theo chai a-ma-nhắc.
– Ừ nhỉ. Em cũng vậy, em chưa từng trông thấy anh ban ngày.
Nàng nhìn y rồi quay mặt đi.
– Chúng ta sống như chim ăn đêm ấy.
– Có thể nào làm khác không?
– Khi nào chúng ta thấy nhau dưới ánh sáng buổi trưa thì chắc là phải lạ lùng lắm.
– Thôi cứ tin ở Thượng đế. Nhưng tối nay biết làm gì? Lại đến tiệm ăn hôm trước? Thật là hú vía. Đáng tiếc rằng lữ quán Germania đóng cửa.
– Ta cứ ở đây. Ta có đủ đồ uống. Để em thử làm bếp một chút.
– Ở đây mà em chịu được à?
– Khi không có mụ Lieser, em có cảm tưởng rằng mình được nghỉ hè.
– Thế thì ở đây. Một tối không có kèn hát. Như thế kể cũng thần tiên lắm chứ. Anh cũng không cần trở lại trại. Nhưng em có biết làm bếp không? Trông em không có vẻ thạo tí nào.
– Thì cứ thử xem. Mấy lại cũng chẳng có gì. Phiếu thực phẩm cho gì thì ăn nấy thôi.
– Có bao nhiêu đâu mà phải lo.
Hai người đi xuống bếp. Y nhìn đồ ăn của Elisabeth. Lỏng chỏng một chút bánh mì, mật nhân tạo, dầu, hai quả trứng và vài củ khoai tây héo.
– Em còn phiếu thực phẩm. Có một cửa tiệm còn mở cửa. Để em đi chợ.
Graber đóng ngăn chạn ăn.
– Thôi, giữ phiếu thực phẩm để dùng sau. Bây giờ đi kiếm thứ khác. Ta phải tháo vát mới được.
– Ta không thể lấy ở đây được. Mụ Lieser có gì mụ nhớ từng li từng tí.
– Chắc thế. Nhưng anh đâu có nói chuyện lấy của ai. Ít ra ngày hôm nay. Để anh đi làm một cuộc tịch thu như lính chiếm đóng nước người. Tối nay Binding có mời anh dự tiệc. Để anh đến lấy phần của anh. Nhà hắn có nhiều thức ăn lắm. Đi độ một giờ thôi.
 
Binding tiếp đón y niềm nở. Anh ta say rượu, mặt đỏ nhừ.
– Anh đến thật là vui vẻ quá. Hôm nay là ngày sinh nhật của tôi. Có mời mấy người bạn.
Trong phòng đầy khói thuốc và tiếng cười nói.
Graber đứng trong hành lang bảo Binding:
– Anh ạ, tôi không thể ở lại được, đi qua đây ghé vào thôi, lại phải đi ngay.
– Đi à. Không có vấn đề đi.
– Anh tha lỗi cho tôi. Tôi có hẹn rồi mới được anh cho biết.
– Không sao. Cứ nói là anh mắc đi họp… hay mắc đi khai cung.
Binding cười.
– Ở đây có hai Cảnh sát Mật vụ, để tôi giới thiệu với anh. Cứ nói rằng anh bị Cảnh sát Mật vụ mời đến. Nói thế cũng không phải là nói dối. Hay là đưa bạn anh đến đây nếu họ vui tính.
– Không thể được anh ạ.
– Sao thế? Đối với tôi không có chuyện không thể được.
Graber nhận thấy tốt hơn hết là nên nói thật.
– Anh biết cho tôi. Tôi không hay hôm nay là sinh nhật anh. Tôi đến đây xin anh chút gì ăn uống. Tôi có hẹn với một người không thể đưa lại đây được. Làm như vậy thì điên quá. Anh hiểu không?
