Không còn có thể nhìn rõ ai nữa, cũng không thấy rõ đồng phục nữa. Chỉ còn cái mũ và tiếng nói để giữ sự liên lạc giữa mọi người. Hầm đã sập từ lâu. Mặt trận chỉ còn là một dãy những hầm hố bom đạn cày lên. Bây giờ chỉ còn có đêm dài, máy bay gầm thét, súng nổ, bùn vọt lên cao như núi, và mưa như trút nước. Trời đã sập vì bom đạn, chỉ còn có mưa thác lũ, bom và đạn.
Đèn rọi móc mói mãi đám mây rách mướp. Cao xạ nổ rền, chân trời rung rinh sau những tiếng nổ. Máy bay bốc lửa như bó đuốc lướt qua đêm như sao chổi. Từng con sứa lửa bùng lên lại tắt đi trong không thẳm.
Đã mười hai ngày nay tình thế găng như vậy. Mặt trận đứng vững trong ba ngày. Pháo đài chịu đựng được trọng pháo không hư hại mấy. Nhưng rồi những công sự ở gần địch nhất bị tiêu hủy. Chiến xa địch chọc thủng phòng tuyến tiến thêm vài cây số thì ngưng lại vì đụng độ với dụng cụ chống chiến xa. Sáng hôm sau còn thấy cháy, có cái bị lật ngược lên như những con bọ hung khổng lồ, từng đội quân tiến lên để đặt lại dây điện thoại. Làm việc ở chỗ trống trải trong hai giờ chết mất một nửa nhân số. Từng đợt oanh tạc cơ từ trên trời nhào xuống làm thịt các pháo đài. Trong sáu ngày, phân nửa các pháo đài không dùng được nữa, chỉ có thể dùng để núp. Đến ngày thứ bảy quân Nga xung phong nhưng bị đẩy lui. Rồi mưa xuống như thác lũ. Người ngợm nom không còn ra hình thù gì nữa. Họ bò trong những hầm hố bùn lầy, như ốc sên đồng một màu xám. Toán quân chỉ còn được hai khẩu đại liên đặt trên lô cốt đã bị phá hủy và vài khẩu súng cối. Một vài người núp dưới hố hay sau mảnh tường. Rahe chỉ huy một lô cốt. Mass chỉ huy lô cốt kia.
Họ giữ được vị trí ấy trong ba ngày dưới trời mưa tầm tã. Đến ngày thứ hai đã gần hết đạn. Quân Nga chỉ việc tiến vào là xong. Nhưng họ không xung phong. Đến chập tối máy bay Đức nhờ còn chút ánh sáng ngày thả dù xuống lương thực và đạn dược. Đến đêm thì quân tiếp viện đến.
Công binh đắp vội ụ đất và thân cây. Đại liên và súng cối đặt thành giàn. Một giờ sau có trận xung phong của địch, vị trí bị đánh bất thần. Một số lựu đạn không nổ. Quân Nga lăn xả vào.
Qua lằn sáng và tiếng nổ tạc đạn. Graber trông thấy một cái mũ đặt trên đôi mắt trắng dã và cái miệng đen thui. Một cánh tay bật ra khỏi người như một cành cây tươi đen thui. Y giật lấy một trái lựu đạn trong tay một người tân binh đứng đằng sau ném về phía hình người trước mắt. Lựu đạn nổ. Y quay lại bảo gã kia:
– Xoay dần ốc cái ngòi ra chứ đừng nhắm mắt vào mà lôi thế!
Trái lựu đạn thứ hai không nổ! Y thoáng nghĩ:
– Phá hoại! Tù binh xưởng đúc đạn phản mình rồi!
Ném một trái khác rơi tõm xuống bùn trong khi lựu đạn của Nga bay đến. Không khí chuyển động và tiếng nổ phát ra trong khi một lớp bùn trùm kín hết người Graber. Y nhỏm dậy bảo người tân binh:
– Mau, trái lựu đạn khác!
