Một Thời Để Yêu Và Một Thời Để Chết

CHƯƠNG 9



Ba ngày sau. Trong phòng 48, bốn người ngồi đánh bài xung quanh một cái bàn. Họ chơi đã hai ngày liền, chỉ ngừng lại để ăn và ngủ. Ba người đã nhường chân cho người khác, nhưng người thứ tư vẫn ngồi lỳ. Tên y là Rummel, y nghĩ phép về từ ba ngày trước, về đến nơi vừa kịp chôn vợ và con gái. Y nhận ra vợ vì một vết sẹo ở háng, vợ chỉ còn là cái xác không đầu. Y không nói với ai lời nào. Y ngồi yên lặng, gan lì, nhúng mũi vào đám bài. Y đánh bài như thế liên miên.
Graber ngồi gần cửa sổ. Bên cạnh là một binh nhất, chân băng bó đặt trên chiếc ghế đẩu, tay cầm chai bia. Y là người ở phòng này lâu nhất, y mắc bệnh phong thấp. Phòng 48 vừa là nơi chứa lính nghỉ phép ngộ nạn, vừa dùng làm phòng chữa trị cho người bị thương nhẹ. Ở một góc nhà, một trung sĩ nằm ngáy, y muốn ngủ suốt ba tuần lễ nghỉ phép cho đã để bù lại ba năm thức ở mặt trận. Y chỉ thức dậy ăn cơm rồi lại ngủ. Graber hỏi:
– Bottcher đâu rồi? Chưa về à?
– Nó đi về làng, nó mượn được cái xe đạp. Mỗi ngày có thể đi khắp hai làng, còn nghỉ mười hai ngày nữa. Còn những trại cứu tế cách xa nhau hàng trăm cây số có đoàn xe lui tới. Không biết nó có đến đó không?
– Tôi có viết thư đến bốn trung tâm cứu tế hỏi tin vợ hắn và cha mẹ tôi.
– Anh tưởng người ta sẽ trả lời anh à?
– Không chắc. Nhưng mình viết thì cứ viết.
– Anh đưa thư cho ai?
– Văn phòng trung tâm, từ đấy sẽ chuyển đến tay người nhận thư.
Graber lôi trong túi ra một xấp thư:
– Đây tôi mang thẳng ra bưu điện.
– Hôm nay anh đi đâu?
– Đến trường học và sân thể thao gần nhà thờ. Tôi cũng đến hỏi trung tâm đưa tin cho dân tị nạn nhưng không thấy gì cả.
Một người đánh bài nhường chân cho người khác đến ngồi cạnh, bảo Graber:
– Tôi không hiểu sao được nghỉ phép lại còn đến ở trại lính. Như tôi thì tôi tránh xa cái gì có hơi hướng quân đội, càng xa càng hay. Tôi sẽ thuê một căn phòng, ăn mặc đồ dân sự, trở lại làm người trong mười lăm ngày.
– Anh tưởng rằng cứ ăn mặc dân sự là trở lại cuộc sống bình thường à?
– Hẳn rồi. Cần phải cái gì nữa?
– Anh có hiểu không? Đời sống giản dị nếu người ta chỉ nghĩ đến những cái giản dị. Anh có quần áo dân sự không?
– Không. Đồ đạc của tôi ở cả dưới đống gạch đường Haken.
– Để tôi cho anh mượn.
Graber nhìn qua cửa sổ qua sân trại. Lính mới đang tập đi, tập chào, tập cầm súng. Y nói:
– Nghĩ cũng kỳ. Ở ngoài mặt trận thì tôi nôn nóng về nhà là cởi ngay bộ đồ nhà binh ra trở về làm dân sự; nhưng bây giờ thì tôi chẳng thiết nữa.
– Như thế nghĩa là anh sẽ mòn đời làm hạ sĩ quan. Anh chàng đánh bài vừa ăn từng miẹng xúc xích lớn vừa nói: Anh nghỉ phép mà cũng chẳng biết làm gì. Những người được nghỉ phép toàn là những người như anh cả.