Binding bật cười:
– Biết tẩy cậu rồi. Lại đi với cô nào chứ gì! Tôi bắt đầu nghi anh rồi đó. Ừ như thế thì còn tha thứ được. Tiếc rằng hôm nay nhiều món thú vị lắm. Thử vào coi? Cô Irma kìa nom xem ngon lành không. Cô ta vừa ở trại tập trung về. Cô tóc vàng đi giày ủng đó. Còn cô Gudrnn kia thì nội trong tối hôm nay anh có thể đưa vào giường nằm được ngay. Cô ta vẫn ở đây đợi chiến sĩ ở mặt trận về. Mùi hầm đất làm cô ta khoái lắm.
– Tôi thì không.
Binding bật cười.
– Cả mùi trại tập trung nữa à? Anh chàng mập ụ ngồi kia kìa khoái lắm. Nhưng tôi cũng không thích. Tôi có sở thích bình thường thôi, cái gì êm đềm nhung lụa. Anh thấy cô bé nhỏ ngồi góc kia không?
– Tuyệt!
– Arih muốn à? Tôi nhường cho anh nếu anh ở lại.
Graber lắc đầu.
– Không thể được.
– À tôi hiểu. Anh kiếm được món hạng sang chứ gì. Thế thì anh cũng không đáng trách. Tôi ở địa vị anh tôi cũng làm vậy. Xuống bếp với tôi kiếm cái gì ngon ngon cho nàng. Rồi trở lại cụng ly với chúng tôi, ngày sinh nhật mà. Đồng ý?
– Đồng ý.
Bà quản gia đang bận túi bụi trong bếp.
– Đây có đồ nguội. Anh muốn lấy gì thì lấy. Hay bà quản gia, nhờ bà gói một ít đồ ăn cho ông Graber để tôi xuống hầm kiếm rượu.
Dưới hầm rất nhiều đồ ăn.
– Để tôi lấy cho. Trước hết xúp ba ba đóng hộp. Cứ hâm nóng rồi ăn. Đồ chở thẳng từ Pháp sang. Anh lấy hai hộp đi. Lấy măng Hòa Lan nữa này, ăn nguội hay nóng tùy thích. Kia là dăm bông Tiệp Khắc, phần đóng góp của Tiệp Khắc cho khẩu phần chúng ta.
Y trèo lên cái ghế đẩu:
– Phó mát Đan Mạch và bơ. Cái này để lâu được. À lấy một ít đào si rô nữa, hay nàng của anh thích trái dâu?
Graber nhìn hai chân ngắn ngủn đi giày véc ni cao gót trên chiếc ghế đẩu:
– Giày hai tầng gót vẫn cao hơn một chút chứ anh!
Binding cười.
– Tôi vẫn khoái anh vì anh vui tính. Buồn rầu làm quái gì hả? Ta phải hưởng của trời cho chứ, mặc kệ những thằng ghen ghét chửi bới. Tôi có ý kiến của tôi!
Anh ta bước xuống đi vào hầm trong chứa rượu.
– Đây là chiến lợi phẩm mà. Kẻ thù của ta là tay sành rượu lắm. Anh thích cái gì? Vốt-ca? A-ma-nhắc? Đây cũng là rượu Slivovitz Ba Lan.
Graber không muốn lấy rượu. Đồ lấy trong hầm lữ quán Germania còn nhiều. Binding có lý lắm, chiến lợi phẩm phải để cho mọi người cùng hưởng, mà người ta cũng cần hưởng của trời cho.
– Tôi cũng có sâm banh. Nhưng không ưa lắm. Hình như ái tình không có rượu sâm banh không được phải không? Mang chai này đi và hãy tỏ ra mình đáng mặt ăn chơi với đời.
Y bật cười:
– Anh biết tôi thích gì không? Chỉ thích kummel thôi! Kummel thật lâu ngày, nói nghe thì kỳ thật, nhưng tôi thích là tôi thích. Anh mang một chai về đi, khi nào uống thì nhớ đến A.Binding này nhé!
Y cầm hai chai trở lên bếp.