Chỉ khi không nghe tiếng trả lời, y mới quay lại thì không thấy ai nữa. Đống bùn lỏng, dưới hố sâu máu đỏ ngầu.
Y thò tay xuống hố lôi lên một cái dây lưng và tháo lấy hai trái lựu đạn. Vừa định đứng dậy lại thấy hai bóng đen đi qua đầu và vượt qua hố. Y lại ngồi xuống.
– Bị nhốt ở đây như con chuột rồi.
Y leo lên rìa hố. Không động đậy thì bùn bám đầy người làm cho không ai trông thấy. Một trái sáng làm hiện rõ xác người tân binh. Người anh ta tan nát vì anh ta đỡ hết cho Graber.
Y nằm dài ra, đầu áp xuống đất. Khẩu đại liên ở lô cốt bên phải nhả đạn, rồi đến lượt ổ ở lô cốt bên trái. Trong lúc liên thanh hoạt động thì y chưa đến nỗi nguy. Liên thanh bảo vệ cho cả khoảng đất giữa hai lô cốt. Vả chăng không thấy quân Nga xuất hiện. Chỉ có một vài người lẻ tẻ chắc là đã vượt qua hàng rào. “Mình phải đến gần một lô cốt”. Đầu óc y rối beng, y gần như đã chết một nửa. Nhưng trong lúc nửa tỉnh nửa mê, một vài ý nghĩ hiện lên sáng sủa hoàn toàn. Đó là sự khác biệt giữa một người lính tinh nhuệ và một người tân binh. Sự kinh khủng làm người lính mới tê liệt hẳn. Graber biết rằng mình vẫn còn mưu kế cuối cùng là giả bộ chết nếu quân Nga đến. Khó lòng mà trông thấy mình trong đám bùn lầy. Tuy nhiên, càng đến gần lô cốt, sau này càng có hy vọng trở về đơn vị.
Y nhảy sang một hố bên cạnh, nằm ép xuống đất rồi ngã xuống một hố nước. Một lát sau lại bò đi. Đến hố sau thấy có hai xác chết. Y nằm đợi. Sau nghe tiếng lựu đạn nổ và có lửa sáng ở pháo đài bên trái. Bây giờ họ tấn công cả hai bên. Liên thanh nổ dòn. Lát sau lựu đạn im hơi nhưng trên lô cốt súng vẫn bắn. Graber tiến thêm nữa.
Y biết rằng quân Nga sẽ còn tấn công. Quân Nga sẽ cho rằng những hố lớn sẽ có người núp. Tốt hơn hết là chọn những hố nhỏ. Y kiếm một hố nhỏ và đứng đợi. Mưa rào đổ xuống. Liên thanh im bặt. Bấy giờ pháo binh Nga mới lại hoạt động. Một trái đạn rớt trúng lô cốt bên phải, lô cốt hình như cất bổng lên không. Mặt trời mọc lên, ẩm ướt và nóng hổi.
Graber tìm được Sauer và hai người tân binh sau một chiến xa hư hại trước khi trời sáng hẳn. Sauer chảy máu mũi lênh láng. Một trái lựu đạn nổ ngay cạnh anh ta, một tân binh vỡ bụng đang lấy tay cầm khúc ruột, nước mưa rớt vào mà không có gì để bó lại. Vả chăng bó cũng vô ích, chết được càng sớm càng hay. Người tân binh khác gãy chân vì té xuống hố. Không biết chỉ có nước với bùn mà sao té đến nỗi gãy chân được. Trong một chiến xa bể tung người ta còn thấy xác đen thui mấy người xạ thủ. Xác một người vắt vẻo nửa trên xe nửa dưới đất. Một nửa mặt bị cháy, nửa kia sưng húp, tím bầm, nứt nẻ. Hàm răng trắng lờ mờ như phấn viết bảng.
Một liên lạc viên đến pháo đài bên trái hô lên:
– Tụ họp lại pháo đài. Còn ai ở trong hố không?