Nói rồi anh ta quay lại với ván bài. Anh ta vừa thua bốn bảng cho Rummel. Sáng nay thầy thuốc vừa cho anh ta biết có đủ sức khỏe để ra trận. Sự không may đó làm cho anh ta chua chát.
Graber đứng dậy.
– Anh đi đâu thế?
– Ra phố, bỏ thư và tiếp tục tìm kiếm.
– Dù sao thì cũng chớ nên quên rằng anh đang nghỉ phép và phép chỉ có hạn.
– Không sao. Graber nói vậy nhưng không vui lắm.
Reuter, người hạ sĩ bó chân, nhẩc cẳng lên đặt xuống đất mà rằng:
– Anh nên nghe tôi. Rán mà tìm ông bà cụ đi nhưng cũng đừng quên nên vui chơi một chút. Còn lâu mới đến ngày nghỉ phép sau.
– Tôi biết, tôi biết. Từ đây đến ngày ấy không thiếu cơ hội để treo giò vĩnh viễn.
– Ừ, anh biết rõ thế thì hay rồi.
Graber đi ra phía cửa. Đám đánh bài nhao nhao lên vì Rummel lại vơ cả làng. Y còn nghe thấy họ kêu:
– Thật là uổng. Nó ăn hết thế mà chẳng thấy nó vui sướng tí nào!
– Graber
Y quay lại. Một người mập lùn đồng phục mật vụ nhìn y mỉm cười. Y phải cố gắng nhớ lại xem anh chàng má bánh đúc hồng hào, mắt mầu hạt dẻ, miệng cười hềnh hệch này là ai.
– Binding! Alfons Binding!
– Gặp anh thật là may!
Binding tiến lại đưa tay ra:
– Trời ơi! Đến hàng thế kỷ nay không thấy mặt đâu cả. Anh ở đâu về đây.
– Bên Nga
– Nghỉ phép hả? À phải ăn mừng mới được. Đến tôi đi tôi ở gần đây. Rượu “cô-nhắc” của tôi tuyệt hảo. Mấy khi có người bạn học ở mặt trận về! Tôi sẽ giữ anh ở với tôi không cho đi đâu cả.
Graber nhìn bạn, Binding đã học cùng với y trong nhiều năm, nhưng y quên bẵng đi. Một hôm y ngẫu nhiên biết tin Binding đăng vào lính mật vụ. Bây giờ Binding đứng trước mặt y, y phục mới tinh, giầy bóng lộn, người vui vẻ nhẹ nhõm.
– Anh quyết định đi, đến nhà tôi cho vui.
Graber lắc đầu:
– Tôi không có thời giờ.
– Gì thì cũng bớt được chút ít thì giờ đến uống vài ly với bạn cũ chứ.
Bạn cũ! Graber ngắm bộ đồng phục và phù hiệu mật vụ. Quả là Binding đã biết dùng thời giờ của mình để làm được cái gì! Nhưng nghĩ lại, y có thể nhờ Binding tìm giúp tin tức cha mẹ. Có lẽ anh ta biết những nơi chỉ có người trong Đảng mới biết.
– Vâng thì đi, tiếc rằng chỉ đủ thời giờ uống một ly “cô-nhắc”.
– Thôi đi, đi ngay!
 
Binding ở xa hơn chỗ anh ta nói. Anh ta ở ngoại ô, trong một căn nhà quét vôi trắng ở giữa một mảnh vườn yên tĩnh sau một hàng cây. Chuồng chim, đặt trên các cành cây, xa xa vẳng tiếng róc rách một dòng suối.
Binding đi trước, y vào nhà. Ngoài hành lang bày biện sừng hươu, da lợn lòi, đầu gấu. Graber ngạc nhiên:
– Tôi không ngờ anh là tay thiện xạ!