– Gói làm hai bó bà ạ. Một bó thức ăn, một bó rượu, lót giấy nhiều vào cho đi đường khỏi vỡ. Thêm cà phê nữa, cà phê thứ thiệt đó. Như vậy được không?
Binding hớn hở. Graber nói:
– Mong rằng tôi có sức để mang hết.
– Binding không quên bạn cũ, nhất là ngày sinh nhật.
Anh ta nhìn Graber, hai mắt sáng quắc, má đỏ hây hây. Nom anh ta y như một đứa lấy được một tổ chim. Graber cũng cảm kích vì anh tốt với bạn bè như thế. Nhưng y lại nhớ đến lúc Binding nghe chuyện Heini mà cũng vui vẻ tràn bờ.
Binding nháy mắt ra hiệu:
– Cà phê để đến sáng mai. Mong rằng anh sẽ nằm ngủ cho đến trưa, đừng về trại ngay. Thôi bây giờ vào đây để tôi giới thiệu với bạn tôi, hai người ở Ty Cảnh sát Mật vụ. Quen biết họ có lợi sau này. Anh uống một ly mừng tôi, mừng căn nhà này với những đồ ngon lành cho ta hưởng trong lúc khó khăn này.
Anh ta bỗng trở nên ủy mị:
– Chúng ta là người Đức, chúng ta vẫn không chừa được tính lãng mạn.
Elisabeth lúng túng mà rằng:
– Không thể để tất cả dưới bếp. Phải tìm chỗ cất cẩn thận mới được. Mụ Lieser mụ mà nom thấy thì mụ tố cáo ngay em làm chợ đen.
– Ừ nhỉ! Anh không nghĩ đến. Lấy những món không ưa đem cho mụ để mụ câm mồm có được không?
– Anh thấy có cái gì chúng ta không thích?
Graber cười:
– Chỉ có mật nhân tạo và dầu là không cần. Nhưng mai kia sẽ cần đến.
– Vả chăng cũng khó mà mua chuộc mụ. Mụ lại tự kiêu mà chỉ nhất định sống bằng phiếu thực phẩm.
Graber ra vẻ nghĩ ngợi.
– Từ bây giờ đến tôi mai chúng ta sẽ ăn hết một phần lớn. Nhưng hẳn là không hết. Còn thì cất đâu được?
– Trong phòng em. Để đằng sau sách vở và quần áo. Em cũng còn cái va-li có khóa.
– Nếu mụ lục lọi khắp cả thì sao?
– Bao giờ đi em cũng khóa cửa.
– Sợ mụ có chìa khóa khác.
– Em không nghĩ đến chuyện ấy, chắc mụ có.
Graber mở một chai.
– Chúng tạ được thong thả cho đến tối mai. Hãy bắt đầu ăn cái gì thích nhất. Bây giờ mở hết ra đặt trên bàn như tối Nô-en.
– Cả đồ hộp nữa à?
– Cả đồ hộp. Để nhìn mà. Nhưng ăn hộp nào mở hộp ấy thôi. Tất cả gia tài của mình kiếm được một cách thẳng thắn bằng cách ăn cắp và hối lộ.
– Uống cả rượu của lữ quán Germania?
– Thì hẳn rồi. Đó là giá mấy giờ lo sợ hết hồn trong hầm rượu.
Họ đẩy bàn ra giữa nhà rồi cởi các gói đồ ăn, mở nút rượu Slivovitz, cô-nhắc, kummel. Còn chai sâm banh để lúc ăn xong.
– Trời ơi! Chúng ta giàu quá. Còn tối nay khao gì đây?
Graber đưa rượu cho nàng.
– Khao cả một lượt. Làm gì có thời giờ mà khao riêng từng bữa. Khao cả một thể để mừng được họp mặt với nhau và được hai ngày nghỉ.