– Không thể biết được. Có cứu thương không?
– Chết hay bị thương cả rồi.
Liên lạc viên bò sát đất lui ra.
Graber bảo người bị lòi ruột.
– Để kiếm cho anh ta một y tá nếu không chúng tôi đi tìm đồ băng bó. Chúng tôi trở lại ngay.
Người bị thương không nói gì cả. Y nằm co quắp trong đất ẩm, hai môi tái nhợt. Graber bảo người gãy chân:
– Bùn nhiều quá không thể kiếm được miếng vải bố. Anh tựa vào chúng tôi mà nhảy theo bằng chân kia.
Họ kéo nhau từ hố này sang hố khác, đi rất chậm. Mỗi bước đi người bị thương rên la. Đến sau chân y trẹo đi, không bước được nữa, đành phải bỏ lại gần một bờ tường. Hai người để chiếc mũ của y lên trên cho dễ nhận. Hai cái xác người Nga nằm ngay cạnh; một người mất đầu, người kia nằm sấp trên vũng máu.
Hai người trông thấy nhiều người Nga khác rồi đến người Đức. Đại úy Rahe bị thương. Cánh tay trái quấn tạm một miếng băng. Ba người bị thương rất nặng, quấn trong tấm bố để dưới trời mưa. Một giờ sau, một chiếc tàu bay là là ném vài gói xuống, nhưng rớt xa quá gần phòng tuyến Nga.
Thêm bảy người nữa về đến nơi. Những người khác tụ tập ở lô cốt bên phải. Trung úy Mass bị giết. Trung sĩ Rienecke bây giờ cầm quyền chỉ huy. Gần như không còn đạn. Súng cối không dùng được nữa, nhưng hai khẩu đại liên và hai khẩu tiểu liên còn dùng được.
Mười người quân cảnh đến nơi, mang theo đạn dược, đồ hộp và cáng để khiêng thương binh. Hai người khiêng thương binh đi được độ một trăm thước thì trúng đạn tan xác. Suốt buổi sáng ấy, đạn trọng pháo bắn sang, cắt đứt liên lạc với hậu tuyến.
Đến trưa trời hết mưa. Mặt trời hé rạng làm oi bức ngay. Đất bùn bắt đầu nứt nẻ, Rahe nói:
– Họ sắp tấn công bằng chiến xa nhẹ, nếu không mang súng chống chiến xa lại thì nguy.
Bom vẫn dội xuống. Quá trưa một chiếc phi cơ vận tải xuất hiện. Nhiều chiếc khu trục hộ tống.
Máy bay địch xuất trận, hai chiếc bị hạ, rồi đến lượt hai chiếc khu trục hộ tông phát hỏa rớt xuống. Chiếc phi cơ vận tải phải quay đầu lại. Họ thả đồ tiếp tế xuống xa hơn, ở phía sau. Máy bay khu trục vẫn tiếp tục chiến đấu. Tuy bay nhanh hơn nhưng một phải địch với ba, họ đành phải rút lui.
Ngày hôm sau, xác chết bắt đầu thúi. Graber đã tìm được một chỗ trong pháo đài. Còn được hai mươi hai người. Reinecke cũng tụ tập được một số là một trăm hai.
Họ ngồi lau chùi súng. Bùn giắt vào khắp mọi chỗ Graber không nghĩ gì nữa. Y chỉ còn như cái máy, biết ăn, ngủ, chờ đợi, tự nhiên phản ứng đúng mức khi có nguy hiểm.
Sáng hôm sau, chiến xa xuất hiện. Suốt đêm trọng pháo, súng cối và đại liên đã cô lập mặt trận với hậu tuyến. Đường dây điện thoại luôn luôn được sửa lại. Trọng pháo Đức chỉ yếu ớt so với trọng pháo Nga. Pháo đài trúng đạn hai lần nữa nhưng vẫn đứng vững. Thực ra chỉ còn là một khối xi-măng lắc lư trên mặt bùn lầy như con thuyền trong cơn bão. Nửa tá đạn sát nách đã làm nền móng lung lay. Mỗi lần nổ người ta lại bị ném mạnh vào tường.