Binding cười lớn:
– Anh tưởng thế chứ! Tôi có sờ đến khẩu súng bao giờ đâu! Đây chỉ là đồ trang trí thôi. Coi cũng đẹp chứ anh! Có ra vẻ Nhật Nhĩ Man không?
Y kéo Graber vào một căn phòng căng thảm khắp nhà. Trên tường treo những khung ảnh thiếp vàng. Ghế bành bọc da để xung quanh một cái bàn thấp.
Binding ra vẻ tự đắc mà rằng:
– Anh thấy thế nào? Có vẻ thân mật ấm cúng không?
Graber gật đầu. Đảng cũng nghĩ đến người có công lắm chứ. Binding là con một người bán sữa. Cha mẹ cực nhọc mới chạy được tiền cho con học.
– Anh ngồi xuống đây. Bức họa của Rubens này anh thấy thế nào?
– Cái gì?
Thanh Rubens. Khúc dăm bông hồng trên cái dương cầm kia kìa.
Bức họa vẽ một người đàn bà khỏa thân mũm mỉm đứng ở bờ ao. Mớ tóc óng ánh vàng, mặt trời chiếu ánh lửa trên cái mông vĩ đại. Y nghĩ thầm: “Thằng Bottcher phải được con mụ này mới vừa lòng”.
– Đẹp lắm.
– Đẹp lắm à? – Binding không giấu nổi sự thất vọng – Anh biết không? Một tác phẩm siêu tuyệt đó! Một người bán tranh cho các ông lớn đã để lại cho tôi. Nhờ có người giới thiệu tôi mua được rẻ. Anh không thích lắm à?
– Thích chứ, nhưng tôi không hiểu nghệ thuật mấy. Tôi biết có người sẽ trở nên ốm đau nếu trông thấy bức tranh này của anh.
– Tôi thật ư? Một người sưu tập tranh à?
– Không phải, nhưng y chuyên về Ruhens.
Binding vui sướng.
– Thật là hân hạnh cho tôi. Thật tôi cũng không ngờ rằng mình lại có ngày trở thành nhà sưu tập họa phẩm. Nhưng bây giờ anh hãy nói cho tôi biết anh thế nào, anh làm gì, tôi có thể giúp anh cái gì. Tôi có những chỗ quen biết của tôi.
Y cười đắc ý.
Dẫu sao Graber cũng cảm động vì tình thân hữu của bạn. Lần thứ nhất từ lúc về đây y gặp một người đề nghị giúp mình cách thẳng thắn:
– Anh giúp tôi tìm kiếm cha mẹ. Cha mẹ tôi đã mất tích. Có lẽ đã đi với một đoàn công voa nào bây giờ ở quanh vùng. Bây giờ làm thế nào tìm được?
Binding ngồi phưỡn ra trên ghế bành gần chiệc bàn nhỏ. Đôi giày láng bóng lắc lư.
– Nếu không còn ở trong tỉnh thì cũng khó. Tôi sẽ ráng đi hỏi thăm tin tức. Cũng mất vài ngày hay hơn nữa. Cái đó còn tùy ông bà cụ ở nơi nào, anh cũng biết bây giờ cái gì cũng đảo lộn lung tung.
– Tôi cũng biết thế.
Binding đến một căn tủ lấy ra một chai rượu và hai cái ly.
– Làm một ly đã. Đây là “a-ma-nhắc” chính cống, tôi thích hơn “cô-nhắc”. Nào cụng ly!
– Mừng anh.
Binding rót rượu lần thứ hai.
– Bây giờ anh ở đâu? Ở nhà họ hàng?
– Tôi không có ai thân thích trong tỉnh. Tôi ở trại.
Binding vội đặt ly xuống.
– Ở trại à? Có mà điên! Nghỉ phép mà lại ở trại? Đến đây ở với tôi. Đây có chỗ cho cả hai người. Buồng ngủ, buồng tắm, đầy đủ tiện nghi.