Y đi quanh bàn đến ôm lấy Elisabeth. Nàng như bản thân thứ hai của y, phong phú hơn, nồng ấm, sáng sủa hơn, cũng nhẹ nhàng hơn vì không giới hạn, không quá khứ; sống tất cả cho hiện tại không chút thắc mắc. Nàng nép mình vào người Graber. Cái bàn đầy món ăn làm cho căn phòng thêm vẻ long trọng.
– Khao một bữa mà như thế này có nhiều quá không?
Y lắc đầu.
– Anh đã dùng những chữ to tát quá. Thực ra vẫn chỉ là một vấn đề: sự sung sướng vì vẫn còn được sống.
Elisabeth uống một hớp:
– Nhiều lúc em tự hỏi rằng có lẽ chúng ta còn biết hạnh phúc nếu người ta để cho chúng ta sống.
– Em nói đúng.
– Dĩ nhiên trừ kỷ niệm cha em ra còn thì cứ dẹp hết sợ hãi, dẹp hết, như thế em càng được thanh thoát để bắt đầu sống cuộc đời sống khác.
Graber nhìn nàng. Ánh sáng yếu đt từ cửa sổ rọi xuống hai vai. Bên ngoài vọng đến tiếng cuốc và xẻng xúc đất.
– Đưa cho anh chai rượu để ở bồn tắm. Chúng ta uống hết đi trước khi căn nhà này tan thành mớ gạch vụn.
– Chai rượu của lữ quán Germania?
– Phải rồi. Để những chai của Binding vào đấy. Ai đã biết lần bom sắp tới xảy ra lúc nào. Những thứ rượu ấy dễ nổ như lựu đạn. Có ly không?
– Có ly uống nước.
– Uống sâm banh với ly ấy cũng được, ở Ba Lê tụi này vẫn uống như thế.
– À, lúc mới bắt đầu chiến tranh.
Nàng mang ly lại. Y mở nút chai rất cẩn thận. Rượu lóng lánh dưới đám bọt trắng.
– Anh ở Ba Lê bao lâu?
– Vài tuần lễ.
– Ở đấy người ta ghét các anh lắm hả?
– Có lẽ. Anh không nhận thấy, vả chăng tụi này cũng không muốn để ý đến làm gì. Người ta bảo mình thế nào mình cũng tin như thế. Mình chỉ muốn chóng hết chiến tranh để có thể về ngồi phòng trà uống cà phê, uống những thứ rượu chưa biết. Bấy giờ mình còn trẻ quá.
– Trẻ à! Anh nói như cách đây đã mười năm.
– Anh có cảm tưởng ấy thật.
– Bây giờ anh không còn trẻ nữa à?
– Trẻ chứ, nhưng trẻ một cách khác.
Elisabeth giơ ly ra trước cửa sổ, cầm lắc khẽ để xem những hột nhỏ từ đáy ly đưa lên. Graber nhìn vai nàng, nhìn suối tóc đen, đường cong lưng ong, đường lượn hai cẳng. Y nghĩ: “Sao nàng lại nghĩ đến bắt đầu sống lại, khi nàng không còn quần áo, không còn gì dính dáng đến căn nhà này, công việc làm ăn, mụ Lieser? Nàng chỉ là một với ánh sáng lập lòe ngoài cửa sổ, với đêm trường xao xuyến, với thị dục mù quáng xông lên, kế theo đó là sự trống rỗng ngao ngán, với tiếng gọi khan cổ, với tiếng nói mệt nhọc bên ngoài, với đời sống và cũng với những người chết vùi dưới đống gạch vụn còn đang bới lên. Nhưng quả là nàng xa lạ với những ngẫu nhiên phi lý của chiến tranh, với sự khổ cực mà con người phải chịu vô cđ. Dường như nàng không muốn giữ kẽ nữa mà cứ hành động theo sự bó buộc của cuộc đời”.
Nàng nói:
– Em rất tiếc rằng không được ở Ba Lê với anh hồi trước.
– Còn anh, anh muốn mai mốt được sang Ba Lê với em.