Graber bị toạc một miếng vai nhưng không có thì giờ băng bó, chỉ kịp đổ một chút rượu cô-nhắc vào vết thương.
Chiếc pháo đài vẫn đảo đồng đảo địa. Không còn là con thuyền trong cơn bão nữa, bây giờ là chiếc tiềm thủy đỉnh bập bồng dưới đáy biển đèn đóm tắt hết. Thời gian cũng không còn nữa, thời gian cũng bị bom tiêu hủy. Người ta ngồi dí trong bóng tối mà đợi. Đối với Graber, không còn thành phố nhỏ y vừa sống cách đây mấy ngày, không làm gì còn nghỉ phép chưa bao giờ có Elisabeth. Chỉ còn một giấc mơ vô nghĩa sự chết và sự sống. Chỉ còn cái pháo đài tối tăm và vang dồn tiếng sấm.
Chiến xa nhẹ chọc thủng phòng tuyến vào, theo sau là pháo binh. Người ta để cho chiến xa đi lọt rồi khai hỏa vào pháo binh. Nòng súng đã đỏ lên nhưng vẫn bắn. Pháo binh Nga phải im tiếng. Hai chiếc chiến xa lại gần. Vì không có súng chống chiến xa nên nó tiến dễ dàng. Sườn sắt dày quá, súng liên thanh vô hiệu. Chỉ còn cách nhắm vào cửa mà bắn nhưng may mới trúng được. Chiến xa tìm cách ra khỏi tầm súng rồi đến lượt nó khạc đạn. Pháo đài rung rinh. Bên trong bê-tông nứt rạn.
Reinecke hô lên:
– Lựu đạn!
Y cầm một bó để lên vai rồi tìm lối ra. Giữa hai loạt súng y thoát ra được. Rahe ra lệnh:
– Liên thanh nhắm chiến xa làm đích!
Rahe định bắn yểm trợ cho Reinecke để anh ta lượn đường vòng đến gần chiến xa dùng lựu đạn phá hủy. Hy vọng rất mong manh. Chiến xa đã khai hỏa. Nhưng một lát thì một chiếc im bặt. Không ai nghe nổ.
Immermann la lên:
– Trúng rồi!
Không phải là một người cộng sản chiến đấu cho đồng chí nữa, bây giờ y là người chiến đấu để tự vệ.
Chiếc chiến xa dừng lại. Đại liên tập trung hỏa lực vào chiếc xe, chiếc kia quay lại rồi biến mất.
Rahe nói:
– Có sáu chiếc vượt phòng tuyến. Chắc rồi chúng sẽ trở lại. Bắn cho thỏa thích! Phải cản đường pháo binh của họ.
– Reinecke đâu rồi.
Immermann hỏi trong lúc im tiếng súng.
Không ai trả lời. Reinecke không bao giờ trở lại…
Họ giữ vững suốt buổi quá trưa. Pháo đài gần như nát vụn nhưng đại liên vẫn hoạt động tuy thưa thớt hơn. Đạn dược cạn dần. Người ta mở đồ hộp ra ăn và lấy nước ở một cái hố gần bên. Hirschland bị một viên đạn xuyên qua tay.
Trời nóng bức. Trời vẫn mây sáng chói. Pháo đài nồng nặc mùi khói và máu. Bên ngoài, xác chết đã trương lên. Người nào ngủ được cố ngủ một chút. Không ai biết còn lối rút lui hay đã bị cắt đứt rồi.
Đến tối lửa cháy lan rộng rồi tắt hẳn. Mọi người xô nhau ra ngoài, đợi một cuộc xung kích. Không có gì cả. Yên lặng trong hai giờ đồng hồ. Chờ đợi trong sự yên lặng như thế còn mệt sức hơn là lâm chiến.