– Vậy ra anh ở một mình!
– Thì một mình! Anh tưởng tôi lấy vợ rồi hẳn? Đâu đến nỗi ngu muội như thế. Đã có địa vị như tôi thì không thiếu gì “đàn bà”.
Y nháy mắt chỉ cái ghế bọc da ở trong cùng.
– Cái đi-văng kia đã chứng kiến những gì? Xin nói cho anh biết có cô quỳ xuống mà cầu khẩn tôi.
– Sao lại có thể thế được?
– Quỳ gối thực sự! Mới hôm qua, một bà thượng lưu trí thức, tóc bạch kim, ngực như trái núi, áo lông thú, đến đây lạy van tôi xin cho chồng ra khỏi trại tập trung. Bà ta có thể làm bất cứ cái gì.
Graber mở to mắt:
– Anh có thể làm thế được à?
– Tôi có thể đưa người vào đấy được. Nhưng đưa ra lại là một việc khác. Nhưng dĩ nhiên tôi không nói cho ai biết? Thế sao? Anh có đến ở với tôi không? Anh thấy đấy, tôi không thớ lợ khách sáo gì?
– Cám ơn anh, nhưng tôi không thể bỏ trại bây giờ được. Tôi đã gửi địa chỉ ấy đi khắp mọi nơi rồi, sợ nếu có tin tức gì của cha mẹ tôi. Tôi phải đợi thư trả lời.
– Được rồi. Hẳn việc của anh thì anh phải biết hơn tôi. Nhưng chớ quên rằng ở đây vẫn có căn phòng ngày đêm đợi anh. Cơm nước thì đàng hoàng quá rồi còn phải nói.
– Vâng, cám ơn Binding.
– Không có gì. Chúng ta là bạn cũ phải sát cánh với nhau. Anh vẫn cho tôi chép bài mà. À anh có nhớ thầy Burmeister không?
– Giáo sư toán?
– Chính thị! Lão chó má đã đuổi tôi năm học đệ nhất vì chuyện với con Lucie Edler. Anh nhớ không?
– Nhớ chứ.
Graber nói vậy chớ chẳng nhớ gì hết.
– Tôi đã lạy van lão đừng tố giác tôi. Nhưng lão ta nghiệt quá chừng, lão nói đến bổn phận với đạo đức, tôi không còn nhớ gì nữa! Ba tôi đánh tôi suýt chết vì chuyện ấy.
Binding nhắc lại tên Burmeister một cách khoan khoái.
– Tôi đã bắt lão ta phải trả nợ thật nặng. Sáu tháng tập trung. Trời! Nom thấy lúc lão ta ra mới ớn! Thấy tôi đàng xa đã đứng nghiêm chào, sợ tôi đến vãi cứt té đái. Lão đưa tôi lên, tôi hạ xuống. Công thức này kể cũng kỳ!
– Kỳ thật.
Binding cười hoài.
– Anh thấy không, chuyện này làm tôi ấm lòng. Vào Đảng có cái hay là có thể chơi được những cú thích thú như vậy.
Graber đứng dậy.
– Đã đi rồi à?
– Phải đi chứ sao. Không ngồi đâu được yên!
Binding cho là y nói phải. Bất thần Binding trầm ngâm.
– Tôi hiểu. Tôi rất buồn vì những chuyện ấy. Anh có tin tôi không?
– Tôi tin anh. Tôi là bạn anh.
Graber còn chút thì giờ nên muốn dùng cho được việc.
– Vài ngày nữa thì tôi đi.
– Vậy thì chiều mai nhé, hay tối mai. Thôi cứ cho là khoảng năm giờ rưỡi chiều.
– Vâng, năm rưỡi. Anh cho rằng có thể biết được gì không?
– Có lẽ biết, để xem. Nhưng dẫu sao cũng có dịp uống với nhau một ly. À anh đã đến các bệnh viện chưa?
– Rồi.