– Liệu người ta có ác cảm với mình không?
– Có lẽ không. Chúng ta có tàn phá Ba Lê đâu?
– Đành thế, còn những vùng khác của nước Pháp?
– Cũng không tàn phá nhiều hơn ở các nước khác. Chúng ta lấy nước Pháp mau lắm mà.
– Sợ rằng các anh tàn phá nhiều quá, để họ căm thù bọn mình trong nhiều năm.
– Không biết. Người ta dễ quên khi chiến tranh kéo dài. Có lẽ họ căm thù chúng ta thực sự.
– Em muốn chúng ta đến xứ nào không bị tàn phá.
– Không có bao nhiêu. À còn gì uống không?
– Còn, còn nhiều, ở Ba Lê rồi anh còn đi đâu nữa.
– Sang Phi châu.
– Phi châu nữa à? Chắc anh thấy nhiều, biết nhiều.
– Biết nhiều thật, nhưng không biết như thuở nhỏ mình ao ước.
Nàng cầm lấy chai rượu rót đầy ly. Chàng nhìn nàng làm việc. Tất cả đều có vẻ không thực nhưng không phải vì họ đã chuếnh choáng hơi men. Tiếng nói trôi vật vờ trong bóng tối mờ, còn cái gì thực là quan trọng thì không thể diễn tả bằng lời nói. Cái gì quan trọng phồng ra rồi xẹp lại như con sông lớn, không thể diễn thành ngôn từ, tiếng nói chỉ vật vờ trên sông như những cánh buồm trắng lướt đi.
– Anh còn thấy những xứ khác không? – Nàng hỏi.
“Những cánh buồm trắng trôi trên sông” Graber nghĩ vậy. Chàng trả lời nàng:
– Xứ Hòa Lan. Ấy là lúc mới có chiến tranh. Thuyền bè lướt đi trên những con kinh, mặt nước cũng cao ngang với đồng ruộng, người ta có cảm tưởng thuyền bè đi trên ruộng vậy. Thuyền trôi lặng lẽ, buồm căng trước gió, đến chiều nom thật lạ mắt, nom như những con bướm cánh lam và trắng.
Nàng mơ mộng:
– Xứ Hòa Lan. Hết chiến tranh chúng ta có thể sang chơi Hòa Lan, ăn bánh bột mì và các loại pho mát Hòa Lan, đến chiều chúng ta sẽ đi xem thuyền bè trên kinh.
Chàng nhìn nàng và nghĩ thầm: Nàng chỉ nghĩ đến ăn. Hạnh phúc bây giờ gắn liền với thực phẩm.
Nàng lại nói:
– Mong rằng người Hòa Lan không ác cảm chúng mình.
– Có thể lắm. Chúng ta đã chiếm Hòa Lan và phá thành Rotterdam mà không khai chiến. Anh đã trông thấy cảnh điêu tàn. Không có một cái nhà nào đứng vững. Ba chục ngàn người chết. Có lẽ ở đấy người ta cũng không ưa mình đâu.
Một lúc yên lặng. Bất thần nàng cầm cái ly ném mạnh xuống sàn.
– Như vậy thì còn mơ ước làm gì! Chúng ta không thể đi đến đâu được, không ai ưa ta, ở đâu người ta cũng chửi rủa mình!
Graber ngồi xuống bên giường. Hai mắt người thiếu nữ sáng như thủy tinh trong ánh sáng mờ rung rinh từ ngoài tràn vào. Chàng cúi mình gần nàng và xem xét dưới sàn:
– Chúng ta phải thắp đèn lên để nhặt hết mảnh thủy tinh kẻo giẫm phải thì đứt nát chân. Đợi chút, anh ra đóng cửa lại.
Y đứng dậy. Elisabeth vặn đèn và choàng cái áo lên mình. Ánh sáng làm cho nàng e thẹn.
– Đừng nhìn em. Không biết sao em lại làm thế này. Xưa nay em có nóng nảy như thế bao giờ!