Pháo đài chỉ là một khối bê-tông gióng sắt không ra hình thù gì cả. Đành phải bỏ. Có sáu người chết và ba người bị thương. Đến ba giờ sáng họ thử ra ngoài. Họ kéo được một người bị thương đi vài trăm thước thì y tắt thở, bấy giờ mới bỏ lại.
Quân Nga lại đánh. Đơn vị còn hai khẩu liên thanh. Họ để lên miệng hố và đẩy lui địch. Xong rồi lùi lại. Quân Nga tưởng họ còn đông và nhiều súng đạn. Chính vì thế mà họ thoát chết. Đến lần nghỉ sau, Sauer bị đạn trúng đầu chết ngay. Xa xa một chút, Hirschland ngã gục ra đằng trước rồi dần dần quay lại và không động đậy nữa. Graber kéo y xuống một hố, cả hai người cùng lăn xuống. Ngực Hirschland bị đạn xuyên qua. Graber lấy trong túi y ra cái bóp đã đẫm máu. Bây giờ thì chẳng cần cải chính giấy báo tin của Steinbrenner gửi cho mẹ Hirschland.
Họ về đến tuyến thứ nhì. Chẳng bao lâu họ nhận được lệnh tiếp tục rút lui. Đơn vị được rút về không phải chiến đấu nữa.
Họ tập hợp lại xa cách nơi trước vài cây số. Đơn vị chỉ còn có hơn ba mươi người. Ngày hôm sau, viện binh đến lại tăng nhân số lên một trăm hai.
Graber lại gặp Fresenburg trong một bịnh xá ở thôn quê. Một cái nhà gỗ cất tạm. Anh ta bị nát chân trái.
– Họ muốn cưa đi. Thầy thuốc cù lần quá, không biết làm gì hơn. Tôi được phép tản cư vào ngày mai. Tôi muốn được ông thầy kinh nghiệm hơn xem lại trước khi định cưa hẳn.
Fresenburg nằm ở một góc giường cạnh cửa sổ trông ra cánh đồng. Đồng cỏ điểm hoa xanh, đỏ, vàng, bát ngát tận chân trời. Trong nhà nồng nặc mùi nước tiểu, thuốc mê và chết chóc.
Fresenburg hỏi:
– Bây giờ đại uý Rahe thế nào?
– Bị thương cánh tay. Xương không gãy.
– Ông nằm nhà thương à?
– Không, ông muốn ở lại với anh em.
– Tôi cũng ngờ ông ta sẽ làm thế.
Fresenburg nhăn mặt. Một nửa mặt mỉm cười, còn nửa kia có cái sẹo lớn không để lộ gì cả.
– Có những người như vậy đó. Rahe thuộc số người ấy.
– Sao vậy?
– Ông ta chán cuộc đời rồi. Không còn hy vọng gì nữa. Không tin tưởng gì nữa.
Graber nhìn bộ mặt xám xịt.
– Còn anh?
– Tôi thì tôi không biết. Tôi chỉ biết bây giờ phải tính cho xong chuyện này đã.
Y nói rồi chỉ cái chân đau.
Một làn gió ấm áp và thơm tho từ ngoài cửa đưa vào.
– Lạ nhỉ? Bì bõm trong tuyết thì người ta đâm ra tin tưởng rằng ở xứ này không làm gì có mùa hạ. Ấy thế mà bây giờ nó đến bất ngờ!
– Thế đấy!
– Ở nhà thế nào?
– Tôi cũng không biết. Tôi không thể nối liền hai mảnh rời lại với nhau: nghỉ phép và mặt trận. Lúc đầu thì còn được. Bây giờ thì khác nhiều quá rồi. Tôi không biết đâu là sự thật.
– Bây giờ còn ai biết nữa.
– Trước thì tôi tưởng rằng tôi biết. Ở nhà cái gì cũng rõ ràng. Nhưng chỉ biết trong ít lâu, vả chăng bây giờ xa rồi. Bấy giờ tôi cũng yên chí rằng mình không giết người nữa.