Binding gật đầu.
– Dĩ nhiên, đây tôi nói một thể thức không tránh được, anh đã đến nghĩa địa xem chưa?
– Chưa
– Vậy thì phải đi, mình cứ cẩn thận đi khắp nơi xem, biết bao nhiêu người chết chưa khai tử.
– Mai tôi đi.
– Được rồi. Ngày mai trở lại đây lâu hơn một chút nghe! Bạn cũ, mình phải sát cánh với nhau. Anh không thể biết được sống ở vị trí tôi thật là cô đơn. Người ta đến thăm mình chỉ để cầu cạnh xin xỏ.
– Thì tôi cũng vậy, tôi đến để nhờ vả.
– Anh thì khác. Tôi muốn làm vui lòng bạn.
Binding cầm lấy chai rượu, đâm mạnh cho thụt nút xuống rồi đưa cho Graber
– Anh mang nó theo đi, có lúc cần đến nó.
Anh ta mở cửa gọi:
– Bà Kleinert, cho tôi mảnh giấy!
Graber cầm chai rượu, nhưng còn lưỡng lự.
– Tôi thấy không cần.
Binding vội nói:
– Cần chứ. Trong hầm nhà tôi còn cả đống.
Anh ta đón lấy tờ giấy gói cái chai.
– Thôi, chúc anh may mắn và chớ nãn chí! Đến chiều mai.
 
Graber trở về đường Haken. Chuyến gặp gỡ làm y hơi bất bình. “Một anh mật vụ. Người thứ nhứt tỏ ra hết lòng với mình, cho ta ăn uống tử tế lại là một anh mật vụ!”. Y nhét chai rươu vào bị.
Trời. Bắt đầu tối xuống. Trên màn phòng sáng xà cừ ấy hình thù cây cối hiện ra từng lốt đen đen lấm tấm châm kim. Hoàng hôn phớt xanh lơ dần dần phủ nhẹ lên những đống gạch đá điêu tàn.
Graber dừng lại trước cái cửa đặt nhưng biển ghi tin tức. Biển của y đã biến mất. Trước y cho rằng gió đã cuốn đi; nhưng nếu gió cuốn đi thì đinh ghim phải còn lại. Đằng này đinh ghim cũng mất luôn, chắc phải có người tháo ra.
Tim y đập dồn dập. Y vội vàng đọc các biển ghi lời nhắn, hy vọng tìm ra câu gửi cho mình. Không có gì cả. Y chạy đến nhà mình. Bản tin thứ hai của y vẫn còn đó. Không có ai đụng đến, không có tin nào gởi cho mình.
Y kinh ngạc đứng lên. Bấy giờ y mới nhận thấy cái gì trăng trắng gió thổi bay xuống thềm ở dưới thấp. cầm lấy xem thì là bức thư của mình. Hẳn là có người bóc ra. Bên lề thấy ghi chữ “ăn cắp” thật lớn.
Mới đầu y không hiểu. Nhưng rồi y nhận ra rằng hai cái đinh ghim lấy ở bức thư cạnh đấy lại được ghim vào chỗ cũ. Vậy ra tác giả bức thư ấy đã thu hồi gia sản của mình và cho y một bài học. Lúc đau khổ, con người hết cả rộng lượng.
Y tìm hai hòn đá đẹp. Chặn bức thư của mình trên thềm cửa, rồi trở vào nhà cha mẹ.
Đến trước đống gạch đá, y nhận thấy có một vài sự thay đổi. Cái ghế bành bọc nhung đã biến mất. Hẳn là có người mang đi. Ở chỗ y đứng, có vài tờ nhật trình lẫn vào đống gạch vụn. Y leo lên lấy ra xém. Đó là những tờ nhật báo ra buổi chiều đã rách, giấy đã ố vàng. Trên trang nhất, những hàng tít lớn phô trương các cuộc chiến thắng. Y quăng đi rồi tìm nữa, bỗng thấy một cuốn sách bị kẹt xuống dưới hai cái rầm nhà. Y nhận ra là cuốn sách của mình hồi nhỏ, ngoài trang đầu có viết tên mình đã lem nhem. Y nhớ lại đã viết mấy chữ này hồi mới mười hai mười ba tuổi.