– Có lẽ có chứ! Cái không phù hợp với em là cuộc sống ở đây. Như vậy có gì là lạ nếu thỉnh thoảng em đập phá một chút.
– Em muốn biết cái gì phù hợp với em ở đâu!
Graber cười.
– Anh cũng vậy! Có lẽ là một rạp hát xiệc, hay một cái lều căng ngoài trời, hay một phòng trà Mỹ. Dầu sao thì cũng không phải là căn phòng ngăn nắp của con gái như căn phòng này. Thế mà tối thứ nhất đến đây anh tưởng em mồ côi không ai săn sóc!
– Đúng thế em mồ côi, không ai săn sóc thật.
– Thì anh cũng thế.
– Chúng ta ai cũng thế cả. Nhưng chúng ta vẫn sống được không cần ai giúp đỡ cả.
Y trải một tờ nhật trình xuống sàn rồi lấy tờ khác vun hết mảnh ly vỡ vào đó. Tình cờ y đọc những hàng tít lớn nơi trang nhất. Thâu hẹp thêm phòng tuyến. Kịch chiến trong vùng Orel. Y gập tờ nhật trình lại bỏ vào sọt rác. Bầu không khí ấm áp trong phòng bỗng tăng bội tiện nghi. Người ta còn nghe tiếng cuốc và tiếng hốt gạch của toán người dọn dẹp. Đồ ăn của Binding cho vẫn bày khắp mặt bàn.
– Để em dọn dẹp đi. Em không muốn nhìn những vật này nữa.
– Dọn đi đâu?
– Cất vào bếp. Từ đây đến chiều mai còn kịp thì giờ để mang đi chỗ khác.
– Đến chiều mai chắc không còn gì. Nhưng sợ mụ Licser về sớm hơn.
– Kệ mụ.
Graber ngạc nhiên nhìn nàng. Nàng thấy thế bèn nói:
– Em không cần để ý đến mụ nữa. Chính em cũng ngạc nhiên rằng mới từ hôm qua đến giờ mình đã thay đổi hẳn.
– Có lẽ nên nói thay đổi từng giờ.
– Còn anh?
– Anh cũng thế, cũng thay đổi.
– Anh bằng lòng thế à?
– Ừ. Mà không bằng lòng thì cũng chẳng có gì là quan trọng.
– Bây giờ chẳng có cái gì là quan trọng cả.
– Có chứ.
– Chúng ta có thể mở cửa sổ.
Graber mở cửa sổ. Một luồng gió lạnh ùa vào thổi phồng màn cửa.
– Trời sáng trăng.
Nàng loan báo với giọng trịnh trọng khôi hài.
Mặt trăng đỏ lòm xuất hiện trên một mái nhà đổ nát. Đầu một con quỷ đang gặm nhấm căn nhà bằng răng nhọn. Graber lấy hai ly uống nước rót rượu cô-nhắc ra, đưa một ly cho nàng.
– Uống đi em. Rượu nho không phải để uống trong tối.
Trăng vẫn lên dần. Ánh vàng thêm lộng lẫy, chị Hằng có vẻ uy nghi. Họ ngồi bên nhau im lặng trong chốc lát. Nàng quay đầu lại:
– Era thường tự hỏi không biết chúng mình sung sướng hay khổ sở.
Graber nghĩ ngợi.
– Vừa sướng lẫn khổ. Có lẽ không tránh được. Ngày nay chỉ có bò cái là sung sướng. À, còn đá nữa, có lẽ đá cũng sung sướng.
– Cái đó cũng không có gì là quan trọng phải không anh?
– Không.
Graber trả lời trong khi hai mắt chìm trong ánh trăng vàng dần dần tràn ngập căn phòng.
– Vậy theo anh cái gì quan trọng?
– Cái quan trọng là chúng ta không chết nữa, mà chúng ta cũng chưa chết.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.