– Không phải chỉ có mình anh.
– Thì vẫn thế! Anh đau lắm không?
Fresenburg lắc đầu:
– Ở đây có thuốc tê, thật không ngờ. Người ta mới chích cho một mũi. Vẫn đau đấy nhưng hình như là người khác đau. Tôi còn một hay hai giờ nữa để suy nghĩ.
– Có chuyến xe hỏa cho thương binh?
– Không, chỉ có xe hơi cứu thương chở tới trạm y tế gần nhất.
– Anh sắp đi rồi. Chỉ còn có mình tôi là cựu trào trong đơn vị.
– Có lẽ họ sẽ chữa cho tôi lành lặn rồi lại gửi về đây.
Hai người nhìn nhau. Họ đều biết rằng không thể có chuyện ấy. Fresenburg nói:
– Tôi vẫn thử tin như thế. Ít nhất trong những giờ có thuốc tê. Một giai đoạn sống, kể ra thật ngắn ngủi hé! Rồi thì xảy ra cái gì mình không biết trước được. Tôi ra trận chiến này là lần thứ hai rồi.
– Sau này anh định làm gì. Anh có tính làm gì sau này không?
Fresenburg khẽ mỉm cười.
– Trước hết tôi phải biết rõ họ định xử trí thế nào với trường hợp tôi. Lúc này tôi chỉ biết chờ đợi. Tôi không nghĩ rằng sẽ được giải ngũ. Tôi tin rằng còn lâu. Rồi họ sẽ lại giữ tôi ở lại để dâng toàn vẹn đời sống mình cho họ. Bây giờ họ mới chiếm được một nửa. Tôi phải làm quen với ý nghĩ ấy. Rắc rối lắm. Tôi đã định làm cho những chuyện khốn nạn này không dây dưa gì đến tôi nữa, tôi sẵn sàng trả giá ấy rồi không nói gì đến nữa. Bây giờ mình lại sa lầy ngập đến tận cổ! Người ta dễ cho rằng chết là hết, chết xóa bỏ hết, cái gì đến lúc chết cũng thế thôi… Nhưng nói thế chỉ là nói tầm bậy! Tôi mệt lắm anh ạ. Tôi sẽ cố gắng ngủ một chút trước khi lại cảm thấy mình tàn tật. Chúc anh may mắn!
Y đưa tay ra bắt tay Graber. Graber nói:
– Chúc anh may mắn.
Y lại nói tiếp:
– Tôi cứ làm như mình là mảnh ván muốn trôi đâu thì trôi. Dễ lắm. Cứ việc làm theo bản năng sinh sống tối sơ. Ngày xưa thì khác, ít ra người ta cũng tin tưởng rằng mình còn một chỗ kín đáo trong tâm hồn để hy vọng, để được tự do. Nhưng không sao, dầu sao người ta cũng vẫn có thể tự ý muốn chấm dứt cuộc đời. Nhưng không bao giờ người ta nghĩ đến cả. Tuy nhiên, ta thử nghĩ xem, đó là một năng khiếu trời phú cho cũng như trời cho ta có lý trí vậy.
Graber lắc đầu.
Fresenburg mỉm cười nửa mặt và nói:
– Anh có lý. Đấy không phải là một giải pháp. Tốt hơn hết là hành động để những thảm họa đừng tái diễn.
Fresenburg ngả đầu xuống gối. Bất thần anh ta ra vẻ đuối sức Khi Graber trở lại như trước khi ra ngoài thì hai mắt Fresenburg đã từ từ nhắm lại.