Đó là cuốn sách thánh giáo yếu lý dạy trong những giờ học tôn giáo. Cuốn sách sưu tầm một số lớn câu hỏi có giải đáp cẩn thận. Trang nào cũng ghi chép, y còn nhận ra nhiều điều chính tay mình đã ghi vào lề. Kỷ niệm tuổi thơ xô nhau ào đến. Tất cả đểu bị rung chuyển đến nền móng, y không thể nói rõ sự đảo lộn ấy là thành phố bị tàn phá nằm trơ trụi dưới trời hoàng hôn này hay là quyển sách nhỏ kia với lời giải thích những vấn đề đặt ra cho nhân loại, giải thích một cách giản dị, nhưng chân lý hiện ra một cách hiển nhiên.
Y đặt quyển sách xuống và tìm kiếm thêm. Không thấy gì khác, không thấy một đồ vật nào của cha mẹ y dùng. Không có gì lạ, nhà y ở lầu hai đồ đạc chắc vùi sâu dưới gạch vụn. Chắc là quyển sách kia bị tung lên trời trong lúc bom nổ, sau đấy mới là là bay xuống, “như một con bồ câu trắng”, con bồ câu trắng cô đơn, con chim hòa bình và đáng tin cậy giữa một cảnh tối đêm khói lửa, cửa nhà tan, máu sông xương núi.
Y dừng lại một lúc lâu, lật vài trang giấy như có một mãnh lực vô hình biết đọc những trang sách đó.
“Thượng đế có uy quyền tuyệt đối, lòng nhân từ và tình thương vô biên, sáng tạo và làm chúa tể vạn vật…”
Đêm đã xuống. Không có một ánh lửa nào. Graber đi qua công trường Kali. Đi quanh một cái hầm núp, xuýt nữa thì đụng vào một người đi qua. Một sĩ quan trẻ ra vẻ vội vàng. Người… này tức giận gầm lên:
– Không có mắt à?
Graber nhìn người lạ:
– Xin lỗi anh Luwig, lần sau tôi sẽ cẩn thận.
Viên sĩ quan ngó và nở một nụ cười:
– Graber! Anh ở đây! Làm gì ở đây? Nghỉ phép à?
– Nghỉ phép. Còn anh?
– Tôi hết phép rồi. Tối nay phải đi đây, vì thế nên vội vàng.
– May mắn, tốt đẹp?
– Nhì nhằng… Anh hiểu tôi chứ. Nhưng đến lần sau tôi sẽ khác. Tôi chẳng cho ai biết, tôi sẽ đến một nơi biệt tích. Thà cái gì thì cái còn hơn về nhà.
– Sao vậy!
Ludwig nhăn mặt:
– Ông bà già tôi! Cha mẹ tôi già rồi, gàn quá đi mất! Làm uổng cả mấy ngày phép. Anh ở đây bao lâu rồi?
– Bốn ngày.
– Cứ đợi xem rồi biết.
Ludwig quẹt điêm định đốt thuốc. Gió thổi tắt. Graber đưa cái bật lửa. Ngọn lửa soi sáng khuôn mặt gầy guộc và cương nghị của Ludwig.
– Các cụ cứ cho mình là con nít. Đi đâu một tối về hôm sau nom mặt bà già mà rùng mình. Cứ phải ở nhà suốt ngày đêm với các cụ thì mới yên thân. Đối với mẹ tôi thì tôi vẫn mới có mười ba mười bốn tuổi. Tuần đầu mẹ tôi khóc hoài vì mừng tôi trở về, tuần sau bà khóc ròng vì tôi sắp ra đi. Thật là khổ!
– Còn ba anh? Ông cũng có ra trận hồi đệ Nhất Thế chiến mà!
– Có, nhưng ổng quên rồi. Đối với ba tôi thì tôi là người hùng, ổng muốn đem tôi đi khoe khắp mọi nơi. Ổng là người của thế hệ trước. Nhưng ổng không hiểu thế cho. Anh liệu mà đừng để mấy ngày phép của anh cùng chung số phận với tôi.
Graber ra bộ tán đồng. Ludwig lại hỏi:
– Ông bà già thì vẫn hết lòng với con cái đấy. Thôi thì chăm nom săn sóc từng ly từng tý, ấy thế mới chết người ta chứ! Mình chỉ có một cửa chỉ chống lại thôi cũng thấy mình đắc tội, thấy mình bất hiếu rồi.
Ludwig đưa mắt dõi theo một người đàn bà đi qua, đôi bít tất trắng lồ lộ trong chỗ tối mờ.
– Thế mấy ngày phép tiêu tan. Chỉ còn được một cái là van lạy mãi ông bà mới không kèm mình ra ga. Mà cũng chưa chắc gì, biết đâu đến nơi lại không thấy hai cụ ở đấy rồi.
Y cười: “Khôn hồn thì anh tính trước cho đâu vào đó đi đã. Ít ra cũng giành lấy buổi tối là của mình. Bịa ra chuyện gì đi, đi có việc, bất cứ cớ gì cũng được nếu không thì lại như cảnh tôi. Mình vẫn là học trò Đệ Thất”.
– Tôi tưởng địa vị tôi khác không giống thế.
Ludwig bắt tay y.
– Anh mong thế à! Mong rằng anh sẽ may mắn hơn tôi! Mà anh đã về nhà chưa?
– Chưa.
– Đừng về. Tôi đã tính sai. Thật là chán ngấy. Họ đã ngưng chức ông thầy đứng đắn duy nhất của mình rồi. Thầy dạy về Tôn giáo đó, ông Pohlmann, anh nhớ không?
– Nhớ chứ! Tôi muốn đến thăm thầy.
– Đừng đến. Thầy có tên trong sổ đen. Quên đi là hơn, đừng trở lại quá khứ! Đời sống ngắn ngủn.
– Phải đó, đời sống vinh quang, ăn ngủ, ở, tắm, giặt, xuất ngoại và chôn cất với tiền của Nhà nước.
– Sự bẩn thỉu đẹp đẽ! Biết có gặp nhau nữa không?
Ludwig cười rồi biến vào trong tối.
Graber tiếp tục đi. Y không biết làm gì bây giờ. Thành phố đen thui. Không thể tìm kiếm gì được nữa. Y nhận thấy mình phải võ trang bằng sự kiên nhẫn. Y nghĩ đến buổi tối dài dằng dặc mà ngại. Còn sớm quá, về trại làm gì; y không muốn đến nhà những người quen biết. Họ chăm nom hỏi han là y khó chịu. Mỗi lần đi khỏi y cảm thấy họ nhẹ người đi khỏi ngồi tiếp mình.
Y nhìn những mái nhà thủng lỗ, nghiền nát. Về đây y đợi gì? Một chỗ yên tịnh xa chiến trường, một mái nhà ấm cúng, một sự ấm lòng, một chốn an toàn? Có lẽ. Nhưng hòn đảo hy vọng đã chìm trong chết chóc, điêu tàn phi lý từ lâu. Chiến tranh đã lan ra khỏi mặt trận, đã lan rộng khắp nước, chiến tranh đã xâm nhập vào tư tưởng và tâm hồn con người.
Y dừng lại một rạp chiếu bóng rồi bước vào. Trong phòng đỡ tôi hơn bên ngoài. Nghĩ cho cùng thì ngồi đợi ở đây còn hơn vơ vẩn ngoài đường tối tăm hay bước vào một quán rượu.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.