Graber trở về làng. Hoàng hôn nhuộm phớt hồng trời chiều hạ. Đã hết mưa. Bùn khô lại. Cây cỏ và hoa lá thi nhau mọc kín các ruộng bỏ hoang. Ngoài mặt trận, tiếng súng nổ vẫn vang động. Tất cả cái gì cũng lạ lùng, không cùng một kích thước với một chút gì quen thuộc. Graber biết cảm tưởng ấy. Y đã nhiều lần cảm thấy trong những đêm bất thần tỉnh dậy không biết mình ở đâu. Hầu như rớt ra ngoài thế gian và một mình bồng bềnh trong đêm dài vô hạn. Ảo giác không lâu, y tìm thấy ngay một điểm tựa, một cái mốc; nhưng mỗi lần như thế vẫn để lại một niềm khắc khoải, niềm khắc khoải sợ rằng không có ngày trở lại trái đất.
Y không sợ gì cả; y chỉ co rúm lại thôi, như đứa trẻ xa lạc vào rừng hoang mông mênh. Y đút tay vào túi và nhìn quanh, vẫn là cảnh tượng quen thuộc: tàn phá, ruộng hoang, cảnh mặt trời lặn xứ Nga, và xa xa bắt đầu thấy rõ ánh lửa tái mét ngoài mặt trận. Tất cả vẫn còn nguyên đấy, và cũng như những buổi chiều khác, thất vọng giá băng như đâm thủng trái tim.
Y sờ thấy bức thư của vợ trong túi. Lời lẽ nàng dịu dàng thắm thiết, man mác hương tình. Nhưng đó chỉ là ánh lửa ma trơi trên đồng lầy, y càng tiến lại gần đồng lầy càng tối tăm mù mịt. Y đã thắp một ngọn đèn trước khi xây được nhà. Ngọn đèn sáng trong một túp lều đổ nát không làm cho ấm áp mà chỉ làm thêm vẻ quạnh hiu. Y đã làm việc nhanh quá, vội quá, bây giờ y mới biết thế.
Y đã cố gắng không nhìn sự vật như vậy. Nhưng rốt cuộc phải chấp nhận một điều hiển nhiên tất cả những cái đáng ra nâng đỡ mình, giúp mình sống, đem lại cho mình một điểm tựa, một mấu chốt, lại làm cho mình thêm cô lập. Điểm sáng yếu ớt làm ấm lòng đồng thời cũng làm mềm lòng. Đó chỉ là một chút hạnh phúc riêng rất mong manh. Một cái kim biến dạng giữa đồng lầy mênh mông đau khổ và thất vọng. Y mở thư vợ ra đọc lại một lần nữa. Tia nắng quái chiều hôm nhuộm hồng tờ giấy. Y đã thuộc lòng rồi nhưng còn đọc lại, sự cô đơn đè nặng xuống lòng như một phiến chì. Hạnh phúc tình yêu đã quá ngắn ngủi, y đã bất lực trước sóng đời mạnh như thác lũ. Hạnh phúc trong lòng mấy ngày nghỉ phép, nhưng đời lính phải tính bằng những ngày chiến đấu chứ đâu có tính bằng những ngày nghỉ phép.
Y cất thư vào túi áo, cùng với thư cha mẹ tìm thấy ở văn phòng. Fresenbur đã có lý, không nên nghĩ ngợi gì cả, phải khiêm tốn mà bước từng bước đi chứ đừng đặt câu hỏi về số mệnh, sống còn hay tử vong. Nguy hiểm xưa nay vẫn có những cái bó buộc tỉ mỉ và đích xác. Tại sao phải cứ phải nghĩ mãi đến Elisabeth làm như đã mất hẳn nàng rồi? Nàng vẫn còn sống, thư của nàng trong túi kia thôi!
Đã trông thầy làng. Làng vắng tanh và trơ trụi. Những làng mạc này hầu như không bao giờ người ta muốn tái thiết. Một lối đi giữa hai hàng cây đưa đến một căn nhà sơn trắng. Hẳn là trước kia xung quanh có vuờn, đó đây một vài bông hoa quý ở giữa những bụi cỏ dại, một pho tượng dựng gần một hồ nước đọng. Tượng hình thần Pan thổi sáo. Nhưng tiếng sáo thần đã im bặt từ lâu, trong vườn hoang một vài tân binh hái những trái anh đào còn xanh.